Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mối quan hệ giữa thầy và trò trong Đạo Phật

09/04/201313:01(Xem: 6977)
Mối quan hệ giữa thầy và trò trong Đạo Phật

MỐI QUAN HỆ GIỮA THẦY VÀ TRÒ TRONG ĐẠO PHẬT

Thích Hạnh Bình

Theo đạo Phật nhu cầu sống con người gồm có 4 loại: 1. Đoàn thực, là các loại thức ăn và uống, 2. Xúc thực, là các loại cảm xúc của 5 căn, trong đó có cả cảm xúc của thân, 3. thức thực, là những loại tri thức, 4. Tư niệm thực, là ý chí muốn sống. Trong đó loại thứ 4 là loại thức ăn thuộc về tôn giáo, vì trong tôn giáo đều có điểm chung nhất, giáo dục con người vươn tới một đời sống tương lai tốt đẹp hơn. Đây là một nhu cầu thực tế của con người, bất cứ ai cũng có, cũng ước mơ về đời sống tương lai. Từ ước mơ đó, hình thành niềm tin, ý niệm đạo đức xuất hiện, tôn giáo cũng từ đó mà có.

Đạo Phật cũng là một tôn giáo, nhưng điểm đặc thù của đạo Phật không đề cao vai trò thần quyền, ngược lại đề cao vai trò cá nhân và sự hiểu biết. Nhờ vào sự hiểu biết quyết định cuộc sống cho chính mình, vai trò đức Phật chỉ là vị Đạo Sư, hướng dẫn con người nên làm gì để được hạnh phúc, và không làm gì để tránh sự khổ đau, nhưng chính con người là người lựa chọn không phải là đức Phật.

Từ ý nghĩa này, nó cũng nói lên mối quan hệ giữa đức Phật và chúng sinh, cũng như giữa thầy và trò không thể vượt qua ý nghĩa này. Mối quan hệ thầy trò được xây dựng trên nền tảng giác ngộ và giải thoát, cụ thể là học tập Phật pháp. Vượt qua giới hạn này, ắt hẳn sẽ phát sinh nhiều hệ lụy chướng ngại.

Căn cứ từ chủ đề này, nó gợi ý cho chúng ta cần phải làm sáng tỏ hai vấn đề chính: Thứ nhất, mục đích và chủ trương của đạo Phật là gì? Mối quan hệ giữa giữa thầy và trò được dựa trên tiêu chuẩn nào ? Vì để làm sáng tỏ ý nghĩa của hai vấn đề chính này, chúng ta tiến hành thảo luận một số vấn đề như: 1. Mục đích giáo dục của đạo Phật; 2. Y pháp bất y nhân; 3. Lấy Phật pháp làm cơ sở cho mối quan hệ giữa thầy và trò. Do vậy 3 vấn đề này là nội dung thảo luận trong bài viết này.

1. Mục đích giáo dục của đạo Phật

Bất cứ mỗi một quốc gia, tôn giáo, đoàn thể hay cá nhân nào cũng có quan điểm lập trường riêng của mình. Quan điểm lập trường đó trở thành mục đích mà các thành viên trong ấy hướng đến. Hành trình hướng đến mục đích, tuy có nhiều chông gai quanh co trắc trở, đôi lúc phải sử dụng nhiều phương tiện để vượt qua khó khăn đó hướng đến mục đích, nhưng người có lý tưởng không vì vậy làm chệch hướng đi đến mục đích. Ví dụ, nghĩ rằng tu tập khổ hạnh sẽ mang lại giác ngộ giải thoát (hạnh phúc), nhưng khi thực hành không mang lại mục đích. Trong trường hợp này, chúng ta cần thay đổi phương pháp tu tập không phải là thay đổi mục đích.

