Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 01. Kinh Lăng Già giải nghĩa

25/10/201806:57(Xem: 7338)
Bài 01. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

 duc-phat-44

LỜI DẪN

 

     Chúng tôi nhận thấy bản dịch Kinh Lăng Già của Hòa Thượng Thích Duy Lực rất công phu, vì có sự lựa chọn so sánh giữa các bản dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Bản dịch này tương đối ngắn gọn lại đầy đủ chi tiết so với các bản dịch khác, nên chúng tôi đã chọn bản dịch này để giải thích ý nghĩa lời Phật dạy.

     Theo Phật giáo sử Thiền Tông, năm 528 Dương Lịch, Tổ thứ 28 là Bồ-Đề Đạt-Ma (470-543) từ Ấn-Độ qua Trung-Hoa, sau 9 năm ngồi quay mặt vào vách Thiền định chờ cơ duyên ở Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn. Ngài có trao truyền cho ngài Huệ-Khả (487-593) 4 quyển Kinh Lăng Già, áo Ca Sa và nói pháp rằng: “Kinh này là tâm địa pháp môn của Đức Như Lai, vậy ông phải hộ trì để sau này hoằng hóa”. 

     Vì sự quan trọng của Kinh Lăng Già như thế, nên chúng tôi không quản ngại tuổi cao sức yếu để tra cứu tìm hiểu, giải thích nghĩa lý của Kinh. Trước hết là để thấu triệt những điều Phật dạy, sau nữa là cống hiến đến độc giả muốn tìm hiểu nghĩa lý của Kinh này để theo đó hành trì hầu mong đạt giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

     Kinh Lăng Già chú trọng đến Nhất Thừa, tức là Như Lai Thừa, gọi là Phật Thừa, Kinh có nhiều chi tiết vô cùng bổ ích để cho người Phật tử học hành. Lại có nhiều chỗ nghĩa lý cao siêu phức tạp, nên mặc dù chúng tôi cố gắng giải thích, nhưng còn thiếu sót, ước mong qúy Thiện Tri Thức hỉ xả và bổ túc cho, người viết chân thành đa tạ vô cùng.

Toàn Không Đỗ Đăng Tiến

QUYỂN THỨ NHẤT

Để dễ hiểu, chúng ta phân biệt dùng chữ nghiêng là lời kinh, chữ thẳng đứng để giải thích trong suốt kinh này, chúng ta cùng theo dõi sau đây:

TỰA KINH:

 

     Tôi nghe như thế này, một hôm Phật ở trên đỉnh núi Lăng Già tại bờ biển Nam, có đủ các thứ hoa báu trang nghiêm (1), khi ấy các Đại Tỳ Kheo (2), và chúng Đại Bồ Tát (3) từ các cõi Phật (4) đến, những Đại Bồ Tát ấy đều đủ sức tự tại (5), vô lượng chánh định (6), du hý thần thông (7).

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Trang nghiêm: Trang trọng và nghiêm túc.

 

(2) Đại Tỳ kheo: Là chỉ các bậc Tỳ kheo (Tăng) đã xuất gia từ trên hai ba mươi năm theo Phật, học và hành trì ngày đêm đầy đủ, gọi bằng chữ “đại” vì họ là những bậc Tỳ kheo lớn, đầy đủ phẩm cách, đức hạnh và trí huệ.

Tỳ kheo: Là tiếng Phạn, có ba ý: khất sĩ, bố ma, phá ác.

1. Khất sĩ: Người đi đến từng nhà để xin thức ăn, nhưng khất sĩ thì không phải là hạng ăn mày bình thường; khi Tỳ kheo khất thực, cho thức ăn ngon hay không, nhiều hay ít, đều nhận mà không quan tâm vui buồn. Trên đường đi khất thực trong yên lặng, và chỉ chú tâm trong việc hành trì như trì chú, tham thiền, quán sát v.v…. Vị Tỳ kheo luôn luôn giữ thái độ nghiêm chỉnh uy nghi theo đúng pháp, phàm thứ gì không đúng với lễ nghi thì mắt không nhìn, tai không nghe, miệng không nói, thân tâm không vọng động.

2. Bố ma: Tỳ kheo luôn luôn giữ vẻ đoan nghiêm nên Thiên ma trông thấy thì kinh hãi, các loại tà ma quỷ quái thì phải lánh xa; bởi chính bao giờ cũng thắng tà.

3. Phá ác: Người thường rất khó phá trừ các thói quen (tâp khí) xấu, còn các Tỳ kheo chân tu là những người chuyên trị việc phá trừ tập khí, chuyên sửa các lỗi lầm của mình, cải sửa điều ác thành điều thiện, do đó họ được gọi là phá ác.

 

(3) Bồ tát: Là chỉ một vị Thánh trong Phật giáo Bắc truyền, nói cho đủ thì đó là «Bồ-đề tát-đỏa», gọi là Bodhisattva, dịch nghĩa là «Giác hữu tình»; chữ hữu tình là chỉ chúng sinh. Bồ tát là người đã giác ngộ về “chỉ làm việc lành không làm việc ác, dứt tuyệt tham sân tà kiến”, nên trong hành động không còn sự vô minh; Bồ tát là một Thánh nhân trong bốn Pháp giới Thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật).

