Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương

04/11/201420:22(Xem: 15782)
Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương

Phat Thich Ca-2d



Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665
 
KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
_QUYỂN THỨ NHẤT_
 
Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH
  



SƠ LƯỢC VỀ KINH KIM QUANG MINH

Kinh Kim quang Minh tên Phạn là Suvarṇa-prabhāsa, tên Tây Tạng là Gser-ḥoddam-pa mdo-sḍcḥi dbaṅ-poḥi rgyai-po. Tên đầy đủ là Kim quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (Suvarṇa-prabhāsottama-rāja-sūtra) hay Kim Quang Minh Tối Thắng Kinh (Suvarṇa-prabhāsottama-sūtra)

Đời Bắc Lương, niên hiệu Huyền Thủy (312_427): Đàm Vô Sấm (Dharma-kṣema, hay Dharma-rakṣa) dịch bộ Kim Quang Minh Kinh gồm 4 quyển, 18 Phẩm

Tiếp đến đời Lương, Thiên Thánh năm đầu tiên (552): Chân Đế (Paramārtha) dịch thành 7 quyển, hiệu chỉnh các Phẩm trong bản dịch Bắc Lương và bổ sung thêm  4 Phẩm: Tam Thân phân biệt, Nghiệp Chướng diệt, Đà La Ni Tối Tịnh Địa, Y Không mãn nguyện thành 22 Phẩm

Đời Bắc Chu, thời Vũ Đế (561_578): Gia Xá Quật Đa (Yaśo-gupta) lại dịch thành 5 quyển. Ngoài các Phẩm trong bản dịch Bắc Lương, dịch bổ sung thêm hai Phẩm: Thọ Lượng Đại Biện Đà La Ni

Đời Tùy, Xà Na Quật Đa (Jñāna-gupta) lại dịch bồ sung thêm hai Phẩm: Ngân Chủ Đà La Ni Chúc Lụy 

Đời Tùy, Khai Hoàng năm thứ 17 (597): Sa Môn Bảo Quý ở chùa Đại Hưng Thiện đã tổng hợp bản dịch của các nhà, san đồng bổ sung vào chỗ thiếu thành Hợp Bộ Kim Quang Minh Kinh gồm 8 quyển, 24 Phẩm

Cuối cùng, đời Vũ Chu, Trường An năm thứ 3 (703) Nghĩa Tịnh dịch ra bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh gồm 10 quyển, 31 Phẩm. Do Phẩm Mục, Nghĩa Lý của bản dịch này rất ư hoàn bị, phong cách tao nhã và rõ ràng nên được lưu hành rộng rãi

_Ý nghĩa nội dung của 31 Phẩm này là:

Tự Phẩm đầu tiên là phần Tựa.

9 Phẩm kế tiếp là phần Chính Tông

21 Phẩm còn lại là phần Lưu Thông

Lại dựa theo nghĩa lý trong 9 Phẩm của phần Chính Tông thì: 2 Phẩm đầu minh họa về Quả, 5 Phẩm kế tiếp minh họa về Hành, 2 Phẩm cuối minh họa về Cảnh

1_Trong 2 phẩm minh họa về Quả thì: Phẩm Thọ Lượng: do Diệu Tràng nghi ngờ hỏi Thọ Mệnh của Đức Như Lai do nhân nào mà lại ngắn ngủi? Để nói Thọ Lượng của Đức Như Lai là vô lượng, chỉ vì lợi ích cho chúng sinh nên hiện bày ngắn ngủi. Lại nói mọi loại 10 Pháp hay giải Lý Thú chân thật của Như Lai, nói có Đại Bát Niết Bàn

Tiếp đến Phẩm Phân biệt ba Thân: Do Hư Không Tạng thỉnh hỏi, nên nói rõ Phật có 3 Thân Pháp, Ứng, Hóa. Ở đây giải thích vấn đề Thân Phật được phát sinh trong thời kỳ đầu tiên của Đại Thừa, tương thông với Phẩm Thọ Lượng trong Kinh Pháp Hoa

2_Trong 5 Phẩm minh họa về Hành thì: Phẩm Mộng Kiến Sám Hối đầu tiên nói Diệu Tràng nằm mộng thấy vị Bà La Môn đánh cái trống vàng phát ra âm thanh, nói Pháp Sám Hối

Tiếp đến, Phẩm Diệt Nghiệp Chướng: Do Đế Thích hỏi nên nói tu hành Đại Thừa, nhiếp nhận hữu tình điên đảo nghiêng lệch từng tạo nghiệp chướng, Pháp Sám Hối trừ diệt… dùng phần trên làm Địa Tiền Hành 

Tiếp đến, Phẩm Tối Tịnh Địa Đà La Ni nói Hạnh của mười Địa, phát Tâm Bồ Đề làm Nhân của mười Độ (10 Ba La Mật). Lại y theo mọi loại 5 Pháp thành tựu mười Độ, tướng trạng của mười Địa với danh nghĩa, chướng ngại của mười Địa; các Độ (Ba La Mật) mà mười Địa đã hành, Tam Ma Địa được sinh ra, cuối cùng nói Đà La Ni mà các Địa đã được hộ trì

Tiếp đến, Phẩm Liên Hoa Dụ Tán nói nhân duyên của Pháp Sám Hối, tức quá khứ Kim Long Chủ Vương thường dùng hoa sen ví dụ khen ngợi chư Phật, kèm theo nói văn xưng tán

Tiếp đến, Phẩm Kim Thắng Đà La Ni nói thọ trì Đà La Ni này tức là cúng dường chư Phật, được Thọ Ký ấy, tùy theo chỗ mong cầu, không có gì chẳng viên mãn

3_Trong 2 Phẩm minh họa về Cảnh thì: Phẩm Trùng hiển Không Tính lược nói Pháp Không (Śūnya: trống rỗng) khiến cho người nghe ngộ nhập vào nghĩa thù thắng, chính đúng tu Xuất Ly

Tiếp đến, Phẩm Y Không mãn nguyện nói y theo Không Tính (Śūnyatā: Tính trống rỗng) hành Pháp Bồ Đề, tu Hạnh bình đẳng. Trong Phẩm này Như Ý Bảo Quang Diệu Thiên Nữ nghe Pháp khai ngộ, liền chuyển thân nữ làm thân Phạm Thiên, được Đức Phật thọ Ký, tương tự như Long Nữ chuyển thân thành Phật trong Kinh Pháp Hoa

4_Từ cuối phần Chính Tông trở xuống có 21 Phẩm rộng nói về chư Thiên hộ giúp đời, tăng tiền của, biện luận khéo léo, trừ tai vạ, hiển lợi ích của Kinh, Thọ Ký, trừ nghi, thỉnh nói nhân xưa kia, Khổ Hạnh. Cuối cùng là Bồ Tát đồng khen ngợi cùng với Đức Như Lai phó chúc đều thuộc phần Lưu Thông.

So sánh với Lược Bản được dịch trong Đời Lương thì bản dịch này tăng thêm Đà La Ni rất nhiều, do vậy có người đem Kinh Bản này nhập vào Bí Mật Bộ (như Tây Tạng Tạng Văn Đại Tạng Kinh)

 

_Hiện nay, ở Nepal có lưu giữ bản Phạn 21 Phẩm, đại đồng với bản dịch đời Lương

Bản tiếng  Phạn của kinh Kim Quang Minh được biên tập lần đầu tiên vào năm 1898 tại Calcutta, Ấn Độ bởi hai tác giả S.C. DasS.C. Shastri chỉ có 25 Phẩm, chẳng hoàn toàn

Kinh Kim Quang Minh được biết đến tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ 7 và đóng một vai trò quan trọng đối với Phật giáo Nhật Bản, cùng với Kinh Pháp Hoa, Kinh Nhân Vương được xem là ba bộ Kinh trấn hộ đất nước. Dưới sự bảo trợ của Hoàng gia, bốn bản kinh đã được dịch ra tiếng Nhật bởi Jina-mitra, Śīlendra-bodhi và những dịch giả khác. Một phiên bản tiếng Nhật cũng được soạn thảo bởi Nanjio và được xuất bản bởi môn đồ của ông là Izumiin vào năm 1931.

Các bản dịch tiếng Tây Tạng từ kinh bản tiếng Phạn đã được tổng hợp và biên tập bởi giáo sư Nobel. Bản tiếng Tây Tạng đầu tiên được dịch bởi Sud-gu-śoka (?Mūla-śoka) và Jñāna-kumāra vào nửa đầu thế kỷ thứ 8. Bản thứ hai được dịch bởi Jina-mitra (Thắng Hữu) , Śīlendra-bodhiYe-śes-sde vào đầu thế kỷ thứ 9. Bản thứ ba được dịch bởi Chos-grub. Bản thứ hai căn cứ trên một bản tiếng Phạn không khác mấy so với bản Phạn đã sử dụng cho bản thứ nhất, nhưng bản thứ ba lại là một bản dịch từ phiên bản nổi tiếng của Nghĩa Tịnh. Các bản kinh thuộc Chính Tạng “Kanjur” do Nobel sử dụng cho thấy có hai phiên bản: một phiên bản được thuộc về Hồng Tạng (Kanjur đỏ) được in block lưu trữ tại thư viện quốc gia - Paris và Tạng “Kanjur” chép tay lưu trữ tại thư viện quốc gia Phổ - Berlin. Phiên bản sau đã đã hiệu đính, lại có trong Hồng Tạng được lưu trữ tại Đại học Cambridge.

Kinh Kim Quang Minh không những được dịch sang tiếng Tây Tạng và Trung Hoa mà còn được dịch sang các thứ tiếng như: Anh (English), Duy Ngô Nhĩ (Uighur), Mông Cổ (Mongol), Túc Đặc (Sogdian), Vu Điền (Khotanese), Đảng Hạng (Tangut).

Kinh Kim Quang Minh được lưu trữ thông qua số lượng lớn những bản chép tay  bằng nhiều loại ngôn ngữ Trung Á khác nhau. Thư viện Anh quốc lưu giữ 8 mảnh thủ bản kinh Kim Quang Minh rất cổ có nguồn gốc từ Färhäd Beg Yailiki. Một mảnh thủ bản nhỏ không còn nguyên vẹn được in block kiểu bản xếp của kinh này được khai quật trong chuyến thám hiểm của người Đức đầu tiên tại Trung Á, Grunwedel (1902-1903). Ngay sau khi khám phá, bản kinh đã được nghiên cứu và ấn hành bởi Heinrich Stonner vào năm 1904. Từ đó trở đi, bản kinh dần dần được nhiều học giả người Đức khác nghiên cứu. Trong danh mục của mình, Ernest Waldschmidt đã biên tập bản kinh rất kỹ lưỡng. Trong thời gian gần đây (2004) Akira Yuyama đã khảo sát tất cả các thủ bản Trung Á.

Phiên bản tiếng Duy Ngô Nhĩ của kinh này có hai bộ sưu tập chính: bộ Altun Yaruq (hiện được bảo tồn tại Viện Vostokovedenija, St. Petersburg) và bộ Turfansammlung. Bộ thứ nhất đã được biên dịch sang Hán ngữ vào thế kỷ thứ 10.

 

 _Nay do sự yêu cầu của các bạn đồng tu muốn tự mình hiểu rõ hơn về nghĩa thú của Kinh Kim Quang Minh; nên tôi cố gắng sưu tầm và phục hồi các Đà La Ni, phiên dịch lại bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

Điều không thể tránh khỏi là bản phiên dịch này vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngưỡng mong các Bậc Cao Tăng Đại Đức, chư vị Thiện Tri Thức hãy rũ lòng Từ Bi chỉ dạy, giúp cho tôi kịp thời sửa chữa những lỗi lầm và hoàn thiện phần ghi chép này.

Mọi Công Đức có được trong tập ghi chép này, con xin kính dâng lên hương linh của Thân Phụ (Nguyễn Vũ Nhan) và Thân Mẫu (Vũ Thị Ni) là hai bậc ân nhân đầu tiên của con.

Con xin kính dâng các Công Đức có được lên Thầy Thích Quảng Trí và Thầy Thích Pháp Quang là các bậc Thầy luôn theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy con nghiên cứu Phật Pháp cho chính đúng.

Tôi xin cám ơn em Mật Trí (Tống Phước Khải) đã nhiệt tình hỗ trợ các tư liệu Phạn Hán Anh giúp cho việc hoàn tất bản dịch này.

Tôi xin chân thành cám ơn người bạn đường Ngọc Hiếu (Vũ Thị Thanh Hà) đã cam chịu mọi sự khó khăn trong cuộc sống để giúp tôi an tâm trên con đường tìm hiểu Chính Pháp Giải Thoát của Đấng Phật Đà.

Cuối cùng nguyện xin hồi hướng Công Đức này đến toàn thể chúng hữu tình trong ba cõi sáu đường đều mau chóng xa lìa mọi ách nạn khổ đau, thường được an vui, thọ hưởng Pháp Vị Giải Thoát của Đấng Phật Đà.

                                                                 

                                 

                                                                 

                                                           Mùa Thu năm Giáp Ngọ (2014)

                                                  Huyền Thanh (Nguyễn Vũ Tài) kính ghi

 

 

 

 

 Phat Thich Ca-2c

 

 


Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665
 
KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
_QUYỂN THỨ NHẤT_
 
Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH
  
TỰA
_PHẨM THỨ NHẤT_


 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự trên ngọn núi Kỳ Xà Quật (Gṛdhra-kuṭa) tại thành Vương Xá (Rāja-gṛha), ở Pháp Giới (Dharma-dhātu) rất thanh tịnh thâm sâu, là cảnh của chư Phật, nơi cư ngụ của Như Lai, cùng với Chúng Đại Bật Sô (Mahatā bhikṣu-saṃgha) gồm chín vạn tám ngàn người đều là A La Hán (Arhate), hay khéo điều phục như voi chúa lớn (Mahā-hāsti-rāja: đại Tượng Vương), đã trừ các Lậu (Āsvara:sự chảy rỉ, tên riêng của phiền não) không có phiền não nữa, Tâm khéo giải thoát, Tuệ khéo giải thoát, chỗ cần làm đã làm xong, buông bỏ các gánh nặng, đạt được lợi mình, hết các Hữu Kết (quả báo của sinh tử), được đại tự tại, trụ Giới thanh tịnh, phương tiện khéo léo, Trí Tuệ trang nghiêm, chứng tám Giải Thoát, đã đến bờ bên kia (Pāramita). Các vị ấy tên là: Cụ Thọ (Āyuṣmat: lời tôn xưng hàng A La Hán) A Nhã Kiều Trần Như (Ājñātakauṇḍinya), Cụ Thọ A Thuyết Thị Đa (Aśvajita), Cụ Thọ Bà Thấp Ba (Vāṣpa), Cụ Thọ Ma Ha Na Ma (Mahā-nāma), Cụ Thọ Bà Đế Lợi Ca (Bhadra), Cụ Thọ Đại Ca Nhiếp Ba (Mahā-kāśyapa), Ưu Lâu Tần Loa Ca Nhiếp (Urubilvā-kāśyapa), Già Gia Ca Nhiếp (Gayā-kāśyapa), Na Đề Ca Nhiếp (Nadī-kāśyapa), Xá Lợi Tử (Śāriputra), Đại Mục Kiền Liên (Mahā-maudgalyāyana). Chỉ có A Nan Đà (Ānanda) trụ ở Học Địa. Các Đại Thanh Văn (Mahā-śrāvaka) của nhóm như vậy đều ở sau bữa trưa, từ Định khởi dậy, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

Lại có Bồ Tát Ma Ha Tát đủ trăm ngàn vạn ức người, có uy đức lớn, như vua Rồng lớn (Mahā-nāgarāja: đại long vương); danh tiếng vang khắp, mọi người đều biết; Thí (Dāna) Giới (Śīla) thanh tịnh, thường ưa thích phụng trì Nhẫn Hạnh (Kṣānti) Tinh Cần (Vīrya) trải qua vô lượng kiếp; vượt qua các Tĩnh Lự (Dhyāna:Thiền Định) cột niệm ở trước mặt; mở toang cửa Tuệ (Prajña-mukhe), khéo tu phương tiện (Upāya), du hý tự tại, Thần Thông (Abhijñā) vi diệu, đạt được Tổng Trì (Dhāraṇī), Biện Tài không tận; chặt đứt các phiền não, trói nhiễm đều quên; chẳng lâu sẽ thành Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathā-jñāna), giáng phục quân chúng Ma, rồi đánh cái trống Pháp (Dharma-dundubhi) chế ngự Ngoại Đạo (Tīrthaka) khiến khởi Tâm trong sạch; chuyển bánh xe Diệu Pháp (Saddharma) hóa độ chúng Trời Người; đều đã trang nghiêm cõi Phật ở mười phương; hữu tình trong sáu nẻo không có ai chẳng nương nhờ lợi ích; thành tựu Đại Trí, đầy đủ Đại Nhẫn; trụ Tâm Đại Từ Bi, có sức thật bền chắc; trải qua việc phụng sự chư Phật, chẳng vào Niết Bàn (Nirvāṇa); phát Tâm thệ nguyện rộng, cùng tận bờ mé vị lai; Rộng ở chỗ của Đức Phật gieo trồng trồng sâu Nhân (Hetu) trong sạch; nơi Pháp của ba đời ngộ Vô Sinh Nhẫn (Anutpattika-kṣānti). Dạo chơi nơi cảnh giới mà hàng nhị Thừa đã thực hành, dùng sự khéo léo rộng lớn hóa đạo Thế Gian, đối với sự dạy bảo của Đại Sư đều hay diễn bày Pháp bí mật, đều đã biết rõ Tính trống rỗng (Śūnyatā: Không Tính) thâm sâu, không có nghi ngờ nữa.

 

Các vị ấy tên là: Vô Chướng Ngại Chuyển Pháp Luân Bồ Tát, Thường Phát Tâm Chuyển Pháp Luân Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát, Diệu Cát Tường Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Tổng Trì Tự Tại Bồ Tát, Đại Biện Trang Nghiêm Vương Bồ Tát, Diệu Cao Sơn Vương Bồ Tát, Đại Hải Thâm Vương Bồ Tát, Bảo Tràng Bồ Tát, Đại Bảo Tràng Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Bảo Thủ Tự Tại Bồ Tát, Kim Cương Thủ Bồ Tát, Hoan Hỷ Lực Bồ Tát, Đại Pháp Lực Bồ Tát, Đại Trang Nghiêm Quang Bồ Tát, Đại Kim Quang Trang Nghiêm Bồ Tát, Tịnh Giới Bồ Tát, Thường Định Bồ Tát, Cực Thanh Tịnh Tuệ Bồ Tát, Kiên Cố Tinh Tiến Bồ Tát, Tâm Như Hư Không  Bồ Tát, Bất Đoạn Đại Nguyện Bồ Tát, Thí Dược Bồ Tát, Liệu Chư Phiền Não Bệnh Bồ Tát, Y Vương Bồ Tát, Hoan Hỷ Cao Vương Bồ Tát, Đắc Thượng Thọ Ký Bồ Tát, Đại Vân Tịnh Quang Bồ Tát, Đại Vân Trì Pháp Bồ Tát, Đại Vân Danh Xưng Thiện Lạc Bồ Tát, Đại Vân Hiện Vô Biên Xưng Bồ Tát, Đại Vân Sư Tử Hống Bồ Tát, Đại Vân Ngưu Vương Hống Bồ Tát, Đại Vân Cát Tường Bồ Tát, Đại Vân Bảo Đức Bồ Tát, Đại Vân Nhật Tạng Bồ Tát, Đại Vân Nguyệt Tạng Bồ Tát, Đại Vân Tinh Quang Bồ Tát, Đại Vân Hỏa Quang Bồ Tát, Đại Vân Điện Quang Bồ Tát, Đại Vân Lôi âm Bồ Tát,  Đại Vân Tuệ Vũ Sung Biến Bồ Tát,  Đại Vân Thanh Tịnh Vũ Vương Bồ Tát, Đại Vân Hoa Thụ Vương Bồ Tát, Đại Vân Thanh Liên Hoa Hương Bồ Tát, Đại Vân Bảo Chiên Đàn Hương Thanh Lương Thân Bồ Tát, Đại Vân Trừ Ám Bồ Tát, Đại Vân Phá Y Bồ Tát. Vô lượng chúng Đại Bồ Tát của nhóm như vậy đều ở sau bữa trưa, từ Định khởi dậy, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

_Lại có Lê Xa Tỳ Đồng Tử (Litsavi-kumāra) gồm năm ức tám ngàn người. Các vị ấy tên là: Sư Tử Quang Đồng Tử, Sư Tử Tuệ Đồng Tử, Pháp Thụ Đồng Tử, Nhân Đà La Thụ Đồng Tử, Đại Quang Đồng Tử, Đại Mãnh Đồng Tử, Phật Hộ Đồng Tử, Pháp Hộ Đồng Tử, Tăng Hộ Đồng Tử, Kim Cương Bộ Đồng Tử, Hư Không Bộ Đồng Tử, Hư Không Hống Đồng Tử, Bảo Tạng Đồng Tử, Cát Tường Diệu Tạng Đồng Tử. Nhóm người như vậy là bậc Thượng Thủ (Pramukha) thảy đều an trụ Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi), ở trong Đại Thừa (Mahā-yana) vui vẻ tin tưởng sâu xa, đều ở sau bữa trưa, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

_Lại có bốn vạn hai ngàn vị Thiên Tử (Devaputra). Các vị ấy tên là: Hỷ Kiến Thiên Tử, Hỷ Duyệt Thiên Tử, Nhật Quang Thiên Tử, Nguyệt Kế Thiên Tử, Minh Tuệ Thiên Tử, Hư Không Tịnh Tuệ Thiên Tử, Trừ Phiền Não Thiên Tử, Cát Tường Thiên Tử. Nhóm Thiên Tử như vậy là bậc Thượng Thủ, đều phát Nguyện rộng hộ trì Đại Thừa, kế thừa phát dương Chính Pháp hay khiến cho chẳng dứt, đều ở sau bữa trưa, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

_Lại có hai vạn tám ngàn vị Long Vương (Nāga-rāja): Liên Hoa Long Vương, Y La Diệp Long Vương, Đại Lực Long Vương, Đại Hống Long Vương, Tiểu Ba Long Vương, Trừ Quyết Thủy Long Vương, Kim Diện Long Vương, Như Ý Long Vương. Nhóm Long Vương như vậy là bậc Thượng Thủ, đối với Pháp Đại Thừa thường ưa thích thọ trì, phát Tâm tin tưởng sâu xa, đều ở sau bữa trưa, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

_Lại có ba vạn sáu ngàn các chúng Dược Xoa (Yakṣa) do Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Vaiśravaṇa) làm Thượng Thủ. Các vị ấy tên là: Am Bà Dược Xoa, Trì Am Bà Dược Xoa, Liên Hoa Quang Tạng Dược Xoa, Liên Hoa Diện Dược Xoa, Tần My Dược Xoa, Hiện Đại Bố Dược Xoa, Động Địa Dược Xoa, Thôn Thực Dược Xoa. Nhóm Dược Xoa đó thảy đều yêu thích Chính Pháp của Như Lai, thâm tâm hộ trì chẳng sinh mệt mỏi lười biếng, đều ở sau bữa trưa, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

_Lại có bốn vạn chín ngàn Yết Lộ Trà Vương (Garuḍa-rāja) do Hương Tượng Thế Lực Vương là bậc Thượng Thủ với hàng Kiện Thát Bà (Gandharva), A Tô La (Asura), Khẩn Na La (Kiṃnara), Mạc Hô Lạc Già (Mahoraga), tất cả Thần Tiên ở núi, rừng, sông, biển kèm với hết thảy chúng vua, Hậu Phi trong cung, Nam Nữ có niềm tin trong sạch ở các nước lớn, Đại chúng người Trời thảy đều vân tập, đều nguyện ủng hộ Đại Thừa vô thượng, đọc tụng, thọ trì, viết chép, lưu bày, đều ở sau bữa trưa, đi đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, rồi lui ra ngồi một bên.

Như vậy, nhóm Thanh Văn, Bồ Tát, Đại Chúng NgườiTrời, tám Bộ Rồng Thần đã vân tập xong, mỗi mỗi đều chí Tâm, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Thế Tôn chẳng chớp mắt, vui nguyện muốn nghe Pháp màu nhiệm thù thắng.

 

_Bấy giờ, Đức Bạc Già Phạm (Thế Tôn) ở sau bữa trưa, từ Định khởi dậy, quán sát Đại Chúng rồi nói Tụng là:

“Diệu Pháp Kim Quang Minh (Suvarṇa-prabhāsa)

Vua các Kinh tối thắng

Thâm sâu, khó được nghe

Cảnh giới của chư Phật

Ta sẽ vì Đại Chúng

Tuyên nói Kinh như vậy

Kèm bốn Phật bốn phương

Uy Thần cùng gia hộ

Phương Đông A Súc Tôn (Akṣobhya)

Phương Nam: Bảo Tướng Phật (Ratna-ketuna)

Phương Tây: vô Lượng Thọ (Amitāyuḥ)

Phương Bắc: Thiên Cổ Âm (Divya-duṇḍubhi-svara)

Ta lại diễn Diệu Pháp

Thắng (thù thắng) trong Sám cát tường

Hay diệt tất cả tội

Tịnh trừ các nghiệp ác

Với tiêu mọi nạn khổ

Thường cho vô lượng vui

Gốc rễ Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Các Công Đức (Guṇa) trang nghiêm

_Chúng sinh: chẳng đủ thân

Tướng thọ mệnh tỗn giảm

Các tướng ác hiện tiền

Thiên Thần đều buông lìa

Thân hữu ôm sân hận

Quyến thuộc đều chia lìa

Nhóm ấy cùng trái ngược

Trân tài đều tan mất

Sao ác gây biến quái

Bị Tà Cổ xâm hại

Hoặc lại nhiều lo buồn

Mọi nỗi khổ ép bức

Nằm ngủ thấy mộng ác

Nhân đây, sinh phiền não.

_Người đó nên tắm gội

Nên mặc áo sạch mới

Nơi Diệu Kinh Vương này

Nơi Phật khen sâu xa

Chuyên chú Tâm không loạn

Đọc tụng, nghe, thọ trì

Do uy lực Kinh này

Hay lìa các tai vạ

Với mọn nạn khổ khác

Không gì chẳng trừ diệt

Cúng bốn vương Hộ Thế (Loka-pāla)

Với Đại Thần, quyến thuộc

Vô Lượng các Dược Xoa

Một lòng đều bảo vệ

Đại Biện Tài Thiên Nữ (Sarasvatī)

Thủy Thần sông Ni Liên (Nairañjanavāsinī-devatā)

Ha Lợi Đế Mẫu Thần  (Hārītī)

Chúng Kiên Lao Địa Thần (Dṛḍhā-pṛthivī-devatā)

Phạm Vương (Brahma), Đế Thích Chủ (Indra)

Long Vương (Nāga-rāja), Khẩn Na La (Kiṃnara)

Với Kim Sí Điểu Vương (Garuḍa-rāja)

A Tô La  (Asura), chúng Trời (Deva-gaṇa)

Nhóm Thiên Thần như vậy

Cùng đem các Quyến thuộc

Đều đến giúp ngưới đó

Ngày đêm thường chẳng lìa

_Ta sẽ nói Kinh này

Phật Hành Xứ (Buddha-gocara: Hành Xứ của Đức Phật) thâm sâu

Giáo bí mật của Phật

Ngàn vạn kiếp khó gặp

Nếu có nghe Kinh đó

Hay vì người diễn nói

Hoặc Tâm sinh tùy vui

Hoặc bày biện cúng dường

Các nhóm người như vậy

Sẽ ở vô lượng kiếp

Thường được các Trời, Người

Rồng, Thần đều cung kính

Nhóm Phước này vô lượng

Hơn số cát sông Hằng

Người đọc tụng Kinh đó

Sẽ được Công Đức này

Cũng được mười phương Tôn

Các Bồ Tát hạnh sâu

Ủng hộ người trì Kinh

Khiến lìa các nạn khổ

_Người cúng dường Kinh này

Như trước, tắm gội thân

Thức ăn uống, hương hoa

Luôn khởi ý Từ Bi

Nếu muốn nghe Kinh đó

Khiến Tâm sạch, không dơ

Thường sinh niệm vui vẻ

Tăng trưởng các Công Đức

_Nếu dùng Tâm tôn trọng

Người lắng nghe Kinh này

Khéo sinh vào cõi người

Xa lìa các nạn khổ

Căn lành ấy thành thục

Nơi chư Phật khen ngợi

Mới được nghe Kinh đó

Với dùng Pháp Sám Hối

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

THỌ LƯỢNG CỦA  NHƯ LAI

_PHẨM THỨ HAI_

 

Bấy giờ, Đại Thành Vương Xá có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Diệu Tràng (Rucira-ketu: Diệu Tràng, hay Tín Tướng) đã ở chỗ của vô lượng câu chi na dữu đa trăm ngàn Phật trong quá khứ, thừa sự, cúng dường, gieo trồng các căn lành.

Lúc đó, Diệu Tràng Bồ Tát ở một mình tại nơi yên tĩnh, tác suy nghĩ này: “Do nhân duyên nào mà Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai có thọ mạng ngắn ngủi, chỉ có tám mươi năm?”

Lại tác niệm này: “Như Đức Phật đã nói, có hai nhân duyên được thọ mạng lâu dài. Thế nào là hai? Một là chẳng hại sinh mạng, hai là cho người khác thức ăn uống. Mà Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai từng ở vô lượng trăm ngàn vạn ức vô số Đại Kiếp chẳng hại sinh mạng, hành Thập Thiện Đạo, thường đem thức ăn uống ban cho tất cả chúng sinh đói khát, cho đến máu thịt xương tủy của thân mình cũng cầm, đem cho khiến họ được no đủ, huống chi là thức ăn uống khác?!...”

Khi Vị Bồ Tát ấy ở chỗ của Đức Thế Tôn tác niệm này thời do uy lực của Đức Phật, cái thất ấy đột nhiên rộng rãi nghiêm tịnh, với Đế Thanh (Indranilamuktā: ngọc báu màu xanh), Lưu Ly (Vaiḍurya) mọi loại vật báu đủ màu xen kẽ tô điểm như tịnh thổ của Phật, có hương thơm màu nhiệm vượt hơn các thứ hương của cõi Trời, thơm phức tràn đầy. Ở bốn mặt ấy đều có tòa sư tử thượng diệu do bốn báu tạo thành, dùng áo báu của cõi Trời phủ lên trên. Lại ở tòa này có hoa sen màu nhiệm, dùng mọi loại trân bảo nghiêm sức tương xứng với Đức Như Lai tự nhiên hiển hiện. Ở trên hoa sen có bốn Đức Như Lai: Bất Động (Akṣobhya) ở phương Đông, Bảo Tướng (Ratna-ketuna) ở phương Nam, Vô Thượng Thọ (Amitāyuḥ) ở phương Tây, Thiên Cổ Âm (Divya-duṇḍubhi-svara) ở phương Bắc. Bốn Đức Như Lai đó đều ngồi Kiết Già trên tòa ấy, phóng ánh sáng lớn chiếu sáng vòng khắp đại thành Vương Xá (Rāja-gṛha) với ba ngàn Đại Thiên Thế Giới cho đến cõi nước của hằng hà sa đẳng chư  phật ở mười phương, tuôn mưa các hoa của cõi Trời, tấu các âm nhạc của cõi Trời

Bấy giờ, ở trong Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) này với ba ngàn Đại Thiên Thế Giới: hết thảy chúng sinh do uy lực của Đức Phật nhận được niềm vui màu nhiệm thù thắng, không có thiếu thốn. Nếu thân chẳng đủ đều nhận được đầy đủ, người mù được nhìn thấy, người điếc được nghe, người câm hay nói được, người ngu được Trí. Nếu người loạn tâm thì được lại Bản Tâm, nếu người không có quần áo thì được quần áo, kẻ xấu xí hèn mọn được người kính trọng, kẻ dơ bẩn thì được thân thanh khiết. Ở Thế Gian này, hết thảy lợi ích, việc chưa từng có thảy đểu hiển hiện

Khi ấy, Diệu Tàng Bồ Tát thấy bốn Đức Như Lai với việc hiếm có thì vui mừng hớn hở, chắp tay, một lòng chiêm ngưỡng tướng thù thắng của chư Phật, cũng lại suy nghĩ: “Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai có vô lượng Công Đức, chỉ đối với thọ mạng thì sinh Tâm nghi ngờ. Tại sao Như Lai có Công Đức vô lượng mà thọ mạng ngắn ngủi, chỉ có 80 năm?!...”

Bấy giờ, bốn Đức Phật bảo Diệu Tràng Bồ Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Nay ông chẳng nên suy nghĩ về thọ mạng dài ngắn của Đức Như Lai. Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Chúng Ta chẳng thấy chư Thiên (Deva), Thế Gian (Laukika), Phạm (Brahma), Ma (Mārā), Sa Môn (Śramaṇa), Bà La Môn (Brāhman), Người (Manuṣa) với Phi Nhân (Amanuṣa) nào có thể tính biết Thọ lượng (Āyuḥ-pramāṇa: lượng tuổi thọ) của Đức Phật, biết được hạn cùng cực ấy. Chỉ trừ bậc Vô Thượng Chính Biến Tri

 

_Thời bốn Đức Như Lai muốn nói hết thảy thọ lượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Do uy lực của Đức Phật: chư Thiên của cõi Dục (Kāma-dhātu) với cõi Sắc (Rūpa-dhātu), các Rồng (Nāga), Quỷ (Preta), Thần (Deavatā), Kiện Thát Bà (Gandharva), A Tô La (Asura), Yết Lộ Trà (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Mạc Lô Lạc Già (Mahoraga) với vô lượng trăm ngàn ức na dữu đa Bồ Tát Ma Ha Tát thảy đều tập hội, vào trong cái thất màu nhiệm thanh tịnh của Diệu Tràng Bồ Tát.

Bấy giờ, bốn Đức Phật ở trong Đại Chúng, muốn hiển hết thảy thọ lượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, nên nói Tụng rằng:

“_Tất cả nước các biển

Có thể biết số giọt

Không có thể đếm biết

Thọ Lượng của Thích Ca

_Chẻ các núi Diệu Cao (Sumeru:núi Tu Di)

Thành các hạt cải nhỏ

Vẫn có thể biết số

Không có thể đếm biết

Thọ Lượng của Thích Ca

_Tất cả đất Đại Địa

Có thể biết số bụi

Không có thể đếm biết

Thọ Lượng của Thích Ca

_Giả sử lượng Hư Không

Vẫn biết tận bờ mé

Không có thể đo biết

Thọ Lượng của Thích Ca

_Nếu người trụ ức kiếp

Hết sức thường tính đếm

Cũng lại chẳng thể biết

Thọ Lượng của Thế Tôn

_Chẳng hại mạng chúng sinh

Với cho thức ăn uống

Do hai loại Nhân (Hetu) này

Được thọ mạng lâu dài

Thế nên, Đại Giác Tôn

Thọ mạng khó biết số

Như kiếp không bờ mé

Thọ lượng cũng như vậy

_Diệu Tràng! Ông nên biết

Chẳng nên khởi nghi ngờ

Thọ tối thắng vô lượng

Không ai biết được số”

 

Khi ấy, Diệu Tràng Bồ Tát nghe bốn Đức Như Lai nói thọ lượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật không có giới hạn, nên bạch rằng: “Thế Tôn! Vì sao Đức Như Lai hiện bày lượng tuổi thọ ngắn ngủi như vậy?”

Thời bốn Đức Thế Tôn bảo Diệu Tràng Bồ Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ấy ở đời năm Trược [Pañca-kaṣāya: gồm có Kiếp Trược (Kalpa–kaṣāya), Kiến Trược (Dṛṣṭi-kaṣāya), Phiền Não Trược (Kleśa-kaṣāya), Chúng Sinh Trược (Satva-kaṣāya), Mệnh Trược (āyuskaṣāya)]. Khi hiện ra thời tuổi thọ của con người khoảng một trăm năm, bẩm tính thấp kém, căn lành nhỏ bé mỏng manh, lại không có Tín Giải (Adhimukti: y theo lời nói mà được sự hiểu biết thù thắng). Các chúng sinh này, phần lớn có quan điểm sai lầm là cố chấp thật có ta, thật có người, thật có chúng sinh, thật có thọ mạng. Nuôi dưỡng Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi: kiến giải trái ngược chẳng hợp lý), quan điểm: thật có ta (Ātman: ngã), thật có cái của ta (Mama-kāra: ngã sở) với nhóm Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi: quan điểm cho rằng khi thân này chết là đoạn diệt hết, không còn gì nữa), Thường Kiến (Nitya- dṛṣṭi: quan điểm cho rằng thế giới là thường trụ chẳng biến đổi, tự ngã của nhân loại chẳng diệt, sau khi loài người chết thì tự ngã cũng chẳng bị tiêu diệt, lại hay tái sinh mà lại dùng hiện trạng nối tiếp, tức nói cái Ta là thường trụ). Vì muốn lợi ích cho các Dị Sinh (Pṛthag-jna: phàm phu, chúng sinh) này với chúng Ngoại Đạo (Tīrthika), đẳng loại như vậy khiến sinh sự hiểu biết chính đúng (chính giải) mau được thành tựu Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi). Thế nên Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai hiện bày thọ mạng ngắn ngủi như vậy.

Này Thiện Nam Tử! Như vậy, Đức Như Lai ấy muốn khiến cho chúng sinh thấy Ngài vào Niết Bàn (Nirvāṇa) xong thì sinh tưởng khó gặp, nhóm tưởng lo khổ…đối với Kinh Giáo mà Đức Phật Thế Tôn đã nói, mau sẽ thọ trì, đọc tụng, thông lợi, vì người giải nói, chẳng sinh chê bai chế diễu. Chính vì thế cho nên Đức Như Lai hiện tuổi thọ ngắn ngủi này. Tại sao thế? Vì các chúng sinh ấy nếu thấy Đức Như Lai chẳng Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn) thì chẳng sinh tưởng cung kính, khó gặp. Kinh Điển thâm sâu do Đức Như Lai đã nói cũng chẳng thọ trì, đọc tụng, thông lợi. vì người tuyên nói. Tại sao thế? Do thường thấy Phật nên chẳng tôn trọng vậy.

Này Thiện Nam Tử! Ví như có người thấy cha mẹ của mình có nhiều tài sản, châu báu dư thừa. Liền đối với tài vật chẳng sinh tưởng hiếm có khó gặp. Tại sao thế? Vì đối với tài sản của cha, sinh tưởng thường có vậy

Thiện Nam Tử! Các chúng sinh kia cũng lại như vậy. Nếu thấy Đức Như Lai chẳng vào Niết Bàn thì chẳng sinh tưởng hiếm có khó gặp. Tại sao thế?  Vì do thường thấy vậy.

 

_Này Thiện Nam Tử! Ví như có người, cha mẹ nghèo cùng, thiếu thốn tiền của. Nhưng người nghèo ấy hoặc đến ngà của vua, hoặc nhà của Đại Thần thấy thương khố ấy có mọi loại châu báu thảy đều tràn đầy nên sinh Tâm hiếm có, Tưởng khó gặp. Thời người nghèo kia vì muốn cầu tiền, rộng bày phương tiện nhắc nhở siêng năng không có lười biếng. Tại sao thế? Vì buông bỏ nghèo cùng, thọ nhận an vui vậy

Thiện Nam Tử! Các chúng sinh kia cũng lại như vậy. Nếu thấy Đức Như Lai nhập vào Niết Bàn thì sinh tưởng khó gặp, cho đến nhóm tưởng loa khổ. Lại tác niệm này: “Ở vô lượng kiếp, chư Phật Như Lai hiện ra ở đời như hoa Ô Đàm Bạt (Udumbara: Thụy Ứng Hoa) đúng thời mới hiện một lần. Các chúng sinh kia phát Tâm hiếm có, khởi tưởng khó gặp. Nếu gặp Đức Như Lai thì Tâm sinh kính tin, nghe nói Chính Pháp, sinh tưởng Thật Ngữ (lời nói chân thật), hết thảy Kinh Điển thảy đều thọ trì, chẳng sinh hủy báng.

Này Thiện Nam Tử! Do Nhân Duyên đó nên Đức Phật Thế Tôn ấy chẳng trụ lâu ở đời mà mau vào Niết Bàn.

Thiện Nam Tử! Các Như Lai đấy dùng phương tiện khéo léo của nhóm như vậy mà thành tựu chúng sinh”

 

_Bấy giờ, bốn Đức Phật nói lời đó xong, đột nhiên chẳng hiện.

Khi ấy, Diệu Tràng Bồ Tát Ma Ha Tát cùng với vô lượng trăm ngàn Bồ Tát với vô lượng ức na dữu đa trăm ngàn chúng sinh cùng nhau đi đến chỗ của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Chính Biến Tri trong núi Thứu Phong (Gṛdhra-kuṭa), đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi đứng ở một bên. Thời, Diệu Tràng Bồ Tát đem việc như bên trên thưa trình đầy đủ với Đức Thế Tôn

Lúc đó, bốn Đức Như Lai cũng đến Thứu Phong, đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều tùy theo phương của mình chọn tòa ngồi mà ngồi, bảo Bồ Tát Thị Giả (Ante-vāsi) rằng: “Thiện Nam Tử! Nay ông có thể đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thay mặt Ta thăm hỏi Ngài có ít bệnh, ít buồn bực, cuộc sống thường ngày có nhẹ nhàng thuận lợi, đi lại an vui chăng?”. Lại nói lời này: “Lành thay! Lành Thay! Thích Ca Mâu Ni Như Lai nay có thể diễn nói Pháp Yếu thâm sâu của Kinh Kim Quang Minh, vì muốn nhiêu ích cho tất cả chúng sinh, trừ khử đói khát khiến được an vui. Ta sẽ tùy vui”

Thời Thị Giả ấy đều đến chỗ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đỉnh lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi lui ra đứng một bên, đều bạch Phật rằng: “Đấng Thiên Nhân Sư kia thăm hỏi bậc Vô Lượng có ít bệnh, ít buồn bực, cuộc sống thường ngày có nhẹ nhàng thuận lợi, đi lại an vui chăng?”. Lại nói lời này: “Lành thay! Lành Thay! Thích Ca Mâu Ni Như Lai nay có thể diễn nói Pháp Yếu thâm sâu của Kinh Kim Quang Minh, vì muốn nhiêu ích cho tất cả chúng sinh, trừ khử đói khát khiến được an vui”.

