Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

171. Kinh Phân Biệt Ðại Nghiệp

06/06/201207:32(Xem: 7791)
171. Kinh Phân Biệt Ðại Nghiệp

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

171. KINH PHÂN BIỆT ĐẠI NGHIỆP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, trú trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.

Bấy giờ, Tôn giả Tam-di-đề[02] cũng trú ở thành Vương xá, trong thiền thất Vô sự. Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử[03] sau giờ trưa, ung dung đi đến chỗ Tôn giả Tam-di-đề, cùng chào hỏi rồi lui ngồi xuống một bên và hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi có điều muốn hỏi, ngài cho phép chăng?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, muốn hỏi cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ”.

Dị học Bộ-la-đà Tử bèn hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôitrực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì’”.

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chớ có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp[04],khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọbáo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo’”.

Dị học Bộ-la-đà Tử ba lần nhắc lại câu ấy với Tôn giả Tam-di-đề rằng:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, tôi trực tiếp nghe từ Sa-môn Cù-đàm, tôitrực tiếp nhận từ Sa-môn Cù-đàm, rằng ‘Thân nghiệp, khẩu nghiệp là hư vọng. Chỉ có ý nghiệp là chơn thật. Có một loại định, Tỳ-kheo vào định đó không còn hay biết gì’.”

Tôn giả Tam-di-đề cũng ba lần đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, chớ có nói như vậy, chó có hủy báng Đức Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là bất thiện. Thế Tôn không nói như vậy.

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện nói rằng ‘Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta nói không có việc không thọ báo, hoặc hiện tại thọ báo, hoặc đời sau thọ báo. Nếu không cốý tạo tác nghiệp, khi tác đã thành, Ta không nói chắc chắn phải thọ báo’”.

Dị học Bộ-la-đà Tử hỏi Tôn giả Tam-di-đề:

“Nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, phải thọ báo gì?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếu cố ý tạo tác nghiệp, khi tác nghiệp đã thành, tất thọ báo khổ”.

Dị học Bộ-la-đà Tử lại hỏi:

“Này Hiền giả Tam-di-đề, ông học đạo trong pháp luật này bao lâu rồi?”

Tôn giả Tam-di-đề đáp rằng:

“Hiền giả Bộ-la-đà Tử, tôi học đạo trong pháp luật này mới có ba năm”.

Lúc ấy, dị học Bộ-la-đà Tử bèn suy nghĩ rằng: “Tỳ-kheo niên thiếumà vẫn có thể bảo hộ Tôn sư như vậy, huống nữa là vị Thượng tọa cựu học.”

Rồi thì dị học Bộ-la-đà Tử nghe Tôn giả Tam-di-đề nói, không cho là phải, cũng không cho là quấy, rời chỗ ngồi, lắc đầu mà đi.

Lúc bấy giờ Tôn giả Đại Châu-na[05],đang ở cách chỗ nghỉ ngày của Tôn giả Tam-di-đề không xa. Tôn giả Đại Châu-na nghe cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử, ghi nhớ tất cả, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Tôn giả A-nan, cùng chào hỏi xong rồi ngồi xuống một bên và mang những lời đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử thuật lại hết cho Tôn giả A-nan nghe.

Tôn giả A-nan nghe xong bảo rằng:

“Này Hiền giả Châu-na, nhơn câu chuyện này, chúng ta nên đến gặp Đức Phật và trình bày lên Thế Tôn. Hiền giả Châu-na, chúng ta hãy cùng đến nơi Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn tất cả nghĩa này. Hoặc nhơn đây, chúng ta được nghe những pháp nào khác của Thế Tôn”.

Rồi Tôn giả A-nan và Tôn giả Đại Châu-na cùng đi đến chỗ Phật. Tôn giả Đại Châu-na cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan cúi đầu làm lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên.

Lúc đó, Tôn giả A-nan nói rằng:

“Này Hiền giả Châu-na, Hiền giả nên nói đi! Hiền giả nên nói đi!”

Bấy giờ Thế Tôn hỏi:

“Này A-nan, Tỳ-kheo Châu-na muốn nói sự gì?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sẽ tự nghe hết câu chuyện”.

“Rôi thì Tôn giả Đại Châu-na thuật lại đầu đuôi cuộc đối thoại giữa Tôn giả Tam-di-đề và dị học Bộ-la-đà Tử cho Phật nghe. Nghe xong, Thế Tôn bảo rằng:

“Này A-nan, hãy xem Tỳ-kheo Tam-di-đề người si, không đạo lý gì. Vì sao? Vấn đề dị Bộ-la-đà Tử hỏi là bất định[06] mà Tỳ-kheo Tam-di-đề, người ngu si kia chỉ trả lời theo nhất hướng đáp[07].”

Tôn giả A-nan bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo Tam-di-đề nhơn việc này trả lời rằng ‘Nhữøng gì được cảm thọ đều là khổ’ thì có lỗi gì?”

