Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 06. Kinh Lăng Già giải nghĩa

28/11/201820:40(Xem: 4978)
Bài 06. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

4). ĐÁP THỨ TƯ:

SỰ HIỆN HỮU DO PHÂN BIỆT:

 

11. Tâm lượng (1) chẳng hiện hữu,

Chư Địa (2) chẳng đến nhau.

Biến hiện thọ, vô thọ (3),

Y phương (4) và công xảo (5),

12. Nội ngoại trong Ngũ Minh (6),

Đại địa, núi Tu Di,

Biển cả, nhựt, nguyệt, tinh,

Chúng sanh thượng, trung, hạ,

13. Quốc độ (7) và sắc thân (8),

Mỗi mỗi bao vi trần,

Thước tấc và số dặm,

Số ngắn đến số dài.

14. Nói chung những câu hỏi,

Danh từ các số lượng,

Diễn tả sự hiện hữu,

Không gian và thời gian,

 

GIẢI NGHĨA:

- Bốn câu kệ thứ 11:

11. Tâm lượng (1) chẳng hiện hữu,

Chư Địa (2) chẳng đến nhau.

Biến hiện thọ, vô thọ (3),

Y phương (4) và công xảo (5),

 

(1) Tâm lượng: Tâm đo lường, tâm so đo phân biệt nọ kia.

(2) Chư Địa: Gọi là Chư Tâm Địa, là chỉ cho Giới (s: śīla, p: sīla). Giới lấy tâm làm gốc, giống như thế gian lấy đại địa làm cơ sở; nên mới gọi Giới là Tâm Địa (đất tâm); vì vậy có Pháp Môn Tâm Địa, tức là pháp môn chuyên hành trì Giới Luật tinh nghiêm.

(3) Thọ, vô thọ: Thọ là thụ, là nhận lấy, dung nạp; vô thọ là không dung nhận.

(4) Y phương: Gọi là Y Phương Minh từ s: cikitsāvidyā là y học, dược học.

(5) Công xảo: Gọi là Công Xảo Minh từ s: śilavidyā là nghiên cứu công nghệ, nghệ thuật, kĩ thuật, khoa học.

 

     Bốn câu kệ thứ 11 đại ý nói nếu tâm so đo này nọ không thấy, tức là nếu không có tâm phân biệt thì đâu cần giữ giới (chư địa) nữa, sự dung nhận chỉ là sự biến hiện do cảm thọ; tất cả đều như ảo huyển, kể cả các ngành y khoa, kỹ thuật và khoa học cũng vậy.

 

- Bốn câu kệ thứ 12:

12. Nội ngoại trong Ngũ Minh (6),

Đại địa, núi Tu Di,

Biển cả, nhựt, nguyệt, tinh,

Chúng sanh thượng, trung, hạ,

(6) Ngũ Minh: Ngũ Minh từ S: pañcavidyā: Là năm ngành học nhằm trau dồi trí tuệ nhận thức bao gồm:

1. Y Phương Minh là chữa trị bệnh tật.

2. Công Xảo Minh là công kỹ mỹ nghệ và khoa học.

3. Nhân Minh (s: hetuvidyā): là cách Luận lí của Đạo Phật.

4. Thanh Minh (s: śabdavidyā): là học hỏi về ngôn ngữ văn phạm, là Ngôn Ngữ Học, Ngoại Ngữ Học.

5. Nội Minh (s: adhyātmavidyā): là nghiên cứu kinh điển Phật Giáo, tìm hiểu ý nghĩa của kinh sách thuộc nội điển.

     Ngũ Minh cũng chia ra Nội Minh và Ngoại Minh như sau: Nội Minh và Nhân Minh là Nội Ngũ Minh; còn Thanh Minh, Y Phương Minh, Công Xảo Minh là Ngoại Ngũ Minh.

     Bốn câu kệ thứ 12 đại ý nói kể cả trong ngoài (nội ngoại) của Năm Minh, trái đất (đại địa), núi Tu Di, biển cả, mặt trời, mặt trăng và các sao, chúng sinh trên trời, giữa không trung, trên đất hay dưới đất cũng vậy, nghĩa là mọi sự vật đều do tâm so đo phân biệt mà hiện hữu; nếu tâm địa chẳng thấy, chẳng dung nhận thì chỉ là sự biến hiện như ảo huyển thôi.

- Bốn câu kệ thứ 13 và 14:

13. Quốc độ (7) và sắc thân (8),

Mỗi mỗi bao vi trần,

Thước tấc và số dặm,

Số ngắn đến số dài.

14. Nói chung những câu hỏi,

Danh từ các số lượng,

Diễn tả sự hiện hữu,

Không gian và thời gian,

 

(7) Quốc độ: Quốc độ từ chữ Phạn: Kwetra. Gọi tắt: Sát. Hán dịch: Độ, Sát độ. Chỉ cho đất đai, lãnh thổ hoặc chỗ ở của chúng sinh; Quốc độ có Tịnh độ và Uế độ khác nhau.