 

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác bảo các Bồ Tát Thị Giả ấy rằng: “Lành thay! Lành thay! Bốn Đức Như Lai ấy mới hay vì nhiêu ích an vui cho các chúng sinh mà khuyến thỉnh Ta tuyên dương Chính pháp”

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói Tụng rằng:

“Ta thường ở núi Thứu

Tuyên nói báu Kinh này

Thành tựu chúng sinh nên

Hiện bày Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn)

Phàm Phu khởi Tà Kiến

Chẳng tin điều Ta nói

Vì thành tựu kẻ ấy

Hiện bày Bát Niết Bàn

 

Thời trong Đại Hội có vị Bà La Môn (Brāhmaṇa) họ là Kiều Trần Như (Kauṇḍiya), tên là Pháp Sư Thọ ký (Ācārya-vyākaraṇa-prāpta) cùng với vô lượng trăm ngàn chúng Bà La Môn cúng dường Đức Phật xong, nghe Đức Thế Tôn nói vào Bát Niết Bàn thì nước mắt nước mũi giao nhau tuôn chảy, tiến lên phía trước lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Nếu thật Đức Như Lai đối với chúng sinh có Đại Từ Bi, thương xót lợi ích khiến được an vui giống như cha mẹ, ngoài ra không có ai bằng, Hay làm chỗ quy y cho Thế Gian như mặt trăng tròn đầy thanh tịnh, dùng Đại Trí Tuệ hay làm chiếu sáng như mặt trời mới mọc. Quán khắp chúng sinh, yêu thương không có thiên lệch như La Hỗ La (Rāhula). Nguyện xin Đức Thế Tôn ban cho con một Nguyện”  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn yên lặng mà dừng. Do uy lực của Đức Phật cho nên ở trong Chúng này có vị Lê Xa Tỳ Đồng Tử (Litsavi-kumāra) tên là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến (Sarva-satva-priya-darśana) bảo Bà La Môn Kiều Trần Như rằng: “Đại Bà La Môn! Nay ông theo Đức Phật, muốn xin nguyện gì? Tôi có thể cho ông”

Bà La Môn nói: “Này Đồng Tử! Tôi muốn cúng dường Đức Thế Tôn vô thượng. Nay theo Đức Như Lai cầu thỉnh Xá Lợi (Śarīra) khoảng như hạt cải. Tại sao thế? Tôi từng nghe nói nếu kẻ trai lành, người nữ thiện được Xá Lợi của Phật khoảng như hạt cải mà cung kính cúng dường thì người này sẽ sinh vào cõi Tam Thập Tam Thiên (Trāyastriṃśat-deva) mà làm Đế Thích (Indra)”.

Lúc đó, Đồng Tử bảo Bà La Môn rằng: “Nếu người muốn nguyện sinh vẻo cõi Tam Thập Tam Thiên thọ nhận quả báo thù thắng thì cần phải chí Tâm lắng nghe Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh này, ở trong các Kinh rất ư thù thắng, khó hiểu khó vào, là nơi mà Thanh Văn Độc Giác chẳng thể biết, Kinh này hay sinh vô biên Phước Đức Quả Báo, cho đến thành biện Vô Thượng Bồ Đề, Nay tôi vì ông lược nói việc ấy”.

Bà La Môn nói: “Lành thay Đồng Tử! Kim Quang Minh này thâm sâu tối thượng, khó hiểu khó vào, Thanh Văn Độc Giác còn chẳng thể biết, huống chi là chúng tôi, người ở biên thùy, Trí Tuệ nhỏ hẹp mà có thể hiểu rõ. Thế nên, nay tôi cầu Xá Lợi của Phật khoảng như hạt cải, cầm về bản xứ, để trong hộp báu, cung kính cúng dường, sau khi mệnh chung được làm Đế Thích, thường thọ nhận an vui. Tại sao ông chẳng thể vì tôi, theo Đức Minh Hạnh Túc (Vidyā-caraṇa-saṃpanna) cầu một Nguyện này?”

 

Nói lời đấy xong. Bấy giờ, Đồng Tử liền vì Bà La Môn mà nói Tụng là:

“Sông Hằng, nước chảy mau

Có thể sinh sen trắng

Chim vàng (hoàng điểu) làm hình trắng

Chim đen (hắc điểu) biến làm đỏ

Giả sử cây Thiệm Bộ (Jambū)

Lại sinh quả Đa La (Tāla-phala)

Trong cành Khiết Thụ La (Kharjūra)

Hay sinh lá Am La (Amra)

Nhóm này, vật hiếm có

Hoặc có thể chuyển biến

Xá Lợi của Thế Tôn

Rốt ráo chẳng thể được

_Giả sử dùng lông rùa

Dệt thành áo thượng diệu

Khi lạnh có thể mặc

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử chân ve, muỗi

Hay khiến thành lầu quán

Bền chắc chẳng lay động

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử Thủy Điệt Trùng (con đỉa)

Trong miệng sinh răng trắng

Dài, lớn, bén như Phong (mũi nhọn)

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử cầm sừng thỏ

Dùng thành các bậc thanh

Có thể lên cung Trời 

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Chuột duyên trên thang này

Trử khử A Tô La

Hay che trăng trong không

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Nếu ruồi uống rượu say

Đi vòng trong thành ấp

Rộng tạo làm nhà cửa

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Nếu khiến màu môi lừa (con lừa)

Đỏ như quả Tần Bà (Bimbara, hay Bimba)

Khéo làm nơi ca múa

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Quạ với chim cú vọ

Cùng nhau dạo một chỗ

Đó đây cùng thuận tùng

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sứ lá Ba La

Có thể thành dù lọng

Hay ngăn che mưa lớn

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Mượn khiến tàu thuyền lớn

Chứa đầy các tài bảo

Khiến đi trên lục địa

Mới cầu Xá Lợi Phật

_Giả sử chim Tiêu Liêu (chim Hồng Tước)

Dùng mỏ ngậm Hương Sơn (Gandha-mādana: tục gọi là núi Côn Lôn)

Tùy theo xứ, du hành

Mới cầu Xá Lợi Phật”

 

Lúc đó, Bà La Môn Pháp Sư Thọ Ký nghe Tụng này xong, cũng dùng Già Tha (Kệ Tụng) đáp Đồng Tử Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến rằng:

“_Lành thay! Đại Đồng Tử

Cát Tường trong Chúng này

Tâm phương tiện khéo léo

Được Phật Vô Thượng Ký

Như Lai: uy đức lớn

Hay cứu giúp Thế Gian

Nhân Giả chí Tâm nghe

Nay tôi thứ tự nói

_Cảnh chư Phật khó nghĩ

Thế Gian không gì bằng

Pháp Thân, Tính thường trụ

Tu hành không không sai biệt

_Thể chư Phật đều đồng

Pháp đã nói cũng thế

Chư Phật, không người làm

Cũng lại vốn không sinh

_Thế Tôn, Thể Kim Cương

Quyền hiện ở Hóa Thân (Nirmāṇa-kāya)

Thế nên Xá Lợi Phật

Không như một hạt cải

_Phật chẳng phải là thân máu thịt

Làm sao có Xá Lợi

Phương tiện lưu xương cốt

Vì lợi các chúng sinh

_Pháp Thân là Chính Giác

Pháp Giới tức Như Lai

Là Chân Thân của Phật

Cũng nói Pháp như vậy”

 

Bấy giờ, trong Hội:  ba vạn hai ngàn vị Thiên Tử nghe nói Thọ Mệnh lâu dài của Đức Như Lai, đều phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) vui mừng hớn hở được điều chưa từng có, khác miệng đồng âm mà nói Tụng rằng:

“Phật chẳng Bát Niết Bàn (vào Niết Bàn)

Chính Pháp cũng chẳng diệt

Vì lợi chúng sinh nên

Hiện bày có diệt tật

Thế Tôn chẳng nghĩ bàn

Diệu Thể không tướng khác

Vì lợi chúng sinh nên

Hiện mọi loại trang nghiêm”

 

Khi ấy, Diệu Tràng Bồ Tát ở gần trước mặt Đức Phật với bốn Đức Như Lai kèm hai vị Đại Sĩ, chỗ của các Thiên Tử… nghe nói việc Thọ Lượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai xong, lại từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu thật như vậy thì chư Phật Như Lai chẳng Bát Niết Bàn, không có Xá Lợi. Thế tại sao trong Kinh nói có Niết Bàn với Xá Lợi của Phật, khiến cho các Người Trời cung kính cúng dường. Chư Phật quá khứ hiện có xương cốt của thân lưu bày ở đời, Người Trời cúng dường được Phước vô biên, nay lại nói không có!...nên sinh nghi ngờ. Nguyện xin Đức Thế Tôn thương xót chúng con, rộng vì phân biệt”

Bấy giờ, Đức Phật bảo Diệu Tràng Bồ Tát với các Đại Chúng: “Các ngươi nên biết, nói Bát Niết Bàn, có Xá Lợi là Mật Ý nói, Nghĩa như vậy, nên một lòng lắng nghe!.

_Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết như vầy: có mười Pháp hay giải thích được  Lý Thú chân thật của Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, nói có Đại Niết Bàn cứu cánh. Thế nào là mười?

1_Chư Phật Như Lai rốt ráo chặt đứt hết các Phiền Não Chướng (Kleśāvaraṇa), Sở Tri Chướng (Jñeyāvaraṇa) cho nên gọi là Niết Bàn (Nirvāṇa)

2_Chư Phật Như Lai khéo hay hiểu thấu Hữu Tình Vô Tính với Pháp Vô Tính, cho nên gọi là Niết Bàn

3_Hay chuyển Thân Y với Pháp Y cho nên gọi là Niết Bàn

4_Đối với các hữu tình mặc tình (nhậm vận) ngưng nghỉ nhân duyên cảm hóa, cho nên gọi là Niết Bàn.

5_Chứng được tướng không có sai biệt của sự chân thật, Pháp Thân bình đẳng cho nên gọi là Niết Bàn

6_Hiểu thấu sinh tử với Niết Bàn không có hai Tính cho nên gọi là Niết Bàn

7_Đối với tất cả Pháp, hiểu thấu căn bản ấy, chứng thanh tịnh cho nên gọi là Niết Bàn

8_Đối với tất cả Pháp không có sinh, không có diệt, khéo tu hành cho nên gọi là Niết Bàn

9_Chân Như Pháp Giới Thật Tế bình đẳng, được Chính Trí cho nên gọi là Niết Bàn

10_Đối với Tính của các Pháp với Tính của Niết Bàn, được không có sai biệt cho nên gọi là Niết Bàn

Đây là mười Pháp nói có Niết Bàn.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết như vầy: lại có mười Pháp hay giải thích được Lý Thú chân thật của Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, nói có Đại Niết Bàn cứu cánh. Thế nào là mười?

1_Tất cả phiền não dùng nguyện cầu ước muốn (lạc dục) làm gốc, từ nguyện cầu ước muốn (lạc dục) mà sinh. Chư Phật Thế Tôn chặt đứt nguyện cầu ước muốn (lạc dục) cho nên gọi là Niết Bàn.

2_Do các Như Lai chặt đứt các nguyện cầu ước muốn (lạc dục), chẳng nhận lấy một Pháp. Do chẳng nhận lấy cho nên không có đi không có đến, không có chỗ chọn lấy cho nên gọi là Niết Bàn.

3_Do không có đi đến với không có chỗ chọn lấy, Đấy tức là Pháp Thân chẳng sinh chẳng diệt. Do không có sinh diệt cho nên gọi là Niết Bàn.

4_Không có sinh diệt này chẳng phải là nơi mà lời nói thông suốt được. Vì ngôn ngữ bị chặt đứt cho nên gọi là Niết Bàn.

5_Không có ta người, chỉ có Pháp sinh diệt được Chuyển Y (āśraya-parivṛtti, hoặc āśraya-parāvṛtti) cho nên gọi là Niết Bàn.

6_Phiền não (Kleśa) tùy theo Hoặc (trạng huống mê loạn của nội tâm) đều là Khách Trần. Pháp Tính (Dharmatā) là chủ không có đến không có đi. Do Đức Phật biết rõ cho nên gọi là Niết Bàn.

7_Chân Như (Bhūta-tathatā, hay Tathatā) là thật, ngoài ra đều hư vọng. Thể của Thật Tính tức là Chân Như, Tính của Chân Như tức là Như Lai, nên gọi là Niết Bàn.

8_Tính của Thật Tế (Bhūta-koṭi) không có hý luận. Chỉ có một mình Đức Như Lai chứng Pháp Thật Tế, chặt đứt hẳn hý luận, cho nên gọi là Niết Bàn.

9_Không có sinh (vô sinh) là thật, sinh là hư vọng. Người ngu si chìm đắm sinh tử. Thể của Như Lai thật không có hư vọng, cho nên gọi là Niết Bàn.

10_Pháp chẳng thật là từ Duyên sinh, Pháp chân thật chẳng từ Duyên dấy lên. Thể Pháp Thân của Như Lai là chân thật, cho nên gọi là Niết Bàn.

Thiện Nam Tử! Đây là mười Pháp nói có Niết Bàn.

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát nên biết như vầy: lại có mười Pháp hay giải thích được Lý Thú chân thật của Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, nói có Đại Niết Bàn cứu cánh. Thế nào là mười?

1_Như Lai khéo biết Thí (Dāna: bố thí) với quả của Thí (Dāna-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Thí với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

2_Như Lai khéo biết Giới (Śīla: trì Giới) với quả của Giới (Śīla-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Giới với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

3_Như Lai khéo biết Nhẫn (Kṣānti: nhẫn nhục) với quả của Nhẫn (Kṣānti-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Nhẫn với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

4_Như Lai khéo biết Cần (Vīrya: tinh tiến) với quả của Cần (Vīrya-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Cần với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

5_Như Lai khéo biết Định (Dhyāna: thiền định) với quả của Định (Dhyāna-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Định với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

6_Như Lai khéo biết Tuệ (Prajñā: Trí Tuệ) với quả của Tuệ (Prajñā-phala), không có cái ta (Ātman: ngã) cái của ta (Mama-kāra: ngã sở). Tuệ với Quả này, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

7_Chư Phật Như Lai khéo hay biết rõ tất cả Hữu Tình, Phi Hữu Tình, tất cả các Pháp đều không có Tính, chẳng phân biệt chính đúng được trừ diệt vĩnh viễn, cho nên gọi là Niết Bàn.

8_Nếu người tự yêu thương mình, liền dấy lên sự theo đuổi tìm kiếm (truy cầu). Do theo đuổi tìm kiếm cho nên nhận chịu mọi khổ não. Vì chư Phật Như Lai trừ bỏ sự tự yêu thương mình cho nên dứt hẳn sự theo đuổi tìm kiếm. Do không có theo đuổi tìm kiếm cho nên gọi là Niết Bàn.

9_Pháp của Hữu Vi (Saṃskṛta) đều có số lượng, Pháp của Vô Vi (Asaṃskṛta) đều trừ bỏ số lượng. Đức Phật lìa Hữu Vi, chứng Pháp Vô Vi. Do không có số lượng cho nên gọi là Niết Bàn.

10_Như Lai hiểu rỏ Thể Tính của hữu tình với Pháp đều trống rỗng (Śūnya:không), lìa trống rỗng chẳng phải là có. Tính trống rỗng (Śūnyatā: Không Tính) tức là Pháp Thân chân thật, cho nên gọi là Niết Bàn.

Thiện Nam Tử! Đây là mười Pháp nói có Niết Bàn.

 

_Lại nữa Thiện Nam Tử! Há chỉ có Như Lai chẳng Bát Niết Bàn là điều hiếm có. Lại có mười loại Pháp hiếm có là Hạnh của Như Lai (Tathāgata-caryā: Như Lai Hạnh). Thế nào là mười?

1_Sinh tử lỗi lầm, Niết Bàn vắng lặng. Do ở Sinh Tử cùng với Niết Bàn, chứng bình đẳng cho nên chẳng ở lưu chuyển, chẳng trụ Niết Bàn, đối với các chúng sinh chẳng sinh chán bỏ. Là Hạnh của Như Lai.

2_ Đức Phật đối với chúng sinh chẳng tác niệm này: Các Ngu Phu này thực hành cái thấy điên đảo (điên đảo kiến) bị các phiền não ràng buộc ép bức, nay Ta khai ngộ khiến cho họ giải thoát. Nhưng do sức căn lành của lòng Từ (Từ thiện căn lực) xưa kia, đối với hữu tình ấy, tùy theo căn tính của họ, ý ưa thích Thắng Giải (Adhimokṣa: hiểu thấu sự thù thắng), chẳng khởi phân biệt, mặc tình tế độ, chỉ bày dạy bảo lợi vui, tận bờ mé vị lai không có cùng tận. Là Hạnh của Như Lai.

3_Đức Phật không có niệm này: Nay Ta diễn nói mười hai phần Giáo lợi ích hữu tình. Nhưng do sức căn lành của lòng Từ (Từ thiện căn lực) xưa kia, vì hữu tình ấy rộng nói, cho đến tận bờ mé vị lai, không có cùng tận. Là Hạnh của Như Lai.

4_Đức Phật không có niệm này: Nay Ta đến thành ấp, thôn xóm kia, nhà của nhóm vua chúa với Đại Thần, Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Bệ Xá, Thú Đà La… theo nơi ấy xin thức ăn. Nhưng do sức quán tập của Hạnh thân miệng ý xưa kia cho nên mặc tình đến chốn ấy, vì việc lợi ích mà đi khất thực (xin thức ăn). Là Hạnh của Như Lai.

5_Thân của Như Lai không có đói khát, cũng không có tướng đại tiểu tiện, mệt nhọc quẫn bách, tuy đi xin lấy thức ăn mà không có chỗ ăn (vô sở thực), cũng không có phân biệt. Nhưng vì nhậm vận lợi ích hữu tình, bày có tướng ăn. Là Hạnh của Như Lai.

6_Đức Phật không có niệm này: Các chúng sinh này có thượng trung hạ, tùy theo tính chất căn cơ (cơ tính) của họ mà nói Pháp. Nhưng Đức Phật Thế Tôn không có phân biệt, tùy theo khí lượng ấy, khéo ứng với cơ duyên vì kẻ ấy nói Pháp. Là Hạnh của Như Lai.

7_Đức Phật không có niệm này: Loại hữu tình này chẳng cung kính Ta, thường ở chỗ của Ta phát ra lời mắng chửi, chẳng thể cùng với kẻ ấy nói năng luận bàn được. Loại hữu tình kia cung kính Ta, thường ở chỗ của Ta cùng nhau khen ngợi, Ta nên cùng với kẻ ấy nói chuyện. Thế nhưng Đức Như Lai khởi Tâm Từ Bi, bình đẳng không có hai. Là Hạnh của Như Lai.

8_Chư Phật Như Lai không có yêu ghét, kiêu mạn, tham tiếc với các phiền não. Thế nhưng Đức Như Lai thường ưa thích vắng lặng, khen ngợi ít ham muốn (dục), lìa các chỗ ồn áo náo nhiệt (huyên náo). Là Hạnh của Như Lai.

9_Như Lai không có một Pháp nào chẳng biết, chẳng khéo thông đạt, ở tất cả nơi chốn, Kính Trí (Trí như cái gương sáng) hiện trước mặt không có phân biệt. Thế nhưng Đức Như Lai thấy sự nghiệp mà hữu tình kia đã làm, tùy theo ý của kẻ ấy chuyển phương tiện ví dụ dẫn dắt khiến được xuất ly (Naiṣkramya: vượt thoát nỗi khổ sinh tử luân hồi mà thành biện Phật Đạo). Là Hạnh của Như Lai.

10_ Như Lai nếu thấy một phần hữu tình được giàu có thịnh vương (phú thịnh) thời chẳng sinh vui vẻ, thấy họ bị suy sụp hao tổn cũng chẳng khởi lo lắng. Thế nhưng Đức Như Lai thấy hữu tình ấy tu tập Chính Hạnh thì Vô Ngại Đại Từ tự nhiên cứu nhiếp. Nếu thấy hữu tình tu tập Tà Hạnh thì Vô Ngại Đại Bi tự nhiên cứu nhiếp. Là Hạnh của Như Lai.

Thiện Nam Tử! Như vậy nên biết Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác nói có vô biên Chính Hạnh như vậy. Các ông nên biết đấy là tướng chân thật của Niết Bàn, hoặc khi thấy có vị Bát Niết Bàn thì đấy là Quyền phương tiện với lưu Xá Lợi khiến cho hữu tình cung kính cúng dường, đều là sức căn lành của lòng Từ (Từ thiện căn lực) của Như Lai. Nếu người cúng dượng thì ở đời vị lai, xa lìa tám nạn gặp được chư Phật, gặp Thiện Tri Thức, chẳng mất Tâm thiện, Phước Báo vô biên, mau sẽ xuất ly, chẳng bị sinh tử ràng buộc. Diệu Hạnh như vậy, các ông siêng tăng tu, đừng có phóng dật”.

   

Bấy giờ, Diệu Tràng Bồ Tát nghe Đức Phật tự nói  chẳng Bát Niết Bàn với Hạnh thâm sâu thời chắp tay cung kính, bạch rằng: “Nay con mới biết Như Lai Đại Sư chẳng Bát Niết Bàn với lưu Xá Lợi lợi ích cho khắp cả chúng sinh, nên thân tâm hớn hở vui thích, khen chưa từng có”

Khi nói Phẩm Thọ Lượng của Như Lai đó thời vô lượng vô số vô biên chúng sinh đều phát Tâm Vô Đẳng Đẳng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Thời bốn Đức Như Lai đột nhiên chẳng hiện. Diệu Tràng Bồ Tát lễ bàn chân của Đức Phật xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, quay trở về chỗ cũ (bản xứ)

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ NHẤT (Hết)_

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ HAI_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Việt dịch: HUYỀN THANH

 

PHÂN BIỆT BA THÂN

_PHẨM THỨ BA_

 

Bấy giờ, Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (Ākāśa-garbha) ở trong Đại Chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, đem hoa báu vàng ròng thật vi diệu, phướng báu, phan lọng dâng lên cúng dường, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát Ma Ha Tát đối với bí mật thâm sâu của các Như Lai, như Pháp tu hành?”   

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Này Thiện Nam Tử! Tất cả Như Lai có ba loại Thân, thế nào là ba? Một là Hóa Thân, hai là Ứng Thân, ba là Pháp Thân. Như vậy đầy đủ ba thân, nhiếp nhận A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Nếu rõ biết chính đúng thì mau ra khỏi sinh tử.

_Thế nào là Bồ Tát biết rõ Hóa Thân? Thiện Nam Tử! Xưa kia Như Lai ở trong Địa tu hành, vì tất cả chúng sinh, tu mọi loại Pháp, như vậy tu tập cho đến khi tu hành trọn đủ. Do sức tu hành cho nên được đại tự tại. Do sức tự tại cho nên tùy theo ý của chúng sinh, tùy theo Hạnh của chúng sinh, tùy theo cõi của chúng sinh…thảy đều phân biệt rõ. Chẳng chờ cơ hội, chẳng lỗi cơ hội, tương ứng nơi chốn, tương ứng thời giờ, tương ứng Hạnh, tương ứng nói Pháp mà hiện mọi loại Thân. Đấy gọi là Hóa Thân (Nirmāṇa-kāya).

_Thiện Nam Tử! Thế nào là Bồ Tát biết rõ Ứng Thân? Ấy là các Như Lai làm cho các Bồ Tát được thông đạt cho nên nói về Chân Đế (Paramārtha-satya) để khiến cho hiểu thấu sinh tử (Saṃsāra, hoặc Jāti-maraṇa) Niết Bàn (Nirvāṇa) là một Vị (Rasa), vì trừ bỏ sự sợ hãi, vui vẻ của chúng sinh có Thân Kiến (Satkāya-drṣṭi); vì Phật Pháp vô biên mà làm gốc rễ (Mūla). Như thật tương ứng với Như Như (Tathatā: Chân Như tồn tại vĩnh hằng), Trí Như Như (Tathatā-jñāna: Trí khế hợp với Lý Thể Như Như). Do sức của Bản Nguyện cho nên thân đấy được hiện ra, đủ ba mươi hai tướng, tám mươi chủng tử, lưng cổ có hào quang tròn, Đấy gọi là Ứng Thân (?Saṃbhoga-kāya: Báo Thân)

_Thiện Nam Tử! Thế nào là Bồ Tát biết rõ Pháp Thân? Vì trừ các nhóm chướng của phiền não (Kleśa), vì đủ các Pháp tốt lành (Kuśala-dharma: Thiện Pháp) cho nên chỉ có Như Như, Trí Như Như. Đấy gọi là Pháp Thân (Dharma-kāya)

Hai loại thân trước là mượn tên gọi mà có. Thân thứ ba này là chân thật có, vì hai thân trước mà làm căn bản. Tại sao thế? Vì lìa Pháp Như Như, lìa Trí không có phân biệt thì tất cả chư Phật không có Pháp riêng. Tất cả chư Phật đầy đủ Trí Tuệ, rốt ráo diệt hết tất cả phiền não, được Phật Địa (Buddha-bhūmi) thanh tịnh. Thế nên Pháp Như Như, Trí Như Như nhiếp tất cả Phật Pháp (Buddha-dharma) 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Tất cả chư Phật lợi ích ta người, đến nơi rốt ráo (cứu cánh). Lợi ích cho mình là Pháp Như Như. Lợi ích cho người là Trí Như Như. Hay đối với việc lợi ích cho ta người mà được thành tựu mọi loại dụng vô biên. Thế nên phân biệt tất cả Phật Pháp có vô lượng vô biên mọi loại sai biệt.

_Thiện Nam Tử! Ví như nương dựa vào sự suy nghĩ vọng tưởng mà nói mọi loại phiền não, nói mọi loại Nghiệp Dụng, nói mọi loại Quả Báo (Vipāka), Như vậy y theo Pháp Như Như, y theo Trí Như Như mà nói mọi loại Phật Pháp, nói mọi loại Pháp của Độc Giác (Pratyeka-buddha), nói mọi loại Pháp của Thanh Văn (Śrāvaka). Y theo Pháp Như Như, y theo Trí Như Như mà tự tại thành tựu tất cả Phật Pháp, đấy là sự chẳng thể nghĩ bàn bậc nhất. Ví như vẽ hư không làm vật dụng trang nghiêm là khó nghĩ bàn. Như vậy, y theo Pháp Như Như, y theo Trí Như Như thành tựu Phật Pháp cũng khó nghĩ bàn.

Thiện Nam Tử! Vì sao Pháp Như Như, Trí Như Như, cả hai không có phân biệt mà được tự tại, thành tựu sự nghiệp?

Thiện Nam Tử! Ví như Đức Như Lai nhập vào Niết Bàn, do Nguyện tự tại cho nên mọi loại sự nghiệp đều được thành tựu. Pháp Như Như, Trí Như Như tự tại thành sự việc cũng lại như vậy.

_Lại nữa, Bồ Tát Ma Ha Tát nhập vào Vô Tâm Định (một trong bốn tên gọi của Diệt Tận Định), y theo sức Nguyện lúc trước, từ Thiền Định khới làm mọi sự nghiệp. Hai Pháp như vậy không có phân biệt, tự tại thành sự việc

Thiện Nam Tử! Ví như mặt trời mặt trăng không có phân biệt, cũng như nước trong và cái gương sáng (thủy kính) không có phân biệt. Ánh sáng cũng không có phân biệt. Ba loại hòa hợp nên có bóng ảnh sinh ra. Như vậy Pháp Như Như, Trí Như Như cũng không có phân biệt, do Nguyện (Praṇidhana) tự tại cho nên chúng sinh có cảm hiện Ứng Hóa Thân (Ứng Thân và Hóa Thân) như bóng ảnh của mặt trời mặt trăng hòa hợp hiện ra.

Lại nữa, Thiện Nam Tử! Ví như vô lượng vô biên Thủy Kính (nước trong và cái gương sáng) y vào ánh sáng cho nên Không Ảnh (bóng ảnh trống rỗng) hiện ra mọi loại tướng khác nhau. Không (Śūnya: trống rỗng) tức là không có tướng (Alakṣaṇa: vô tướng)

Thiện Nam Tử! Như vậy các hàng Đệ Tử thọ nhận giáo hóa là bóng ảnh của Pháp Thân. Do sức Nguyện cho nên ở hai loại Thân hiện ra mọi loại tướng. Ở Địa của Pháp Thân không có tướng khác.

Thiện Nam Tử! Y theo hai thân này, nói Hữu Dư Niết Bàn (Sopadhiśeṣa-nirvāṇa: Niết Bàn trước khi tịch diệt. Trạng thái này giống như Đức Phật và các A La Hán giữ xác thân để giáo hóa chúng sinh). Y theo Pháp Thân này, nói Vô Dư Niết Bàn (Nirupadhiśeṣa-nirvāṇa: Niết Bàn không còn 5 Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới. Niết Bàn Vô Dư đến với một vị A La Hán sau khi chết, không còn tái sinh. Loại Niết Bàn này cũng được gọi là Niết Bàn toàn phần hay Bát Niết Bàn). Tại sao thế? Vì tất cả Pháp còn lại, rốt ráo tận hết cho nên y theo ba Thân này mà tất cả chư Phật nói Vô Trụ Xứ Niết Bàn (Aparatiṣṭha-nirvāṇa: Bản Tâm của các vị Bồ Tát từ Bát Địa trở lên, thường lăn xả vào 3 cõi 6 đường thi hành vạn Hạnh cứu độ chúng sinh mà vẫn luôn xứng Tính tùy thuận Viên Giác). Vì hai thân này cho nên chẳng trụ Niết Bàn, lìa nơi Pháp Thân không có Phật riêng. Vì sao hai Thân chẳng trụ Niết Bàn? Vì hai Thân mượn tên gọi chẳng thật, niệm niệm sinh diệt chẳng định trụ (trú xứ cố định), luôn luôn hiện ra do chẳng yên định vậy. Pháp Thân chẳng như vậy, thế nên hai thân chẳng trụ Niết Bàn. Pháp Thân chẳng hai (bất nhị) thế nên chẳng trụ Niết Bàn. Cho nên y theo ba Thân nói Vô Trụ Niết Bàn (Aparatiṣṭha-nirvāṇa).

Thiện Nam Tử! Tất cả phàm phu vì ba tướng cho nên có trói buộc, có chướng ngại, xa lìa ba thân, chẳng đến ba thân. Thế nào là ba? Một là Biến Kế Sở Chấp Tướng (Parikalpita-svabhāva: tướng phân biệt chấp trước cho là thật có ta, thật có Pháp), hai là tướng Y Tha Khởi Tướng (Para-tantra-svabhāva: tất cả sự vật đều do các duyên hòa hợp, Tâm Thức biến hiện mà có, hư huyễn chẳng thật), ba là Thành Tựu Tướng (Pariniṣpanna-svabhāva: Viên Thành Thật Tướng). Các tướng như vậy chẳng thể hiểu biết, chẳng thể diệt hết, chẳng thể thanh tịnh… thế nên chẳng được đến ba thân. Ba Tướng như vậy hay hiểu biết, hay diệt hết, hay thanh tịnh…thế nên chư Phật đầy đủ ba Thân.

Thiện Nam Tử! Các người phàm phu chưa thể trừ khiển ba Tâm này cho nên xa lìa ba thân chẳng thể đạt đến. Thế nào là ba? Một là Khởi Sự Tâm (Tâm dấy liên sự việc), hai là Y Căn Bản Tâm (tâm y theo căn bản), ba là Căn Bản Tâm (Tâm căn bản). Y theo các Phục Đạo (chế phục Hoặc Chướng khiến cho Hữu Lậu chẳng hiện khởi, hoặc là sức của con đường Vô Lậu) thì Khởi Sự Tâm tận hết. y theo Pháp Đoạn Đạo (Prahāṇa-mārga: sức của con đường lìa diệt Hoặc Chướng) thì Y Căn Bản Tâm tận hết. Y theo Tối Thắng Đạo (con đường tối thắng) thì Căn Bản Tâm tận hết. Do Khởi Sự Tâm tận hết cho nên được hiện Hóa Thân. Do Y Căn Bản Tâm tận hết cho nên được hiện Ứng Thân. Do Căn Bản Tâm tận hết cho nên được đến Pháp Thân. Thế nên tất cả Như Lai đầy đủ ba thân.

Thiện Nam Tử! Tất cả chư Phật ở thân thứ nhất cùng với chư Phật đồng sự (hành sự tương đồng), ở thân thứ hai cùng với chư Phật đồng ý (ý chỉ tương đồng), ở thân thứ ba cùng với chư Phật đồng Thể (đồng một hình thể)

Thiện Nam Tử! Thân Phật đầu tiên đấy tùy theo ý của chúng sinh, có nhiều loại cho nên hiện mọi loại tướng, thế nên nói là nhiều. Thân Phật thứ hai do một Ý của Để Tử cho nên hiện một tướng, thế nên nói là một. Thân Phật thứ ba vượt qua tất cả chủng tướng, chẳng chấp vào cảnh giới của tướng, thế nên nói tên là chẳng phải một chẳng phải hai (bất nhất bất nhị).

Thiện Nam Tử! Thân thứ nhất đó y vào Ứng Thân được hiển hiện. Thân thứ hai đó y vào Pháp Thân được hiển hiện. Pháp Thân đó (?thân thứ ba) là chân thật, không có chỗ nương dựa.

Thiện Nam Tử! Ba Thân như vậy do nghĩa cho nên nói là thường (Nitya), do nghĩa cho nên nói là vô thường (anitya).

Hóa Thân luôn chuyển bánh xe Pháp, nơi nơi tùy theo Duyên, phương tiện chẳng đứt mất thế nên nói là thường. Vì chẳng phải là gốc rễ nên đại dụng đầy đủ chẳng hiển hiện, cho nên nói là vô thường.

Ứng Thân từ vô thủy đến nay nối tiếp nhau chẳng đứt đoạn, hay nhiếp trì Pháp Bất Cộng (Aveṇika-buddha-dharma) của tất cả chư Phật, do chúng sinh không cùng tận nên dụng cũng không cùng tận, thế nên nói là thường. Vì chẳng phải là gốc rễ, nên dụng đầy đủ chẳng hiển hiện, thế nên nói là vô thường.

Pháp Thân chẳng phải là Hành Pháp (phương pháp tu hành) không có tướng khác, là căn bản cho nên giống như hư không, thế nên nói là thường

Thiện Nam Tử! Lìa Trí không có phân biệt (Nir-vikalpa-jñāna: Vô Phân Biệt Trí), lại không có Thắng Trí. Lìa Pháp Như Như, không có cảnh giới thù thắng. Pháp Như Như đó, Tuệ Như Như đó, cả hai loại Như Như đấy là như như chẳng phải một chẳng phải hai (bất nhất bất dị). Thế nên Pháp Thân do Tuệ thanh tịnh, Diệt thanh tịnh, cả hai loại thanh tịnh đó, chính vì thế cho nên Pháp Thân đầy đủ thanh tịnh

Lại nữa, Thiện Nam Tử! Phân biệt ba Thân có bốn loại khác nhau: có Hóa Thân chẳng phải là Ứng Thân, có Ứng Thân chẳng phải là Hóa Thân, có Hóa Thân cũng là Ứng Thân, có Phi Hóa Thân (chẳng phải là Hóa Thân) cũng là Phi Ứng Thân (chẳng phải là Ứng Thân)

Thế nào là Hóa Thân chẳng phải là Ứng Thân? Ấy là Sau khi các Như Lai Bát Niết Bàn (vào Niết Bàn), do Nguyện tự tại cho nên tùy theo Duyên lợi ích. Đấy gọi là Hóa Thân.

Thế nào là Ứng Thân chẳng phải là Hóa Thân? Là Thân Địa Tiền (Thân trong quá trình tu hành của Bồ Tát từ Sơ Địa đến Thập Địa)

Thế nào là Hóa Thân cũng là Ứng Thân? Ấy là thân trụ Hữu Dư Niết Bàn

Thế nào là Phi Hóa Thân (chẳng phải là Hóa Thân), Phi Ứng Thân (chẳng phải là Ứng Thân)? Ấy là Pháp Thân.

Thiện Nam Tử! Pháp Thân đó do hai thứ Vô Sở Hữu (không có chỗ đắc được) mà hiển hiện. Thế nào gọi là hai thứ vô sở hữu? Ở Pháp Thân này: Tướng với Tướng Xứ cả hai đều là không (vô), chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng phải số đếm chẳng phải chẳng phải là số đếm, chẳng phải sáng tỏ chẳng phải mờ tối. Như vậy Trí Như Như chẳng thấy Tướng với Tướng Xứ, chẳng thấy chẳng phải có chẳng phải không, chẳng thấy chẳng phải một chẳng phải khác, chẳng thấy chẳng phải số đếm chẳng phải chẳng phải là số đếm, chẳng thấy chẳng phải sáng tỏ (minh) chẳng phải mờ tối (ám). Chính vì thế nên biết cảnh giới thanh tịnh, Trí Tuệ thanh tịnh chẳng thể phân biệt, không có khoảng giữa (trung gian), là gốc của Diệt (Nirodha-satya: Diệt Đế) Đạo (Mārga-satya: Đạo Đế), cho nên ở Pháp Thân này hay hiển mọi loại sự nghiệp của Như Lai.

Thiện Nam Tử! Nhân duyên, cảnh giới, nơi chốn, quả báo của Thân này dựa vào gốc rễ (Mūla) khó nghĩ bàn, Nếu hiểu nghĩa này thì thân này tức là Đại Thừa (Mahā-yāna), là Tính của Như Lai, là Như Lai Tạng (Tathāgata-garbha). Dựa vào Thân này được phát Sơ Tâm (Nava-yāna-saṃprasthita: Người mới phát Tâm cầu Đạo Bồ Đề nhưng chưa có hành thâm sâu), Tâm tu hành Địa mà được hiển hiện Tâm Bất Thoái Địa (Avinivartanīya: chẳng bị rơi vào nẻo ác với Địa của Nhị Thừa, chẳng lùi mất Pháp đã chứng được), cũng được hiện Tâm Nhất Sinh Bổ xứ (Eka-jāti-pratiboddha: vị trí tối cao của thềm bậc Bồ Tát tức là địa vị Đẳng Giác), Tâm của Kim Cương (Vajra-citta), Tâm của Như Lai (Tathāgata-citta) thảy đều hiển hiện, vô lượng vô biên Diệu Pháp (Saddharma) của Như Lai thảy đều hiển hiện.

Y  theo Pháp Thân này thì Ma Ha Tam Muội (Mahā-samādhi) chẳng thể nghĩ bàn được hiển hiện. Y theo Pháp Thân này được hiện tất cả Đại Trí (Mahā-jñāna). Thế nên hai Thân nương vào Tam Muội, nương vào Trí Tuệ mà được hiển hiện như Pháp Thân này. Nương vào Tự Thể (Sva-dravya) nói là thường (Nitya) nói là Ngã (Ātman), y theo Tam Muội cho nên nói là Lạc (Sukha), nương vào Đại Trí cho nên nói là Thanh Tịnh (Śuddha), thế nên Như Lai thường trụ, tự tại, an lạc, thanh tịnh.

Y theo Đại Tam Muội (Mahā-samādhi) thì tất cả Thiền Định (Dhyāna), nhóm Thủ Lăng Nghiêm (Śuraṃgama), tất cả Niệm Xứ (Smṛty-upasthāna), nhóm Đại Pháp Niệm (Mahā-dharma-smṛty-upasthāna), Đại Từ (Mahā-maitra), Đại Bi (Mahā-kāruṇa), tất cả Đà La Ni (Dhāraṇī), tất cả Thần Thông (Abhijña), tất cả Tự Tại (Īśvara), tất cả Pháp bình đẳng (Sama) đều nhiếp nhận. Như vậy Phật Pháp thảy đều hiện ra.

Y theo Đại Trí này thì mười Lực (Daśa-bala), bốn Vô Sở Úy (Catvāri vaiśāradyāni), bốn Vô Ngại Biện (Catasraḥ pratisaṃvidaḥ), một trăm tám mươi Pháp Bất Cộng (Aveṇika-buddha-dharma), tất cả Pháp hiếm có chẳng thể nghĩ bàn thảy đều hiển hiện.. Ví như nương vào viên ngọc báu Như Ý (Cintā-maṇi) thì vô lượng vô biên mọi loại châu báu thảy đều được hiện ra. Như vậy, y theo báu Đại Tam Muội, y theo báu Đại Trí Tuệ thì hay sinh ra mọi loại vô lượng vô biên Diệu Pháp của chư Phật.

Thiện Nam Tử! Tam Muội, Trí Tuệ của Pháp Thân như vậy vượt qua tất cả tướng, chẳng dính vào tướng, chẳng thể phân biệt, chẳng phải thường (Nitya), chẳng phải đoạn (Cchedana), đấy gọi là Trung Đạo (Madhyamā-pratipad). Tuy có phân biệt như Thể (Svabhāha, hay Bhāva) không có phân biệt, Tuy có ba số nhưng không có ba Thể, chẳng tăng thêm chẳng giảm bớt, giống như mộng huyễn, cũng không có Sở Chấp, cũng không có Năng Chấp, Pháp Thể như như. Nơi giải thoát đó vượt qua cảnh của Tử Vương (Mṛta-rāja: Thần chết), vượt qua sự ám tối của sinh tử, nơi mà tất cả chúng sinh chẳng thể tu hành chẳng thể đến được, là nơi trụ xứ của tất cả chư Phật Bồ Tát

Thiện Nam Tử! Ví như có người nguyện muốn được vàng, tìm kiếm mọi nơi mới được quặng vàng. Đã được quặng xong, tức liền đập vụn ra, chọn lấy phần tinh, nung chảy trong lò thì được vàng trong sạch, tùy theo ý xoay chuyển làm các vòng, xuyến, mọi loại vật dụng trang nghiêm. Tuy có các dụng nhưng tính của vàng chẳng thay đổi.

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện cầu Thắng Giải Thoát, tu hành điều tốt lành ở đời, được thấy Đức Như Lai với chúng Đệ Tử, được gần gũi xong, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào là Thiện (Kuśala)? Thế nào là Bất Thiện (Akuśala)? Thế nào là tu chính đúng được Hạnh thanh tịnh?”

Chư Phật Như Lai với chúng Đệ Tử thấy kẻ kia hỏi thời suy nghĩ như vầy: “Kẻ trai lành, người nữ thiện đó muốn cầu thanh tịnh, muốn nghe Chính Pháp”. Tức liền vì họ nói khiến cho khai ngộ

Người kia nghe xong, chính niệm nhớ giữ, phát Tâm tu hành được sức tinh tiến, trừ chướng lười biếng, diệt tất cả tội, ở các chỗ học lìa sự chẳng tôn trọng, ngưng dứt  Tâm phiền não chẳng an tịnh (Auddhatya-kaukṛtya: trạo hối) nhập vào Sơ Địa (Pramuditā-bhūmi: Hoan Hỷ Địa, Cực Hỷ Địa), y theo Tâm Sơ Địa trừ chướng của lợi ích chúng sinh được vào Nhị Địa (Vimalā-bhūmi:Ly Cấu Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng chẳng bức não nhập vào Tam Địa (Prabhākarī-bhūmi:Phát Quang Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của Tâm mềm mại trong sạch nhập vào Tứ Địa (Arciṣmatī-bhūmi: Diệm Tuệ Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của phương tiện khéo nhập vào Ngũ Địa (Sudurjayā-bhūmi:Nan Thắng Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của Kiến Chân Tục nhập vào Lục Địa (Abhimukhī-bhūmi: Hiện Tiền Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của Kiến Hành Tướng nhập vào Thất Địa (Dūraṃgamā-bhūmi: Viễn Hành Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của chẳng thấy tướng diệt nhập vào Bát Địa (Acalā-bhūmi: Bất Động Địa). Ở trong Địa này, trừ chướng của chẳng thấy tướng sinh nhập vào Cửu Địa (Sādhumatī-bhūmi: Thiện Tuệ Địa).   Ở trong Địa này, trừ chướng của sáu Thông nhập vào Thập Địa (Dharmameghā-bhūmi: Pháp Vân Địa). Ở trong Địa này, trừ Sở Tri Chướng (Jñeyāvaraṇa), trừ Tâm căn bản nhập vào Như Lai Địa (Tathāgata-bhūmi) 

Như Lai Địa do ba thứ Tịnh cho nên gọi là cực thanh tịnh. Thế nào là ba? Một là Phiền Não Tịnh, hai là Khổ Tịnh, ba là Tướng Tịnh. Ví như vàng ròng được nấu chảy sửa trị rèn đúc. Đã thiêu đốt rèn đập xong thì không có bụi dơ nữa, nhằm  hiển Tính của vàng vốn thanh tịnh, Thể của vàng thanh tịnh chứ chẳng phải là không có vàng. Ví như nước đục, để lắng yên  thì không có cặn dơ nữa, nhằm hiển Tính của nước vốn thanh tịnh chứ chẳng phải là không có nước. Như vậy Pháp Thân (Dharma-kāya) với Phiền Não (Kleśa) lìa nhau, trừ Khổ (Duḥkha) Tập (Samudaya) xong thì không có Tập (samudaya) dư sót nữa, nhằm hiển Phật Tính (Buddhatā) vốn thanh tịnh, chẳng phải là không có Thể (Svabhāva, hay Bhāva).

