Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 9: Thọ học, vô học nhơn ký

14/11/201017:42(Xem: 9268)
Phẩm 9: Thọ học, vô học nhơn ký

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 9
THỌ HỌC, VÔ HỌC NHƠN KÝ

Phẩm này ghi lại việc đức Phật thọ ký rằng hai đại đệ tử của Ngài là A-nan (Ananda) và La-hầu-la (Rahula) sẽ đạt Chánh Giác, cũng như thọ ký cho các đệ tử khác. Ngài A-nan là em họ của đức Phật, em của Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), vị này ban đầu là đệ tử của đức Phật về sau rời bỏ Ngài và thậm chí tìm cách giết Ngài. Không như Đề-bà-đạt-đa, Ngài A-nan là một người trung hậu, trở thành đệ tử của đức Phật khi đang còn nhỏ. Ngài được gọi là “A-nan, thị giả của đức Phật” vì ngài đi theo, săn sóc và hầu hạ đức Phật như là một đệ tử được cưng yêu cho đến khi đức Phật nhập diệt.

La-hầu-la là con trai của đức Phật, được sinh ra trước khi đức Phật xuất gia. Đức Phật muốn ngài La-hầu-la có tính thiện lành, gọi ngài ra khỏi cung điện và đưa ngài vào nhóm đệ tử. Để tránh cho ngài La-hầu-la khỏi biết mình có địa vị là con trai của đức Phật, đức Phật giao ngài cho ngài Xá-lợi-phất, một trong mười đại đệ tử, coi sóc.

Từ “học” (gaku) ở tựa đề của chương này trỏ cái trạng thái một người phải trải qua việc tu tập, trong khi “vô học” (mugaku) trỏ cái tình trạng một người không còn phải trải qua việc tu tập và khỏi phải học hành.

Thấy nhiều vị A-la-hán được thọ ký rằng sẽ được Toàn Giác, ngài A-nan và ngài La-hầu-la là hai vị đệ tử trực tiếp cuối cùng của đức Phật chưa được thọ ký, cảm thấy bị bỏ sót và buồn bã. Họ nghĩ: “Nếu chúng ta được báo trước về tương lai thì chúng ta sẽ sung sướng biết bao !” Do đó, họ đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đến trước đức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài và cùng bạch rằng: “Bạch Thế Tôn ! Hãy thọ ký cho chúng con. Chúng con chỉ tin tưởng vào
đức Như Lai. Chúng con được hết thảy các cõi đều biết tới và thừa nhận, gồm chư Thiên, loài Người và Ma quỷ. A-nan luôn luôn là thị giả của Ngài, hộ trì Pháp bảo, và La-hầu-la là con của đức Phật. Nếu đức Phật thấy thuận tiện để thọ ký rằng chúng con sẽ đạt Chánh Giác, thì mong ước của chúng con sẽ được thành tựu và hy vọng của nhiều người sẽ được thỏa”.

Bấy giờ hai ngàn đệ tử gồm những vị hữu học và vô học đều đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vạch áo vai phải, đến trước đức Phật, nhất tâm chắp tay ngưỡng nhìn đức Thế Tôn mà xin cho ngài A-nan và ngài La-hầu-la được như nguyện, rồi xếp hàng đứng đấy.

Thấy thế, đức Thế Tôn vốn đã có ý định thọ ký cho từng vị trong hai vị đại đệ tử này, bảo ngài A-nan rằng ngài sẽ đảnh lễ sáu mươi hai đức Phật, hộ trì Pháp bảo và cuối cùng đạt Toàn Giác. Đức Phật trao cho ngài danh hiệu Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai và gọi quốc độ ngài là Thường Lập Thắng Phan.