(8) Sắc thân: Sắc thân từ chữ Phạn Sanskrit và Pàli: Rùpa-kàya. Đối lại là Pháp thân, Trí thân; Sắc thân là thân thể vật chất, thể chất, thân tướng của Đức Phật biểu hiện trong thế gian nầy, có đầy đủ 32 tướng tốt.

 

     Bốn câu kệ thứ 13 đại ý tiếp nối bốn câu kệ thứ mười hai rằng tâm so đo từ hết thảy các đất nước trong cõi Sa Bà này cho đến tất cả thân xác chúng sinh. Mỗi thứ thân phân chia ra có bao nhiêu vi trần phân tử nguyên tử, phân chia ra bao nhiêu dặm cây số, thước tấc phân li v.v… chia ra bao nhiêu số dài ngắn khác nhau đều do tâm dính mắc phân biệt mà ra cả.

     Bốn câu kệ thứ 14 đại ý nói: Tất cả những danh từ tên gọi cùng số lượng chỉ để diễn tả sự hiện hữu của không gian vũ trụ vạn vật và thời gian xưa nay mà thôi.

 

5). ĐÁP THỨ NĂM:

BỎ CHẤP SẼ GIẢI THOÁT:

 

15. Nên hỏi những việc này,

Đâu cần hỏi việc khác.

Thanh Văn và Duyên Giác,

Bồ Tát cho đến Phật (1)

16. Mỗi thân bao nhiêu trần (2

Số lượng của tứ đại (3

Thân ngũ uẩn (4) của người,

Vua chúa trên thế gian,

17. Cho đến Chuyển Luân Vương (5)

Đều ham giữ của cải,

Làm sao được giải thoát (6)

Nghĩa hẹp và nghĩa rộng,

18. Như chỗ hỏi của ông,

Việc Phật tử nên hỏi,

Muốn mỗi mỗi tương ưng,

Phải xa lìa kiến chấp (7),

19. Cùng các pháp ngoại đạo,

Thành tựu lìa ngôn thuyết (8),

Nay ta sẽ khai thị,

Kỹ càng từng lớp một,

 

GIẢI NGHĨA:

 

- Bốn câu kệ thứ 15:

15. Nên hỏi những việc này,

Đâu cần hỏi việc khác.

Thanh Văn và Duyên Giác,

Bồ Tát cho đến Phật (1)

 

(1) Phật: Là Giác, Giác ngộ, từ chữ Phạn bodhi, Bồ-đề, tỉnh thức, chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người bỗng nhiên trực nhận tính Không (s: śūnyatā), bản thân nó là Không cũng như toàn thể vũ trụ cũng là Không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được thể tính mọi hiện tượng; tính Không ở đây không phải sự trống rỗng thông thường mà nói về một thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ cảm nhận để đo lường, nằm ngoài cặp đối đãi Có-Không. Tính Không này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc về nó; vì vậy giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giải bày. Người giác ngộ hoàn toàn là Đức Phật lịch sử Thích-Ca Mâu-Ni, cũng là người bắt đầu giáo hoá, cho nên đạo Phật cũng được gọi là “đạo giác ngộ” (Đại ngộ triệt để).

 

     Bốn câu kệ thứ 15 của đáp thứ 5 này tiếp nối các câu kệ của đáp thứ 4 trên rằng nên thắc mắc hỏi những việc như trên là tất cả những danh từ tên gọi cùng số lượng chỉ để diễn tả sự hiện hữu của không gian vũ trụ và thời gian xưa nay, mà không cần hỏi các việc khác. Từ Thanh Văn đến Duyên Giác và từ Bồ Tát cho đến bậc Giác ngộ “Phật” cũng vậy.

 

- Bốn câu kệ thứ 16:

16. Mỗi thân bao nhiêu trần (2

Số lượng của tứ đại (3

Thân ngũ uẩn (4) của người,

Vua chúa trên thế gian,

 

(2) Trần: Là bụi, hạt bụi, phân tử, nguyên tử, vi trần, là đơn vị vật chất cực nhỏ.

3) Tứ đại: Sắc thân của muôn vật sinh ra được cấu tạo bởi 4 thành phần là Đất cứng, Nước ướt, Gió luân chuyển và Lửa ấm, nên gọi là Tứ Đại.

(4) Thân ngũ uẩn: Thân con người gồm có Năm Uẩn là Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức, tức là gồm có Thân và Tâm; Thân là Sắc gồm Tứ Đại “Đất, Nước, Gió, Lửa”; Tâm gồm có “Thụ (cảm giác), Tưởng (nhớ tưởng), Hành (suy nghĩ, hành động) và Thức (so sánh, phân biệt)” .

 

     Bốn câu kệ thứ 16, đại ý nói mỗi thân của mỗi loại đều chứa biết bao nhiêu hạt bụi, bao nhiêu cảm giác, tưởng nhớ, suy nghĩ hành động, so sánh phân biệt (ngũ uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức), kể cả thân các Vua Chúa cũng vậy.