Ví như hư không bị khói, mây, bụi, sương mù ngăn che. Nếu trừ  đuổi xong thì Không Giới (Ākāśa-dhātu) đó trong sạch chứ chẳng phải là không có hư không (Ākāśa). Như vậy Pháp Thân, vì tất cả mọi khổ thảy đều tận hết cho nên nói là thanh tịnh, chứ chẳng phải là không có Thể.  

Ví như có người ở trong giấc mộng thấy thân ấy nổi lềnh bềnh trong nước sông lớn, liền vận tay động chân vượt qua dòng chảy được đến bờ bên kia, do thân tâm ấy chẳng lười biếng thoái lùi. Cho nên từ mộng tỉnh dậy xong thì chẳng thấy có nước với bờ này bờ kia, chứ chẳng phải là không có Tâm. Sinh tử vọng tưởng đã diệt hết xong thì Giác (Bodhi: Trí Tuệ chứng ngộ Lý màu nhiệm của Niết Bàn) đó thanh tịnh chứ chẳng phải là không có Giác (Bodhi)

_Lại nữa Thiện Nam Tử! Pháp Thân đó: khi Hoặc Chướng (Kleśāvaraṇa) thanh tịnh thì hay hiện Ứng Thân, Nghiệp Chướng (Karmāvaraṇa) thanh tịnh thì hay hiện Hóa Thân, Trí Chướng (Jñānāvaraṇa) thanh tịnh thì hay hiện Pháp Thân. Ví như y theo hư không phát ra điện, y theo điện phát ra ánh sáng. Như vậy, y theo Pháp Thân cho nên hay hiện Ứng Thân, y theo Ứng Thân cho nên hay hiện Hóa Thân. Do Tính thanh tịnh cho nên hay hiện Pháp Thân, Trí Tuệ thanh tịnh hay hiện Ứng Thân, Tam Muội thanh tịnh hay hiện Hóa Thân. Ba thứ thanh tịnh này là Pháp Như Như, Bất Dị Như Như, Nhất Vị Như Như, Giải Thoát Như Như, Cứu Cánh Như Như. Thế nên Thể của chư Phật không có khác biệt.

Thiện Nam Tử! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nói Đức Như Lai là Đại Sư của tôi. Nếu có niềm tin quyết định như vậy thì người này liền ứng với Tâm xa hiểu rõ thân của Như Lai không có khác biệt.

Thiện Nam Tử! Do nghĩa đó cho nên đối với các cảnh giới, thảy đều trừ dứt sự suy nghĩ chẳng chính đúng, tức biết Pháp ấy không có hai tướng, cũng không có phân biệt. là nơi mà bậc Thánh đã tu hành. Như như đối với Pháp ấy không có hai tướng, tu hành chính đúng. Như vậy! Như vậy! Pháp Như Như, Trí Như Như được Pháp Giới Như Như cực thanh tịnh, Chính Trí thanh tịnh. Như vậy! Như vậy! Tất cả tự tại, nhiếp nhận đầy đủ đều được thành tựu, tất cả các chướng thảy đều trừ diệt, Do tất cả các Chướng được thanh tịnh, cho nên đấy gọi là tướng chân thật của Chân Như Chính trí. Cái thấy như vậy được gọi là Thánh Kiến (cái thấy của bậc Thánh). Đấy tức gọi là chân thật thấy Phật. Tại sao thế? Vì như thật được thấy Pháp Chân Như. Thế nên chư Phật đều hay nhìn thấy khắp tất cả Như Lai. Tại sao thế? Vì Thanh Văn, Độc Giác đã ra khỏi ba cõi, cầu cảnh chân thật chẳng thể thấy biết. Như vậy, nơi mà Thánh Nhân đã chẳng thấy biết thì tất cả Phàm Phu đều sinh nghi ngờ, điên đảo phân biệt chẳng thể vượt qua được. Như con thỏ trôi nổi trên biển, chẳng thể vượt qua được. Tại sao thế? Vì sức kém cỏi vậy . Người Pháp Phu cũng lại như vậy, chẳng thể thông đạt Pháp Như Như. Nhưng các Như Lai không có Tâm phân biệt, đối với tất cả Pháp được đại tự tại, đấy đủ Trí Tuệ thâm sâu thanh tịnh, là cảnh giới của chính mình chẳng chung cùng với người khác. Thế nên, chư Phật Như Lai ở vô lượng vô biên a tăng kỳ Kiếp, chẳng tiếc thân mệnh, thực hành Khổ Hạnh (Duṣkara-caryā, hay Tapas) khó hành mới được Thân tốt thượng không gì sánh được này, chẳng thể nghĩ bàn, vượt qua cảnh của ngôn thuyết, là sự vắng lặng nhiệm màu, lìa các sợ hãi.

Thiện Nam Tử! Như vậy, người thấy biết Pháp Chân Như thì không có sinh, già, chết. Thọ Mệnh vô hạn. không có ngủ mê, cũng không có đói khát, Tân thường tại Định không có tán động. Nếu đối với Như Lai mà khởi Tâm tranh luật ắt chẳng thể thấy Như Lai. Điều mà chư Phật đã nói đều hay lợi ích, người có lắng nghe thì không có ai chẳng giải thoát. Chẳng gặp gỡ các cầm thú ác, người ác, Quỷ ác. Do nghe Pháp cho nên được Quả Báo không tận. Nhưng các Như Lai không có việc Vô Ký (Avyākṛta: Tính của sự vật chẳng thể phán định là Thiện hay Bất Thiện). Tất cả cảnh giới không có Tâm muốn biết, Sinh Tử Niết Bàn không có tưởng khác biệt. Điều mà Đức Như Lai đã ghi nhận thì không có gì chẳng quyết định. Trong bốn uy nghi của chư Phật Như Lai không có gì chẳng phải là Trí nhiếp. Tất cả các Pháp không có gì chẳng làm. Nơi Từ Bi đã nhiếp không có gì chẳng vì lợi ích an vui cho các chúng sinh.

Thiện Nam Tử! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Kinh Kim Quang Minh này lắng nghe, tin hiểu thì chẳng bị rơi vào dường Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh, A Tô La… thường ở cõi của Trời, Người, chẳng sinh vào chỗ hèn kém, luôn được gần gũi chư Phật Như Lai, nghe nhận Chính Pháp, thường sinh vào cõi nước thanh tịnh của chư Phật. Tại sao thế? Do được nghe Pháp thâm sâu này thì kẻ trai lành, người nữ thiện đó tức được Đức Như Lai đã biết, đã ghi nhận, sẽ được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) chẳng thoái lùi.

Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện đối với Pháp vi diệu thâm sâu này, một lần đi qua lỗ tai thì nên biết người đó chẳng chê bai Như Lai, chẳng hủy Chính Pháp, chẳng khinh chúng Thánh. Tất cả chúng sinh chưa gieo trồng căn lành thì khiến được gieo trồng, đã gieo trồng căn lành thì khiến cho tăng trưởng thành thục. Hết thảy chúng sinh trong tất cả Thế Giới đều khuyên tu sáu Ba La Mật Đa (Ṣaṭ-pāramitā)”.

 

Bấy giờ, Hư Không Tạng Bồ Tát, Phạm, Thích, bốn vị vua (tứ Thiên Vương) các hàng Thiên Chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu tại nơi chốn nào giảng nói Kinh Điển vi diệu của Kim Quang Minh Vương như vậy thì ở cõi nước ấy có bốn loại lợi ích. Thế nào là bốn?

1_Quốc vương, quân chúng cường thịnh không có các oán địch, lìa các bệnh tật, thọ mệnh lâu dài, cát tường an vui, Chính Pháp hưng hiển.

2_ Trong cung: phi hậu, vương tử, các quần thần hòa thuận, ưa thích nhau, không có tranh chấp, lìa sự dua nịnh, được vua yêu trọng.

3_Sa Môn, Bà La Môn với các người dân trong nước tu hành Chính Pháp, không có bệnh, được an vui, không có người chết oan uổng, đối với các ruộng Phước thảy đều gây dựng tu tập.

4_Ở trong ba thời, bốn Đại điều hòa thích hợp, thường được chư Thiên tăng thêm thủ hộ, Từ Bi bình đẳng, không có Tâm gây thương tổn làm hại, khiến các chúng sinh quy kính Tam Bảo, đều nguyện tu tập Hạnh Bồ Đề (Bodhi-caryā) 

Đây là bốn loại việc lợi ích.

Thế Tôn! Chúng con cũng thường rộng truyền Kinh này, đi theo người trì Kinh như vậy, ở  tại nơi cư trú vì họ làm lợi ích”.

 

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như vậy! Như vậy các ông cần phải có Tâm siêng năng lưu bày Diệu Kinh Vương này, tức khiến cho Chính Pháp trụ lâu ở đời”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

MỘNG THẤY CÁI TRỐNG VÀNG_ SÁM HỐI

_PHẨM THỨ TƯ_

 

Bấy giờ, Diệu Tràng Bồ Tát đích thân ở trước mặt Đức Phật, nghe Diệu Pháp xong thời vui mừng hớn hở, một lòng suy nghĩ rồi quay về chỗ ở của mình. Ban đêm ở trong mộng thấy cái trống vàng lớn tỏa ánh sáng rực rỡ, giống như mặt trời, Ở trong ánh sáng này được thấy mười phương chư Phật ngồi trên tòa Lưu Ly dưới cái cây báu, vô lượng trăm ngàn Đại Chúng vây quanh để nghe nói Pháp. Thấy một vị Bà La Môn đi đến đánh cái trống vàng phát ra âm thanh lớn, trong âm thanh diễn nói Già Tha (Gāthā: Kệ Tụng) vi diệu, tỏ rõ Pháp Sám (Kṣama: hối hận với tội lỗi đã làm để cầu xin khoan thứ) Hối (Āpatti-pratideśana: tỏ bày tội trạng). Diệu Tràng nghe xong, thảy đều nhớ giữ mà trụ. Đến sáng sớm hôm sau cùng với vô lượng trăm ngàn Đại Chúng vây quanh, đem các vật cúng, ra khỏi thành Vương Xá, đến núi Thứu Phong, đến chỗ của Đức Phật, lễ bàn chân của Đức Phật xong, trải bày hương hoa, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi lui về ngồi một bên, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng Tôn Nhan rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con ở trong mộng, thấy vị Bà La Môn dùng bàn tay cầm cái dùi đánh cái trống vàng màu nhiệm, phát ra âm thanh lớn, trong âm thanh diễn nói Già Tha vi diệu, tỏ rõ Pháp Sám Hối. Con đều nhớ giữ, nguyện xin Đức Thế Tôn giáng Đại Từ Bi, nghe điều con đã nói”

Liền ở trước mặt Đức Phật mà nói Tụng rằng:

“Trong đêm hôm qua, con

Mộng thấy trống vàng lớn (đại kim cổ)

Hình dáng thật đẹp khéo

Ánh sáng vàng vòng khắp

Giống như vành mặt trời

Ánh sáng đều chiếu khắp

Tràn đầy mười phương cõi

Đều nhìn thấy chư Phật

Ở dưới cái cây báu

Ngồi trên tòa Lưu Ly

Vô lượng trăm ngàn Chúng

Cung kính mà vây quanh

_Có một Bà La Môn

Cầm dùi, đánh trống vàng

Bên trong tiếng trống ấy

Nói Diệu Già Tha này

Trống sáng vàng, phát ra Diệu Thanh

Vang khắp ba ngàn Đại Thiên Giới

Diệt tội cực nặng trong ba đường (Apaya-gati: đường ác)

Với các ách khổ trong cõi người

_Do uy lực của cái trống vàng

Diệt hẳn tất cả Phiền Não Chướng (Kleśāvaraṇa)

Chặt đứt sợ hãi, khiến an ổn

Ví như Mâu Ni Tôn (Muṇi-nātha) tự tại

Phật ở trong biển lớn sinh tử

Gom Hạnh tu thành Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Hay khiến chúng sinh đủ Giác Phẩm

Rốt ráo đều về biển Công Đức

_Do trống vàng này phát Diệu Thanh

Khiến khắp người nghe được âm Phạn

Chứng được quả Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi)

Thường chuyển Diệu Pháp Luân (bánh xe Pháp màu nhiệm) thanh tịnh

Sống lâu chẳng thể nghĩ bàn Kiếp (Kalpa: thời gian cực dài)

Tùy nói Pháp lợi quần sinh (tất cả sinh vật hay chúng sinh)

Hay chặt phiền não, mọi dòng khổ

Nhóm tham sân si đều trừ diệt

_Nếu có chúng sinh ở nẻo ác (Apaya-gati)

Lửa nóng mạnh lớn vòng khắp thân

Nếu được nghe tiếng trống nhiệm màu

Liền hay lìa khổ, quy y Phật

Đều được thành tựu Túc Mệnh Trí (Purvanivasānusmṛiti-jñānaṃ)

Hay nhớ trăm ngàn đời quá khứ

Thảy đều chính niệm Mâu Ni Tôn

Nghe Giáo thâm sâu (Gambhīra-śāstra) của Như Lai

_Nghe âm thắng diệu của trống vàng

Thường được gần gũi nơi chư Phật

Đều hay buông lìa các nghiệp ác

Thuần tu các Thiện Phẩm thanh tịnh

_Tất cả Trời, người, loài hữu tình

Kẻ ân trọng chí thành cầu nguyện

Nghe tiếng màu nhiệm của trống vàng

Hay khiến mong cầu đều đầy đủ.

_Chúng sinh đọa trong ngục vô Gián (Avīci)

Lửa mạnh nóng rực thiêu đốt thân

Không được cứu giúp, ở Luân Hồi (Samsāra)

Người nghe, hay khiến trừ diệt khổ (Duḥkha)

_Trong người, Trời, Quỷ đói, bàng sinh

Hết thảy hiện chịu các nạn khổ

Được nghe trống vàng phát Diệu Hưởng (tiếng vang màu nhiệm)

Thảy đều lìa khồ, được giải thoát

_Hiện tại mười phương cõi

Lưỡng Túc Tôn (Dvipadottama: một tên hiệu của Đức Phật) thường trụ

Nguyện dùng Tâm Đại Bi

Xót thương, nghĩ nhớ con

Chúng sinh không quy y

Không có ai cứu giúp

Vì nhóm loại như vậy

Hay làm Đại Quy Y (nơi nương tựa to lớn)

_Trước kia, con gây tội

Các nghiệp ác cực nặng

Nay đối trước Thập Lực (Daśa-bala: chỉ Đức Phật)

Chí Tâm đều sám hối

_Con chẳng tin chư Phật

Cũng chẳng kính Tôn Thân (cha mẹ, Tổ Tiên)

Chẳng chăm tu mọi Thiện

Thường tạo các nghiệp ác

_Hoặc cậy mình cao quý

Dòng tộc, tiền, địa vị

Tuổi trẻ hành phóng dật (Pramāda: buông thả theo dục vọng)

Thường tạo các nghiệp ác

_Tâm luôn khởi Tà Niệm

Miệng tỏ bày lời ác

Chẳng thấy tội, lỗi lầm

Thường tạo các nghiệp ác

_Luôn làm hạnh ngu phu (người ngu)

Vô Minh (Avidya) che ám Tâm

Tùy thuận bạn chẳng lành

Thường tạo các nghiệp ác

_Hoặc nhân các đùa vui

Hoặc lo buồn phiền não

Bị tham sân ràng buộc

Nên con tạo các ác

_Gần gũi người chẳng tốt (Akuśala: bất thiện)

Ý keo kiệt, ganh ghét

Nghèo túng hay lừa dối

Nên con tạo các ác

_Tuy chẳng thích mọi lỗi

Do có sự sợ hãi

Với chẳng được tự tại

Nên con tạo các ác

_Hoặc vì Tâm xao động

Hoặc nhân giận dữ, hận

Với đói khát, bực bội

Nên con tạo các ác

_Do ăn uống, quần áo

Với ham yêu người nữ

Lửa phiền não thiêu đốt

Nên con tạo các ác

_Nơi Phật, Pháp, chúng Tăng

Chẳng sinh Tâm cung kính

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Nơi Độc Giác, Bồ Tát

Không có Tâm cung kính

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Không biết, chê Chính Pháp

Bất hiếu với cha mẹ

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Do ngu si, kiêu mạn

Cùng với sức tham, giận

Làm mọi tội như vậy

Nay con đều sám hối

_Con ở mười phương cõi

Cúng dường vô số Phật

Nguyện cứu giúp chúng sinh

Khiến lìa các nạn khổ

_Nguyện tất cả hữu tình

Đều khiến trụ mười Địa

Viên mãn Phước (Puṇya), Trí (Jñāna) xong

Thành Phật, dạy quần mê (chúng sinh có bản tính mê muội tội lỗi)

_Con vì các chúng sinh

Khổ Hạnh trăm ngàn kiếp

Dùng sức Đại Trí Tuệ

Đều khiến rời biển khổ

_Con vì các hàm thức (sinh vật có ý thức, có tình cảm, tức chỉ chúng sinh)

Diễn nói Kinh thâm sâu

Tối Thắng Kim Quang Minh

Hay trừ các nghiệp ác

_Nếu người trăm ngàn kiếp

Tạo các tội cực nặng

Tạm thời hay bày tỏ

Mọi ác tiêu trừ hết

_Y Kim Quang Minh này

Làm Sám Hối như vậy

Do đây, hay mau dứt

Tất cả các nghiệp khổ

_Thắng Định trăm ngàn loại

Tổng Trì (Dhāraṇī) chẳng thể bàn

Căn (Pañca-indrya: năm căn), Lực (Pañca-bala: năm Lực), Giác Đạo Chi (Sapta-bodhyaṅga: bảy Giác Chi với Aṣṭāngika-mārga: tám Chính Đạo)

Tu tập không mệt mỏi

_Con sẽ đến Thập Địa (daśa-bhūmi)

Nơi đầy đủ châu báu

Viên mãn Công Đức Phật

Tế độ dòng sinh tử

_Con ở các biển Phật

Tạng Công Đức thâm sâu

Diệu Trí khó nghĩ bàn

Đều khiến được đầy đủ

_Nguyện xin mười phương Phật

Quán sát, hộ niệm con

Đều dùng Tâm Đại Bi

Thương nhận con sám hối

_Con ở trong nhiều kiếp

Đã tạo các nghiệp ác

Do đây, sinh khổ não

Thương xót, nguyện tiêu trừ

_Con tạo các nghiệp ác

Thường sinh Tâm lo sợ

Ở trong bốn uy nghi

Không có tưởng mừng vui

Chư Phật đủ Đại Bi

Giúp chúng sinh trừ sợ

Nguyện nhận con Sám Hối

Khiến được lìa khổ lo

_Con có Phiền Não Chướng

Cùng với các nghiệp báo

Nguyện dùng nước Đại Bi

Tẩy rửa khiến thanh tịnh

_Trước kia, con gây tội

Hiện tại tạo nghiệp ác

Chí Tâm đều bày tỏ

Nguyện đều được trừ hết

_Các nghiệp ác vị lai

Ngăn giữ khiến chẳng khởi

Giả sử khiến trái ngược

Cũng chẳng dám che dấu

_Thân ba (sát sinh, trộm cắp, tà dâm) Ngữ bốn loại (nói dối, nói hai lưỡi, nói điều ác, nói thêu dệt phù phiếm)

Ý Nghiệp lại có ba (tham lam, giận dữ, si mê)

Cột buộc các hữu tình

Vô Thủy luôn nối tiếp

Do ba loại Hành này

Tạo làm mười nghiệp ác

Như vậy rất nhiều tội

Nay con đều sám hối

_Con tạo các nghiệp ác

Khổ Báo sẽ tự nhận

Nay ở trước chư Phật

Chí thành đều sám hối

_Ở Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) này

Với Thế Giới phương khác

Hết thảy các nghiệp Thiện (Kuśala-karma)

Nay con đều tùy vui

_Nguyện lìa mười nghiệp ác

Tu hành mười đường Thiện

An trụ trong mười Địa

Thường thấy Phật mười phương

_Con dùng thân miệng ý

Nghiệp Phước Trí đã tu

Nguyện dùng căn lành (Kuśala-mūla) này

Mau thành Vô Thượng Tuệ (Agra-mati)

_Nay con tự đối trước Thập Lực (Đức Phật)

Tỏ bày rất nhiều việc nạn khổ

Nạn phàm phu si mê ba cõi (dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới)

Luôn tạo nạn nghiệp ác cực nặng

_Con đã gom chứa nạn Dục Tà (tà hạnh của sự dâm dục)

Thường khởi nạn tham ái lưu chuyển

Ở Thế Gian này, nạn ham dính

Nạn phiền não của các người ngu (ngu phu)

Nạn cuồng Tâm tán động, điên đảo

Cùng với nạn gần gũi bạn ác

Nạn Tham Nhiễm ở trong sinh tử

Nạn giận, si, ngu muội tạo tội

Nạn sinh nơi ác có tám nạn

Nạn chưa từng gom chứa Công Đức

Nay con ở trước Đấng Tối Thắng

Sám hối vô biên nghiệp tội ác

_Nay con quy y các Thiện Thệ (Sugata)

Con lễ Vô Thượng Tôn biển Đức

Như núi vàng lớn chiếu mười phương

Nguyện xin Từ Bi thương nhiếp nhận

_Thân sắc ánh vàng, sạch, không dơ

Mắt như Lưu Ly biếc thanh tịnh

Cát Tường Uy Đức Danh Xưng Tôn

Mặt trời Đại Bi Tuệ trừ ám

_Ánh sáng mặt trời Phật tràn khắp

Khéo sạch, không dơ lìa mọi bụi

Mặt trăng Mâu Ni chiếu trong mát

Trừ nhiệt phiền não của chúng sinh

_Ba mươi hai tướng trang nghiêm khắp

Tám mươi vẻ đẹp đều viên mãn

Phước Đức khó nghĩ, không gì bằng

Như ánh mặt trời chiếu Thế Gian

_Màu như Lưu Ly sạch, không dơ

Giống như trăng tròn ở hư không

Thân vàng ánh lưới Pha Lê đẹp

Mọi loại ánh sáng dùng nghiêm sức

_Ở trong bộc lưu (tên khác của phiền não) khổ sinh tử

Bị nước già, bệnh, lo buồn cuốn

Biển khổ như vậy khó kham nhẫn

Phật Nhật (mặt trời Phật) duỗi sáng khiến cạn hết

_Nay con cúi lạy Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Ba ngàn Thế Giới: Tôn hiếm có

Thân vàng tía tỏa sáng rực rỡ

Mọi loại tuyệt đẹp đều nghiêm sức

Như lượng nước biển lớn khó biết

Bụi nhỏ Đại Địa chẳng thể đếm

Như núi Diệu Cao (Sumeu: núi Tu Di) khó xưng lường

Cũng như hư không không có bờ

Công Đức chư Phật cũng như vậy

Tất cả hữu tình chẳng thể biết

_Ở vô lượng kiếp suy nghĩ kỹ

Không có thể biết bờ biển Đức

Hết các núi cao Đại Địa này

Chẻ như bụi nhỏ, hay tính biết

Lượng giọt nước biển có thể lường

Công Đức của Phật không thể đếm

_Tất cả hữu tình cùng khen ngợi

Danh xưng, Công Đức của Thế Tôn

Tướng tốt thanh tịnh, diệu trang nghiêm

Chẳng thể xưng lường, biết giới hạn

_Mọi nghiệp Thiện mà con có được

Nguyện được mau thành Vô Thượng Tôn

Rộng nói Chính Pháp lợi quần sinh

Đều khiến giải thoát khỏi mọi khổ

Giáng phục chúng quân Ma Đại Lực

Sẽ chuyển Vô Thượng Chính Pháp Luân

_Trụ lâu số kiếp khó nghĩ bàn

Chúng sinh tràn đầy vị Cam Lộ

Giống như các Tối Thắng quá khứ

Sáu Ba La Mật đều viên mãn

Diệt các Tham Dục với Sân, Si

Giáng phục phiền não, trừ mọi khổ

Nguyện con thường được Túc Mệnh Trí

Hay nhớ trăm ngàn đời quá khứ

Cũng thường nghĩ nhớ Mâu Ni Tôn

Được nghe Pháp thâm sâu của Phật

Nguyện con dùng các nghiệp Thiện này

Phụng sự vô biên Tối Thắng Tôn

Xa lìa tất cả người bất thiện

Luôn được tu hành Chân Diệu Pháp

 _Chúng sinh trong tất cả Thế Giới

Thảy đều lìa khổ được an vui

Hết thảy các căn chẳng đầy đủ

Khiến thân tướng ấy đều viên mãn

_Nếu có chúng sinh bị bệnh khổ

Thân hình gầy ốm, không người giúp (vô sở y: không có nơi nhờ cậy được)

Đều khiến bệnh khổ được tiêu trừ

Các căn, sắc lực đều sung mãn

_Nếu phạm phép vua, sắp tử hình

Mọi khổ bức bách sinh lo phiền

Kẻ chịu cực khổ như điều này

Không nơi nương cậy, hay cứu giúp

Nếu chịu roi gậy, gông xiềng cột

Mọi vật gây khổ ép thân ấy

Vô lượng trăm ngàn sự lo phiền

Bức bách thân tâm, không tạm vui

Khiến được miễn trừ nơi cột trói

Cùng với roi gậy, việc khổ sở

Người sắp tử hình được toàn mạng

Mọi khổ đều khiến trừ hết hẳn

_Nếu có chúng sinh bị đót khát

Khiến được mọi mùi vị thù thắng

Người mù được thấy,  điếc được nghe

Người què hay đi,  câm hay nói

Chúng sinh nghèo túng được kho báu

Kho chứa tràn đầy, không chỗ thiếu

Đều khiến hưởng niềm vui thượng diệu

Không một chúng sinh chịu khổ não

_Tất cả người, Trời vui thích nhìn

Dung nghi ôn nhã rất đoan nghiêm

Thảy đều hiện hưởng vô lượng vui

Thọ dụng dư thừa, đủ Phước Đức

_Tùy chúng sinh ấy nghĩ kỹ nhạc

Mọi âm thanh màu nhiệm hiện tiền

Nghĩ nước liền hiện ao trong mát

Hoa sen màu vàng nổi trên ao

Tùy Tâm chúng sinh ấy nghĩ nhớ

Thức ăn uống, quần áo, giường chiếu

Vàng, bạc, châu báu, diệu Lưu Ly

Anh Lạc trang nghiêm đều đầy đủ

_Đừng khiến chúng sinh nghe tiếng ác

Chẳng thấy hai tướng trái ngược nhau

Dung mạo đã nhận đều đoan nghiêm

Đều hướng Tâm Từ (Maitra-citta) yêu thích nhau

_Thế Gian các vật dụng sinh sống

Tùy Tâm nghĩ nhớ đều đầy đủ

Tiền của có được không keo tiếc

Bố thí chia cho các chúng sinh

_Hương đốt, hương bột với hương xoa

Mọi loại hoa đẹp chẳng một màu

Mỗi ngày ba thời từ cây rụng

Tùy Tâm nhận dùng sinh vui vẻ

_Nguyện khắp chúng sinh đều cúng dường

Mười phương tất cả Tối Thắng Tôn

Pháp Môn tịnh diệu của ba Thừa (Trīṇi-yānāni)

Bồ Tát, Độc Giác, chúng Thanh Văn

_Thường nguyện đừng ở nơi thấp hèn

Chẳng rơi trong tám nạn không rảnh

Sinh tại Nhân Trung Tôn nhàn rỗi

Luôn được tự nương Phật mười phương

_Nguyện được sinh vào nhà phú quý

Tài bảo, kho chứa đều tràn đầy

Dung mạo, danh tiếng không ai bằng

Thọ mệnh lâu dài nhiều Kiếp số

_Đều nguyện người nữ biến làm nam

Mạnh khỏe, thông minh, nhiều Trí Tuệ

Tất cả thường hành Bồ Tát Đạo (Bodhisatva-mārga)

Siêng tu sáu Độ (6 Ba La Mật) đến bờ kia (Niết Bàn)

_Thường thấy mười phương vô lượng Phật

Ngồi yên dưới gốc cây bảo vương

Trên Tòa sư tử Lưu Ly đẹp

Luôn được tự nương chuyển Pháp Luân

_Nếu ở quá khứ với hiện tại

Luân hồi ba cõi tạo các nghiệp

Chiêu cảm nẻo chẳng lành đáng ghét

Nguyện tiêu diệt hẳn, không dư sót

_Tất cả chúng sinh nơi biển có (chỉ sự sinh tử trong ba cõi)

Dây lưới sinh tử cột bền chắc

Nguyện dùng Kiếm Trí (Jñāna-khaḍga) chặt trừ hết

Lìa khổ mau chứng chốn Bồ Đề

_Chúng sinh ở trong Thiệm Bộ (Jambu-dvīpa) này

Hoặc trong Thế Giới ở phương khác

Đã tạo mọi loại ruộng Thắng Phước

Nay con thảy đều sinh tùy vui.

_Dùng việc Phước Đức tùy vui này

Với thân miệng ý tạo mọi Thiện

Nguyện Thắng Nghiệp này thường tăng trưởng

Mau chứng Vô Thượng Đại Bồ Đề

_Hết thảy Công Đức lễ tán Phật

Thâm Tâm thanh tịnh không vết dơ

Hồi hướng, phát nguyện Phước vô biên

Vượt sáu mươi kiếp của nẻo ác

_Nếu có người nam với người nữ

Hàng Bà La Môn, các Thắng Tộc

Chắp tay một lòng khen ngợi Phật

Đời đời thường nhớ việc đời trước

Các Căn thanh tịnh, thân viên mãn

Công Đức thù thắng đều thành tựu

Nguyện ở nơi sinh đời vị lai

Thường được Người, Trời thường chiêm ngưỡng

_Chẳng phải nơi một Phật, mười Phật

Tu các căn lành, nay được nghe

Ở trăm ngàn Phật gieo căn lành

Mới được nghe Pháp Sám Hối này”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe Thuyết này xong thời khen Diệu Tràng Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã mộng thấy cái trống vàng phát ra tiếng khen ngợi Công Đức chân thật của Như Lai kèm với Pháp Sám Hối. Nếu có người nghe thì được Phước rất nhiều, rộng lợi hữu tình, diệt trừ tội chướng. Nay ông nên biết Thắng Nghiệp này đều là Nhân Duyên đã quen khen ngợi, phát nguyện trong quá khứ với do uy lực của chư Phật gia hộ. Do nhân duyên này sẽ vì ông…”

Khi các Đại Chúng nghe Pháp này xong thảy đều vui vẻ, tin nhận phụng hành

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ HAI (Hết)_

 Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ BA_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Việt dịch: HUYỀN THANH

 

DIỆT NGHIỆP CHƯỚNG

_PHẨM THỨ NĂM_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn trụ ở sự phân biệt chính đúng, nhập vào Tĩnh Lự (Dhyāna) vi diệu thâm sâu. Từ lỗ chân lông trên thân phóng ánh sáng lớn với vô lượng trăm ngàn các màu sắc. Các cõi nước của Phật đều hiện trong ánh sáng đó, là điều mà hằng hà sa sự so sánh đo lường, ví dụ khắp mười phương chẳng thể theo kịp. Đời ác năm trược được ánh sáng chiếu đến thì các chúng sinh tạo mười nghiệp ác (Daśākuśala-karma), năm tội Vô Gián (Pañcānantarya), chê bai Tam Bảo (Tri-ratna), bất hiếu với cha mẹ Tổ Tiên (tôn thân); khinh mạn Sư Trưởng, chúng Bà La Môn… đáng bị đọa vào Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh. Nhóm ấy đều nương vào ánh sáng chiếu đến nơi cư trú, các hữu tình đó thấy ánh sáng này xong thì nhân vào sức của ánh sáng cho nên đều được an vui, đoan chính xinh đẹp, đầy đủ sắc tướng, Phước Trí trang nghiêm, được thấy chư Phật. 

Lúc đó, Đế Thích, tất cả Thiên Chúng với Nữ Thần sông Hằng và các Đại Chúng nương vào ánh sáng hiếm có đều đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi lui ra ngồi một bên.

Khi ấy, Thiên Đế Thích nương theo uy lực của Đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kẻ trai lành, người nữ thiện làm thế nào để nguyện cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), tu hành Đại Thừa, nhiếp nhận tất cả hữu tình điên đảo tà bậy (tà đảo)? Người đã từng gây tạo nghiệp chướng tội lỗi thì Sám Hối như thế nào sẽ được trừ diệt?”

Đức Phật bảo Thiên Đế Thích: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Nay ông tu hành muốn vì vô lượng vô biên chúng sinh, khiến được thanh tịnh, giải thoát, an vui, thương xót Thế Gian, phước lợi cho tất cả.

Nếu có chúng sinh do nghiệp chướng mà gây tạo các tội thì cần phải tự thúc dục mình gắng sức, ngày đêm sáu thời, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, một lòng chuyên niệm, miệng tự nói rằng: “Quy mệnh đỉnh lễ tất cả chư Phật hiện tại ở mười phương, bậc đã đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), chuyển bánh xe Pháp màu nhiệm, cầm bánh xe Pháp soi sáng, tuôn mưa Pháp lớn, đánh trống Pháp lớn, thổi loa Pháp lớn, dựng phướng Pháp lớn, cầm đuốc Pháp lớn… vì muốn lợi ích an vui cho các chúng sinh cho nên thường thực hành Pháp Thí (Dharma-deśanā: luôn nói Giáo Pháp lợi ích chúng sinh) khuyên nhủ chỉ đường cho quần mê (chúng sinh còn nhiều mê hoặc) tiến bước, khiến được Quả to lớn (Mahā-phala), chứng Thường (Nitya: hằng thường chẳng biến mà không có sinh diệt) Lạc (Sukha: Tịch diệt an bình vĩnh viễn).

Chư Phật Thế Tôn của nhóm như vậy. Dùng thân miệng ý cúi lạy quy thuận, chí Tâm lễ kính. Các Thế Tôn ấy dùng Tuệ chân thật, dùng con mắt chân thật, chứng minh chân thật, bình đẳng chân thật, đều biết đều thấy nghiệp thiện ác của tất cả chúng sinh                    

Con từ vô thủy sinh tử đến nay, tùy theo điều ác lưu chuyển, cùng với các chúng sinh tạo nghiệp chướng, tội lỗi… bị tham sân si ràng buộc, khi chưa biết Phật (Buddha), khi chưa biết Pháp (Dharma), khi chưa biết Tăng (Saṃgha), chưa biết thiện ác. Do thân miệng ý tạo tội Vô Gián, Tâm ác làm cho thân Phật chảy máu, chê bai Chính Pháp, phá hòa hợp Tăng, giết A La Hán (Arhat), giết hại cha mẹ, Thân ba, Ngữ bốn, Ý ba loại hành tạo mười nghiệp ác, tự mình làm dạy người khác làm, thấy làm tùy vui, đối với các người hiền thiện thì ngang ngược sinh hủy báng. Cân đong gian dối, dùng sự dối trá làm chân thật, đem thức ăn uống chẳng sạch ban cho tất cả. Gây tạo việc não hại cho hết thảy cha mẹ trong sáu đường. Hoặc trộm lấy vật trong Tốt Đổ Ba (Stūpa: cái tháp nhiều tầng), vật của bốn phương Tăng, vật của hiện tiền Tăng… tự tại mà dùng. Chẳng thích phụng hành Pháp Luật của Đức Thế Tôn, chẳng tùy thuận theo sự dạy bảo chỉ dẫn của Sư Trưởng. Thấy người thực hành Hạnh Thanh Văn, Độc Giác, Đại Thừa thì vui thích sinh chửi mắng khiến cho các Hành Nhân sinh Tâm hối hận lo lắng. Thấy người hơn mình thì liền ôm ấp sự ganh ghét. Đối với Pháp Thí (Dharma-deśanā), Tài Thí (Dhana-dā) thường sinh keo tiếc, Tâm bị Vô Minh che lấp, Tà Kiến mê hoặc, chẳng tu Nhân thiện khiến ác tăng trưởng. Ở chỗ của chư Phật thì khởi chê bai, Pháp (Dharma) nói là Phi Pháp (A-dharma), Phi Pháp nói là Pháp

Mọi tội như vậy, Đức Phật dùng Tuệ chân thật, dùng con mắt chân thật, chứng minh chân thật, bình đẳng chân thật, đều biết đều thấy

Nay con quy mệnh, đối trước mặt chư Phật thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi chưa làm, chẳng dám làm nữa. Tội lỗi đã làm, nay đều sám hối. Hết thảy nghiệp chướng đáng bị đọa trong đường ác, Địa Ngục, Bàng Sinh, Quỷ đói, chúng A Tu La với nơi có tám nạn. Nguyện hết thảy nghiệp chướng trong đời này của con đều được tiêu diệt. Vị lai chẳng thọ nhận hết thảy quả báo ác.

Cũng như các Đại Bồ Tát ở quá khứ tu Bồ Đề Hạnh (Bodhi-caryā), hết thảy nghiệp chướng đều đã sám hối. Nghiệp chướng của con, nay cũng sám hối, thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi đã làm, nguyện được trừ diệt. việc ác vị lai chẳng dám gây tạo.

Cũng như các Đại Bồ Tát ở vị lai tu Bồ Đề Hạnh, hết thảy nghiệp chướng thảy đều sám hối. Nghiệp chướng của con, nay cũng sám hối, thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi đã làm, nguyện được trừ diệt. việc ác vị lai chẳng dám gây tạo.

Cũng như các Đại Bồ Tát ở mười phương Thế Giới hiện tại tu Bồ Đề Hạnh, hết thảy nghiệp chướng đều đã sám hối. Nghiệp chướng của con, nay cũng sám hối, thảy đều tỏ bày chẳng dám che dấu. Tội lỗi đã làm, nguyện được trừ diệt. việc ác vị lai chẳng dám gây tạo.

Thiện Nam Tử! Do nhân duyên đó, nếu có tạo tội trong khoảng sát na chẳng được che dấu, huống chi là một ngày một đêm cho đến nhiều thời, nếu có phạm tội, muốn cầu thanh tịnh thì Tâm ôm ấp sự xấu hổ, tin ở vị lai ắt có ác báo, sinh kinh sợ lớn, nên Sám như vậy, như người bị lửa thiêu đốt đầu, thiêu đốt áo… muốn cứu thì khiến cho mau chóng diệt, nếu lửa chưa diệt thì Tâm chẳng được yên. Như người phạm tội cũng lại như vậy, liền nên sám hối khiến mau trừ diệt.

Nếu có nguyện sinh vào nhà giàu sang an vui, có nhiều tài bảo. Lại muốn phát ý tu tập Đại Thừa thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Muốn sinh vào nhà có địa vị cực kỳ quý hiển, dòng Bà La Môn (Brāhmaṇa), Sát Đế Lợi (Kṣatriya) với Chuyển Luân Vương (Cakra-varti-rāja) đầy đủ bảy báu thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Thiện Nam Tử! Nếu muốn sinh vào Tứ Thiên Vương Chúng Thiên (Cāturmahārājakāyika-deva), Tam Thập Tam Thiên (Trayastriṃśa), Dạ Ma Thiên (Yama), Đổ Sử Đa Thiên (Tuṣita), Lạc Biến Hóa Thiên (Nirmāṇa-rati), Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranirmita-vaśa-vartin) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Nếu muốn sinh vào Phạm Chúng (Brahma-pāriṣadya), Phạm Phụ (Brahma-purohita), Đại Phạm Thiên (Mahā-brahman), Thiểu Quang (Parīttābha), Vô Lượng Quang (Apramāṇābhā), Cực Quang Tịnh Thiên (Ābhāsvara: Quang Âm Thiên), Thiểu Tịnh (Parītta-śubha: Diệu Tịnh Thiên), Vô Lượng Tịnh (Apramāṇa-śubha), Biến Tịnh Thiên (Śubha-kṛtsna), Vô Vân (Anabhraka), Phước Sinh (Puṇya-prasava), Quảng Quả Thiên (Bṛhat-phala), Vô Phiền (Avṛha), Vô Nhiệt (Atapa), Thiện Hiện (Sudṛśa), Thiện Kiến (Sudarśana), Sắc Cứu Cánh Thiên (Akaniṣṭha) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Nếu muốn cầu quả Dự Lưu (Srotāpanna), quả Nhất Lai (Sakṛdāgāmi), quả Bất Hoàn (Anāgāmi), quả A La Hán (Arhat) thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Nếu muốn nguyện cầu ba Minh (Tirso-vidyāḥ), sáu Thông (Ṣaḍ-abhijñāḥ), Thanh Văn (Śrāvaka), Độc Giác (Pratyeka-buddha), Tự Tại Bồ Đề (Īśvara-bodhi) đến Cứu Cánh Địa (Uttara-bhūmi), cầu Nhất Thiết Trí Trí (Sarva-jñā-jñāna), Tịnh Trí (Śuddha-jñāna), Bất Tư Nghị Trí (Acintya-jñāna), Bất Động Trí (Acala-jñāna), Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyaksaṃbodhi), Chính Biến Trí (Samyaksaṃbuddha)  thì cũng nên sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Tại sao thế? Này Thiện Nam Tử! Tất cả các Pháp từ nhân duyên sinh, Đức Như Lai đã nói: “Tướng suy biến (dị tướng: một trong bốn tướng sinh trụ dị diệt) sinh, tướng suy biến (dị tướng) diệt vì nhân duyên khác nhau”. Như vậy các Pháp ở quá khứ đều đã diệt hết thì hết thảy nghiệp chướng không có dư sót nữa. Các Hành Pháp (Saṃskāra-dharma) đó chưa được hiện sinh mà nay được sinh thì Nghiệp Chướng ở vị lai chẳng dấy lên nữa. Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Tất cả Pháp trống rỗng (Śūnya: không), Đức Như Lai đã nói: “Không có: ta, người, chúng sinh, thọ giả. Cũng không có sinh diệt, cũng không có Hành Pháp”  

Thiện Nam Tử! Tất cả các Pháp đều y vào gốc (bản), cũng chẳng thể nói. Tại sao thế? Vì vượt qua tất cả tướng.

Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện như vậy nhập vào Chân Lý vi diệu, sinh Tâm tin kính. Đấy gọi là không có chúng sinh mà có ở gốc (bản), Do nghĩa đó cho nên nói đến sám hối diệt trừ nghiệp chướng.

Thiện Nam Tử! Nếu người thành tựu bốn Pháp thì hay trừ nghiệp chướng, vĩnh viễn được thanh tịnh. Thế nào là bốn?