Trước khi có Phật giáo, Bà-la-môn giáo đã nảy nở ở Ấn Độ. Bà-la-môn giáo có hơn sáu mươi trường phái, tất cả cứ tranh luận và phê phán nhau. Theo lệ thông thường thì một cái phan (cờ) chiến thắng được dựng lên ở cổng ngôi đền của một giáo sĩ Bà-la-môn khi vị này đã đánh bại đối thủ trong một cuộc tranh cãi về tôn giáo. Thường Lập Thắng Phan, tên quốc độ của Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai, là bằng cớ rằng giáo pháp mà đức Như Lai này thuyết giảng là tối thắng nhất trong tất cả các giáo pháp.

Thế rồi đức Phật báo trước như sau: “Thọ mạng của đức Phật ấy sẽ là vô lượng ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp. Giáo pháp của Ngài sẽ trụ trong cõi của Ngài gấp đôi thọ mạng của Ngài. Đức Phật này sẽ được tôn vinh và công đức của Ngài sẽ được vô lượng đức Phật ở khắp mọi cõi ca ngợi”. Bấy giờ, vì đức Phật đã thọ ký cho ngài A-nan, một vị Thanh văn, bằng những lời ân cần hơn những lời thọ ký cho các vị đại Bồ-tát, tám ngàn Bồ-tát trong chúng
hội mới khởi sự thực hành Bồ-tát đạo bèn ấp ủ nghi ngờ về điều ấy. Đức Thế Tôn biết chư Bồ-tát này đang nghĩ gì, bèn bảo chư vị rằng: “Này các Thiện nam tử, Ta cùng A-nan vào thời Không Vương Phật, cùng lúc hoài bão ý nghĩ về Chánh Giác. Nhưng giữa chúng ta có sự khác nhau về cách thực hành giáo lý. A-nan thì cứ mãi thích học, trong khi Ta tận lực tinh tấn. Vì thế, Ta đã đạt Toàn Giác trong khi A-nan do kết quả của các đời trước mà trở thành đệ tử của Ta ở đời này, đã hộ trì Pháp của Ta cũng như sẽ hộ trì Pháp bảo của chư Phật trong tương lai và sẽ giáo huấn và đưa chúng Bồ-tát đến viên mãn. Đấy là bổn nguyện của ông ấy, dù tất cả các ông có thể nghĩ rằng ông ấy phải là một Thanh văn vì hình như ông cứ mãi vui thú học tập. Do đó, ông ấy nhận sự thọ kýnày”.

Sự khác biệt mà đức Phật vạch ra trong thể cách thực hành của Ngài và trong thể cách của ngài A-nan là một điểm rất quan trọng. Đức Phật dạy rằng, để đạt Toàn Giác, người ta phải thực hành bằng cách noi gương đức Phật. Thực hành lợi ích cho kẻ khác là tầm cao nhất của tôn giáo, như đức Phật nêu rõ ở đây.

Vì ở đây có xuất hiện thuật ngữ “bổn nguyện” (hongan) nên cần giải thích từ “nguyện” (gan) được dùng trong Phật học.

BỔN NGUYỆN:

Ngày nay người ta dùng từ “nguyện” một cách dễ dãi, nhưng từ này theo nghĩa thật sự của nó không phải là từ được dùng một cách hời hợt. “Nguyện” nghĩa là thiết lập lý tưởng của chính mình và tận lực để thực hiện lý tưởng ấy. Không cần nói, theo quan điểm của Phật giáo, lý tưởng của chúng ta là làm lợi lạc cho kẻ khác. Ước vọng đạt được Phật vị chỉ có thể trở thành một nguyện nếu chúng ta nuôi dưỡng nó cho mục đích cứu độ những người khác khỏi khổ đau. Một nguyện nhằm cho mục đích đặc biệt là làm lợi ích cho kẻ khác thì được gọi là “bổn nguyện” của người Phật tử.

