Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngũ Giới

11/12/201016:22(Xem: 9346)
Ngũ Giới

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Tâm Minh Lê Đình Thám

NGŨ GIỚI

Ngũ giới là năm giới cấm của tín đồ đạo Phật. Một người đã phát nguyện quy y Tam bảo, không quy y thiên, thần, quỷ, vật, ngoại đạo và tà giáo và tổn hữu, ác đảng, thì đã thành tín đồ đạo Phật. Nếu một đời giữ phép Tam Quy này một cách nghiêm túc, không đi theo những dị đoan, mê tín, thì cũng được hưởng những nghiệp báo rất tốt.

Ngoài ra, những tín đồ đạo Phật, dầu là thiện nam tức là ưu-bà-tắc, hay tín nữ tức là ưu-bà-di, phát lòng tin chắc chắn về nhân quả, nghiệp báo và muốn tránh những điều dữ, thì nên phát nguyện giữ từ một tới năm giới cấm của tín đồ là bất sát, bất đạo, bất tà dâm, bất vọng ngữ, và bất ẩm tửu. Người giữ được một giới, trong năm giới, thì gọi là nhất phần Ưu-bà-tắc hoặc Ưu-bà-di, người giữ được hai giới thì gọi là nhị phần, cho đến người giữ được năm giới thì gọi là toàn phần Ưu-bà-tắc hoặc Ưu-bà-di. Nếu chưa phát nguyện giữ được giới nào, thì chỉ gọi là Tam quy Ưu-bà-tắc hoặc Ưu-bà-di.

Phật chia ra có nhiều hạng như thế, vì biết rõ căn cơ và hoàn cảnh của tín đồ, lắm khi không cho phép giữ đủ ngũ giới. Lại nếu thọ giới mà không giữ, thì có lỗi mà mất cả lợi ích của việc giữ giới.

Nên phân tích hành tướng của các giới thật rõ, để cho câc tín đồ tùy sức mà thọ giới và sau đó giữ giới cho nghiêm túc.

1. Giới bất sát: Giới bất sát của tín đồ là bất sát nhân, chứ không phải là giới bất sát sanh, nghĩa là tín đồ chỉ giữ giới không giết người, chớ không giữ giới không giết các sanh vật khác. Trước đây, nhiều người giảng nghĩa giới bất sát của tín đồ là bất sát sanh, thế là lầm qua Bồ-tát giới, một giới rất khó giữ, dành riêng cho những vị đã phát Bồ-đề tâm. Vẫn biết sát sanh cũng là điều ác, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày của tín đồ, khó mà giữ cho bất sát sanh được trọn vẹn, lại có người làm nghề nghiệp bắt buộc phải sát sanh hằng ngày. Đã thọ giới thì phải giữ trọn suốt đồi. Vì tất cả mọi người, bất cứ nghề nghiệp gì, đều phải có khả năng thành tín đồ đạo Phật, nên không chỉ định bất sát sanh là giới của tín đồ. Chính vì giới không giết tất cả các sinh vật rất khó giữ, nên các bậc Sa-di cũng chỉ giữ giới bất sát nhân, đối với các vị Tỳ-kheo thì giới bất sát chia làm hai phần: giới bất sát nhân thuộc đề tử khí, nếu phạm thì không được làm Tỳ-kheo nữa, còn giới bất sát sanh chỉ là một giới nhẹ, nếu cố ý phạm thì phải sám hối mà thôi. Vậy thì biết, giới của tín đồ là giới thấp nhất, chỉ có thế là giới bất sát.

Tất cả các pháp của Phật dạy, đều là những phương tiện hóa độ theo căn cơ của chúng sanh, nên Phật thuyết giới lúc nào cũng có mức, vì nếu quá mức thì trở nên có hại. Hiện nay, trong hàng tín đồ, nhiều người thọ Bồ-tát giới mà chưa phát Bồ-đề tâm, nên rốt cuộc, chẳng những không giữ được tâm giới mà cũng không giữ được thân giới và khẩu giới. Không tự xét mà thọ giới, rồi không giữ như vậy, thì phạm tội phỉ báng Pháp, rất có hại cho sự tu tiến.