Đức Thế Tôn quở Tôn giả A-nan:

“Hãy xem Tỳ-kheo A-nan cũng không có đạo lý gì cả. A-nan, kẻ ngu si Tam-di-đề này, dị học Bộ-la-đà Tử kia hỏi tất cả ba cảm thọ, khổ thọ,lạc thọ và không khổ không lạc thọ. A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề đượcdị học Bộ-la-đà Tử hỏi, nên đáp như vầy, ‘Này Hiền giả Bộ-la-đà Tử, nếucố ý tạo nghiệp an lạc, khi tác đã thành sẽ thọ quả báo an lạc. Nếu cố ýtạo nghiệp khổ, khi tác đã thành, sẽ thọ quả báo khổ. Nếu cố ý tạo nghiệp không khổ không lạc, khi tác đã thành rồi sẽ thọ quả báo không khổ không lạc’. Này A-nan, nếu kẻ ngu si Tam-di-đề được dị học Bộ-la-đà Tử hỏi và đáp như vậy thì dị học Bộ-la-đà Tử mắt còn không dám nhìn Tam-di-đề ngu si ấy, huống nữa lại có thể hỏi đến chuyện như vậy chăng?

“Này A-nan, nếu ngươi từ Thế Tôn mà nghe kinh ‘Phân biệt đại nghiệp’, thì đối với Như Lai lại càng tăng thượng tâm tĩnh, được hoan hỷ”.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay thật đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật đúng lúc. Nếu Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói kinh ‘Phân Biệt Đại Nghiệp’, các Tỳ-kheo nghe xong sẽ ghi nhớ kỹ”.

Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi nghe”.

Tôn giả A-nan thưa:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn”.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời dạy, lắng nghe.

Phật nói:

“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối,... cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời. Này A-nan, hoặc có một ngườitừ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, sự thủ hộ này, thân hoại mạng chungsanh về chỗ ác, trong địa ngục.

“Này A-nan, hoặc có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chỗ ác, trong địa ngục. Này A-nan, hoặc có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly và thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, trong cõi trời.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung, người ấy sanh về chốn lành, trong cõi trời. Nếu có vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng, ‘Không có thân ác hành, cũng không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu và ý ác hành, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hành. Vì sao? Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ sự lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về cõi lành, trong cõi trời.Nếu có nhữngtrường hợp khác cũng tương tự như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đếnkhông từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về cõi lành, trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, dều chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ rằng: “Không có thân diệu hạnh,không có quả báo của thân diệu hạnh, không có khẩu và ý diệu hạnh, cũngkhông có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Vì sao? Ta thấy người kia từbỏ sát sanh, từ bỏ sự lấy của không cho từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có những trường hợp kháccũng tương tự như vậy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏtà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanhtrong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến. Ai thấy khác đi, tríhọ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đềuchủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến khôngtừ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân ác hạnh, có quả báo của thân ác hạnh, có khẩu và ý ác hạnh, cũng không có quả báo của khẩu và ý ác hạnh’. Vì sao? Ta thấy kẻ kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từbỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, kia tất cả khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn ác, sanh trong địa ngục. Ai thấy như vậy gọi là chánhkiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, đều chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới làchân thật, ngoài ra đều hư dối.’

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời.Nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn mà thấy người kia, thấy rồi bèn tự suy nghĩ: ‘Có thân diệu hạnh, cũng có quả báo của thân diệu hạnh; có khẩu và ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh. Vì sao? Ta thấy kẻ kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, khi thân hoại mạng chung nhất định sanh về chốn lành,sanh trong cõi trời. Nếu lại có trường hợp khác tương tợ như vậy, từ bỏsát sanh, từ bỏ không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối,cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sẽ sanh về nẻo lành, sanh trong cõi trời. Ai thấy như vậy gọi là chánh kiến; thấy khác đi, trí họ đi về nẻo tà’. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng: ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’.

