Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 08

18/04/201317:20(Xem: 8816)
Phần 08

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUT NGŨPHN

Lược thuật:Phước Thắng

Hiệu đính:Thích Đỗng Minh

Chú thích:Tâm Nhãn

--- o0o ---

ÐỨC PHẬT VỚI TỲ-KHEO BỆNH

Có một Tỳ-kheo nhác nhớm, không tiếp tay làm những công việc của chúng, cũng không hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê... Khi ngã bệnh, không ai chăm sóc, vệ sinh tại chỗ, phân, giải dính cả thân, hôi thối bất tịnh. Ðức Phật đi xem xét các phòng, thấy vậy, Ngài tự tay tắm rửa, giặt y cho bệnh nhân, dọn dẹp, trừ khử bất tịnh, đỡ bệnh nhân nằm trên giường rồi ngồi một bên an ủi:

- Thầy đừng lo sợ. Nay mai thầy sẽ lành, không sao đâu!

Tỳ-kheo kia nghe lời nói ân cần này, lòng rất vui, đầy xúc động. Ðức Phật lại nói các diệu pháp, Tỳ-kheo bệnh được xa trần lìa cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Nhân việc này, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi A-nan:

- Tỳ-kheo... bệnh, tại sao không có người chăm nom?

A-nan trình bày sự việc, đức Phật bảo A-nan:

- Các ông làm điều phi pháp. Tỳ-kheo không có cha mẹ không tự chăm sóc cho nhau thì ai vào đây chăm sóc cho? Nay Ta cho phép các Tỳ-kheo phải cử người nuôi bệnh, phải chăm sóc chu đáo.

NÊN CHO – NÊN CÚNG DƯỜNG

Thuở ấy, có một người mẹ trẻ sinh con bị chết yểu. Lần sinh sau là một đứa con trai rất dễ thương, cô ta sợ lại bị chết yểu như đứa con lần đầu, nên đến Tỳ-kheo xin y ca-sa, may áo cho con mặc để trừ khử tà quái. Các Tỳ-kheo không dám cho, bạch Phật. Ðức Phật dạy: Nên cho họ.

Khi ấy, cha mẹ của Tất-lăng-già-bà-ta rất nghèo khổ, ông muốn đem y cúng dường mà không dám, bạch Phật. Nhân việc này đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có người đối với cha mẹ, 100 năm vai bên phải cõng cha, vai bên trái cõng mẹ, cha mẹ lại đại tiểu tiện luôn trên đó, nuôi nấng cha mẹ bằng những ẩm thực, y phục trân kỳ nhất trên đời, cũng chưa thể tạ ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay Ta cho phép các Tỳ-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu không cúng dường là phạm tội rất nặng.

DÒNG HỌ THÍCH XIN Y

Bấy giờ, nước Xá-di10rất bảo thủ, làm theo Cựu điển: cấm tất cả người khác họ kết hôn với người trong họ. Vua Ba-tư-nặc lại mê say gái đẹp của dòng họ Thích, muốn cưới nhưng gặp trở ngại, song vua ỷ vào thế lực quân sự mạnh của mình, bèn sai sứ khuyến cáo: “Nếu không cho ta cưới con gái họ Thích thì ta sẽ đem quân chinh phạt”.

Các người dòng họ Thích họp nhau lại nghị bàn: “Nên tương kế tựu kế thế nào để tránh khỏi điều bạo ngược, mà lại không trái với Cựu điển của nước ta”. Các người trong dòng dõi nhất trí chọn một đứa tớ gái đẹp, thùy mị, đoan trang, rồi cho trang điểm với đồ trang sức đẹp, mang danh dòng họ Thích để đáp ứng việc cưới xin của vua Ba-tư-nặc.

Ý đồ này dòng họ Thích khéo léo thực hiện, rồi thông báo cho vua Ba-tư-nặc biết để định liệu việc cầu hôn, và việc hôn nhân cũng nhanh chóng diễn ra tốt đẹp. Không lâu sau, trong hoàng cung của vua Ba-tư-nặc vang lên tiếng khóc chào đời của một bé trai khôi ngô, tuấn tú tuyệt vời. Nhà vua ra lệnh cho các thầy tướng dựa theo tướng mạo ấy mà đặt tên cho con mình. Các thầy tướng nói:

- Nhà vua vốn dùng uy lực mà cưới được mẹ đứa bé trai này, nên dựa vào nghĩa đó đặt tên là Lưu-ly.

Ðến năm tám tuổi, nhà vua muốn mời thầy dạy học cho con. Vua suy nghĩ: “Trong các nghề, nghề bắn cung là hơn hết, và trong cõi Diêm-phù-đề11chỉ có dòng họ Thích tài bắn cung là hơn cả. Khi Phật còn là Bồ-tát, bắn xa một do-tuần với một Câu-lâu-xá 12. Thích Ma-nam thì bắn xa một do-tuần và tay bắn tồi nhất cũng xa không dưới một Câu-lâu-xá. Ta nên cho Lưu-ly về bên ngoại để học nghề này”.

Vua ra lệnh cho đại thần và bao người hầu cận thị tùng thái tử sang bên ngoại thọ học bắn cung với Thích Ma-nam.

Bấy giờ, các người dòng họ Thích mới xây xong một tòa nhà lớn. Họ giao ước với nhau: “Nơi này cúng dường, cung thỉnh Phật và đệ tử của Ngài vào đây trước nhất, sau đó chúng ta mới vào sử dụng”. Ngày ấy, thái tử Lưu-ly cùng với quyến thuộc tùy tiện vào trong tòa nhà ấy vui đùa. Các người dòng họ Thích thấy vậy mắng ngay:

-Con của đứa tớ hạ tiện, ta không coi ngươi là nơi phước điền tốt. Tại sao đức Thế Tôn chưa vào ngồi mà ngươi dám vào trước?

Thái tử Lưu-ly nghe thế liền phẫn hận, ra lệnh cho một người tùy tùng:

- Ngươi ghi nhớ kỹ điều này, khi ta làm vua tâu lại với ta.

Thái tử nói rồi, tức tốc bỏ đi ra. Ngay sau đó, dòng họ Thích đào lấy đất nơi tòa nhà ấy đổ đi rồi đưa đất mới vào làm lại. Công việc hoàn tất mới thỉnh Phật và Tăng vào trong để cúng dường và nghe diễn thuyết diệu pháp...

Thái tử Lưu-ly học xong nghề bắn, trở về thành Xá-vệ. Tuổi còn niên thiếu, Lưu-ly đã nối ngôi vua. Các chức quan trọng yếu, tân vương đều giao cho những người cùng học trước kia. Ngày ấy, vị đại thần trước kia nhớ lời dặn tâu với vua rằng:

- Hoàng thượng còn nhớ bị các người thuộc dòng họ Thích mắng không?

- Ta nhớ.

- Nay nếu không trả thù thì đợi lúc nào nữa?!

Lời tâu ấy liền có tác động mạnh. Nhà vua sắc lệnh cho bốn loại binh tiến quân chinh phạt dòng họ Thích. Khi hay tin này, đức Thế Tôn vội đến bên lộ, ngồi dưới cây Xá-di, một loại cây không có bóng mát. Vua Lưu-ly từ xa đã thấy Phật, liền xuống xe đi bộ đến, đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài và bạch:

- Kính bạch đức Thế Tôn, cây tốt rất nhiều, vì lý do gì Ngài lại ngồi dưới cây không có bóng mát?

- Thân tộc là bóng mát vui thích nhất. - Ðức Thế Tôn trả lời

Nhà vua biết được ý Phật là Ngài đã dũ lòng thương đến các người dòng họ Thích, nên cho lui binh. Không lâu sau, đại thần kia lại nhắc mối nhục dĩ vãng, lửa hận thù trong lòng vua Lưu-ly bén lên, tác động trả thù lớn hơn. Cuộc chinh phạt dòng họ Thích một lần nữa tái diễn. Ðức Phật biết rõ những người dòng họ Thích không thể tránh khỏi túc nghiệp phải đối đầu này, nên Ngài không ra can ngăn nữa.

Dòng họ Thích nghe vua Lưu-ly kéo binh đến chinh phạt đất nước mình, họ cũng dàn quân chống trả. Cách một do-tuần, họ dùng tên bắn vào địch quân, tên xuyên qua sát lỗ tai, tên làm đứt tóc, tên gọt đứt râu khiến râu tóc và lông mày không còn sót một sợi. Các chiến cụ của đối phương nhất loạt bị phá hoại mà không gây thương tổn mạng sống địch quân. Vua Lưu-ly hỏi các quan tả hữu:

- Các người dòng họ Thích ở cách đây xa hay gần?

- Cách đây một do-tuần. - Các tướng quân tâu.

Nghe thế, nhà vua rất sợ hãi, nói:

- Trận chiến chưa xáp lá cà mà đã như thế này, huống chi giáp trận nhau, quân ta thua là điều chắc chắn, nên rút quân là hay nhất.

Một vị đại thần kịp ngăn vua, nói:

- Dòng họ Thích đều giữ năm giới, họ thà chết chứ không hại ai, vua nên tiến quân xông thẳng vào thì chắc chắn thắng, không có chuyện bại trận xảy ra.

Nhà vua nghe theo, ra lệnh cho quân tiến lên. Dòng họ Thích rút vào trong thành, đóng cửa tự thủ. Vua Lưu-ly sai sứ loan báo: “Mở cửa thành ngay thì còn có sự tha thứ. Nếu để vua phá thành thì không một người nào thoát chết”. Khi ấy, tôn giả Mục-kiền-liên nghe vua Lưu-ly muốn công phá đại thành Xá-di, bạch Phật:

- Xin Thế Tôn cho phép con biến hóa làm một cái lồng bằng sắt để chụp đỡ cả đại thành.

Ðức Phật dạy:

- Tuy ông có thần lực, song làm sao có thể cải đổi được nhân duyên định báo này.

Do ý nghĩa ấy, đức Phật nói kệ:

Luận nghiệp có trắng đen

Không có chuyện hư dối

Tuy lâu cũng sẽ đến

Trở lại mình phải chịu

Vào hư không, biển cả

Hay ẩn trong núi đá

Bất cứ đến chỗ nào

Dù sâu kín, gần xa

Sao tránh khỏi quả kia

Báo ứng sẽ đưa đến

Tự nhiên hướng đến nó

Không nhất định nơi nào.

Bấy giờ, dòng họ Thích thấy quân của đối phương đông như kiến, có người nói: “Mở cửa thành để được toàn thân”, có người nói: “Dù chết cũng cố thủ”. Phân vân về các quyết định này nên phải bỏ phiếu, phía ít phải phục tùng phía đông. Khi ấy, ma Ba-tuần13yểm trợ cho phe muốn mở cửa thành, nên qua bảy lần bỏ phiếu, phe này đều có nhiều phiếu hơn. Thế là cửa thành được mở ra, vua Lưu-ly chiếm được thành rồi ra lệnh cho ba quân:

- Giết hết dòng họ Thích, không sát hại dòng họ khác.

Ba ức người dòng họ Thích nghe đều cầm cỏ lau chạy ra nói:

- Chúng tôi là người cắt cỏ cho dòng họ Thích.

Quân giữ cửa thành tin theo lời, để cho chạy thoát. Thích Ma-nam tức tốc đến chỗ vua Lưu-ly. Vì ông vừa là Ngoại gia, vừa là thầy dạy bắn cung nên vua Lưu-ly thưa hỏi:

- Khanh muốn cầu điều gì?

- Xin đừng giết các người trong thân tộc của tôi nữa!

- Thích Ma-nam khẩn thiết xin.

- Ðiều đó không thể được. Có thể cầu xin điều gì khác.

Thích Ma-nam lại cầu xin:

- Xin hoàng thượng ban một ân huệ, là cho tôi khi lặn xuống nước đến lúc trồi lên, trong thời gian ấy cho những người dòng họ Thích được phép chạy ra, đừng giết họ.

Vua Lưu-ly nghĩ: “Thời gian một hơi thở ở dưới đáy nước là quá ngắn ngủi, việc gì không chấp nhận”. Ðược sự chấp thuận, Thích Ma-nam liền xổ bung đầu tóc ra, rồi lặn sâu xuống ao, lấy tóc cột vào gốc cây dưới đáy. Thích Ma-nam chết, thân vẫn nằm yên trong lòng nước. Thấy khá lâu, vua lấy làm lạ, sai người lặn xuống, thì ra cơ sự bi thảm kia lại là hình ảnh bi hùng nhất!

Cái chết của Thích Ma-nam được sứ giả tâu lên vua, vua khen:

- Kính phục! vì thân quyến mà không tiếc thân mạng!

Vua liền ra lệnh cho ba quân:

- Nếu ai còn giết dòng họ Thích sẽ bị quân pháp nghiêm trị.

