Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10 Xả Bỏ Tất Cả

28/11/201017:18(Xem: 10059)
10 Xả Bỏ Tất Cả

 

PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU

TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.

X. XẢ BỎ TẤT CẢ

Bồ tát bố thí tài sản cho người xin đầy đủ rồi, bấy giờ suy nghĩ: Ta phải làm sao đoạn trừ phiền não, nguyên nhân đau khổ cho họ. Do tâm đại bi, Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều bị đau khổ bao vây, nên lập chí nguyện cứu độ họ. Bồ tát hy sinh tất cả là vì mong cầu giác-ngộ vô-thượng và cứu giúp chúng sinh đau khổ. Tâm chí tối thắng và từ bi như thế thì gì mà không hy sinh cứu người. Có tâm từ bi thì, vì người, niết bàn còn bỏ huống chi tánh mạng. Bỏ tánh mạng bỏ tài sản, điều ấy có khó gì. Bỏ tài sản không khó bằng bỏ tánh mạng, bỏ tánh mạng không khó bằng bỏ niết bàn, mà niết bàn còn bỏ thì gì không hy sinh được. Từ bi thấu xương tủy, Bồ tát hy sinh tất cả, đại thí cứu người - Người cứu vớt người thì bố thí tất cả, có gì là khó. Người ấy là người tối thân của muôn loài, là người hướng dẫn muôn loài về an lạc. Người ấy là con người của từ bi, nên hy sinh tất cả mà không chán. Người ấy là người chân thật cứu người, oán thân bình đẳng, tánh mạng còn bỏ, vật gì không cho.

Chúng ta trọng tài sản, nhưng ái trọng tánh mạng lại hơn trọng tài sản, vì vậy mà bỏ tài sản dễ hơn bỏ tánh mạng. Ngược lại, sự hoan hỷ của Bồ tát khi bỏ của không bằng sự hoan hỷ lúc hy sinh tánh mạng.

Khí vị tối cao của bố thí là trí-giác vô thượng, khí vị ấy lấy bố thí làm chất ăn mà tồn tại. Người lợi tha muốn nếm khí vị ấy nên hy sinh tánh mạng. Do sự hy sinh ấy, Bồ tát thấy người đến xin bộ phận thân thể mừng hơn thấy người đến xin của vật. Người thích khí vị an lạc của bố thí mà được rồi thì rất hoan lạc, sự hoan lạc ấy không bằng sự hoan lạc của Bồ tát lúc bố thí thân mạng. Bồ tát tự nghĩ: ở châu diêm-phù này, có lẽ ta vô phước hay sao, mà người xin của nhiều kẻ xin tánh mạng ít. Bồ tát xét tài sản là của ở ngoài, nên có khi ta cho không tự do theo ý muốn; chứ thân mạng là của ở trong, hoàn toàn tùy ý ta hy sinh, không ai cản trở được. Bồ tát quan sát thân này không bền không chắc, nên bảo mọi người ai cần xin lấy mau. Những người cần hỏi Bồ tát:

- Người đem xương máu bố thí chúng tôi, chúng tôi lấy chi báo đáp được?

Bồ tát giải thích:

