Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khởi Tạo Bồ Đề Tâm

18/12/201006:11(Xem: 8226)
Khởi Tạo Bồ Đề Tâm

 

ducdatlailatma-philaSự khởi tạo của Bồ-đề tâm , tức là tâm tỉnh giác, có được do kết quả của lòng từ bi, sự mong muốn nhận lấy trách nhiệm làm tốt cho mọi người. Trong hầu hết thời gian, thái độ yêu thương của chúng ta dành cho người khác đều có liên hệ đến trói buộc, quyến luyến. Nhưng vẩn có thể có được một tình yêu thương không vướng chấp. Khả năng cảm xúc của ta ngay cả với một chút tình thương cũng có chức năng như là một hạt giống. Hạt giống này có thể ngày càng lớn lên và trở thành vô biên và nó là tình yêu không cục bộ hướng đến vô lượng chúng sinh hữu tình. Ta không chỉ nghĩ rằng: "xin cho con thoát khỏi đau khổ", mà còn có một ý nghĩ can trường, "xin cho họ được giải thoát khỏi đau khổ".

Một cách để phát triển Bồ-đề tâm là sử dụng truyền thống Bảy Điểm Nhân Quả. Đó là:

1. Bình đẳng
2. Nhớ lại lòng tử tế của mẹ hiền.
3. Ước muốn để đền đáp lòng tử tế đó.
4. Yêu thương.
5. Từ bi.
6. Trách nhiệm to lớn để hoàn thành lợi ích chúng sinh hữu tình.
7. Bồ-đề tâm, con tim tỉnh giác hay tâm thức giác ngộ.

Trước tiên ta phải nuôi dưỡng thái độ công bằng hay bình đẳng. Nếu trồng ngũ cốc và muốn thu hoạch được tốt đẹp thì bạn cần có đất tốt. Đất không tốt thì ngũ cốc sẽ không phát triển. Tương tự, chúng ta xác lập một cơ sở của sự bình đẳng như là đất tốt cho cánh đồng bồ-đề tâm. Hiện tại ta cảm thấy lòng yêu thương hướng về những người gần gũi với mình. Ta có một phía yêu thương bạn bè và gia đình; và ta lại loại trừ tình yêu thương này đối với những kẻ thù. Tình yêu một phía này là một trở ngại cho tình yêu với sự bình đẳng. Ta nuôi dưỡng bình đẳng bằng cách hủy bỏ quyến luyến trói buộc của chúng ta vào những người mà ta cảm thấy gần gũi và hủy bỏ sự quay mặt của mình với những người mà ta giữ khoảng cách. Đây là điều giáo huấn đầu tiên.

Khi đã nuôi dưỡng được thái độ bình đẳng đối với tất cả, thì sau đó ta hãy xem toàn bộ chúng sinh hữu tình như là mẹ mình. Một cách tổng quát thì người ta gần gũi nhất đối với mẹ, nhưng ta có thể nghĩ như cha hay ông bà của chúng ta, người nào gần gũi nhất hay là người tử tế với ta nhất. Qua việc nhớ lại sự tử tế của người này, lòng biết ơn dậy lên trong ta, cùng với ước mong được báo đáp lại lòng tử tế đó. Sau đó ta mở rộng cảm giác này bao trùm lên toàn bộ chúng sinh hữu tình. Ta trả về sự tử tế của họ bằng tình yêu và lòng từ bi, tức là, ước mong rằng họ được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau.

Bước tới là cảm xúc rằng mình muốn đem lại lợi ích cho tha nhân. Ta muốn xóa bỏ khổ đau của họ. Trách nhiệm này có ý nghĩa là con tim tỉnh giác, là tâm thức giác ngộ, là bồ-đề tâm, là điều mà chúng ta đang mở rộng. Ta phải hiểu rằng điều này không chỉ là việc giúp đỡ tha nhân. Chúng ta cũng giúp đỡ chính mình. Điều đó gọi là "bội phần lợi lạc". Giúp đỡ tha nhân là cách thức để ta thành tựu giải thoát.