Khi ấy, các Tỳ-kheo nghe vua Lưu-ly tàn sát người nước Xá-di, bạch Phật. Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Vua Lưu-ly ngu si. Sau bảy ngày, ông ta sẽ thọ tội hại người thầy đã dạy mình và cả gia quyến của nhà vua kẻ lớn người nhỏ cũng cùng chung số phận.

Vua Lưu-ly nghe đức Phật nói như thế, tâm niệm: “Lời nói của Phật không bao giờ sai”. Vua thầm nghĩ: “Trong các nỗi khổ, khổ nào cũng đáng sợ, nhưng sợ nhất là cái khổ bị lửa thiêu đốt”. Nhà vua cùng quyến thuộc ngồi thuyền đi vào sông A-di. Ngày thứ bảy lại đến, ngày ấy nước sông bỗng nhiên lớn kinh khủng, liền nhận chìm thuyền vua Lưu-ly. Nhà vua và cả quyến thuộc chết đồng loạt. Bấy giờ, các người dòng họ Thích còn sống sót không có một tấm áo che thân, họ đến trú xứ Tỳ-kheo, nói:

- Tôi là dòng họ Thích, là bà con thân tộc với đức Thế Tôn, cho tôi xin một ít y.

Các Tỳ-kheo không dám cho, bởi lẽ đức Phật chưa cho phép cho y người dòng họ Thích. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: “Ðược phép cho”.

NƠI BIÊN ÐỊA ÐƯỢC1....

Bấy giờ, Ma-ha Ca-chiên-diên sống ở trong núi Ba-lâu-đa2, là biên địa thuộc nước A-thấp-a-vân-đầu3. Trong nước có ông Trưởng giả tên là Sa-môn Ức-nhĩ, rất tin kính Phật pháp, thường cúng dường các Tỳ-kheo, thấy pháp đắc quả rồi thọ Tam quy, Ngũ giới. Một hôm, trong chỗ thanh vắng, Sa-môn Ức-nhĩ suy niệm lời Phật dạy: “Tại gia nhiễm trước, không thể tịnh tu phạm hạnh. Xuất gia vô nhiễm, cũng như hư không. Nay sao ta không vào pháp vô vi, cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo?”. Nghĩ rồi, sáng sớm Sa-môn Ức-nhĩ đến chỗ Ca-chiên-diên, đầu mặt kính lễ sát chân, trình bày đầy đủ ý nghĩ của mình, rồi cầu xin xuất gia thọ Cụ túc giới. Ca-chiên-diên bảo:

- Như lời ông nói là thật xác đáng, song việc xuất gia tu phạm hạnh thì phải một mình ngồi dưới gốc cây, ăn ngày một bữa, ông vốn là người giàu có thì đây là điều rất khó cho ông.

Ức-nhĩ ghi nhận lời dạy rồi về nhà. Ðiều gì ông đã quyết, ông nhất tâm thực hiện. Ba lần đến cầu xin Ca-chiên-diên và lần cuối được chấp nhận. Khi Sa-môn Ức-nhĩ xuất gia học đạo, tại nước này Tăng rất ít, không đủ chúng mười người để trao giới Cụ túc, nên Ức-nhĩ làm Sa-di đến sáu năm. Trước sự việc này, tôn giả Ca-chiên-diên dùng thần lực tập hợp chúng mười vị ở các nước khác đến, trao giới Cụ túc cho Ức-nhĩ.

Sau khi thọ giới rồi, Ức-nhĩ nghĩ: “Ta nghe đức Như lai là bậc Ứng cúng Chánh đẳng giác mà chưa diện kiến được, nay ta nên đến thăm hỏi đức Thế Tôn”. Ngày ấy, trước khi lên đường, Ức-nhĩ đến thưa chào Ca-chiên-diên. Trước tôn giả, đầu mặt kính lễ sát chân rồi xin phép đi hầu thăm Phật. Ca-chiên-diên nói:

- Tốt lắm! Tôi vui theo quyết định của ông. Ông nên lên đường sớm chừng nào tốt chừng ấy. Ông cho tôi gởi lời thăm hỏi đức Thế Tôn và bạch Ngài xin chấp thuận cho năm điều sau:

1- Nước A-thấp-ba-a-vân-đầu không có Tăng, Ức-nhĩ làm Sa-di sáu năm vì không đủ chúng mười vị để trao giới Cụ túc. Ca-chiên-diên dùng sức thần thông tập trung Tăng các nước khác mới đủ chúng mười vị để trao giới Cụ túc cho Ức-nhĩ. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép nước này không đủ chúng mười vị được trao giới Cụ túc.

2- Nước này có nhiều sỏi đá chông gai, xin đức Thế Tôn cho phép Tăng nước này được mang giày, guốc hai lớp.

3- Nước này dùng da lót trên đất làm tọa, ngọa cụ, xin Thế Tôn cho phép Tỳ-kheo nước này dùng da lót trên đất.

4- Người nước này ngày nào cũng tắm rửa, xin Thế Tôn cho phép Tỳ-kheo ở nước này hằng ngày tắm rửa.

5- Có Tỳ-kheo gửi y cho Tỳ-kheo phương khác, y chưa đến nơi, Tỳ-kheo ấy sanh nghi, sợ phạm tội chứa y dư. Xin Thế Tôn vì Tỳ-kheo này trừ mối nghi.

Ức-nhĩ vâng lời thầy dạy, lên đường. Khi đến chỗ trú ngụ của đức Phật trong thành Xá-vệ, Ức-nhĩ đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch lời thăm hỏi của Hòa thượng Bổn sư lên đức Thế Tôn. Ðức Phật bảo A-nan:

- Ông trải ngọa cụ cho Tỳ-kheo này nghỉ ngơi.

A-nan nghĩ: “Ðức Phật muốn cho Tỳ-kheo này cùng nghỉ nên khiến ta trải ngọa cụ”. A-nan trải ngọa cụ cho khách nơi phòng của Phật. Ðức Phật với Ức-nhĩ nghỉ cùng một phòng. Ðầu đêm, giữa đêm im lặng không chuyện vãn. Ðến cuối đêm, đức Phật nghĩ đến Ức-nhĩ: “Ðây là con nhà vọng tộc, oai nghi điều phục, nên bảo Tỳ-kheo này nói pháp”. Ðức Phật bảo Ức-nhĩ:

- Thầy có thể nói pháp.

Vâng theo lời dạy, Ức-nhĩ nói lưu loát mười sáu nghĩa phẩm kinh, nói rồi đứng im lặng. Ðức Phật dạy:

- Lành thay! Người trong nước thầy, ai cũng đều nói được như vậy chăng?!

Ức-nhĩ thưa:

- Có người hơn con!

- Tại sao thầy ở nơi nước ấy mà không đến gặp Ta? - Ðức Phật hỏi.

- Con biết điều tội ấy, song vì nhân duyên nên con chưa thực hiện sớm hơn.

Nhân đó, đức Thế Tôn nói kệ:

Thấy lỗi lầm ở đời

Tự thân nương pháp lành

Kẻ hiền không ưa ác

Vì ác không thích thiện.

Ðược gần gũi bên Phật là điều khó, Ức-nhĩ đạt được điều này, liền bạch xin Thế Tôn chấp thuận cho năm điều mà thầy mình kiến nghị. Sáng ngày, đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng, Ngài bảo Ức-nhĩ trình bày lại năm điều xin của tôn giả Ca-chiên-diên. Trước Tăng, Ngài khen ngợi hạnh thiểu dục tri túc, khen giới, khen người trì giới; sau đó Ngài chấp thuận năm điều mà Ức-nhĩ đã thay mặt thầy mình xin. Cụ thể điều 1 và điều 5 như sau:

- Chỗ thiếu Tỳ-kheo như nước của Ức-nhĩ thì đủ năm vị trì luật là có thể trao giới Cụ túc.

- Tỳ-kheo gửi y cho Tỳ-kheo nơi khác, tuy Tỳ-kheo trước có nghe biết, y chưa vào tay, không phạm tội chứa y dư.

. BÒ MẸ ÐÒI CON

Lúc bấy giờ, Bạt-nan-đà thường tới lui một gia đình người chăn bò. Ngày ấy, Bạt-nan-đà mặc y, bưng bát ghé đến nhà ấy. Ông ta nhìn thấy con bò nghé của người nhà nuôi có sắc lông đốm nhiều màu, rất lấy làm thích, ước gì có được da con nghé này làm phu cụ thì tuyệt. Người chủ hỏi:

- Sao thầy đăm đăm nhìn con nghé một cách say sưa vậy?

- Con nghé này có sắc lông loang lỗ xem rất thích! Giá được da nó để làm phu cụ thì hay quá! - Bạt-nan-đà trả lời.

- Ðại đức thường lo liệu việc nhà của con, con đâu có tiếc gì con nghé mà không cúng cho thầy. - Người chủ bảo.

Người chủ liền ra tay giết con nghé trước mặt mẹ nó để lấy da cúng cho Bạt-nan-đà. Nhận được tấm da “quý”, sư trở về Tăng phường. Ði theo sau Bạt-nan-đà là con bò mẹ, rống kêu buồn thảm như để đòi lại đứa con của nó!

Các Tỳ-kheo hỏi Bạt-nan-đà:

- Sao con bò này lại theo thầy rống kêu thảm thiết vậy?

- Tôi không rõ lắm. - Bạt-nan-đà đáp.

- Con bò này theo thầy mà không theo người khác, thầy nói không biết là không đúng. - Các Tỳ-kheo vặn hỏi.

Bạt-nan-đà đành đem sự thật kia nói trước Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo hết sức nghiêm khắc quở trách Bạt-nan-đà, rồi bạch lên Phật. Trước Tăng, Bạt-nan-đà bị đức Phật quở trách là người ngu si. Ngài dạy các Tỳ-kheo:

- Từ nay không cho phép cất giữ tất cả các loại da súc vật.

NHỜ AI, CHƯ TĂNG ÐƯỢC MANG DÉP DA?

Dưới triều vua Bình-sa, hai nước Ma-kiệt và Ương-già4có đến 42 ngàn tụ lạc. Các hào kiệt của hai nước không người nào không tin kính Phật, Pháp, Tăng, chỉ trừ trong thành Chiêm-bà 5có ông Thủ-lâu-na, là con của một Trưởng giả giàu có, tiền lên đến con số 20 ức. Người đương thời gọi Thủ-lâu-na là ôngHai Mươi Ức. Ông ta hưởng được sự vui sướng, ấm êm ngay lúc chào đời, tay chân mềm mại, dưới chân mọc nhiều lông. Vua Bình-sa nghĩ: “Trong cương giới ta chỉ có Hai Mươi Ức là chưa có lòng tin yêu Phật pháp. Bằng cách nào ta có thể làm cho ông tin? Nếu đích thân đến nhà, ông ta sẽ hoảng sợ, còn nếu gọi đến, ông ta lại kinh hồn. Ta nên mời 60 gia đình hào kiệt trong thành Chiêm-bà đến dự lễ hôn nhân của vương tử. Nhân cuộc gặp gỡ này, ta sẽ hướng dẫn ông đến với đạo pháp”.

Sau đó, thông báo của vua đến 60 gia đình kia nhưng thân tộc gia đình của Hai Mươi Ức liền đến vua tâu:

- Bẩm hoàng thượng! Hai Mươi Ức chưa có lúc nào bước xuống đất, vì dưới chân Hai Mươi Ức có mọc đầy lông, chẳng khác nào tóc mọc trên đầu, nên không thể đến dự lễ cưới của vương tử. Xin hoàng thượng thứ tội và đặc biệt miễn trừ cho Hai Mươi Ức.

- Có thể đi voi, ngựa, xe, kiệu mà đến. - Nhà vua bảo.

- Muôn tâu, cũng không được, bởi thân thể Hai Mươi Ức mềm nhũn như con bún thì làm sao dùng các phương tiện ấy!. - Thân tộc thưa.

Nay vương tử làm lễ thành hôn, cần sự hiện diện của các hào kiệt, ta cho phép thân tộc củaHai Mươi Ức tận dụng mọi phương tiện để đưa bằng được ông ta đến tham dự.

Sau đó, thân tộc họp lại thảo luận tìm giải pháp. Giải pháp ấy là đào một con kênh thông thuyền đưa ông ta đi mỗi ngày vài dặm mới tránh được sự vất vả, mệt nhọc, đồng thời cũng để phụng mạng nhà vua. Kế hoạch được thực hiện một cách nhanh chóng và có kết quả tốt.

Ngày ấy Hai Mươi Ức đến thành Vương-xá, thân tộc tâu lên vua:

- Tâu hoàng thượng Hai Mươi Ức vừa đến, xin hoàng thượng cho ông ta giữ tập quán sống như ở gia đình.

- Nếp sống ở nhà là như thế nào? - Vua hỏi.

- Tâu hoàng thượng, dùng vải trải trên đất rồi đi lên đó. - Thân tộc trình bày.