Tín đồ đạo Phật đã thọ giới bất sát nhân, thì suốt đời phải giữ cho trọn vẹn, tự mình không giết, không bảo người khác giết, cho đến khi thấy người khác giết, cũng không được tùy hỉ, nghĩa là tán thành hoặc biểu đồng tình.

Nhưng cũng có những trường hợp sau đây, mà người đã thọ giới có thể giết người, mà không bị phá giới:

a. Vô ý mà giết người (vô tâm sát).

b. Theo pháp luật mà giết người, như quan tòa theo háp luật mà giết người, lên án tử hình (pháp luật sát).

c. Vì chức vụ mà giết người, như những người thi hành án tử hình (chức nghiệp sát).

d. Để ngăn chận sự giết người mà giết người, như giết quân xâm lược, để chúng khỏi tàn sát đồng bào (dĩ sát chỉ sát). Trong trường hợp này, giết người để cứu người là làm việc thiện, là giữ giới nghiêm chỉnh.

2. Giới bất đạo: Giới bất đạo ngăn cấm không được trộm cắp của cảu người khác, hoặc lấy của cải người khác bằng những thủ đoạn sai trái.

GIới này được phân tích như sau:

a. Bất dữ thử: nghĩa là người ta không vui lòng cho mình mà cứ lấy, như ăn trộm, ăn cắp v.v.

b. Biến trá thủ: Là phỉnh gạt, lừa dối để lấy của.

c. Uy hiếp thủ: Là dùng thế lực uy hiếp để lấy của.

d. Phi thời thủ: Là chưa đến thời để lấy của, như con lấy của cha mẹ trước khi được chia gia tài, người công chức tự lấy lương trước để chi dụng v.v.

e. Phi phận thủ: Là không phải phận mình được lấy mà cứ lấy, như khi phân phối tiền của chưa đúng tỷ lệ, chưa công bằng hợp lý, có lợi cho mình mà mình cứ lấy.

f. Vô công thủ: Là không có công sức gì mà cứ lấy. Ngày xưa, thường giải nghĩ vô công thủ là làm việc dối trá mà cứ lấy tiền công, nhưng xét cho cùng, thì những người không lao động, sống bằng mồ hôi kẻ khác, đều phạm tội vô công thủ.

Trong những trường hợp đã kể trên, người đã thọ giới hoặc tự mình lấy hoặc bảo người khác lấy, hoặc thấy người khác lấy mà tùy hỉ thì đều phạm giới. Còn nếu vô ý lấy lầm, hoặc theo pháp luật, vì chức vụ mà lấy, hoặc lấy lại những vật bị trộm cắp lấy trả lại cho người chủ cũ thì không phạm giới.

3. Giới bất tà dâm: giới này ngăn cấm những sự dâm dục không chánh đáng, phân tích ra có những hành tướng như phi phận dâm, phi thời dâm, phi xứ dâm, phi nhân dâm v.v. Nhưng cốt yếu là cấm không được làm việc dâm dục với vợ,chồng người khác. Nếu tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy người khác làm việc tà dâm mà tùy hỉ thì phạm giới.

4. Giới bất vọng ngữ: giới bất vọng ngữ của tín đồ là không được đại vọng ngữ, nghĩa là chưa giác ngộ đã bảo là ngộ, chưa chứng đã xưng là chứng. Vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, là những điều ác không nên làm hoặc ít làm chừng nào thì tốt chừng ấy, nhưng không quy định là giới của tín đồ, vì giới thì phải giữ suốt đời và mức của tín đồ thì khó giữ suốt đời không phạm những điều vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, và lưỡng thiệt.