Thế thì mục đích của Phật giáo là gì? Vàtiến trình đạt đến mục đích này như thế nào?Ở đây, chúng ta cần chú ý tiến trình vươn tới mục đích và mục đích là hai vấn đề khác nhau, hay nói một cách khác phương tiện và cứu cánh không giống nhau, vì phương tiện vốn là biện pháp cụ thể mang tính nhất thời thay đổi, mục đích mang tính cố định, là cái không thay đổi, do vậy phương tiện là cái thay đổi còn mục đích không thể thay đổi. Đây chính là tinh thần “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” trong Phật giáo Đại thừa. Nếu người học Phật không hiểu tinh thần này, dễ dàng rơi vào cố chấp, dễ xảy ra trường hợp lấy phương tiện là cứu cánh, lấy cứu cánh làm phương tiện. Ở đây, chúng ta có thể vay mượn quá trình đi tìm chân lý của đức Phật được ghi lại trong “Kinh Thánh Cầu” trong “Kinh Trung Bộ” để tìm hiểu về ý nghĩa này, nó cho chúng ta nhiều kinh nghiệm đáng giá. Kể rằng, Thế Tôn khi chưa xuất gia thành đạo vốn là vị hoàng tử, con của vua Tịnh Phạn, được sống trong cảnh nuông chiều, hưởng thọ dục vọng, nhưng cuộc sống đó Ngài vẫn cảm thấy bất an khổ đau, cho nên quyết tâm từ bỏ đời sống ấy xuất gia học đạo. 6 năm đầu tiên Ngài tu tập khổ hạnh với những đạo sư khổ hạnh nổi tiếng đương thời, cũng đã thành đạt đạo quả mà phái này cho là đạo quả cao nhất, nhưng đạo quả ấy, cách tu khổ hạnh ấy cũng không giải quyết được nguồn gốc khổ đau của con người, cuối cùng Ngài phải từ bỏ họ ra đi, quyết tìm con đường giải thoát cho mình và cho mọi người, Ngài không theo lối lối tu tập truyền thống nào của các tôn giáo Ấn Độ, bằng một chút kinh nghiệm về thiền quán thuở xưa khi chưa xuất gia mang lại sự an lạc, Ngài quyết định ngồi dưới cội cây Bồ đề thiền quán, cuối cùng Ngài đã giác ngộ chân lý, từ đó giải thoát mọi khổ đau, thành đạt mục đích xuất gia tìm đạo của mình.

Ở đây, nội dung câu chuyện này, cho chúng ta nhận thức, mục đích xuất gia và học đạo của đức Phật là giác ngộ và giải thoát. Giải thoát (Niết bàn) chỉ xuất hiện khi nào giác ngộ hay trí tuệ xuất hiện, hay nói một cách khác giải thoát được xây dựng trên nền tảng giác ngộ không phải là vô minh, cũng không phải là thực hành khổ hạnh. Con đường dẫn đến giác ngộ thiền quán, tức là đối diện với thực tại giải quyết vấn đề, không phải là lối sống buông thả, hưởng thụ vật dục, cũng không phải là lối sống hành trì khổ hạnh, hay pháp tu tập nào làm cản trở trí tuệ phát sinh, vô minh tăng trưởng. Do vậy, là người xuất gia hay tại gia đến với đạo Phật chỉ có mục đích duy nhất là tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, có thể trong quá trình tìm cầu đó, có nhiều phương pháp mà cách hành trì khác nhau, nhưng cho dù cách nào đi nữa cũng phải lấy giác ngộ giải thoát làm mục đích. Đây chính là ý nghĩa mà đức Phật đã khuyên chúng ta:

“Ví như, này các Tỳ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu tập năm căn, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.”[1]Niết-bàn[2]là trạng thái an lạc của chư Phật, là cảnh giới của những người đã giác ngộ giải thoát, không còn bị tham lam sân hận và si mê quấy nhiễu, nó là mục đích chung cho những ai đến với đạo Phật. Nội dung và ý nghĩa đọan kinh vừa dẫn, đức Phật muốn nhắc nhở người tu tập và người làm công việc hoằng pháp một điều:Đối với người tu tập, không nên có thái độ cố chấp vào pháp môn hay một phương pháp tu tập cố định nào, phương pháp tu tập nào không nào không mang lại sự giác ngộ giải thoát thì pháp môn ấy cần phải từ bỏ, cho dù được núp dưới danh xưng nào. Cũng vậy, đối với người xuất gia hay tại gia phát nguyện sự nghiệp “Hoằng pháp lợi sinh”, có nghĩa là lấy chánh pháp làm lợi lạc chúng sinh, không phải lấy tà pháp lợi sinh, cũng không phải lấy hình thức vật chất bên ngoài làm tiêu chuẩn, cho rằng là hoằng dương Phật pháp. Dẫu rằng, trong bước đường hoằng hóa, vì trình độ căn tánh chúng sinh không đồng, người hoằng pháp được phép sử dụng phương tiện khác nhau để giáo hóa dẫn dắc họ khỏi vào đọa, nhưng cho dù phương tiện nào đi nữa cũng phải hướng đến mục đích là giác ngộ giải thoát hay Niết bàn, không thể trái ngược lại tinh thần này. Đây chính là ý nghĩa lời đức Phật giải thích:

“Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông như sau: "Có cái gì, này chư Hiền, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?"; được hỏi vậy, này các Tỳ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Này chư Hiền, vì liễu tri đau khổ, nên Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn"[3].

