Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Sống đạo đức là trách nhiệm của mỗi chúng ta

12/11/201016:39(Xem: 12145)
8. Sống đạo đức là trách nhiệm của mỗi chúng ta


8. SỐNG ĐẠO ĐỨC LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CHÚNG TA

Đề tài bài viết của chúng tôi hôm nay: "Sống đạo đức là trách nhiệm của mỗi con người chúng ta ". Đây có thể là đề tài không gây ngạc nhiên cho người nghe, nhưng khiến cho ưu tư, khiến cho suy nghĩ; những ai chưa sống trong nếp sống đạo đức, coi trọng nếp sống đạo đức và đề cao nếp sống ấy.

Sở dĩ chúng tôi chọn đề tài này là bởi chúng tôi tìm trong giáo lý của đức Phật cả một kho tàng to lớn về giá trị đạo đức hết sức cần thiết cho đời sống hạnh phúc của người Phật tử chúng ta. Chúng tôi cũng muốn qua đề tài này, xác chứng lại giá trị của hạnh phúc chân thật mà đạo Phật có thể cống hiến cho con người và cuộc đời bằng cách nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề đạo đức. Ngoài ra, một vài biểu hiện của lối sống hiện đại cũng là lý do cho bài viết này .

Trước hết, đạo đức là vấn đề lớn và cần được hiểu là vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm thực hành của mọi người như là giải pháp mang lại hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội. Tất nhiên, đạo đức không phải tự nhiên mà có, cũng như hạnh phúc không phải tự dưng mà có nếu không được nuôi dưỡng. Đạo đức cũng không ở trong từ ngữ hoa mỹ được định nghĩa thế này hay thế khác như món trang sức cho trí tưởng tượng. Đạo đức là một nếp sống và là nếp sống thiện, bỏ ác làm lành, được thể hiện qua các thái độ sống, cung cách ứng xử và tiếp xúc hằng ngày của con người, từ đấy hạnh phúc được biểu lộ. Do đó, đạo đức có thể được xem là đồng nghĩa với hạnh phúc và cần được nuôi dưỡng như chính hạnh phúc vậy. Quả thực, người biết nuôi dưỡng đạo đức là người biết nắm bắt hạnh phúc vậy.

Hơn thế, đạo đức còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tự thân cũng như đối với gia đình và xã hội, vì lẽ, đạo đức là hạnh phúc và việc xây dựng hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội là trách nhiệm của mỗi người sống nếp sống đạo đức, tức là người có trách nhiệm cao trong các mối quan hệ với gia đình và xã hội. Thiếu mất tinh thần trách nhiệm này, nghĩa là nếp sống thiếu đạo đức, thì chẳng những tự thân người có chịu bất hạnh, mà ngay cả gia đình và xã hội người ấy đang sống cũng chịu thiệt thòi, chịu bất hạnh do cuộc sống của vị ấy gây ra. Tục ngữ Việt Nam ta nói câu: "Một con sâu làm rầu nồi canh" hẳn đã nói lên được ý nghĩ này.

Giáo lý Duyên khởi của Phật giáo cũng chỉ rõ, "Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt". Công thức này để nói lên sự khổ tập và sự khổ diệt của giáo lý nhà Phật, theo đó khi vô mình, ái, thủ có mặt thì khổ đau có mặt; và ngược lại, khi vô minh, ái, thủ được trừ diệt thì khổ đau chấm dứt và ở đấy hạnh phúc xuất hiện.

Quy luật tương tác trên giúp cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về các mối quan hệ mật thiết giữa con người với con người, giữa cá nhân, gia đình và xã hội, theo đó hạnh phúc của người này cũng là an lạc của kẻ khác, và khổ đau của người này chính là bất hạnh của kẻ khác. Nói khác đi, cuộc sống của mỗi người chúng ta luôn luôn "dự phần" vào cuộc sống chung của mọi người, trực tiếp hoặc gián tiếp và chắc chắn không thể có cái gọi là "cá biệt" hay "riêng lẽ" trong một tổng thể của các mối tương hệ này.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này để nói lên trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với vấn đề đạo đức. Quả thật, chúng ta vẫn còn mơ hồ về đạo đức như thể nó là một tín đồ tôn giáo hay ước lệ của xã hội được đặc cách cho nhịp đập của mỗi con tim, mà không phải là trách nhiệm chung cho vấn đề hạnh phúc con người.

