Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổng Kết

16/12/201017:10(Xem: 9380)
Tổng Kết

 

ĐƯỜNG TU KHÔNG HAI
KINH DUY MA CẬT GIẢNG LUẬN
Minh Tâm
Nhà Xuất Bản Thanh Văn - USA 1991

TỔNG KẾT

Đức Phật ra đời chỉ vì nguyện lớn hóa độ chúng sinh đưa vào trí huệ lớn lao vô thượng, đồng với Phật không khác. Muốn vậy Đức Thế Tôn chỉ dẫn cho chúng sinh biết con đường chân chánh mà đi theo, thẳng tới mục đích. Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là mở bày và chỉ rõ cho chúng sinh tỏ ngộ và chứng nhập Phật Tri Kiến hay Chân Lý (Khai, Thị, Ngộ, Nhập), khi hoàn mãn thì đại sự nhân duyên ra đời của Phật mới xong. Phật dùng nhiều phương tiện tùy căn cơ giáo hóa khiến cho mọi loài chúng sinh đều được lợi ích.

Kinh Duy Ma Cật thuộc thời Phương Đẳng, là nhịp cầu nối tiếp giữa tư tưởng các bộ phái Nam Tông bước sang Đại Thừa Bắc Tông, đưa người tu hạnh Thanh Văn sang con đường lớn của Bồ Tát và Phật. Kinh này thuộc quyền giáo, dùng các thí dụ để đưa ra Chân Lý tuyệt vời mà danh từ ngôn ngữ không diễn tả nỗi, Kinh này nói cho hàng Bồ Tát và các đệ tử đã phát tâm Bồ Đề nghe, tả rõ cảnh giới cao siêu mà tri thức phàm phu khó tin khó hiểu.

Mười bốn phẩm của Kinh Duy Ma Cật được ví như mười bốn bông hoa tươi thắm nhiều mầu nhiều hương thơm khác nhau, mỗi phẩm luận giải một vấn đề đặc biệt. Nhưng nếu để rời rạc thì e khó nắm được ý chính của Kinh muốn nhấn mạnh đến việc gì nên chúng tôi thêm phần tổng kết để tóm lược và kết hợp các tư tưởng lại thành nội dung chủ yếu của bộ Kinh này, ví như dùng một sợi dây để kết mười bốn bông hoa thành một tràng hoa để trang nghiêm đạo tràng.

Sau đây là tóm tắt cương yếu từng phẩm:

Phẩm I.- Sự thấy biết của chúng sinh nông cạn sai lầm, không đúng đắn. Cõi Ta Bà vẫn thanh tịnh mà chúng sinh không thấy đó thôi; cứ tưởng là xấu ác. Tất cả do Tâm tạo, vậy cần phải đổi lại cái thấy xét lại quan niệm.

Phẩm II.- Đề cao phương tiện đưa đến cứu cánh. Ông Duy Ma Cật dùng phương tiện thị hiện làm Trưởng Giả ở Thành Ty Xá Li để độ chúng sinh, thị hiện thân có bệnh để độ hàng Thanh Văn.

Phẩm III.- Các Thanh Văn công nhận sự thua kém của mình đối với ông Duy Ma Cật.

Phẩm IV.- Các Bồ Tát tu theo Duy Thức hoặc mới phát tâm đều không bì kịp trí huệ của ông Duy Ma Cật.

Từ phẩm I đến phẩm IV là phần Khai Phật Tri Kiến, mở bày Chân Lý, giới thiệu ông Duy Ma Cật có trí huệ siêu việt hơn các hàng đại đệ tử Thanh Văn và các hàng Bồ Tát mới phát tâm.

Phẩm V.- Rất quan trọng. Hai loại Trí gặp nhau, Căn Bản Trí hoặc Vô Sư Trí của ông Duy Ma Cật đối thoại với Hậu Đắc Trí hoặc Hữu Sư Trí của Ngài Văn Thù Sư Lợi. Căn Bản Trí thù thắng hơn Hậu Đắc Trí.

Phẩm VI.- Hàng Thanh Văn phải quy y với Tu Di Đăng Vương Như Lai nghĩa là phát huy trí huệ, thắp sáng ngọn đèn huệ sẵn có trong tâm thì mới hiểu được giáo lý Đại Thừa, vì đó là pháp không thể nghĩ bàn, bỏ tướng để nhập Tánh.