TỔNG NGUYỆN:

Trong Phật giáo có hai loại nguyện: “tổng nguyện” (sògan) và “biệt nguyện” (betsugan). “Tổng nguyện” nghĩa là cái nguyện chung đối với tất cả mọi người. Ước vọng chung của mọi Phật tử là học giáo lý của đức Phật và dập tắt các ảo tưởng. Ước vọng của họ cũng là làm lợi ích cho kẻ khác qua việc đạt ngộ. Ước vọng này được gọi là tổng nguyện. Tổng nguyện lại được chia làm bốn phần , gọi là bốn đại nguyện của Bồ-tát (shi-gu-sei-gan, tứ hoằng Thánh nguyện). Bốn đại nguyện này được giải thích ở trang 365).

BIỆT NGUYỆN:

Một biệt nguyện, trái với tổng nguyện, là một nguyện được nêu tùy theo tính chất, khả năng và nghề nghiệp cá nhân của một người. Ví dụ: Vì tôi là một họa sĩ có tài, tôi sẽ cố sức làm sao để làm cho thế giới này đẹp bằng cách vẽ những bức tranh đẹp; vì tôi có tài âm nhạc, tôi sẽ dùng âm nhạc để khiến người ta thanh thản lòng; vì tôi là một nông gia, tôi sẽ phục vụ xã hội bằng cách tận lực tạo ra những vụ gặt tốt nhất; vì tôi là một thương gia, tôi sẽ
phục vụ các khách hàng bằng cách cung cấp các hàng hóa rẻ tiền và tốt đẹp đến mức tối đa. Đây là những ví dụ tốt về biệt nguyện.

Ngoài tổng nguyện là cứu độ hết thảy chúng sanh, mỗi đức Phật có biệt nguyện riêng của chính Ngài, như bốn mươi tám nguyện của đức Như Lai A-di-đà và năm trăm đại nguyện của đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni. Thêm vào tổng nguyện là nguyện chung đối với tất cả chúng ta, người của thế giới này, chúng ta cần hình thành biệt nguyện riêng của chúng ta hoặc những lời nguyện trong suốt đời chúng ta. Khi làm việc để thành tựu ước nguyện như thế, ta khám phá giá trị của đời người và làm phong phú cuộc sống hằng ngày của ta. Phật giáo không những chỉ dạy ta lý tưởng vĩnh cửu và lớn lao của con người mà còn dạy lý tưởng của con người trong cuộc sống hàng ngày. Cả hai lý tưởng ấy đều là giáo lý rất sâu xa và rất thâm thiết.

Dĩ nhiên, chỉ nguyện ước suông thì chẳng ích lợi gì; chúng ta phải làm việc để thành tựu những ước nguyện ấy. Chúng ta chớ bao giờ nên ước nguyện bằng một thái độ thờ ơ. Một khi chúng ta đã tuyên bố các ước nguyện trong tâm, chúng ta phải nỗ lực và kiên định đủ để thành tựu các ước nguyện ấy với bất cứ giá nào. Nếu chúng ta cứ giữ được thái độ tâm thức như thế thì chắc chắn chúng ta có thể hoàn thành các ước nguyện.

Nhiều người nghĩ rằng các sự việc không bao giờ xảy ra như chúng ta mong muốn. Nhưng điều này là sai lầm. Nếu tâm chúng ta được tập trung vào các ước nguyện suốt một thời gian dài thì những ước nguyện nhất định cuối cùng sẽ được thành tựu. Nếu các ước nguyện ấy được thực hiện trong đời này thì chúng sẽ được thực hiện trong đời sau. Một ước vọng tha thiết làm phát sinh năng lực lớn lao. Khi chúng ta cứ liên tục nỗ lực để tập trung tâm mình vào cả điều mà người ta nghĩ rằng hầu như là không thể được, thì sự nỗ lực như vậy sẽ tạo ra một kết quả làm cho điều có vẻ không thể được trở thành có thể được. Ước nguyện của người ta nhất định sẽ được đạt nếu người ta có một niềm tin kiên cố và nỗ lực liên tục để thực hiện ước nguyện ấy.