1_Chẳng khởi Tâm tà, thành tựu chính niệm

2_Đối với Lý sâu xa, chẳng sinh chê bai

3_ Đối với Sơ Hạnh Bồ Tát, khởi Tâm Nhất Thiết Trí

4_ Đối với các chúng sinh, khởi Từ (Maitra) vô lượng

Đấy là bốn”

 

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói Tụng rằng:

“Chuyên tâm hộ (giữ gìn, bảo vệ) ba nghiệp

Chẳng chê Pháp sâu xa

Tác tưởng Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Tâm Từ (Maitra-citta) tịnh nghiệp chướng (Karmāvaraṇa)”

 

_Thiện Nam Tử! có bốn nghiệp chướng khó thể diệt trừ. Thế nào là bốn?

1_ Đối với Luật Nghi của Bồ Tát, phạm điều ác cực nặng

2_Đối với Kinh Đại Thừa, sinh tâm chê bai

3_Nơi căn lành của mình, chẳng thể tăng trưởng

4_Tham dính ba cõi, không có Tâm thoát lìa

 

_Lại có bốn loại đối trị nghiệp chướng. Thế nào là bốn?

1_Đối với tất cả Như Lai ở mười phương Thế Giới, chí Tâm gần gũi, nói bày tất cả tội

2_Vì tất cả chúng sinh, khuyến thỉnh chư Phật nói Pháp màu nhiệm sâu xa

3_Tùy vui với hết thảy Công Đức của tất cả chúng sinh

4_Hết thảy Công Đức, căn lành thảy đều hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)”

 

Bấy giờ, Thiên Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Hết thảy người nam, người nữ của Thế Gian đối với Đại Thừa Hạnh (Mahā-yāna-caryā) thì có người hay thực hành, có người chẳng thực hành. Làm thế nào có thể được tùy vui với Công Đức, căn lành của tất cả chúng sinh?”

Đức Phật nói: “Này Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh tuy đối với Đại Thừa chưa thể tu tập. Nhưng ở ngày đêm, sáu thời trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, một lòng chuyên niệm, khi tác tùy vui thời được Phước vô lượng. Nên nói lời này: ‘Tất cả chúng sinh trong mười phương Thế Giới, hiện tại tu hành Thí (Dāna), Giới (Śīla), Tâm Tuệ (Tâm nghiên cứu Tuệ). Nay tôi thảy đều sinh tùy vui sâu xa”. Do làm Phước tùy vui như vậy ắt sẽ được quả tối diệu, tôn trọng, thù thắng, vô thượng không có gì bằng. Như vậy hết thảy căn lành của tất cả chúng sinh ở quá khứ, vị lai thảy đều tùy vui.

Lại ở hiện tại, hết thảy Công Đức của Sơ Hạnh Bồ Tát phát Tâm Bồ Đề, vượt hơn trăm Đại Kiếp thực hành Bồ Tát Hạnh có Đại Công Đức được Vô Sinh Nhẫn đến Bất Thoái Chuyển, Nhất Sinh Bổ Xứ. Tất cả Công Đức tích chứa như vậy, thảy đều chí Tâm tùy vui khen ngợi.

Hết thảy Công Đức của tất cả Bồ Tát ở quá khứ, vị lai thì tùy vui khen ngợi cũng lại như vậy

Lại ở hiện tại, Tất cả chư Phật Ứng Chính Biến Tri trong mười phương Thế Giới chứng Diệu Bồ Đề, vì hóa độ vô biên các chúng sinh cho nên chuyển bánh xe Pháp vô thượng, thực hành Pháp Thí không có ngăn ngại, đánh trống Pháp, thổi loa Pháp, dựng phướng Pháp, tuôn mưa Pháp, thương xót khuyến hóa tất cả chúng sinh đều khiến cho tin nhận, đều nương theo Pháp Thí đều được sung túc, an vui không tận.

Lại nữa, Công Đức gom chứa căn lành của hết thảy Bồ Tát, Thanh Văn, Độc Giác. Nếu có chúng sinh chưa đủ các Công Đức như vậy đều khiến cho đầy đủ. Con đều tùy vui.

 

Như vậy, hết thảy Công Đức của chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Độc Giác ở quá khứ, vị lai… cũng đều chí Tâm tùy vui khen ngợi.

Thiện Nam Tử! Tùy vui như vậy sẽ được vô lượng nhóm Công Đức như hết thảy chúng sinh trong hằng hà sa ba ngàn Đại Thiên Thế Giới đều chặt đứt phiền não thành A La Hán

Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện suốt cả đời thường đem quần áo thượng diệu, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men để làm cúng dường, thì Công Đức như vậy chẳng bằng một phần ngàn (1/1000) Công Đức tùy vui như lúc trước. Tại sao thế? Vì Công Đức cúng dường có số có lượng chẳng nhiếp các Công Đức, còn Công Đức tùy vui vô lượng vô số hay nhiếp tất cả Công Đức của ba đời. Thế nên, nếu người muốn cầu tăng trưởng căn Thắng Thiện thì nên tu Công Đức tùy vui như vậy

Nếu có người nữ nguyện chuyển thân nữ làm người nam thì cũng nên tu tập Công Đức tùy vui ắt được tùy theo Tâm hiện thành người naṁ.

 

_Khi ấy, Thiên Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đã biết Công Đức tùy vui, Công Đức khuyến thỉnh. Nguyện xin vì con nói, muốn khiến cho tất cả Bồ Tát đời vị lai sẽ chuyển bánh xe Pháp, Bồ Tát hiện tại tu hành chính đúng”

Đức Phật bảo Đế Thích: “Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện…nguyện cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) cần phải tu hành con đường của Thanh Văn, Độc Giác, Đại Thừa. Người đó nên ở ngày đêm sáu thời, như uy nghi lúc trước, một lòng chuyên niệm, nói lời như vầy: “Nay con quy y tất cả chư Phật Thế Tôn ở mười phương đã được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), chưa chuyển bánh xe Pháp vô thượng, muốn buông xả Báo Thân (Saṃbhoga-kāya) nhập vào Niết Bàn (Nirvāṇa) thì con đều chí thành đỉnh lễ, khuyến thỉnh chuyển bánh xe Đại Pháp, tuôn mưa Đại Pháp, thắp đèn Đại Pháp, chiếu sáng Lý Thú, ban bố Pháp không có ngăn ngại, đừng Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn), trụ lau ở đời, độ thoát an vui cho tất cả chúng sinh. Như lúc trước đã nói, cho đến an vui không cùng tận.

Nay con dùng Công Đức khuyến thỉnh hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Như Công Đức khuyến thỉnh của các Đại Bồ Tát ở quá khứ vị lai, hồi hướng Bồ Đề. Con cũng như vậy, Công Đức khuyến thỉnh hồi hướng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề”

 

_Này Thiện Nam Tử! Giả sử có người đem bảy báu tràn đầy trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, cúng dường Như Lai. Nếu lại có người khuyến thỉnh Như Lai chuyển bánh xe Đại Pháp thì Công Đức có được, Phước ấy hơn việc kia. Tại sao thế? Vì việc kia là Tài Thí, còn việc này là Pháp Thí

Thiện Nam Tử! Tạm gác lại việc đem bảy báu trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới bố thí. Nếu người đem bảy báu trong hằng hà sa số Đại Thiên Thế Giới cúng dường tất cả chư Phật, thì Công Đức khuyến thỉnh cũng hơn hẳn việc ấy.  

Do Pháp Thí ấy có năm thắng lợi. Thế nào là năm?

1_Pháp Thí kiêm cả lợi mình lợi người, còn Tài Thí thì chẳng như thế

2_Pháp Thí hay khiến cho chúng sinh ra khỏi ba cõi, còn Phước của Tài Thí chỉ ra khỏi Dục Giới (Kāma-dhātu)

3_Pháp Thí hay tịnh Pháp Thân. Còn Tài Thí chỉ tăng trưởng nơi hình sắc (Rūpa: sắc)

4_Pháp Thí không có cùng tận, còn Tài Thí có cùng tận

5_Pháp Thí hay chặt đứt Vô Minh, còn Tài Thí chỉ khuất phục được Tham Ái

Thế nên, Thiện Nam Tử! Công Đức khuyến thỉnh vô lượng vô biên chẳng thể ví dụ. Như Ta xưa kia khi thực hành Bồ Tát Đạo thời khuyến thỉnh chư Phật chuyển bánh xe Đại Pháp. Do căn lành ấy, thế nên ngày nay tất cả Đế Thích, các hàng Phạm Vương khuyến thỉnh Ta chuyển bánh xe Đại Pháp.

 

_Thiện Nam Tử! Thỉnh chuyển bánh xe Pháp vì muốn độ thoát, an vui cho các chúng sinh. Ta ở xưa kia, tu Bồ Tát Hạnh khuyến thỉnh Đức Như Lai trụ lâu ở đời, đừng Bát Niết Bàn (nhập vào Niết Bàn). Y theo căn lành này, Ta được mười Lực, bốn Vô Sở Úy, bốn Vô Ngại Biện, Đại Từ Đại Bi, chứng được vô số Pháp Bất Cộng. Ta sẽ nhập vào Vô Dư Niết Bàn (Nirūpadhiśeṣa-nirvāṇa), Chính Pháp (Saddharma) của Ta trụ lâu ở đời. Pháp Thân (Dharma-kāya) của ta thanh tịnh không có gì sánh bằng, mọi loại tướng màu nhiệm, vô lượng Trí Tuệ, vô lượng tự tại, vô lượng Công Đức khó thể nghĩ bàn, tất cả chúng sinh đều nương nhờ lợi ích, trăm ngàn vạn kiếp nói chẳng thể hết

Pháp Thân nhiếp chứa tất cả các Pháp, tất cả các Pháp chẳng nhiếp Pháp Thân. Pháp Thân thường trụ chẳng rơi vào Thường Kiến (Nitya-dṛṣṭi), tuy lại đoạn diệt cũng chẳng phải là Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi), hay phá mọi loại Dị Kiến (kiến giải ác nhân vào phiền não mà dấy lên) của chúng sinh, hay sinh mọi loại Chân Kiến (kiến giải chân thật chính đúng) của chúng sinh, hay cởi bỏ sự cột trói của tất cả chúng sinh nhưng không có sự cột buộc nào có thể cởi bỏ, hay gieo trồng gốc rễ các thiện của chúng sinh, kẻ chưa thành thục khiến được thành thực, người đã thành thục khiến được giải thoát, không có tạo làm, không có lay động, xa lìa nơi tụ họp ồn ào, vắng lặng, Vô Vi (Asaṃskṛta), tự tại an vui, vượt qua ba đời, hay hiện ba đời. Ra khỏi cảnh của Thanh Văn Độc Giác, nơi tu hành của các Đại Bồ Tát. Thể của tất cả Như Lai không có khác nhau. Nhóm này đều do sức căn lành của Công Đức khuyến thỉnh.

Pháp Thân như vậy, nay Ta đã đắc được.  Thế nên, nếu có người muốn được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề thời ở trong các Kinh, một câu, một Tụng đều vì người giải nói ắt Công Đức, căn lành còn không có hạn lượng, huống chi là khuyến thỉnh Đức Như Lai chuyển bánh xe Đại Pháp, trụ lâu ở đời, đừng Bát Niết Bàn”.

 

_Thời Thiên Đế Thích lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện vì cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề cho nên tu Đạo của ba Thừa thì căn lành có được làm thể nào để hồi hướng Nhất Thiết Trí Trí (Sarva-jñā-jñāna)?”

Đức Phật bảo Thiên Đế: “Này Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh muốn cầu Bồ Đề, tu Đạo của ba Thừa, đem hết thảy căn lành nguyện hồi hướng thì nên ở ngày đêm sáu thời, ân trọng chí Tâm nói như vầy: “Con từ vô thủy sinh tử đến nay, ở chỗ của Tam Bảo, tu hành thành tựu hết thảy căn lành, cho đến bố thí cho Bàng Sinh một nắm thức ăn, hoặc dùng lời tốt lành hòa giải sự tranh tụng, hoặc thọ nhận Tam Quy với các chỗ học (học xứ), hoặc lại có được căn lành do sám hối, khuyến thỉnh, tùy vui

Nay con tác ý, thảy đều nhiếp lấy, hồi thí cho tất cả chúng sinh, không có Tâm hối tiếc. Đấy là nơi mà căn lành của phần Giải Thoát đã nhiếp, như chỗ thấy biết của Phật Thế Tôn chẳng thể xưng lường, thanh tịnh không có ngăn ngại. Hết thảy Công Đức, căn lành như vậy đều đem hồi thí cho tất cả chúng sinh, Tâm chẳng trụ tướng, Tâm chẳng buông bỏ Tướng. Con cũng như vậy, Công Đức, căn lành đều đem hồi thí cho tất cả chúng sinh, nguyện đều được bàn tay Như Ý, phá mở hư không xuất ra vật báu, thỏa mãn Nguyện của chúng sinh, giàu có vui sướng không tận, Trí Tuệ không cùng tận, Diệu Pháp Biện Tài thảy đều không có vướng mắc, cùng với các chúng sinh đồng chứng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, chứng Nhất Thiết Trí

Nhân vào căn lành nay lại sinh ra vô lượng Pháp tốt lành (thiện Pháp) cũng đều hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi)

Lại như các Đại Bồ Tát ở quá khư, khi tu hành thời Công Đức, căn lành thảy đều hồi hướng Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathā-jñāna). Hiện tại, vị lai cũng lại như vậy. Như thế, hết thảy Công Đức, căn lành của con cũng đều hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Nguyện đem các căn tốt lành này cùng với tất cả chúng sinh đều thành Chính Giác.

Như chư Phật khác, ngồi ở Đạo Trường dưới cây Bồ Đề, thanh tịnh không có ngăn ngại chẳng thể nghĩ bàn, trụ ở Vô Tận Pháp Tạng Đà La Ni (Akṣaya-dharma-garbha-dhāraṇī), Thủ Lăng Nghiêm Định (Śuraṃgama-samādhi), phá vô lượng binh chúng của Ma Ba Tuần (Pāpīyas). Nơi hiểu biết cần thấy, chỗ cần phải thông đạt… như vậy tất cả, trong một Sát Na thảy đều soi chiếu rõ, ở trong đêm hôm sau được Pháp Cam Lộ (Amṛta), chứng nghĩa Cam Lộ.

Con với chúng sinh, Nguyện đồng chứng Diệu Giác như vậy, giống như Vô Lượng Thọ Phật, Thắng Quang Phật, Diệu Quang Phật, A Súc Phật, Công Đức Thiện Quang Phật, Sư Tử Quang Minh Phật, Bách Quang Minh Phật, Võng Quang Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Bảo Diệm Phật, Diệm Minh Phật, Diệm Thịnh Quang Minh Phật, Cát Tường Thượng Vương Phật, Vi Diệu Thanh Phật, Diệu Trang Nghiêm Phật, Pháp Tràng Phật, Thượng Thắng Thân Phật, Khả Ái Sắc Thân Phật, Quanh Minh Biến Chiếu Phật, Phạm Tịnh Vương Phật, Thượng Tính Phật… Nhóm Như Lai Ứng Chính Biến Tri như vậy ở quá khứ, vị lai với hiện tại hiền bày ứng hóa, đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, chuyển bánh xe Pháp vô thượng hóa độ chúng sinh. Con cũng như vậy. Rộng nói như bên trên 

 

_Này Thiện Nam Tử! Nếu người nam, người nữ có niềm tin trong sạch, đối với Phẩm Diệt Nghiệp Chướng của Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, thọ trì đọc tụng, nhớ nghĩ chẳng quên, vì người khác rộng nói sẽ được vô lượng vô biên nhóm Công Đức lớn. Ví như hết thảy chúng sinh trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới một thời đều được thành tựu thân người. Được thân người xong, lại thành Độc Giác Đạo (Pratyeka-buddha-mārga).

Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện suốt cả cuộc đời, cung kính tôn trọng, bốn việc cúng dường mỗi một vị Độc Giác (Pratyeka-buddha), đều bố thí bảy báu như núi Tu Di. Sau khi các vị Độc Giác này vào Niết Bàn, đều đem châu báu dựng tháp cúng dường, cái tháp ấy cao rộng 12 Du Thiện Na, dùng các hoa, hương, vật báu, phướng, phan, lọng… thường làm cúng dường.

Này Thiện Nam Tử! Ý ông thế nào? Công Đức người đó đại được có nhiều không?”

Thiên Đế Thích nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Rất nhiều”

 

_Thiện Nam Tử! Nếu lại có người đối với Phẩm Diệt Nghiệp Chướng trong Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này, vua trong mọi Kinh… vì người khác rộng nói thì Công Đức đạt được (khi so sánh thời) Công Đức cúng dường đã nói lúc trước, trong trăm phần chẳng theo kịp một phần, trăm ngàn vạn ức phần cho đến tính đếm do lường, thí dụ cũng chẳng theo kịp. Tại sao thế? Vì kẻ trai lành, người nữ thiện đó trụ trong Chính Hạnh khuyến thỉnh tất cả chư Phật ở mười phương, chuyển bánh xe Pháp vô thượng đều được chư Phật vui vẻ khen ngợi.

 

_Này Thiện Nam Tử! Như Ta đã nói, trong tất cả Thí (Dāna) thì Pháp Thí là hơn hết. Thế nên, Thiện Nam Tử! Ở chỗ của Tam Bảo, bày các cúng dường…chẳng thể đem so sánh được.

Khuyên thọ Tam Quy, giữ gìn tất cả Giới không có hủy phạm, ba nghiệp chẳng trống rỗng (Śūnya: không)… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong tất cả Thế Giới, tùy theo sức, tùy theo khả năng, tùy theo nguyện ưa thích, ở trong ba Thừa, khuyên phát Tâm Bồ Đề… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Hết thảy chúng sinh trong tất cả Thế Giới ở trong ba đời, đều được vô ngại, mau khiến thành tựu vô lượng Công Đức… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong cõi nước ở ba đời, khiến không có chướng ngại, được Tam Bồ Đề (Saṃbodhi: Chính Đẳng Giác)…cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong cõi nước ở ba đời, khuyên khiến mau chóng ra khỏi nỗi khổ trong bốn đường ác… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả chúng sinh trong cõi nước ở ba đời, khuyên khiến trừ diệt nghiệp ác cực năng… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả khổ não, khuyên khiến giải thoát… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Tất cả sự sợ hãi, khổ não ép bức đều khiến được giải thoát… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Hết thảy Công Đức khuyến thỉnh, tùy vui, phát Bồ Đề Nguyện của tất cả chúng sinh ở trước mặt Phật ba đời…  cũng chẳng thể đem so sánh được.

Khuyên trừ Hạnh ác, Nghiệp mắng chửi… tất cả Công Đức đều nguyện thành tựu. Ở ngay chỗ sinh ra, khuyến thỉnh, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi tất cả Tam Bảo. Khuyến thỉnh chúng sinh đều tu Phước Hạnh, thành mãn Bồ Đề… cũng chẳng thể đem so sánh được.

Chính vì thế, nên biết khuyến thỉnh Tam Bảo ba đời trong tất cả Thế Giới, khuyến thỉnh mãn túc Ba La Mật, khuyến thỉnh chuyển bánh xe Pháp vô thượng, khuyến thỉnh trụ ở đời trải qua vô lượng kiếp, diễn nói vô lượng Pháp màu nhiệm sâu xa… thì Công Đức thâm sâu không gì có thể so sánh được”.

 

_Lúc đó, Thiên Đế Thích với Nữ Thần sông Hằng, vô lượng Phạm Vương, bốn Đại Thiên Chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay, đỉnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con đều được nghe Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này. Nay đều thọ trì, đọc tụng thông lợi, vì người khác rộng nói, y theo Pháp này trụ. Tại sao Thế? Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con muốn cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) tùy thuận mọi loại Thắng Tướng của nghĩa này, như Pháp thực hành”

Bấy giờ, Phạm Vương với hàng Thiên Đế Thích ở chỗ nói Pháp, đều đem mọi loại hoa Mạn Đà La rải tán lên trên Đức Phật. Ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, Đại Địa chấn động lớn. Tất cả trống Trời với các âm nhạc chẳng đánh tự kêu, phóng ánh sáng màu vàng ròng trản đầy khắp Thế Giới, phát ra âm thanh màu nhiệm.

Thời Thiên Đế Thích bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nhóm này đều là sức Uy Thần của Kinh Kim Quang Minh, Từ Bi cứu khắp, mọi loại lợi ích, mọi loại tăng trưởng căn lành của Bồ Tát diệt các nghiệp chướng”

Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như ông đã nói. Tại sao thế? Này Thiện Nam Tử! Ta nhớ về thời xa xưa, hơn vô lượng trăm ngàn a tăng kỳ Kiếp, có Đức Phật tên là Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai Ứng Chính Biến Tri hiện ra ở đời, trụ ở đời 680 ức Kiếp

Bấy giờ, Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai vì muốn độ thoát Người, Trời, Thích, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, tất cả chúng sinh khiến cho an vui, cho nên ngay lúc hiện ra thời: Hội đầu tiên nói Pháp hóa độ trăm ngàn ức ức vạn Chúng, đều được quả A La Hán, các Lậu (Phiền não) đã dứt hết. Ba Minh, sáu Thông tự tại không có ngăn ngại. Ở Hội thứ hai lại hóa độ chín mươi ngàn ức ức vạn Chúng đều được quả A La Hán, các Lậu (Phiền não) đã dứt hết. Ba Minh, sáu Thông tự tại không có ngăn ngại. Ở Hội thứ ba lại hóa độ chín mươi tám ngàn ức ức vạn Chúng đều được quả A La Hán, viên mãn như bên trên.

Này Thiện Nam Tử! Ta ở thời đấy mang thân người nữ tên là Phước Bảo Quang Minh. Ở Hội thứ ba, gần gũi Đức Thế Tôn, thọ trì, đọc tụng Kinh Kim Quang Minh này, vì người khác rộng nói, cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Thời Đức Thế Tôn ấy vì Ta Thọ Ký (Vyākaraṇa): “Người nữ Phước Bảo Quang Minh này ở đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri Minh Hạnh Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn”. Sau khi bỏ thân nữ,  từ đấy về sau vượt qua bốn đường ác, sinh trong cõi Người, Trời thọ nhận niềm vui thượng diệu. Tám mươi bốn ngàn đời làm Chuyển Luân Vương, cho đến ngày nay được thành Chính Giác, danh tiếng vang khắp Thế Giới”.

 

Lúc đó, Đại Chúng trong Hội đột nhiên đều thấy Đức Bảo Vương Đại Quang Nhiếu Như Lai chuyển bánh xe Pháp vô thượng, nói Pháp vi diệu.

“Này Thiện Nam Tử! Cách Thế Giới Sách Ha (Sāha-loka-dhātu) này về phương Đông, vượt hơn hằng hà sa số cõi Phật, có Thế Giới tên là Bảo Trang Nghiêm, Đức Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai ấy, hiện nay đang ở nơi đó, chưa Bát Niết Bàn, nói Pháp vi diệu, rộng hóa quần sinh. Người mà các ngươi nhìn thấy tức là Đức Phật ấy.

Thiện Nam Tử! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện nghe danh hiệu của Đức Bảo Vương Đại Quang Chiếu Như Lai đó thì ở Bồ Tát Địa được Bất Thoái Chuyển cho đến Đại Niết Bàn. Nếu có người nữ nghe tên của Đức Phật đó, khi lâm chung thời được thấy Đức Phật ấy đi đến chỗ của mình. Đã thấy Đức Phật xong thì rốt ráo chẳng thọ nhận thân nữ nữa.

 

_Thiện Nam Tử! Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này có mọi loại lợi ích, mọi loại tăng trưởng căn lành của Bồ Tát, diệt các nghiệp chướng.

Thiện Nam Tử! Nếu có Bật Sô (Bhikṣu), Bật Sô Ni (Bhikṣuṇī), Ô Ba Sách Ca (Upāsaka), Ô Ba Tư Ca (Upāsikā) tùy ở nơi chốn nào, vì người giảng nói Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu thì ở cõi nước ấy đều được bốn loại căn lành phước lợi. Thế nào là bốn?

1_Quốc Vương không có bệnh, lìa các tai ách

2_Thọ mệnh lâu dài, không có chướng ngại

3_Không có oán địch, binh chúng mạnh mẽ dũng cảm

4_An ổn vui sướng, Chính Pháp lưu thông

Tại sao thế? Vị vị Nhân Vương (Nārendra) đó thường được Thích Phạm, bốn Thiên Vương, chúng Dược Xoa cùng nhau thủ hộ”.

 

_Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên Chúng rằng: “Việc đó có thật không?”

Khi ấy, vô lượng Thích Phạm, bốn Thiên Vương với chúng Dược Xoa cùng lúc đồng thanh đáp rắng: “Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy! Như vậy! Nếu có cõi nước tuyên giảng, đọc tụng Diệu Kinh Vương này thì các Quốc Chủ đó được bốn Thiên Vương chúng con thường đi đến ủng hộ, cùng chung đi đứng. Nếu vị vua ấy có tất cả tai chướng với các oán địch thì bốn Thiên Vương chúng con đều khiến cho tiêu hết, cũng khiến trừ bệnh dịch lo buồn, tăng ích thọ mệnh, cảm ứng điềm tốt lành, ước nguyện toại Tâm, luôn sinh vui vẻ. Chúng con cũng hay khiến cho hết thảy quân binh trong nước ấy thảy đều mạnh mẽ dũng cảm”.

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã nói, ông nên tu hành. Tại sao thế? Vì các quốc chủ đó như Pháp thực hành thời tất cả người dân tùy theo đức vua tu tập, như Pháp thực hành. Các ông đều nương nhờ theo mà hình sắc, sức lực được thắng lợi, cung điện tỏa sáng, quyến thuộc cường thịnh”

Thời nhóm Thích, Phạm bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật đúng như vậy!”

 

_Đức Phật nói: “Nếu nơi chốn nào có giảng đọc, lưu thông Kinh Điển màu nhiệm này thì trong nước ấy: Đại Thần, Phụ Tướng có bốn loại lợi ích. Thế nào là bốn?

1_Gần gũi thuận hòa với nhau, tôn trọng yêu nhớ nhau

2_Thường được Nhân Vương yêu trọng. Cũng được Sa Môn, Bà La Môn, nước lớn, nước nhỏ tuân kính

3_Khinh tiền, trọng Pháp chẳng cầu lợi của đời, tiếng tốt vang khắp

4_Thọ mệnh lâu dài, an ổn, khoái lạc.

Đấy gọi là bốn loại lợi ích.

 

_Nếu có cõi nước tuyên nói Kinh này thì Sa Môn, Bà La Môn được bốn loại thắng lợi. Thế nào là bốn?

1_Thức ăn uống, quần áo, giường nằm, thuốc men không có thiếu thốn

2_Đều được an Tâm, suy nghĩ đọc tụng

3_Ở chốn núi rừng, được trụ an vui

4_Tùy theo Tâm ước nguyện, đều được đầy đủ

Đấy gọi là bốn loại thắng lợi.

 

_Nếu có cõi nước tuyên nói Kinh này thì tất cả người dân đều được sung túc an vui, không có bệnh dịch. Người đi buôn qua lại được nhiều hàng hóa quý báu, đầy đủ thắng phước

Đấy gọi là mọi loại Công Đức lợi ích”

 

Bấy giờ, Phạm, Thích, bốn Thiên Vương với các Đại Chúng bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Điển như vậy có nghĩa thâm sâu, nếu hiện còn thì nên biết 37 loại Pháp Trợ Bồ Đề của Như Lai còn trụ ở đời chưa bị diệt. Nếu khi Kinh Điển này diệt tận thì Chính Pháp cũng diệt”

Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Đúng như vậy! Thiên Nam Tử! Thế nên các ông đối với một câu, một Tụng, một Phẩm, một Bộ của Kinh Kim Quang Minh này đều nên một lòng đọc tụng chính đúng, nghe giữ chính đúng, suy nghĩ chính đúng, tu tập chính đúng, vì các chúng sinh rộng tuyên lưu bày thời đêm dài an vui, phước lợi vô biên”

 

Khi các Đại Chúng nghe Đức Phật nói xong, đều nương theo lợi ích thù thắng, vui vẻ thọ trì.

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ BA (Hết)_

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ TƯ_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

TỐI TỊNH ĐỊA ĐÀ LA NI

_PHẨM THỨ SÁU_

 

Bấy giờ, Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm Bồ Tát cùng với vô lượng ức Chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, đem mọi loại hoa hương, vật báu, phướng, phan, lọng… cúng dưòng xong, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do bao nhiêu Nhân Duyên được Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta)?

Thế nào là Tâm Bồ Đề? Thế Tôn! Tức ở Bồ Đề (Bodhi): Tâm hiện tại chẳng thể đắc (An-upalambha: tên gọi khác của Không (trống rỗng) các Pháp trống rỗng không có, nên Thật Thể không có chỗ hiểu thấu được), Tâm vị lai chẳng thể đắc, Tâm quá khứ chẳng thể đắc, lìa nơi Bồ Đề thì Tâm Bồ Đề cũng chẳng thể đắc.

Bồ Đề (Bodhi) chẳng thể nói năng. Tâm (Citta) cũng không có màu sắc (Rūpa) không có Tướng (Lakṣaṇa), không có sự nghiệp, chẳng thể tạo làm. Chúng sinh cũng chẳng thể đắc, chẳng thể biết. Thế Tôn! Thế nào là nghĩa thâm sâu của các Pháp mà có thể được biết?”

Đức Phật nói: “Như vậy! Đúng như vậy! Bồ Đề vi diệu, sự nghiệp tạo làm đều chẳng thể đắc. Nếu lìa Bồ Đề thì Tâm Bồ Đề cũng chẳng thể đắc. Bồ Đề chẳng thể nói. Tâm cũng chẳng thể nói, không có sắc tướng, không có sự nghiệp. Tất cả chúng sinh cũng chẳng thể đắc. Tại sao thế? Vì Bồ Đề với Tâm đồng với Chân Như (Bhūta-tathatā) cho nên Năng Chứng (người chứng), Sở Chứng (nơi chứng) đều bình đẳng, chẳng phải là không có các Pháp mà có thể biết rõ  

Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát biết như vậy thì mới được gọi là: thông đạt các Pháp, khéo nói Bồ Đề với Tâm Bồ Đề.

Tâm Bồ Đề chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là vị lai, chẳng phải là hiện tại. Tâm cũng như vậy. Chúng sinh cũng như vậy. Ở trong hai Tướng thật chẳng thể đắc. Tại sao thế? Vì tất cả các Pháp đều không có sinh, cho nên Bồ Đề chẳng thể đắc, Tâm Bồ Đề cũng chẳng thể đắc. Chúng sinh, tên gọi chúng sinh chẳng thể đắc. Thanh Văn, tên gọi Thanh Văn chẳng thể đắc. Độc Giác, tên gọi Độc Giác chẳng thể đắc. Bồ Tát, tên gọi Bồ Tát chẳng thể đắc. Phật, tên gọi Phật chẳng thể đắc. Hạnh, Phi Hạnh chẳng thể đắc,  tên gọi Hạnh, Phi Hạnh chẳng thể đắc. Do chẳng thể đắc, cho nên ở trong tất cả Pháp vắng lặng mà được an trụ. Điều này y theo tất cả Công Đức, căn lành mà được sinh khởi.

Thiện Nam Tử! Ví như núi vua Tu Di báu nhiêu ích cho tất cả. Do Tâm Bồ Đề lợi ích cho chúng sinh, cho nên đây gọi là Nhân (Hetu) của Bố Thí Ba La Mật thứ nhất.

Thiện Nam Tử! Ví như Đại Địa gìn giữ mọi vật. Đây gọi là Nhân của Trì Giới Ba La Mật thứ hai.

Ví như Sư Tử (Siṃha) có uy lực lớn, bước đi một mình không có sợ hãi. Do lìa sự kinh hãi, cho nên đây gọi là Nhân của Nhẫn Nhục Ba La Mật thứ ba.

Ví như sức Na La Diên (Nārāyaṇa) của guồng gió (Vāyu-maṇḍala: Phong Luân) mạnh mẽ mau chóng. Do Tâm chẳng thoái lui cho nên đây gọi là Nhân của Cần Sách Ba La Mật (Tinh Tiến Ba La Mật) thứ tư.

Ví như lầu quán bảy báu có bốn thềm bậc, lối đi. Khi gió trong mát thổi thì bốn cửa nhận được niềm vui an ổn. Vì cầu đầy đủ Pháp Tạng Tĩnh Lự (Dhyāna: Thiền Định) cho nên đây gọi là Nhân của Tĩnh Lự Ba La Mật thứ năm

Ví như mặt trời tỏa ánh sáng chiếu soi rực rỡ. Do Tâm này hay mau chóng phá diệt sự ám tối của sinh tử vô minh, cho nên đây gọi là Nhân của Trí Tuệ Ba La Mật thứ sáu.

Ví như vị Thương Chủ hay khiến cho tất cả Tâm Nguyện được đầy đủ. Do Tâm này hay vượt qua đường nguy hiểm của sinh tử, được báu Công Đức, cho nên đây gọi là Nhân của Phương Tiện Thắng Trí Ba La Mật thứ bảy.

Ví như trăng trong sạch tròn đầy không có tỳ vết. Do Tâm này hay đối với tất cả cảnh giới được đầy đủ thanh tịnh, cho nên đây gọi là Nhân của Nguyện Ba La Mật thứ tám.

Ví như Chuyển Luân Thành Vương có Chủ Binh, bề tôi báu tùy ý tự tại. Do Tâm này khéo hay trang nghiêm cõi nước Phật thanh tịnh, vô lượng Công Đức rộng lợi cho quần sinh, cho nên đây gọi là Nhân của Lực Ba La Mật thứ chín.

Ví như Hư Không với Chuyển Luân Thánh Vương. Do Tâm này đối với tất cả cảnh giới không có chướng ngại, ở tất cả nơi chốn đều được tự tại, đến địa vị Quán Đỉnh, cho nên đây gọi là Nhân của Trí Ba La Mật thứ mười.

Này Thiện Nam Tử! Đây gọi là Nhân của mười loại Tâm Bồ Đề của Bồ Tát Ma Ha Tát. Ông nên tu học mười Nhân như vậy

 

_Thiện Nam Tử! Y theo năm loại Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Bố Thí Ba La Mật (Dāna-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Tín căn

2_Từ Bi

3_Không có Tâm cầu tham muốn (Chanda: Dục)

4_Nhiếp nhận tất cả chúng sinh

5_Nguyện cầu Nhất Thiết Trí Trí (Sarva-jñā-jñāna)

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Bố Thí Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại có năm loại Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Trì Giới Ba La Mật (Śīla-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Ba nghiệp thanh tịnh

2_Chẳng bị tất cả chúng sinh gây tạo nhân duyên phiền não

3_Đóng kín các đường ác, mở cửa của nẻo lành

4_Vượt qua Địa của Thanh Văn, Độc Giác

5_Tất cả Công Đức thảy đều đầy đủ

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Trì Giới Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật (Kṣānti-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Hay chế phục được Tham, Sân, phiền não

2_Chẳng tiếc thân mệnh, chẳng tưởng cầu an vui nghỉ ngơi

3_Suy nghĩ nghiệp lúc trước, gặp khổ hay nhẫn nại

4_Phát Tâm Từ Bi thành tựu các căn lành của chúng sinh

5_Được Vô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattika-dharma-kṣānti) thâm sâu

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Cần Sách Ba La Mật (Vīrya-pāramitā: Tinh Tiến Ba La Mật). Thế nào là năm?

1_Chẳng ưa thích trụ chung với các phiền não

2_Chưa đủ Phước Đức thì chẳng thọ nhận an vui

3_Chẳng sinh Tâm chán ghét các việc Khổ Hạnh khó hành

4_Dùng Đại Từ Bi nhiếp nhận lợi ích, phương tiện thành thục tất cả chúng sinh

5_Nguyện cầu Địa Bất Thoái Chuyển (Avaivartika-bhūmi)

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Cần Sách Ba La Mật (Tinh Tiến Ba La Mật).

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Tĩnh Lự Ba La Mật (Dhyāna-pāramitā: Thiền Định Ba La Mật). Thế nào là năm?

1_Đối với các Pháp Thiện (Kuśala-dharma) thì nhiếp giữ khiến chẳng cho tan

2_Thường nguyện giải thoát, chẳng dính mắc hai bên (Dvaya-anta, hay Anta-dvaya: nhị biên, chỉ Thường Kiến Đoạn Kiến)

3_Nguyện được Thần Thông thành tựu các căn lành của chúng sinh

4_Vì tịnh Pháp Giới cho nên trừ hết sự dơ bẩn của Tâm

5_Vì chặt đứt gốc rễ phiền não của chúng sinh

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Tĩnh Lự Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Trí Tuệ Ba La Mật (Prajñā-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Thường đối với tất cả chư Phật, Bồ Tát với bậc Minh Trí… cúng dường, gần gũi chẳng sinh chán bỏ

2_Chư Phật Như Lai nói Pháp thâm sâu thì Tâm thường ưa thích nghe, không có chán đủ

3_Thích khéo phân biệt Thắng Trí Chân (Paramārtha-satya: Chân Đế) Tục (Saṃvṛti-satya: Tục Đế)

4_Đều mau chóng đoạn trừ Kiến Tu Phiền Não [Kiến Hoặc (Darśana-mārga-prahātavyānuśaya: Kiến Đạo sở đoạn hoặc) và Tu Hoặc (Bhāvanā-mārga-prahātavya-kleśa: Tu Đạo sở đoạn hoặc)]

5_Thảy đều thông đạt Pháp năm Minh, kỹ thuật của Thế Gian

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Trí Tuệ Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Phương Tiện Ba La Mật (Upāya-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Đối với Ý ưa thích, Tâm phiền não, hành sai biệt của tất cả chúng sinh… thảy đều thông đạt

2_Tâm đều hiểu rõ Môn đối trị của vô lượng các Pháp

3_Tự Tại ra vào Định Đại Từ Bi (Mahā-maitra-kāruṇa-samādhi)

4_Đối với các Ba La Mật, đều nguyện tu hành thành tựu đầy đủ

5_Đều nguyện thấu đạt tất cả Phật Pháp, nhiếp nhận không có bỏ sót

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Phương Tiện Thắng Trí Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Nguyện Ba La Mật (Praṇidhāna-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Đối với tất cả Pháp từ xưa đến nay: chẳng sinh chẳng diệt, chẳng phải là có, chẳng phải là không, nên Tâm được an trụ

2_Quán Lý Thú tối diệu của tất cả Pháp, lìa dơ bẩn được thanh tịnh nên Tâm được an trụ

3_Vượt qua tất cả Tưởng (Saṃjñā: Tri Giác) là Bản Chân Như: không có tạo làm, không có lưu chuyển, không có khác nhau, không có lay động, nên Tâm được an trụ  

4_Vì muốn lợi ích cho việc của các chúng sinh, ở trong Tục Đế (saṃvṛti-satya) nên Tâm được an trụ

5_ Đối với Xa Ma Tha (Śamatha: Thiền Chỉ), Tỳ Bát Xá Na (Vipaśyanā: Thiền Quán) đồng thời vận hành, nên Tâm được an trụ

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Nguyện Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Lực Ba La Mật (Bala-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Dùng sức Chính Trí hay thấu tỏ Tâm hành thiện ác của tất cả chúng sinh

2_Hay khiến cho tất cả chúng sinh nhập vào Pháp vi diệu thâm sâu

3_Như thật biết rõ tất cả chúng sinh luân hồi sinh tử tùy theo duyên nghiệp của họ

4_Đối với ba loại Căn Tính của các chúng sinh, dùng sức Chính Trí hay phân biệt biết

5_Đối với các chúng sinh, như Lý vì họ nói, khiến cho gieo trồng căn lành, thành thục độ thoát đều là sức của Trí

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Lực Ba La Mật.

 

_Thiện Nam Tử! Lại y theo năm Pháp mà Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Trí Ba La Mật (Jñāna-pāramitā). Thế nào là năm?

1_Hay đối với các Pháp, phân biện Thiện ác

2_Đối với Pháp đen trắng [Pháp đen (Kṛṣṇa-dharma: Hắc Pháp) là Pháp tạp nhiễm tà ác, Pháp trắng (Śukla-dharma: Bạch Pháp) là Pháp thanh tịnh thuần thiện] xa lìa nhiếp nhận   

3_Hay đối với sinh tử, Niết Bàn: chẳng chán nản, chẳng ưa thích

4_Đủ Hạnh Phước Trí đến nơi cứu cánh

5_Thọ nhận Thắng Quán Đỉnh, hay được nhóm Pháp Bất Cộng với Nhất Thiết Trí Trí của chư Phật

Thiện Nam Tử! Đây gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thành tựu Trí Ba La Mật.

 

_Này Thiện Nam Tử! Thế nào là nghĩa của Ba La Mật? Ấy là:

Tu tập thắng lợi là nghĩa của Ba La Mật

Đầy đủ vô lượng Trí thâm sâu rộng lớn… là nghĩa của Ba La Mật

Tâm chẳng chấp dính vào Pháp Hành, Phi Hành là nghĩa của Ba La Mật

Chính giác, chính quán: lỗi lầm của sinh tử, Công Đức của Niết Bàn… là nghĩa của Ba La Mật

Thảy đều nhiếp nhận người ngu, người Trí… là nghĩa của Ba La Mật

Hay hiện mọi loại Pháp Bảo trân diệu ….là nghĩa của Ba La Mật

Đầy đủ Trí Tuệ giải thoát không có ngăn ngại… là nghĩa của Ba La Mật

Biết phân biệt chính đúng Pháp Giới, Chúng Sinh Giới… là nghĩa của Ba La Mật

Nhóm Thí (dāna) với Trí (Jñāna) hay khiến đến Bất Thoái Chuyển (Avaivartika)... là nghĩa của Ba La Mật

Hay khiến đầy đủ Vô Sinh Pháp Nhẫn …là nghĩa của Ba La Mật

Công Đức, căn lành của tất cả chúng sinh, hay khiến cho thành thục… là nghĩa của Ba La Mật

Hay ở Bồ Đề; thành mười lực, bốn vô sở úy, Pháp Bất Cộng của Phật… là nghĩa của Ba La Mật

Thấu tỏ sinh tử, Niết Bàn không có hai tướng… là nghĩa của Ba La Mật

Tế độ tất cả là nghĩa của Ba La Mật

Tất cả Ngoại Đạo đi đến căn vặn thời khéo hay giải thich khiến cho họ hàng phục… là nghĩa của Ba La Mật

Hay chuyển bánh xe Pháp 12 Hạnh màu nhiệm là nghĩa của Ba La Mật

Không có chỗ dính mắc, không có chỗ thấy, không có lo lắng…là nghĩa của Ba La Mật

 

_Này Thiện Nam Tử! Sơ Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: vô lượng vô biên mọi loại kho báu trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, không có chỗ nào chẳng tràn đầy… thời Bồ Tát đều nhìn thấy

Thiện Nam Tử! Nhị Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Đất đai trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới đều bằng phẳng như lòng bàn tay với vô lượng vô biên mọi loại Diệu Sắc, châu báu thanh tịnh, vật dụng trang nghiêm… thời Bồ Tát đều nhìn thấy

Thiện Nam Tử! Tam Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Thân của mình mạnh mẽ dũng cảm, khoác áo giáp cầm khí trượng trang nghiêm., đều hay tồi phục tất cả oán tặc… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Tứ Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Guồng gió (phong luân) ở bốn phương thổi mọi loại hoa màu nhiệm thảy đều tán rải đầy tràn trên đất… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Ngũ Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Có người nữ báu màu nhiệm với mọi Anh Lạc báu trang nghiêm khắp thân, mão trên đầu dùng hoa tươi đẹp để trang sức… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Lục Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: ao hoa bảy báu có bốn thềm bậc lối đi, cát vàng rải khắp, thanh tịnh không có dơ uế, thảy đều tràn đầy nước tám Công Đức. Hoa Ốt Bát La, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi tùy theo nơi chốn trang nghiêm. Ở ao hoa, dạo chơi vui thích, trong mát không gì so sánh được… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Thất Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Ở trước mặt Bồ Tát có các chúng sinh đáng bị đọa vào Địa Ngục, do sức của Bồ Tát liền được chẳng đọa, không có tổn thương cũng không có kinh sợ … thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Bát Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Ở hai bên thân có vua sư tử theo hộ vệ, tất cả loài Thú thảy đều sợ hãi… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Cửu Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Chuyển Luân Thánh Vương có vô lượng ức Chúng vây quanh cúng dường, trên đỉnh đầu có cái lọng trắng được trang nghiêm bằng vô lượng mọi thứ báu… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

Thiện Nam Tử! Thập Địa Bồ Tát, trước tiên hiện tướng này: Thân của Như Lai có màu vàng ròng sáng rực, vô lượng ánh sáng thanh tịnh thảy đều viên mãn. Có vô lượng ức Phạm Vương vây quanh cung kính cúng dường, chuyển bánh xe Pháp vi diệu vô thượng… thời Bồ Tát đều nhìn thấy.