- Ðược thôi. - Vua cho phép.

Nhà vua liền ra lệnh cho các quan thực hiện tốt yêu cầu này. Lại trải vải mịn trên tòa để ông ta ngồi lên đó. Nhà vua hỏi:

- Dưới chân ông thật có mọc lông, phải không?

- Dạ, thật có.

- Ta muốn xem.

Hai Mươi Ức tâu:

- Xin hoàng thượng sai người tin cậy xem.

- Ta muốn tận mắt thấy.

- Xin phép hoàng thượng cho phép hạ dân được duỗi chân ra.

- Ðược, nhà ngươi cứ tự nhiên.

Hai Mươi Ức duỗi chân ra và chỉ vào lông dưới chân cho vua xem. Ðúng như lời đồn, ánh sáng từ lông dưới chân tỏa ra làm cho mắt vua không nhìn kỹ được. Vua suy nghĩ về điều hiếm có này, lòng rất vui, thầm nghĩ rằng: “Nước ta đại phước đức mới sinh ra con người phước đức này”. Vua xoay nhìn hai bên, trước vua là ba đại cư sĩ, giờ thì có Hai Mươi Ức nữa là bốn. Nhà vua hỏi:

- Mỗi người có bao nhiêu của cải thì được gọi là cư sĩ?

Người thứ nhất thưa:

- Tâu hoàng thượng, hạ dân có 13 ức tiền.

Người thứ hai thưa:

- Tâu hoàng thượng, hạ dân có 14 ức tiền.

Người thứ ba thưa:

- Tâu hoàng thượng, hạ dân có 14 ức tiền, lại có một hạt châu ma-ni6vô giá.

Hai Mươi Ức thưa:

- Tâu hoàng thượng, hạ dân có 20 ức tiền, lại có 500 hạt châu ma-ni và một viên bảo châu ma-ni.

Nhà vua hỏi Hai Mươi Ức:

- Do đâu ông có được của cải này?

- Tâu hoàng thượng, của cải này không phải do cha mẹ để lại, cũng không do kinh doanh mà có, nhưng do tự nhiên. Lúc ấy, hạ dân ngủ trên lầu cao, khi thức dậy thấy của này đầy đủ trước mặt. -Hai Mươi Ức tâu.

Nhà vua rất đổi ngạc nhiên, không tin nổi, nghĩ rằng: “Phước đức này chỉ có đức Phật mới biết, không một ai có thể hiểu rõ hơn đức Phật. Nhà vua liền nghiêm giá đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, r���i bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn, Hai Mươi Ức kia có 500 hạt châu ma-ni, một viên bảo châu ma-ni. Của báu này từ đâu có?

- Người này trước kia ở nơi cung trời Ðâu-suất có 500 Thiên nữ, họ rất kính trọng, yêu mến nhau. Sau đó, người ấy sanh vào cõi này, 500 Thiên nữ với lòng ái kính, họ lần tìm và qua thiên nhãn, họ thấy người kia sanh tại nơi đây, cho nên mỗi Thiên nữ mang một ma-ni châu và đưa một bảo châu mà trước kia Thiên tử nằm, biến hóa khiến các của cải này tương xứng với thân người kia, đặt trước mặt người đó, rồi biến đi.

Ðược nghe biết sự việc rồi, nhà vua kính lễ cáo lui. Trở về thành Chiêm-bà tập hợp 60 hào kiệt, tuyên bố:

- Nay ta phong cho Hai Mươi Ức là bậc đại Cư sĩ ở thành Chiêm-bà, các ngươi phải tôn kính.

Nhà vua lại nói với Hai Mươi Ức và 60 người:

- Ta là vua của các người, dùng pháp trị hóa, đã cùng với các người làm việc ích lợi cho hiện thế. Nay có đức Phật Thế Tôn trú ngụ trong núi Kỳ-xà-quật, các Cư sĩ nên đến đó để có thể cầu điều lợi cho hậu thế.

Mọi người tuân theo lệnh vua, đi đến núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, ở trong núi, trưởng lão Ta-kiệt-đà kinh hành trên bàn thạch. Các Cư sĩ đến, thưa:

- Ðại đức vì chúng con, bạch Phật: “Hai Mươi Ức và 60 Cư sĩ thành Chiêm-bà muốn đến thăm hỏi đức Thế Tôn”.

Ta-kiệt-đà trên bàn thạch tự nhiên biến mất, rồi xuất hiện trước đức Phật, bạch lên Ngài sự việc, Phật dạy:

- Thầy có thể về trước, trên bàn thạch trải tòa ngồi, Ta sẽ đến sau.

Vâng lệnh, Ta-kiệt-đà liền biến mất, rồi xuất hiện nơi bàn thạch, trước mặt số đông Cư sĩ, trải tòa ngồi đón chờ Phật đến.

Các Cư sĩ nghĩ rằng: “Tỳ-kheo này có đại thần lực, vắng mặt rồi xuất hiện nơi bàn thạch cũng như vào trong nước rồi ra khỏi nước”. Ðức Phật với oai nghi thù thắng, đi bộ đến sau.

Khi đức Thế Tôn xuất hiện, họ vô cùng cung kính đảnh lễ. Ðức Thế Tôn đến ngồi nơi tòa. Thường pháp của chư Phật là: trước hết khiến cho mọi người khởi tâm hoan hỷ, rồi sau đó mới nói pháp. Ðức Phật bảo Ta-kiệt-đà:

- Ông đứng dậy quạt Phật.

Nghe lời Phật, Ta-kiệt-đà đứng lên hầu quạt Phật. Sau đó, giống như trường hợp Ưu-vi Ca-diếp, Ta-kiệt-đà hiện các thần biến, rồi quay về trước Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch như lời bạch của Ca-diếp: “Phật là Ðại sư của con, con là đệ tử Phật”. Thưa như vậy ba lần, rồi ngồi lại chỗ cũ. Khi ấy, các Cư sĩ thầm nghĩ: “Ðệ tử mà thần lực như thế, huống là bậc Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng giác”. Họ liền hướng đến Phật chiêm ngưỡng Ngài. Ðức Phật vì họ nói các diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích an vui cho họ... Ngài thuyết pháp cho đến câu Khổ, Tập, Tận, Ðạo....ngay chỗ ngồi họ đều đắc pháp nhãn thanh tịnh, thọ tam quy, ngũ giới.

Hai Mươi Ức từ chỗ ngồi đứng dậy, đi chân không, đến trước đức Phật, cúi đầu kính lễ, đức Phật mỉm cười, Ta-kiệt-đà suy nghĩ: “Do nhân duyên gì mà đức Phật cười?”. Với ý nghĩ này, Ta-kiệt-đà đứng lên, để trống vai bên hữu, quỳ gối bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười?

Ðức Phật nói với Ta-kiệt-đà:

- Do Hai Mươi Ức trải qua91 kiếp nay mới bước chân xuống đất.

- Hai Mươi Ức vì nhân duyên gì mà 91 kiếp chân không bước xuống đất? - Ta-kiệt-đà thưa hỏi.

Ðức Phật kể:

“ Thuở đời quá khứ, khi ấy có đức Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, tên là Tỳ-bà-thi, phụ vương Ngài cai trị một thành có chiều dài 12 do-tuần, rộng 7 do-tuần, dân chúng đông đúc, an ổn, phong túc, vui tươi. Ðức Phật Tỳ-bà-thi cùng đại Tỳ-kheo Tăng 68.000 người đông đủ, đều là bậc A-la-hán cư trú nơi thành. Nhà vua ấy, hằng ngày thỉnh Phật và Tăng thọ trai trong cung. Bấy giờ, trong đại chúng có một người tên là Tu-tỳ-xa cùng với mọi người đến chỗ nhà vua, tâu:

- Nay Bệ hạ làm những việc công đức, cầu xin Bệ hạ cho phép chúng thần cùng được dự vào.

- Nay Phật và Tăng gồm có 68.000 người, sợ các người không chuẩn bị được, hoặc lại sanh não cho Tăng. - Nhà vua đáp lời.

- Chúng thần kham nổi, xin Bệ hạ cho phép. - Họ lại thưa.

- Tốt lắm! - Nhà vua chấp thuận.

Sợ họ không chuẩn bị kịp, nhà vua ra lệnh cứ làm thức ăn như thường lệ, nếu họ không chu toàn thì dùng đến thức ăn đó. Do sự thiết cúng của họ dồi dào, thức ăn thức uống nào cũng hơn chỗ nhà vua. Cho nên qua nhiều ngày như vậy, thức ăn do vua cho làm cuối cùng không thiết cúng được. Tu-tỳ-xa tuần tự thiết cúng, sai người đào đường lấy đất mềm mại trải lên trên, lấy bùn thơm trét mặt đường, hai bên đường dựng 80 cây trụ quý báu, lấy châu ma-ni tạp sắc gắn lên đầu trụ, treo phan tạp sắc, trương màn tạp sắc phủ khắp trên lộ trình. Trên đường đi để các loại nước uống, trong chỗ thiết trai trang bị 68.000 chỗ ngồi, mỗi Tỳ-kheo ngồi một chỗ; sử dụng 500 cái chảo nấu canh để cúng dường, dâng cúng cho mỗi Tỳ-kheo hai trương kiếp-bối, một đôi giày da... Lại vì bốn phương Tăng làm một gian phòng lớn, dưới đất trải ngọa cụ đều bằng các thứ diệu hảo. Tu-tỳ-xa lúc ấy nay là Hai Mươi Ức. Từ đó về sau, Hai Mươi Ức thọ phước ngang bằng với chư thiên trên cõi trời, không có sự chênh lệch. Nếu nay không gặp Ta thì chân của Hai Mươi Ức vẫn chưa đạp đất.”

Bấy giờ, Hai Mươi Ức quỳ gối, bạch Phật:

- Cho phép con xuất gia thọ Cụ túc giới.

Ðức Phật hỏi:

- Cha mẹ ngươi đã cho phép chưa?

- Bạch Thế Tôn, chưa cho phép.

- Cha mẹ không cho phép thì không được xuất gia.

- Con sẽ trở về nhà xin phép cha mẹ.

- Tốt lắm! Nay chính là đúng lúc.

Hai Mươi Ức kính lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải, rồi trở về thành Chiêm-bà. Một hôm, Hai Mươi Ức thưa với cha mẹ:

- Nay con muốn xuất gia học đạo. Xin cha mẹ chấp thuận việc làm này của con.

- Thôi, thôi! Chuyện gì phải xuất gia! Cha mẹ chỉ có một mình con, dù chết, cha mẹ cũng không muốn cách xa nhau, huống chi còn sống mà lại chịu cảnh xa lìa hay sao?! Hiện nhà ta của cải, trân bảo, tôi tớ, ruộng vườn nhiều vô số, con tùy ý làm việc phước, nhận lấy cái vui ngũ dục. - Bà mẹ phản đối.

Hai Mươi Ức thành khẩn cầu xin ba lần, cuối cùng thuyết phục được mẹ. Ðược cha mẹ chấp thuận,Hai Mươi Ức liền đến trước mẹ, kính lễ sát chân, đi quanh bên phải ba vòng, rồi đi thẳng về chỗ Phật. Hai Mươi Ức đảnh lễ sát chân Phật, quỳ gối bạch:

- Mẹ con đã chấp thuận cho con xuất gia, cúi xin Thế Tôn cho con được xuất gia, thọ giới Cụ túc.

Ðức Phật dạy:

- Tỳ-kheo đến đây! Xuất gia thọ Cụ túc giới, khéo tu phạm hạnh, Ta sẽ nói pháp để dứt hết các khổ.

Khi Phật nói lời như vậy thì râu tóc của Hai Mươi Ức tự rụng, Tăng-già-lê mặc vào người, bình bát bưng nơi tay. Xuất gia không bao lâu, ở rừng Thi-đà7, Hai Mươi Ức tinh tấn kinh hành, chân bị tổn thương nặng, máu chảy ra theo bước kinh hành, chim chóc đi theo để ăn. Tỳ-kheo Hai Mươi Ức suy nghĩ: “Trong hàng đệ tử của Phật, vấn đề tinh tấn không ai hơn ta, mà nay chưa hết các gốc khổ. Gia đình ta may mắn có nhiều của cải, ta có thể hoàn tục, sung sướng làm các công đức”. Ðức Phật biết được ý nghĩ này, từ núi Kỳ-xà-quật đi xuống, thấy chim chóc đang mổ máu ăn, hỏi tôn giả A-nan:

- Vì sao có máu nơi đây?

- Bạch thế Tôn, Hai Mươi Ức kinh hành nơi đây, chân bị thương rơi máu xuống, chim tranh nhau ăn. - A-nan thưa.

Ðức Thế Tôn liền đến chỗ Hai Mươi Ức, hỏi:

- Thật sự ông có ý nghĩ quay về, phải không?