Là học sinh muốn thi đậu cần phải siêng năng học tập; là cha mẹ vì ổn định cuộc sống cho gia đình cho nên phải làm việc; là người theo đạo Phật dù là xuất gia hay tại gia với lý do duy nhất là đọan trừ khổ đau hay giải thoát. Theo đạo Phật muốn đoạn trừ khổ đau phải biết khổ đau đó là gì?tại sao xảy ra? Từ chuyên môn gọi là khổ và khổ tập, khi đã hiểu rõ nguyên nhân của khổ thì cũng biết được cách đoạntrừ nguyên nhân ấy. Phật giáo cho rằng, nguyên nhân của khổ là vô minh, như vậy phải dùng trí tuệ để đoạntrừ khổ, không phải là sự cầu nguyện cúng tế hay khổ hạnh mà các tôn giáo Ấn Độ tu tập. Đó chính là ý nghĩa lý do tại sao trong kinh nói rằng: ‘Vì mục đích liễu tri khổ mà các Tỳ-kheo theo Thế Tôn sống đời sống Phạm hạnh’.

Mục đích xuất gia trong đạo Phật là giác ngộ và giải thoát, tuy nhiên trong Tăng đoàn cũng không ít người xuất gia, vì lợi dưỡng phá họai đạo pháp. Ví dụ, vì mục đích phá hoạnTăng đoàn mà ngoạiđạo Tu Thâm xuất gia sống trong hàng ngũ Tăng già[4]. Ngoài ra, cũng không ít người xuất gia vì lợi dưỡng, tìm cầu chất chứa vật chất, có thể nói đây là sự nguy hiểm cho sự hưng thịnh Phật pháp. Do vậy, người Phật tử phải biết sử dụng ‘Trạch Pháp giác chi’ trong 7 Giác chi để lựa chọn, vị thầy vị sư nào để nương tựa tu học Phật pháp, là như bài kệ trong “Kinh Tương Ưng”[5]ghi rằng:

Xưa sống thật an lạc,

Chúng đệ tử Cù-đàm,

Không tham tìm món ăn,

Không tham tìm chỗ trú,

Biết đời là vô thường,

Họ chấm dứt khổ đau.

Nay tự làm ác hạnh,

Như thôn trưởng trong làng,

Họ ăn, ăn ngã gục,

Thèm khát vật nhà người.

Con vái chào chúng Tăng,

Ðảnh lễ một vài vị,

Vất vưởng, không hướng dẫn.

Họ sống như ngạ quỉ.

Những ai sống phóng dật,

Vì họ, con nói lên,

Những ai không phóng dật,

Chân thành con đảnh lễ.

Nội dung bài kệ này ghi lại thực tế Tăng già của thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, rất nhiều người xuất gia vì mục đích chân chính, nhưng cũng không ít người xuất gia vì mục đích lợi dưỡng. Thành phần xuất gia vì lợi dưỡng, cho nên họ lấy phát triển vật chất làm sự nghiệp, xem Phật pháp chỉ là phương tiện để thành đạt sự nghiệp của mình. Đây cũng là chuyện thường trong cuộc sống ở đâu và thời nào cũng có. Là đệ tử chân chính của Phật phải phân biệt giữa hai hạng người này, giúp mình được lợi lạc trong Phật pháp. Đây là điều mà chúng ta cần chú ý.

2. Y pháp bất y nhân

Trong 3 ngôi Tam bảo bao gồm: Phật pháp và Tăng là đối tượng cho người Phật tử trở về nương tựa. Phật là chỉ cho 3 đời chư Phật, cụ thể là đức Phật Thích Ca, nhưng sắc thân của Ngài đã nhập diệt cách đây hơn 2500 năm; Pháp là những lời giảng dạy của Phật trong suốt 45 (Đại thừa: 49 năm) khi Ngài còn tại thế, cụ thể là 3 tạng kinh điển, được gọi là Pháp thân của Phật; Tăng là đoàn thể Tăng già, là những người xuất gia chân chính sống trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Từ thựctế mà nói, Phật đã nhập Niết bàn, Pháp của Phật thì quá cao thâm khó hiểu, do vậy với người đệ tử mới xuất gia hay Phật tử tại gia, vai trò Tăng trong 3 ngôi Tam bảo giữ vai trò rất quan trọng trong việc truyền trao Phật pháp và kinh nghiệm tu tập cho đệ tử. Ở đây, khái niệm Tăng chúng ta cần chú ý, Tăng là Tăng già (sa×gha) là tập thể từ 4 người trở lên, cá nhân không thể gọi là Tăng. Như vậy, người thầy chỉ mang ý nghĩa là người đại diện cho Phật Pháp và Tăng giới thiệu Phật pháp đến thế gian, do vậy bản thể của Tăng già luôn thanh tịnh, sự ô nhiễm hay thối nát của một Tỳ-kheo chỉ là mang tính cá nhân không phải là của Tăng. Từ ý nghĩa này cho thấy, người Phật tử trở về nương tựa (quy y) 3 ngôi Tam bảo , thì ngay cả người thầy mà mình xuất gia tu học chỉ là người đại diện, vị thầy chính của chúng ta vẫn là đức Phật, không phải là vị thầy mà mình qui y hay xuất gia, vị thầy ấy chỉmang tính đại diện; pháp mà mình theo tu học đó là Pháp của Phật, không phải là ý kiến cá nhân nào; Tăng già mới là nơi nương tựa chính cho mình, không phải là một cá nhân của một người nào. Do vậy, vị thầy mà mình xin quy y hay xuất gia, nếu không may vị ấy qua đời, hoàn tục hoặc không đủ tư cách làm thầy cho mình, được quyền tìm vị thầy khác để nương tựa, không nhất thiết phải trung thành với vị thầy mà mình quy y hay xuất gia. Vì mục đích chúng ta đến với đạo Phật để tìm cầu sự giác ngộ giải thoát, không phải đến như một thành viên của một tổ chức xã hội cùng nhau hưởng quyền lợi về vật chất. Vấn đề này chúng ta sẽ thảo luận ở phần kế tiếp. Để làm rõ ý nghĩa về vị trí người thầy trong việc tu học Phật pháp, trong “Kinh Trường A Hàm” ‘Kinh Du Hành’ đức Phật giải thích:

“Này A-nan, ngươi chớ nghĩ sau khi Ta diệt độ, các ngươi mất chỗ nương tựa, không ai che chở. Chớ có quan niệm như vậy. Nên biết những kinh và giới mà Ta đã dạy từ khi thành đạo đến nay là chỗ nương tựa, che chở các ngươi đó!”[6]

Đọan kinh này là lời đức Phật dạy cho A nan (Ananda) trong bối cảnh tôn giả A nan chính mình trông thấy cảnh đức Thế Tôn là người thầy của mình sắp nhập Niết bàn. 25 năm làm thị giả cho Ngài là thời gian không ngắn để cảm nhận tình cảm thương yêu từ đức Phật, thời gian cận kề bên Ngài cũng là cơ hội tốt để cho A nan thấu hiểu tư tưởng và học tập nhiều điều tốt đẹp từ Thế Tôn. Tình cảm đó làm sao nguôi được trong một sớm một chiều! và một điều quan trọng hơn :quan điểm và tư tưởng của Ngài ai hiểu được?bằng cách nào để duy trì và phát huy?trước bối cảnh bậc đại sư huynh là tôn giả Xá Lợi Phất (ŚŒriputra) và Mục Kiền Liên (MahŒmaudgalyŒyana đã nhập diệt trước đó, ai có đủ khả năng để hoằng dương Phật pháp?Đây chính là lý do mà tôn giả A nan khóc rống lên trước cảnh đức Phật sắp nhập Niết bàn? Đức Thế Tôn thấu hiểu được nỗi lòng của A nan, cho nên đã dạy lời này, tức là sau khi Thế Tôn nhập diệt, không ai có quyền lãnh đạo Tăng Đoàn, các Tỳ-kheo nên lấy Pháp làm nơinương tựa, không nương tựa vào bất cứ ai. Đây chính là ý nghĩa câu “Y pháp bất y nhân”, có nghĩa là chúng ta dựa vào ý nghĩa Pháp của Phật là chính mà không nương tựa vào lời nói của một cá nhân nào. Khái niệm Pháp ở đây bao gồm kinh luật luận, vì trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, luật và luận chưa tách rời khỏi kinh, có nghĩa là trong kinh có luật và luận. Có lẽ bản thân Ngài ít nhiều cũng rõ được tình hình sau khi Ngài nhập diệt, sẽ có người muốn lãnh đạo Tăng già, cho nên Ngài thường nhắc nhở:

“Này các Tỳ-kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đèn chánh pháp. Hãy nương tựa nơi pháp của chính mình, chớ đừng thắp lên ngọn đèn khác, đừng nương tựa một pháp khác (Pāli: Attadìpà bhikkhàve viharatha atta-saranà anañña-saranà. Dhammadìpà dhamma-saranà anañña-saranà.)[7]

Trong câu kinh vừa dẫn có ý nghĩa thật sâu sắc, chúng ta cần chú ý, trước tiên đức Phật khuyên chúng ta phải “Hãy tự mình thắp lên ngọn đèn chánh pháp”, có nghĩa là chúng ta phải hiểu rõ chánh pháp, biết được cái gì là chánh cái gì là tà, sau đó chúng ta mới nương tựa vào “pháp của chính mình”, tức là ngang qua sự hiểu biết của chính mình, tự mình quyết định nên làm gì và không nên làm gì, nên tu pháp nào và không nên tu pháp nào, không nên làm kẻ nô lệ về ý thức, giao sự hiểu biết cho người khác, người khác định đọat cuộc sống của mình, vì cuộc sống của mình mà không làm chủ lại để cho người khác làm chủ là nguy hiểm. Trong trường hợp, mình mới vào đạo, không rõ Phật pháp, cho nên phải nương tựa vào tăng, nương tựa vào thầy, trong thời gian nương tựa, nhiệm vụ chính là tìm hiểu Phật pháp, sau đó nương tựa vào pháp không nên nương tựa vào người. Đây chính là ý nghĩa câu “ Y pháp bất y nhân”. Vì người có thể nói đúng , cũng có thể nói sai lời Phật dạy, cho nên xem pháp là chính , không phải xem người chính. Mô tả về ý này “Kinh Du Hành” ghi:

“Nếu có vị Tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này chư hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân theo Phật được nghe, được lãnh thọ giáo pháp này.’ Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không trúng kinh, không trúng luật, không trúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng? Bởi vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với chánh pháp. Vậy này hiền sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.’ Trái lại nếu xét thấy lời kia trúng kinh, trúng luật, trúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: ‘Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp. Vậy hiền sĩ! Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ.”[8]

Qua nội dung và ý nghĩa đọan kinh vừa dẫn cho thấy, trong tiến trình tu chứng Pháp giữ vai trò quan trọng, pháp là nương tựa an ổn nhất cho hành giả, không phải là người thầy, do vậy không nên hoàn toàn tin tưởng vào người thầy, cần phải y cứ vào pháp. Bất cứ ai, dù ở vị trí nào trong xã hội, giữ chức vụ gì trong Giáo hội, lời người ấy phát biểu, cần phải xem xét lại ý nghĩa của nó đúng với tinh thần giáo dục của Phật như trong kinh luật hay không, nếu như đúng thì hành theo, ngược lại, không phù hợp với kinh luật thì chúng ta cần từ bỏ, không nên thọ trì làm theo quan điểm sai lầm đó. Đây là điểm chúng ta cần lưu ý.

3. Lấy Phật pháp làm cơ sở cho mối quan hệ thầy và trò

Như đã được nêu rõ ở phần trên, xưa cũng như nay trong Tăng đoàn lúc nào cũng có hai hạng người xuất gia chân chính và không chân chánh. Thành phần nào nhiều hơn cần được xem xét đến nhiều khía cạnh, trong đó cách quản lý của tổ chức (Giáo hội) đóng vai trò rất quan trọng, buông thả về mặt tổ chức, cộng thêm người lãnh đạo của từng ngôi chùa tự viện có xu hướng phát triển thiên về vật chất, nghịch lại với đạo giác ngộ giải thoát[9], thì đó là điều kiện tốt cho kẻ lợi dụng Phật pháp xuất gia gia nhập vào Tăng đoàn, càng nguy hiểm hơn nếu thành phần này trở thành người lãnh đạo. Giả sử chúng ta quy y hoặc xuất gia với người thầy không chân chính thì cách giải quyết như thế nào?nên hay không nên giữ thái độ tôn sư trọng đạo, trung thành với vị thầy bất chánh đó không?Theo ‘Kinh Khu Rừng’ trong “Kinh Trung Bộ” được đức Phật giải thích như sau:

“Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống tại một khu rừng nào. T-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn…. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm.

Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỳ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, ….chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn….. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy chỉ với suy tính này phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại.

Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỳ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú,… chưa được chứng đạt được chứng đạt, nhưng những vật dụng cần thiết cho đời sống một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật này kiếm được một cách khó khăn... Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải ở lại khu rừng ấy, không được bỏ đi.

Chư Tỳ-kheo, ở đây Tỳ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỳ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú... vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt. Và những vật dụng cần thiết... kiếm được một cách không khó khăn. …Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy phải ở lại khu rừng cho đến trọn đời, không được rời bỏ.

Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống tại một làng nào... thị trấn nào... đô thị nào... quốc gia nào... (cũng như trên).

Chư Tỳ-kheo, ở đây Tỳ-kheo sống gần một người nào. Tỳ-kheo sống gần người này, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách khó khăn…. Chư Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo ấy ngay trong phần đêm ấy hay ngay trong ngày ấy, không phải xin phép, cần phải bỏ ngay người ấy mà đi, không cần theo sát người ấy.

Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo sống gần một người nào. Tỳ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú không được an trú... không được chứng đạt. Nhưng những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách không khó khăn. … Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy, chỉ với ước tính này, cần phải bỏ người ấy mà đi, không có xin phép, không có theo sát.

Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống gần một người nào. Tỳ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú... được chứng đạt. Những vật dụng này cần thiết... kiếm được một cách khó khăn. …Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy, chỉ với suy tính này, cần phải theo sát người ấy, không được bỏ đi.

Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo sống gần một người nào. Tỳ-kheo sống gần người ấy, các niệm chưa được an trú được an trú… chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị người bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn…. Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi.”[10]

Qua nội dung của đọan kinh vừa dẫn, nó gợi ý cho chúng ta hiểu. Trước tiên, đức Phật căn cứ vào hai điều kiện cơ bản là: (1). Vật chất là những nhu cầu sống cần thiết cho con người và (2). Phát triển trí tuệ là vũ khí cắt đứt phiền não để xác định trú xứ (tự viện), hay người thầy ấy nên từ bỏ ra đi hay ở lại. Trong hai điều kiện này, trí tuệ được xem là yếu tố quan trọng nhất, vì nó liên quan đến sự đoạn trừ phiền não, hay nói cách khác phiền não chấm dứt nhờ trí tuệ, không có trí tuệ thì phiền não không thể đoạn trừ, nhưng dù sao đi nữa vai trò vật chất cũng là nhân tố gián tiếp giúp cho trí tuệ sinh khởi, nếu thân thể bịnh hoạn đói khát, trí tuệ khó có thể phát sinh, đó chính là lý do tại sao đức Phật xem vật chất là một trong hai điều kiện cơ bản để Tỳ-kheo đoạn trừ phiền não. Điều đó phản ánh quan điểm của đạo Phật không cực đoan, chủ trương khổ hạnh, xem vật chất như là phương tiện hữu ích để hành giả hoàn thành mục đích giác ngộ và giải thoát.

Căn cứ vào hai yếu tố cơ bản này, đức Phật phân tích nơi ở hay người thầy có 4 trường hợp, từ đó hành giả quyết định lựa chọn trường hợp nào trong 4 trường hợp đó. 1. Nếu Tỳ-kheo sống nơi nào, hoặc nương tựa với vị thầy nào, nếu nơi ấy, thầy ấy không làm tăng trưởng trí tuệ, trong khi sống đối với bất thiện pháp chưa sinh liền sinh, đã sinh lại tăng trưởng; đối với thiện pháp chưa sinh không sinh, đã sinh liền tăng trưởng. Đối với những nhu cầu về vật chất là điều kiện duy trì mạng sống cho vị Tỳ-kheo sống lại không đầy đủ. Đối với trú xứ ấy, thầy ấy, đức Phật khuyên Tỳ-kheo nên lập tức từ bỏ ra đi, không chần chừ; 2. Nếu Tỳ-kheo sống nơi nào, hoặc với vị thầy nào, nếu nơi ấy, thầy ấy không phát triển trí tuệ, trong khi sống những phiền não chưa sinh liền sinh, đã sinh lại tăng trưởng, đối với thiện pháp chưa sinh không sinh, đã sinh liền tăng trưởng. Ngược lại, những nhu cầu về vật chất để duy trì mạng sống lại đầy đủ, đức Phật cũng khuyên Tỳ-kheo nên từ bỏ ra đi; 3. Nếu Tỳ-kheo sống nơi nào, hoặc với vị thầy nào, nếu nơi ấy, thầy ấy trí tuệ được phát triển, trong khi sống những phiền não chưa sinh không sinh, đã sinh liền tiêu diệt, đối với thiện pháp chưa sinh liền sinh, đã sinh liền tăng trưởng. Ngược lại, những nhu cầu về vật chất để duy trì mạng sống lại không đầy đủ, đức Phật khuyên Tỳ-kheo nên nhẫn nại sống ở nơi ấy, cố gắng chịu đựng sống với thầy ấy; 4. Nếu Tỳ-kheo sống nơi nào, hoặc với vị thầy nào, nếu nơi ấy, thầy ấy được phát triển trí tuệ, trong khi sống những phiền não chưa sinh không sinh, đã sinh liền tiêu diệt, đối với thiện pháp chưa sinh liền sinh, đã sinh liền tăng trưởng. Những nhu cầu về vật chất để duy trì mạng sống cho vị Tỳ-kheo lại đầy đủ, đức Phật khuyên Tỳ-kheo nên cố bám sống nơi ấy thầy ấy, cho dù bị xua đuổi. Tóm lại, trong 4 trường hợp này, hai trường hợp đầu (1 và 2) đức Phật khuyên Tỳ-kheo nên bỏ đi, vì lý do không phát triển trí tuệ, không tu học được Phật pháp, mặc dù nơi ấy có đời sống vật chất sung túc; hai trường hợp còn lại (3 và 4) đức Phật khuyên Tỳ-kheo nên bám vào nơi ấy thầy ấy tu tập, vì lý do nơi ấy thầy ấy được tu học Phật pháp, trí tuệ được phát triển, phiền não cũng giảm thiểu, mặt dù đời sống vật chất túng thiếu không đầy đủ như trường hợp thứ 3

Nội dung bài kinh này, đức Phật giảng dạy cho người xuất gia. Từ ý nghĩa tu học Phật pháp này, chúng ta cũng có thể suy ra cách áp dụng cho ngời Phật tử tại gia cũng giống nhau, vì cho dù là tại gia hay xuất gia đều có chung mục đích là tìm cầu sự giác ngộ và giải thoát, hay nói một cách dễ hiểu là tìm cầu sự an lạc và hạnh phúc. Hạnh phúc đó chỉ có được nhờ trí tuệ, không phải nhờ vô minh, đây là nguyên tắc chung trong Phật pháp.

