Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luật Tạng Trong Tổ Chức Tăng Đoàn

19/06/201022:06(Xem: 4633)
Luật Tạng Trong Tổ Chức Tăng Đoàn
tangdoan_3LUẬT TẠNG
TRONG TỔ CHỨC TĂNG ĐOÀN NGÀY NAY TẠI VIỆT NAM

Thích Minh Chuyển

I. Luật tạng trong tổ chức tăng đoàn.

Định nghĩa về tăng, Thiền sư Nhất Hạnh viết:

“Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời.”

Tăng đoàn (Sangha) là những người nguyện sống với đời sống hoà hợp, để hổ trợ cho nhau thực hiện đời sống Giải thoát và Giác ngộ. Chính bằng đời sống như vậy, họ có thể trở thành những mảnh đất trù phú (phước điền) để cho mọi người đến gieo trồng hạt giống phước đức và làm nền tảng cho đời sống chánh hạnh, tiến bộ tâm linh. Năm anh em Kiều Trần Như là đoàn thể tăng đầu tiên. Sau này trên đà phát triển của Phật giáo, Tăng đoàn mở rộng không những một trú xứ mà lan khắp Ấn độ. Các tỷ kheo lớn không còn ở gần bên Đức Thế tôn mà đi giáo hoá khắp nơi do đó những quy định trong Tăng cũng có nhiều thay đổi. Luật tạng ra đời và quy định đối với tổ chức Tăng đoàn tối thiểu là bốn vị đã thọ tỷ kheo hoặc tỷ kheo ni giới trở lên và cùng sinh hoạt với nhau trong một mục đích là Giải thoát và Giác ngộ. Và cũng từ đây Luật tạng quy định các chúng của Tăng được phân loại như sau:

a. Phân loại theo túc số.

- Tăng gồm bốn vị: Đây là túc số tối thiểu. Dưới bốn vị không thể gọi là tăng hoặc ba vị tỷ kheo và một sa di cũng không thể gọi là tăng, mà phải là bốn tỷ kheo trở lên. Với túc số này Tăng có thể làm tác pháp Yết ma đơn bạch cho những sinh hoạt thông thường trừ Tự tứ, truyền Cụ túc giới, xuất tội Tăng tàn. Còn lại các Yết ma khác đều được tác pháp với túc số bốn người này.
- Tăng gồm năm vị:Đây là túc số Tăng tác pháp Yết ma truyền Cụ túc giới ở biên cương trong đó có một vị trì Luật. Vì số tỷ kheo ở đó không đủ mười vị. Với túc số này các pháp Yết ma đều làm được chỉ trừ việc truyền giới Cụ túc ở đô thị và xuất tội Tăng tàn.
- Tăng gồm mười vị: Đây là túc số Tăng sung mãn tối cần thiết để xuất tội tăng tàn và có thể thực hiện bất cứ Tăng sự nào.

b. Phân loại theo giới tính.

Do sự khác về tính phái nên Tăng già được chia làm hai bộ:
- Tỷ kheo tăng.
- Tỷ kheo ni tăng (Trung quốc gọi là Á Tăng).

c. Phân loại trú xứ:

Phân loại chung theo trú xứ thì có hai hạng Tăng:
- Chiêu đề Tăng là Tăng không ở định một chỗ mà đi giáo hoá khắp nơi, hình thức Chiêu đề Tăng này hoàn toàn không có tài sản, động sản và bất động sản.
- Thường trú Tăng là Tăng cố định một chỗ cùng chung sinh hoạt trong một trú xứ, cùng Yết ma An cư, Bố tát và Tự tứ.
Đây chính là cơ sở để có sự hình thành các bộ phái khác nhau và sự xuất hiện Luật tạng có phần khác nhau. Tăng đoàn là một cộng đồng Tăng lữ sinh động. Vì lẽ đó mà Luật tạng quy định về sinh hoạt của Tăng như sau:

1. Bố Tát:

Tiếng Pali là Uposatha (Phạn ngữ, Posadha). Hán phiên âm là Bố tát và dịch là Trưởng dưỡng, hoặc Trưởng thịnh: nghĩa là nuôi lớn các thiện căn, khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh.
Ngày Tăng Bố tát là ngày mà tất cả các vị tỷ kheo cùng sống trong một cương giới, phải tập trung tại giới trường để tác pháp Yết ma thuyết giới và đọc lại giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa (Pali, Pātimokkha). Nên nội dung của Bố tát chính là sự thuyết giới, nghĩa là đúng nửa tháng chúng tỷ kheo cùng tập họp nhau lại trong cùng một cương giới hoà hợp và thanh tịnh để tụng đọc Ba La Đề Mộc Xoa, trong đó gồm cả năm thiên và bảy tụ của giới.

Khi Đức Phật còn tại thế chúng Tăng thời đó thường tụng giới bổn đuợc thâu tóm qua bảy bài kệ của bảy Đức Phật, đầu tiên là Đức Phật Tỳ Bà Thi:

Nhẫn khổ hạnh bậc nhất
Niết bàn đạo tối thượng
Xuất gia não hại người
Bất danh vi Sa môn”

Tạm dịch:

Nhẫn, khổ hạnh bậc nhất
Vắng lặng đạo thù thắng
Xuất gia làm hại người
Không xứng gọi Sa môn.

Mỗi nửa tháng định kỳ ngày Bố tát của Tăng, đó là biểu hiện nguyên tắc hoà hợp của Tăng, đồng thời là điều kiện tốt nhất để các tỷ kheo sách tấn nhau tu học.

Bất cứ trú xứ nào mà Tăng nửa tháng nhóm họp để tụng đọc giới bổn thì trú xứ ấy được xem như là Phật giáo hưng vượng. Đức Phật có mặt ngay trong hiện tại. Và nếu trú xứ nào mà Tăng nửa tháng không nhóm họp để Bố tát thì trú xứ ấy Tăng đoàn xem như chưa có sự hoà hợp.

Bởi vậy, Bố tát là mạng mạch của Tăng, nên không có chúng tỷ kheo nào được gọi là Tăng mà không thực hành Bố tát, ngoại trừ những kẻ lạm dụng Tăng để phá hoại Chánh Pháp. Chỉ có ngoại đạo, kẻ tà kiến mới làm như vậy. Vì tính chất nghiêm trọng của Bố tát là như vậy nên nó không thể không có trong sự sinh hoạt của Tăng.

2. An cư.

Đức Phật quy định cho Tăng đoàn an cư vì những lý do sau:
- Để không dẫm đạp lên côn trùng trong mùa mưa (Ấn độ).
- Nhằm trau dồi và nuôi lớn pháp Tam Vô Lậu Học, để có thể xứng đáng là ‘Chúng trung tôn’, bậc trí đức hoàn toàn.
- Nhằm biểu lộ tinh thần hoà hợp, thanh tịnh, và đồng bộ của Tăng. Chỉ khi nào Tăng biểu lộ tính chất ấy, thì Chánh Pháp do Tăng tuyên dương đạt nhiều kết quả cao thượng.
- Nhằm củng cố niềm tin cho hàng Phật tử tại gia đối với ngôi vị ‘thế gian tam bảo’.
Bất cứ trú xứ nào các tỷ kheo cùng nhau tu tập, cùng nhau hoà hợp an cư, sống bằng đời sống hoà hợp và thanh tịnh thì xứ sở ấy xem như Phật – Pháp – Tăng có mặt đúng ý nghĩa, làm chứng cứ cho chư thiên và loài người gieo trồng phước đức đối với Chánh Pháp.

