Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 65. Kinh Thủ Lăng Nghiêm

30/12/201715:49(Xem: 5086)
Bài 65. Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

2. BỐN ĐIỀU CƠ BẢN:

 

1- ĐOẠN TÂM DÂM DỤC:

 

- Ông dạy người đời tu Tam Ma Địa, trước nhất phải dứt dâm dục, ấy là lời dạy bảo rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ nhất của chư Phật.
- A Nan! Nếu chẳng dứt dâm dục mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Tại sao? Vì cát vốn chẳng phải là cơm vậy. Nếu lấy thân dâm mà cầu diệu quả của Phật, dẫu được khai ngộ cũng chỉ là gốc dâm; cội gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam ác đạo, chẳng thể thoát khỏi, vậy làm sao có thể tu chứng đạo Niết Bàn! Ắt phải khiến thân tâm đều dứt hết sự dâm, cả cái dứt cũng chẳng có, thì mới có thể hy vọng chứng quả Bồ Đề.
- Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng thuyết như thế là tà ma thuyết.

GIẢI NGHĨA:

     Phật nói giới dâm là ngăn ngừa người xuất gia làm việc dâm dục, dâm dục và thực dục là hai thứ làm cho con người đam mê hơn tất cả; theo Phật học vì đam mê dâm dục và thực dục cho nên gọi người đó là người ở trong cõi dục. Cõi dục mà chưa ra khỏi thì làm sao hy vọng giải thoát, cho nên điều thứ nhất Phật dạy là dứt dâm dục, Ngài nói: “Nếu chẳng dứt dâm dục mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng”.  Không nghĩ đến dâm dục là để tâm được thanh tịnh, mới có thể thành tựu Thiền Định (Tam Ma Đề).

 

2- TRỪ TÂM SÁT SINH:

- A Nan! Lại chúng sanh lục đạo trong thế giới, nếu tâm chẳng sát hại thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.
- Người tu chánh định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ, thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo quỷ thần; hạng trên thành đại lực quỷ, hạng giữa thành phi hành dạ xoa và các loại quỷ soái, hạng dưới thành địa hành la sát. Các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng, sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại quỷ thần này sôi nổi trên thế gian, tự nói ăn thịt cũng được đạo Bồ Đề.
- A Nan! Sở dĩ ta tạm cho hàng Tỳ Kheo ăn Ngũ Tịnh Nhục (1), việc này đều do thần lực của ta hóa thành, vốn chẳng có sinh mạng. Vì xứ Bà La Môn đất đai phần nhiều ẩm ướt, lại thêm cát đá, rau cỏ chẳng sanh, nên ta dùng sức đại bi tạm thời hóa ra, giả danh là thịt, cho các ông được ăn. Nhưng tiếc thay, sau khi Như Lai diệt độ, người mang tên Phật tử lại ăn thịt chúng sanh!
- Các ông nên biết, những người ăn thịt, dù được khai ngộ tựa như Tam Ma Địa, nhưng đều là giống La Sát, khi hết phước báu, ắt phải chìm đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao được ra khỏi luân hồi!
- Ông dạy người đời tu Tam Ma Địa, phải dứt trừ sát sanh, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ hai của chư Phật!
- A Nan! Nếu chẳng dứt sát hại mà tu thiền định, cũng như có người tự bịt lỗ tai, lớn tiếng kêu to mà mong người khác chẳng nghe, bọn này gọi là muốn giấu mà càng lộ. Hàng Tỳ Kheo trong sạch và chư Bồ Tát, đi trong đường tẻ còn chẳng dẫm trên cỏ, huống là nhổ cỏ. Làm sao người có lòng đại bi lại ăn thịt chúng sanh?
- Nếu Tỳ Kheo chẳng mặc tơ lụa, chẳng mang giày dép da cừu, chẳng ăn những tô lạc đề hồ... thuộc bộ phận thân thể của chúng sanh, thì Tỳ Kheo này nơi thế gian gọi là chân giải thoát, khi nợ xưa trả sạch thì chẳng sinh vào tam giới. Tại sao? Vì dùng những bộ phận thân thể của chúng sanh để ăn mặc, thì phải trả nợ chúng sanh. Như người ăn lúa thóc từ đất mọc thì chân chẳng lìa đất. Cũng vậy, người mà đối với thân thể của chúng sanh đều chẳng ăn chẳng mặc, ta nói người này là chân giải thoát.
- Như lời ta thuyết, gọi là Phật thuyết chẳng thuyết như thế tức là ma thuyết.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Ngũ tịnh nhục: Là loại thịt mà người xuất gia có thể ăn với 5 điều kiện là: Không tự giết, không bảo người giết, không nghe bị giết, không thấy bị giết, và con vật đã chết rồi.