 

_Thiện Nam Tử! Vì sao Sơ Địa có tên là Hoan Hỷ (Pramuditā)? Ấy là Tâm bắt đầu chứng được Xuất Thế (Lokottara), xưa kia chưa được mà nay mới được, đối với việc lớn dùng như ước nguyện thảy đều thành tựu, sinh niềm vui cực thiện. Thế nên Tối Sơ (sơ địa) có tên là Hoan Hỷ.

Các lỗi lầm phạm Giới, dơ bẩn nhỏ nhiệm thảy đều được thanh tịnh. Thế nên Nhị Địa có tên là Vô Cấu (Vimalā: Ly Cấu)

Vô lượng ánh sáng của Trí Tuệ (Prajñā) Tam Muội (Samādhi) chẳng thể nghiêng động, không thể tồi phục. Văn Trì Đà La Ni dùng làm căn bản. Thế nên Tam Địa có tên là Minh Địa (Prabhākari-bhūmi: Phát Quang Địa)

Dùng lửa Trí Tuệ thiêu đốt các phiền não, tăng trưởng ánh sáng, tu hành Giác Phẩm (Bodhi-pakṣya: Giác Phần, Đạo Phẩm). Thế nên Tứ Địa có tên là Diệm Tuệ Địa (Arciṣmatī-bhūmi) 

Tu hành Phương Tiện (Upāya). Do Thắng Trí tự tại rất khó được, cho nên Kiến Tu Phiền Não [Kiến Hoặc (Darśana-mārga-prahātavyānuśaya: Kiến Đạo sở đoạn hoặc) và Tu Hoặc (Bhāvanā-mārga-prahātavya-kleśa: Tu Đạo sở đoạn hoặc)] khó chế phục lại hay chế phục. Thế nên Ngũ Địa có tên là Nan Thắng (Sudurjayā)

Hành Pháp nối tiếp nhau, mỗi mỗi hiển hiện rõ ràng, Vô Tướng Tư Duy thảy đều hiện trước mặt. Thế nên Lục Địa có tên là Hiện Tiền (Abhimukhī)

Do tu hành lâu xa: Vô Lậu (Anāsvaraḥ), Vô Gián (Avīci), Vô Tướng Tư Duy, Giải Thoát (Vimokṣa, hay Vimukti), Tam Muội (samādhi) cho nên Địa (Bhūmi) đó thanh tịnh không có chướng ngại. Thế nên, Thất Địa có tên là Viễn Hành (Dūraṃgamā)

Vô Tướng Tư Duy tu được tự tại, các hành phiền não chẳng thể khiến cho lạy động. Thế nên, Bát Địa có tên là Bất Động (Acalā)

Nói mọi loại sai biệt của tất cả Pháp đều được tự tại, không có lo lắng, không có khuyết điểm, tăng trưởng Trí Tuệ, tự tại không có ngăn ngại. Thế nên, Cửu Địa có tên là Thiện Tuệ (Sādhumatī)

Pháp Thân như hư không, Trí Tuệ như mây lớn đều hay tràn khắp, che trùm tất cả. Thế nên, Thập Địa có tên là Pháp Vân (Dharma-megha)

 

_Này Thiện Nam Tử! Vô Minh chấp dính có tướng Ngã Pháp, Vô Minh sợ hãi nẻo ác trong sinh tử. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngai cho Sơ Địa

Vô Minh sai lầm phạm vào chỗ học (học xứ) nhỏ nhiệm, Vô Minh phát khởi mọi loại Nghiệp Hạnh (hoạt động thuộc phương diện của nhóm hành vi, ngữ ngôn, tư tưởng). Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Nhị Địa

Vô Minh yêu dính cái chưa được nay được, Vô Minh hay ngăn che Tổng Trì thù thắng. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Tam Địa

Vô Minh vui thích mùi vị dính vào Đẳng Chí (Samāpatti: tên riêng của Định), Vô Minh yêu thích Tịnh Pháp vi diệu. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Tứ Địa

Vô Minh muốn bỏ sinh tử, Vô Minh mong hướng đến Niết Bàn. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Ngũ Địa

Vô Minh quán Hành lưu chuyển, Vô Minh tướng Thô hiện tiền. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Lục Địa

Vô Minh hiện hành các tướng nhỏ nhiệm, Vô Minh tác ý vui thích không có tướng (Vô Tướng). Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Thất Địa 

Vô Minh ở Vô Tướng quán công dụng, Vô Minh chấp tướng tự tại. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Bát Địa

Vô Minh đối với nghĩa (Artha) Danh (Nāma)(Pada) Văn (Vyañjana) đã nói, hai thứ Vô Ngại này chưa được khéo léo. Vô Minh đối với Từ Biện Tài chẳng tùy theo ý. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Cửu Địa

Vô Minh đối với Thần Thông chưa được biến hiện tự tại. Vô Minh chưa thể lãnh hội được sự nghiệp bí mật nhỏ nhiệm. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Thập Địa

Vô Minh đối với chướng ngại của tất cả cảnh nhỏ nhiệm đã biết, Vô Minh đối với sự thô nặng của phiền não cực nhỏ. Hai thứ Vô Minh này  gây chướng ngại cho Phật Địa

 

_Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong Địa đầu tiên tu hành Thí Ba La Mật, ở Địa thứ hai tu hành Giới Ba La Mật, ở Địa thứ ba tu hành Nhẫn Ba La Mật, ở Địa thứ tư tu hành Cần Ba La Mật (Tinh Tiến Ba La Mật), ở Địa thứ năm tu hành Định Ba La Mật, ở Địa thứ sáu tu hành Tuệ Ba La Mật, ở Địa thứ bảy tu hành Phương Tiện Thắng Trí Ba La Mật, ở Địa thứ tám tu hành Nguyện Ba La Mật, ở Địa thứ chín tu hành Lực Ba La Mật, ở Địa thứ mười tu hành Trí Ba La Mật.

 

_Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát phát Tâm đầu tiên nhiếp nhận hay sinh Diệu Bảo Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ hai nhiếp nhận hay sinh Khả Ái Lạc Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ ba nhiếp nhận hay sinh Nan Động Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ tư nhiếp nhận hay sinh Bất Thoái Chuyển Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ năm nhiếp nhận hay sinh Bảo Hoa Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ sáu nhiếp nhận hay sinh Nhật Viên Quang Diệm Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ bảy nhiếp nhận hay sinh Nhất Thiết Nguyện Như Ý Thành Tựu Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ tám nhiếp nhận hay sinh Hiện Tiền Chứng Trụ Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ chín nhiếp nhận hay sinh Trí Tạng Tam Ma Địa

Phát Tâm thứ mười nhiếp nhận hay sinh Dũng Tiến Tam Ma Địa

Thiện Nam Tử! Đây gọi là mười loại phát Tâm của Bồ Tát Ma Ha Tát

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa đầu tiên này được Đà La Ni tên là Y Công Đức Lực.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói Chú là:

Đát điệt tha: bô liệt nễ, mạn nô lạt thế, độc hổ độc hổ  độc hổ, da bạt, tô lợi du, a bà bà  tát để, da bạt, chiên đạt la, điều đát để, đa  bạt đạt,  lạc xoa mạn, đạn trà, bát lợi ha lam, củ lỗ, toa  ha  

*)TADYATHĀ: PŪRṆE  MANORATHE,  DOHO  DOHO  DOHO, YAVA-SŪRYA, ABHĀVA-SĀTI,  YAVA-CANDRA, CUR-ĀDI  TĀVAT,  RAKṢA  MĀṂ, CAṆḌA  PARIHĀRAṂ  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn một hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Sơ Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi, ấy là: cọp, sói, sư tử, loài thú ác, tất cả hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Sơ Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ hai được Đà La Ni tên là Thiện An Lạc Trụ

Đát điệt tha: ốt thùy lý, chất lý chất lý, ốt thùy la, thùy la nam, thiện đổ thiện đổ, ốt   thùy lý, hổ lỗ hổ lỗ, toa ha”  

*)TADYATHĀ: UTTARI,  CIRI  CIRI,  UTTARA  TĀRAṆĀṂ  JANTU  JANTU  UTTARI  HURU  HURU  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn hai hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Nhị Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Nhị Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ ba được Đà La Ni tên là Nan Thắng Lực

Đát điệt tha: đạn trạch chỉ, bát trạch chỉ,  yết lạt trí, cao lạt trí, kê do lý, đạn trí lý, toa ha”  

*)TADYATHĀ: DAṆḌAKI  PAÑCAKE  KARAṬI  KAURAṬI  KEYURI  DANTĀLI  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn ba hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Tam Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Tam Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ tư được Đà La Ni tên là Đại Lợi Ích

Đát điệt tha: thất lợi thất lợi, đà nhĩ nễ đà nhĩ nễ, đà lý đà lý nễ, thất lợi thất lợi nễ, tỳ xá la, ba thế, ba thủy na, bạn đà nhĩ đế, toa ha”  

*)TADYATHĀ: ŚIRI  ŚIRI, DAMINI  DAMINI, DHARI  DHARIṆI, ŚIRI ŚIRIṆI,  VICĀRA-PĀṢĪ, PAŚINA  BANDHA-MITE  SVĀHĀ  

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn bốn hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Tứ Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Tứ Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ năm được Đà La Ni tên là Chủng Chủng Công Đức Trang Nghiêm

Đát điệt tha: ha lý ha lý nễ, già lý già lý nễ, yết lạt ma nễ, tăng yết lạt ma nễ, tam bà sơn nễ, chiêm bạt nễ, tất đam bà nễ, mô hán nễ, toái diêm bộ bệ, toa ha

*)TADYATHĀ: HARI  HARIṆI, CARI  CARIṆI, KRAMAṆI  SAṂKARMAṆI, SAṂ-BHĀṢAṆI  JAMBHANI  STAMBHANI  MOHANI  SAUMYAM-BHŪPE  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn năm hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Ngũ Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Ngũ Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ sáu được Đà La Ni tên là Viên Mãn Trí

Đát điệt tha: tỳ tỉ lý tỳ tỉ lý, ma lý nễ, ca lý ca lý, tỳ độ hán để, lỗ lỗ lỗ lỗ, chủ lỗ chủ lỗ, đỗ lỗ bà  đỗ lỗ bà, xả xả, thiết giả, bà lý sái toa tất để, tát bà tát đỏa nam, tất điện đổ   mạn đát la bát đà nễ, toa ha

*)TADYATHĀ: VITTIRI  VITTIRI, MARINI  KARI  KARI, VIDHŪ-HANTE, RURU  RURU, CURU  CURU, DHRUVĀ  DHRUVĀ, ŚĀSA  SACĀ  VARṢA  SVASTI, SARVA  SATVĀNĀṂ  SIDDHYANTU  MANTRA-PADANI  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn sáu hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Lục Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Lục Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ bảy được Đà La Ni tên là Pháp Thắng Hạnh

Đát điệt tha: chước ha chước ha lỗ, chước ha chước ha, chước ha lỗ, tỳ lục chỉ, tỳ lục chỉ, a mật lật đá, hổ hán nễ, bột lý sơn nễ, tỳ lỗ sắc chỉ, bà lỗ phạt để, tỳ đề hứ chỉ, tần đà, tỳ lý nễ, a mật lý để chỉ, bạc hổ chủ dũ, bạc hổ chủ dũ, toa ha”  

*)TADYATHĀ: JAHA  JAHARU, JAHA  JAHA  JAHARU, VIDUKE  VIDUKE, AMṚTA  KHĀNE, BHṚŚANE  VI-RUCIKE  BALO-VATI  VIDHI-HITE  BHINDA  VIRIṆI  AMṚTIKE  BAHU-JAYU  BUHU-JAYU  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn bảy hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Thất Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Thất Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ tám được Đà La Ni tên là Vô Tận Tạng

Đát điệt tha: thất lợi thất lợi, thất lợi nễ, mật để mật để, yết lý yết lý, hề lỗ hề lỗ, chủ lỗ chủ lỗ, bạn đà nhị, toa ha

*)TADYATHĀ: ŚRĪ  ŚRĪ  ŚRĪṆI, MITI  MITI, KARI  KARI, HERU  HERU, CURU  CURU, VANDA  ME  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn tám hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Bát Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Bát Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ chín được Đà La Ni tên là Vô Lượng Môn

Đát điệt tha: ha lý chiên trà lý chỉ, câu lam bà lạt thể, đô thứ tử, bạt trá bạt trá tử, thất lợi, thất lợi,  ca thất lý, ca tất thất lợi, toa tất để, tát bà tát đỏa nam, toa ha”  

*)TADYATHĀ: HARI  CAṆḌALIKE  KURUṂ  BHARATE  DHŪRTI, PAṬṬA  PAṬṬISA  ŚIRI  ŚIRI  KAŚIRI  KAPIŚIRI  SVASTI  SARVA-SATVĀṂ  SVĀHĀ

Thiện Nam Tử! Đà La Ni này là điều mà hơn chín hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Cửu Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Cửu Địa.

 

_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát ở Địa thứ mười được Đà La Ni tên là Phá Kim Cương Sơn

Đát điệt tha: tất đề, tô tất đề, mô chiết nễ, mộc sát nễ, tỳ mộc để,  am mạt lệ, tỳ mạt lệ, niết mạt lệ, mang yết lệ, hứ lan nhã yết tỳ, hạt lạt đát na yết tỳ, tam mạn đa bạt điệt  lệ, tát bà át tha sa đạn nễ, ma  nại tư, mạc ha ma nại tư, át bộ để,  át  trất bộ để, a lại thệ, tỳ lạt thệ, át chủ để, am mật lật để, a lại thệ, tỳ lạt thệ, bạt lam mê, bạt la ham ma toa lệ,  bô lạt nễ, bô lạt na, mạn nô lạt thế, toa ha” 

*)TADYATHĀ: SIDDHE  SUSIDDHE, MOCANI  MOKṢAṆI  VIMUKTE, AMALE  VIMALE  NIRMALE, MAṂGALE  HIRAṆYA-GARBHE, RATNA-GARBHE, SAMANTA-BHADRE, SARVĀRTHA  SĀDHANI, MĀNASI  MAHĀ-MĀNASI,  ADBHUTE  ATYADBHUTE, AJARE  VIJARE, ACUYUTE, AMṚTE, AMARAṆI, AJARE  VIJARE, BRAHME  BRHAMA-SVARE, PŪRṆE  PŪRṆA, MANORATHE  SVĀHĀ 

Thiện Nam Tử! Đà La Ni Quán Đỉnh Cát Tường Cú này là điều mà hơn mười hằng hà sa số chư Phật đã nói để hộ giúp cho Thập Địa Bồ Tát Ma Ha Tát. Nếu có người tụng trì Đà La Ni Chú này thời được thoát tất cả sự sợ hãi: thú ác, hàng Quỷ ác, người, Phi Nhân, oán tặc, tai hoạnh với các khổ não… giải thoát năm Chướng, chẳng quên niệm Thập Địa.

 

_Bấy giờ, Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diệm Bồ Tát nghe Đức Phật nói Đà La Ni chẳng thể nghĩ bàn này xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi dùng Tụng khen ngợi Đức Phật

“Kính lễ Pháp Vô Tướng

Thâm sâu không ví dụ

Chúng sinh mất Chính Trí

Chỉ Phật hay tế độ

Như Lai: mắt Tuệ sáng

Chẳng thấy một Pháp Tướng

Lại dùng mắt Chính Pháp

Chiếu khắp, chẳng nghĩ bàn

Chẳng sinh ở một Pháp

Cũng chẳng diệt một Pháp

Do Kiến (Dṛṣṭi) bình đẳng này

Được đến nơi Vô Thượng

Chẳng hoại nơi sinh tử

Cũng chẳng trụ Niệt Bàn

Chẳng dính vào hai bên

Thế nên chứng Viên Tịch (Parinirvāṇa: nhập diệt)

_Ở Phẩm Tịnh, Bất Tịnh

Thế Tôn biết một vị (Rasa: mùi vị)

Do Pháp chẳng phân biệt

Được Thanh Tịnh tối thượng

_Thế Tôn: Thân vô biên

Chẳng hề nói một chữ

Khiến các chúng Đệ Tử

Đều sung mãn mưa Pháp

_Phật quán tướng chúng sinh

Mọi chủng loại đều không (vô: không có)

Nhưng kẻ ở khổ não

Thường hưng khởi cứu giúp

_Khổ (Duḥkha), vui (Śubha), thường (Nitya), vô thường (Anitya)

Có Ta (hữu ngã), không có ta (vô ngã)

Chẳng một cũng chẳng khác

Chẳng sinh cũng chẳng diệt

Như vậy rất nhiều nghĩa

Tùy nói có sai biệt

Như hang trống dội tiếng

Chỉ Phật hay biết rõ

_Pháp Giới (Dharma-dhātu) không phân biệt

Nên không có Thừa (Yāna) khác

Vì độ chúng sinh nên

Phân biệt nói có ba

 

_Khi ấy, Đại Tự Tại Phạm Thiên Vương cũng từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này hiếm có, khó lường, chặng đầu, chặng giữa, chặng sau đều tốt lành, văn nghĩa rốt ráo, đều hay thành tựu tất cả Phật Pháp, Nếu người thọ trì thì người đó tức đã báo đáp ân của chư Phật”.

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như ông đã nói.

Này Thiện Nam Tử! Nếu người được lắng nghe Kinh Điển này thì đều chẳng thoái lùi nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Vì điều này hay thành thục căn lành thù thắng của Bất Thoái Địa Bồ Tát, là Pháp Ấn bậc nhất, là vua của mọi Kinh, cho nên cần lắng nghe, thọ trì, đọc tụng 

Tại sao thế? Thiện Nam Tử! Nếu tất cả chúng sinh chưa gieo trồng căn lành, chưa thành thục căn lành, chưa gần gũi chư Phật thì chẳng thể lắng nghe Pháp vi diệu này

Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện hay nghe nhận thì tất cả tội chướng thảy đều trừ diệt, được thanh tịnh tối thượng, thường được thấy Phật, chẳng lìa chư Phật với Thiện Tri Thức (Kalyāṇa-mitra), người có Thắng Hạnh, luôn nghe Diệu Pháp, trụ bất Thoái Địa, đắc được Thắng Đà La Ni Môn không tận không giảm như vậy.

Ấy là: Hải Ấn Xuất Diệu Công Đức Đà La Ni không tận không giảm, Thông Đạt Chúng Sinh Ý Hành Ngôn Ngữ Đà La Ni không tận không giảm, Nhật Viên Vô Cấu Tướng Quang Đà La Ni không tận không giảm, Mãn Nguyệt Tướng Quang Đà La Ni không tận không giảm, Năng Phục Chư Hoặc Diễn Công Đức Lưu Đà La Ni không tận không giảm, Phá Kim Cương Sơn Đà La Ni không tận không giảm, Thuyết Bất Khả Thuyết Nghĩa Nhân Duyên Tạng Đà La Ni không tận không giảm, Thông Đạt Thật Ngữ Pháp Tức Âm Thanh Đà La Ni không tận không giảm, Hư Không Vô Cấu Tâm Hành Ấn Đà La Ni không tận không giảm, Vô Biên Phật Thân Giai Năng Hiển Hiện Đà La Ni không tận không giảm,

Thiện Nam Tử! Do được thành tựu các Đà La Ni Môn không tận không giảm của nhóm như vậy, cho nên Bồ Tát Ma Ha Tát này hay ở tất cả cõi Phật khắp mười phương hóa làm thân Phật (Buddha-kāya) chẳng động chẳng trụ, chẳng đến chẳng đi, khéo hay thành thục căn lành của tất cả chúng sinh, cũng chẳng thấy một chúng sinh nào có thể thành thục. Tuy nói mọi loại các Pháp nhưng ở trong ngôn từ chẳng động chẳng trụ, chẳng đi chẳng đến, hay ở sinh diệt chứng không sinh diệt. Dùng nhân duyên nào nói các Hành Pháp không có đi lại? Do Thể của tất cả Pháp không có khác nhau vậy”

 

_Khi nói Pháp này thời ba vạn ức Bồ Tát Ma Ha Tát được vô Sinh Pháp Nhẫn, vô lượng các Bồ Tát chẳng thoái lui Tâm Bồ Đề. Vô lượng vô biên Bật Sô, Bật Sô Ni được sự thanh tịnh của con mắt Pháp (Dharma-cakṣu: Pháp nhãn). Vô lượng chúng sinh phát Tâm Bồ Tát.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói Tụng là;

Thắng Pháp hay ngược dòng sinh tử

Thâm sâu vi diệu khó được thấy

Hữu tình mù tối, tham dục che

Do chẳng thấy nên chịu mọi khổ”

 

_Bấy giờ, Đại Chúng đều từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu ở nơi chốn nào, tuyên giảng, đọc tụng Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì Đại Chúng chúng con đều đến nơi ấy để làm Chúng lắng nghe (thính chúng), khiến cho vị thầy nói Pháp đó được lợi ích an vui, không có chướng ngại, thân ý an nhiên. Chúng con đều sẽ tận tâm cúng dường cũng khiến cho Thính Chúng an ổn khoái lạc. Cõi nước đã trụ không có các oán tặc, sự kinh sợ, ách nạn, khổ đói khát, người dân đông đúc. Nơi chốn nói Pháp này là đất của Đạo Trường, tất cả các hàng Trời, Người, Phi Nhân, tất cả chúng sinh chẳng nên dẫm đạp lên với làm cho dơ bẩn. Tại sao thế? Vì chỗ nói Pháp tức là Chế Để (Caitye: tháp miếu thờ phượng), nên đem hương, hoa, lụa là, phan, lọng mà làm cúng dường. Chúng con thường làm thủ hộ, khiến lìa sự suy tổn”.

  

Đức Phật bảo Đại Chúng: “Này Thiện Nam Tử! Các ông cần phải tinh cần tu tập Kinh Điển màu nhiệm này. Đấy tức là Chính Pháp trụ lâu ở đời”

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ TƯ (Hết)_

 

 

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ NĂM_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

LIÊN HOA DỤ TÁN

_PHẨM THỨ BẢY_

 

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần (Thần cây Bồ Đề): “ Này Thiện Nữ Thiên! Nay ngươi nên biết, Diệu Tràng (Rucira-ketu) ban đêm nằm mộng, thấy cái trống vàng màu nhiệm phát ra âm thanh lớn, khen ngợi Công Đức của Phật kèm với Pháp Sám Hối. Do nhân duyên này, Ta vì các ngươi, rộng nói việc ấy, cần phải nghe cho kỹ, hãy khéo nghĩ nhớ. Quá khứ có vị vua tên là Kim Long Chủ (Suvarṇa-bhujendra) thường dùng hoa sen làm ví dụ để ca ngợi (liên hoa dụ tán), xưng tán chư Phật ba đời ở mười phương 

“Phật quá khứ hiện tại vị lai

An trụ trong mười phương Thế Giới

Nay con chí thành, cúi đều lễ

Một lòng khen ngợi các Tối Thắng

Mâu Ni Tôn (Muṇīndra) thanh tịnh vô thượng

Thân tỏa ánh vàng chiếu sáng khắp

_Trong mọi âm thanh là tối thượng

Như tiếng Đại Phạm (Brahmarute-svara), âm sấm động (Garjita-ghoṣa)

_Màu tóc ví như vua ong đen (hắc phong vương)

Uyển chuyển uốn xoay màu xanh biếc

_Răng trắng khít đều như Kha Tuyết (vỏ sò trắng như tuyết)

Đều đặn hiển hiện tỏa ánh sáng

_Mắt trong không dơ, thật đoan nghiêm

Giống như cánh sen xanh rộng lớn

_Tướng lưỡi rộng dài thật mềm mại

Ví như sen hồng ló khỏi nước

_Tam tinh thường có Bạch Hào (Ūrṇa) sáng

Chuyển xoay bên phải, màu Pha Lê (Sphaṭika)

_Lông mày dài nhỏ như trăng sớm

Màu sắc sáng ngời như vua ong (phong vương)

_Mũi cao dài thẳng như thỏi vàng

Tịnh diệu sáng bóng không khiếm khuyết

Mọi hương thù diệu trong Thế Gian

Khi ngửi đều biết ở chỗ nào

_Thế Tôn: thân tối thắng màu vàng

Mỗi một đầu lông chẳng khác nhau

Xanh biếc mềm mại xoay bên phải

Màu sáng vi diệu khó ví dụ

_Mới sinh, thân tỏa sáng màu nhiệm

Chiếu khắp tất cả mười phương Giới

Diệt khổ của chúng sinh ba cõi

Khiến họ đều được vui an ổn

_Trong đường Địa Ngục, Quỷ, Bàng Sinh

A Tu La, Trời với nẻo người

Khiến họ trừ diệt được mọi khổ

_Ánh sáng của thân thường chiếu khắp

Ví như vàng đúc, đẹp khôn sánh

Diện mạo tròn sáng như trăng đầy

Mảu môi đỏ thắm như Tần Bà (Bimba, hay Bimbajā: cây Tần Bà có quả trái màu hồng tươi)

_Bước đi uy nghi như Sư Tử (Siṃha)

Thân sáng như mặt trời mới mọc

Cánh tay thon dài hơn đầu gối

Dạng như cành Sa La (Śāla) rũ xuống

_Hào quang một Tầm (8/3 m) chiếu vô biên

Sáng rực giống như ngàn mặt trời

Đều hay đến khắp các cõi Phật

Tùy Duyên đánh thức các quần mê (chúng sinh mê muội)

_Lưới ánh sáng trong không gì sánh

Sáng loáng soi khắp trăm ngàn cõi

Chiếu khắp mười phương không chướng ngại

Tất cả ám tối đều tiêu trừ

Từ Quang (ánh sáng Đại Từ) Thiện Thệ (Sugata) hay ban vui

Sắc màu trong suốt ngang núi vàng

Soi sáng đều đến trăm ngàn cõi

Chúng sinh gặp được, đều vượt thoát

_Pháp Thân (Dharma-kāya) thành tựu vô lượng Phước

Tất cả Công Đức cùng trang nghiêm

Vượt hơn ba cõi, riêng xưng Tôn

Thế Gian thù thắng không ai bằng

_Hết thảy tất cả Phật quá khứ

Số như bụi nhỏ của Đại Địa

Mười phương Tôn vị lai, hiện tại

Như mọi hạt bụi của Đại Địa

Con dùng thân miệng ý chí thành

Cúi lạy quy y Phật ba đời

Khen ngợi biển Công Đức vô biên

Mọi loại hương hoa đều cúng dường

_Dầu trong miệng con có ngàn lưỡi

Trải vô lượng Kiếp khen Như Lai

Công Đức Thế Tôn,  khó nghĩ bàn

Tối thắng thâm sâu, khó thể nói

_Dầu khiến lưỡi con có trăm ngàn

Khen ngợi một Công Đức một Phật

Ở trong chút phần còn khó biết

Huống chi Phật Đức không bờ mé

_Giả sử Đại Địa với chư Thiên

Cho đến Hữu Đỉnh (Sắc Cứu Cánh) làm nước biển

Có thể đếm biết số gọt nước

Công Đức một Phật rất khó lường

Con dùng thân miệng ý chí thành

Lễ tán Đức vô biên của Phật

Hết thảy quả thắng phước khó nghĩ

Hồi thí chúng sinh mau thành Phật”

_Vua ấy khen ngợi Như Lai xong

Thâm Tâm lại phát Nguyện rộng lớn

Nguyện con ở trong đời vị lai

Sinh tại vô lượng vô vố kiếp

Trong mộng thường thấy trống vàng lớn

Được nghe hiển nói âm Sám Hối

Khen Công Đức Phật, ví hoa sen

Nguyện chứng Vô Sinh thành Chính Giác

_Chư Phật ra đời, một lần hiện

Ở trong ngàn kiếp rất khó gặp

Đêm mộng thường nghe âm tiếng trống

Ngày liền tùy ứng mà sám hối

_Con sẽ tu sáu Độ (Ṣaṭ-pāramitā: sáu Ba La Mật) viên mãn

Cứu giúp chúng sinh thoát biển khổ (Duḥkha-samudra)

Sau này được thành Vô Thượng Giác (Bodhim-anuttara)

Cõi Phật thanh tịnh, khó nghĩ bàn

_Đem trống vàng dâng lên Như Lai

Khen Công Đức thật của chư Phật

Nhân đây sẽ thấy Phật Thích Ca

Nhận con nối tiếp Nhân Trung Tôn

_Kim Long (Kanakendra), Kim Quang (Kanaka-prabha) con của con

Quá khứ từng là Thiện Tri Thức

Đời đời nguyện sinh vào nhà con

Cùng nhận Vô Thượng Bồ Đề Ký (Bodhim-anuttara-vyākaraṇa)

_Nếu có chúng sinh không ai giúp

Đêm dài luân hồi chịu mọi khổ

Con ở đời sau làm chỗ dựa

Khiến họ thường được vui an ổn

Mọi khổ ba cõi, nguyện trừ diệt

Đều tùy Tâm ở chỗ an vui

Ở đời vị lai tu Bồ Đề (Bodhi)

Đều như bậc thành Phật quá khứ

_Nguyện Phước Kim Quang Sám Hối này

Cạn hẳn biển khổ, tội tiêu trừ

Nghiệp chướng, phiền não đều tiêu hết

Khiến con mau được quả thanh tịnh

_Biển lớn Phước Trí lượng vô biên

Thanh tịnh lìa dơ, sâu không đáy

Nguyện con được biển Công Đức này

Mau thành Vô Thượng Đại Bồ Đề

_Dùng sức Kim Quang Sám Hối này

Được ánh sáng trong của Phước Đức

Đã được Diệu Quang Minh thanh tịnh

Dùng ánh sáng Trí (Jñāna-prabha) chiếu tất cả

Nguyện thân con sáng ngang chư Phật

Phước Đức, Trí Tuệ cũng như thế

Tất cả Thế Giới, riêng xưng Tôn

Uy lực tự tại không ai bằng

__Nguyện vượt qua biển khổ Hữu Lậu (Sāsrava: tên gọi khác của phiền não)

Nguyện thường dạo biển vui Vô Vi (Asaṃskṛta)

Nguyện biển Phước (Puṇya-samudra) hiện tại luôn đầy

Nguyện biển Trí (Jñāna-samudra) viên mãn

_Nguyện cõi nước con vượt ba cõi

Lượng Công Đức thù thắng vô biên

Các người có duyên đồng sinh về

Đều được mau thành Trí thanh tịnh (Vimala-jñāna)

 

_Diệu Tràng! Ông nên biết

Quốc vương Kim Long Chủ

Từng phát nguyện như vậy

Ấy tức là thân ông

Thời xưa có hai con

Kim Long Với Kim Quang

Tức Ngân Tướng (Rūpya-ketu: Ngân Tướng, hay Ngân Tràng), Ngân Quang (Rūpya-prabha)

Sẽ nhận Ta thọ ký (Vyākaraṇa)

_Đại Chúng nghe thuyết đó

Đều phát Tâm Bồ Đề

Nguyện hiện tại, vị lai

Thường y Sám Hối này

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

KIM THẮNG ĐÀ LA NI

_PHẨM THỨ TÁM_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại ở trong Chúng, bảo Thiện Trụ (Supratiṣṭhita) Bồ Tát Ma Ha Tát: “Có Đà La Ni (Dhāraṇī) tên là Kim Thắng (Suvarṇa-vijaya). Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn cầu đích thân thấy chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại để cung kính cúng dường thì cần phải thọ trì Đà La Ni này. Tại sao thế? Vì Đà La Ni này tức là mẹ (Mātṛ) của chư Phật quá hiện vị lai. Bởi thế nên biết người trì Đà La Ni này có đủ Phước Đức Lớn là do ở chỗ của vô lương Phật quá khứ, gieo trồng gốc Thiện nên nay được thọ trì, đối với Giới thanh tịnh chẳng hủy chẳng thiếu, không có chướng ngại, quyết định hay nhập vào Pháp Môn thâm sâu”.

Đức Thế Tôn liền nói Pháp trì Chú. Trước tiên, xưng tên của chư Phật với Bồ Tát, chí Tâm lễ kính, sau đó tụng Chú

Nam mô tất cả chư Phật ở mười phương

Nam mô chư Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

Nam mô Thanh Văn, Duyên Giác, tất cả Hiền Thánh

NamThích Ca Mâu Ni Phật

NamBất Động Phật ở phương Đông

NamBảo Tràng Phật ở phương Nam

NamA Di Đà Phật ở phương Tây

NamThiên Cổ Âm Vương Phật ở phương Bắc

NamQuảng Chúng Đức Phật ở phương bên trên

NamMinh Đức Phật ở phương bên dưới

NamBảo Tạng Phật

NamPhổ Quang Phật

NamPhổ Minh Phật

NamHương Tích Vương Phật

NamLiên Hoa Thắng Phật

NamBình Đẳng Kiến Phật

NamBảo Kế Phật

NamBảo Thượng Phật

NamBảo Quang Phật

NamVô Cấu Quang Minh Phật

NamBiện Tài Trang Nghiêm Tư Duy Phật

NamTịnh Nguyệt Quang Xưng Tướng Vương Phật

NamHoa Nghiêm Quang Phật

NamQuang Minh Vương Phật

NamThiện Quang Vô Cấu Xưng Vương Phật

NamQuán Sát Vô Úy Tự Tại Vương Phật

NamVô Úy Danh Xưng Phật

NamTối Thắng Vương Phật

NamQuán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát

NamĐịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

NamHư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

NamDiệu Cát Tường Bồ Tát Ma Ha Tát

NamKim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát

NamPhổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát

NamVô Tận Ý Bồ Tát Ma Ha Tát

NamĐại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát

NamTừ Thị Bồ Tát Ma Ha Tát

NamThiện Tuệ Bồ Tát Ma Ha Tát

_Đà La Ni là:

Nam mô hát lại đát na đát lạt dạ dã. Đát điệt tha: quân thê quân thê, củ chiết lệ củ chiết lệ, nhất trất lý, mật trất lý, toa ha

*) NAMO RATNA-TRAYĀYA_ TADYATHĀ:  KUNDE  KUNDE, KUCARE  KUCARE,  IṬṬIRI  MIṬṬIRI  SVĀHĀ

Đức Phật bảo Thiện Trụ Bồ Tát: “Đà La Ni này là mẹ của Phật ba đời. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện trì Chú này thì hay sinh vô lượng vô biên nhóm Phước Đức, tức là cúng dường cung kính, tôn trọng, khen ngợi vô số chư Phật. Chư Phật như vậy đều cùng với người này trao cho A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Ký.

Thiện Trụ! Nếu có người hay trì Chú này thì tùy theo ý mong muốn của người ấy: quần áo, thức ăn, tài bảo, Đa Văn thông tuệ, không có bệnh, sống lâu, đưọc Phước rất nhiều, tùy theo nguyện cầu không có gì chẳng vừa ý.

Thiện Trụ! Người trí Chú này cho đến chưa chứng Vô Thượng Bồ Đề, thường cùng với Kim Thành Sơn Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát, Đại Hải Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Diệu Cát Tường Bồ Tát, Đại Băng Già La Bồ Tát… cùng ở chung với nhau, là nơi mà các Bồ Tát đã nhiếp hộ

 

Thiện Trụ nên biết, khi trì Chú này thời làm Pháp như vầy: Trước tiên, nên tụng trì đủ một vạn tám biến làm phương tiện trước tiên (tiền phương tiện). Tiếp theo ở trong cái Thất mờ tối, trang nghiêm Đạo Trường. Ngày 1 của kỳ Hắc Nguyệt, tắm gội sạch sẽ, mặc áo sạch mới, đốt hương rải hoa, mọi loại cúng dường với các thức ăn uống. Vào trong Đạo Trường, trước tiên nên xung lễ chư Phật Bồ Tát như lúc trước đã nói, chí Tâm ân trọng, sám hối tội lúc trước xong, quỳ gối phải sát đất, có thể tụng Chú lúc trước, đủ 1008 biến, ngồi ngay ngắn suy nghĩ, niệm ước nguyện của mình. Khi mặt trời chưa hiện ra thời ở trong Đạo Trường ăn thức ăn màu đen thanh tịnh, một ngày chỉ ăn một lần, đến ngày 15 mới ra khỏi Đạo Trường, hay khiến cho người này có Phước Đức, uy lực chẳng thể nghĩ bàn, tùy theo điều đã nguyện cầu, không có gì chẳng viên mãn. Nếu chẳng vừa ý thì vào Đạo Trường lần nữa. Đã xứng tâm xong thì thường trì giữ chẳng quên.

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

TRÙNG HIỂN KHÔNG TÍNH (Hiển Tính trống rỗng lần nữa)

_PHẨM THỨ CHÍN_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Chú này xong. Vì muốn lợi ích cho Bồ Tát Ma Ha Tát, Người, Trời, Đại Chúng… khiến được thấu hiểu nghĩa bậc nhất chân thật thâm sâu cho nên nói rõ Không Tính (Śūnyatā: Tính trống rỗng) lần nữa, rồi nói Tụng

“Ta đã ở Kinh thâm sâu khác

Rộng nói  Pháp Chân Không vi diệu

Nay lại ở trong Kinh Vương này

Lược nói Không Pháp (Śūnya-dharma: Pháp trống rỗng) khó nghĩ bàn

_Ở các Pháp thâm sâu rộng lớn

Hữu tình vô Trí (không có Trí) chẳng thể hiểu

Nên Ta ở đây, lại biễn bày

Khiến được khai ngộ Pháp trống rỗng (Śūnya-dharma: Không Pháp)

_Đại Bi thương xót hữu tình nên

Dùng phương thiện khéo, nhân duyên thắng

Nay Ta ở trong Đại Chúng này

Diễn nói khiến tỏ rõ nghĩa Không (Śūnya: trống rỗng)

_Nên biết thân này như xóm vắng (không tụ)

Sáu giặc (sáu Trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp là cội rễ sinh ra phiền não) nương dựa, chẳng biết nhau

Các giặc sáu Trần (Ṣaḍāyatana) nương Căn (Indriya) riêng

Đều chẳng biết nhau cũng như vậy

_Nhãn Căn (Cakṣur-indriya: con mắt) thường quán nơi Sắc Xứ (Rūpa: hình sắc)

Nhĩ Căn (Śrotrendriya: lỗ tai) nghe tiếng (Śabda: âm thanh) chẳng đoạn tuyệt

Tỵ Căn (Ghrāṇendriya: lỗ mũi) thưởng ngửi nơi Hương Cảnh (Gandha: mùi hương)

Thiệt Căn (Jihvendriya: cái lưỡi) thưởng thức nơi Vị (Rasa) ngon

Thân Căn (Kāyendriya: thân thể) nhận cảm xúc (Spraṣṭavya: xúc) mềm dịu  

Ý Căn (Mana-indriya) rõ Pháp (Dharma: Pháp cảnh) chẳng biết chán

Nhóm sáu Căn (Ṣaḍāyatana) này tùy việc khởi

Nơi cảnh của mình, sinh phân biệt

_Thức (Vijñāna) như huyễn hóa chẳng chân thật

Nương dựa Căn (Indriya), Xứ (Āyatana) vọng tham cầu

Như người chạy vội trong xóm vắng (không tụ)

Sáu Thức (Ṣaḍ-vijñāna) nương căn cũng như vậy

_Tâm (Citta) chạy khắp, tìm tùy chỗ chuyển

Nương Căn (Indria) duyên Cảnh (Āyatana) hiểu các việc

Thường yêu Sắc (Rūpa: hình sắc), Thanh (Śabda: âm thanh) Hương (Gandha: mùi ngửi) Vị (Rasa: vị nếm) Xúc (Spraṣṭvya, hay Sparśa: cảm xúc)

Nơi Pháp (Dharma: Pháp cảnh) tìm, nghĩ không tạm dừng

Tùy duyên lưu chuyển khắp sáu Căn

Như chim phi không (bay trong hư không) không chướng ngại

Nương các Căn này làm chỗ dựa

Mới hay phân biệt cảnh bên ngoài

_Thân (Kāya) này không biết, không người tạo

Thể (Svabhāva: Thể Tính) chẳng bền chắc, nương Duyên thành

Đều từ hư vọng, sinh phân biệt

Ví như cơ quan (bộ máy) do Nghiệp (Karma) chuyển

_Đất (Pṛthivi), Nước (Ap), Gió (Vāyu), Lửa (Tejo) tạo thành thân

Tùy nhân duyên kia chiêu Quả (Phala) khác

Đồng ở một chỗ, hại ngược nhau

Như bốn rắn độc ở một hộp

_Rắn Bốn Đại (Catvari-mahā-bhūtāni: bốn chủng đại đất, nước, gió, lửa) Tính (Prakṛti) đều khác

Tuy ở một chỗ, có lên xuống

Hoặc trên, hoặc dưới tràn khắp thân

Nhóm này cuối cùng về Pháp Diệt (Nirodhe-dharma)

_Ở trong bốn loại rắn độc này

Hai rắn đất, nước hay chìm xuống

Hai rắn gió, lửa tính nhẹ bổng

Do trái ngược này, mọi bệnh sinh

_Tâm Thức nương nhờ vào thân này

Tạo làm mọi loại nghiệp Thiện (Kuśala), Ác (Akuśala)

Đến cõi Người, Trời, ba nẻo ác

Tùy nghiệp lực ấy nhận thân hình

_Thân gặp các bệnh tật, sau khi chết

Mọi thứ tiêu tiểu chảy tràn lan

Thối nát, giòi bọ chẳng thể ưa

Vứt tại Thi Lâm (Śma-śana) như cây mục

_Các ngươi nên quán Pháp như vậy

Vì sao chấp có ta, chúng sinh

Tất cả các Pháp đều vô thường (Anitya)

Đều theo sức duyên Vô Minh (Avidya) khởi

_Các Đại Chủng (Mahā-bhūtāni) đều hư vọng

Vốn chẳng thật có, Thể không sinh

Nên nói Tính Đại Chủng đều rỗng (Śūnya: không)

Biết hư hão này chẳng thật có

_Tự Tính Vô Minh vốn là Không (Abhāva: vô, không có)

Nương mọi sức duyên, hòa hợp (Bhava)

Ở tất cả Thời, mất Chính Tuệ

Nên Ta nói ấy là Vô Minh (Avidya)

Hành (Saṃskāra), Thức (Vijñāna) làm duyên, có Danh Sắc (Nāma-rūpa)

Sáu Xứ (Ṣaḍ-āyatana) với Xúc (Sparśa), Thọ (Vedanā) tùy sinh

Ái (Tṛṣṇā), Thủ (Upādāna) Hữu (Bhava) duyên sinh (Jāti)  già (Jarā) chết (Maraṇa)

Lo buồn, khổ não luôn đuổi theo

Mọi khổ, nghiệp ác thường ràng ép

Sinh tử luân hồi không lúc ngưng

Xưa nay chẳng có Thể, là rỗng (Śūnya: không)

Do chẳng Như Lý sinh phân biệt

_Ta chặt tất cả các phiền não

Thường dùng Chính Trí, hiện tiền hành

Rõ nhà năm Uẩn (Pañca-skandha) thảy đễu rỗng (Śūnya: không)

Tìm chứng Bồ Đề, nơi chân thật

_Ta mở cửa đại thành Cam Lộ (Amṛta)

Bày vật khí Cam Lộ vi diệu

Đã được vị Cam Lộ chân thật

Thường đem Cam Lộ cho quần sinh

_Ta đánh trống Đại Pháp tối thắng

Ta thổi loa Đại Pháp tối thắng

Ta thắp đèn Đại Minh tối thắng

Ta tuôn mưa Đại Pháp tối thắng

Giáng phục phiền não, các oán kết

Dựng lập phướng Đại Pháp vô thượng

Nơi biển sinh tử, cứu quần mê

Ta sẽ bít kín ba nẻo ác

_Chúng sinh bị lửa phiền não đốt

Không ai cứu giúp, không chỗ nương

Cam Lộ trong mát khiến sung túc

Thân Tâm nóng bức đều trừ hết

_Do đó, Ta ở vô lượng kiếp

Cung kính cúng dường các Như Lai

Giữ vững Cấm Giới (Saṃvara) hướng Bồ Đề

Cầu chứng Pháp Thân, nơi an lạc

_Cho người: mắt, tai với tay, chân

Vợ con, tôi tớ… Tâm không tiếc

Tài bảo, bảy báu, vật trang nghiêm

Tùy người đến xin, đều cung cấp

Nhóm Nhẫn (Kṣānti), các Độ (Ba La Mật) đều tu khắp

Viên mãn mười Địa (Daśa-bhūmi) thành Chính Giác (Samyaksaṃbodhi)

Nên Ta được xưng Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)

Không có chúng sinh so lường nổi

_Giả sử ba ngàn Đại Thiên Giới (Tri-sāhasra-mahā-sahasro-loka-dhātu)

Hết đất đai này sinh trưỏng vật

Hết thảy rừng rậm, các cây cối

Gạo, mè, tre, cỏ lau, cành nhánh

Các nhóm vật này đều chặt lấy

Thảy đều nghiền nát làm bụi nhỏ (Aṇu-rajas: vi trần)

Tùy chỗ gom chứa, lượng khó biết

Cho đến tràn đầy cõi hư không

Tất cả các cõi nước mười phương

Hết thảy ba ngàn Đại Thiên Giới

Đất đai thảy đều làm bụi nhỏ

Lượng bụi nhỏ này chẳng thể đếm

Giả sử tất cả Trí chúng sinh

Đem Trí Tuệ này cho một người

Người Trí như vậy, lượng vô biên

Nên có thể biết số bụi nhỏ

Trí (Jñāna) một niệm (Eka-kṣana: một sát na) của Mâu Ni Tôn

Khiến người Trí kia cùng so lường

Ở trong nhiều câu chi kiếp số

Chẳng thể tính biết chút phần ấy”

 

Khi các Đại Chúng nghe Đức Phật nói Tính trống rỗng (Śūnyatā: Không Tính) thâm sâu này thời có vô lượng chúng sinh đểu hay thấu đạt Thể Tính của bốn Đại, năm Uẩn đều trống rỗng (Śūnya: không). Sáu Căn, sáu cảnh đặt bày sự ràng buộc hư giả… Nguyện buông bỏ luân hồi, chính đúng nên lìa khỏi, thân tâm mừng vui, như Thuyết phụng trì

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

Y KHÔNG MÃN NGUYỆN

_PHẨM THỨ MƯỜI_

 

Bấy giờ, Như Ý Bảo Quang Diệu Thiên Nữ ở trong Đại Chúng, nghe nói Pháp thâm sâu thì vui mừng hớn hở, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nguyện xin vì con nói Pháp Tu hành nơi Lý thâm sâu”

Rồi nói Tụng là:

“Con hỏi Chiếu Thế Giới

Lưỡng Túc Tối Thắng Tôn

Pháp Chính Hạnh Bồ Tát

Nguyện Từ Bi nghe hứa”

_Phật nói “Thiện Nữ Thiên!