Từ ý nghĩa này cho phép chúng ta hành xử, nếu như người Phật tử tại gia hay xuất gia đã lỡ quy y hay xuất gia với vị thầy nào, vị thầy ấy không đủ khả năng hướng dẫn mình hướng đến giác ngộ và giải thoát, người ấy được quyền quyết định từ bỏ thầy ấy ra đi để tìm vị thầy khác, điều đó cũng phù hợp tinh thần giới luật của nhà Phật. Như nói: Như sư thật bất minh, đương biệt cầu lương đạo (nếu như gặp phải vị thầy vô trí, người đệ tử có quyền tìm thầy khác để nương tựa). Ngay cả nơi ở cũng vậy, là người xuất gia cần phải xác định mục đích xuất gia của mình, từ đó tìm nơi ở phù hợp với mục đích ấy. Nếu như xuất gia với mục đích tìm cầu giác ngộ và giải thoát, thì người ấy cũng phải tìm vị thầy nào và trú xứ nào có thể giúp mình thành đạt mục đích giác ngộ giải thoát ấy. Sự lựa chọn người thầy và nơi ở chính mình là người quyết định không phải là người khác. Nếu như lúc đầu chưa có kinh nghiệm chọn nhầm thầy hoặc lựa nơi ở không phù hợp, người ấy được từ bỏ trú xứ ấy, thầy ấy, tìm vị thầy khác để nương tựa tu tập.

Cũng vậy, khi người thầy của mình qua đời hay vì lý do nào đó hoàn tục, người đệ tử cũng được phép tìm vị thầy khác làm nơi nương tựa, nếu như người ấy có nhu cầu. Trong trường hợp, người đệ tử có đủ khả năng tìm hiểu Phật pháp, tự mình có thể tu học Phật pháp thì cũng không cần tìm một vị thầy khác.

Ở đây có một vấn đề, chúng ta cần chú ý, mối quan hệ giữa thầy và trò là sự quan hệ được xây dựng trên cơ sở tu học Phật pháp, không phải là mối quan hệ đặt trên cơ sở tình cảm bình thường của người thế gian, do vậy khi vấn đề tu học Phật pháp không đáp ứng thì tự nhiên mối quan hệ đó cũng bị phá vỡ. Nếu như đề cập đến vấn đề trung thành ,thì người xuất gia cần phải trung thành với lý tưởng xuất gia của mình, không phải trung thành với tình cảm. Cũng vậy, vấn đề tôn sư trọng đạo cũng mang ý nghĩa đó, không thể tôn trọng vị thầy mà đi ngược lại mục đích xuất gia, cũng không thể trọng đạo mà cái đạo lý đó lại nghịch với đạo lý giác ngộ giải thoát, không thể tôn trọng một vị thầy mà vị thầy đó hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu xuất gia tìm đạo giải thoát của mình. Đây chính là lý do tạo sao đức Phật kể câu chuyện người mù dẫn người mù như trong “Kinh Trung Bộ”tập 1, ‘Kinh Tevijja (Tam Minh) ghi:

“Này Vàsettha, những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: "Ðây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo", thật không thể có sự kiện ấy. Này Vàsettha, ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Như vậy, này Vàsettha lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, người đầu không thấy, giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy, giống như lời nói mù quáng. Lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như vậy là lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng.”[11]

Nếu như đức Phật chê trách những người Bà la môn giải thích lý thuyết về con đường sinh vào cõi Phạm Thiên là mù mờ, không ai trong họ có thể như thật biết và giải thích con đường về Phạm Thiên, giống như người mù dẫn người mù thì chắc chắn Ngài không thể chấp nhận một vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ninào trong hàng ngũ của Ngài tự mình không tu tập lại không biết giáo pháp của Thế Tôn, lại thâu nhận đệ tử, hướng dẫn đệ tử tu học Phật pháp. Điều đó chẳng khác nào như câu chuyện đoàn người mù dẫn nhau đi, người trước mù, người giữa cũng mù và người cuối cùng cũng mù.

4. Lời kết.

Phật giáo cũng giống như mọi tôn giáo khác đều có mục đích giống nhau là đi tìm hạnh phúc chân thật của kiếp sống này cũng như nhiều kiếp nữa. Hạnh phúc chân thật đó tùy theo mỗi tôn giáo có tên gọi khác nhau, nhưng có chung một ý nghĩa. Phật giáo gọi nó là cõi Niết-bàn , chỉ cho cảnh giới của những người không còn lòng tham lam sân hận và ngu si, tức là cảnh giới của những người đã giải thoát. Theo Phật giáo, giải thoát chỉ xuất hiện khi nào hiện hữu sự giác ngộ, không thể có giải thoát nếu không giác ngộ. Như vậy giác ngộ và giải thoát là mục đích hướng đến của Phật giáo.