 

- Bốn câu kệ thứ 17:

17. Cho đến Chuyển Luân Vương (5)

Đều ham giữ của cải,

Làm sao được giải thoát (6)

Nghĩa hẹp và nghĩa rộng,

 

(5) Chuyển Luân Vương: Chuyển Luân Vương từ chữ Sanskrit: cakravartin, cakravartī-rāja; là một vị vua quay bánh xe. Có bốn thứ bánh xe: bánh xe bằng vàng, bạc, đồng, sắt, vị vua có phúc đức và sức mạnh khuất phục được tất cả các vua khác. Cũng gọi là Chuyển Luân Thánh Vương, vì khi vị vua này ra đời thì tự nhiên xuất hiện bảy báu là: Xe báu, Ngựa xanh báu, Voi trắng báu, Thần châu báu, Cư sĩ báu, Chủ binh báu, Ngọc nữ báu, để vua sử dụng, giúp vua chinh phạt mọi nơi trong thiên hạ. Chuyển Luân Vương dùng chính pháp cai trị dân, dùng 10 điều thiện giáo hóa dân; danh hiệu Chuyển Luân Vương cũng được dành để chỉ một vị Phật, người chuyển pháp luân với giáo pháp toàn triệt, tuyệt đối.

(6) Giải thoát: Giải thoát từ chữ Phạn Sanskrit: vimokṣa và Pali: vimokkha; Giải thoát là thoát khỏi luân hồi sinh tử, không có một chút nào ràng buộc dính mắc, được tự do hoàn toàn. (Xin xem chi tiết nơi Kệ Phật Đáp, Đáp thứ 2, giải thích 2).

     Bốn câu kệ thứ 17 tiếp nối, từ Vua Chúa và thế gian cho tới Chuyển Luân Vương, đều ham giữ của cải thì không thể được giải thoát thành Phật theo nghĩa từ hẹp đến rộng.

- Bốn câu kệ thứ 18:

18. Như chỗ hỏi của ông,

Việc Phật tử nên hỏi,

Muốn mỗi mỗi tương ưng,

Phải xa lìa kiến chấp (7),

 

(7) Kiến chấp: Chấp chặt cái thấy biết; chỉ những quan điểm sai lầm, cố chấp và vướng mắc vào chỗ thấy biết hiện có của mình và không chấp nhận mọi quan điểm khác. Do kiến chấp mà người ta không thể nhận biết Chính pháp;năm kiến chấp hay Ngũ ác kiến, là những nhận thức sai lầm thường gặp ở kẻ phàm phu, gồm có:

1. Ngã Kiến gọi là thân kiến, là chấp cái ta, là nhận thức sai lầm cho rằng có một bản ngã riêng biệt tồn tại trong thực tại làm chủ sở hữu các đối tượng trong vũ trụ.

2. Biên Kiến là nhận thức sai lầm thiên lệch chấp một bên, như chấp rằng đời sống là thường tồn (thường kiến), hoặc chấp rằng đời sống không tồn tại sau khi chết (đoạn kiến).

3. Tà Kiến là nhận thức sai lầm về sự vật, như không có kiến giải chân chính về mối tương quan luân hồi nhân quả, nhân duyên v.v...

4. Kiến Thủ Kiến là chấp giữ 3 thứ Ngã Kiến, Biên Kiến và Tà Kiến.

5. Giới Cấm Thủ Kiến, là thực hành theo Kiến Thủ Kiến, vì thế chắc chắn dẫn đến sai lầm.

 

     Bốn câu kệ thứ 18 đại ý nói: Như chỗ hỏi của Bồ Tát Đại Huệ mà Phật tử nên hỏi thì mỗi sự việc muốn được tương ưng, nghĩa là muốn đối với nhau được tương xứng thì phải xa lià rời bỏ những nhận thức sai lầm và chấm dứt mọi hành động do “kiến chấp” thúc đẩy.

 

- Bốn câu kệ thứ 19:

19. Cùng các pháp ngoại đạo,

Thành tựu lìa ngôn thuyết (8),

Nay ta sẽ khai thị,

Kỹ càng từng lớp một,

 

(8) Ngôn thuyết: Lời nói thuyết giảng nói năng, bàn luận, diễn thuyết, giải thích bằng ngôn từ. Ngôn thuyết có nhiều loại khác nhau, theo Đại Trí Độ Luận quyển 1 có nêu ra 3 loại, gồm: Tà Kiến, Mạn và Danh Tự; trong đó, hai loại đầu thuộc về bất tịnh, loại thứ ba là tịnh. Hơn nữa, Thích Ma Ha Diễn Luận quyển 2 lại nêu lên 5 loại khác như: Tướng Ngôn Thuyết, Mộng Ngôn Thuyết, Vọng Chấp Ngôn Thuyết, Vô Thỉ Ngôn Thuyết và Như Nghĩa Ngôn Thuyết; trong đó, bốn loại đầu thuộc về thuyết hư vọng, loại cuối cùng là thuyết như thật

     Bốn câu kệ thứ 19, đại ý Đức Phật nói: Kể cả các pháp của ngoại đạo, muốn xong việc (thành tựu) phải lià nói năng (ngôn thuyết); nay Ngài chỉ lấy chân tâm để mở mang trí tuệ cho tất cả theo thứ lớp, vậy mọi người hãy chú tâm nghe và ghi nhớ.

108 CÂU NHỊ KIẾN:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]