Nếu có điều nghi ngờ

Tùy ý ngươi đã hỏi

Ta sẽ phân biệt nói”

 

_Lúc đó, Thiên Nữ thỉnh Đức Thế Tôn là:

“Làm sao các Bồ Tát

Hành Chính Hạnh Bồ Đề

Lìa sinh tử, Niết Bàn

Nhiêu ích cho ta, người?”

_Đức Phật bảo Thiện Nữ Thiên: “Y vào Pháp Giới (Dharma-dhātu) thực hành Pháp Bồ Đề, tu Hạnh Bình Đẳng. Ấy là, nơi năm Uẩn hay hiện Pháp Giới, Pháp Giới tức là năm Uẩn. Năm Uẩn chẳng thể nói, chẳng phải là năm Uẩn (phi ngũ uẩn) cũng chẳng thể nói. Tại sao thế? Nếu Pháp Giới là năm uẩn tức là Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi), nếu lìa năm Uẩn tức là Thường Kiến (Nitya-dṛṣṭi). Lìa ở hai tướng, chẳng dính hai bên, chẳng thể thấy, vượt qua chỗ thấy, không có tên gọi, không có tướng. Đấy tức gọi là nói về Pháp Giới.

Này Thiện Nữ Thiên! Thế nào là năm Uẩn hay hiện Pháp Giới? Năm Uẩn như vậy chẳng từ nhân duyên sinh. Tại sao thế? Nếu từ nhân duyên sinh thời vì đã sinh cho nên sinh, hay vì chưa sinh cho nên sinh. Nếu đã sinh mà sinh thì tại sao dùng nhân duyên? Nếu chưa sinh mà sinh thì chẳng thể được sinh. Tại sao thế? Vì chưa sinh các Pháp tức là chẳng phải có (phi hữu), không có tên gọi, không có tướng. Chẳng phải là chỗ mà xem xét đo lường, ví dụ theo kịp. Chẳng phải là nơi sinh của nhân duyên.

Thiện Nữ Thiên! Ví như tiếng trống y theo gỗ, y theo da với tay cầm dùi cho nên được phát ra tiếng. Như vậy, tiếng trống ở quá khứ cũng trống rỗng (Śūnya: không), vị lai cũng trống rỗng (Śūnya: không), hiện tại trống rỗng (Śūnya: không). Tại sao thế? Vì âm thanh của cái trống đó chẳng từ gỗ sinh ra, chẳng từ da sinh ra với tay cầm dùi sinh ra, chẳng ở ba đời sinh ra, đấy tức chẳng sinh. Nếu chẳng thể sinh tức chẳng thể diệt. Nếu chẳng thể diệt thì không có chỗ theo đến. Nếu không có chỗ theo đến thì cũng không có chỗ đi. Nếu không có chỗ đi tức chẳng phải Thường, chẳng phải Đoạn (phi thường phi đoạn), tức chẳng phải một chẳng phải hai (bất nhất bất nhị). Tại sao thế? Vì nếu đây là một tức chẳng khác Pháp Giới. Nếu như vậy thì người Phàm Phu nên thấy Chân Đế (Paramārtha-satya), được ở Niết Bàn an vui vô thượng. Đã chẳng như vậy, cho nên biết chẳng phải một (bất nhất). Nếu nói khác đi thì tất cả chư Phật, Bồ Tát thực hành tướng tức là  chấp dính, chưa giải thoát được sự trói buộc của phiền não, tức chẳng chứng nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Tại sao thế? Vì tất cả Thánh Nhân đối với hành, Phi Hành đồng với Tính chân thật, thế nên chẳng phải khác (bất dị). Cho nên biết năm Uẩn chẳng phải có, chẳng phải không (phi hữu phi vô), chẳng từ nhân duyên sinh, chẳng phải không có nhân duyên sinh, là nơi mà bậc Thánh đã biết, chẳng phải là cảnh khác, cũng chẳng phải là nơi mà ngôn thuyết theo kịp, không có tên gọi, không có tướng, cũng không có thí dụ, đầu cuối vắng lặng, xưa tay tự trống rỗng (Śūnya: không). Chính vì thế cho nên năm Uẩn hay hiện Pháp Giới.

Này Thiện Nữ Thiên! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện muốn cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Chân (Paramārtha-satya: Chân Đế) khác, Tục (Saṃvṛti-satya: Tục Đế) khác chẳng thể nghĩ lường. Đối với cảnh của Thánh Phàm, Thể chẳng phải là một chẳng phải là khác (phi nhất dị), chẳng buông nơi Tục (Tục Đế) chẳng lìa nơi Chân (Chân Đế), y vào Pháp Giới thực hành Bồ Tát Hạnh (Bodhi-satva-caryā)”

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói lời này xong, thời Thiện Nữ Thiên vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, một lòng đỉnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thê Tôn! Như bên trên đã nói, nay con sẽ học Chính Hạnh của Bồ Đề”

Bấy giờ, Sách Ha Thế Giới Chủ (Sāhaṃpati) Đại Phạm Thiên Vương ở trong Đại Chúng hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Thiên Nữ rằng: “Bồ Đề Hạnh (Bodhi-caryā) này khó thể tu hành. Nay ngươi làm sao đối với Bồ Đề Hạnh mà được tự tại?”

Khi ấy, Thiện Nữ Thiên trả lời với Phạm Vương rằng: “Đại Phạm Vương! Như Đức Phật đã nói, thật là thâm sâu. Tất cả Dị Sinh (Pṛthag-jana: phàm phu) chẳng hiểu nghĩa ấy, là cảnh giới của bậc Thánh vi diệu khó biết. Nếu khiến cho tôi nay y vào Pháp này được trụ an vui, là lời chân thật thời nguyện khiến cho vô lượng vô số chúng sinh trong tất cả đời ác năm trược đều được màu vàng ròng, ba mươi hai tướng, chẳng phải nam chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, thọ nhận niềm vui vô lượng, tuôn mưa hoa màu nhiệm của cõi Trời, âm nhạc của chư Thiên chẳng đánh tự kêu, tất cả cúng dường thảy đều đầy đủ”.

 

Khi Thiện Nữ Thiên nói lời này xong thì hết thảy chúng sinh trong tất cả đời ác năm trược thảy đều được màu vàng ròng, đủ tướng Đại Nhân, chẳng phải nam chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, thọ nhận niềm vui vô lượng, giống như cung Trời Tha Hóa Tự Tại (Para-nirmita-vaśa-vartin) không có các đường ác, cây báu xếp thành hàng, hoa sen bảy báu tràn đầy Thế Giới, lại tuôn mưa bảy báu hoa Trời thượng diệu, tấu kỹ nhạc của cõi Trời.

Như Ý Bảo Quang Diệu Thiện Nữ Thiên liền chuyển thân nữ làm thân Phạm Thiên. Thời Đại Phạm Vương hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát rằng: “Nhân Giả! Hành Bồ Đề Hạnh như thế nào?”

Đáp rằng: “Này Phạm Vương! Nếu mặt trăng trong nước thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh. Nếu trong mộng thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh. Nếu Dương Diệm (bóng nước dợn dưới nắng nóng) thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh. Nếu tiếng vang dội trong hang (cốc hưởng)  thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh”.

 

_Khi Đại Phạm Vương nghe Thuyết này xong, liền bạch Bồ Tát rằng: “Nhân vào nghĩa nào mà nói lời này?”

Đáp rằng: “Này Phạm Vương! Không có một Pháp là tướng chân thật, chỉ do nhân duyên mà được thành”

 

_Phạm Vương nói: “Nếu như vậy thì các người Phàm Phu thảy đều nên được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”

Đáp rằng: “Nhân vào Ý nào mà nói lời này? Người ngu si khác, người Trí Tuệ khác, Bồ Đề khác, chẳng phải là Bồ Đề (phi Bồ Đề) khác, Giải Thoát khác, chẳng phải là giải thoát (phi giải thoát) khác.

Này Phạm Vương! Như vậy, các Pháp bình đẳng không có khác nhau. Ở Pháp Giới Chân Như này, chẳng phải một, chẳng phải khác (bất nhất bất dị), không có khoảng giữa mà có thể chấp dính, không có tăng thêm, không có giảm bớt.

Này Phạm Vương! Ví như Huyễn Sư với Huyễn Đệ Tử khéo hiểu Huyễn Thuật, ở ngã tư đường lấy các thứ cát, đất, cỏ, cây, lá… gom tại một chỗ làm các huyễn thuật, khiến cho con người nhìn thấy chúng voi, chúng ngựa, mọi xe cộ binh lính, nhóm bảy báu, mọi loại kho chứa. Nếu có chúng sinh ngu si không có Trí thì chẳng thể suy nghĩ, chẳng biết gốc huyễn. Hoặc thấy hoặc nghe thì tác suy nghĩ này: “Ta đã thấy nghe mọi nhóm voi, ngựa… đây là thật có, ngoài ra đều là hư vọng”. Sau đó chẳng xem xét, suy nghĩ nữa

Người có Trí tức chẳng như vậy, hiểu rõ gốc huyễn, hoặc thấy hoặc nghe thì tác niệm này: “Như ta đã thấy mọi nhóm voi, ngựa…chẳng phải là chân thật, chỉ có việc huyễn. Hoặc con mắt của người sằng bậy nói là nhóm voi với các kho chứa, ấy chỉ có tên gọi chứ không có thật. Như ta thấy nghe, chẳng chấp là thật”. Sau đó suy nghĩ, biết hư vọng ấy. Thế nên người Trí hiểu thấu tất cả Pháp đều không có Thật Thể, chỉ tùy theo Thế Tục như thấy như nghe, nói rõ việc ấy. Suy nghĩ Lý chân thật (đế lý) tức chẳng như vậy, lại do mượn nói để hiển nghĩa thật.

Này Phạm Vương! Dị Sinh (phàm phu) ngu si chưa được con mắt Tuệ của bậc Thánh xuất thế, chưa biết tất cả các Pháp Chân Như chẳng thể nói, Các phàm phu đó hoặc thấy hoặc nghe Pháp Hành, Phi Hành. Như vậy suy nghĩ liền sinh chấp dính, nói cho là thật, đối với Đệ Nhất Nghĩa (Paramārtha) chẳng thể biết rõ các Pháp Chân Như chẳng thể nói

Các Thánh Nhân đó hoặc thấy hoặc nghe Pháp Hành, Phi Hành tùy theo sức ấy chẳng sinh chấp dính cho là thật có, hiểu rõ Pháp không có Hành Pháp thật, không có Phi Hành Pháp thật, chỉ vọng nghĩ lường tướng của hành, Phi Hành tuy có tên gọi chứ không có Thật Thể. Các Thánh Nhân đó tùy theo Thế Tục nói vì muốn khiến cho người khác biết nghĩa chân thật

Như vậy, Phạm Vương! Các Thánh Nhân đó dùng cái thấy của Thánh Trí thấu tỏ Pháp Chân Như chẳng thể nói, cho nên Pháp Hành, Phi Hành cũng lại như vậy khiến cho người khác chứng biết cho nên nói mọi loại tên, lời (danh ngôn) của Thế Tục”

 

_Thời Đại Phạm Vương hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát rằng: “Có bao nhiêu chúng sinh hay hiểu Chính Pháp thâm sâu như vậy?”

Đáp rằng: “Phạm Vương! Có Pháp Tâm (Citta), Tâm Số (Caitta, hay caitasika: Tâm Sở) của mọi người huyễn mới hay hiểu Chính Pháp thâm sâu như vậy”

 

_Phạm Vương nói: “Thể của người huyễn hóa là chẳng phải có (phi hữu) thì Tâm Số (Caitta) của người này từ đâu mà sinh ra?”

Đáp rằng: “Nếu biết Pháp Giới chẳng có chẳng không (bất hữu bất vô) thì chúng sinh như vậy hay hiểu nghĩa sâu xa”

 

_Lúc đó, Phạm Vương bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát này chẳng thể nghĩ bàn, thông đạt nghĩa thâm sâu như vậy”

Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Như vậy Phạm Vương! Như ông đã nói, vị Như Ý Bảo Quang Diệu này đã dạy bảo các ông phát tâm tu học Pháp Vô Sinh Nhẫn

Khi ấy, Phạm Vương cùng với các Phạm Chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát rồi nói như vầy: “Hiếm có! Hiếm có! Ngay nay chúng tôi may mắn gặp được Đại Sĩ, được nghe Chính Pháp”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Phạm Vương rằng: “vị Như Ý Bảo Quang Diệu này ở đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”

 

_Khi nói Phẩm này thời có ba ngàn ức Bồ Tát đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề được Bất Thoái Chuyển. Tám ngàn ức vị Thiên Tử, vô lượng vô số quốc vương, thần dân xa bụi lìa dơ, được sự thanh tịnh của con mắt Pháp.

Lúc đó, trong Hội có năm mươi ức Bật Sô thực hành Bồ Tát Hạnh, muốn thoái Tâm Bồ Đề, khi nghe Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát nói Pháp này thời phát khởi Tâm Bồ Đề, đều tự cởi áo của mình cúng dường Bồ Tát, lại phát Tâm Vô Thượng Thắng Tiến lần nữa, tác Nguyện như vầy: “Nguyện khiến cho Công Đức, căn lành của chúng tôi thảy đều chẳng thoái lùi, hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”.

_Này Phạm Vương! Các Bật Sô đó y theo Công Đức này, như Thuyết tu hành, hơn chín mươi Đại Kiếp sẽ được giải ngộ, lìa khỏi sinh tử.  Khi ấy, Đức Thế Tôn liền vì họ Thọ Ký (Vyākaraṇa): “Bật Sô các ông hơn ba mươi A tăng kỳ kiếp sẽ được thành Phật, kiếp tên là Nan Thắng Quang Vương, nước tên là Vô Cấu Quang đồng thời đều đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) đều đồng một hiệu, tên là Nguyện Trang Nghiêm Gián Sức Vương đầy đủ mười hiệu.

 

Phạm Vương! Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này, nếu nghe giữ chính đúng sẽ có uy lực lớn. Giả sử có người ở trăm ngàn Đại Kiếp thực hành sáu Ba La Mật mà không có phương tiện. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện viết chép Kinh Kim Quang Minh như vậy, nửa tháng, một tháng chuyên tâm đọc tụng thì nhóm Công Đức này đối với Công Đức lúc trước, trăm phần chẳng theo kịp một phần…cho đến tính đếm, ví dụ cũng chẳng thể theo kịp

Này Phạm Vương! Thế nên nay Ta khiến ông tu học, nghĩ nhớ, nhận giữ, vì người khác rộng nói. Tại sao thế? Ta ở xưa kia, khi hành Bồ Tát Đạo thời giống như dũng sĩ đi vào chiến trận, chẳng tiếc thân mạng, lưu thông Kinh Vương vi diệu như vậy, thọ trì đọc tụng, vì người khác giải nói.

Phạm Vương! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu vua còn ở đời thì bảy báu chẳng diệt, nếu vua hết mạng thì hết thảy bảy báu tự nhiên diệt hết.

Này Phạm Vương! Kim Quang Minh Vi Diệu Kinh Vương này. Nếu hiện tại đời thì vô lượng Pháp Bảo thảy đều chẳng diệt. Nếu không có Kinh này (thì Pháp Bảo) tùy theo nơi chốn ẩn mất. Bởi thế nên biết đồi với Kinh Vương này, chuyên tâm lắng nghe, thọ trì, độc tụng, vì người khác giải nói, khuyên khiến viết chép, hành Tinh Tiến Ba La Mật, chẳng tiếc thân mạng, chẳng ngại lao nhọc, trong Công Đức là hơn hết. Đệ Tử của Ta cần phải tinh cần tu học như vậy”.

     

Khi ấy, Đại Phạm Thiên Vương cùng với vô lượng Phạm Chúng, Đế Thích, bốn Thiên Vương với các Dược Xoa đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con đều nguyện thủ hộ, lưu thông Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này với vị Thầy nói Pháp nếu có các nạn thì con sẽ trừ khiển khiến cho đủ mọi điều tốt lành, sắc lực sung mãn, biện tài không có ngăn ngại, thân ý an nhiên. Thời trong Hội, người lắng nghe đều được an vui. Đất nước cư trú, nếu có đói kém mất mùa, oán tặc, Phi Nhân gây não hại thì Thiên Chúng chúng con đều làm ủng hộ khiến cho người dân nước ấy an ổn, sung túc, vui vẻ không có các tai vạ oan khuất… đều là sức của Thiên Chúng chúng con. Nếu có người cúng dường Kinh Điển này thì chúng con cũng sẽ cung kính cúng dường như Đức Phật không có khác”  

Bấy giờ Đức Phật bảo Đại Phạm Thiên Vương với các Phạm Chúng cho đến bốn Thiên Vương, các hàng Dược Xoa: “Lành thay! Lành thay! Các ông được nghe Pháp màu nhiệm thâm sâu, lại hay đối với Kinh Vương vi diệu này phát Tâm ủng hộ với người trì Kinh, sẽ được vô biên Phước thù thắng, mau thành Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề”

Thời hàng Phạm Vương nghe Đức Phật nói xong, đều vui vẻ đỉnh thọ.

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

TỨ THIÊN VƯƠNG QUÁN SÁT NGƯỜI TRỜI

_PHẨM THỨ MƯỜI MỘT_

 

Bấy giờ, Đa Văn  (Vaiśravaṇa) Thiên Vương, Trì Quốc (Dṛḍha-rāṣṭra)Thiên Vương, Tăng Trưởng (Virūḍhaka)Thiên Vương, Quảng Mục (Virūpākṣa)Thiên Vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, lễ bàn chân của Đức Phật xong, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, tất cả chư Phật thường nhớ quán sát, là nơi mà tất cả Bồ Tát cung kính, nơi mà tất cả Trời Rồng thường cúng dường với các Thiên Chúng thường sinh vui vẻ, tất cả Hộ Thế (Loka-pāla) xưng dương khen ngợi. Thanh Văn, Độc Giác đều cùng thọ trì. Hay ban cho tất cả chúng sinh an vui thù thắng. Chận đứng khổ não trong các nẻo Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh. Đều hay trừ hết tất cả sự sợ hãi. Hết thảy oán địch lại liền lui tan. Thời ác đói kém mất mùa hay khiến cho no đủ. Đều khiến trừ sạch tật dịch, bệnh khổ. Thảy đều tiêu diệt tất cả tai biến, trăm ngàn khổ não

Thế Tôn!  Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này hay làm cho an ổn lợi lạc như vậy, nhiêu ích cho chúng con. Nguyện xin Đức Thế Tôn ở trong Đại Chúng rộng tuyên nói. Bốn Thiên Vương chúng con với các quyến thuộc nghe Pháp Vị Cam Lộ vô thượng này thì khí lực thêm mạnh mẽ, tăng ích cho uy quang, tinh tấn dũng mãnh, Thần Thông vượt hơn gấp bội.

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con tu hành Chính Pháp, thường nói Chính Pháp, dùng Pháp cảm hóa đời. Chúng con khiến cho hàng Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dược Xoa (Yakṣa), Kiện Thát Bà (Gandharva), A Tô La (Asura), Yết Lộ Trà (Garuḍa), Cưu Bàn Trà (Kumbhaṇḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Mạc Hô La Già (Mahoraga) với các Nhân Vương (Nārendra) thường dùng Chính Pháp cảm hóa thế gian, ngăn đuổi các ác. Hết thảy Quỷ Thần hút tinh khí con người, loài không có Từ Bi thảy đều đi xa.

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con cùng với 28 Bộ Dược Xoa Đại Tướng kèm với vô lượng trăm ngàn Dược Xoa dùng Thiên Nhãn (Devya-cakṣu) thanh tịnh hơn hẳn người đời, quán sát ủng hộ Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) này.

Thế Tôn! Do nhân duyên này mà chúng con, các vua có tên là bậc Hộ Thế (Loka-pāla). Lại ở trong Châu này, nếu có quốc vương bị oán tặc nơi khác thường đến xâm nhiễu với nhiều nạn đói kém mất mùa, bệnh dịch lưu hành, vô lượng trăm ngàn việc tai ách.

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con đối với Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này cung kính cúng dường. Nếu có Bật Sô Pháp Sư (vị Pháp Sư là Tỳ Kheo) thọ trì đọc tụng thì bốn Thiên Vương chúng con cùng nhau đến thức tỉnh, khuyến thỉnh người ấy, thời vị Pháp Sư ấy do sức Thần Thông thức tỉnh của con, đi đến cõi nước kia rộng tuyên lưu bày Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này. Do sức của Kinh khiến cho vô lượng trăm ngàn việc suy não, tai ách kia thảy đều trừ hết.

Thế Tôn! Nếu các Nhân Vương ở trong nước ấy, có vị Bật Sô Pháp Sư trì Kinh này đi đến nước ấy thời nên biết Kinh này cũng đến nước ấy

Thế Tôn! Lúc đó, quốc vương kia nên đến chỗ của vị Pháp Sư lắng nghe vị ấy nói.  Nghe xong vui vẻ, cung kính cúng dường vị Pháp Sư ấy, thâm tâm ủng hộ khiến cho không có lo lắng bực bội, diễn nói Kinh này lợi ích cho tất cả

Thế Tôn! Do Kinh này cho nên bốn Thiên Vương chúng con đều cùng nhau một lòng hộ giúp vị Nhân Vương với người dân trong nước, khiến lìa tai họa thường được an ổn.

Thế Tôn! Nếu có Bật Sô, Bật Sô Ni, Ô Ba Tác Ca, Ô Ba Tư Ca trì Kinh này thời vị Nhân Vương kia tùy theo chỗ họ cần dùng mà cung cấp cúng dường khiến cho không có thiếu thốn. Bốn Thiên Vương chúng con khiến cho vị Quốc Chủ kia với người trong nước thảy đều an ổn, xa lìa tai họa.

Thế Tôn! Nếu có người thọ trì, đọc tụng Kinh Điển này mà Nhân Vương cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi người này thì chúng con sẽ khiến cho vị vua ấy ở trong các vua được cung kính, tôn trọng, rất ư bậc nhất. Các quốc vương khác cùng nhau khen ngợi”

 

Đại Chúng nghe xong, vui vẻ thọ trì

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ NĂM (Hết)_

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ SÁU_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

BỐN THIÊN VƯƠNG HỘ QUỐC

_PHẨM THỨ MƯỜI HAI_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe bốn Thiên Vương cung kính, cúng dường Kinh Kim Quang Minh với hay ủng hộ người trì Kinh, thì khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Bốn Thiên Vương các ông đã ở chỗ của vô lượng trăm ngàn vạn ức Phật quá khứ: cung kính, tôn trọng, khen ngợi, gieo trồng các căn lành, tu hành Chính Pháp, thường nói Chính Pháp, dùng Pháp hóa độ đời. Các ông trong đêm dài, đối với các chúng sinh thường nghĩ đến lợi ích, khởi Tâm Đại Từ, nguyện ban cho an vui. Do nhân duyên này, hay khiến cho các ông hiện nhận quả báo thù thắng. Nếu có Nhân Vương cung kính cúng dường Kinh Điển Kim Quang Minh Tối Thắng này thì các ông cần phải siêng năng gia thêm thủ hộ khiến được an ổn. Bốn Thiên Vương các ông với quyến thuộc khác, vô lượng vô số trăm ngàn Dược Xoa hộ trì Kinh này, tức là hộ trì Chính Pháp của chư Phật quá khứ hiện tại vị lai.

(như thế) Bốn Thiên Vương các ông với Thiên Chúng khác kèm với các Dược Xoa khi chiến đấu với A Tu La thời thường được thắng lợi. Nếu các ông hay hộ trì Kinh này, do sức của Kinh cho nên hay trừ mọi khổ, oán tặc, đói kém mất mùa với các bệnh dịch. Thế nên, các ông nếu thấy bốn Chúng thọ trì, đọc tụng Kinh Vương này thì cũng nên chuyên tâm cùng nhau gia thêm thủ hộ để trừ suy não, ban cho an vui”

Khi ấy, bốn Thiên Vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kim Quang Minh Tối Thắng Kinh Vương này, ở đời vị lai: nếu có cõi nước, thành ấp, thôn xóm, núi rừng, nơi hoang vắng… tùy theo nơi đã đến, khi lưu bày thời nếu có quốc vương kia đối với Kinh Điển này chí Tâm nghe nhận, khen ngợi, cúng dường lại cung cấp cho Cúng của bốn Bộ thọ trì Kinh này, thâm tâm ủng hộ, khiến lìa suy não. Do nhân duyên đó, Con hộ giúp cho vị vua ấy với các nhân chúng đều khiến an ổn, xa lìa lo khổ, tăng ích thọ mạnh, đầy đủ uy đức.

Thế Tôn! Nếu quốc vương ấy thấy người ở bốn Chúng thị trì Kinh, cung kính thủ hộ giống chư cha mẹ, thảy đều cung cấp tất cả thứ cần dùng thì bốn Thiên Vương chúng con thường làm thủ hộ, khiến cho các hữu tình không có ai chẳng tôn kính, Thế nên, chúng con cùng với vô lượng Dược Xoa, chư Thần tùy theo nơi lưu bày Kinh Vương này ẩn thân ủng hộ khiến cho không còn tai nạn. Cũng sẽ hộ niệm cho người, các quốc vương nghe Kinh này trừ suy nạn ấy đều khiến được an ổn, đều khiến cho oán tặc phương khác lui tan. Nếu có Nhân Vương lắng nghe Kinh này thời oán địch của nước lân cận dấy niệm như vầy: “Đem đủ bốn loại binh hoại quốc độ ấy”  

Bạch Đức Thế Tôn! Do sức uy thần của Kinh Vương này, lúc đó oán địch của nước lân cận lần lượt có oán khác, khi đến xâm nhiễu cảnh giới ấy thì phần lớn bị các tai biến, bệnh dịch lưu hành. Khi vị vua nhìn thấy xong, liền nghiêm ngặt phát bốn loại binh hướng đến nước kia để thảo phạt. Khi ấy chúng con đem các quyến thuộc, vô lượng vô viên Dược Xoa, chư Thần đều tự ẩn hình hỗ trợ khiến cho oán địch kia tự nhiên hàng phục, còn chẳng dám đi đến biên giới nước ấy, há lại được có binh khí để chinh phạt sao?!...”

       

_Bấy giờ, Đức Phật bảo bốn Thiên Vương: “Lành thay! Lành thay! Bốn Thiên Vương các ông mới có thể ủng hộ Kinh Điển như vậy. Ta ở trăm ngàn câu chi na dữu đa kiếp quá khứ, tu các Khổ Hạnh được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, chứng Nhất Thiết Trí, nay nói Pháp này. Nếu có Nhân Vương thọ trì Kinh này, cung kính cúng dường sẽ được tiêu trừ suy hoạn, khiến cho an ổn. Cũng lại ủng hộ thành ấp, thôn xóm cho đến oán tặc đều khiến cho lui tan. Cũng khiến cho hết thảy các vị vua trong tất cả Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) vĩnh viễn không có việc suy não đấu tranh

Bốn Thiên Vương nên biết ở Thiệm Bộ Châu này: tám vạn bốn ngàn thành ấp thôn xóm, tám vạn bốn ngàn các Nhân Vương đều ở nước của họ thọ nhận các khoái lạc đều được tự tại, hết thảy tài bảo thọ dụng dư thừa, chẳng xâm đoạt lẫn nhau, tùy theo Nhân đời trước mà nhận quả báo ấy, chẳng khởi niệm ác tham cầu nước khác, đều sinh Tâm ít muốn lợi lạc, không có đau khổ bởi sự chiến đấu cột trói. Người dân của đất nước ấy tự sinh yêu thích, trên dưới hòa thuận giống như nước với sữa, cảm thông yêu trọng lẫn nhau, vui vẻ dạo chơi đùa giỡn, Từ Bi khiêm nhượng, tăng trưởng căn lành, Do nhân duyên đó mà Thiệm Bộ Châu này được an ổn, vui sướng, sung túc. Người dân đông đầy, đất đai xốp mềm màu mỡ, nóng lạnh điều hòa, thời tiết chẳng rối loạn. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú theo quy luật cố định không có khuyết thiếu. Mưa gió thùy theo thời, lìa các tai hoạnh. Tài bảo, của cải riêng thảy đều dư đầy. Tâm không có keo kiệt hẹp hòi, thường thực hành Tuệ Thí, đầy đủ mười Nghiệp thiện. Nếu mạnh người kết thúc thì phần lớn sinh lên cõi Trời, tăng ích cho Thiên Chúng.

Này Đại Vương! Nếu đời vị lai có các Nhân Vương nghe nhận Kinh này, cung kính cúng dường kèm thọ trì Kinh này, tôn trọng ca ngợi Chúng của bốn Bộ, lại muốn an vui, nhiêu ích cho các ông với các quyến thuộc, vô lượng trăm ngàn các Dược Xoa Chúng. Bởi thế, vị vua ấy thường nên nghe nhận Kinh Vương màu nhiệm này, Do được nghe nước của Chính Pháp này, Cam Lộ thượng vị sẽ tăng ích cho thân tâm, thế lực của các ông, tinh tiến dũng mãnh, đều khiến cho tràn đầy Phước Đức, Uy Quang

Các Nhân Vương đó, nếu hay chí tâm nghe nhận Kinh này, tức làm cúng dường rộng lớn hiếm có, cúng dường Ta, Thích Ca Mâu Ni Ứng Chính Đẳng Giác. Nếu cúng dường Ta tức là cúng dường trăm ngàn câu chi na dữu đa Phật quá khứ vị lai hiện tại. Nếu hay cúng dường chư Phật ba đời tức được vô lượng nhóm Công Đức chẳng thể nghĩ bàn. Do nhân duyên này, các ông cần phải ủng hộ vị vua ấy, hậu phi, quyến thuộc khiến cho không có suy não với Thần cung trạch thường thọ nhận an vui, Công Đức khó nghĩ. Hết thảy người dân của các cõi nước ấy cũng thọ nhận mọi loại niềm vui của năm Dục, tất cả việc ác đều khiến tiêu sạch hết”

   

Lúc đó, bốn Thiên Vương bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Ở đời vị lai, nếu có Nhân Vương thích nghe Kinh Kim Quang Minh như vậy, vì muốn ủng hộ cho thân mình, hậu phi, vương tử cho đến các Cung Nữ trong Nội Cung, thành ấp, cung điện… đều được vui vẻ, vắng lặng, an lạc tối thượng bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn. Ở trong đời hiện tại được ngôi vua (vương vị) tôn quý cao cả, tự tại hưng thịnh thường được tăng trưởng. Lại muốn nhiếp nhận vô lượng vô biên nhóm Phước khó nghĩ, ở cõi nước của mình khiến không có oán địch với các việc tai ách lo lắng bực bội.

Thế Tôn! Như vậy, Nhân Vương chẳng nên buông thả khiến Tâm tán loạn, nên sinh cung kính, chí thành, ân trọng, nghe nhận Kinh Vương tối thắng như vậy. Khi muốn nghe thời trước tiên trang nghiêm cung thất tối thượng, nơi rộng rãi thông thoáng mà vua yêu trọng, dùng nước thơm rưới vảy trên đất, rải mọi hoa đẹp thơm, an trí Pháp Tòa Sư Tử tối thắng, dùng các châu báu để trang sức, giăng bày mọi loại lọng, phướng, phan báu; đốt hương vô giá, tấu các âm nhạc. Lúc đó, vị vua ấy nên tắm gội sạch sẽ, dùng hương xoa bôi thân. Mặc áo sạch mới với đeo chuỗi Anh Lạc. ngồi ở tòa nhỏ thấp, chẳng sinh cao cả, buông bỏ địa vị tự tại, lìa các kiêu mạn, Tâm ngay thẳng chính niệm, lắng nghe Kinh Vương này. Ở chỗ của Pháp Sư khởi tưởng Đại Sư. Lại đối với hậu phi, vương tử, cung nữ, quyến thuộc trong cung, sinh Tâm Từ Mẫn, vui thích nhìn nhau, nét mặt hòa nhã, nói năng nhẹ nhàng, ở thân tâm của mình tràn khắp niềm vui. Tác niệm như vầy: “Nay Ta đắc được lợi ích thù thắng rộng lớn khó nghĩ bàn. Đối với Kinh Vương này nên cúng dường đầy đủ

Đã xếp đặt xong, khi thấy Pháp Sư đến thời nên đứng dậy, khởi Tâm ngưỡng mộ thành kính”.

Bấy giờ, Đức Phật bảo bốn Thiên Vương: “Chẳng nên chẳng nghênh đón Pháp Sư như vậy. Lúc đó, Nhân Vương ấy nên mặc áo sạch mới không có vết dơ nào, dùng mọi loại Anh Lạc để nghiêm sức, tự cầm cái lọng trắng với đem hương hoa, chuẩn bị đầy đủ nghi lễ của quân đội, tấu bày đủ các âm nhạc, đi bộ ra khỏi thành khuyết, nghênh đón vị Pháp Sư ấy, vận tưởng cung kính làm việc cát tường. 

Này bốn Thiên Vương! Do nhân duyên gì khiến cho Nhân Vương ấy đích thân làm cung kính cúng dường như vậy? Do Nhân Vương ấy nhấc chân lên, hạ chân xưống. mỗi một bước đi tức là cung kính, cúng dường, thừa sự, tôn trọng trăm ngàn vạn ức na dữu đa chư Phật Thế Tôn. Lại được vượt qua nỗi khổ trong kiếp số sinh tử như vậy. Lại ở đời sau trải qua kiếp số như vậy sẽ thọ nhận Tôn Vị thù thắng của Luân Vương. Tùy theo mỗi một bước đi ấy  cũng ở đời này tăng trưởng Phước Đức, tự tại làm vua, cảm ứng khó nghĩ, được mọi người khâm phục tôn trọng, sẽ ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp, trong cõi người, Trời thọ dụng cung điện bảy báu, tại nơi sinh ra thường được làm vua, tăng ích thọ mạng, ngôn từ biện luận thông suốt, người Trời tin nhận, không có chỗ sợ hãi, có danh tiếng lớn, (mọi người) đều cùng nhau chiêm ngưỡng. Trên Trời, trong cõi người thọ nhận niềm vui thắng diệu, được thế Đại Lực, có uy đức lớn, thân tướng kỳ diệu đoan nghiêm không gì so sánh được. Gặp Thiên Nhân Sư (Śāstā-deva-manuṣyāṇāṃ), gặp Thiện Tri Thức (Kalyāṇa-mitra), thành tựu đầy đủ vô lượng nhóm Phước.    

Bốn Thiên Vương nên biết, các Nhân Vương ấy thấy mọi loại Công Đức lợi ích vô lượng như vậy, cho nên tự đi phụng đón vị Pháp Sư, Hoặc một du thiện na, cho đến một trăm du thiện na, đối với vị Pháp Sư nên sinh tưởng là Đức Phật. Rồi quay về thành, tác niệm như vầy: “Hôm này Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác vào trong cung của Ta, nhận sự cúng dường của ta, vì ta nói Pháp. Ta nghe Pháp xong tức đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) chẳng thoái lùi nữa, tức là gặp thẳng trăm ngàn vạn ức na dữu đa chư Phật Thế Tôn. Ta ở ngày nay tức là mọi loại nhạc cụ thù thắng thượng diệu rộng lớn cúng dường chư Phật quá khứ vị lai hiện tại. Ta ở ngày nay tức là vĩnh viễn nhổ bứt nỗi khổ của cõi Diêm Ma Vương (Yama-rāja), Địa Ngục, Quỷ đói, bàng sinh, liền gieo trồng hạt giống căn lành của vô lượng trăm ngàn vạn ức Chuyển Luân Thánh Vương, Thích Phạm Thiên Chủ, sẽ khiến cho vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh ra khỏi nỗi khổ của sinh tử, được niềm vui của Niết Bàn, gom chứa vô lượng vô biên nhóm Phước Đức chẳng thể nghĩ bàn. Hậu Cung, quyến thuộc với các người dân đều được an ổn, cõi nước thanh tịnh bình an, không có các tai ách, độc hại, người ác, oán địch phương khác chẳng đến xâm nhiễu, xa lìa sự lo lắng”.

Bốn Thiên Vương nên biết, Nhân Vương ấy nên làm như vậy: tôn trọng Chính Pháp cũng đối với Bật Sô, Bật Sô Ni, Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư Ca trọ trì Kinh Điển màu nhiệm … cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi. Căn lành đã đạt được, trước tiên dùng Thắng Phước cúng thí cho các ông với các quyến thuộc. Vị Nhân Vương ấy có nhân duyên, nghiệp Thiện, Phước Đức lớn ở trong đời này được đại tự tại, tăng ích uy quang, tướng màu nhiệm cát tường thảy đều trang nghiêm. Dùng Chính Pháp hay tồi phục tất cả oán địch”.

   

Khi ấy, bốn Thiên Vương bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có Nhân Vương hay làm như vầy: cung kính Chính Pháp, lắng nghe Kinh Vương này, kèm với bốn Chúng, người trì Kinh… cung kính, cúng dường. tôn trọng, khen ngợi. Thời vị Nhân Vương ấy muốn làm cho chúng con sinh vui vẻ, nên ở một bên, gần với Pháp Tòa dùng nước thơm rưới vảy đất, rải mọi hoa tươi đẹp, an trí nơi chốn, dựng bày tòa của bốn Thiên Vương. Con cùng với vị vua ấy cùng nghe Chính Pháp, hết thảy căn lành tự lợi của vị vua ấy cũng đem phần Phước cúng thí cho chúng con

Bạch Đức Thế Tôn! Vị Nhân Vương ấy thỉnh người thuyết Pháp, khi lên trên Tòa, liền vì chúng con đốt mọi hương thơm tốt cúng dường Kinh này 

Thế Tôn! Khi khói hương ấy ở khoảng một niệm, bay lên hư không liền đến cung điện của chúng con với chư Thiên. Ở trong hư không biến thành cái lọng hương, Thiên Chúng chúng con ngửi mùi hương màu nhiệm ấy, Hương có ánh sáng vàng ròng chiếu sáng cung điện mà chúng con cư ngụ, cho đến nơi cư trú của Phạm Thiên (Brahma) cùng với Đế Thích (Indra), Đại Biện Tài Thiên (Sarasvatī), Đại Cát Tường Thiên (Mahā-śrī-devī), Kiên Lao Địa Thần (Dṛḍha-pṛthivī), Chính Liễu Tri Đại Tướng (Saṃjñeya), các Dược Xoa Thần của hai mươi tám Bộ, Đại Tự Tại Thiên (Maheśvara), Kim Cương Mật Chủ (Vajra-guhyādhipati), Bảo Hiền Đại Tướng (Maṇi-bhadra), năm trăm quyến thuộc của Ha Lợi Để Mẫu (Hārīti), Vô Nhiệt Não Trì Long Vương (Anavatapta-nāgarāja), Đại Hải Long Vương (Mahā-sāgara-nāgarāja)

Thế Tôn! Nhóm chúng như vậy ở cung điện của mình, thấy khói hương ấy trong khoảng một sát na biến thành cái lọng hương, ngửi mùi hương thơm phức, nhìn ánh sáng màu sắc, đến khắp tất cả cung của các Thiên Thần”

 

Đức Phật bảo bốn Thiên Vương: “Ánh sáng của hương đó chẳng phải chỉ đến cung điện này, biến thành thành cái lọng hương phóng ánh sáng lớn. Do khi vị Nhân Vương kia tay bưng lò hương, đốt mọi hương thơm tốt cúng dường Kinh thời hơi khói hương ấy ở khoảng một niệm đến khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, trăm ngàn mặt trời mặt trăng, trăm ức Diệu Cao Sơn Vương, trăm ức bốn châu. Ở ba ngàn Đại Thiên Thế Giới này: tất cả cung điện của Trời, Rồng, Dược Xoa, Kiện Thát Bà, A Tô La, Yết Lộ Trà, Khẩn Na La, Mạc Hô La Già… trụ tràn đầy ở trong không trung, mọi loại khói hương biến thành cái lọng mây. Cái lọng ấy màu vàng ròng chiếu khắp cung Trời. Như vậy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới: hết thảy mọi loại, mây hương, lọng hương đều là sức uy thần của Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương. Khi các Nhân Vương đó tay bưng lò hương thời mọi loại hơi thơm chẳng phải chỉ đến ba ngàn Đại Thiên Thế Giới này, ở khoảng một niệm cũng tràn khắp vô lượng vô biên hằng hà sa đẳng trăm ngàn vạn ức cõi nước của chư Phật ở mười phương. Trong hư không ở trên chư Phật biến thành cái lọng hương tỏa sánh sáng vàng ròng soi chiếu khắp cũng lại như vậy. 