Vấn đề được đặt ra không phải là đạo đức được đặt cách cho nhịp đập của con tim hay ước lệ của xã hội, mà là trách nhiệm và hạnh phúc chung cho tất cả con người. Quy luật tương quan không cho phép chúng ta nghĩ về đạo đức như là một tín điều hay ước lệ hạn hẹp nào đó có thể chấp nhận đối với người này mà không cần theo bởi người khác, hoặc xa hơn, có thể áp dụng cho xã hội này mà không cần theo bởi quốc gia kia. Đó không phải là cách nhìn chung của vấn đề, và trong chừng mực nào đó điều này nói lên thái độ thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề hạnh phúc chung của tất cả con người.

Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ:

Chúng ta là những người Phật tử đang sống trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện tại. Rõ ràng ai cũng hiểu rằng, xã hội Việt Nam đang tiến triển và có nhiều dấu hiệu của sự tăng tốc trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. Các nước trên thế giới cũng công nhận điều này và đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của một số nước cho thấy rằng, khi đời sống vật chất đã quá đầy đủ đến độ dư thừa thì đời sống đạo đức, tinh thần của con người dường như bị yếu kém đi. Vì sao? Đó là do sự phát triển không cân đối giữa lối sống chạy theo vật chất và đời sống đạo đức, mà hậu quả của nó ngấm ngầm cho đến một lúc bùng nổ thì không thể cứu chữa được. Đây là dấu hiệu của thái độ thiếu trách nhiệm về đạo đức mà hậu quả thì không phải chỉ một xã hội hay một quốc gia gánh chịu, mà mọi quốc gia phải gánh chịu. Đừng ai bảo rằng tôi uống rượu, lái xe hơi và tôi sẽ chịu trách nhiệm về hành động này. Đó không phải là trách nhiệm theo nghĩa cao cả, mà là thái độ thiếu trách nhiệm đối với sinh mạng của con người và an toàn xã hội.

Chúng tôi xin đơn cử một ví dụ khác:

Trong phạm vi của gia đình (và điều này chúng tôi muốn nhấn mạnh), thì vấn đề đạo đức cần được đặt ra như một trọng trách đối với thành viên của mọi gia đình. Tất nhiên điều này cần được nêu gương trước bởi các người chủ quan trong gia đình. Bố mẹ, chẳng hạn, là những người cần tuyệt đối tuân thủ trách nhiệm đạo đức và hướng dẫn con cái tuân thủ trách nhiệm này. Như chúng tôi đã nói trước đây, đạo đức và hạnh phúc là một. Điều này nhắc cho chúng ta rằng, chừng nào chúng ta còn mong muốn hạnh phúc (và chắc chắn ai cũng mong muốn hạnh phúc), thì chừng đó vấn đề chăm lo và nuôi dưỡng đạo đức là hết sức quan trọng. Dĩ nhiên, bố mẹ sẽ không rầy la và giáo dục những thói hư tật xấu của con cái, nếu tự thân các vị ấy không phải là gương mẫu về đạo đức. Một món quà tặng con bằng tiền phi pháp không phải là dấu hiệu ban phát tình thương cho con, mà là dấu hiệu thiếu trách nhiệm đạo đức và hạnh phúc đối với con cái.

Con cái cũng vậy, không nên vì lý do phụng dưỡng bố mẹ mà làm những điều phi pháp, phi đạo đức. Hẳn là người bố, người mẹ sẽ rất khổ đau khi hiểu ra rằng những ngày cuối đời mình chỉ được nuôi sống bằng những đồng tiền không lành mạnh, không trong sạch của con cái. "Đói cho sạch, rách cho thơm" phải chăng là câu nói đáng suy nghĩ ở đây?

Dĩ nhiên người Phật tử chúng ta sẽ không cho phép mình rơi vào những trường hợp như thế. Ấy là bởi chúng ta có học pháp và hành trì pháp của Đức Phật. Chúng ta nguyện theo gương sáng của Ngài bằng cách tự hoàn thiện chính mình, ngang qua những lời dạy về đạo đức và hạnh phúc chân thực của Ngài. Những giới hạnh chúng ta đang giữ gìn như không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống rượu là những giá trị chuẩn mực và căn bản của một nếp sống đạo đức và hạnh phúc.