Hai Mươi Ức thưa:

- Bạch Thế Tôn, thật sự con có ý nghĩ như vậy.

- Nay Ta hỏi ông, tùy ý ông trả lời. Khi ông còn tại gia, ông khéo sử dụng cây đàn cầm, phải không?

- Bạch Thế Tôn, dạ phải.

- Khi dây đàn quá thẳng, tiếng đàn có hay không?

- Bạch Thế Tôn, không hay.

- Khi dây đàn không thẳng, tiếng có tốt không?

- Thưa không tốt.

- Vậy dây đàn phải như thế nào thì tiếng đàn mới tốt?

- Bạch Thế Tôn, không căng quá, không dùn quá tiếng đàn mới tốt.

Ðức Phật dạy:

- Ở trong pháp của Ta cũng như vậy, gấp quá, hoãn quá đâu đắc đạo được. Tinh tấn với mức vừa phải thì không bao lâu sẽ hết gốc khổ.

Tỳ-kheo Hai Mươi Ức nghe lời Phật dạy, ngay nơi chỗ kinh hành dứt hết các lậu hoặc. Do dưới bàn chân Hai Mươi Ức bị thương tích, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nay ta cho phép Hai Mươi Ức mang dép da, dày một lớp.

Hai Mươi Ức bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con bỏ 20 ức tiền, 500 châu ma-ni, một viên bảo châu ma-ni, 20 phu nhân, vô số thể nữ, bây giờ mang dép da một lớp, thiên hạ sẽ cơ hiềm con: “Bỏ đi của cải như vậy, mà còn ham thọ nhận mang dép da một lớp”. Nếu đức Phật cho phép tất cả các Tỳ-kheo đều mang thì con sẽ mang.

Ðức Phật bèn khen ngợi người thiểu dục tri túc, khen giới, khen người trì giới rồi bảo các Tỳ-kheo:

- Từ nay cho phép các Tỳ-kheo mang dép da một lớp.

NÊN HAY KHÔNG NÊN.

Có các Tỳ-kheo sinh sống ở nơi A-lan-nhã cất giữ cái phu cụ bằng da. Các ác thú nghe được mùi da thú, lần đến và sát hại Tỳ-kheo. Khi các Tỳ-kheo bạch việc này lên Phật, Phật dạy:

- Ở A-lan-nhã không dùng phu cụ bằng da, nên đem cho các trú xứ nơi xóm làng, dùng lót nơi cấp đi.

Việc sử dụng giày da, dép da và các tư cụ bằng da..., về sau đức Phật hướng dẫn Tỳ-kheo rất cụ thể, trường hợp nào nên dùng, trường hợp nào không nên dùng trước thời tiết khắc nghiệt khác nhau, trong việc du hành.

TRƯỚC KHI ĂN PHẢI HỎI THỊT GÌ1

Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có Ưu-bà-di tên là Tu-tỳ. Bà có lòng kính tin Phật pháp sâu đậm, nhận thức được pháp và đắc quả, quy y Tam bảo, thọ ngũ giới. Bà thường thỉnh Tăng cúng dường và cung cấp thuốc thang.

Ngày ấy, Tu-tỳ đến Tăng phường thấy một Tỳ-kheo uống thuốc thổ hạ, bà hỏi:

- Ðại đức cần dùng gì?

- Tôi uống thuốc thổ hạ bị kiệt sức, nếu được thì dùng thịt. - Tỳ-kheo đáp lời.

- Thưa đại đức, sáng mai con sẽ đưa đến cho Ðại đức. - Ưu-bà-di thưa.

Sáng hôm sau, Tu-tỳ sai người cầm tiền đi mua thịt. Rủi cho ngày hôm nay, tất cả phải thi hành lệnh của vua Ba-tư-nặc: “Nếu ai giết thú sẽ bị trọng tội”, nên không đâu tìm ra thịt để mua. Người giúp việc trở về báo: “Chợ không có thịt”, nhưng bà chủ vẫn sai người giúp việc cầm tiền đi tìm khắp nơi để mua. Bà nói:

- Ðừng kể chi giá cả, đắt mấy cũng mua.

Dù vậy, người giúp việc vẫn không mua được thịt. Trước việc không có thịt để mua, Ưu-bà-di Tu-tỳ có suy nghĩ: “Hôm qua ta đã hứa, nếu không có thịt để dùng, có thể Ðại đức mạng quá, thì sự hối tiếc nơi Ta làm sao xóa được”. Ðiều nghĩ ngợi này khiến bà cương quyết phải thực hiện thì tâm bà mới yên ổn được. Bà lặng lẽ vào trong phòng, lấy dao bén xẻo ngay thịt bắp vế của mình, rồi nhanh chóng giao cho người giúp việc nấu, mang đến cúng cho vị Ðại đức kia. Tỳ-kheo nhận ăn, bệnh được lành.

Khi người chồng về, không thấy vợ liền lớn tiếng hỏi:

- Tu-tỳ đâu?!

Người trong nhà nói:

- Bà bệnh, nằm ở nhà trong.

Người chồng liền vào thăm, hỏi:

- Mình bệnh gì?

Người vợ trình bày sự việc, người chồng bảo:

- Sợ vết cắt ấy không khéo mình không qua khỏi. Nếu vậy thì vợ chồng mình nên mời Phật và Tăng ngày mai đến cúng dường buổi ngọ trai.

- Nếu được vậy thì tốt lắm! - Người vợ đáp.

Người chồng với tấm lòng lo lắng cho vợ, liền đi đến chỗ Phật, đầu mặt kính lễ sát chân Ngài, bạch Phật:

- Nguyện Phật và Tăng hạ cố, ngày mai con xin cúng dường bữa trai tại gia đình.

Ðức Phật im lặng nhận lời. Người chồng đảnh lễ lui về. Suốt đêm hôm ấy, ông chồng cho chuẩn bị đầy đủ mọi thức ăn uống ngon bổ để cúng dường. Sáng ngày, ông đích thân trải tòa ngồi, thiết dọn trai bàn rồi sai người đến bạch Phật: “Thỉnh Phật và Tăng phó trai”.

Sáng ngày, đức Phật cùng Chúng Tăng đi đến nhà ấy. Sau khi mọi người an tọa, ông chồng tự mình lấy nước, đức Phật không nhận bảo:

- Hãy đưa Ưu-bà-di Tu-tỳ ra đây!

Ông chồng liền sai người vào trong nói:

- Ðức Thế Tôn gọi bà.

Bà Tu-tỳ trả lời:

- Có thể người nhân danh ta thăm hỏi đức Thế Tôn và thưa: vì bệnh không thể ra hầu thăm Ngài.

Khi người thay mặt bà thưa lời như vậy, nhưng đức Phật vẫn cho gọi đến lần thứ ba, và người nhà đành phải khiêng bà Tu-tỳ đến trước Phật. Kỳ lạ thay! Khi đức Phật trông thấy vết thương kia thì bỗng nhiên vết thương xóa mất, da thịt liền lại như cũ. Trước sự hy hữu, mầu nhiệm này, tâm bà sinh khởi điều thiện rất lớn lao, bà thầm nhũ: “Ta có bậc Ðại sư và đồng phạm hạnh như vậy”. Bà sung sướng vô cùng, tự tay dâng thức ăn. Phật và Tăng thọ trai xong, bà lấy nước cho Phật và Tăng rửa tay, rồi lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước đức Phật. Ðức Phật vì bà nói kệ tùy hỷ, như đã nói cho Trưởng lão Tỳ-lan-nhã2. Ðức Phật lại nói các pháp vi diệu, chỉ bày sự lợi ích và sự hoan hỷ. Ngài và Tăng trở về trú xứ.

Nhân việc này, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi vị Tỳ-kheo kia:

- Vừa rồi, ông ăn thứ gì?

- Con ăn thịt. - Tỳ-kheo thưa.

- Thịt có ngon không? - Ðức Phật hỏi.

- Thưa ngon. - Tỳ-kheo đáp.

Ðức Phật dạy:

- Ông là người ngu si. Tại sao không hỏi mà ăn thịt người! Từ nay ăn thịt mà không hỏi, phạm Ðột-kiết-la. Nếu ăn thịt người, phạm Thâu-lan-giá.

ÐƯỢC DÙNG TAM TỊNH NHỤC

Tuần tự du hóa, đức Phật đến Tỳ-xá-ly, Ngài trú tại Trùng Các giảng đường, bên bờ sông Di Hầu. Thành này có tướng quân tên là Sư Tử, trước đó là đệ tử của Ni-kiền3, nghe đức Thế Tôn du hóa đến thành này, ông rất lấy làm vui mừng, bởi từ lâu ông rất mến mộ nhân cách của đức Phật và ước nguyện được yết kiến, thỉnh Phật cúng dường. Bây giờ cơ hội ấy đã đến, tướng quân lên xa giá đến hầu Phật. Từ xa, tướng quân đã nhìn thấy đức Thế Tôn dung nhan sáng rỡ đặc biệt, giống như núi vàng. Ông đến gần Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi lui qua một bên. Ðức Phật vì ông nói các pháp nhiệm mầu Khổ, Tập, Tận, Ðạo. Từ chỗ ngồi, ông được con mắt pháp trong sạch, ông đứng lên rồi chấp tay, quỳ gối bạch:

- Nguyện Phật và Tăng sáng mai quang lâm đến nhà con thọ bữa cơm đạm bạc.

Ðức Phật im lặng nhận lời. Tướng quân đảnh lễ lui về, ông sai người đi chợ mua sắm các thứ với lời dặn: “Tất cả số thịt đã xẻ rồi, đắc mấy cũng mua hết”.

Ngày ấy, người nhà của tướng quân mua sạch thịt bày bán ở chợ. Suốt đêm lo việc nấu nướng, sửa soạn các thức ăn. Sáng ngày trải tòa, chưng dọn... Tướng quân đích thân đến bạch Phật: “Thức ăn dọn bày đã xong, xin Ngài phó trai”. Ðức Phật cùng Tỳ-kheo Tăng kẻ trước người sau vây quanh, đến nhà gia chủ, ngồi vào tòa ngồi. Tướng quân tự tay san sớt thức ăn một cách trân trọng, hoan hỷ. Việc cúng dường này của tướng quân Sư Tử khiến các đệ tử Ni-kiền vô cùng tức giận và tìm cách trả thù. Họ đến các ngã tư, đường hẻm rêu rao: “Tướng quân Sư Tử phản sư, không còn tình nghĩa gì cả. Tên này bây giờ lại phụng sự Sa-môn Cù Ðàm, tự tay giết trâu, dê để cung phụng bọn trọc đầu”.

Các Tỳ-kheo nghe lời rêu rao ấy không dám ăn. Tướng quân Sư Tử quỳ gối bạch Phật:

- Các Ni-kiền này lúc nào cũng hủy báng Phật. Hiện tại cũng như trọn đời, con không bao giờ cố ý sát hại. Cúi xin chư Tỳ-kheo chớ sanh hiềm nghi, cứ thọ thực tự nhiên thoải mái.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Tùy ý ăn cho no đủ.

Thọ trai và uống nước xong, tướng quân lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi ở phía trước, đức Phật vì ông nói bài kệ tùy hỷ như trước, rồi đức Phật và chúng Tăng ra về. Nhân việc này, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

- Có ba loại thịt không được ăn: hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghi. Thấy là tự mình thấy họ vì mình mà giết. Nghe là nghe từ người đáng tin cậy nói họ vì mình mà giết. Nghi là nghi họ vì mình mà giết. Nếu không thấy, không nghe, không nghi, tất cả tịnh nhục cho phép tùy ý thọ thực.

ÐƯỢC UỐNG SỮA TỪ NGÀY ẤY

Bấy giờ, trong thành Bạt-đề, thuộc nước Ma-kiệt có Trưởng giả tên là Văn Trà. Không phải chỉ mình ông có đại phước đức mà vợ, con, dâu, kẻ ăn người ở đều có phước đức. Ðại phước đức là như vầy:

- Khi ông trưởng giả vào kho lúa thì trên không trung mưa lúa rơi xuống, và lúa ngừng rơi lúc Trưởng giả đi ra khỏi kho.

- Người vợ lấy bồn cơm để phân phối cho người trong kẻ ngoài, lấy ra bao nhiêu cơm thì đầy lại bấy nhiêu, cơm không bao giờ hết.

- Người con cầm đãy vàng trút ra thì tiền vàng chảy ra không ngớt. Thôi trút, vàng trong đãy vẫn y nguyên.

- Ðứa con dâu lấy một hộc gạo để cho bên nội, bên ngoại dùng một tháng, nhưng ăn mãi vẫn không hết.

- Người con trai cày đất gieo trồng thì liền thành bảy khoảnh.

- Ðứa tớ gái mài nửa lượng đồ hương để thoa bên nội, bên ngoại họ tộc, cũng không hề hết nửa lượng.