Nếu như mục đích của Phật giáo là giác ngộ giải thoát thì mối quan hệ giữa thầy và trò được đặt trên cơ sở giác ngộ và giải thoát làm nền tảng, lấy nó làm điều kiện để nối kết giữa thầy và trò. Như vậy, nếu như nền tảng này bị phá vỡ thì mối quan hệ thầy trò cũng được phá vỡ theo, điều đó đồng nghĩa khi người thầy không làm trọn bổn phận trách nhiệm của mình, tức giúp cho người đệ tử dù cho người Phật tử tại gia hay xuất gia hiểu chánh pháp và tu tập thì mối quan hệ giữa thầy và trò được xem như bị phá vỡ, người đệ tử có thẩm quyền được tìm vị thầy khác làm nơi nương tựa tu học Phật pháp.

Người mới vào ngôi nhà Phật pháp dù là xuất gia hay tại gia cầm tìm vị thầy để làm nơi nương tựa tu học Phật pháp, thế nhưng trong thành phần của Tăng không phải ai cũng có mục đích xuất gia chân chính, ai cũng thông hiểu và có kinh nghiệm tu tập, do vậy người đệ tử phải giữ vững lập trường xuất gia của mình, biết quan sát so sánh và lựa chọn vị thầy nào phù hợp với mục đích xuất gia tu học của mình, nếu như vị thầy ấy, nơi mà mình nương thân, không đáp ứng nhu cầu xuất gia hay qui y của người Phật tử thì đức Phật khuyên chúng ta, nên lập tức rời bỏ vị thầy ấy, nơi ấy ra đi, dù nơi ấy có cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất, vì không phù hợp mục đích xuất gia tu học của mình. Ngược lại, nơi nào, thầy nào giúp người đệ tử hiểu được Phật pháp, càng ngày càng thăng tiến đạo nghiệp, các lậu hoặc chưa sinh không sinh, đã sinh liền diệt; các thiện pháp chưa sinh liền sinh, đã sinh liền tăng trưởng. Đây là nơi , là vị thầy đáng cho người đệ tử nương cậy, cho dù nơi đó, cuộc sống vật chất có thiếu thốn, cũng phải bám vào đó để học tập Phật pháp.

Tăng là một trong 3 ngôi báu, có nhiệm vụ hoằng dương Phật pháp, giới thiệu Phật pháp đến mọi người, cũng là nơi nương tựa cho người sơ cơ học đạo, nhưng Tăng không phải là nơi nương tựa an ổn, vì thành phần của Tăng cũng có người giới đức khiếm khuyết, lại không am tường Phật pháp, do vậy nơi nương tựa an ổn nhất là Pháp, tức là kinh , luật và luận, lấy kinh luật luận làm tiêu chuẩn cho sự hiểu biết Phật pháp. Đây chính là ý nghĩa câu ‘y pháp bấy y nhân’

Thủ Thiêm ngày 24 tháng 11 năm 2007

SÁCH THAM KHẢO

- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, năm. 1992.

- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành, năm. 2000.

- HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, 4,5, Viện NCPHVN ấn hành, năm 1993.

- Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm” trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”, tập 5,6.

- Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”, tập 3.

- Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trường A hàm” trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”, tập 1 và 2..


[1]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng” tập 5, Viện NCPHVN ấn hành năm 1993, trang 386.

[2]Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm” Kinh số 490: “Nói là Niết-bàn; thế nào là Niết-bàn? Tôn giả Xá-lợi-phất đáp: “Niết-bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục; sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết-bàn.”. (“Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh“ tập 6, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 88.).

[3]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng” tập 4, Viện NCPHVN ấn hành 1993, trang 229.

[4]Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm” Kinh số: 347 (“Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh“ tập 5, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 1014~1021.).

[5]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành năm 1993, trang 448~449.

[6]Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trường A hàm” trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”, tập 1, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 120.

[7]Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” ‘Kinh Chuyển Luân Vương’ trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”, tập 3, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 509.

[8]Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trường A hàm” trong “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”, tập 1, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, trang 84~85).

[9]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, ‘Kinh Thừa Tự Pháp’ Viện NCPHVN ấn hành năm 1992 trang 31~39.

[10]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, năm 1992, trang 239~246. Tương đương ‘Kinh Lâm’ trong “Kinh Trung A hàm”.

[11]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, ‘Kinh Ba Minh’, Viện NCPHVN ấn hành năm 2000, trang 409.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567