Không sát sinh là nếp sống tôn trọng sự sống, yêu quý sự sống được bảo vệ, tránh mọi lo âu về huỷ diệt. Người Phật tử phát nguyện không sát sinh, không làm tổn hại đến các loại sinh vật, tức là đang kiến tạo thái bình, cho xứ sở, cùng lúc đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh huỷ hoại sự sống của con người và muôn loài. Đây là trách nhiệm đạo đức đầu tiên mà người Phật tử cần thực hiện nhằm xây dựng hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội.

Không lấy của không cho là trách nhiệm đạo đức thứ hai của người Phật tử. Lấy của không cho hay trộm cắp là hành vi phi pháp, phi đạo đức gây bất hạnh cho tự thân, cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Lấy của không cho có nhiều dạng thức khác nhau. Từ ăn cắp của tư, trốn thuế nhà nước, đến đục khoét của công đều là những hành vi trộm cắp đáng kinh sợ. Vì vậy, người Phật tử pháp nguyện không lấy của không cho tức là đang góp phần vào việc xây dựng xã hội công bằng, lành mạnh, tạo thanh thế cho một đất nước phát triển tránh được nguy cơ lạm phát

Không tà hạnh trong các dục là nếp sống đảm bảo hạnh phúc gia đình của người Phật tử. Đức Phật, trong khi nhấn mạnh đến vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của các dục, đã chấp nhận lối sống một vợ một chồng dành cho những người Phật tử sống đời sống hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo cho đời sống ấy, Ngài đã đề ra giới cấm thứ ba, không tà hạnh trong các dục, nghĩa là, ngoài cuộc sống vợ chồng ra, người Phật tử không được phép quan hệ bất chính với bất cứ ai khác. Đây là trách nhệm đạo đức thứ ba của người Phật tử. Rõ ràng người Phật tử sống trọn vẹn với nếp sống này sẽ tránh được nguy cơ đổ vỡ của đời sống hạnh phúc gia đình, đồng thời góp phần vào việc đẩy lui một trong các tệ nạn xã hội.

Không nói láo là nếp sống đạo đức giúp cho người Phật tử có đủ uy tín trên phương diện xuất xứ. Trong các quan hệ với con người thì lời nói đúng đóng vai trò quan trọng, bởi lời nói là chiếc cầu nối giúp tạo sự hiểu biết và cảm thông giữa con người với con người. Tuy nhiên lời nói đó phải là lời nói đúng đắn, chân thật không gian dối thì mới đủ sức thuyết phục người khác. Người Phật tử tránh không nói láo, chỉ nói lời chân thật tức là vị ấy đang tạo cho mình một đức tin vững chắc về khả năng thuyết phục người khác bằng lời nói của mình. Đây là trách nhiệm đạo đức thứ tư của người Phật tử.

Không uống rượu là nếp sống đề cao sự hiểu biết sáng suốt của người Phật tử. Bởi rượu chè làm cho con người mất đi bản tính sáng suốt, không tự chủ trong hành động, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, nên người Phật tử phát nguyện không uống rượu như là một nếp sống lành mạnh giúp cho vị ấy có khả năng sáng suốt để tập chung vào mọi công việc của mình. Đường phố Việt Nam ngày càng đầy ắp các quán bia rượu gây kích thích đam mê cho nhiều tầng lớp người khác nhau. Điều này ảnh hưởng không tốt đến một số người, nhất là trẻ, bởi vì, một khi rơi vào rượu chè thì phẩm giá con người bị suy giảm kèm theo các tệ nạn xã hội ngày càng tăng. Dĩ nhiên, biện pháp tốt nhất để hạn chế điều này chính là ý thức của mỗi người chúng ta (người sản xuất, người bán, cũng như người mua) về sự nguy hại của rượu, bia và lỗ lực nhiều cho ý thức đó.

*

Trên đây là năm giới điều cho một người Phật tử mà chúng tôi quan niệm như là năm trách nhiệm đạo đức giúp chúng ta xây dựng một nếp sống hạnh phúc và an lạc cho tự thân, cho gia đình và xã hội. Tất nhiên một người Phật tử có thể thực hành thêm, càng nhiều càng tốt, những lời của Đức Phật nhằm phát triển và nâng cao đời sống đạo đức, hạnh phúc của chính mình. Vị ấy có thể đi sâu hơn vào giáo lý của Đức Phật bằng cách thực hành Bát quan trai giới, tu Mười thiện nghiệp, hoặc vị ấy hành trì thiền định "Tứ niệm xứ" mỗi ngày tùy theo giờ giấc và sinh hoạt. Tất cả điều đó được khuyến khích. Tuy nhiên, như một nguyên tắc, người Phật tử cần ý thức rõ về giới điều của mình và nỗ lực lớn việc thực thi trọn vẹn năm giới điều này, trước khi vị ấy đi sâu vào những lời dạy của Đức Phật.

