Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11- Sự phát triển của Tiểu thừa

09/05/201312:20(Xem: 4487)
Chương 11- Sự phát triển của Tiểu thừa


Phật Học Tinh Yếu

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Trọn bộ 3 thiên

---o0o---

Sự Phát Triển Của Tiểu Thừa


Tiết mục:

I. Nguyên nhân phân biệt danh từ

II. Sự phát triển của Hữu-bộ

III. Sự phát triển của Kinh-Lượng-bộ

IV. Sự phát triển của Đồng Diệp bộ

Kinh sách tham khảo: Dị-Bộ-Tông-Luân-Luận, Phật-Học-Đại-Cương, Lược-Sử-Truyền-Bá-Phật-Giáo, Ấn-Độ-Phật-Giáo-Sử-Lược.

Đề yếu: Bởi chúng sanh căn tánh có khác nhau, nên giáo pháp mới chia thành Đại, Tiểu-thừa sai biệt. Tuy nhiên, nhìn nơi hiện thực, mỗi bên đều có những ưu điểm riêng. Trong ba bộ phái Tiểu-thừa được phát triển nhất, giáo nghĩa đặc sắc của Hữu-bộ là Câu-Xá-Luận; giáo nghĩa đặc sắc của Kinh-bộ là Thành-Thật-Luận. Đạo lý của hai bộ nầy về sau gây thành Câu-Xá-Tông và Thành-Thật-Tông bên Trung-Hoa. Còn Nam-phương Thượng-Tọa-bộ nhờ ở điểm giữ theo cổ truyền, đến nay thế lực vẫn không suy giảm, lại có phần muốn lấn hơn Bắc-phương Phật-giáo.

Nam-tông và Bắc-tông đã có những ưu điểm riêng, thiết tưởng người học Phật cũng nên có quan niệm bao dung, tham khảo giáo nghĩa cùng sự hành trì của đôi bên để chiết trung lấy, bỏ những phần ưu, liệt.

Tiết I: Nguyên Nhân Phân Biệt Danh Từ

Sau khi Phật-giáo chia thành hai mươi bộ, các phái đều phát đạt, nhưng tiến trình rất sai khác nhau. Hoặc có bộ phái dừng lại nơi giáo lý Tiểu-thừa, có bộ phái biến thành Đại-thừa. Các phái Tiểu-thừa phần nhiều thuộc hệ thống Thượng-Tọa-bộ. Các phái Đại-thừa phần nhiều thuộc hệ thống Đại-Chúng-bộ.

Trước tiên, sau khi Ðức Thế-Tôn diệt độ trong khoảng 100 năm, Phật-giáo chưa bị chia chẻ, nên thật ra chưa có danh xưng phân biệt. Lúc giáo đoàn Tăng-lữ lần lần chia thành hai mươi bộ, ta có thể gọi đó là thời kỳ bộ phái Phật-giáo. Bấy giờ những danh từ Tiểu-thừa, Đại-thừa hay Nguyên-thủy để chỉ định cho một tập đoàn nào cũng chưa có. Nhưng sau khi Đại-thừa Phật-giáo được chính thức thành lập, những học giả Đại-thừa muốn phân biệt sự cao thấp về mặt tư tưởng giáo lý, nên gọi những bộ phái thiên về quan niệm tự độ, chấp Ngã Không pháp hữu là Tiểu-thừa. Trái lại, Tiểu-thừa Phật-giáo không chấp nhận danh từ Tiểu-thừa, để tỏ ra giáo lý của mình đi đúng với căn bản hơn, sau nầy họ tự xưng là phái Nguyên-thủy. Gần đây, muốn gây ý niệm dung hòa trong khi giao tiếp, bên Đại-thừa thường tự xưng là Bắc-tông và gọi bên Tiểu-thừa là Nam-tông.