Kỳ hạn an cư của Tăng ngày nay không nhất định, vì tuỳ theo từng khí hậu thời tiết, và lịch biểu của từng vùng.
Tăng đoàn của các nước Phật giáo Nam phương như: Tích lan, Miến điện, Thái lan, Lào vv… họ an cư bắt đầu từ 16 tháng 6 theo lịch Trung quốc, và giải hạ vào ngày 15 tháng 9 theo lịch Trung quốc.

Tăng đoàn của các nước Phật giáo Bắc phương như: Trung quốc, Nhật bản, Triều tiên, Đài loan, Việt Namvv… họ an cư bắt đầu từ 16 tháng 4 theo lịch Trung quốc. Chúng tăng phương Bắc, an cư vào thời gian trên là do dựa vào kinh Vu lan. Theo kinh này thì ngày rằm tháng 7 là ngày Tự tứ của mười phuơng Tăng, ngày Phật hoan hỷ. Do đó giải hạ Tăng đoàn ở phương Bắc giải hạ vào ngày 15 tháng 7 theo lịch Trung quốc.

2. Tự tứ.

Sau ba tháng chúng Tăng kiết hạ an cư để trau dồI trí đức và trí tuệ, đến ngày trăng tròn tháng 7 (lịch Trung quốc) là ngày hành pháp Tự tứ của Tăng.

Tự tứ tiếng Phạn là Pravārana, dịch là Thỉnh thỉnh, hoặc Tuỳ ý: nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ điểm những lỗi lầm của bản thân.

Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, bấy giờ sau mùa an cư, Ngài cùng với 500 tỷ kheo, nhân ngày trăng tròn Tự tứ, Đức Thế Tôn liền bảo rằng:
“Này các tỷ kheo, quý vị có điều gì chỉ trích Như Lai về thân hay về ngữ không?Nay đúng lúc mời quý vị hãy nói.”
Được nghe như vậy tôn giả Xá Lợi Phất đứng dậy vái chào và bạch:
“Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Đức Thế Tôn về thân và về ngữ.”

Sau đó Xá Lợi Phất cũng thỉnh cầu Đức Thế Tôn chỉ lỗi về thân và ngữ. Nhân đây mà có ngày Tự tứ các Luật tạng đều ghi nhận.

Sự chỉ lỗi lầm phải được căn cứ trên ba trường hợp: do được thấy, được nghe và được nghi. Mà phải là vị trưởng lão tỷ kheo mới được làm việc này.

Mục đích của việc Tự tứ cũng gần giống như việc thuyết giới, đó là sự biểu hiện thanh tịnh hoà hợp của Tăng. Nhưng Tự tứ quan trọng hơn việc thuyết giới ở chỗ là mở ra một giai đoạn mới trong đời sống đạo hạnh của thầy tỷ kheo. Đó là ngày Phật hoan hỷ, ngày chúng tỷ kheo thanh tịnh thọ nhận thêm một tuổi đạo (Thọ tuế). Cũng có khi gọi là giải đảo huyền tức là mở sợi dây treo ngược và sợi dây treo xuôi, cũng có khi gọi là ngày xá tội vong nhân vì nhân ngày này mà hết thảy tội nhân đang mắc vòng khổ luỵ trong địa ngục liền được giải thoát.

Vậy ngày Tự tứ của Tăng là ngày các tỷ kheo tự kiểm điểm lại sự tu tập của mình trong ba tháng qua bằng cách tự nói lên lỗi lầm của mình trước một vị Trưởng lão tỷ kheo hoặc mong những vị tỷ kheo khác chỉ điểm những lỗi lầm của chính mình mà chính bản thân quên lảng không nhận ra. Tuy nhiên không phải tỷ kheo nào cũng được chỉ điểm sai lầm của các tỷ kheo khác, mà phải do Tăng đề cử và biểu quyết chọn vị Trưởng lão tỷ kheo hoặc một vị, hoặc hai và ba vị. Vị Trưởng lão tỷ kheo do Tăng đề cử gọi là Tự tứ nhơn phải hội đủ năm yếu tố (Ngũ đức sư):