Trên đây chúng tôi đã nhấn mạnh đạo đức là trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Chúng tôi cũng đã chỉ rõ đạo đức là hạnh phúc của con người và nhân danh ấy khuyên quý Phật tử dốc tâm vào nếp sống đạo đức bằng cách giới thiệu với quý vị nếp sống thực hành năm giới cấm. Tiếp theo chúng tôi muốn giới thiệu với quý Phật tử một bài kinh quan trọng của Đức Phật liên quan đến nếp sống đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội và mong những lời dạy này cũng sẽ trở thành những trách nhiệm đạo đức được quý Phật tử dốc tâm thực hành.

*

Bài kinh chúng tôi sẽ trình bày sau đây được rút ra từ Trường Bộ Kinh và có tên là "Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt". Đây là bài kinh do Đức Phật giảng dạy cho một vị thanh niên tên Singàlaka nhn6 một buổi Ngài đi khất thực ở thành Vương Xá. Trước hết chúng ta nghe những lời dạy tóm tắt của Đức Phật:

"Này Singàlaka, đối với thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành, đã chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung vị này sinh ở thiện phú, Thiên giới".

Vị thánh đệ tử ở đây tức để chỉ cho một người Phật tử sống đời sống hạnh phúc gia đình. Vậy thì, đời sống của một người Phật tử thì như thế nào?

Vị ấy là người đã diệt trừ bốn nghiệp phiền não, nghĩa là, người Phật tử đã diệt trừ các ác nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo.

Vị ấy không làm ác nghiệp theo bốn lý do, tức là, vị ấy không làm các ác nghiệp do tham lam, không làm các ác nghiệp do sân hận, không làm các ác nghiệp do si mê, không làm các ác nghiệp do sợ hãi. Bởi người Phật tử không có tham dục, không sân hận, không si mê, không sợ hãi, nên vị ấy không làm ác nghiệp theo bốn lý do trên.

Người Phật tử cũng từ bỏ sáu nguyên nhân phung phí tài sản như:

- Đam mê các loại rượu khiến phung phí các tài sản.
- Du hành đường phố phi thời khiến phung phí các tài sản.
- La cà đình đám hý viện khiến phung phí các tài sản.
- Đam mê cờ bạc khiến phung phí các tài sản.
- Giao du với bạn ác khiến phung phí các tài sản.
- Quen thói lười biếng khiến phung phí các tài sản.

Từ sáu nguyên nhân trên, Đức Phật chỉ ra 36 trường hợp nguy hiểm sau đây cho thấy những việc làm thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ của con người thì hết sức tai hại.

Về đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm sau:

- Tài sản hiện tại bị tổn thất.
- Đấu tranh tăng trưởng.
- Bệnh tật dễ xâm nhập.
- Thương tổn danh dự.
- Thân thể hở hang.
- Trí lực bị tổn hại.

Du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm sau:

- Tự mình không được che chở hộ trì.
- Vợ con không được che chở hộ trì.
- Tài sản không được che chở hộ trì.
- Bị tình nghi là tác giả của các ác sự.
- Nạn nhân của các tin đồn thất thiệt.
- Tự chuốt vào thân nhiều khổ não.

Sáu nguy hiểm cho việc la cà đình đám hý viện gồm:

- Luôn luôn bị lôi cuốn bởi múa.
- Bị lôi cuốn bởi ca.
- Bị lôi cuốn bởi nhạc.
- Bị lôi cuốn bởi tán tụng.
- Bị lôi cuốn bởi nhạc tay.
- Bị lôi cuốn bởi kèn trống.

Đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như:

- Nếu thắng thì sinh thù oán.
- Nếu thua thì sinh tâm sầu muộn.
- Tài sản bị tổn thất.
- Tại hội trường lời nói không có hiệu lực.
- bạn bè khinh miệt.
- Việc cưới gả không được tín nhiệm, vì kẻ cờ bạc không đáng để cưới vợ.