- Muốn báo đáp thì bảo với mọi người hãy từ bi bố thí, hy sinh tánh mạng. Và, giờ hãy đến nhận lấy các bộ phận thân thể của tôi. Nhưng, các người không nên nói đến việc đền trả. Các người nhận lấy cái thân vô-thường của tôi làm cho tôi sẽ được Pháp-thân bất diệt, thế là ngược lại, chính các người có ân đức rất nặng đối với tôi, tôi làm sao báo đáp cho xứng đáng. Tôi nguyện sẽ đem thân mạng đời sau và kết quả của sự hy sinh thân mạng đời này cúng hiến các người. Tôi vì cứu vớt hết thảy chúng sinh nên hy sinh thân mạng. Bỏ thân xác thịt tôi sẽ được Pháp thân, được Pháp-thân thì được Nhất-thế-trí; và trở lại làm cho chúng sinh cũng được Nhất-thế-trí bằng cách hy sinh xác thân thực hiện Pháp thân. Pháp-thân có năng lực vĩ đại là lợi lạc chân thực cho chúng sinh như thế. Bồ tát nghĩ như thế nên làm sao không hy sinh tánh mạng. Khi bỏ thân mạng, Bồ tát lại nghĩ: Ta làm bạn thân của chúng sinh. Ta đã giải thoát sinh tử, ta phải giải thoát chúng sinh ra khỏi sinh tử ấy, nên phải hy sinh tánh mạng. Công đức hy sinh này không những là thương cứu đau khổ chúng sinh, mà còn nuôi dưỡng Pháp thân của ta. Khi Bồ tát quả quyết xác nhận như vậy thì bỏ thân mạng không có vẻ khó khăn gì cả. Không khó vì bỏ thân xác để được Pháp thân. Cho nên, không những không khó, mà còn hoan hỷ vô lượng. Sự hoan hỷ của Bồ tát lúc hy sinh tánh mạng còn gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của kẻ tham lam khi được kho báu vô tận. Bồ tát lấy trí tuệ và từ bi làm thể chất, nên vì chúng sinh mà cầu được Pháp thân. Khi kẻ thấp thỏi được lên ngôi vua, sự khoái lạc của kẻ ấy không làm sao bằng sự khoái lạc của Bồ tát khi bỏ mình vì người. Do từ bi và trí tuệ, Bồ tát hy sinh tánh mạng, sự hoan hỷ lúc hy sinh đó còn gấp ngàn vạn lần sự hoan hỷ của dòng quân nhân khi thắng địch.

Kẻ ngu phu vì địa vị và quyền lợi mà bỏ mạng được trong trận địa, kẻ ngoại đạo vọng đảo giải thoát mà còn vùi mình trong am viện, huống chi Bồ tát đem trí tuệ đem từ bi vì tất cả muôn loài mà không hy sinh thân thể. Ngu phu đem tham ái mà bỏ mình cho chiến tranh, Bồ tát đem bi trí vì người mà bỏ mình, sự xả bỏ ấy nào có gì khó.

Khi Bồ tát lập chí nguyện thì đã nguyện xả bỏ tất cả. Tuy nói thế nhưng chúng sinh chưa thật được lợi ích. Khi thực hành bố thí chúng sinh mới được lợi ích thiết thực.

Bồ tát bỏ tánh mạng, điều ấy không khó; khó nhất là biết thân vô thường, đau khổ, không thật rồi mà không hy sinh được cho người. Từ bi vì người hy sinh tánh mạng, điều ấy không khó; khó nhất là ham thích hy sinh mãi không chán. Một người lo lắng khi phải chuyển dời cả cõi đất mà ngó lại sức mình không đủ, sự lo lắng ấy không bằng Bồ tát lo lắng khi thấy chúng sinh đau khổ mà chưa giải cứu được. Vì từ bi như vậy nên bồ tát xem thân mạng nhẹ rẻ như thảo mộc, hy sinh cho người nào thấy khó khăn.

Một người vì mình giữ giới KHÔNG SÁT SINH, người ấy sau được an lạc trong nhân thiên, đó, thực hành ít mà quả báo còn như thế, huống chi Bồ tát vì chúng sinh bỏ thân mạng, thì kết quả biết dung vào đâu trong sinh tử. Chỉ có Trí-giác vô thượng mới dung nổi mà thôi.

Với tất cả ý niệm thuần thục trên, khi Bồ tát nghe người đến xin tánh mạng, vui vẻ nghĩ: Ta nguyện bỏ cho họ lâu rồi mà họ không đến nhận lấy; nay mới đến hỏi, hẳn họ nghĩ ta tiếc rẻ nên đến thử mà thôi.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]