- Bất ái: không thiên ái, không vì tình cảm riêng tư.
- Bất nhuế: không sân hận, không trả thù, phải với tâm bình thản.
- Bất bố: không khiếp đảm sợ hãi.
- Bất si: không si mê, khi chỉ trích ai đó, phải biết rõ tội danh, tội chủng trong ‘Ngũ thiên thất tụ’.
- Tri vị Tự tứ dĩ Tự tứ: biết rõ đúng lúc hay không đúng lúc để tiến hành tác pháp Tự tứ và biết rõ tỷ kheo nào đã Tự tứ, tỷ kheo nào chưa Tự tứ.

Khi vị tỷ kheo được Tăng sai Tự tứ đến (Tự tứ nhơn sai) các vị tỷ kheo (ba vị) tuần tự cầu thỉnh như sau:

Bạch Đại đức dũ lòng lắng nghe. Hôm nay, là ngày chúng Tăng Tự tứ, con là tỷ kheo, tên (…) cũng xin Tự tứ. Nếu Đại đức thấy, nghe và nghi con có tội, xin nguyện Đại đức thương tưởng nói cho con. Con thấy có tội, sẽ như pháp thành tâm sám hối.”

Tỷ kheo cầu thỉnh nói như vậy ba lần. Vị tỷ kheo Tăng sai Tự tứ sẽ theo đó mà chỉ lỗi hoặc không có lỗi thì nói là tốt.
Hành pháp Tự tứ xong, các tỷ kheo được xác định thêm một tuổi hạ, đó là tuổi của Giới đức, của Tuệ học. Hàng xuất gia luôn lấy Giới đức và Tuệ học làm tuổi, chứ không tính tuổi theo năm tháng của thế tục. Hễ tỷ kheo nào không An cư, không Tự tứ, hoặc có An cư mà không Tự tứ hoặc có Tự tứ mà không An cư thì cũng xem như là không có tuổi đạo.

Do đó vấn đề An cư, Tự tứ là một trong những sinh hoạt then chốt của Tăng đoàn, nhằm biểu hiện tinh thần hoà hợp của Tăng.

Ngày nay tinh thần An cư, Bố tát, và Tự tứ vẫn còn đó nhưng vấn đề áp dụng đã có phần xao lảng và không còn được chặc chẽ như ngày trước nữa, rảI rác một vài tu viện có duy trì một cách tương đối nghiêm túc nhưng cũng chỉ như con én giữa mùa xuân, như một ngọn đèn trước gió le lói không đủ thắp sáng giữa đêm tối mịt mùng. Phần lớn các chùa còn lại hầu như rất xem thường hoặc chỉ qua loa lấy lệ kẻo “ôn mệ bắt”, hoặc sợ tín đồ chê trách, hoặc để mà mắt công chúng mà thôi. Có không ít tỷ kheo một năm đến giới trường không quá hai lần, có vị ba tháng hạ an cư nhưng ở trong chùa không quá một phần ba. Suốt ngày đi rong ngoài đường không vì phóng tâm thì cũng vì tín nguỡng. Còn có vị phát biểu thế này: “miễn sao trưa về kịp Quá đường là được.” Chúng ta ai là người có lương tâm nghe như vậy có được không? An cư đâu phải chỉ để Quá đường, đưa bát lên hạ bát xuống là đủ. An cư tức là chúng Tăng sống yên ổn một chỗ hoà hợp và thanh tịnh để cùng nhau tu học trau dồi Giới đức, Định học và Tuệ học sau chín tháng đi hoằng pháp độ sinh. Ý nghĩa An cư là như thế chứ sao gọi là: miễn sao về kịp Quá đường là được. Vậy kính mong các vị lãnh đạo, các nhà giáo dục Tăng, các ngài Trú trì cần xem xét lại việc An cư, Bố tát và Tự tứ như vậy đã đúng chưa.