Giao du với bạn ác có sáu nguy hiểm sau:

- Giao du với kẻ cờ bạc là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ loạn hành là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ nghiện rượu là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ trá ngụy là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ là lường gạt nguy hiểm.
- Giao du với kẻ bạo động là nguy hiểm.

Trong mối tương giao với bạn bè, Đức Phật dạy cho Singàlaka về bốn hạng người không nên kết bạn và bốn hạng người nên kết bạn. Ở đây Ngài cũng giải thích rõ vì sao hạng người này không nên kết bạn, trong khi hạng người kia nên kết bạn.

Bốn hạng người không nên kết bạn gồm:

1. Người vật gì cũng lấy. Hạng người này không nên kết bạn vì đó là kẻ cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, vì mưu lợi cho mình và là người vật gì cũng lấy.

2. Người chỉ biết nói giỏi. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ chỉ biết tỏ lộ thân tình việc đã qua, tỏ lộ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng sáo ngữ và khi có công việc thì tỏ sự bất lực của mình.

3. Kẻ nịnh hót. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ tán thành việc ác, không tán thành việc thiện, trước mặt tán thán sau lưng chỉ trích.

4. Người tiêu sài xa xỉ. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ kết bạn khi có rượu chè, khi du hành đường phố phi thời, khi la cà đình đám hý viện và khi có cờ bạc.

Về bốn hạng người nên kết bạn gồm:

1. Người có lòng giúp đỡ. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là người biết che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, làm chỗ nương tựa cho bạn khi bạn gặp sợ hãi và khi bạn có công việc thì sẵn sàng giúp đỡ của cải cho bạn.

2. Người chung thuỷ. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người sẵn sàng nói cho bạn về điều bí mật của mình, biết giữ kín điều bí mật của bạn, không bỏ rơi bạn khi gặp khó khăn và giám hy sinh thân mạng vì bạn.

3. Người khuyên điều lợi ích. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người giúp bạn ngăn chặn điều ác, khuyến khích bạn làm điều thiện, nói cho bạn những điều bạn chưa nghe và giải thích cho bạn đường hướng đến hạnh phúc an lạc.

4. Người có lòng thương tưởng. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người chia sẻ với bạn khi bạn bè gặp hoạn nạn, hoan hỷ khi bạn bè gặp may mắn, ngăn chặn việc nói sấu bạn và khuyến khích việc tán thán bạn bè.

Sau cùng, Đức Phật dạy cho Singàlaka về một số các mối tương giao được đi kèm với các bổn phận và trách nhiệm như:

Về quan hệ giữa cha mẹ và con cái:

Con cái đối với cha mẹ có năm bổn phận vần phải được thực hiện như sau: Phụng dưỡng cha mẹ, lo làm các bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và lo tang lễ cho cha mẹ khi cha mẹ qua đời.

Đáp lại, cha mẹ có năm trách nhiệm đối với con cái: Ngăn con làm điều ác, khuyến khích con cái làm điều thiện, dạy nghề nghiệp cho con, lo việc cưới gả cho con và đúng thời trao của thừa tự cho con.

Về quan hệ giữa thầy và trò:

Người học trò có năm bổn phận đối với thầy gồm: Lễ phép đối với thầy, chămlo hầu hạ thầy, nỗ lực học tập, lo việc phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp.

Đáp lại, vị thầy có năm trách nhiệm đối với học trò của mình như: Huấn luyện cho học trò những gì mình thành thạo, dạy học trò cách bảo trì những gì cần được bảo trì, dạy cho học trò của mình thuần thục các nghề nghiệp, khen thưởng học trò và đảm bảonghề nghiệp cho học trò.

Về quan hệ giữa vợ và chồng:

Người chồng có năm bổn phận đối với vợ: tôn trọng vợ, không thất kính đối với vợ, chung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ và thỉnh thoảng sắm đồ trang sức cho vợ.

Đáp lại, người vợ phải thi hành tốt đẹp các bổn phận làm vợ: Khéo đón tiếp các bà con của chồng, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khôn khéo và nhanh nhẹn trong mọi công việc.

Về mối quan hệ giữa bạn bè với nhau:

Trong mối tương giao giữa bạn bè, vị ấy cần sống với một nếp sống bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt.

Đáp lại, vị ấy được bạn bè quý mến, che chở cho những lúc vô ý phóng dật, được bảo vệ tài sản, được bạn bè giúp đỡ khi gặp nguy hiểm, được giúp đỡ khi gặp khó khăn và được bạn bè kính trọng về phương diện gia thế.