Người bốn phương nghe đồn, không ai là không tò mò tìm hiểu hư thật. Vua Bình-sa lại càng muốn biết rõ. Ngày ấy, không thông báo, vua cùng quyến thuộc đến nhà Trưởng giả Văn Trà. Nghe vua đến thình lình, Trưởng giả liền vội nghinh đón, chào hỏi, vấn an:

- Lành thay Ðại vương! Hân hạnh thay được ngài hạ cố!

Nhà vua hỏi:

- Nhà ngươi có nghe tin ta đến không?

- Tâu đại vương, không hay biết gì cả. - Văn Trà thưa.

- Binh mã của ta đông như thế này, e nhà ngươi khó có thể phục vụ được hết. - Nhà vua bảo.

- Con có thể phục vụ được. Chính con sẽ phục vụ nhà vua và các đại thần. Con của con sẽ phục vụ thái tử. Vợ của con phục vụ hậu cung. Nô tỳ của con phục vụ cho tất cả binh sĩ. Lúa và cỏ cũng đủ cho voi, ngựa ăn. Xin Ðại vương cứ quang lâm. - Trưởng giả đáp lời.

Nhà vua vào nhà, ngồi nơi tòa rồi nói:

- Ta nghe ông Trưởng giả và tất cả vợ, con, dâu, cũng như tôi tớ của ông đều có phước đức. Nay ta muốn chứng kiến phước đức ấy.

- Con xin vâng lệnh, không dám che giấu sự thật. - Trưởng giả thưa.

Trưởng giả ra lệnh rưới nước, quét xung quanh, rồi trải tòa mời vua vào nhà ngự tọa. Sau đó, Trưởng giả vào kho thì tự nhiên 5 loại thóc từ trên không trung rơi xuống. Nhà vua rất ngạc nhiên và ca ngợi.

Ðến lượt vợ Trưởng giả cầm bồn đựng cơm phân phối cho tất cả binh lính, đâu đó đều no đủ, mà trong bồn cơm vẫn như cũ. Tận mặt nhà vua chứng kiến phước đức này.

Ðến lượt con của Trưởng giả cầm cái đãy bằng vàng, trút vàng ra để dâng vua và đại chúng. Mọi người nhận theo sở thích, nhưng vàng vẫn không hết. Nhà vua không ngớt lời ca ngợi.

Ðến lượt người con dâu lấy một hộc gạo cung cấp cho nhà vua và đại chúng một tháng mà không hết.

Ðến lượt đứa tớ trai cày đất thì liền thành bảy khoảnh.

Ðến lượt đứa tớ gái mài nửa lượng đồ hương, mùi thơm nửa do-tuần còn nghe và không phân biệt ai, hương thơm xoa khắp mọi người mà vẫn không hết nửa lượng.

Nhà vua thấy rõ phước đức như vậy, không ngớt lời khen ngợi... rồi trở về cung.

Khi ấy, từ thành Vương-xá, đức Thế Tôn cùng đại Tỳ-kheo Tăng 1.250 vị đầy đủ, du hành nhân gian, đến thành Bạt-đề. Nghe đức Thế Tôn đến thành này, đang nghỉ mát dưới cây Võng Lâm, Trưởng giả Văn Trà muốn đến cung nghinh lễ bái, thăm hỏi. Các ngoại đạo nghe, liền đến nói:

- Trưởng giả không nên đến cung nghinh Sa-môn Cù Ðàm mà cứ để cho Sa-môn Cù Ðàm tự đến yết kiến ông. Tại sao vậy? Bởi ông phước đức hơn người, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, quốc vương, Trưởng giả, có ai mà không đến cửa ngõ nhà ông?

Trưởng giả nghe luận điệu này, bèn thay đổi ý kiến, nhưng sau đó lại suy nghĩ: “Sa-môn Cù Ðàm đến đây đã lâu, không đến yết kiến ta, chắc đạo Ngài hơn ta, đâu có lý do gì ta ngồi yên không đến kính lễ Người”. Hành động theo ý nghĩ, Trưởng giả cho sửa soạn xe cộ rồi lên xe đến chỗ Phật. Từ xa, trông thấy dung nhan của đức Thế Tôn thù đặc, giống như núi vàng, Trưởng giả liền đến trước Phật, đầu mặt kính lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Ðức Phật vì ông nói các pháp nhiệm mầu Khổ, Tập, Tận, Ðạo. Từ chỗ ngồi, ông ta được con mắt pháp trong sạch, ông đứng lên bạch Phật:

- Con xin thỉnh Phật và Tăng thọ trai vào ngày mai tại nhà con.

Ðức Phật im lặng nhận lời. Trưởng giả đảnh lễ rồi lui về. Suốt đêm lo trai soạn đầy đủ. Sáng ngày, đâu đã vào đấy, trai bàn thật trang nghiêm, Trưởng giả đích thân đến thỉnh Phật:

- Cúi xin Ngài quang lâm.

Ðức Phật cùng Tỳ-kheo Tăng, kẻ trước người sau vây quanh, đến nhà thí chủ Văn Trà. Tất cả đều ngồi vào tòa trang nghiêm. Ông Trưởng giả tận tay san sớt thức ăn. Sau khi đức Thế Tôn dùng xong, toàn thể người trong gia đình cùng Trưởng giả đến ngồi trước đức Phật. Ðức Phật vì họ nói diệu pháp Khổ, Tập, Tận, Ðạo. Họ đều ngộ đạo, thọ Tam quy, Ngũ giới.

Ông Trưởng giả bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chính con và vợ, con, dâu cũng như tôi tớ trong gia đình đều có phước đức tự thân. Vậy phước đức này có được là từ đâu đem lại? Xin Thế Tôn giải thích cho.

Ðức Phật dạy:

- Phước đức này là phước đức chung cùng với nhau của các người mà được.

- Tại sao là cùng chung nhau có? - Trưởng giả hỏi.

Ðức Phật kể:

“Xưa kia tại thành Vương-xá có hai vợ chồng người thợ dệt sanh ra đứa con trai. Người con trai có vợ và gia đình có tớ trai một tớ gái. Trong một bữa cơm cùng ăn, có một vị Bích-chi Phật4đến khất thực. Người thợ dệt nói: “Các người cứ ăn, còn phần ta thì lấy cúng cho Ngài”. Người vợ nói: “Lấy phần tôi để cúng cho Ngài”. Con trai, dâu, tớ trai, tớ gái đều cũng tranh phần để cúng dường như ông bà thợ dệt. Ðức Phật Bích-chi nói: “Quý vị đều đã nhịn phần của mình để cho tôi với thiện tâm đầy đủ. Vậy tôi chỉ xin mỗi người sớt một ít cho là đủ. Như thế, quý vị không thiếu mà tôi cũng được no”. Mỗi người trong nhà thực hiện đúng lời Phật Bích-chi. Phật Bích-chi nhận bát thức ăn, ăn xong liền bay lên hư không hiện các thứ thần biến, sau đó đức Phật ra đi. Gia đình ấy sau khi mạng chung, sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương. Ở đây đời sống hết, lại sanh vào cõi trời Ðâu-suất, rồi lần lượt sanh đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại5. Bảy phen như vậy, dư phước mới sanh lại cõi này. Quyến thuộc người thợ dệt lúc ấy nay là các ngươi đây.”

Gia đình Trưởng giả rất xúc động và cũng rất vui mừng. Trước Phật và Tăng, Trưởng giả phát nguyện:

- Nay con xin được thỉnh tất cả Tăng tu vô hạn thí. Nếu cần thứ gì, tùy thời, nhiều hay ít đến nơi nhà con nhận.

Bấy giờ, đức Thế Tôn từ Võng Lâm tiếp tục du hành trong nhân gian. Trưởng giả Văn Trà chở đầy thức ăn theo sau dự tính đến chỗ không người, hoang vắng mới bày ra để cúng. Khi đến nơi Khoáng dã (đồng hoang rừng vắng), đoàn dừng lại nghỉ và suốt đêm soạn bày thức ăn. Ðại chúng ổn định chỗ ngồi xong, trước hết ông Trưởng giả sai một người vắt sữa một con bò cúng cho một Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không dám dùng vì nghĩ Phật chưa cho phép uống sữa mới vắt từ bò ra. Bạch Phật, Phật cho phép dùng. Sau khi uống sữa, ông Trưởng giả tự tay dâng thức ăn. Ðức Phật và Ðại chúng dùng xong, rửa tay, ông Trưởng giả ngồi trước Phật, Phật vì ông nói kệ tùy hỷ như trước đây nói cho Trưởng giả Tỳ-lan-nhã. Lại vì ông nói các diệu pháp, chỉ bày sự lợi ích và sự hoan hỷ, rồi Trưởng giả trở về lại nhà. Ðức Phật và 1.250 vị Tỳ-kheo tiếp tục lên đường du hóa.

BỐN THỨ TRANH CHẤP1

VÀ BẢY PHÁP DIỆT TRANH CHẤP

Lúc bấy giờ xảy ra đấu tranh, tranh chấp nhau trong chúng Tăng: Tỳ-kheo với Tỳ-kheo, Tỳ-kheo với Tỳ-kheo ni, Tỳ-kheo ni với Tỳ-kheo ni. Xiển-đà bỏ Tỳ-kheo, yểm trợ Tỳ-kheo ni, làm rối mù... Việc chưa xảy ra tranh tụng thì làm cho sanh chuyện, việc đã xảy ra thì khơi rộng thêm, chưa chấm dứt thì không thể chấm dứt, chuyện đã chấm dứt thì làm khơi dậy. Các Tỳ-kheo bạch lên Phật những sự việc xảy ra như vậy lúc Ngài đang lưu trú tại thành Xá-vệ. Ðức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng để xác nhận sự thật. Các Tỳ-kheo thú nhận mọi tranh chấp kia, đức Phật quở trách:

- Việc làm của các thầy là phi pháp, không phải đạo tùy thuận. Việc Tỳ-kheo bỏ Tỳ-kheo để yểm trợ Tỳ-kheo ni là sai phạm. Phạm việc này là phạm tội Ðột-kiết-la.

Ngài dạy:

- Có 4 thứ tranh chấp: 1.Do lời nói, 2.Do giáo giới, 3. Do phạm tội, 4. Do sự việc gây nên.

Bởi thế, nên Ta vì các Tỳ-kheo chế bảy pháp nhằm tiêu diệt sự tranh chấp. Nếu có các tránh sự khởi lên thì dùng để diệt trừ. Bảy pháp diệt tranh chấp như sau:

1. Sự việc phải trao cho pháp Hiện Tiền Tỳ-ni thì nên trao cho pháp Hiện Tiền Tỳ-ni.2

2. Sự việc phải trao cho pháp Ức Niệm Tỳ-ni thì nên trao cho pháp Ức Niệm Tỳ-ni.3

3. Sự việc phải trao cho pháp Bất Si Tỳ-ni thì nên trao cho pháp Bất Si Tỳ-ni.4

4. Sự việc phải trao cho pháp Tự Ngôn thì nên trao cho pháp Tự Ngôn.5

5. Sự việc phải trao cho pháp Ða Nhân Ngữ thì nên trao cho pháp Ða Nhân Ngữ.6

6. Sự việc phải trao cho pháp Thảo Phú Ðịa thì nên trao cho pháp Thảo Phú Ðịa.7

7. Sự việc phải trao cho pháp Bổn Ngôn Trị thì nên trao cho pháp Bổn Ngôn Trị.8

Thế nào gọi là do lời nói gây nên?-Nếu Tỳ-kheo cùng nhau tranh cãi, có người nói là pháp, có người nói là phi pháp, là luật nói phi luật, là phạm nói phi phạm, là trọng nói phi trọng, hữu dư nói phi hữu dư, là thô tội nói phi thô tội, là dùng Yết-ma xuất tội nói không dùng Yết-ma xuất tội, là lời Phật dạy mà nói không phải lời Phật dạy, là điều Phật chế mà nói không phải Phật chế. Do đó đưa đến giận dữ mắng chửi nhau. Như vậy gọi là sự tranh chấp do lời nói gây nên.

Thế nào là do giáo giới?-Tỳ-kheo giáo giới Tỳ-kheo, nói: “Thầy nhớ có phạm Ba-la-di không? Nhớ phạm Tăng-già-bà-thi-sa, Thâu-lan-giá, Ba-dật-đề, Ba-la-đề đề-xá-ni, Ðột-kiết-la, Ác thuyết 9không?”. Tỳ-kheo kia không vui, không chấp nhận, do đó đưa đến sự tranh cãi. Như vậy gọi là tranh chấp do giáo giới.

Thế nào gọi là do phạm tội?- Tỳ-kheo phạm Ba-la-di cho đến Ác thuyết. Hơn nữa, do sự đấu tranh cùng nhau mắng chửi, khiến thân khẩu ý tuôn ra điều xấu ác. Như vậy gọi là tranh chấp do phạm tội.