     Đoạn mạng chúng sinh là hành động biểu hiện tham sân giết hại, ăn thịt, hại mạng chúng sinh để làm ấm thân thể của con người, sẽ bị đọa vào ba đường dữ là Địa ngục, Ngạ qủy, Súc sinh. Đức Phật dạy phải trừ bỏ tâm sát hại mạng chúng sinh, đó là điều cần thiết phải có để tránh qủa báo xấu như bệnh tật, tai họa, chết yểu, đọa vào cõi dữ; nhất là đối với người tu tập Thiền định (Tam Ma Đề) lại càng cần phải tránh sát hại ăn sinh vật, hầu tránh nghiệp qủa sẽ dễ dàng cho việc giải thoát.

 

3- DỨT TÂM THU ĐẠO:

- A Nan! Lại như chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng trộm cắp thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.
- Người tu chánh định, cốt ra khỏi trần lao, nếu tâm trộm cắp chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt tâm trộm cắp, ắt phải lạc vào tà đạo. Hạng trên thành tinh linh, hạng giữa thành yêu mị, hạng dưới thành kẻ tà; bọn tà đạo kia cũng có đồ chúng mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng. Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn tà ma kia sôi nổi trong thế gian, che giấu sự gian dối, tự xưng là thiện tri thức; đã được pháp Thượng Nhân, lừa gạt kẻ không biết, khiến lạc mất bản tâm, hễ họ đến chỗ nào thì người chỗ đó gia tài bị tiêu tan.
- Ta dạy các Tỳ Kheo tùy nghi khất thực, xả bỏ lòng tham, mới thành đạo Bồ Đề. Các Tỳ Kheo chẳng tự nấu ăn, huyễn thân tạm gởi nơi tam giới, thị hiện một đời sanh tử, đi rồi chẳng về (giải thoát sanh tử thì ra khỏi luân hồi, chẳng về tam giới). Tại sao bọn giặc mặc áo đạo Phật, giả mạo Tỳ Kheo buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ nghiệp đều nói là Phật pháp! Kỳ thật, họ chẳng phải người chánh thức xuất gia, có thọ giới Tỳ Kheo của đạo Thanh Văn. Do vậy, khiến vô số chúng sanh mắc phải nghi lầm, đọa địa ngục A Tỳ. Sau khi ta diệt độ, nếu có Tỳ Kheo phát tâm quyết định tu Tam Ma Địa, ở trước hình tượng Phật đốt một lóng tay hay đốt một liều trên thân, ta nói người ấy, những nợ xưa từ vô thỉ đều sẽ được dần dần trả hết, từ giã thế gian, thoát hẳn phiền não, dù chưa được ngộ đạo vô thượng, nhưng đối với Phật pháp đã có lòng tin quyết định. Nếu chẳng làm cái nhân xả thân nhỏ mọn này, thì dẫu thành vô vi, ắt phải còn sanh cõi người, trả các nợ xưa, như quả báo Mã Mạch (1) của ta chẳng có sai khác.
- Ông dạy người đời tu Tam Ma Địa, phải dứt tâm trộm cắp, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ ba của chư Phật.
- A Nan! Nếu chẳng dứt tâm trộm cắp, mà tu Thiền định, cũng như người lấy nước rót vào bình chảy, mong cho đầy bình, dù trải qua vô số kiếp cũng không thể đầy.