Khi chư Phật ấy ngửi thấy hương màu nhiệm này, nhìn cái lọng mây với màu vàng ròng này, thời hằng ha sa đẳng chư Phật Thế Tôn ở mười phương giới hiện Thần Biến xong. Các Thế Tôn ấy đều cùng nhau quán sát, khác miệng đồng âm khen vị Pháp Sư rằng: “Lành thay! Lành thay Đại Trượng Phu! Ông hay rộng lưu bày Kinh Điển vi diệu thâm sâu như vậy, tức làm thành tựu vô lượng vô biên nhóm Phước Đức chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có người lắng nghe Kinh như vậy thì Công Đức đạt được có số lượng rất nhiều huống chi là viết chép, thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn bày, như Thuyết tu hành. Tại sao Thế? Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh nghe Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này tức đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề chẳng thoái lùi nữa”. 

 

Khi ấy, Mười phương có trăm ngàn câu chi na dữu đa vô lượng vô số hằng hà sa đẳng cõi nước của chư Phật. Tất cả Như Lai ở các cõi nước ấy, khác miệng đồng âm, ở trên Pháp Tòa khen vị Pháp Sư kia rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Ông ở đời sau, do sức tinh cần, sẽ tu vô lượng trăm ngàn Khổ Hạnh (Duṣkara-caryā), đầy đủ tư lương (Sambhāra) vượt hơn các Thánh Chúng, vượt qua ba cõi làm Tối Thắng Tôn, sẽ ngồi dưới cây vua Bồ Đề thù thắng trang nghiêm, hay cứu chúng sinh có duyên trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, khéo hay tồi phục các quân chúng Ma có hình dạng đáng sợ, hiểu thấu các Pháp, Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề tối thắng thanh tịnh thâm sâu. Thiện Nam Tử! Ông sẽ ngồi ở tòa Kim Cương, chuyển bánh xe Pháp mười hai Diệu Hành thâm sâu mà chư Phật vô thượng đã khen ngợi, hay đáng trống Pháp vô thượng cực lớn, hay thổi loa Pháp vô thượng cực mầu nhiệm, hay dựng phướng Pháp vô thượng thù thắng, hay thắp đuốc Pháp vô thượng cực sáng, hay tuôn mưa Pháp Cam Lộ vô thượng, hay chặt đứt phiền não oán khết, hay khiến cho vô lượng trăm ngàn vạn ức na dữu đa hữu tình vượt qua biển lớn đáng sợ không có bờ mé, giải thoát luân hồi sinh tử không có bờ mé, gặp thẳng vô lượng trăm ngàn vạn ức na dữu đa Phật”

 

Bấy giờ, bốn Thiên Vương lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này hay ở vị lai, hiện tại thành tựu vô lượng Công Đức như vậy. Thế nên, Nhân Vương nếu được nghe Kinh Điển vi diệu này, tức là đã ở chỗ của trăm ngàn vạn ức vô lượng Phật gieo trồng các căn lành. Đối với Nhân Vương ấy, con sẽ hộ niệm. Lại thấy vô lượng Phước Đức, lợi ích cho nên bốn Thiên Vương chúng con với quyến thuộc khác, vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Thần ở cung điện của mình, khi nhìn thấy mọi loại Thần Biến của khói hương, lọng mây thời con sẽ ẩn che, chẳng hiện thân ấy. Vì nghe Pháp cho nên sẽ đến nơi giảng Pháp đã được nghiêm sức thanh tịnh tại cung điện của vị vua đó. Như vậy cho đến Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích (Indra), Đại Biện Tài Thiên (Sarasvatī), Đại Cát Tường Thiên (Mahā-śrī-devī), Kiên Lao Địa Thần (Dṛḍha-pṛthivī), Chính Liễu Tri Thần Đại Tướng (Saṃjñeya), Các Dược Xoa Thần của hai mươi tám Bộ, Đại Tự Tại Thiên (Maheśvara), Kim Cương Mật Chủ (Vajra-guhyādhipati), Bảo Hiền Đại Tướng (Maṇi-bhadra), năm trăm quyến thuộc của Ha Lợi Để Mẫu (Hārīti), Vô Nhiệt Não Trì Long Vương (Anavatapta-nāgarāja), Đại Hải Long Vương (Mahā-sāgara-nāgarāja)… nhóm Chúng như vậy vì nghe Pháp cho nên đều chẳng hiện thân, đến nơi thuyết Pháp ở tòa cao trang nghiêm tại cung điện thù thắng của Nhân Vương ấy

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con với quyến thuộc khác, Dược Xoa, chư Thần đều sẽ một lòng cùng với vị Nhân Vương ấy làm Thiện Tri Thức. Nhân vào Thí Chủ (Dāna-pati) Đại Pháp vô thượng này, dùng vị Cam Lộ đầy đủ nơi con. Thế nên chúng con ủng hộ vị vua đó trừ bỏ suy hoạn khiến được an ổn với cung điện., thành ấp, cõi nước của vị vua ấy thảy đều khiến tiêu diệt các tai biến ác”

 

Lúc đó, bốn Thiên Vương đều cùng chắp tay bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có Nhân Vương ở cõi nước ấy, tuy có Kinh nhưng chưa thường lưu bày, sinh Tâm buông lìa, chẳng ưa thích nghe, cũng chẳng cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Thấy bốn Bộ Chúng, người trì Kinh  lại cũng chẳng hay tôn trọng, cúng dường… Cho nên khiến chúng con với quyến thuộc khác, vô lượng chư Thiên chẳng được nghe Pháp màu nhiệm thâm sâu này, bỏ mất vị Cam Lộ, đánh mất dòng Chính Pháp, không có uy quang cùng với thế lực, tăng trưởng nẻo ác, tổn giảm người Trời, rơi vào con sông sinh tử, trái nghịch với đường Niết Bàn.

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con kèm với các quyến thuộc, các hàng Dược Xoa thấy việc như thế thì buông bỏ cõi nước ấy, không có Tâm ủng hộ. Chẳng phải chỉ có chúng con vứt bỏ vị vua này, cũng có vô lượng các Đại Thiện Thần thủ hộ cõi nước thảy đều bỏ đi. Đả buông lìa xong thì nước ấy sẽ có mọi loại tai họa, địa vị của nước mất đi, tất cả mọi người đều không có Tâm thiện, chỉ có sự trói buộc, giết hại, giận dữ tranh đoạt, nói xấu lừa dối lẫn nhau, với người không có tội bị xử oan ức, bệnh dịch lưu hành, sao chổi (Tuệ Tinh) hiện ra, hai mặt trời cùng hiện, nhật thực nguyệt thực không có bình thường, hai cầu vồng đen trắng biểu thị cho tướng chẳng lành, sao rơi, động đất, trong giếng phát ra tiếng, mưa mạnh bạo gió ác chẳng y theo thời tiết, thường gặp đói kém mất mùa, mầm non quả trái chẳng thành, có nhiều oán tặc ở phương khác xâm lược, người dân trong nước chịu các khổ não, đất nước không có nơi nào có thể an vui 

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con cùng với vô lượng trăm ngàn Thiên Thần và các Thiện Thần xưa kia hộ giúp đất nước… khi bỏ đi xa thời sinh ra vô lượng trăm ngàn việc ác, tai quái như vậy

Thế Tôn! Nếu có Nhân Vương muốn giữ gìn cõi nước, thường thọ nhận khoái lạc, muốn khiến cho chúng sinh đều được an ổn, muốn được tồi phục tất cả kẻ địch bên ngoài, ở đất nước của mình vĩnh viễn được hưng thịnh, muốn khiến cho Chính Pháp lưu bày ở Thế Gian, đều trừ diệt Pháp ác, khổ não.

Thế Tôn! Các Quốc Chủ đó đều nên nghe nhận Kinh Vương màu nhiệm này, cũng nên cung kính, cúng dường,  đọc tụng, thọ trì Kinh thời chúng con với vô lượng Thiên Chúng khác do uy lực của căn lành nghe Pháp đấy, được uống vị Pháp Cam Lộ vô thượng, tăng ích cho hết thảy quyến thuộc của chúng con với các Thiên Thần khác đều được lợi ích thù thắng. Tại sao thế? Do Nhân Vương đó chí Tâm nghe nhận Kinh Điển này.

Thế Tôn! Như Đại Phạm Thiên đối với các hữu tình thường vì họ tuyên nói Luận (Śāstra) Thế (Loka) Xuất Thế (Lokottara). Đế Thích lại nói mọi loại các Luận (Śāstra). Ngũ Thông Tiên cũng nói các Luận

Thế Tôn! Phạm Thiên, Đế Thích, Ngũ Thông Tiên Nhân tuy có trăm ngàn câu chi na dữu đa các Luận. Nhưng Đức Phật Thế Tôn Từ Bi thương xót vì chúng Người, Trời nói Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu. Đem so với điều đã nói lúc trước thì hơn hẳn điều ấy gấp trăm ngàn câu chi na dữu đa lần, chẳng thể ví dụ. Tại sao thế? Do điều này hay khiến cho hết thảy hàng vua chúa ở các Thiệm Bộ Châu dùng Chính Pháp cảm hóa Thế Gian, hay cho chúng sinh việc an vui, hộ giúp cho thân của mình với các quyến thuộc khiến cho không có khổ não. Lại không có oán tặc phương khác xâm hại, hết thảy các ác thảy đều đi xa, cũng khiến cho đất nước trừ khử được tai ách, dùng Chính Pháp giáo hóa không có tranh đấu kiện tụng. Bởi thế, Nhân Vương đều ở các cõi nước nên thắp cây đuốc Pháp chiếu sáng vô biên, tăng ích cho Thiên Chúng với các quyến thuộc.

Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con, vô lượng Thiên Thần, chúng Dược Xoa, hết thảy Thiên Thần trong Thiệm Bộ Châu… do nhân duyên này được uống vị Pháp Cam Lộ vô thượng, được đại uy đức, thế lực, ánh sáng không có gì chẳng đầy đủ, tất cả chúng sinh đều được an ổn. Lại ở đời sau: trong trăm ngàn chẳng thể nghĩ bàn na dữu đa kiếp thường thọ nhận khoái lạc, lại được gặp thẳng vô lượng chư Phật, gieo trồng các căn lành, sau đó chứng được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Vô lượng vô biên thắng lợi như vậy đều là Đức Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác dùng Đại Từ Bi hơn hẳn các Phạm Chúng, dùng Đại Trí Tuệ dạo nơi Đế Thích, tu các Khổ Hạnh hơn hẳn Ngũ Thông Tiên… gấp trăm ngàn vạn ức na dữu đa lần chẳng thể xưng tính. Vì các chúng sinh diễn nói Kinh Điển vi diệu như vậy, khiến cho tất cả quốc chủ với các nhân chúng trong Thiệm Bộ Châu hiểu rõ hết thảy Pháp Thức của Thế Gian, trị quốc, cảm hóa người, khuyên làm việc Đạo.

Do sức lưu thông của Kinh Vương này, cho nên khắp nơi được an vui. Nhóm Phước Lợi này đều là sức Từ Bi của Đức Thích Ca Đại Sư đối với Kinh Điển này rộng bày lưu thông

Thế Tôn! Do Nhân Duyên này, các hàng Nhân Vương đều nên thọ trì, cung kính, cúng dường, khen ngợi Kinh Vương màu nhiệm này. Tại sao thế? Do Công Đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn của nhóm như vậy lợi ích cho tất cả. Thế nên gọi là Tối Thắng Kinh Vương

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo bốn Thiên Vương: “Bốn Thiên Vương các ông với quyến thuộc khác, vô lượng trăm ngàn câu chi na dữu đa chư Thiên, Đại Chúng… thấy vị Nhân Vương ấy, nếu hay chí Tâm lắng nghe Kinh Điển này, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi… thì cần phải ủng hộ trừ suy hoạn cho vị ấy, ắt hay khiến cho các ông cũng thọ nhận an vui. Nếu bốn Bộ Chúng hay rộng lưu bày Kinh Vương này, ở trong người Trời rộng làm Phật Sự, hay lợi ích khắp cho vô lượng chúng sinh. Người như vậy thời bốn Thiên Vương các ông thường nên ủng hộ. Bốn Chúng như vậy, đừng khiến cho duyên khác cùng nhau xâm nhiễu, khiến cho thân tâm của người ấy được vắng lặng, an vui. Đối với Kinh Vương này, rộng tuyên lưu bày khiến cho chẳng đoạn tuyệt, lợi ích cho hữu tình tận bờ mé vị lai”

Khi ấy, Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravaṇa) từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con có Pháp Như Ý Bảo Châu Đà La Ni. Nếu có chúng sinh ưa thích thọ trì thì Công Đức vô lượng, con thường ủng hộ khiến cho chúng sinh ấy lìa khổ được vui, hay thành hai loại tư lương Phước (Puṇya) Trí (Jñāna). Người muốn thọ trì, trước tiên nên tụng Chú Hộ Thân này.

Liền nói Chú là:

Nam mô bệ thất la mạt noa dã, mạc ha hạt la xà dã. Đát điệt tha: la la la la, củ nộ củ nộ, khu nộ khu nộ, lâu nộ lâu nộ, táp phộc táp phộc, yết la yết la, mạc ha tỳ yết lạt ma, mạc ha tỳ yết lạt ma, mạc ha hạt la xã, hạt lạc xoa, hạt lạc xoa, đổ mạn (tự xưng tên của mình) tát bà tát đỏa nan giả, toa ha

*) NAMO  VAIŚRAVAṆĀYA  MAHĀ-RĀJĀYA

TADYATHĀ: RARA  RARA, KUṆU  KUṆU, KHUṆU  KHUṆU, LŪṆU  LŪṆU, SAPA  SAPA, KARA  KARA, MAHĀ-VIKRAMA  MAHĀ-VIKRAMA, MAHĀ-RĀJĀYA, RAKṢA  RAKṢA TUMAṂ  (…) SARVA-SATVĀNĀṂCA  SVĀHĀ 

Thế Tôn! Người tụng Chú này nên dùng sợi dây trắng, Chú vào bảy biến, một biến thắt một gút rồi cột buộc sau khuỷu tay. Việc ấy thành xong, nên lấy các thứ hương là: An Tức (Guggulu, hay Gulguru), Chiên Đàn (Candana), Long Não (Karpūra), Tô Hợp (Turuṣka), Đa Yết La (Tagaraka), Huân Lục (Kundurnka) đều chia phần bằng nhau hòa hợp một chỗ. Tay bưng lò hương, đốt hương cúng dường, tắm gội sạch sẽ, mặc áo sạch mới, ở trong một Tịnh Thất có thể tụng Thần Chú thỉnh con Bệ Thất La Mạt Noa Thiên Vương (Vaiśravaṇa)

Liền nói Chú là:

Nam mô bệ thất la mạt noa dã. Nam mô đàn na đà dã, đàn nê thuyết la dã, a yết xả, a bát lại nhĩ đá, đàn nê thuyết la, bát la ma ca lưu ni ca, tát bà tát đỏa, hứ đá, chấn đá, ma ma (dùng tên gọi…) đàn na mạt nô bát lạt duệ xả, toái diêm ma yết xả, toa ha  

*)NAMO  VAIŚRAVĀṆĀYA

NAMO  DHANADĀYA  DHANEŚVARĀYA

ĀKARṢA  APARAMITA  DHANEŚVARA  PARAMA-KĀRUṆĪKA  SARVA-SATVA  HĪTA  CITTA  MAMA (…)  DHANA  MANU-PRAYACCHA  SVAYAM  ĀKARṢA  SVĀHĀ

Chú này, tụng đủ bảy biến xong, tiếp theo tụng Bản Chú. Khi muốn tụng Chú thời trước tiên nên xưng tên, kính lễ Tam Bảo với Bệ Thất La Mạt Noa Thiên Vương. Hay bố thí tài vật khiến cho đầy đủ nguyện mà các chúng sinh đã mong cầu, đều hay thành tựu cho họ an vui. Như vậy lễ xong, tiếp theo tụng Như Ý Ma Ni Bảo Tâm Thần Chú của Bệ Thất La Mạt Noa Thiên Vương hay ban cho chúng sinh tùy theo ý an vui”.  

Lúc đó, Đa Văn Thiên Vương liền ở trước mặt Đức Phật nói Như Ý Mạt Ni Bảo Tâm Chú là:

Nam mô hạt lạt đát na, đát lạt dạ dã. Nam mô bệ thất la mạt noa dã, mạc ha la xà dã. Đát điệt tha: tứ  nhĩ tứ nhĩ, tô mẫu tô mẫu, chiên trà  chiên trà, chiết la chiết la, tát la tát la, yết la  yết la, chỉ lý chỉ lý, củ lỗ củ lỗ, mẫu lỗ mẫu lỗ, chủ lỗ chủ lỗ, sa đại dã, ngạch tham (Tên tôi là….) nật điếm, át tha, đạt đạt đổ toa ha. Nam mô bệ thất la mạt noa dã, toa ha. Đàn na đà dã, toa ha. Mạn nô lạt tha, bát lợi bô lạt ca dã, toa ha

*) NAMO  RATNA-TRAYĀYA

NAMO  VAIŚRAVAṆĀYA  MAHĀ-RĀJĀYA

TADYATHĀ: SIDDHI  SIDDHI, SUMU  SUMU, CAṆḌA  CAṆḌA, CARA  CARA, SARA  SARA, KARA  KARA, KIRI  KIRI, KURU  KURU, MURU  MURU, CURU  CURU, SĀDHAYA  ĀTMĀNĀṂ (…) NITYAM-ARTHA  DHĀTVA  SVĀHĀ

NAMO  VAIŚRAVAṆĀYA  SVĀHĀ

DHANADĀYA  SVĀHĀ

MANORATHA  PARIPŪRAKĀYA  SVĀHĀ

Khi trì Chú này thời trước tiên tụng một ngàn biến, sau đó ở trong Tịnh Thất dùng Cồ Na (Gomayī: phân bò) xoa tô mặt đất, làm cái Đàn Trường nhỏ, tùy theo thời ăn uống, một lòng cúng dường, thường đốt hương thơm tốt khiến cho khói chẳng dứt, tụng Tâm Chú lúc trước, ngày đêm cột buộc Tâm, chỉ lỗ tai của mình nghe, đừng khiến cho người khác hiểu.

Thời có con vua Bệ Thất La Mạt Noa tên là Thiền Nị Sư (?Śaṇḍika) hiện hình Đồng Tử (Kumāra) đi đến chỗ của người  ấy hỏi rằng: “Cần điều gì mà hô gọi cha của Ta?” Liền có thể nói: “Tôi vì cúng dường việc của Tam Bảo nên cần tài vật. Nguyện hãy ban cho”  

Khi Thiền Nị Sư nghe lời nói này xong, liền quay về chỗ của cha, bạch với cha rằng: “Nay có Thiện Nhân phát Tâm chí thành cúng dường Tam Bảo, vì thiếu thốn tài vật nên làm Thỉnh Triệu này”

Người cha (tức Đa Văn Thiên Vương) ấy bảo rằng: “Ngươi có thể mau chóng, một ngày cho kẻ ấy một trăm Ca Lợi Sa Ba Noa (Kārṣāpaṇa. Đây là Phạn Âm căn bản, còn gọi là Bối Xỉ nên tùy theo phương chẳng nhất định. Hoặc là Bối Xỉ hoặc là nhóm tiền: vàng, bạc, đồng, sắt. Nhưng hiện nay Ma Yết Đà (Magadha) thông dụng một Ca Lợi Sa Ba Noa có 1600 Bối Xỉ, tổng số có thể dựa theo mà biết, Nếu dựa theo giá trị của vật thì tùy theo nơi chốn chẳng nhất định. Nếu người trì Chú được thành tựu, khi được vật thời tự biết số ấy. Có bản nói rằng: mỗi ngày ban cho 100 Trần Na La tức tiền vàng vậy, cho đến suốt đời, ngày ngày thường được. Người ở phương Tây cầu xin, phần lớn có Thần Nghiệm, trừ kẻ chẳng chí Tâm)

Người trì Chú ấy thấy tướng đó xong thì biết việc được thành, cần phải ở một mình trong Tịnh Thất, đốt hương rồi nằm, có thể ở bên giường để một hộp hương, mỗi lần đến sáng sớm, nhìn vào trong cái hộp ấy sẽ được vật đã mong cầu. Mỗi khi được vật thời ngay trong ngày liền nên cúng dường Tam Bảo, hương hoa, thức ăn uống kèm với cho người nghèo túng, đều khiến cho sạch hết, chẳng được lưu giữ. Đối với các hữu tình khởi niệm Từ Bi, đừng sinh Tâm giận dữ, lừa dối, gây hại, Nếu dấy lên giận dữ liền mất Thần Nghiệm, thường có thể hộ giữ Tâm đứng khiến cho giận dữ.

Lại có người trì Chú, ở trong mỗi ngày thường nhớ đến Ta, Đa Văn Thiên Vương với nam nữ quyến thuộc, xưng dương khen ngợi. Luôn dùng mười Thiện cùng nhau tương trợ, khiến cho Phước Lực của hàng Trời ấy tăng thêm sáng tỏ đến khắp mọi Thiện, chứng nơi Bồ Đề. Các Thiên Chúng ấy thấy việc này xong đều rất vui vẻ, cùng nhau đi đến giúp dỡ bảo vệ người trì Chú.

Lại người trì Chú được thọ mạng lâu dài, trải qua vô lượng tuổi, lìa hẳn ba đường ác (tam đồ), thường không có tai ách. Cũng khiến cho được viên ngọc báu Như Ý (Cintā-maṇi) cùng với Phục Tàng (kho tàng bị che lấp), Thần Thông tự tại, điều cầu nguyện đều thành. Nếu cầu vinh dự, quan tước (quan vinh) thì không có gì chẳng xứng ý, cũng hiểu ngôn ngữ của tất cả cầm thú.

Thế Tôn! Nếu khi trì Chú, muốn được thấy con (Đa Văn Thiên Vương) tự hiện thân thời có thể ở ngày 8 hoặc ngày 14 của tháng, vẽ hình tượng Phật ở trên vải lụa trắng, nên dùng nhựa cây, mọi màu sắc tô điểm. Người vẽ Tượng ấy thọ nhận tám Giới. Ở bên trái Đức Phật vẽ tượng Cát Tường Thiên Nữ (Śrī-devī). Ở bên Phải Đức Phật vẽ con, tượng Đa Văn Thiên kẻm vẽ loại nam nữ quyến thuộc, an trí chỗ ngồi đều khiến như Pháp, xếp bày hoa màu, đốt mọi hương thơm tốt, thắp đèn sáng liên tục, ngày đêm không tắt. Bày thức ăn thượng diệu, mọi thứ trân kỳ, phát Tâm ân trọng, tùy theo thời cúng dường, thọ trì Thần Chú, Tâm chẳng được khinh suất.

Khi thỉnh triệu con thời nên tụng Chú này:

Nam mô thất lợi kiện na dã, bột đà dã. Nam mô bệ thất la mạt noa dã, dược xoa la xà dã, mạc ha la xà, a địa la xà dã. Nam ma thất lợi gia duệ, mạc ha đề tệ duệ. Đát điệt tha:  đát la đát la, đốt lỗ đốt lỗ, mạt la mạt la, tể suất thổ, tể suất thổ, hán na hán na, mạt ni, yết nặc ca, bạt chiết la, bệ lưu ly dã, mục để la lăng cật lật đá, thiết lợi la duệ bồ, tát bà tát đỏa, hứ đá, ca ma, bệ thất la mạt noa, thất lợi dạ đề tỳ, bạt lạp bà dã, y hứ y hứ, ma tỳ lam bà, cồ lật noa cồ lật noa, vị lạt sa, vị lạt sa, đạt đà hứ, ma ma, a mục ca na mạt tả (tự xưng tên của mình) viễn lý thiết na, ca mạt tả, đạt lý thiết nam, ma ma, mạt na, bát lạt hạt la đại dã, toa ha

*)NAMO  ŚRĪ-GAṆĀYA-BUDDHĀYA

NAMO  VAIŚRVAVAṆĀYA- YAKṢA-RĀJĀYA  MAHĀ-RĀJĀ  ADHIRĀJĀYA

NAMAḤ  ŚRĪYA-DEVYE 

TADYATHĀ: TĀRA  TĀRA, TURU  TURU, BALA  BALA, SUSIDDHI  SUSIDDHI, MAṆI, KANAKA, VAJRA, VAIḌŪRYA, MUKTIKA, ALAṂKṚTA, ŚARĪRAYE  BHŪḤ, SARVA-SATVA  HĪTA  KĀMA  VAIŚRAVAṆA  ŚRĪYA-DEVĪ  PRABHĀYA  EHYEHI  MAVILAMBA,  GṚHṆA  GṚHṆA, VIRASA  VIRASA, DĀDĀ  HI  MAMA, AMOGHA-NĀMAṢYA (…) DARŚANA  KĀMAṢYA, DARŚANĀṂ  MAMA-MĀNA, PRAKRADĀYA  SVĀHĀ

Thế Tôn! Nếu con thấy người tụng Chú này, lại thấy cúng dường đầy đủ như vậy, tức sinh Tâm Từ Ái vui vẻ. Con liền biến thân làm hình đứa trẻ, hoặc người già, vị Bật Sô (Bhikṣu: Tỳ Kheo) tay cầm viên ngọc báu Ma Ni kèm cầu cái túi vàng đi vào trong Đạo Trường, thân hiện cung kính, miệng xưng tên Phật, bảo người trì Chú: “Tùy theo ngươi đã mong cầu, đều khiến như Nguyện. Hoặc ẩn ở rừng, đầm. Hoặc làm viên ngọc báu, hoặc muốn mọi người yêu chuộng, Hoặc cầu nhóm vật vàng bạc. Muốn trì các Chú đều khiến có hiệu nghiệm. Hoặc muốn Thần Thông, thọ mạng lâu dài với niềm vui thắng diệu thì không có gì chẳng xứng Tâm”.

Nay con lại nói việc như vậy. Nếu cầu điều khác thì tùy theo ước nguyện đều được thành tựu, Kho báu không tận, Công Đức không cùng. Giả sử mặt trời mặt trăng rơi xuống đất, hoặc có thể Đại Địa có lúc di chuyển. Lời chân thật này của con, cuối cùng chẳng hư dối, thường được an ổn, tùy theo Tâm khoái lạc.

Thế Tôn! Nếu có người hay thọ trì, đọc tụng Kinh Vương này, khi tụng Chú thời chẳng lao nhọc mà Pháp mau thành tựu.

Thế Tôn! Nay con vì chúng sinh nghèo túng, khốn ách, khổ não nói Thần Chú này khiến được lợi lớn, đều được giàu có vui sướng tự tại không có tai vạ, cho đến suốt đời, con sẽ ủng hộ, đi theo người này để trừ tai ách, cũng lại khiến cho người trì Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này lưu thông, với người trì Chú ở bên trong một trăm bước, ánh sáng chiếu soi. Hết thảy chư Thiên, Dược Xoa Thần của con cũng thường hộ vệ, tùy muốn sai khiến, không có gì chẳng toại Tâm. Con nói lời chân thật không có hư dối, chỉ có Đức Phật chứng biết”  

 

Khi Đa Văn Thiên Vương nói Chú này xong thì Đức Phật bảo: “Lành thay Thiên Vương! Ông hay xé rách lưới khổ đau, nghèo túng của tất cả chúng sinh khiến được giàu có vui sướng, Lại khiến cho Kinh này lưu hành rộng ờ đời”

Thời bốn Thiên Vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở một bên vai, đỉnh lễ hai bàn chân của Đức Phật, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, dùng Diệu Già Tha, khen Công Đức của Phật:

 “Mặt Phật như trăng tròn thanh tịnh

Như ngàn mặt trời phóng ánh sáng

Mắt trong dài rộng như sen xanh

Răng trắng khít đều giống Kha Tuyết

Công Đức của Phật như biển lớn

Trong ấy chứa vô lượng Diệu Bảo

Luôn đầy nước Công Đức, Trí Tuệ

Trăm ngàn Thắng Định đều tràn đầy

Dưới chân: tướng bánh xe nghiêm sức

Đùm, vành, ngàn căm đều ngang bằng

Trai chân màng mỏng trang nghiêm khắp

Giống như ngỗng chúa (nga vương) đầy đủ tướng

Thân Phật tỏa sáng như núi vàng

Thanh tịnh thù đặc không gì sánh

Cũng như Diệu Cao (Sumeu: núi Tu Di) đủ Công Đức

Nên con cúi lạy Phật Sơn Vương

Tướng tốt như hư không khó lường

Dạo nơi Thiên Nguyệt (một ngàn mặt trăng) phóng ánh sáng

Đều như lửa huyễn khó nghĩ bàn

Nên con cúi lạy Tâm Vô Trước

 

Khi bốn Thiên Vương khen ngợi Đức Phật xong, thì Đức Phật cũng dùng Già Tha (Gāthā: Kệ Tụng) trả lời rằng:

“Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng này

Nơi Vô Thượng Thập Lực (tức Đức Phật) đã nói

Bốn vua các ông thường ủng hộ

Nên sinh Tâm dũng mãnh chẳng lui

_Báu Diệu Kinh này rất thâm sâu

Hay ban vui cho các hữu tình

Do hữu tình ấy an vui nên

Thường được lưu thông Thiệm Bộ Châu

_Ở trong Đại Thiên Thế Giới này

Hết thảy tất cả loài hữu tình

Quỷ đói, Bàng Sinh với Địa Ngục

Nẻo khổ như vậy thảy đều trừ

_Các quốc vương trụ Nam Châu (Nam Thiệm Bộ Châu) này

Với tất cả loài hữu tình khác

Do uy lực Kinh thường vui vẻ

Đều nương ủng hộ được an ninh

_Cũng khiến các hữu tình trong đây

Trừ mọi bệnh khổ, không trộm cướp

Nhờ cõi nước này rộng truyền Kinh

An ổn, giàu vui không phiền não

_Nếu người nghe nhận Kinh Vương này

Muốn cầu tôn quý với tài lợi

Cõi nước giàu vui, không tranh đấu

Tùy Tâm ước nguyện thảy đều theo

_Hay khiến giặc phương khác lui tan

Ở đất nước mình thường an ổn

Do sức Tối Thắng Kinh Vương này

Lìa các khổ não, không lo sợ

_Như cây vua báu (Bảo Thụ Vương) ngay trong nhà

Hay sinh tất cả vật vui thích

Tối Thắng Kinh Vương cũng như thế

Hay cho Nhân Vương Thắng Công Đức

_Ví như nước trong mát lắng sạch

Hay trừ các nóng bức đói khát

Tối Thắng Kinh Vương cũng như thế

Khiến đầy đủ Tâm người thích Phước

_Như nhà người có hộp Diệu Bảo

Tùy chỗ thọ dùng, đều theo Tâm

Tối Thắng Kinh Vương cũng như thế

Phước Đức tùy Tâm, không chỗ thiếu

_Các ông: Thiên Chủ với Thiên Chúng

Cần phải cúng dường Kinh Vương này

Nếu hay y Giáo phụng trì Kinh

Trí Tuệ, uy thần đều đầy đủ

_Hiện Pháp (Pháp hiện tại), tất cả Phật mười phương

Đều cùng hộ niệm Kinh Vương này

Thấy có đọc tụng với thọ trì

Khen ngợi: “Lành thay! Thật hiếm có!”

_Nếu có người hay nghe Kinh này

Thân Tâm hớn hờ sinh vui vẻ

Thường có trăm ngàn chúng Dược Xoa

Tùy theo chỗ ở, giúp người này

_Ở Thế Giới này, các Thiên Chúng

Số ấy vô lượng khó nghĩ bàn

Đều cùng nghe nhận Kinh Vương này

Vui vẻ thọ trì không thoái chuyển

_Nếu người nghe nhận Kinh Vương này

Uy Đức dũng mãnh, thường tự tại

Tăng ích tất cả chúng người, Trời

Khiến lìa suy não, tăng ánh sáng”

Lúc đó, bốn Thiên Vương nghe Tụng này xong thì vui mừng hớn hở, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Từ xưa đến nay, con chưa từng được nghe Pháp vi diệu thâm sâu như vậy, Tâm sinh vui buồn lẫn lộn, nước mắt nước mũi tuôn chảy, tòa thân run rẩy, chứng việc hiếm có khó nghĩ bàṅ”

Đem hoa Man Đa La, hoa Ma Ha Mạn Đa La của cõi Trời rải tán lên trên Đức Phật, làm thù thắng này cúng dường Đức Phật xong, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con đều có năm trăm Dược Xoa quyến thuộc, thường sẽ ở mỗi một nơi ủng hộ Kinh Này với vị Thầy nói Pháp. Dùng ánh sáng của Trí để hỗ trợ bảo vệ. Như đối với hết thảy nghĩa câu của Kinh này có chỗ quên mất thì con đều khiến cho người ấy nhớ nghĩ chẳng quên kèm với Pháp Môn thù thắng của Đà La Ni khiến cho được đầy đủ. Lại muốn khiến cho Tối Thắng Kinh Vương này  tại nơi cư trú, vì các chúng sinh rộng tuyên lưu bày, chẳng mau chóng ẩn mất”.

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trong Đại Chúng nói Pháp này thời vô lượng chúng sinh đều được Đại Trí, thông duệ biện tài. Nhiếp nhận vô lượng nhóm Phước Đức, lìa các lo lắng bực bội, khéo hiểu rõ mọi Luận, bước lên con đường xuất ly, lại chẳng thoái lùi, mau chứng Bồ Đề.

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ SÁU (Hết)_

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ BẢY_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

VÔ NHIỄM TRƯỚC ĐÀ LA NI

_PHẨM THỨ MƯỜI BA_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Cụ Thọ Xá Lợi Tử (Śāriputra): “Nay có Pháp Môn tên là Vô Nhiễm Trước Đà La Ni, là Pháp mà các Bồ Tát đã tu hành, nơi mà Bồ Tát quá khứ đã thọ trì, là mẹ của Bồ Tát”   

Nói lời này xong, Cụ Thọ Xá Lợi Tử bạc Phật rằng: “Thế Tôn! Đà La Ni (Dhāraṇī) là nghĩa của câu nào? Thế Tôn! Đà La Ni chẳng phải là phương xứ (địa phương, nơi chốn), chẳng phải chẳng phải là phương xứ”

Nói lời này xong. Đức Phật bảo Xá Lợi Tử: “Lành thay! Lành thay Xá Lợi Tử! Ông đối với Đại Thừa đã hay phát khởi, tin hiểu Đại Thừa, tôn trọng Đại Thừa. Như ông đã nói Đà La Ni chẳng phải là phương xứ, chẳng phải chẳng phải là phương xứ; chẳng phải là Pháp, chẳng phải chẳng phải là Pháp; chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là vị lai, chẳng phải là hiện tại, chẳng phải là sự việc, chẳng phải chẳng phải là sự việc, chẳng phải là Duyên, chẳng phải chẳng phải là Duyên; chẳng phải là Hành, chẳng phải chẳng phải là Hành; không có Pháp sinh cũng không có Pháp diệt. Song, vì lợi ích các Bồ Tát cho nên nói như vậy. Nơi Đà La Ni này an lập công dụng, Chính Đạo, Lý Thú, thế lực tức là Công Đức của chư Phật, Cầm Giới của chư Phật, Sở Học của chư Phật, ý kín đáo của chư Phật, nơi sinh của chư Phật. Cho nên  gọi là Vô Nhiễm Trước Đà La Ni, Pháp Môn tối diệu”

Nói lời này xong. Xá Lợi Tử bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nguyện xin đấng Thiện Thệ (Sugata) vì con nói Pháp Đà La Ni này. Nếu các Bồ Tát hay an trụ, đối với Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi) chẳng thoái lùi nữa, thành tựu Chính Nguyện, được Vô Sở Y (chẳng nương dựa vào sự lợi dưỡng cung kính), Tự Tính biện tài, được việc hiếm có, an trụ Thánh Đạo (Ārya-mārga) đều do được Đà La Ni này”

Đức Phật bảo Xá Lợi Tử: “Lành thay! Lành thay! Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như ông đã nói, nếu có Bồ Tát được Đà La Ni này thì nên biết người này cùng với Đức Phật không có khác nhau. Nếu có cúng dường, tôn trọng, thừa sự, cung cấp cho Bồ Tát này tức là cúng dường Đức Phật.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có người khác nghe Đà La Ni này, thọ trì, đọc tụng, sinh Tín Giải (Adhimukti: y theo lời nói mà được sự hiểu biết thù thắng) thì cũng nên như vậy: cung kính, cúng dường cùng với Phật không có khác. Do nhân duyên này được Quả vô thượng”

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền diễn nói Đà La Ni là:

Đát điệt tha: san đà lạt nễ, ốt đa lạt nễ, tô tam bát la để sắt sỉ đá, tô na ma, tô bát lạt để sắt sỉ đá, tỳ thệ dã bạt la, tát để dã, bát lạt để thận nhược, tô a lô ha, thận nhược na, mạt để, ốt ba đạn nễ, a phạt na mạt để, a tỳ sư đạn nễ, a tỳ  tỳ da ha la, du bà phạt để, tô ni thất lợi đa, bạc hổ quận xã, a tì bà đà, toa ha” 

*)TADYATHĀ: SANDHĀRAṆĪ  UT-DHĀRAṆĪ  SU-SAṂPRATIṢṬHITA  SU-NĀMA  SU-PRATIṢṬHITA  VIJAYA-BALA-SATYA  PRATIJÑĀ  SU-ARUHA    JÑĀNA-MATI  UTPADĀNE  AVANA-MATI  ABHISIṂCANI  ABHI-VYĀHARA  ŚUBHA-VATI  SU-NIŚRITA  BAHU-GUṆYA  ABHIPADA  SVĀHĀ

Đức Phật bảo Xá Lợi Tử: “Câu Vô Nhiễm Trước Đà La Ni này. Nếu có Bồ Tát hay khéo an trụ, hay thọ trì chính đúng thì nên biết người này hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp đã phát Chính Nguyện không có cùng tận. Thân cũng chẳng bị đao, gậy, thuốc độc, nước, lửa, mãnh thú gây tổn hại. Tại sao thế? Xá Lợi Tử! Vì Vô Nhiễm Trước Đà La Ni này là mẹ của chư Phật quá khứ, mẹ của chư Phật vị lai, mẹ của chư Phật hiện tại.

Này Xá Lợi Tử! Nếu lại có người đem bảy báu tràn đầy trong mười a tăng xí gia ba ngàn Đại Thiên Thế Giới phụng thí chư Phật, với đem quần áo, thức ăn uống thượng diệu, mọi loại cúng dường trải qua vô số kiếp. Nếu lại có người đối với Đà La Ni này cho đến một câu mà hay thọ trì thì Phước đã sinh, nhiều hơn người kia gấp bội. Tại sao thế? Xá Lợi Tử! Vì Vô Nhiễm Trước Đà La Ni này là Pháp Môn thâm sâu, là mẹ của chư Phật vậy”

 

Thời Cụ Thọ Xá Lợi Tử với các Đại Chúng nghe Pháp này xong, đều rất vui vẻ, đều nguyện thọ trì.

  

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

NHƯ Ý BẢO CHÂU

_PHẨM THỨ MƯỜI BỐN_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở trong Đại Chúng bảo A Nan Đà (Ānanda) rằng: “Các ngươi nên biết có Đà La Ni tên là Như Ý Bảo Châu (Cintā-maṇi) xa lìa tất cả tai ách, cũng hay chận đứng các sấm sét ác, là điều mà Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác quá khứ đã cùng nhau tuyên nói. Ta ở thời này, ở trong Kinh này cũng vì Đại Chúng các ngươi tuyên nói, làm lợi ích lớn cho người, Trời, thương xót Thế Gian, ủng hộ tất cả khiến được an vui”

Thời các Đại Chúng với A Nan Đà nghe Đức Phật nói xong, mỗi mỗi đều chí thành chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, nghe nhận Thần Chú.