Thế nào là do sự việc?- Tất cả các việc làm của Tăng đều Yết-ma mà thiếu sự nhất trí trong vấn đề Yết-ma, như vậy gọi là do sự việc dẫn đến tranh chấp.

Ðức Phật lại dạy rõ từng trường hợp, vận dụng từng pháp diệt tránh hay phối hợp để chấm dứt sự tranh chấp, cãi cọ lời qua tiếng lại. Có cả một chương đức Phật hướng dẫn cách giải quyết mọi tranh chấp này ở trong Tăng rất chi ly.

LẤY ÂN BÁO OÁN1

Lúc bấy giờ đức Phật trú ngụ tại thành Câu-xá-di. Ngài biết trong chúng Tăng đang có sự rạn nứt bởi sự việc các Tỳ-kheo bên cử tội và các Tỳ-kheo bên bị cử tội đưa ra những lý lẽ để phản bác nhau, bên nào cũng rất bảo thủ, ngoan cố, không tiếc lời mắng mỏ cay độc lên nhau. Ðức Phật đã đến các Tỳ-kheo bị cử tội, rồi đến các Tỳ-kheo cử tội can gián, phân giải, nhưng cả hai coi thường, tiếp tục tạo ra nghiệp ác khẩu. Ðứng trước tình trạng Tăng không còn hòa hợp, Tăng bị phá, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy chớ đấu tranh nhau, phỉ báng, mạ lị nhau, nên cùng nhau hòa hợp làm một như nước hòa với sữa, cùng nhau làm cho lời của thầy hoằng truyền rộng khắp.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài cứ sống trong sự an ổn. Tuy Phật là Pháp chủ, nhưng chúng con cũng tự hiểu được vấn đề, Ngài không phải bận chi.

Ðức Phật ba lần can ngăn nhưng các Tỳ-kheo không vâng lời và nói lên lời ngã mạn chẳng cần ai như vậy. Ðức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

- Từ đời quá khứ, ở nước Câu-tát-la có nhà vua tên là Trường Thọ thống trị một nước nhỏ, quân đội ít ỏi, yếu kém. Trong lúc đó, lân quốc Ca-di2có vua tên là Phạm Ðạt, thống trị một nước rộng lớn, binh lực cường thịnh, lần lần xâm lăng, cướp đoạt nước Câu-tát-la. Vua Phạm Ðạt bắt giữ một vị đại thần của vua Trường Thọ, chiêu đãi rất ân huệ và tin dùng vào việc quân sự. Nước bị thôn tính, vua Trường Thọ “mình trần thân trụi” cùng phu nhân làm người Bà-la-môn chạy thoát về nước Ba-la-nại, trú ngụ trong nhà người thợ gốm. Một hôm, phu nhân nảy ra ý nghĩ: “Ứớc nguyện sao lúc mặt trời vừa ló dạng có được nước mài dao chiến đấu của bốn loại binh, nơi ngả tư đường để uống”. Phu nhân đem ý nghĩ này nói với vua và thề:

“Nếu ý muốn này không thực hiện được thì em sẽ chết tại nơi này”.

Nhà vua bảo:

“Ðiều này không thể được. Chứng bệnh thiếu thực tế này chắc em phải chết, đó là điều không còn nghi ngờ”.

Nhà vua lại nói:

“Nếu Phạm Ðạt nghe, biết mình ở đây chắc sẽ bị bắt. Họ đánh trống hành hình, phanh thây ta làm năm phần. Thôi, em hãy ráng chờ xem, ta sẽ bí mật đến gặp vị đại thần trước đây, vấn ý điều này xem sao”.

Ngay sau đó, nhà vua tìm cách đến gặp vị cựu thần để hỏi kế. Vị cựu thần nói:

“Hạ thần cần gặp phu nhân trước khi có ý kiến”.

Cuộc gặp gỡ bí mật giữa phu nhân và cựu thần diễn ra. Cựu thần vừa trông thấy phu nhân, liền để trống vai bên hữu, đầu mặt tác lễ, ba lần xưng tụng:

“Nay phu nhân đang mang thai, một người con đại phước, quốc gia Câu-tát-la sẽ có người thừa kế”.

Vị đại thần xoay sang tâu với cựu vương:

“Sáng mai, nguyện vọng của phu nhân sẽ có kết quả”.

Dứt lời, cựu thần liền lui về chỗ vua Phạm Ðạt. Với mưu kế của mình, vị đại thần tâu với nhà vua:

“Ðại vương có biết chăng? Rất gần đây thôi, có một vì sao xấu xuất hiện. Muốn trừ được tai ương này thì vua phải ra lệnh tất cả bốn loại binh tập trung nơi bốn ngã đường vào sáng sớm ngày mai, diễn tập xáp chiến, rồi tất cả đều mài dao lấy nước này để trừ tai ương kia. Nếu không thực hiện được việc này ắt nhà vua phải gặp nguy khốn lớn”.

Vua Phạm Ðạt như rúng sợ, liền bảo:

“Cần thực hiện ngay!”.

Không mấy chốc, lệnh vua truyền đến bốn binh chủng sẵn sàng ứng chiến theo kế hoạch đề ra. Sáng sớm hôm sau, nơi ngã tư đường, hai bên xáp chiến tập trận, rồi tất cả đều mài dao. Ðược lệnh mật, phu nhân đứng vào một địa điểm và nhận được nước mài dao của vị cựu thần. Ðược nước, phu nhân uống ngay và bào thai được nuôi dưỡng rất tốt...

Mãn nguyệt khai hoa, người con ra đời là một bé trai dung nhan thù thắng, tự là Trường Sanh. Khi lên mười tuổi, người cha nói với con:

“Phạm Ðạt xâm lăng nước ta, cha mẹ đã trốn thoát đến nơi này. Con đã lớn nhanh lên theo những tháng ngày dài lao lý của cha mẹ. Phạm Ðạt có thể biết được chỗ ẩn trú của cha con mình, họ sẽ giết cả hai. Tốt hơn, con nên lánh xa nơi này, đừng quyến luyến cha mẹ làm gì để bị hại lây”.

Trường Sanh buồn khóc, kính lễ sát chân cha mẹ, nhiễu ba vòng rồi ra đi. Trên bước đường trốn lánh, Trường Sanh lần lượt học tập kỹ nghệ, toán số, văn tự, bắn cung, cỡi ngựa, điều phục voi ngựa, âm nhạc... Không một môn học nào không hơn người. Trường Sanh dốc lòng phụng thờ Tượng sư để biết hết nghệ thuật điều phục voi.

Người thợ hớt tóc cho vua Trường Thọ xưa kia, nay lại làm người hớt tóc cho vua Phạm Ðạt. Nhận lệnh hớt tóc, ông ta được đưa đến chỗ vua. Do vì biết rõ chỗ ở của vua Trường Thọ, ông ta không dám che giấu khi vua Phạm Ðạt xét hỏi, nên khai báo rõ nơi ẩn trốn của vua Trường Thọ.

Ngày ấy, vợ chồng vua Trường Thọ bị bắt trói và theo lệnh Phạm Ðạt phải hành hình ngay. Tiếng trống rao vang khắp hang cùng ngõ hẻm, hai phạm nhân bị đưa đến ngã tư đường để phân thây thành năm phần. Trường Sanh nghe tin này, vội vã đến pháp trường, đứng bên lề đường chứng kiến cảnh cha mẹ sắp hành hình mà nát ruột, nát gan. Trường Sanh căm thù nghĩ: “Nỗi oán hận của cha mẹ ta không cho phép ta đội trời chung. Nay ta làm sao có thể nhận chịu được cảnh này!”. Lòng Trường Sanh sôi sục, muốn liều thí mạng để trả mối nhục thù này. Cha mẹ từ xa thấy con, biết được lòng con mình khởi lên ý muốn báo thù, bèn như người cuồng cất cao lời cuồng:

“Con đừng trông cậy vào tài năng sẵn có của con, cũng đừng nên quá nông cạn hẹp hòi. Dùng oán trả oán, oán không do đâu mà dứt. Dùng đức trả oán, oán kia mới hết. Thuận theo lòng cha mẹ mới gọi là người con có hiếu, làm theo ý chí riêng tư thì chẳng phải là cái đạo của cha”.

Khi ấy, người đi xem đều nói:

“Vua Trường Thọ vì sợ sệt nên nói cuồng si mà thôi”.

Nhưng Trường Sanh nghe lời ấy mới thấm thía, hiểu được thâm ý của cha, nên đè nén được lòng mình để nhìn cảnh đau thương đang diễn ra trước mắt mà bình thản thực hiện hết điều ước mong còn lại của cha mẹ.

Trường Sanh trở về chỗ Tượng sư. Tuy vậy, anh ta vẫn không thể nhanh chóng quên đi mối hận trong lòng, quyết tìm cách báo thù. Hằng đêm, nơi chuồng voi, Trường Sanh thường chơi đàn cầm cho đến nửa đêm. Tiếng đàn càng về khuya càng thánh thoát, diệu vợi bay xa. Không phải một mà nhiều lần, vua Phạm Ðạt nghe được tiếng đàn cầm tuyệt vời này giữa đêm thanh vắng. Nhà vua hỏi:

“Tiếng đàn cầm của ai mà tuyệt vời thế?! Có phải nơi chuồng voi có ai đó chơi đàn?”

Cận thần thưa:

“Người học trò của Tượng sư. Chính người này có khả năng chơi đàn cầm xuất chúng”.

Thế rồi Trường Sanh được nhà vua gọi đến, chơi đàn cầm để nhà vua thưởng thức. Tiếng đàn cầm vừa dứt, nhà vua lại suy nghĩ: “Từ khi ta làm vua đến nay, chưa khi nào nghe được âm thanh réo rắc tuyệt vời này!”. Phạm Ðạt liền tín nhiệm cho phép Trường sanh được ở lại bên mình.

Một thời gian sau, nhà vua ra lệnh xa giá, tướng sĩ, đưa các cung nhân, quần thần, thái tử tuần du săn bắn. Trong khi quân lính dàn ra tứ tán, họ mãi mê đuổi theo các con nai thì Trường Sanh lại bảo vệ nhà vua. Khi tiền quân cách xa xe vua đến ba do-tuần và chẳng còn ai buồn nghĩ đến vua, bấy giờ nhà vua mệt mỏi, nói với Trường Sanh:

“Ta muốn nằm nghỉ một chút, ngươi có thể bảo vệ cho ta được chăng?”

“Hoàng thượng cứ yên tâm nghỉ ngơi, hạ thần có thể bảo vệ được”. - Trường Sanh tâu.

Nhà vua nằm dưới gốc cây, gối đầu lên bắp đùi của Trường Sanh ngủ. Cây kiếm hộ thân của vua tự nhiên tuột ra trước mắt Trường Sanh, liền gợi cho Trường Sanh ý nghĩ: “Nhà vua này đối với ta có mối thù lớn như vậy, hôm nay gặp cơ hội tốt này, đâu có thể bỏ qua”, liền vói tay cầm lấy thanh gươm định chặt cổ vua, nhưng bỗng nhiên lời di huấn của song thân vang vọng trong tiềm thức: “ Ðừng ỷ mình tài giỏi, cũng đừng quá nông nổi, hẹp hòi. Lấy oán báo oán, oán lấy đâu mà dứt...”. Ý nghĩ này như đánh thức được Trường Sanh nên anh ta đặt cây kiếm lại chỗ cũ và bảo vệ cho vua ngủ. Liền đó, nhà vua thức dậy với vẻ hốt hoảng. Trường Sanh hỏi:

“Vì lý do gì hoàng thượng có vẻ kinh hãi vậy?”

“Ta nằm mộng thấy con của vua Trường Thọ cầm kiếm muốn giết ta”. - Nhà vua đáp.

“Ðây là khu rừng hoang vắng, duyên cớ gì mà bỗng dưng lại có con vua Trường Thọ, ắt Sơn thần muốn khủng bố hoàng thượng chăng? Hoàng thượng cứ yên nghỉ, chớ nên lo ngại”. - Trường Sanh nói.

Sự việc như vậy diễn ra đến ba lần và trong giấc ngủ mang tính cách sanh tử sau cùng của nhà vua, Trường Sanh lại nghĩ: “Tại sao ba lần ta cứ muốn trái phạm lời dạy của song thân?! Từ nay ta phải khắc phục và luôn tâm niệm: ‘Thờ vua như thờ người thân, dứt khoát không mống khởi niệm sát hại’”. Trường Sanh vừa dứt ý nghĩ này thì nhà vua liền thức dậy với vẻ mặt đầy hoan hỷ. Trường sanh lại hỏi vua:

“Vì lý do gì mà hoàng thượng hân hoan?”

“Ta nằm mộng thấy con vua Trường Thọ muốn thờ ta như thờ người thân, không ôm lòng oán hại, cho nên ta vui”. - Vua nói.