Đức Thế Tôn sau khi đã thọ ký cho ngài A-nan, bèn thọ ký cho ngài La-hầu-la. Đức Phật đặt cho ngài La-hầu-la danh hiệu là Đạo Thất Bảo Liên Hoa Như Lai (vị Phật bước trên các Hoa sen gồm bảy thứ quý). Ngài bảo rằng ngài Ra hu la sẽ đảnh lễ chư Phật nhiều bằng các vi trần của mười thế giới, luôn luôn trở thành trưởng tử của các đức Phật ấy giống như giờ đây vậy. Ngài cũng tiên thuyết về sự đẹp đẽ của quốc độ của Đạo Thất Bảo Liên Hoa Như Lai, thọ mạng của Ngài, v.v... cũng như của đức Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai.

Thế rồi đức Thế Tôn muốn trùng tuyên giáo lý này, bèn nói bằng kệ như sau:

“Khi Ta là thái tử,
La-hầu là con trưởng.
Nay Ta thành Phật đạo,
La-hầu là Pháp tử
Trong các đời tương lai,
Gặp vô lượng ức Phật,
Ông sẽ là trưởng tử,
Một lòng cầu Phật đạo.
Mật hạnh La-hầu-la
Chỉ riêng Ta biết được.
Nay tỏ cho mọi người:
La-hầu con trưởng Ta
Vô lượng ngàn vạn ức
Công đức không kể xiết,
An trụ trong Phật pháp,
Ông cầu Đạo tối thượng”.

MẬT HẠNH:

Bài kệ gây xúc động này cho ta thấy tình thương của đức Phật, một vị Đạo sư, một đấng Từ phụ. Nghe đức Phật dạy “Mật hạnh La-hầu-la / Chỉ riêng ta biết được”, hẳn là ngài La-hầu-la phải sung sướng vô cùng ! Mật hạnh nghĩa là khi người ta thành tựu điều gì, người ta không để lộ cho người khác biết bằng vẻ bên ngoài hay thể cách của mình mà đến với người khác như một người bình thường và dẫn dắt họ một cách tự nhiên theo đường hướng tốt hơn. Điều này cũng giống nguyên lý nửa bước mà ngài Phú-lâu-na đã nêu dẫn. Dù ngài La-hầu-la đã đạt đến trình độ tâm thức cao vời, ngài vẫn không tỏ lộ dấu hiệu nhỏ nào về điều ấy, trái lại vẫn thầm lặng hướng dẫn người ta một cách kín đáo. Chỉ có đức Phật Thích-ca-mâu-ni là vị thầy, người cha mới biết sự thật về ngài La-hầu-la. Đối với ngài, sự xác nhận của đức Phật hẳn là niềm vui mừng gấp bội.

Tại sao các đại đệ tử như A-nan và La-hầu-la lại được đức Phật thọ ký sau các đệ tử khác ? Chúng ta có thể ức đoán rằng đức Phật suy luận theo cách sau đây: Ngài A-nan luôn luôn là thị giả của đức Phật trong khi ngài La-hầu-la là con của đức Phật. Như thế, cả hai vị đều là các đệ tử gần gũi nhất của đức Phật vốn tỏ ra là nhằm vì lợi ích của những chúng sanh kém trí. Có cái nhìn thích đáng về hoàn cảnh đặc biệt của hai vị đệ tử này là hoàn cảnh ấy có thể gây trở ngại hơn là giúp ích cho sự tu tập của họ, và để khai thị điều này cho tất cả các chúng sanh, đức Phật cố ý trì hoãn việc thọ ký cho hai vị đại đệ tử này.