“Này A-nan, ở trong đó, nếu vị Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Không có thân ác hành, không có quả báo của thân ác hành. Không có khẩu, ý ác hành, không có quả báo của khẩu và ý ác hành’. Ta không theo vị ấy. Nếu vị ấy nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh vềchốn ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Nếu có những trường hợp khác tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ không cho mà lấy, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tấtcả những người ấy khi thân hoại mạng chung sanh về chỗ lành, sanh lên trời’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu có ai nói như vầy, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta không nghe theo họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói thế này, ‘Không có thân diệu hạnh, cũng không có quả báo của thân diệu hạnh; không có khẩu, ý diệu hạnh, cũng không cóquả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta không nghe theo vị ấy. Nếu nói thếnày, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến. Với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo[08]vị ấy. Nếu có ai nói thế này, ‘Có những trường hợp khác tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những ngườiấy khi thân hoạimạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ[09].Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như vầy, ‘Có thân ác hạnh, cũng có quả báo của thân ác hạnh. Có khẩu, ý ác hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý ác hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu kia nói như thế này, ‘Ta thấy người kia không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến. Với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói thế này, ‘Những trường hợp tương tợ như vậy, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạngchung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục’. Ta không nghe theo họ. Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối’. Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, trong đó nếu có Sa-môn, Phạm chí chứng được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, nói như thế này, ‘Có thân diệu hạnh, cũng cóquả báo của thân diệu hạnh; có khẩu, ý diệu hạnh, cũng có quả báo của khẩu và ý diệu hạnh’. Ta nghe theo vị ấy. Nếu nói như vầy, ‘Ta thấy người kia từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạngchung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta nghe theo họ. Nếu nóinhư vầy, ‘Nếu có những trường hợp tương tợ như vầy, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, tất cả những người ấy khi thân hoại mạngchung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời’. Ta không nghe theo họ.Nếu kia lại nói thế này, ‘Thấy như vậy mới là chánh kiến, thấy khác là kẻ có trí tà’. Ta cũng không nghe họ. Bất cứ sở tri và sở kiến nào được cực lực mò mẫm, chủ trương theo một chiều rằng ‘Đây mới là chân thật, ngoài ra đều hư dối.’ Ta cũng không nghe họ. Vì sao? Này A-nan, Như Lai biết những người đó là trường hợp khác.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Ấy là, nếu trước kia nó đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xả ly, không thủ hộ, cho nên ở trong đời hiện tại thọ báo xong, họ sanh về nơi đó[10].Hoặc do hậu báo cho nên người kia không vì nhơn này, không vì duyên nàymà thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do xả ly và thủ hộ nên chưa tiêu hết, cần phải được thọ báo ở chốn lành; kia do nhơn này, duyên này cho nên thânhoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc khi chết khởi các tâm, và tâm sở hữu pháp thuộc thiện[11]tương ưng với chánh kiến; kia nhờ nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Nếu trước kia họ đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, do sự xả ly,thủ hộ cho nên ở trong đời hiện tại họ thọ báo xong, cho nên sanh về nơi đó. Hoặc do bởi hậu báo cho nên họ không vì nhơn này, duyên này mà thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc trước kiađã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do không xả ly và không thủ hộ nên chưa tiêu hết, phải thọ báo ở địa ngục; họ do nhơn này, duyênnày cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh tâm và các tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưngvới tà kiến, do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia là như vậy.

“Này A-nan, nếu có một người không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà dâm, không từ bỏ nói dối, cho đến không từ bỏ tà kiến; với sự không xả ly, không thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Kia do chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặctrước kia đã tạo tác nghiệp bất thiện, tác đã thành rồi, do sự không xảly, không thủ hộ mà chưa tiêu hết, nên phải thọ báo ở địa ngục; kia do nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. Hoặc khi chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp bất thiện tương ưng với tà kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về nẻo ác, sanh trong địa ngục. A-nan, Như Lai biết người kia lànhư vậy.

“Này A-nan, nếu có một người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, cho đến từ bỏ tà kiến; với sự xả ly, thủ hộ này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời.Kia nhờ chính nhơn này, duyên này thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc trước kia đã tạo tác nghiệp thiện, tác đã thành rồi, nhờ có xả ly, có thủ hộ mà chưa tiêu hết, phải được thọ báo thiện; kia nhờ nhơn này, duyên này cho nên thân hoại mạng chung sanhvề chốn lành, sanh trong cõi trời. Hoặc đến lúc chết sanh các tâm và tâm sở hữu pháp thiện tương ưng với chánh kiến, kia do nhơn này, duyên này, thân hoại mạng chung sanh về chốn lành, sanh trong cõi trời. A-nan,Như Lai biết người kia là như vậy.

“Lại nữa, có bốn hạng người. Hoặc có người không có mà tợ như có.Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có.

“Này A-nan, cũng như có bốn loại xoài. Hoặc xoài không chín mà giống như chín. Hoặc chín giống như không chín. Hoặc không chín giống như không chín. Hoặc chín giống như chín.

“Cũng vâïy A-nan, bốn thứ xoài được thí dụ với người. Hoặc có người không có mà tợ như có. Hoặc có mà tợ như không có. Hoặc không có tợ như không có. Hoặc có tợ như có”.

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.136. Mahā-Kammavibhaṅga-suttam.
[02] Tam-di-đề, xem kinh số 165.
[03] Bộ-la-đà Tử 哺 羅 陀 子. Pāli: Potaliputta.
[04] Hán: cố tác nghiệp, nghiệp được làm với sự cố ý. Pāli: sañcetanika kamma.
[05] Đại Châu-na 大 周 那. Pāli: Mahā-Cunda, đệ tử của ngài Xá-lợi-phất.
[06]Vấn sự bất định 問 事 不 定, câu hỏi không xác định, cần trả lời bằng phân biệt đáp; một trong bốn ký vấn. Xem thêm cht. dưới. Bản Thánh chép: vấn sự bất túc 足, nhầm tự dạng. Pāli: vibhajja-byākāṇiyo pañho.
[07]Nhất hướng đáp, một trong bốn cách trả lời vấn đề, tứ ký vấn: nhất hướng (xác định), phân biệt, phản cật bà xả trí. Pāli: ekaṃsena vyākato.
[08] Chấp nhận có. Trường hợp hành thiện, nhưng tái sanh ác thú. Vì có sự phân biệt.
[09] Như trên, nhưng không chấp nhận, vì quan điểm nhất hướng.
[10] Tức sanh về cõi lành.
[11] Tức khi chết với tâm và tâm sở thiện.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]