Lúc ấy, Trường Sanh liền thưa:

“Bẩm hoàng thượng, hạ thần chính là con vua Trường Thọ đây. Hoàng thượng sát hại cha mẹ của hạ thần, hạ thần nuôi chí giết hoàng thượng nhưng ba lần nhớ lại lời di chúc của cha mẹ nên hoàng thượng mới khỏi chết. Tuy vậy, tâm này khó bảo đảm, về sau lại có thể phát sinh. Xin hoàng thượng giúp cho hạ thần con đường giải quyết, đừng để lại mối lo âu về sau”.

“Ta đã làm việc vô đạo, còn cha con của khanh thì lại nặng lòng nhân từ. Nay cớ sao ta phải sống với lo âu vây bủa?! Ông đã cho ta cái mạng sống này, lại thề không phụ nhau”. - Nhà vua nói.

Vua Phạm Ðạt liền ra lệnh bốn quân quay trở về, rồi tập hợp quần thần cùng thảo luận vấn đề vua đặt ra rằng: “Nếu bắt được con vua Trường Thọ thì sẽ xử trị thế nào?”. Có người nói phải chặt tay, chặt chân; có người nói phải xẻo mũi, xẻo tai; có người nói phải dùng búa bổ nó ra; có người nói phải lấy cây xâu nó để nướng... Nhà vua liền chỉ tay nói:

“Người này chính là con vua Trường Thọ. Chính người này đã cho ta mạng sống, nay ta lại dùng cái mạng sống này để đền đáp lại. Tất cả không ai được ghim gút ác ý đối với người này”.

Giải quyết xong, về lại cung, nhà vua đem người con gái gả cho Trường Sanh. Nhà vua hai tay cầm cái bình vàng đựng nước, rót lên tay Trường Sanh, cử hành lễ tiễn đưa Trường Sanh trở về bổn quốc phục ngôi vua nước Câu-tát-la. Các nước lân cận từ đó có mối giao hảo hòa hợp, tốt đẹp, bền vững nhiều đời.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Người đời làm vua một nước còn tạo điều kiện hóa giải được mối thù lớn này, bởi do biết vận dụng niệm thiện, biết loại trừ niệm ác nơi tâm hồn để biến thành nhân hậu. Các thầy xuất gia cầu đạo vô vi, tại sao việc nhỏ lại cùng nhau đấu tranh để mất cái lợi lớn?! Nên bỏ tâm này, cùng nhau hợp tác hòa đồng như sữa với nước, cùng truyền nhau lời dạy của bậc thầy để cùng nhau sống trong sự an lạc.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài cứ sống đời sống an ổn. Ngài tuy là ngôi vị Pháp vương nhưng chúng con cũng tự hiểu được vấn đề.

Do các Tỳ-kheo cố ý không xả, đức Phật liền bay lên hư không, nói bài kệ:

Tuôn các ác lên nhau

Còn đâu chung thắng pháp

Tăng phá chia thành hai

Hại này do lời ác

Mạng người, cốt nhục lìa

Cướp đi tài,trâu ngựa

Oán phá nước, diệt dòng

Hòa hợp vẫn còn được

Ví hai cây cọ nhau

Phát hỏa tự đốt cháy

Ðâu không phải lẽ thường

Ngu oán hận cũng vậy

Các thầy mạ nhục nhau

Sao cứ chấp không bỏ

Họa oán nào dứt được

Ngày đêm càng chôn sâu

Gieo neo tiếng ác mắng

Nếu được, báo đừng thêm

Nhẫn này oán không đến

Oán có tự nhiên trừ

Nếu lấy oán trừ oán

Oán trọn đời không tiêu

Tâm niệm từ trừ oán

Ðấy sức mạnh vô song.

Ðức Thế Tôn nói kệ xong, liền dùng thần lực bay đến tụ lạc Ba-la, trú dưới cây Bạt-đà-ba-la, cô thân không một ai giúp việc. Vào lúc ấy, gần nơi đức Phật ngụ, có một con voi lớn, bị các con coi con gây não. Khi voi lớn muốn uống nước thì bị các voi con đi trước làm cho nước đục bùn. Khi voi lớn muốn ăn cỏ, các con voi con đi trước ăn sạch, rồi đạp lên cỏ, phóng uế dơ bẩn. Con voi lớn nghĩ rằng: “Nay ta bị bọn voi nhỏ gây khốn nạn, thà tránh đi để được an ổn”. Nghĩ thế, voi lớn liền bỏ đi... Nhờ thế, hàng ngày voi lớn được uống nước trong, ăn cỏ tốt. Voi tuần tự đến rừng Bạt-đà-ba-la, nhìn thấy đức Phật, voi rất vui mừng. Voi vì Phật lấy nước và dọn cỏ hai bên chỗ Phật ở... Ðức Phật cũng như con voi lớn này, xa lìa được đồng loại khuấy phá nên được khoái lạc trong sự yên tịnh.

Ðức Phật nói kệ:

Hai rồng, lòng đều bị

Kẻ hậu côn gây não

Bỏ lại, một mình đi

Nay vui trong rừng vắng.

Sau đó, đức Phật từ rừng Bạt-đà-ba-la sang thành Xá-vệ, trú ngụ trong tinh xá Kỳ-hoàn. Nghe đức Phật về Kỳ-hoàn, các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, ngoại đạo, Bà-la-môn đến hầu thăm cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán. Ngài nhận được nhiều thức ăn, thức uống, y phục... nhưng như hoa sen, Ngài không hề đắm trước.

Trong lúc ấy, nơi thành Câu-xá-di, các Ưu-bà-tắc đều có chung một nhận định: “Chúng ta mất đi cái lợi rất lớn, vì các Tỳ-kheo nhiều chuyện, ưa đấu tranh, nên đức Thế Tôn không ở đây. Cần phải áp dụng phương cách nào, chế tài họ để họ đi cho khuất nơi này”. Họ bèn dặn nhau: không tiếp xúc, không cúng dường vật thực cho các Tỳ-kheo ưa đấu đá nhau ấy. Về phần các Tỳ-kheo đương sự, sau khi Phật ra đi, lòng đều hối: “Do tội lỗi của chúng ta gây nên, khiến đức Thế Tôn bỏ nơi này ra đi. Nay chúng ta nên đến chỗ đức Phật thành tâm sám hối”.

Các Tỳ-kheo nơi Câu-xá-di mặc y bưng bát lên đường, đến chỗ đức Phật. Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất nghe các Tỳ-kheo đấu tranh kia đến, liền cùng 500 Tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi bạch:

- Các Tỳ-kheo đấu tranh ở Câu-xá-di sắp đến đây, chúng con sẽ nên đối xử với họ như thế nào?

Ðức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:

- Thầy nên cho phép hai bên tự nói lên ý nghĩ của họ. Nếu như pháp, như luật, như lời Phật dạy thì khéo đãi ngộ họ, thản nhiên như bạn bè.

- Bạch Thế Tôn, có thể căn cứ vào những điều gì để biết các vị kia nói như pháp, như luật, như lời Phật dạy? Có thể căn cứ vào những điều gì để biết các vị kia nói phi pháp, phi luật, phi lời Phật dạy? - Xá-lợi-phất thưa hỏi.

- Nếu thành tựu 14 pháp như: pháp nói là phi pháp, luật nói là phi luật..., lời Phật chế nói chẳng phải lời Phật chế. Như vậy gọi là phi pháp, phi luật, phi lời Phật dạy. Nếu ngược lại những điều trên tức là pháp, là luật, là lời Phật dạy.

Nơi trú xứ của Tỳ-kheo ni, nghe các Tỳ-kheo đấu tranh kia sắp đến nên Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng 500 Tỳ-kheo ni liền đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch:

- Kính bạch đức Thế Tôn, các Tỳ-kheo đấu tranh ở Câu-xá-di sắp đến đây, chúng con nên đối xử với họ như thế nào?

- Quý vị nên để hai bên nói lên ý nghĩ của họ. Nếu như pháp, như luật, như lời Phật dạy thì khéo đãi ngộ họ. Nên đến Tỳ-kheo như pháp, như luật, như lời Phật dạy cần cầu năm việc:

1- Tỳ-kheo ni mỗi nửa tháng phải đến Tỳ-kheo như pháp cầu người giáo thọ.

2- Tỳ-kheo ni cần phải nương theo chỗ có Tỳ-kheo như pháp mà an cư mùa hạ. An cư rồi, phải đến Tỳ-kheo như pháp cầu thỉnh tội: kiến, văn, nghi.

3- Thức-xoa-ma-na học giới hai năm rồi, nên đối trước hai bộ Tăng thọ Cụ túc giới.

4- Tỳ-kheo ni phạm tội thô ác phải đối trước hai bộ Tăng hành pháp Ma-na-đỏa nửa tháng. Hành pháp Ma-na-đỏa rồi, nên đối trước hai bộ Tăng - mỗi bên 20 vị - cầu pháp xuất tội.

5- Nếu Tỳ-kheo ni Tăng lại có những việc gì khác, nên cần cầu Tỳ-kheo như pháp chỉ giáo.

Các Cư sĩ trong thành Xá-vệ nghe các Tỳ-kheo đấu tranh kia sắp đến chỗ Phật, trưởng giả Cấp-cô-độc cùng với 500 Ưu-bà-tắc liền đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân rồi bạch:

- Kính bạch đức Thế Tôn, các Tỳ-kheo đấu tranh ở Câu-xá-di sắp đến đây, chúng con cung kính đãi ngộ họ như thế nào?

- Ông nên để mỗi bên nói lên ý kiến của họ. Nếu như pháp, như luật, như lời Phật dạy thì tiếp nhận sự răn bảo của họ và việc cung kính đãi ngộ, cúng dường cần phải bình đẳng. Tại sao vậy? - Vì đã là thỏi vàng thì dù chặt làm hai đoạn, đoạn nào cũng vẫn là vàng.

Bà Tỳ-xá-khư cùng 500 Ưu-bà-di đến chỗ Phật, bạch như trên... Và đức Phật cũng trả lời như trên.

Khi ấy, tôn giả A-nan thấy các Tỳ-kheo đấu tranh kia vào thành Xá-vệ, bèn đến bạch Phật:

- Tỳ-kheo đấu tranh kia đã vào đây, con phải trải ngọa cụ như thế nào?

- Nên trao cho họ phòng bên cạnh. Nếu không đủ chỗ thì trao cho họ phòng giữa, không được để cho các Thượng tọa ấy không có chỗ nương trú. - Ðức Phật dạy.

Làm theo lời Phật dạy, tôn giả sắp xếp nơi chỗ thật chu đáo. Bấy giờ Tỳ-kheo bị cử tội kia, nơi chỗ vắng suy nghĩ: “Ta là người có tội, đâu phải là người vô tội. Ðã trở thành kẻ bị cử hay không trở thành kẻ bị nêu tội, Yết-ma như pháp hay không như pháp, ta nay cẩn thận, có thể y theo kinh, luật, luận mà tư duy để rõ”. Suy nghĩ tìm hiểu, vạch rõ, biết mình có tội, biết thành Yết-ma bị nêu tội như pháp, bèn đến chỗ các Tỳ-kheo bạn bè nói:

- Tôi đã tự thấy tội. Các Ðại đức vì tôi yêu cầu hòa hợp giải Yết-ma trước đây.

Các Tỳ-kheo bèn đưa Tỳ-kheo đương sự đến chỗ các Tỳ-kheo đã trao cho Yết-ma không thấy tội, thưa:

- Tỳ-kheo này đã tự thấy tội, xin vì đương sự giải Yết-ma trước đây.

Sau khi sự hòa hợp lập lại, hai bộ Tăng đưa các Tỳ-kheo bị cử tội đến chỗ đức Phật, đầu mặt đảnh lễ sát chân, bạch Phật xin sự chỉ dạy. Nhân đó, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo này phạm tội chứ không phải không phạm tội, thành kẻ bị cử tội chứ không phải không thành kẻ bị cử, Yết-ma thành tựu chứ không phải không thành tựu. Nay Tăng nên trao cho pháp giải Yết-ma trước đây. Lại nên bạch nhị Yết-ma để tác pháp hòa hợp. Tỳ-kheo bị cử tội kia nên đến trước Tăng, kính lễ sát chân thưa:

“Tôi, Tỳ-kheo tên là..., Tăng đã vì tôi tác pháp Yết-ma không thấy tội. Nay tôi đã thuận theo Tăng sám hối. Cúi xin Tăng giải Yết-ma không thấy tội. Nguyện Tăng dũ lòng thương, vì tôi giải tội này”. (Thưa 3 lần)

Một Tỳ-kheo tuyên đọc lời Yết-ma:

“Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Các Tỳ-kheo này trước đây cùng nhau tranh đấu, mạ lị nhau, có người nói phạm, có người nói không phạm, có người nói thành việc bị cử, có người nói không thành bị cử, có người nói Yết-ma thành tựu, có người nói Yết-ma không thành tựu. Các Tỳ-kheo này nay tự thấy có phạm tội chứ không phải không phạm tội, thành bị nêu tội chứ không phải không thành bị nêu tội, Yết-ma thành tựu chứ không phải không thành tựu. Nay Tăng vì họ giải Yết-ma không thấy tội, trở lại tác pháp hòa hợp. Nếu bây giờ sự việc này thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì đây là lời thưa trước Tăng”.