Khi Đại-thừa Phật-giáo mới ra đời và lần lần được hưng long, phái Tiểu-thừa bị kích thích bởi ảnh hưởng đó, cũng trở nên tiến đạt. Thời ấy, bên phái Tiểu-thừa, giáo lý được phát triển hơn cả là học thuyết của Nhất-Thiết-Hữu-bộ và Kinh-Lượng-bộ.

Tiết II: Sự Phát Triển Của Hữu Bộ

Lập nghĩa của Hữu-bộ, ban sơ lấy Phát-Trí-Luận của ngài Ca-Chiên-Diên-Ni-Tử làm căn bản. Kế đó, các luận sư trong bộ phái nầy căn cứ theo bản luận mà diễn thích thành sáu bộ khác, gọi là Lục-Túc-Luận. Ít lâu sau, những học giả thuộc bản bộ lại y cứ theo Phát-Trí-Luận và Lục-Túc-Luận mà giải thích một cách tỉ mỉ, biên soạn thành bộ A-Tỳ-Đạt-Ma-Đại-Tỳ-Bà-Sa-Luận. Về thời gian chế tác bộ Ðại-Tỳ-Bà-Sa, có nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng niên đại chế tác luận nầy vào lúc Phật diệt độ hơn 400 năm, khi vua Ca-Nị-Sắc-Ca mới lên ngôi. Còn trong Thế-Thân-Truyện lại bảo sau Phật diệt độ 500 năm. Ngài Đạo-Đỉnh, vị pháp sư viết lời tựa Tỳ-Bà-Sa-Luận, thì nói là hơn 600 năm sau Phật diệt độ. Thuyết sau nầy gần với sự thật hơn cả.

Đương thời, tông nghĩa của Hữu-bộ lấy xứ Ca-Thấp-Di-La làm trung tâm, và được thịnh hành ở địa phương Tây-bắc Ấn-Độ. Khi bộ Đại-Tỳ-Bà-Sa-Luận đã được biên soạn, học thuyết của Hữu-bộ dường như trở nên cố định, ngưng phát triển trong một thời gian. Nhưng đến sau, do phản ứng từ sự công kích của những luận sư Đại-thừa Phật-giáo như Long-Thọ, Đề-Bà, các phái Tiểu-thừa cũng lần thức tỉnh. Riêng về Hữu-bộ, họ hết sức chỉnh đốn lại nội dung của tông nghĩa mình. Như ngài Thi-Đà-Bàn-Ni (Stapàni) soạn thuật bộ Đề-Bà-Sa-Luận; ngài Pháp-Thắng (Dharmasri) soạn thuật bộ A-Tỳ-Đàm-Tâm-Luận. Sau đó, ngài Ưu-Ba-Phiên-Đà (Upasantà) sáng tác bộ A-Tỳ-Đàm-Tâm-Luận-Kinh; ngài Đạt-Ma-Đà-La (Dharmatràta) sáng tác bộ Tạp-A-Tỳ-Đàm-Tâm-Luận. Tất cả những bộ luận trên đều cùng chung mục đích phát huy chân giáo nghĩa của Hữu-bộ. Niên đại xuất thế của các vị luận sư kể trên, thuộc vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai đến cuối thế kỷ thứ tư tây-lịch. Đến đầu thế kỷ thứ năm, có ngài Tắc-Kiền-Địa-La (Skandila), trứ thuật bộ Nhập-A-Tỳ-Đạt-Ma-Luận. Giáo nghĩa của Hữu-bộ nhờ đó thêm phần đặc sắc.