5. Giới bất ẩm tửu: Giới này ngăn cấm tín đồ không được uống rượu. Bốn giới trước thuộc về tánh giới, do bản chất của các điều sát, đạo, dâm, vọng là ác, nên tín đồ đã thọ giới, thì cần phải tự ngăn mình suốt đời không được làm. Còn giới bất ẩm tửu thì thuộc về giá giới, vì bản tính của sự uống rượu không phải là ác, gây nên những điều ác. Vì thế giới bất ẩm tửu không cấm tín đồ tuyệt nhiên không uống rượu và chỉ cấm không được vô cớ hoặc mượn cớ mà uống rượu, nhưng dù trong những trường hợp được uống rượu, như trong các nghi lễ, thì tín đồ cũng không được uống nhiều quá, đến say sưa. Uống rượu thường xuyên hay đến say sưa, có hại cho tri thông minh và sự tu trì, nên trừ những trường hợp nhất định, nếu tự mình uống, bảo người khác uống, hoặc thấy người khác uống rượu say sưa mà tùy hỉ, thì phạm giới. Ngược lại, tín đồ đạo Phật có thể uống một ít rượu để chữa bệnh hoặc để chia vui cùng người khác, trong các nghi lễ là không phạm giới.

Trong lúc Phật tại thế, chỉ có rượu là chất độc làm hao tổn tinh thần, nên cấm không được dùng nhiều vô cớ, hiện nay thì còn nhiều chất độc khác nguy hiểm hơn rượu, sinh ra nghiện ngập và tác hại nhiều đến trí khôn, như thuốc phiện, cô-ca-in v.v. Theo tinh thần của giới này, thì cũng cần cấm cả các thứ đó, như cấm rượu.

Phân tích năm giới như trên, là phân tích theo đạo lý Tiểu thừa, đã có lý, có mức và cũng có lợi nữa, vì căn cơ và hoàn cảnh của tín đồ, chỉ có thể giữ những giới thấp nhất, vì nếu đưa lên quá mức, thì tối đại đa số người không dám thọ giới hoặc thọ giới rồi mà không giữ được trọn vẹn, mất cả lợi ích của việc trì giới.

Hiện nay, mỗi khi có người thọ Tam quy, thì đều cho thọ ngũ giới, cả đến cả những em bé ba bốn tuổi cũng thế, đó là một điều sai lầm. Cần phải giảng cho nghe trước, thế nào là Tam quy, thế nào là Ngũ giới, nêu ra những lợi ích của việc trì giới, để cho người ta suy nghĩ kỹ lượng, nếu có khả năng giữ bao nhiêu giới thì thọ bấy nhiêu, chứ không nên bao gánh cả một chuyến, rồi cuối cùng không giữ được một giới nào cả.

Lợi ích trên đường tu hành không phải là ở chỗ thọ nhiều giới, mà ở chỗ thọ giới nào thì giữ giới ấy cho trọn vẹn. Một tín đồ chỉ thọ một vài giới trong Ngũ giới hoặc chỉ thọ Tam quy mà biết phát nguyện trọn đời gìn giữ không phạm, thì sẽ nhân đó, luôn luôn tưởng nhớ Tam bảo, luôn luôn tự xét mình và ngăn ngừa những tâm niệm không tố. Do đó, được nhiều ích lợi trên đường tu tập. Ngược lại, nếu thọ giới nhiều, mà không giữ nổi và chỉ phạm một giới, thì phá mất giới thể và tâm sinh buông lửng, không tự giữ mình, không nghĩ tới Tam bảo, không nhớ đến nhân quả, nghiệp báo, nên đạo đức càng ngày càng suy kém.

Giữ ngũ giới có ích lợi rất lớn. Người giữ được trọn vẹn ngũ giới là một người tốt, được mọi người tin cậy, là một người luôn luông hướng về điều thiện, nên thường được sinh lên các cõi trời. Nếu với cái tâm trí giới hướng thiện đó, người tín đồ còn biết niệm Phật và phát nguyện vãng sanh, thì sẽ được vãng sanh về các cõi Tịnh độ. Dầu cho chỉ thọ một hoặc hai giới, dầu chỉ thọ Tam quy mà giữ trọn vẹn thì nhất định cũng được trở lại làm người, không bị sa đọa.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]