Một phương pháp khác để khởi tạo Bồ-đề tâm là hoán chuyển chính mình với người khác hay nhận diện chính mình là người khác [hoán chuyển ngã tha]. Điều này xoá bỏ được xu hướng cảm giác quyến luyến bám chấp vào chính mình. Chúng ta đều như nhau, đều không muốn khổ đau, và đều mong hạnh phúc. Mọi người có cùng một quyền để được tránh khỏi đau khổ và đạt tới hạnh phúc. Về phương diện này, chúng ta đều hoàn toàn giống nhau. Vậy nên không có lý do nào để phân biệt ta - người. Đây là điểm chính yếu, khi ta ước muốn để đạt hạnh phúc cho chính mình, thì ta nên ước muốn thành tựu hạnh phúc cho người khác. Ta không nên hoàn toàn loại bỏ sự lưu tâm đến chính mình. Nhưng ít nhất ta nên chăm sóc cho những người khác hơn chính ta. Một phương pháp tốt để nuôi dưỡng thái độ này là tonglen, cho và nhận, một thực hành mà ở đó ta quán tưởng là mình lấy đi đau khổ của người khác và gửi ra những gì làm dịu niềm đau của họ.

Một số người có thể nghĩ rằng: "Tôi không cần phải làm vậy, tôi chỉ muốn hạnh phúc cho riêng mình". Với thái độ này, ta chỉ đạt tới hạnh phúc tạm thời, một loại niết bàn một phía mà sẽ không dẫn tới tỉnh giác lâu bền. Trong khi với động lực có từ sự lưu tâm đến tha nhân, chúng ta cuối cùng sẽ đạt tới trạng thái chánh giác, phật quả. Và không những thế, trên dọc đường ta cũng tự động đến được với hạnh phúc. Do đó ước muốn lợi ích cho tha nhân không chỉ là thái độ lành mạnh. Nó là con đường duy nhất để chúng ta có thể lợi ích cho chính mình. Hãy nghĩ kỹ điều này.

Hai loại rèn luyện tâm thức nêu trên dẫn tới cảm giác gần gũi với tất cả chúng sinh, và một ước nguyện mạnh mẽ để giải thoát họ vĩnh viễn khỏi khổ đau. Lòng từ bi của chúng ta định đoạt cho việc mở rộng trách nhiệm của mình; việc mở rộng trách nhiệm của chúng ta lại quyết định cho sự mở rộng của tâm tỉnh giác. Dĩ nhiên, sự truy lùng cho hạnh phúc vĩnh hằng này phải được hỗ trợ bởi trí huệ, tức là hiểu biết về tính Không. Nếu sự rèn luyện của chúng ta trong việc hoán chuyển ta - người được hỗ trợ bởi hiểu biết về tính Không, thì nó sẽ rất mạnh mẽ.

Việc khởi tạo bồ-đề tâm đặt trên lợi ích tha nhân. Để thành tựu trạng thái chánh giác cho lợi ích tha nhân, chúng ta khởi động thực hành Lục độ hay Sáu Paramita (Ba-la-mật). Chữ paramita có cả ý nghiã làm thành tuyệt hảo và được là tuyệt hảo. Các hạnh Ba-la-mật đều là siêu việt vì chúng đều truyền dẫn tới hiểu biết của hạnh Ba-la-mật cao nhất, tức là trí huệ. Điều khác nhau giữa các hạnh Ba-la-mật và việc làm thông thường về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, vân vân chính là nhận thức về tính Không của các hiện tượng. Nếu chúng ta thực hành tốt tất cả các hạnh Ba-la-mật thấp hơn nhưng trí huệ của chúng ta bị sai lạc thì toàn bộ nổ lực xem như uổng phí.

Một mặt các hạnh Ba-la-mật là giai đoạn kết quả, ở đó, chúng được hoàn tất hay tối hảo tại quả vị Phật. Mặt khác chúng là hành động của một bồ-tát trên lộ trình tu tập đến tỉnh giác hoàn toàn. Các hạnh Ba-la-mật đứng trước thì bình thường hơn và các hạnh Ba-la-mật đứng sau thì đặc biệt hơn. Hạnh đứng trước dẫn tới hạnh kế sau. Bố thí, tức là cho đi vật chất tốt đẹp mà không có trói buộc quyến luyến sẽ dẫn tới giới hạnh thuần khiết [hạnh trì giới]. Khi có được giới hạnh thuần khiết, bạn trở nên nhẫn nhục Nhẫn nhục là phần khả năng để đối diện với các khó khăn, vậy nên một người sẽ không trở nên chán nản hay lười biến hay trể nải nhiều thứ. Sự tinh tấn này hỗ trợ cho chánh định, điều sẽ dẫn tới trí huệ. Hạnh thấp hơn sẽ dẫn tới cái cao hơn; cái thô hơn sẽ dẫn tới cái vi tế hơn. Lối đi từ thực hành bố thí cho đến thực hành trí huệ biểu thị một sự thuần khiết dần dà của bồ-tát. Mỗi hạnh trong lục độ bao hàm tất cả những hạnh khác. Đây là những điều nên được thực hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]