Từ trước Hữu-bộ đã có bốn vị học giả trứ danh, mà cổ lai thường gọi là Hữu-tông-tứ-đại-luận-sư. Bốn ngài đó là: Pháp-Cứu (Dharmatràta), Diệu-Âm (Ghosa), Thế-Hữu (Vasumitra) và Giác-Thiên (Buddhadeva). Đến cuối thế kỷ thứ tư, có hai đại học giả Phật-giáo là Vô-Trước (Asanga) và Thế-Thân (Vasubandhu) ra đời. Hai ngài sanh quán ở thành Phú-Lâu-Sa-Bổ-La (Purusapura - Bá-Lộ-Sa), thuộc nước Kiền-Đà-La. Trước tiên hai ngài tin theo Bà-La-Môn-giáo, sau thấy đạo nầy chưa được cứu cánh, nên đồng xuất-gia học tập giáo lý Tiểu-thừa trong Hữu-bộ. Nhưng vì không mãn nguyện với học thuyết Tiểu-thừa, về sau hai vị lại chuyển sang nghiên cứu Kinh-điển của Đại-thừa Phật-giáo.

Riêng về ngài Thế-Thân, khi còn ở Hữu-bộ, nhân nghiên cứu học thuyết của Kinh-bộ thấy có nhiều ý tứ cao siêu, muốn đem học thuyết nầy chiết trung với Hữu-bộ để bổ khuyết cho giáo nghĩa của tông mình. Nhưng vì tông lý uyên nguyên khó bề tường tận, ngài sang xứ Ca-Thấp-Di-La tham phỏng với một vị đại-đức của Hữu-bộ là A-la-hán Ngộ-Nhập (biệt danh Chúng-Hiền, Tăng-Già-Bạt-Đà-La - Samghabhadra). Sau khi nắm hết được các yếu nghĩa, Tôn-giả Thế-Thân trở về bản quốc giảng Đại-Tỳ-Bà-Sa-Luận, nạn phá những chỗ ý tứ chưa được ổn, cải thiện lại học thuyết của Hữu-bộ. Và, thuận theo lòng ngưỡng mộ cùng sự yêu thỉnh của các học giả ở Ca-Thấp-Di-La, ngài biên tập lại những bài giảng của mình thành bộ A-Tỳ-Đạt-Ma-Câu-Xá-Luận (Abhidharma Kosasàstra). Chúng-Hiền luận-sư là một học giả chính thống của Hữu-bộ nghe ngài Thế-Thân sau khi phỏng đạo với mình, trở về làm luận Câu-Xá, bác phá nhiều điểm cổ truyền của bản tông, có ý không bằng lòng. Do đó luận-sư viết ra hai bộ: A-Tỳ-Đạt-Ma-Bảo-Luận cũng gọi là Thuận-Chánh-Lý-Luận và A-Tỳ-Đạt-Ma-Hiển-Tông-Luận; bộ trước dụng ý phá tà, bộ sau dụng ý hiển chánh. Nhưng hai bộ luận nầy vì chấp theo cựu thuyết, nên nội dung còn lủng củng, có nhiều chỗ phải viết trái với cổ nghĩa, ý tứ mới được thông. Vì vậy, bộ Câu-Xá-Luận được chiếm phần ưu thế hơn; các học giả trong Hữu-bộ khi tham tầm giáo lý của bản tông, chỉ nghiên cứu Câu-Xá-Luận là đầy đủ. Còn hai bộ luận của ngài Chúng-Hiền soạn, với chủ trương kháng đối Câu-Xá-Luận, ngược lại, bị họ coi là phản bội với giáo nghĩa của Hữu-bộ. Do đó, người đời sau gọi Câu-Xá-Luận là Tân-Tỳ-Bà-Sa-Luận, Tôn-giả Thế-Thân là tân giáo chủ của phái Tát-Bà-Đa (Hữu-bộ).
Và, học thuyết của Hữu-bộ phát triển đến đây là cùng cực.

Tiết III: Sự Phát Triển Của Kinh Lượng Bộ

Theo Bắc-truyền, Kinh-Lượng-bộ tức là Thuyết-Chuyển-bộ. Nhưng theo Nam-truyền thì hai bộ ấy khác nhau, Kinh-Lượng-bộ phát xuất là Thuyết-Chuyển-bộ. Nếu căn cứ thuyết sau nầy, giáo nghĩa của hai phái tất phải có chỗ sai biệt. Nhưng thuyết của Nam-truyền không tìm thấy kinh sách để tham khảo, nên nay chỉ theo Bắc-truyền mà lược thuật tông nghĩa của Kinh-Lượng-bộ.