Phẩm VII.- Phá chấp ngã chấp pháp, không trụ vào đâu.

Phẩm VIII.- Bề ngoài là nghịch tướng, bề trong là Phật Đạo, nhưng không còn phân biệt, tất cả là một.

Từ phẩm V đến phẩm VIII là phần Thị Phật Tri Kiến, chỉ thẳng trí huệ vô phân biệt, vô chấp.

Phẩm IX.- Các Bồ Tát đều đã hiểu và thực hành lý Bất Nhị, mỗi vị dùng một đường lối tu hành khác nhau nhưng tựu trung đều nhập vào Pháp Môn Không Hai. Ngài văn Thù vốn đã thâm nhập và hiểu lý Bất Nhị lìa danh từ ngôn ngữ, nhưng vẩn còn nói ra là xa lìa. Đến ông Duy Ma Cật im lặng mới thật là nhập Pháp Môn Không Hai.
Phẩm IX này là phần Ngộ Phật Tri Kiến, các Bồ Tát trình bày sự tỏ ngộ của mình, duy có ông Duy Ma Cật im lặng vì nói không được sự tỏ ngộ của mình, bặt văn tự ngữ ngôn tâm duyên.

Phẩm X.- Đừng dùng sự hiểu biết nông cạn của Thanh Văn mà phán đoán hành động của Bồ Tát; Thể Tánh bao dung tất cả rnọi tướng trạng, chẳng còn phân biệt lớn nhỏ nhiều ít.

Phẩm XI.- Thần lực tự tại của Bồ Tát, hàng Thanh Văn không thể lấy ý mà tính được, không phải suy nghĩ mà lường được. Đừng chấp tướng. Cần phải tu Không, Vô Tướng, Vô Tác.

Phẩm XII.- Trở về Bản Thể Bất Động, từ đó phát sinh các sắc tướng, đó là Chân Không phát sinh Diệu Hữu.

Phẩm XIII.- Pháp cúng dường hơn tài cúng dường, đề cao sự quan trọng của tinh thần hơn vật chất.

Phẩm XIV.- Đừng khinh người mới học mới tu. Đừng chấp tướng phân biệt.

Từ phẩm X đến phẩm XIV là phần Nhập Phật Tri Kiến. Sau khi nói về Lý, Bản Thể tuyệt đối bất khả tư nghị, Đức Phật trở về Sự, chỉ dạy đường lối tu hành thực tiễn để vào Pháp Môn Không Hai.

Chủ yếu của Bộ Kinh Duy Ma Cật là đề cao Lý Bất Nhị, vào Pháp Môn Không Hai. Trong thời kỳ Phương Đẳng chuẩn bị tư tưởng sắp bước sang Đại Thừa, một số các đệ tử Phật tu hạnh Thanh Văn, thỏa mãn với những thành quả đạt được như A La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn nhờ thực hành pháp Bốn Diệu Đế, được ra khỏi sinh tử luân hồi. Các vị đó thấy có pháp môn tu, có quả vị chứng, tự giác tự lợi, cho là đủ rồi, không mong cầu tiến tu cao hơn nữa. Vả lại, các vị Thanh Văn thấy tu Bồ Tát Đạo rất khó khăn cực nhọc, chúng sinh vô biên, khổ đau vô tận, phiền não vô cùng, cõi Ta Bà xấu ác nhơ uế, tâm địa chúng sinh cang cường khó dạy khó bảo, Địa Ngục khổ vô gián, Niết Bàn là cõi an vui, nên các Ngài không kham khó nhọc lăn mình vào cõi trần để cứu độ chúng sinh, mà chỉ muốn trầm không thú tịch, một mình an hưởng Hữu Dư Y Niết Bàn, không có lòng mong cầu quả vị Phật.

Đức Thế Tôn thường thống trách các vị Thanh Văn, gọi họ là mầm thối giống nát, tro tàn lửa tắt, chẳng còn giúp ích gì cho ai, chỉ chuyên tự độ mà quên độ tha, chỉ chấp tướng trạng mà quên Pháp Tánh Bản Thể chung cùng của vạn vật. Tất cả chúng sinh đều khới sinh từ một nguồn gốc chung có liên hệ mật thiết với nhau, ràng buộc chặt chẻ với nhau không thể chia cắt, bứt dây động rừng. Đức Phật muốn đưa các vị Thanh Văn lên hàng Bồ Tát, muốn cho họ nếm mùi vị thơm ngon của Đại Thừa, nên nói ra một số kinh điền thuộc loại Phương Đẳng, dẫn từ tư tưởng Tiểu Thừa sang Đại Thừa, trong đó có Kinh Duy Ma Cật này.