- Nếu hàng Tỳ Kheo ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ; xin ăn có dư bố thí cho kẻ đói. Giữa nơi nhóm họp chắp tay đảnh lễ chúng, có người đánh mắng đồng như khen ngợi; quyết định xả bỏ thân tâm với tất cả chúng sanh cộng chung một da thịt xương máu. Chẳng lấy thuyết bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, rồi dạy lầm mà hại cho kẻ sơ học thì Phật ấn chứng người ấy được chân tam muội.
- Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng thuyết như thế tức tà ma thuyết.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Qủa báo Mã mạch: Kinh Hưng Khởi Hành nói: Vua nước Tùy La Nhiên thỉnh Phật và 500 vị Tỳ Kheo về nước kiết hạ, Vua đích thân cúng dường vừa được sáu ngày thì bị Thiên ma mê hoặc, khiến trở về cung vua chìm đắm ngũ dục, quên sự cúng dường. Các Tỳ Kheo phải đi khất thực, mà liên tiếp ba ngày đều chẳng khất được món ăn nào cả. Lúc đó, có người nuôi ngựa nói với các Tỳ Kheo rằng: "Nay con có mã mạch, quí Thầy ăn được chăng? Nếu ăn được thì con sẽ cúng dường". Từ đó cả Tăng đoàn ăn hạt bo bo (mã mạch), một loại hạt dùng để cho ngựa ăn, cho đến mãn hạ.
     Về việc này, Đức Phật bảo: "Trong quá khứ đời Phật Tỳ Bà Diếp, ta làm Bà La Môn, thông đạt Tứ Vệ Đà Kinh, có dạy 500 đồng tử trên núi Phạn Chí. Khi ấy, vua thiết hội cúng dường Phật Tỳ Bà Diếp, có một Tỳ Kheo mắc bệnh chẳng đi được; Phật và đại chúng ăn xong, rồi thỉnh thực cho Tỳ Kheo mắc bệnh. Khi đi ngang núi Phạn Chí Bà La Môn ấy ngửi được mùi cơm rất thơm, nói rằng: "Bọn Sa Môn trọc đầu nên ăn mã mạch, chẳng nên ăn cơm này". Các đồng tử cũng nói: "Bọn thầy trò này phải ăn mã mạch mới đúng"! Bà La Môn thuở đó tức là ta, 500 đồng tử tức 500 Tỳ Kheo theo ta kiết hạ đây; Tỳ Kheo mắc bệnh tức là Di Lặc. Do nhân duyên này, vào địa ngục trải qua vô số kiếp, nay dù đã đắc đạo, vẫn còn phải chịu quả báo, ăn mã mạch ba tháng”.
     Theo nhân quả kể trên, Phật đã từng tu Bồ Tát, xả máu thịt cho diều hâu ăn, xả thân mạng cho cọp ăn, mà còn phải chịu quả báo mã mạch; vậy đâu thể do đốt tay và đốt liều trên thân mà trả hết nợ xưa từ vô thủy được! Sự đốt tay, đốt liều là để tăng cường lòng chính tín, quên thân vì đạo; cần phải quên thân hành đạo, cuối cùng mới trả hết nợ xưa, trọn thành Phật đạo.
     Không cho mà lấy là hành động xấu xa tham lam trộm cướp, còn phải nói tới những người lươn lẹo, lường gạt, lừa đảo, ăn quỵt v.v… cũng kể như trộm cắp. Người muốn tu hành thanh tịnh thì phải xa lià đoạn trừ trộm cắp từ trong ý nghĩ; tu cốt để tiến đến giải thoát giác ngộ mà còn trộm cắp thì quả là phỉ báng Phật pháp, sẽ bị đọa vào đường dữ, chẳng thể được tái sinh trong tam giới, nói chi đến giải thoát.

 

4- BỎ TÂM VỌNG NGỮ:

- A Nan! Chúng sanh lục đạo trên thế giới, dù nơi thân tâm chẳng còn Sát, Đạo, Dâm, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì với Tam Ma Địa chẳng được trong sạch, thành giống ma ái kiến, lạc mất giống Phật. Chưa đắc quả nói đã đắc, chưa chứng ngộ nói đã chứng; như bảo người khác rằng: "Nay tôi đã được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, cho đến Bồ Tát Thập Địa; hoặc vì cầu sự thù thắng bậc nhất nơi thế gian, hoặc vì tham sự cúng dường, bảo họ lễ sám. Bọn Nhất Xiển Đề (1) này tiêu diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây Đa La (cây này hễ gãy thì chẳng sống được nữa), Phật thọ ký người ấy mất hẳn thiện căn, chẳng có Chánh kiến, chìm đắm trong tam ác đạo, chẳng thể thành tựu chánh định.
- Ta phó chúc các Bồ Tát và A La Hán, sau khi ta diệt độ, nên ứng thân trong thời mạt pháp, hiện đủ thứ hình tướng, cứu độ chúng sanh bị luân chuyển. Hoặc làm Sa Môn, Bạch Y Cư Sĩ, vua, chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, như thế cho đến người dâm nữ, quả phụ, kẻ gian dối, trộm cắp, đồ tể v.v... cộng sự với họ, khen ngợi Phật thừa, khiến thân tâm họ được vào Tam Ma Địa. Trọn chẳng tự nói ta là Chân Bồ Tát, chân A La Hán, tiết lộ mật nhân của Phật để khinh kẻ hậu học, chỉ trừ đến khi lâm chung càng có sự phó chúc cho người nối pháp làm sao người ấy lại mê hoặc chúng sanh, tự tạo tội, thành đại vọng ngữ, để vào ngục A Tỳ!
- Ông dạy người đời tu Tam Ma Địa, sau cùng phải dứt trừ đại vọng ngữ, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là nghĩa quyết định thứ tư của chư Phật.
- A Nan! Nếu chẳng dứt đại vọng ngữ, cũng như lấy phẩn người khắc hình cây Chiên Đàn, muốn được mùi thơm thì chẳng có chỗ đúng.
- Ta dạy Tỳ Kheo Trực Tâm là đạo tràng, tất cả hạnh nơi tứ oai nghi còn chẳng giả dối, làm sao lại tự xưng đã được pháp Thượng Nhân, ví như người nghèo vọng xưng là vua chỉ tự cầu tội chém, huống là trộm cắp danh hiệu của Pháp Vương!
- Cần phải biết, nhân địa chẳng chân thì chiêu quả quanh co, nếu như thế mà cầu đạo Bồ Đề, như người muốn tự cắn rốn mình, đâu thể thành tựu!
- Nếu các Tỳ Kheo, tâm ngay thẳng như dây đàn, tất cả chân thật, vào Tam Ma Địa, hẳn không kẹt ma sự, ta ấn chứng người ấy thành tựu Bồ Tát vô thượng tri giác.
- Như lời ta thuyết gọi là Phật thuyết, chẳng như thế tức tà ma thuyết.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Nhất xiển đề: Người dứt hết căn lành, không tin Phật pháp, không có cơ hội giải thoát thành Phật.

     Tiểu đoạn 4 “Bỏ Tâm Vọng Ngữ” này, nói đến “Vọng ngữ” bao gồm: nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt và nói ác. Người phạm vọng ngữ như người chưa chứng qủa mà tự khoe đã chứng bậc này bậc nọ vì kiêu mạn hay phô trương do tâm tham. Người phạm vọng ngữ sẽ mất hết thiện căn, bị người trí xa lánh chỉ trích; người này chẳng thể đạt tâm thanh tịnh và bị đọa vào ba đường dữ.

      Tóm lại: chúng ta phải khiến thân tâm đều dứt hết tham ái dâm dục, sát hại chúng sinh, trộm cướp lừa đảo, dối trá độc ác (dâm, sát, đạo, vọng), cả cái dứt cũng chẳng có. Như vậy mới có thể hy vọng ra khỏi ba cõi chúng sinh Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, chứng quả Bồ Đề; đây là lời Phật thuyết, chẳng như thế là tà ma nói.
     Bốn giới Dâm, Sát, Đạo, Vọng ngữ trong “Giới luật” mà Đức Phật dạy cho các đệ tử được ghi chép để lại gọi đó là “Tạng Luật”, thực hiện giới luật tức là pháp hành theo quy tắc khuôn khổ, không cho sai phạm những điều Phật đã dạy để làm cái hàng rào ngăn cách với những tội lỗi.

     Giới có giới trọng giới khinh, tức là có “Tánh giới và Giá giới”, bốn điều cơ bản này thuộc về Tánh giới, Tánh giới là giới trọng; Tánh giới cũng là những luật lệ áp dụng của thế gian, nghĩa là trong xã hội phạm phải những điều đó thì luật pháp của xã hội cũng kết tội và trừng trị nặng nề. Còn Giá giới là những tội nhẹ.

 

(QUYỂN 6 HẾT)

 

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]