 

(4) Cõi Phật: Cõi Phật là một giải Ngân Hà (Galaxy), như cõi Sa Bà gồm giải Ngân Hà (Milky way), có nghìn tỷ mặt trời, mà các nhà Khoa học đã nói nhìn thấy 400 tỷ ngôi sao.

 

(5) Đủ sức tự tại: Tự tại là thoải mái tùy ý. Đủ sức tự tại là đủ sức tùy ý một cách thoải mái an nhiên, không bị hạn chế gò bó bởi bất cứ sự việc gì.

 

(6) Chính định: Thiền định chân chính.

 

(7) Du hý thần thông: Du hý là vui chơi, thần thông là biến hóa kỳ đặc; Du hý thần thông là biến hóa vui chơi.

 

       Mục Tựa Đề, Quyển 1, chúng ta thấy bắt đầu Kinh nói về sáu điều đáng tin như sau:

1. Điều thứ nhất là “Tôi nghe”, ở đây Tôn giả A Nan là Thị giả của Phật, là người trực tiếp nghe Phật nói và thuật lại thành văn.

2. Điều thứ hai “Như thế này” là lời Phật để mọi người tin.

3. Điều thứ ba là “Một hôm” để chỉ thời gian nói kinh.

4. Điều thứ tư là “Đức Phật” là vị chủ tọa thuyết pháp.

5. Điều thứ năm là “Trên đỉnh núi Lăng Già tại bờ biển Nam” là bờ biển Nam Ấn Độ Dương là địa điểm nơi giảng kinh, tại đó có đủ các thứ hoa báu trang nghiêm v.v…

6. Điều thứ sáu nói tới thành phần tham dự gồm các đại Tăng và các đại Bồ Tát từ các cõi Phật xa xôi tới.

 

TÁN THÁN PHẬT:

 

     Bồ Tát Đại Huệ là bậc thượng thủ (1), được tất cả Chư Phật đích thân làm phép quán đảnh (2), cảnh giới tự tâm hiện lượng (3) của Ngài đối với mọi chúng sanh, mọi tâm và sắc, vô lượng pháp môn, cho đến năm pháp (4) của tự tánh (5) và hai thứ Vô ngã (6) đều được từng loại phổ hiện (7), khéo giải nghĩa lý, thông đạt cứu cánh (8).

     Khi ấy, Bồ Tát Đại Huệ cùng Bồ Tát Ma Đế dạo khắp tất cả cõi Phật (9), và thừa oai thần của Phật từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, chắp tay quỳ gối, cung kính dùng kệ tán thán (10) rằng:

1. Thế gian lìa sanh diệt

Như hoa đốm trên không.

Trí chẳng trụ hữu vô,

Mà khởi tâm đại bi.

2. Tất cả pháp như huyển,

Xa lìa nơi tâm thức.

Trí chẳng trụ hữu vô,

Mà khởi tâm đại bi.

3. Xa lìa chấp đoạn thường,

Pháp thế gian như mộng.

Trí chẳng trụ hữu vô,

Mà khởi tâm đại bi.

4. Biết nhân pháp Vô ngã

Phiền não và Nhĩ diệm (11)

Thường trong sạch vô tướng,

Mà khởi tâm đại bi.

5. Niết bàn (12) chẳng thể lập,

Chẳng có Niết Bàn Phật,

Chẳng có Phật Niết Bàn,

Lìa năng giác sở giác (13).

Hoặc có hoặc không có,

Cả hai thảy đều lìa.

6. Pháp thiền quán tịch tịnh,

Vốn lìa sự sinh khởi.

Chẳng đời này đời sau,

Gọi là chẳng thủ xả (14).

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Bậc thượng thủ: Là bậc đứng đầu, đại diện để hỏi Phật trong Kinh này.

 

(2) Làm phép quán đảnh: Là làm phép chấp nhận, nghĩa là được chư Phật công nhận là bậc Bồ Tát thượng thủ.

 

(3) Hiện lượng: Cho rằng. Từ chữ Phạn: Pratyakwa-Pramàịa, tiếng dùng trong Nhân Minh. Lượng nghĩa là đo lường, là tiêu chuẩn để phân biệt đúng và sai của tri thức. Trí óc suy xét, cho cái này đúng cái kia sai là lượng. Khi ta nhận biết sự vật chung quanh mà chưa phân biệt, suy xét, thì gọi là Hiện lượng; nói theo nghĩa hẹp, Hiện lượng thường chỉ cho Chân hiện lượng mà thôi. Hiện lượng có 2 loại: Chân hiện lượng và Tự hiện lượng.

- Chân hiện lượng: Sự nhận biết đúng về trực giác, chưa bị ảnh hưởng bởi những huyển tướng hoặc tác dụng phân biệt của khái niệm, như thấy sợi dây thì biết ngay đó là sợi dây.

- Tự hiện lượng: Sự nhận biết sai, tức là sự nhận thức đã bị ảnh hưởng bởi các huyển tướng hoặc tác dụng phân biệt của khái niệm, như khi thấy khói cho là mây, thấy mây tưởng là khói; hoặc trong chỗ tối lờ mờ, thấy sợi dây cho ngay đó là con rắn, v.v...

 

(4) Năm pháp: Tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ. Cũng gọi là 5 pháp theo Kinh này: Danh, tướng, phân biệt, chính trí, như như.

 

(5) Tự tánh: Là…

 (Còn tiếp)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]