Mặt khác, trước đây các Phật Tử tại gia cam phận thấp hèn, chỉ được hướng dẫn quy y cúng dường Tam Bảo, cầu phước báo Trời người, không dám mong được giác ngộ và giải thoát. Nay nhờ Kinh này chỉ cho con đường hành Bồ Tát Đạo, đường tu này chung cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Giới xuất gia có đường tu giải thoát là lẽ dĩ nhiên, cắt bỏ luyến ái, lìa nhà nhập chúng, trên cầu Phật Đạo, dưới độ chúng sinh. Giới tại gia từ trước đến nay không dám mơ tưởng mình cũng có đường, nay được Phật khai thị cho con đường giải thoát, mở sáng đôi mắt đui mù, thấy con đường chạy song song với đường của giới xuất gia, thật ra chỉ có một con đường mà thôi, một con đường duy nhất đưa đến Phật quả, đó là Nhất Thừa Phật Đạo, ai tu nấy chứng, ai đi nấy đến, không phân biệt xuất gia hay tại gia.

Trong bộ kinh này, Đức Phật đề cao Lý Bất Nhị, vào Pháp Môn Không Hai. Tại sao chẳng gọi là một mà lại gọi là Không Hai? Vì nếu nói một là ngầm có hai, nói Không Hai rõ ràng hơn, không ám chỉ một con số nào khác. Muốn vào Pháp Môn Không Hai thì cần phải bỏ Tướng nhập Tánh, bỏ phân biệt đối đãi mà thâm nhập huyền nghĩa của Kinh, ly ngôn ngữ, rời tâm duyên để chứng nhập Chân Như. Vào Pháp Môn Không Hai thì ly ngôn tuyệt tướng, chỉ còn một sự cảm thông trong im lặng tuyệt vời. Đây là chỗ ông Duy Ma Cật không nói, Ngài Ca Diếp mỉm cười. Vẫn biết lời nói hay chữ viết không diễn tả được Chân Lý tuyệt đối nhưng nếu không dùng lời nói hay chữ viết thì làm cách nào chỉ bày cho người khác hiểu, làm sao dạy dỗ khiến người khác tuân theo mà tu hành, cùng hưởng Đạo Vị. Do đó Đức Phật phải phương tiện hạ thấp giáo lý của Ngài, dùng nhiều thí dụ để dắt dẫn các đệ tử, rồi sau này chư Phật Tử phải tự lực tự giác rời bỏ phương tiện để thể nhập cứu cánh Chân Như, y như qua sông thì phải bỏ bè lại.

Kinh chưa phải Chân Lý, nhưng Kinh đưa đến Chân Lý, ví như ngón tay chỉ mặt trăng, thấy mặt trăng rồi thì không cần ngón tay, chứng nhập Chân Lý rồi thì lìa kinh, im lặng.

Đạo Phật chú trọng thực hành, không phải lý thuyết suông. Học kinh xong rồi thì phải mang những điều hay lẽ phải trong kinh ra áp dụng vào cuộc đời, hướng dẫn chúng sinh tu sửa thân tâm, tự giác giác tha, cùng thành Phật Đạo. Tôn chỉ của Kinh này là AI TU CŨNG ĐƯỢC, Ở ĐÂU TU CŨNG ĐƯỢC, chỉ cần chuyển Tâm là cảnh chuyển theo, cảnh nào tu cũng được, thuận cảnh hoặc nghịch cảnh đều tu được, chỉ cần tu tâm, vì TÂM TỊNH QUỐC ĐỘ TỊNH. Phật Pháp không cố định mà uyển chuyển thay đổi, tùy duyên áp dụng vào các trường hợp khác nhau, nhưng mục đích thì bất biến, đó là phát huy trí huệ sẵn có, quay về Tâm thanh tịnh sáng suốt để nắm tay tất cả chúng sinh, cùng tiến bước tới chỗ giác ngộ và giải thoát./.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]