Chúng ta không nên nghĩ rằng vì hai vị đệ tử này là thân cận nhất của Ngài nên đức Phật chần chờ trong việc thọ ký cho họ vì xét rằng những người khác trong giáo đoàn của Ngài có thể nghĩ thế này thế nọ. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni không phải là một người có tâm địa nhỏ nhen như thế. Ngay như ngài A-nan là vị luôn luôn theo hầu hạ đức Phật, cũng thường không thể phân biệt được một bên là sự vĩ đại của vị thầy mình với ngôi vị là đức Phật và sự vi diệu của Phật pháp và một bên là đức Phật với tư cách là một con người; và vì thế ngài A-nan sẽ gặp khó khăn trong việc tôn kính đức Phật bằng cái tâm thuần khiết như các vị đệ tử khác. Về mối liên hệ giữa cha và con thì vấn đề cũng như vậy. Tuy rằng một người cha có thể là một vĩ nhân, người con ruột của ông sẽ nhận thấy khó mà đối xử với cha mình bằng cùng một sự kính trọng như sự kính trọng của những người ngoài. Đức Phật đã dạy rằng đối với một người luôn luôn theo hầu hạ một vĩ nhân thì điều này có thể trở thành một trở ngại cho việc tu tập của người ấy nếu người ấy không vạch rõ một lằn ranh trong tâm giữa những vấn đề chung và riêng. Dù ngài A-nan và ngài La-hầu-la bị đặt trong một hoàn cảnh rất tế nhị, hai vị vẫn luôn đối xử kính cẩn, và cách cư xử của họ là bằng chứng cho đức hạnh cao vời của họ.

Điều khó khăn nhất đối với chúng ta là dẫn dắt những người thân cận nhất của chúng ta - vợ, chồng, con trai, con gái, cha mẹ chúng ta - đến Phật pháp. Nếu chỉ hướng dẫn họ bằng lời nói thì có thể không bao giờ chúng ta thành công hoàn toàn. Chúng ta không có cách nào khác ngoài việc gây ảnh hưởng đối với họ qua việc thực hành của chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nếu tánh hạnh của chúng ta thường là ti tiện và ích kỷ, chỉ tốt trong những
trường hợp hiếm hoi, thì nó sẽ không ảnh hưởng đến người khác. Nếu ta không luôn luôn nêu gương tốt cho các thành viên của gia đình mình thì họ không thể theo chúng ta. Đức Phật Thích-ca đang trỏ đến điều này trong lời dạy củaNgài.

Bấy giờ đức Thế Tôn nhìn vào hai ngàn vị hữu học (đang cần phải học) và vô học (không cần phải học nữa), các vị đều có tâm nhu hòa, an tịnh, đang nhất tâm ngưỡng trông đức Phật. Đức Phật bảo ngài A-nan: “Ông có thấy hai ngàn vị hữu học và vô học này chăng ?”. Ngài A-nan bạch: “Vâng, con có thấy họ”. Lời đáp của ngài A-nan có nghĩa rằng “Vâng, trông họ thật là tuyệt diệu” để đáp lại câu hỏi của đức Phật ý rằng “Ông thấy họ như thế nào?” Đây là điều gọi là mặc khế (ngầm thông hiểu) trong câu hỏi và lời đáp giữa đức Phật và ngài A-nan.

Thế rồi đức Phật thọ ký cho hai ngàn vị này như sau: Nếu họ đảnh lễ vô lượng đức Phật, tôn thờ, kính ngưỡng chư vị và hộ trì Pháp bảo thì cuối cùng, trong cùng một lúc ở khắp các quốc độ ở mọi phương, mỗi vị đều thành một vị Phật có cùng danh hiệu là Bảo Tướng Như Lai (vị Phật có tướng tốt đẹp). Thế rồi, nghe lời thọ ký của đức Phật, hai ngàn vị hữu học và vô học ấy vô cùng hoan hỷ, hết lòng tạ ơn đức Phật mà nói bằng kệ như sau:

“Kính bạch đức Thế Tôn !
Đèn sáng của Trí tuệ !
Nghe tiếng Ngài thọ ký,
Chúng con đầy hoan hỷ
Như được tưới cam lồ”.

Dù ngắn, đây là một bài kệ nổi tiếng. Nó chứa đầy một ý nghĩa thật sâu đậm, lòng biết ơn và sự kính ngưỡng đức Phật mà chúng ta nên đọc tụng hàng ngày.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]