Ngoài những hình thức sinh hoạt của Tăng có tính thường niên nêu trên, đời sống của Tăng còn có một yếu tố quan trọng khác mà chúng ta không thể không biết tới. Đó là các tác pháp Yết ma trong công tác hằng ngày của chúng Tăng. Hơn thế nữa là việc tuyển trạch Tăng, tức là vấn đề chọn lựa thành viên Tăng, đưa từ địa vị Sa di lên địa vị Tỷ kheo để được dựa vào hàng ngũ Tam bảo – Chúng trung tôn.

Khi Đức Thế Tôn còn tại thế ngài chỉ gọi “Thiện lai tỷ kheo” (Hãy đến nơi hạnh phúc hỡi tỷ kheo) liền khi ấy giới thể vô biểu thành tựu, đầy đủ oai nghi thân tướng tỷ kheo. Chỉ có Thế Tôn mới được gọi như thế, các vị khác không thể có trường hợp này. Sau khi Thế Tôn diệt độ Tăng đoàn y theo Pháp, Luật để hành trì thì việc xét tuyển Tăng, truyền Cụ túc giới phải được tiến hành bởi Tam sư Thất chứng (Hội đồng Thập sư) và phải qua bạch tứ Yết ma thì giới tử mới đắc giới thể vô biểu, hoặc Hội đồng Ngũ sư ở biên cương mà trong đó phải có một vị trì Luật giỏi.

Trải qua các thời đại từ Tây Trúc qua Đông Độ và cho đến Việt Nam, lịch đại Tổ sư đều nhất luật như thế. Đây là việc làm truyền thống có tính kế thừa của Luật tạng. Do vậy, việc xét tuyển Tăng là việc làm của Luật tạng, của thầy trò và của Tăng đoàn mà hoàn toàn không liên can gì đến chính quyền sở tại hay chính quyền trung ương. Khi một vị tập sự xuất gia, sau khi được thầy Bổn sư thế độ cho phép thọ Sa di giới để thực tập Giới, thực tập Thiền định, thực tập Trí tuệ. Khi thấy được sự thuần thục của đệ tử, Bổn sư thế độ muốn đưa đệ tử lên địa vị cao dự vào hàng Tăng Bảo để tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền của Thầy Tổ. Do đó Bổn sư dắt đệ tử đi cầu thỉnh Tam sư - Thất chứng đăng đàn truyền trao Cụ túc giới (truyền giới phương trượng) hoặc chỉ thầy truyền trò Y Bát trong đêm khuya mà không cần bày hình thức:

Thiếu Thất đình tiền thiên trượng bạch vân hàn lập tuyết
Hoàng Mai lâm lý nhất luân minh nguyệt dạ truyền y.”

Tạm dịch:

Trước động Thiếu Thất trải bao ngày tháng đứng trong tuyết lạnh
Đến làng Hoàng Maimột đêm trăng tròn sáng tỏ thầy truyền y.

Tổ đã làm như vậy, ngày nay Tăng già học luật cũng làm như vậy, đang làm và sẽ làm như vậy. Đó là người học Luật, học lời Tổ một cách thông minh có ý thức. Nhờ tâm thương tưởng của thầy, của Thập sư và tương ưng với tâm tha thiết khất cầu của giới tử mà cảm động đến chư Phật, các vị Bồ tát, liệt vị Thánh Tăng. Mười phương Tam thế chư Phật hoan hỷ mỉm cười và ngay lần tác pháp Yết ma lần thứ ba kết thúc thì giới thể vô biểu thành tựu trên toàn thân giới tử. Từ đây, vị đó được gọi là tỷ kheo như pháp thành tựu, được dự vào hàng ngũ Tăng Bảo cùng Tăng An cư, Bố tát và Tự tứ, và cùng chung lo tất cả 1mọi Phật sự của Tăng đoàn.

Thích Minh Chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]