Sở dĩ được gọi Kinh-Lượng, vì bộ nầy lấy kinh làm Chánh-Lượng, mà không y theo Luật, Luận. Trong thời kỳ kiết-tập thứ nhất, vị Tôn-giả trùng tuyên tạng-kinh là ngài A-Nan, nên phái nầy suy tôn ngài làm sơ tổ của bản bộ. Kinh-Lượng lại có tên là Thuyết-Chuyển với hàm ý: học thuyết của bộ nầy lưu chuyển về sau không cùng. Theo Kinh-Lượng-bộ, giáo nghĩa của tạng Kinh có công năng gây thành hạt giống trong tâm thức, hạt giống đó họ gọi là Nhất-vị-uẩn. Nhất-vị-uẩn lại có công năng sanh ra tự quả là Danh và Sắc. Danh sắc chủng tử cùng tâm chủng tử hai bên duy trì nhau, nên dù cho ở địa vị hữu tâm hay vô tâm, Nhất-vị-uẩn vẫn hằng tương tục không tiêu diệt. Chủng tử hằng tương tục không tiêu diệt nầy gọi là Tế-ngũ-uẩn, tương đối với Thô-ngũ-uẩn sanh diệt biến hóa. Tế-ngũ-uẩn tức là Nhất-vị-uẩn, Thô-ngũ-uẩn gọi là Căn-biên-uẩn.

Trước tiên, Kinh-Lượng-bộ chấp ngoài tâm có pháp, sau lần lần có khuynh hướng về Duy-tâm-luận. Phái nầy có hai học giả trứ danh: vị trước là Cưu-Ma-Ra-La-Đa (Đồng Thọ), chủ trương thuyết Sắc-tâm-hỗ-trì. Vị sau là Thất-Lỵ-La-Đa (Thắng-Thọ), chủ trương thuyết Tế-ý-thức. Tế-ý-thức là bốn uẩn vi tế làm căn bản cho Thô-ngũ-uẩn. Theo Kinh-Lượng-bộ, các loài dị sanh tự nhiên có chủng tử vô lậu. Do đó, dù Phật ra đời hay không ra đời, được nghe pháp hay không nghe pháp, những loài nầy đều có năng lực tự giải thoát. Bản phái lại lập ra thuyết Thắng-Nghĩa-Bổ-Đặc-Già-La, cho đây là cái thật ngã vi tế. Bổ-Đặc-Già-La nầy không có biệt thể khác năm uẩn như phái Độc-Tử và Chánh-Lượng, mà rất vi tế không thể nghĩ bàn, nên mới gọi là Thắng-Nghĩa. Tế-ý-thức là ngã thể trong nhân vị khi chưa thành Phật. Thắng-Nghĩa-Bổ-Đặc-Già-La là bản thể vô thủy vô chung, thông cả phàm-phu và Phật-vị.

Kinh-Lượng-bộ lại lập ra ba định tụ: Chánh-định-tụ, Tà-định-tụ và Bất-định-tụ. Chánh-định-tụ là pháp vào Niết-bàn. Tà-định-tụ là pháp không thể vào Niết-bàn. Bất-định-tụ là pháp không nhất định được Niết-bàn. Phái nầy cũng lập ra thuyết Vô-vi-vô-tác-dụng như Hữu-bộ. Vô-vi-vô-tác-dụng đại khái giống như thuyết Chân-như-bất-động của Duy-Thức. Vì thế, có kẻ cho Kinh-Lượng-bộ là tiền khu của Duy-Thức-tông.