Yết-ma chung quyết:

“Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Những Tỳ-kheo này trước đây cùng nhau đấu tranh, mạ lị nhau... (như trên), trở lại tác pháp hòa hợp. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói lên”.

Tăng đã vì các Tỳ-kheo... giải Yết-ma, trở lại tác pháp hòa hợp rồi, vì Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, nghiêm chỉnh thi hành đúng như vậy.

THƯA THẾ TÔN, CHÚNG CON LÀ NGƯỜI NGU SI!

Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại nước Chiêm-bà3, trú ngụ bên sông Hằng 4. Cách thành Vương-xá không xa, tại một trú xứ nọ có một Tỳ-kheo tên là Ca-diếp, làm người hỗ trợ Tăng với lời nguyện: “Nguyện bốn phương Tỳ-kheo, đông đảo tập hợp về đây để được vận động Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nhân cơ hội này làm nhiều công đức, làm cho trú xứ này càng rộng rãi ra. Với lời nguyện này, mong ngày sau đắc quả”.

Ngày ấy, có số đông Tỳ-kheo tri thức đến trú xứ của Ca-diếp. Tỳ-kheo Ca-diếp ra nghinh đón, lễ bái, chào hỏi, rước y bát, lấy nước rửa chân, dâng các thức uống sau giờ ngọ. Sáng cũng cúng dường bữa ăn trước, bữa ăn sau, cũng dâng cúng y phục nhiều ngày như vậy. Các Tỳ-kheo khách được sự tiếp đón nồng hậu này nên lại bàn thảo với nhau: “Tỳ-kheo này có tàm quý, tu phạm hạnh, muốn chúng ta ở lại đây lâu, chúng ta có thể an cư nơi trú xứ này”. Như vậy là các Tỳ-kheo tri thức thống nhất ở lại lâu hơn.

Một thời gian sau, Tỳ-kheo Ca-diếp lại suy nghĩ: “Các Tỳ-kheo khách này đã hết mệt mỏi, đã quen biết xóm làng. Ta không thể hàng ngày tiếp tục khuyến hóa bữa ăn trước, bữa ăn sau”. Với sự suy nghĩ này, Tỳ-kheo Ca-diếp chấm dứt sự cúng dường. Các Tỳ-kheo khách nổi giận, cùng nhau bàn luận: “Tỳ-kheo này muốn cho chúng ta sớm đi khỏi chỗ này, chắc chắn là ác Tỳ-kheo, không có tàm quý, không tu phạm hạnh. Chúng ta nên cùng nhau tác pháp Yết-ma không thấy tội của Tỳ-kheo Ca-diếp”.

Sau khi Yết-ma này được các Tỳ-kheo khách thực hiện, Tỳ-kheo Ca-Diếp nghĩ: “Mình có tội hay không có tội? Thành kẻ bị cử hay không thành kẻ bị cử? Yết-ma thành tựu hay không thành tựu? Ðức Thế Tôn hiện ở bên sông Hằng, ta đến thưa hỏi Ngài. Nếu Ngài dạy bảo thế nào, ta sẽ trân trọng thi hành”.

Ngày ấy, Tỳ-kheo Ca-diếp mặc y, bưng bát đến chỗ Phật. Sau khi tác lễ, Tỳ-kheo trình bày sự việc đã xảy ra, đức Phật dạy:

- Thầy không có phạm tội, không có tội gì cả. Thầy cứ trở về, an tâm lưu trú nơi đó.

Tỳ-kheo Ca-diếp thọ giáo rồi, đảnh lễ, nhiễu quanh Phật, trở về trú xứ.

Sau khi Tỳ-kheo Ca-diếp trở về và im lặng, các Tỳ-kheo khách tự thấy mình nông nổi, có tội, lại nói với nhau: “Chúng ta bất thiện, tại sao lại cử tội vị Tỳ-kheo thanh tịnh vô tội! Chúng ta nên đến chỗ đức Phật sám hối để trừ tội”.

An cư, Tự tứ xong, họ đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên. Ðức Phật đem lời hỏi han, an ủi họ như thường pháp, và sau khi biết rõ các Tỳ-kheo này từ trú xứ Tỳ-kheo Ca-diếp đến, đức Phật hỏi:

- Các thầy ở nơi trú xứ ấy, trao cho Tỳ-kheo kia Yết-ma không thấy tội, phải không?

- Bạch Thế Tôn, có thật vậy. - Các Tỳ-kheo thưa.

- Vì sao cử tội như vậy?

- Bạch Thế Tôn, chẳng có việc gì cả. - Các Tỳ-kheo thưa.

Ðức Phật nghiêm khắc quở trách:

- Các thầy làm điều phi pháp, không nên tạo nghiệp ác như vậy. Tại sao trao Yết-ma không thấy tội cho Tỳ-kheo thanh tịnh, không có tội?!

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn, Chúng con ngu si đã làm việc như vậy. Chúng con đều sanh tâm hối hận. Nay đến xin sám hối, cúi xin Ngài ai mẫn nhận cho sự sám hối của chúng con.

Nhân việc này, đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu do chẳng có việc gì mà tác các pháp Yết-ma thì các Yết-ma ấy đều bất hợp lệ, không thành.


10Nước Xá-di: Là nước Xá-vệ (Xem cht.21, tr 22).

11Diêm-phù-đề: Xem cht. 31, tr 360.

12Câu-lâu-xá: Skt. Krosùa, Pali. kosa, đơn vị thước đo thời cổ đại Ấn Ðộ. Phiên âm khác: Câu-lâu-xa, câu-lô-xá, dịch nghĩa là âm thanh, tiếng kêu, tức là tiếng rống trâu lớn hay âm hưởng tiếng trống vang dội. Cách tính thước đo của câu-lô-xá cũng chưa nhất định:

A. Theo luận Ðại Tỳ-bà-sa q.136, Hữu độ Tỳ-nại-da q.21, Luận tạp A-tỳ-đàm-tâm q.1, Câu-xá q.12, Ðại Ðường Tây-vực ký q.2... ghi: Chiều dài một câu-lô-xá bằng 500 cung (Cung: Skt. dhanya, Pali. dhanu. Theo cung pháp nước Già-ma-lê, 1 cung= 7 khuỷu. 7 cảnh-mạch‘Skt: yavª’= 1 chỉ-tiết ‘Skt.anguliparava’, 24 chỉ-tiết= 1 khuỷu‘Skt.hasta’= 18 inches, tức khoảng 44cm10). Tứ phần luật san bổ tuỳ cơ yết-ma sớ, q.1 ghi: 1 cung= 4 khuỷu tay, 1 khuỷu tay= 1 thước 8, nên 1 câu-lô-xá= 3600 thước. Phương quảng trang nghiêm q.4: 1000 cung= 1 câu-lô-xá. Tăng kỳ q.8, q.9: 2000 cung = 1 câu-lô-xá.

B. Có hai cách tính một câu-lô-xá: bằng 4000 khuỷu tức khoảng 1800 m, hoặc bằng 8000 khuỷu tức khoảng 3600 m. Ðây nói theo cách tính thứ nhất. (Yết-ma yếu chỉ ‘Karmavacanªbindusªra’)

13Ma Ba-tuần: Xem cth. 4, tr 5.

1Chương 6: Pháp giày dép (Pali. Cammakkhandhaka).

2Núi Ba-lâu-đa: Tứ phần 39, tr. 845b, T22n1428, núi Câu-lưu-hoan-hỷ (Trong các kinh điển bản Hán đều dịch: tinh xá Câu-la-la-tra ‘Skt. Kuraraghara-pap ªta-parvata, Pali. Kuraraghara-papªta-pabbata’).

3Nước A-thấp-a-vân-đầu: Tứ phần 39, nước A-bàn-đề (Skt=Pali. Avanti, một trong 16 nước lớn thời đức Phật).

4Nước Ương-già: Skt=Pali. Anga, một trong 16 vương quốc lớn thời đức Phật, vị trí nằm phía Ðông nước Ma-kiệt-đà. Thành Chiêm-ba(bà) (Sk=Pali. Camp ª) là thủ phủ nước này.

5Thành Chiêm-bà: Một trong 6 đô thành trứ danh ở Ấn Ðộ thời Phật tại thế (Xem cht. 4 trên).

6Ma-ni: Skt. manïÌ, là từ chỉ cho ngọc nói chung. Theo truyền thuyết loại ngọc này có thể tiêu trừ tai nạn, tật bệnh và thanh lọc nước bẩn.

7Rừng Thi-đà: Skt. SÙÌtavana, Pali. SÌtavan, hay gọi Hàn-lâm (Vì khu rừng này người dân làm nơi vứt bỏ tử thi nên âm u lạnh lẽo), vị trí phía Bắc thành Vương-xá nước Ma-kiệt-đà.

1Chương 7: Pháp về thuốc thang (Pali. Bhesajjakkhandhaka). Chương 8: Pháp Thọ thực (Pali. Bhojanakkhandhaka).

2Trưởng giả Tỳ-lan-nhã: Xem chuyện Duyên khởi giới thứ nhất.

3Ni-kiền: Xem cht. 54, tr 379.

4Bích-chi Phật: Skt. Pratyekabuddha, Pali. Paccekabuddha, dịch là Duyên giác hay Ðộc giác.

5Trời Tha Hoá Tự Tại: Skt. Para-nirmita-vasùa-vartin, Pali. Para-nimmita-vasa-vattin, là cõi trời thứ 6 trong 6 cõi trời của Dục giới.

1Phần 4, Chương 1: Pháp diệt tránh (Pali. Samathakkhandhaka)

2Hiện tiền Tỳ-ni: Pali. Sammukhªvinaya, nguyên tắc hiện tiền để giải quyết sự tranh cãi gồm năm yếu tố: Pháp, Luật, Tăng, Nhân (đương sự) và cương giới.

3Ức niệm Tỳ-ni: Xem cht.14, tr. 71.

4Bất si Tỳ-ni: Pali. Amñlïhavinaya, tức người phạm giới trong lúc thần kinh bị bấn loạn thì Tăng miễn thứ, nghĩa là không bị Tăng kết tội xử trị mà Tăng chỉ tác pháp yết-ma để xác định vị ấy bị cuồng si, miễn trừ cho vị ấy khỏi dự nghe thuyết giới và các tăng sự khác.

5Pháp tự ngôn: Xem cht. 13, tr 69.

6Pháp Ða nhân ngữ: Pali. Yebhuyyasikª, nguyên tắc đưa lại sự hoà giải dựa vào ý kiến của đa số. Nguyên tắc này được thực hiện bằng cách bỏ phiếu, trưng cầu Tỳ-kheo ý.

7Pháp thảo phú địa: Pali. Tinïavatthªraka, nghĩa đen là rải cỏ để che lấp đất đá bùn lầy. Nguyên tắc này là sám hối tập thể để hóa giải mọi mâu thuẫn trong Tăng. Tức toàn thể Tăng trong cùng trú xứ đều phạm tội, không còn sót lại Tỳ-kheo thanh tịnh nào để làm tác chủ thọ sám. Trong sám hối tập thể này chỉ nêu tổng chung:“ Chúng ta đều phạm nhiều tội”, chứ không nêu rõ tội danh từng thiên, từng người, như sự rải cỏ che lấp tất cả không phân biệt một thứ nào.

8Pháp bổn ngôn trị: Pali. Tassapªpiyyasik ª, còn gọi là mích tội tướng Tỳ-ni, tội xứ sở Tỳ-ni, nghĩa đen là thẩm tra bản chất tội phạm; tức là khi Tăng xét hỏi mà Tỳ-kheo phạm tội không xác nhận tội mình phạm thì Tăng tiến hành nguyên tắc này. Tỳ-kheo bị tội xứ sở Tỳ-ni thì không được độ người xuất gia, giáo thọ Tỳ-kheo ni, làm y chỉ.....

9Ác thuyết: Skt. durbhªsïita, Pali. dubbhasita, một trong thất tụ (xem cht. 22, tr 23).

1Chương 2: Pháp yết-ma (Pali. Kammakkhandha)

2Nước Ca-di: Cũng là nước Ca-thi (xem cht. 32,tr 89).

3Nước Chiêm-bà: Xem cht. 5, tr 428.

4Sông Hằng: Pali. Gangª, một trong bốn con sông lớn ở Ấn Ðộ.

--- o0o ---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]