Về quan hệ giữa chủ và người làm công:

Người chủ cần có trách nhiệm đối với người làm công của mình như: Giao những công việc vừa sức, lo việc ăn uống và lương bổng, lo việc điều trị khi đau ốm, chia sẻ các món ăn ngon và thỉnh thoảng cho nghỉ phép.

Đáp lại, người làm công phải hoàn thành các bổn phận của mình như: Thức dậy trước chủ, đi ngủ sau chủ, bằng lòng với lương bổng và tiền thưởng, khéo làm các công việc và biết đem tiếng tốt về cho chủ.

Về quan hệ giữa các hiền nhân và đệ tử:

Người đệ tử phải có lòng về thân, về lời, về ý đối với các vị Hiền nhân, đón tiếp, trân trọng, cúng dường các vật dụng cần thiết cho các vị Hiền nhân.

Đáp lại các vị Hiền nhân có trách nhiệm đối với người đệ tử như: ngăn ngừa làm các điều ác, khuyến khích làm điều thiện, thương xót đệ tử với các lòng từ, dạy cho đệ tử những điều chưa được nghe, khiến cho thanh tịnh điều đã nghe và dạy bảo con đường hướng thiện cho các đệ tử.

Chúng tôi vừa giới thiệu một bài kinh đề cập khá chi tiết về nếp sống đạo đức của một người Phật tử. Đó là nếp sống bỏ ác làm lành được thể hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta ngang qua các mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân, gia đình, xã hội. Rõ ràng bài kinh chỉ được giảng dưới hình thức nêu rõ một số quan điểm về thiện và bất thiện cùng các mối quan hệ giữa con người với con người và chúng ta không hề thấy hai chữ "đạo đức" được nhắc đến ở đây. Quả vậy, bài kinh này không định nghĩa cho chúng ta đạo đức là gì, nhưng mỗi chữ mỗi câu trong bài đều toát lên sức sống của một nếp sống đạo đức chân thực thể hiện qua sự cân nhắc, chọn lựa những gì là thiên, bất thiện cũng như việc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và bổn phận đối với các mối quan hệ giữa con người với con người. Và đó chính là đạo đức.

Như vậy, bài kinh đã dạy cho chúng ta đạo đức của con người Phật là gì, cùng lúc ấy chỉ cho chúng ta cách thực hiện đạo đức ấy như thế nào. Tuy nhiên, điều cần chú ý ở đây không phải là những dấu hiệu đạo đức tìm thấy trong bài kinh, mà những biểu hiện của đạo đức được thể hiện qua đời sống hàng ngày của mỗi người Phật tử chúng ta. Làm sao để giá trị đạo đức của bài kinh trở nên sống động, góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội đó là trách nhiệm của mỗi người Phật tử chúng ta.

Không phải chỉ ngày nay đạo đức mới tỏ lộ tiếng nói của mình như là điều kiện tất yếu cho hạnh phúc của con người và thái bình của xứ sở. Hơn 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã nói đến đạo đức và cuộc sống của Ngài là tấm gương sáng về đạo đức. Quả vậy nếp sống Giới đức, Hạnh đức và Trí đức của Ngài mãi mãi là tấm gương soi sáng hướng đi hạnh phúc, an lạc cho mỗi chúng ta.

Nhân kỷ niệm Đản sinh lần thứ 2543 của Ngài, mỗi chúng ta hãy tự xác tín lại lòng kính tín của chúng ta đối với Đức Phật bằng cách tự đặt mình vào lời dạy của Ngài và nỗ lực tinh tấn thực hành những lời Ngài dạy. Việc làm đó nói lên lòng tôn kính của chúng ta đối với Đức Phật, sự kính trọng của chúng ta đối với giáo pháp của Ngài. Việc làm đó cũng nói lên tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề đạo đức.

Trước khi vào Niết-bàn, đức Phật có để lại cho chúng ta những lời huấn thị quan trọng. Để xác chứng lòng tịnh tín đối với bậc Đạo sư và những lời dạy của Ngài, chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng một lời khuyên của Ngài nói về thái độ kính trọng đúng đắn nhất của một người đệ tử đối với bậc đạo sư của mình:

"Này Ananda, nếu có các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ hay nữ cư sĩ nào thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chính trong Chánh pháp, hành trì đúng pháp, thời người ấy kính trọng tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]