Đến giữa thế kỷ thứ tư Tây-lịch, có ngài Ha-Lê-Bạt-Ma (Harivarman - Sư-Tử-Khải) ra đời, chỉnh đốn lại giáo nghĩa của Kinh-Lượng-bộ. Ha-Lê-Bạt-Ma gốc người Trung-Ấn, thuộc dòng Bà-La-Môn, đã từng tu học theo phái Số-luận, sau mới quy-y Phật-giáo. Khi nương về chánh-pháp, đầu tiên ngài theo đại-đức Cưu-Ma-La-Đa, một học giả của Hữu-bộ, tham cứu về Phát-Trí-Luận. Sau ngài thấy học thuyết của Hữu-bộ còn nông cạn mà lối biện luận lần lần đi vào chỗ phiền toái, nên chuyển sang nghiên tầm giáo nghĩa của Đại-Chúng-bộ. Khi nương về Kinh-Lượng-bộ, ngài có mục đích thống nhất giáo nghĩa của các phái, nên mới chiết trung các học thuyết Đại, Tiểu-thừa, mà soạn ra bộ Thành-Thật-Luận (Satyasiddhi Sàstra).

Nội dung của Thành-Thật-Luận là căn cứ vào thuyết Tứ-thánh-đế, để chỉnh đốn lại đạo lý của Phật-giáo. Trong đây chia thành năm tụ, gồm 202 phẩm. Năm tụ là: Phát-tụ, Khổ-đế-tụ, Tập-đế-tụ, Diệt-đế-tụ và Đạo-đế-tụ. Phát-tụ giải thích ý nghĩa Tam-bảo và mục đích tạo luận. Khổ-đế-tụ nói về sự khổ nung nấu của ngũ ấm. Tập-đế-tụ bàn vấn đề nghiệp và phiền não. Diệt-đế-tụ giải thích vấn đề Niết-bàn. Còn Đạo-đế-tụ thuyết minh về Định và Trí. Điểm đặc sắc trong luận, là nơi phẩm Diệt-Pháp-Tâm có đề cập đến thuyết Nhân-pháp-câu-không, giống như giáo nghĩa của Đại-thừa, còn các phẩm khác đều bàn về Tiểu-thừa-pháp. Ngoài ra, ngài Ha-Lê-Bạt-Ma còn kế thừa thuyết “Hiện tại thật hữu, quá vị vô thể” của Kinh-Lượng-bộ.
Đại khái, Kinh-Lượng-bộ được phát triển rực rỡ nhất, nhờ khoảng thời gian bộ Thành-Thật-Luận ra đời.

Tiết IV: Sự Phát Triển Của Đồng Diệp Bộ

Đồng-Diệp-bộ cũng gọi là Nam-phương Thượng-Tọa-bộ. Sở dĩ có danh từ Nam-phương Thượng-Tọa-bộ là để phân biệt với Thượng-Tọa-bộ tại miền Bắc-Ấn. Đồng-Diệp-quốc hay Sư-Tử-quốc đều là biệt danh của người Trung-Hoa gọi đảo Tích-Lan; Nam-phương Thượng-Tọa-bộ thịnh hành trước tiên ở đảo nầy, nên gọi là Đồng-Diệp-bộ. Về sau Phật-giáo các nước: Miến-Điện, Thái-Lan, Ai-Lao, Cao-Miên, từ hình thức cho đến giáo nghĩa đều giống như Nam-phương Thượng-Tọa-bộ của Tích-Lan. Vậy nay chỉ nói về Thượng-Tọa-bộ đã phát triển nơi xứ nầy, còn Phật-giáo ở các nước kia, vì đồng một hệ thống có thể suy ra để hiểu, vả lại phạm vi cũng quá rộng, nên xin ngừng lại cho phần lịch sử.

Về Phật-giáo Tích-Lan, nơi mục “Kinh Phật tiếng Ba-ly” trong chương thứ bảy của bản thiên đã có nói lược qua, nên nay chỉ đề cập những điểm cần yếu.

Đạo lý của Phật-giáo Tích-Lan, lúc đầu thuộc về hệ thống Thượng-Tọa-bộ. Giáo đoàn trước tiên là Đại-Tịnh-Xá-Tự-Phái, gọi tắt là Đại-Tự-Phái (Mahàvihàra). Phái nầy được thành lập từ đời vua Thiên-Ái-Đế-Tu thứ bảy, thuộc Thượng-Tọa-bộ (Theriyanikàya). Đến thời kỳ Vô-Úy-Vương tức vị, lại xuất sanh phái Vô-Úy-Sơn-Tự (Abhyagiri) thuộc về Pháp-Hỷ-bộ (Dhammaruci nikàya). Sang triều vua Cù-Đàm-Bà-Gia (Gotabhaya) lại phát xuất thêm một phái mới nữa, gọi là Kỳ-Đà-Lâm-Tự (Tetavana). Như vậy, từ thế kỷ thứ ba trước kỷ nguyên đến đầu thế kỷ thứ hai sau Tây-lịch, Phật-giáo Tích-Lan có tất cả ba phái khác nhau.

Đến đầu thế kỷ thứ mười một, xứ Tích-Lan bị dân tộc Tamil ở Nam-Ấn-Độ tràn tới đánh phá đô thành, thiêu hủy chùa tháp, tàn sát chư Tăng, nên Phật-giáo ở nơi đây bị suy vi trong một thời gian. Sau đó vài mươi năm, có vua Tỳ-Dà-Gia-Bà-Hầu (Vijaya bhàhu) nổi lên đánh đuổi quân thù, khôi phục lại bờ cõi, sai sứ sang Miến-Điện nghinh thỉnh Tam-tạng Kinh-điển đem về. Phật-giáo ở bản xứ nhờ đó mới trở lại hưng thịnh.

Cuối thế kỷ thứ mười hai, vua Ba-Ra-Ca-Ma-Bà-Hầu (Parakhama bhàhu), một vị anh quân của Tích-Lan, lên ngôi thống trị. Vua là người hết sức lưu tâm đến việc chấn hưng và thống nhất Phật-giáo. Từ trước ở bản xứ, ba phái Phật-giáo vẫn đối lập nhau, nhưng sau khi lên ngôi, vua dung hòa và thống nhất ba phái thành một, lấy tông nghĩa của Đại-Tự-Phái thuộc Thượng-Tọa-bộ làm giáo học chính thống.

Từ thế kỷ thứ mười sáu trở đi, nước Tích-Lan tuy bị người Bồ-Đào-Nha và Hòa-Lan dùng đủ mọi cách đem tư tưởng Thiên-Chúa-giáo truyền vào, nhưng dân chúng phần đông vẫn là tín đồ của Phật-giáo. Đến tháng hai năm 1948, xứ Tích-Lan thoát khỏi vòng cai trị của người Anh và tuyên ngôn độc lập. Sang tháng 5 năm 1950, hội nghị Phật-giáo-thế-giới gồm đại biểu của 29 nước được chiêu tập tại nơi đây. Hội nghị nầy đã quyết định từ nay về sau, Phật-giáo của các nước thuộc hệ thống Tiểu-thừa đều gọi là Theravada (Thượng-Tọa-bộ Phật-giáo). Và từ đó, giữa Tiểu-thừa và Đại-thừa Phật-giáo đã có sự thông cảm.

Tóm lại, sự tiến triển của Nam-phương Thượng-Tọa-bộ ở Tích-Lan nói riêng, cũng như các nước: Miến-Điện, Thái-Lan, Ai-Lao, Cao-Miên nói chung, đều đồng những điểm đặc sắc then chốt là:

- Chỉ tôn thờ Phật Thích-Ca là đấng Bổn-Sư duy nhất.

- Đều thông dụng thứ Kinh-điển chép bằng tiếng Ba-ly.

- Chỉ có chư Tăng, không có Ni chúng.

- Chư Tăng đều vấn y vàng, ôm bát.

- Phái xuất-gia cố gắng giữ giới, tham Thiền, phái tại-gia ưa thích sự cúng dường, bố thí.

---o0o---

Source:Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]