Đức Phật nói: “Các ngươi hãy nghe cho kỹ! Ở phương Đông này có Quang Minh Điện Vương tên là A Yết Đa (Agate), phương Nam có Quang Minh Điện Vương tên là Thiết Đê Lỗ (Satadru), phương Tây có Quang Minh Điện Vương tên là Chủ Đa Quang (Cyutaprabha), phương Bắc có Quang Minh Điện Vương tên là Tô Đa Mạt Ni (Sutamaṇi). Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện được nghe tên gọi của Điện Vương như vậy với biết phương xứ thì người này tức liền xa lìa tất cả sự sợ hãi với các tai vạ thảy đều tiêu hết. Nếu ở nơi cư ngụ, viết tên của Điện Vương ở bốn phương này thì ở chỗ cư trú không có sợ sấm sét, cũng không có tai ách với các chướng não, thảy đều xa lìa cái chết oan uổng chẳng đúng thời”

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền nói Chú là:

Đát điệt tha: nễ nhĩ nễ nhĩ nễ nhĩ, ni dân đạt lý, trất lý lô ca, lô yết nễ, trất lý du la ba nễ, hạt lạc xoa, hạt lạc xoa. Tôi (tên là….) với nơi cư trú này: Tất cả điều đáng sợ, hết thảy khổ não, sấm chớp, sét đánh cho đến cái chết oan uổng… thảy đều xa lìa_ toa ha

*)TADYATHĀ: NIMI  NIMI NIMI   NIMINDRE   TRAILOKA-LOKANI    TRI-ŚŪLA-PĀṆI   RAKṢA   RAKṢA   MĀṂ _ SARVA  VIDYUDBHAYEBHYAḤ   SVĀHĀ 

 

Bấy giờ, Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát (Avalokiteśvara) ở trong Đại Chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con cũng ở trước mặt Đức Phật lược nói Như Ý Bảo Châu Thần Chú làm lợi ích lớn cho các người, Trời, thương xót Thế Gian, ủng hộ tất cả khiến được an vui, có uy lực lớn, điều mong cầu được như ý”

Liền nói Chú là:

Đát điệt tha: hát đế, tỳ hát đế, nễ hát đế, bát lạt thất thể kê, bát lạt để mật trất lệ, thú đề, mục đê, tỳ mạt lệ, bát lạt bà bà lệ, an trà lệ, bát trà lệ, thuế đế, bát trà la bà tử nễ, hát lệ, yết trà lệ, kiếp tất lệ, băng yết la, ác ỷ, đạt địa mục xí, hạt lạc xoa, hạt lạc xoa. Tôi (tên là….) với nơi cư trú này: Tất cả điều đáng sợ, hết thảy khổ não, cho đến cái chết oan uổng… thảy đều xa lìa. Nguyện cho tôi đừng thấy việc của tội ác, thường nương theo nơi mà đại uy quang của Đức Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát đã hộ niệm_toa ha

*)TADYATHĀ: KAṬE  VIKAṬE  NIKAṬE  PRATYARṬHIKE   PRATYA-MITRE   ŚUDDHE  MUKTE  VIMALE  PRABHĀSVARE   AṆḌARI  PAṆḌARI  ŚVETE  PĀṆḌARAVĀSINI   KARE  KAṆḌALE , KAPILA  PIṄGALĀKṢI    DADHI-MOKṢI, RAKṢA  RAKṢA  MĀṂ _ SARVA  AKĀLA-MṚTYU-BHAYEBHYAḤ   MĀ  ME  PAŚYAṂTU   SARVA  AKĀLA-MṚTYA   VA  _  ĀRYA  AVALOKITEŚVARA  TEJA   SVĀHĀ

 

Khi ấy, Chấp Kim Cương Bí Mật Chủ Bồ Tát (Vajra-dhāra-guhyādhipati) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con cũng nói Đà La Ni Chú tên là Vô Thắng làm lợi ích lớn cho các người, Trời, thương xót Thế Gian, ủng hộ tất cả khiến được an vui, có uy lực lớn, điều mong cầu được như ý”

Liền nói Chú là:

Đát điệt tha: mẫu nễ mẫu nễ, mẫu ni lệ, mạt để, mạt để, tô mạt để, mạc ha mạt để, ha ha ha ma bà dĩ na tất để đế, ba bả bạt chiết la ba nễ, ác điềm, điệt lật trà, toa ha”…

 *)TADYATHĀ: MUṆI  MUṆI MUṆINDHĀRE, MATI  MATI, SUMATI  MAHĀ-MATI, HĀ  HĀ  HĀ, MAITRA  INAṢṬHITE  PĀPAṂ   VAJRA-PĀṆI AHAṂ DṚḌHA    SVĀHĀ

Thế Tôn! Thần Chú này của con tên là Vô Thắng Ủng Hộ. Nếu có nam nữ một lòng thọ trì, viết chép, đọc tụng, nghĩ nhớ chẳng quên thì con ở ngày đêm thường hộ giúp người này, thảy đều xa lìa tất cả sự đáng sợ cho đến cái chết oan uổng”

 

Lúc đó, Sách Ha Thế Giới Chủ Đại Phạm Thiên Vương (Sāhaṃpati) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con cũng có Đà La Ni Vi Diệu Pháp Môn làm lợi ích lớn cho các người, Trời, thương xót Thế Gian, ủng hộ tất cả khiến được an vui, có uy lực lớn, điều mong cầu được như ý”

Liền nói Chú là:

Đát điệt tha: hề lý, nhĩ lý, địa lý, toa ha. Bạt la điềm ma bố lệ, bạt la điềm ma mạt nê, bạt la điềm ma yết tỳ, bổ sáp bả, tăng tất đát lệ, toa ha

*)TADYATHĀ: HILI  MILI  KILI   SVĀHĀ _ BRAHMA-PURE,  MAHĀ-BRAHMAṆI, BRAHMA-GARBHE  PUṢPA    SAṂSTHIRE  SVĀHĀ

Thế Tôn! Thần Chú này của con tên là Phạm Trị, đều hay ủng hộ người trì Chú này khiến lìa lo lắng bực bội với các nghiệp tội cho đến cái chết oan uổng thảy đều xa lìa”

 

Bấy giờ, Đế Thích Thiên Chủ (Indra) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con cũng có Đà La Ni tên là Bạt Chiết La Phiến Nễ (Vajrāsāni). Đại Minh Chú này hay trừ tất cả sự khủng bố, ách nạn cho đến cái chết oan uổng thảy đều xa lìa, nhổ bứt nỗi khổ, ban cho niềm vui, lợi ích cho người Trời”

Liền nói Chú là:

Đát điệt tha: Tỳ nễ bà lạt nễ, bạn đà, ma đạn trệ, ma nị nễ trí nhĩ, cồ lý, kiện đà lý, chiên trà lý, ma đăng kỳ, bốc yết tử, tát la bạt hiệt tỳ, hứ na mạt đê đáp ma, ố đa lạt nễ, mạc hô lạt nễ, đạt lạt nễ kế, chước yết la bà chỉ, xả phạt lý, xa phạt lý, toa ha

*)TADYATHĀ: VI-NIVĀRAṆI  VANDHAM-ADAṆḌE   MAṆINEṬINI   GAURI  GANDHARI _ CAṆḌALI  MATAṄGI  PUKKASI  SARA-PRABHE  HĪNA MADHYA  TAMA  UTTARANI   MAHARAṆI   DHĀRAṆIKE  CAKRA-VĀKE   ŚAVARI   ŚAVARI   SVĀHĀ

 

Khi ấy, Đa Văn Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con cũng có Thần Chú tên là Thí Nhất Thiết Chúng Sinh Vô Úy đối với các khổ não thường làm ủng hộ, khiến được an vui, tăng ích thọ mạng, không có các tai vạ khổ, cho đến cái chết oan uổng thảy đều xa lìa”

Liền nói Chú là:

Đát điệt tha: bổ sáp bế, tô bổ sáp bế, độ ma, bát lạt ha lệ, a ly gia bát lạt thiết, tất đế, phiến đế, miết mục đế, mang yết lệ, tốt đổ đế, tất đá tỳ đế, toa ha

*)TADYATHĀ: PUṢPE  SUPUṢPE  DHŪPA  PARIHĀRE  ĀRYA  PRĀŚA-SIDDHE   ŚĀNTI  NIRMUKTE  MAṂGALYE  STUTE  SĀDHA-VĪTI  SVĀHĀ

 

Lúc đó, lại có các vị Đại Long Vương (Mahā-nāgarāja) là: Mạt Na Tư Long Vương, Điện Quang Long Vương, vô Nhiệt Trì Long Vương, Điện Thiệt Long Vương, Diệu Quang Long Vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con cũng có Như Ý Bảo Châu Đà La Ni hay che chận Điện ác, trừ các sự sợ hãi,  làm lợi ích lớn cho người, Trời, thương xót Thế Gian, ủng hộ tất cả, có uy lực lớn, việc mong cầu được như nguyện, cho đến cái chết oan uổng thảy đều xa lìa, đều khiến ngưng dứt tất cả thuốc độc. Tất cả nơi tạo làm Cổ Độc, Chú Thuật, việc chẳng tốt lành đều khiến trừ diệt. Nay con đem Thần Chú này phụng hiến Thế Tôn, nguyện xin thương xót Từ Bi nhận lấy, khiến cho chúng con lìa nẻo Rồng này, buông bỏ hết sự tham lam. Tại sao thế? Do sự tham lam này mà ở trong sinh tử chịu các khổ não. Chúng con nguyện chặt đứt mầm giống tham lam”  

Liền nói Chú là:

Đát điệt tha: A chiết lệ, a mạt lệ, a mật lật đế, ác xoa duệ, a tệ duệ, bôn ni, bát lợi gia lật đế, tát bà ba bả, bát lợi thiêm ma ni duệ, toa ha. A ly duệ, bát đậu, tô ba ni duệ, toa ha

*)TADYATHĀ: ACALE  AMALE  AMṚTE  AKṢAYE  ABHAYE  PUṆYA   PARYA-PATE _ SARVA  PĀPAṂ  PRAŚAMANIYE  SVĀHĀ_ ĀRYA-PUṆYA  ŚUBHANIYE   SVĀHĀ

Thế Tôn! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện trong miệng nói Đà La Ni Minh Chú này, hoặc viết kinh quyển, thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường thì cuối cùng không có sấm chớp, sét đánh với các sự sợ hãi, khổ não, lo lắng bực bội cho đến cái chết oan uổng thảy đều xa lìa. Hết thảy chât độc, Cổ Mỵ, Yểm Đảo, người gây hại, loài cọp, sói, sư tử, rắn độc cho đến muỗi mòng đều chặng thể gây hại”

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo khắp Đại Chúng: “Lành thay! Lành thay! Nhóm Thần Chú này đều có đại lực hay tùy theo việc mà Tâm chúng sinh mong cầu đều khiến cho viên mãn, làm lợi ích lớn. Trừ chẳng chí Tâm, các ngươi đừng nghi”

Thời các Đại Chúng nghe Đức Phật nói xong, đều vui vẻ tin nhận

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

ĐẠI BIỆN TÀI THIÊN NỮ

_PHẨM THỨ MƯỜI LĂM_ CHI MỘT_

 

Bấy giờ, Đại Biện Tài Thiên Nữ (Sarasvatī) ở trong Đại Chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có vị Pháp Sư (Dharma-bhānaka) nói Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì con sẽ tăng thêm Trí Tuệ cho vị ấy, đầy đủ ngôn thuyết biện bác trang nghiêm. Nếu vị Pháp Sư kia đối với văn tự, nghĩa câu trong Kinh này có chỗ quên mất thì đều khiến cho nhớ giữ, hay khéo khai ngộ. Lại ban cho Đà La Ni Tổng Trì không có ngăn ngại. Lại Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này là điều mà hữu tình kia đã ở chỗ của trăm ngàn Đức Phật gieo trồng các căn lành, thường thọ trì, ở Thiệm Bộ Châu rộng hành lưu bày, chẳng mau ẩn mất. Lại khiến cho vô lượng hữu tình nghe Kinh Điển này đều được biện tài lanh lợi chẳng thể nghĩ bàn, Đại Tuệ không cùng tận, khéo hiểu mọi Luận với các kỹ thuật, hay ra khỏi sinh tử, mau hướng đến Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề. Ở trong đời này, tăng ích thọ mạng, thảy đều đầy đủ vật dụng cho thân này.

Thế Tôn! Con sẽ vì vị Pháp Sư trì Kinh kia với hữu tình khác đối với Kinh Điển này ưa thích lắng nghe, nói Pháp Chú Dược tắm rửa ấy để cho hết thảy sao ác (ác tinh) tai biến trái ngược với ngôi sao sở thuộc (Tinh Thuộc) của người ấy, nỗi khổ vì bệnh dịch, chiến trận đấu tranh, giấc mộng ác, Quỷ Thần, Cổ Độc, Yểm Mỵ, Chú Thuật, Khởi Thi (Vetala)… các ác như vậy gây chướng nạn đều khiến trừ diệt.

Các người có Trí nên làm Pháp tắm gội như vầy: Nên lấy 32 vị thuốc là: Xương Bồ (bạt giả: Vaca), Ngưu Hoàng  (cồ lô chiết na: Gorocana), Mục Túc Hương (tắc tất lực ca: Spṛka), Xạ Hương (mạc ca bà già: Mahābhāga), Hùng Hoàng (mạt nại si la: Manaḥśila), Hợp Hôn Thụ (thi lợi sái: Śirīṣa), Bạch Cập (nhân đạt la hát tất đá: Indra-hasta), Khung Cùng (xà mạc ca: Śyābhyaka), Cẩu Kỷ Căn (thiêm nhĩ: Śami), Tùng Chi (thất lợi bệ sắt đắc ca: Śrīveṣṭaka), Quế Bì (đốt giả: Tvaca), Hương Phụ Tử (mục tốt đá: Musta), Trầm Hương (ác yết lỗ: Agaru), Chiên Đàn (chiên đàn na: Candana), Linh Lăng Hương (đa yết la: Tagara), Đinh Tử  (sách cồ giả: Samocaka), Uất kim (trà củ ma: Kuṅkuma), Bà Luật Cao (yết la sa: Gālava), Vi  Hương (nại lạt đả: Narada), Trúc Hoàng  (cốt lộ chiến na ?Gorocanā: Ngưu Hoàng), Tế đậu khấu (tô khấp  mê la: Sūkṣmela), Cam Tùng (khổ nhĩ đá:  ), Hoắc Hương (bát đát la: Patra), Mao Căn Hương (ốt thi la: Uśīra), Sất Chi (tát lạc kế: Śalāka), Ngải nạp (thế lê dã: Śaileya), An Tức Hương (cũ cụ la: Gulgula), Giới Tử  (tát lợi sát bả: Sarṣapa), Mã Cần (diệp bà nễ: ), Long Hoa Tu (na già kê tát la: Nāgakeśara), Bạch Giao (tát chiết la bà: Sarjarasa), Thanh  Mộc (củ sắt sá: Kuṣṭha) đều phân chia bằng nhau

Dùng ngày có sao Bố Sái (Puṣya: Quỷ Tú), ở một chỗ đâm giã rây sàng, lấy bột hương ấy, nên dùng Chú này chú vào 108 biến. Chú là: 

Đát điệt tha: tô cật lật đế, cật lật đế, cật lật đế, kiếp ma đát lý, thiện nộ yết la trệ, hát yết lạt trệ, nhân đạt la xà lợi nị, thước yết lan trệ, bát thiết điệp lệ, a phạt để yết tế kế na, củ đổ củ đổ, cước ca tỳ lệ, kiếp tỳ lệ kiếp tỳ lệ, kiếp tỳ la mạt để, thi la mạt để, na để độ la mạt để, lý ba, phạt trĩ, bạn trĩ lệ, thất lệ thất lệ, tát để tất thể đê, toa ba

*)TADYATHĀ: SUKṚTE  KṚTE  KṚTE, KĀMA-TALE, SINDHU-KALAŚĪ, AB-KALAŚĪ,  INDRA-JĀLINĪ,  SA-KRANTI  PĀṢI-TALE,  AVĀTI-KĀŚIKĀNĀṂ, KŪD  KŪD, KU-KAVILE,  KAPILE  KAPILE, KAPILA-MATI, ŚĪLA-MATI, SAṂDHI-DŪRA-MATI, REPA-VADHE PAṆḌALE,  ŚIRI  ŚIRI, SATYA-STHITE  SVĀHĀ   

“Nếu thích như Pháp tắm gội thời

Nên làm Đàn Trường vuông tám khuỷu

Ở nơi an ổn thật tĩnh lặng

Niệm việc đã cầu, chẳng lìa Tâm

_Xoa tô phân bò, làm Đàn ấy

Bên trên rải khắp các hoa màu

Nên dùng vật khí vàng bạc sạch

Chứa đầy vị ngon với sữa, mật

_Ở bốn cửa của Đàn Trường ấy

Bốn người thủ hộ Pháp như thường

Khiến bốn Đồng Tử, thân đoan nghiêm

Đều ở một góc, cầm bình nước

_Ở đây thường đốt An Tức Hương

Tấu nhạc năm âm, tiếng chẳng dứt

Phan, lọng trang nghiêm, treo lụa màu

An ở bốn bên của Đàn Trường

_Bên trong Đàn Trường để gương sáng

Đao bén, mũi tên đều bốn cái

Ở chính giữa Đàn chôn chậu lớn (đại bồn)

Dùng ván thấm rỉ (lậu bản) để bên trên

_Dùng bột hương trước hòa nước nóng

Cũng lại đặt ngay bên trong Đàn”

 

Kết Giới Chú là:

Đát điệt tha: Át lạt kế na dã nê, hứ lệ, nhĩ lệ, kỳ lệ, xí xí lệ, toa ha

*)TADYATHĀ: ARAKE  NAYANE, HILI  MILI  GILI  KHIKHILE  SVĀHĀ 

“Như vậy, kết Giới xong

Mới vào bên trong Đàn

Chú nước hăm mốt biến (21 lần)

Rưới vảy ở bốn phương

_Tiếp, Chú vào nước nóng

Đủ một trăm tám biến (108 lần)

Bốn bên an màn che

Sau đó tắm rửa thân”

 

Chú Thủy Chú Thang Chú là:

Đát điệt tha (1) sách yết trí (2) tỳ yết trí (3) tỳ yết trà phạt để (4) toa ha (5)

*)TADYATHĀ: SUGATE  VIGATE  VIGATA-VATI  SVĀHĀ

Nếu tắm rửa xong. Đem nước nóng tắm rửa ấy với thức ăn uống cúng dường trong Đàn Trường vứt bỏ bên trong ao, sông. Còn lại thì thu dọn sạch sẽ. Như vậy tắm xong mới mặc áo sạch.

Khi ra khỏi Đàn Trường với vào bên trong Tịnh Thất thời Chú Sư dạy bảo người ấy phát Hoằng Thệ Nguyện, chặt đứt hẳn mọi ác, thường tu các Thiện, đối với các hữu tình dấy lên Tâm Đại Bi. Do nhân duyên này sẽ được vô lượng Phước Báo tùy theo Tâm.

Lại nói Tụng là:

“Nếu có các chúng sinh bệnh khổ

Mọi loại phương dược trị chẳng khỏi

Nếu y Pháp tắm gội như vậy

Lại kèm đọc tụng Kinh Điển này

Thường ở ngày đêm niệm chẳng tan

Chuyên tưởng, ân cần sinh Tâm tin

Hết thảy nạn khổ tiêu trừ hết

Giải thoát nghèo túng, đủ tài bảo

Bốn phương Tinh Thần (các ngôi sao) Nhật (mặt trời) Nguyệt (mặt trăng)

Uy Thần ủng hộ được sống lâu

Cát tường an ổn, tăng Phước Đức

Tai biến, ách nạn đều trừ hết”

 

_Tiếp theo, tụng Hộ Thân Chú 21 biến. Chú là:

“Đát điệt tha: tam mê, tỳ tam mê toa ha. Sách yết trệ, tỳ yết trệ, toa ha. Tỳ yết trà phạt để, toa ha. Sa yết la, tam bộ đa dã, toa ha. Tắc kiến đà, ma đa dã, toa ha. Ni la kiến đà dã, toa ha. A bát la thị đá, tỳ lê gia dã, toa ha. Hứ ma bàn đá, tam bộ đa dã, toa ha. A nễ mật la, bạc đát la dã, toa ha. Nam mô bạc già phạt đô bạt la điềm ma tả, toa ha. Nam mô tát la toan để, mạc ha đề tỳ duệ, toa ha. Tất điện đổ mạn (Đây nói là tôi (họ tên…) thành tựu) mạn đát la bát tha, toa ha. Đát lạt đổ tỷ điệt đá, bạt la điềm ma nô mạt đổ, toa ha

*)TADYATHĀ: SAME  VISAME  SVĀHĀ_ SUGATE  VIGATE  SVĀHĀ_  VIGATA-VATI  SVĀHĀ_ SĀGARA  SAṂBHŪTĀYA  SVĀHĀ_ SKANDHA-MĀTĀYA  SVĀHĀ_ NĪLAKAṆṬHĀYA  SVĀHĀ_ APARĀJITA  VĪRYĀYA  SVĀHĀ_ HIMAVANTĀYA  SVĀHĀ_ ANIMIṢA-CAKRĀYA  SVĀHĀ

NAMO  BHAGAVATE  BRAHMAṢYA  SVĀHĀ

NAMO  SARAVATĪ-MAHĀ-DEVYE  SVĀHĀ

SIDDHYANTU  MAṂ (…) MANTRA-PĀDA  SVĀHĀ

DHARATĀ  UVĀSATĀ,  BRAHMA  ANU-MADHU  SVĀHĀ

 

Lúc đó, Đại Biện Tài Thiên Nữ nói Pháp tắm gội, Chú của Đàn Trường xong thì tiến lên phía trước lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tốn Nếu có Bật Sô (Bhikṣu: Tỳ Kheo), Bật Sô Ni (Bhikṣuṇī: Tỳ Kheo Ni), Ô Ba Sách Ca (Upāsaka: nam cư sĩ), Ô Ba Tư Ca (Upāsika: nữ cư sĩ) thọ trì, đọc tụng, viết chép, lưu bày Kinh Vương màu nhiệm này, như Thuyết tu hành. Hoặc ở tại thành ấp, thôn xóm, nơi hoang vắng, núi, rừng, trú xứ của Tăng Ni… thì con vì người này đem các quyến thuộc, tấu kỹ nhạc của cõi Trời đi đến chỗ ấy để làm ủng hộ, trừ các bệnh khổ, Lưu Tinh biến quái, bệnh dịch, đấu tranh, phép vua câu thúc, mộng ác, Thần ác, loài gây chướng ngại, Cổ Đạo, Yểm thuật… thảy đều trừ hết, nhiêu ích cho nhóm người trì Kinh này. Chúng của nhóm Bật Sô với các người lắng nghe đều khiến mau chóng vượt qua biển lớn sinh tử, chẳng thoái lùi nơi Bồ Đề (Bodhi)”

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe Thuyết này xong thì khen Biện Tài Thiên Nữ rằng: “Lành thay! Lành thay Thiên Nữ! Ngươi hay đem lại an vui, lợi ích cho vô lượng vô biên hữu tình. Nói Thần Chú này cùng với Pháp Thức của Hương Thủy, Đàn Trường, quả báo khó nghĩ bàn. Ngươi nên ủng hộ Tối Thắng Vương Kinh đừng khiến cho ẩn mất, thường được lưu thông”

Khi ấy, Biện Tài Thiên Nữ lễ bàn chân của Đức Phật xong thì quay lại chỗ ngồi của mình

Lúc đó, vị Bà La Môn Pháp Sư Thọ Ký Kiều Trần Như (Ācārya-vyākaraṇa-prāptaḥ  kauṇḍinya) nương theo uy thần của Đức Phật, ở trước mặt Đại Chúng, khen thỉnh Biện Tài Thiên Nữ là:

Biện Tài Thiên thông minh dũng tiến

Người, Trời cúng dường đều nên nhận

Danh tiếng vang lừng khắp Thế Gian

Hay ban cho Nguyện của chúng sinh

Y đỉnh núi cao, Trú Xứ tốt

Làm nhà cỏ tranh, ở bên trong

Luôn kết cỏ mềm dùng làm áo

Mọi nơi thường nhấc một chân đứng

Chư Thiên, Đại Chúng đều tập hội

Đều đồng một lòng khen ngợi thỉnh

Nguyện xin Trí Tuệ Biện Tài Thiên

Dùng Diệu Ngôn Từ cho tất cả”

 

_Khi ấy, Biện Tài Thiên Nữ liền nhận lời thỉnh cầu, nói Chú là:

“Đát điệt tha: mộ lệ, chỉ lệ, a phạt đế lệ, a phạt trá phạt để, hinh ngộ lệ, danh cụ lệ, danh cụ la phạt để, ương cụ sư, mạt lợi chỉ, tam mạt để, tì tam mạt để, ác cận lợi mạc cận lợi đát la chỉ đát la, giả phạt để chất chất lý, thất lý, mật lý, mạt nan địa đàm, mạt lợi chỉ, bát la noa tất lợi duệ, lô ca thệ sắt thế, lô ca thất lệ sắt sỉ, lô ca tất lợi duệ, tất đà bạt lợi đế, tì ma mục xí du chỉ chiết lợi, a  bát lợi để hát đế, a bát lạt để hát đá, bột địa, nam mẫu chỉ nam mẫu chỉ, mạc ha đề tỳ, bát lạt để cận lợi hôn noa, nam ma tắc ca la (ngã  mỗ giáp) bột địa, đạt lý xa,  hứ bột địa, a bát lạt để hát đá, bà bạt đổ, táp bà mê, tì du điệt, đổ xá tất đát la, du lộ ca, mạn đát la, tất đắc ca, ca tì da địa số

*) TADYATHĀ: SURE  VIRE  AVATĪRṆE  AVAṬA-VATI, HIṄGULE  PIṄGALE  PIṄGALE-VATI  AṄKUŚE  MARĪCI-SAṂMATI  VISAṂMATI  AGRĀMAGRĪTALAVITALE  CA  VAḌIVICARĪ,  SIRI  MIRI, MĀNANDHĪDĀṂ  MARĪCI-PRĀṆA-PĀRYE, LOKA-JYEṢṬHE   LOKA-SṚṢṬI, LOKA-PĀRYE  SIDDHI-VRATE  BHĪMA-MUHKHIŚACIVARĪ  APRATIHATE  APRATIHATA-BUDDHI,  NAMUCI  NAMUCI, MAHĀ-DEVĪ  PRATI-GṚHṆA  NAMASKĀRA (….) BUDDHI  DĀRŚA  HI BUDDHI-APRATIHATA  BHAVATU  SVAME  VIŚUDDHI  DAŚA-ŚĀSRA-LOKA-MANTRA-PIṬAKA-KĀVYĀDIṢU     

Đát điệt tha: mạc ha bát lạt bà tỳ, hứ lý, mật lý, hứ lý, mật lý, tì chiết lạt đổ, mê, bột địa (ngã   mỗ giáp) bột địa, du đề, bạc-già phạt điểm đề tì diệm, tát la toan điểm, yết la (lỗ gia) trệ,  kê do lệ kê do la, mạt để, hứ lý, mật lý, hứ lý, mật lý, a bà ha da nhị, mạc ha đề tỳ, bột đà tát đế na, đạt-ma tát đế na, tăng già tát đế na, nhân đạt la tát đế na, bạt lâu noa tát đế na, duệ, lô kê, tát để bà địa na, đê sam tát đế na, tát để phạt giả nê na, a bà ha da nhị, mạc ha đề tỳ, hứ lý, mật lý, hứ lý, mật lý, tì chiết lạt đổ (ngã mỗ giáp) bột địa. Nam mô bạc già phạt để, mạc ha đề tỳ, tát la toan để, tất điện đổ, mạn đát la bát đà, di, tóa ha” 

*)TADYATHĀ: MAHĀ-PRABHĀVE,  HILI  MILI  HILI  MILI, VICARATU  ME,  BUDDHI (….) BUDDHI  ŚUDDHI  BHAGAVATYĀ  DEVYĀḤ  SARASVATĪṂ  KARATI  KEYŪRE  KEYŪRA-MATI, HILI  MILI  HILI  MILI, ĀVĀHA  YĀMI  MAHĀ-DEVĪ,  BUDDHA-SATYENA  DHARMA-SATYENA  SAṂGHA-SATYENA, INDRA-SATYENA, VARUṆA-SATYENA,  YE  LOKE-SATYA  VĀDINAḤ, TEṢĀṂ  SATYENA  SATYA-VACANIYA, ĀVĀHA  YĀMI  MAHĀ-DEVĪ,  HILI  MILI  HILI  MILI, VICARANTU (…) BUDDHI

NAMO  BHAGAVATE  MAHĀ-DEVĪ  SARASVATĪ  SIDDHYANTU  MANTRA-PĀDA  ME  SVĀHĀ

 

Bấy giờ, Biện Tài Thiên Nữ nói Chú này xong thời bảo Bà La Môn rằng: “Lành thay! Đại Sĩ hay vì chúng sinh cầu biện tại màu nhiệm với các châu báu Thần Thông, Trí Tuệ, rộng lợi cho tất cả, mau chứng Bồ Đề. Như vậy nên biết Pháp Thức thọ trì

Liền nói Tụng là:

“Trước tiên, tụng Đà La Ni này

Khiến cho thuần thục không lầm lẫn

Quy kính Tam Bảo, các Thiên Chúng

Thỉnh cầu gia hộ, nguyện tùy Tâm

_Kính lễ chư Phật với Pháp Bảo

Bồ Tát, Độc Giác, chúng Thanh Văn

Tiếp, lễ Phạm Vương và Đế Thích

Với bậc Hộ Thế (Loka-pāla) bốn Thiên Vương

_Tất cả người thường tu Phạm Hạnh (Brahma-caryā)

Đều nên chí thành, ân trọng kính

Ở chốn Lan Nhã (Araṇya) nơi vắng lặng

Lớn tiếng tụng Chú trước, khen Pháp

_Ở trước tượng Phật với Trời, Rồng

Tùy thứ có được, tu cúng dường

Đối với tất cả loài chúng sinh

Phát khởi Tâm Từ Bi thương xót

_Thế Tôn: tướng đẹp, thân vàng tía

Cột tưởng, chính niệm, Tâm không loạn

Thế Tôn hộ niệm, nói Giáo Pháp

Tùy căn cơ ấy, khiến tập Định

_Nơi nghĩa câu ấy, khéo suy nghĩ

Lại y Không Tính (Śūnyatā) mà tu tập

Nên ở trước hình tượng Thế Tôn

Một lòng chính niệm mà ngồi yên

_Liền được Diệu Trí Tam Ma Địa

Kèm được Tối Thắng Đà La Ni

Miệng vàng (kim khẩu) Như Lai diễn nói Pháp

Âm hưởng điều phục các Người, Trời

_Tướng lưỡi tùy duyên, hiện hiếm có

Rộng dài hay che ba ngàn cõi

Âm thanh màu nhiệm của chư Phật

Chí thành nghĩ nhớ, Tâm không sợ

_Chư Phật đều do phát Hoằng Nguyện

Được tướng lưỡi này, khó nghĩ bàn

Tuyên nói các Pháp đều chẳng có (phi hữu)

Ví như hư không, không chỗ dính

_Âm thanh với tướng lưỡi của Phật

Cột niệm nghĩ lường, nguyện viên mãn

Nếu thấy cúng dường BIện Tài Thiên

Hoặc thấy Đệ Tử tùy Thầy dạy

Trao Bí Pháp này khiến tu tập

Tôn trọng, tùy Tâm đều được thành

Nếu người muốn được Trí tối thượng

Cần phải một lòng trì Pháp này

Tăng trưởng Phước Trí, các Công Đức

Quyết định thành tựu, đừng sinh nghi

_Nếu người cầu tiền, được nhiều tiền

Người cầu danh tiếng. được danh tiếng

Người cầu xuất ly được giải thoát

Quyết định thành tựu, đừng sinh nghi

_Vô lượng vô biên các Công Đức

Tùy trong Tâm ấy đã ước nguyện

Nếu hay thực hành y như vậy

Đều được thành tựu, đừng sinh nghi

_Ở chỗ yên tịnh, mặc áo sạch

Nên làm Đàn Trường tùy lớn nhỏ

Dùng bốn bình sạch chứa vị ngon

Hương, hoa cúng dường tùy theo thời

Treo các lụa màu và phan, lọng

Hương xoa, bột hương nghiêm sức khắp

Cúng dường Phật với Biện Tài Thiên

Cầu thấy thân Trời đều toại nguyện

_Nên hăm mốt ngày (21 ngày) tụng Chú trước

Đối trước mặt Đại Biện Thiên Thần

Nếu chẳng nhìn thấy Thiên Thần này

Nên dụng Tâm thêm chín ngày nữa

Ở trong đêm sau, do chẳng thấy

Lại tìm nơi thắng diệu thanh tịnh

Như Pháp nên vẽ Biện Tài Thiên

Cúng dường, tụng trì, Tâm không bỏ

Ngày đêm chẳng sinh chút lười biếng

Lợi mình, lợi người không cùng tận

Quả báo đạt được, cho quần sinh

Điều đã cầu nguyện đều thành tựu

_Nếu chẳng vừa ý, thêm ba tháng

Sáu tháng, chín tháng hoặc một năm

Ần cần cầu thỉnh, Tâm chẳng dời

Thiên Nhãn, Tha Tâm (Tha Tâm Thông) thảy đều được”

 

Khi ấy, Bà La Môn Kiều Trần Như nghe Thuyết này xong thì vui mừng hớn hở, khen chưa từng có rồi bảo các Đại Chúng, nói lời như vầy: “Các ngươi! Người, Trời, tất cả Đại Chúng nên biết như vậy, đều một lòng lắng nghe. Nay tôi muốn y theo Pháp Thế Đế (Saṃvṛti-satya) khen ngợi Thắng Diệu Biện Tài Thiên Nữ ấy”

Liền nói Tụng là:

“Kính lễ Thiên Nữ Na La Diên

Ở trong Thế Giới được tự tại

Nay tôi khen ngợi Tôn Giả (Ayuṣmat) ấy

Đều như Tiên nhân xưa kia nói

Cát tường thành tựu, Tâm an ổn

Thông minh, tàm quý có danh tiếng

Làm mẹ, hay sinh nơi Thế Gian

Dũng mãnh thường hành đại tinh tiến

_Ở chốn quân trận luôn chiến thắng

Tăng trưởng, điều phục Tâm, Từ Nhẫn

Hiện làm chị cả của Diêm La (Yama)

Thường mặc áo Tằm hoang màu xanh

Dung nghi xấu đẹp đều có đủ

Con mắt hay khiến người thấy, sợ

Vô lượng Thắng Hạnh vượt Thế Gian

Người hay tin phục đều nhiếp nhận

_Hoặc nơi sâu hiểm bên sườn núi

Hoặc ở hang hốc với bên sông

Hoặc dưới cây lớn, các rừng rậm

Phần nhiều Thiên Nữ trú trong đây

_Giả sử người ở rừng núi vắng

Cũng thường cúng dường nơi Thiên Nữ

Dùng lông chim công làm cờ phan

Ở tất cả thời thường giúp đời (hộ thế)

_Sư tử, cọp, sói luôn vây quanh

Nhóm bò, dê, gà cũng nương tựa

Rung lắc chuông lớn, phát âm thanh

Chúng núi Tần Đà đều nghe tiếng

_Hoặc cầm Tam kích (Tri-śūla: cây kích có ba chia), tóc búi tròn

Hai bên luôn giữ cờ Nhật Nguyệt

Ngày chín, ngày mười kỳ Hắc Nguyệt

Ở trong thời này nên cúng dường

_Hoặc hiện Bà Tô Đại Thiên Nữ

Thấy có chiến đấu, Tâm thường thương

Quán sát tất cả trong hữu tình

Thiên Nữ tối thắng không ai hơn

_Quyền hiện Mục Ngưu Hoan Hỷ Nữ

Cùng Trời chiến đấu, thường được thắng

Hay an trụ lâu ở Thế Gian

Cũng làm hòa nhẫn với bạo ác

_Bốn Minh Pháp Đại Bà La Môn

Nhóm Chú huyễn hóa thảy đều thông

Ở trong Thiên Tiên được tự tại

Hay làm hạt giống với đại địa

_Khi các Thiên Nữ tập hội thời

Như thủy triều biển lớn đều đến

Ở các Long Thần, chúng Dược Xoa

Đều làm Thượng Thủ (Pramukha) hay điều phục

_Tối Phạm Hạnh ở trong các nữ

Lời nói giống như chủ Thế Gian

Ở chỗ của vua, như hoa sen

Hoặc tại bên sông như cầu, thuyền

_Diện mạo giống như trăng tròn đầy

Đầy đủ Đa Văn (Bahu-śrūta) làm chỗ dựa

Biện tài nổi bật như núi cao

Người nhớ, đều cùng làm cồn, bãi

_Hàng A Tô La, các Thiên Chúng

Đều cùng khen ngợi Công Đức ấy

Cho đến Thiên Nhãn Đế Thích Chủ

Dùng Tâm ân trọng mà quán sát

_Chúng sinh nếu có việc mong cầu

Đều hay khiến họ mau được thành

Cũng khiến thông biện, đủ Văn Trì

Ở trong Đại Địa là bậc nhất

_Ở trong mười phương Thế Giới này

Như đèn sáng lớn thường chiếu khắp

Cho đến Quỷ Thần, các cầm thú

Thảy đều thỏa thích Tâm mong cầu

_Ở trong các nữ như đỉnh núi

Đồng Tiên Nhân xưa, trụ đời lâu

Như Thiếu Nữ Thiên thường lìa Dục

Nói thật, giống như Đại Thế Chủ

_Nhìn khắp Thế Gian: loài sai biệt

Cho đến các cung Trời cõi Dục (Kāma-dhātu)

Chỉ có Thiên Nữ riêng xưng Tôn

Chẳng thấy hữu tình nào hơn được

_Nếu cớ chiến trận, nơi đáng sợ

Hoặc thấy rơi vào hầm lửa lớn

Bến sông, hiệm nạn, trộm cướp thời

Đều hay khiến cho trừ sợ hãi

_Hoặc bị cùm, trói bởi phép vua

Hoặc bị oán thù đến giết hại

Nếu hay chuyên chú, Tâm chẳng dời

Quyết định giải thoát các lo khổ

_Nơi người thiện ác đều ủng hộ

Từ Bi thương xót thường hiện tiền

Thế nên, tôi dùng Tâm chí thành

Cúi lạy quy y Đại Thiên Nữ”

 

_Lúc đó, Bà La Môn lại dùng Chú khen Thiên Nữ là: 

“Kính lễ, kính lễ Thế Gian Tôn

Ở trong các Mẫu (Mātṛ) rất thù thắng

Ba loại Thế Gian đều cúng dường

Diện mạo, dung nghi, người thích quán

_Mọi loại Diệu Đức dùng nghiêm thân

Mắt như cánh sen xanh dài rộng

Đủ Phướng Trí, ánh sáng, danh tiếng

Ví như ngọc Ma Ni vô giá

_Nay tôi khen ngợi đấng Tối Thắng

Đều hay thành biện Tâm mong cầu

Công Đức chân thật, diệu cát tường

Ví như hoa sen rất thanh tịnh

_Thân sắc đoan nghiêm đều thích thấy

Mọi tướng hiếm có, khó nghĩ bàn

Hay phóng ánh sáng Trí không dơ (vô cấu Trí)

Ở trong các niệm là tối thắng

_Giống như Sư Tử trên các thú

Thường dùng tám tay tự trang nghiêm

Đều cầm cung, tên, đao, sáo (cây giáo dài), búa

Chày dài, Thiết Luân (bánh xe sắt) với sợi dây

_Đoan chính, thích nhìn như trăng đầy

Ngôn từ thông suốt, âm hòa nhã

Nếu có chúng sinh, Tâm nguyện cầu

Việc thiện tùy niệm khiến viên mãn

_Đế Thích, chư Thiên đều cúng dường

Đều cùng khen ngợi, nên quy y

Mọi Đức hay sinh, khó nghĩ bàn

Trong tất cả thời khởi cung kính

Toa ha (SVĀHĀ)

(Chú Tụng bên trên này là Chú cũng là Tán. Nếu khi trì Chú thời đều tụng trước tiên)

 

_Nếu muốn cầu thỉnh Biện Tài Thiên

Y câu, ngôn từ của Chú Tán này

Sáng sớm, thanh tịnh chí thành tụng

Nơi việc mong cầu, đều tùy Tâm”

 

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bà La Môn: “Lành thay! Lành thay! Ông hay như vậy làm lợi ích cho chúng sinh, ban cho an vui, khen Thiên Nữ ấy, thỉnh cầu gia hộ, được Phước vô biên

(Chú Pháp trong Phẩm này  có lược có rộng, hoặc mở hoặc hợp, trước sau chẳng giống nhau. Bản Phạn ghi rất nhiều, chỉ y theo một bản dịch, mang người đời sau xem xét để biết)

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ BẢY (Hết)_

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ TÁM_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

ĐẠI BIỆN TÀI THIÊN NỮ

_PHẨM THỨ MƯỜI LĂM_ CHI HAI_

 

Bấy giờ, Bà La Môn Kiều Trần Như nói Tán Thán với Pháp Chú Tán bên trên, khen Biện Tài Thiên Nữ xong, lại bảo Đại Chúng: “Nhân Đẳng! Nếu muốn thỉnh Biện Tài Thiên Nữ thương xót gia hộ, ở trong đời hiện tại được biện bác không có ngăn ngại, thông minh, Đại Trí, ngôn từ khéo léo, tài năng thông suốt khác thường, luận nghị văn hoa, tùy ý thành tựu, không có đình trệ… thì nên như vậy chí thành ân trọng mà triệu thỉnh rằng:   

Nam mô Phật Đà dã

Nam mô Đạt Ma dã

Nam mô Tăng Già dã

Nam mô chúng Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn, tất cả Hiền Thánh

Chư Phật mười phương ở quá khứ hiện tại thảy đều đã quen dùng lời nói chân thật, hay tùy thuận nói thích ứng với căn cơ, nói lời chân thật không có nói lời lừa dối. Đã ở vô lượng câu chi Đại Kiếp thường nói lời chân thật. Người có lời nói chân thật thảy đều tùy vui. Do chẳng nói dối cho nên lộ ra cái lưỡi dài rộng hay che khắp khuôn mặt, che trùm Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) với bốn Thiên Hạ, hay che trùm một ngàn hai ngàn ba ngàn Thế Giới, che trùm khắp mười phương Thế Giới, viên mãn vòng khắp, chẳng thể nghĩ bàn. Hay trừ tất cả sự nóng bức của phiền não. 

Kính lễ, kính lễ tướng lưỡi như vậy của tất cả chư Phật

Nguyện cho con (họ tên…) đều được thành tựu biện tài vi diệu.

Chí Tâm quy mệnh

_Kính lễ chư Phật diệu biện tài 

Các Đại Bồ Tát  diệu biện tài 

Độc Giác, bậc Thánh diệu biện tài 

Bốn Hướng bốn Quả diệu biện tài 

Lời bốn Thánh Đế diệu biện tài 

Chính Hạnh Chính Kiến diệu biện tài 

Phạm Chúng, các Tiên diệu biện tài 

Đại Thiên, Ô Ma diệu biện tài 

Tắc Kiến Đà Thiên  diệu biện tài  

Ma Na Tư Vương diệu biện tài 

Thông Minh Dạ Thiên diệu biện tài 

Bốn Đại Thiên Vương diệu biện tài 

Thiện Trụ Thiên Tử diệu biện tài 

Kim Cương Mật Chủ diệu biện tài 

Phệ Suất Nộ Thiên diệu biện tài 

Tỳ Ma Thiên Nữ diệu biện tài 

Thị Số Thiên Thần diệu biện tài 

Thất Lợi Thiên Nữ diệu biện tài 

Thất Lợi Mạt Đa diệu biện tài 

Hề Lý Ngôn Từ diệu biện tài 

Các Mẫu, Đại Mẫu diệu biện tài 

Ha Lý Để Mẫu diệu biện tài 

Các Dược Xoa Thần diệu biện tài 

Các vua mười phương diệu biện tài 

Hết thảy Thắng Nghiệp trợ giúp con

Được Diệu Biện Tài không cùng tận

_Kính lễ bậc không có lừa dối

Kính lễ bậc đã được giải thoát

Kính lễ người thoát lìa Tham Dục

Kính lễ bậc buông bỏ Triền (Paryavasthāna: tên riêng của phiền não) Cái (Āvaraṇa: phiền não)

Kính lễ bậc có Tâm thanh tịnh

Kính lễ bậc có hào quang sáng

Kính lễ bậc nói lời chân thật

Kính lễ bậc không có Trần Tập (Tập khí của thế tục)

Kính lễ bậc trụ ở Thắng Nghĩa

Kính lễ Đại Chúng Sinh (Mahā-satva)

Kính lễ Biện Tài Thiên

Khiến lời (từ) con không ngại

Nguyện việc con mong cầu

Đều mau chóng thành tựu

Không bệnh thường an ổn

Thọ mạng được kéo dài

Khéo hiểu các Minh Chú

Siêng tu Bồ Đề Đạo (Bodhi-mārga)

Rộng nhiêu ích quần sinh

Cầu Tâm Nguyện sớm đạt

Con nói lời chân thật

Con nói lời không dối

Thiên Nữ Diệu Biện Tài

Khiến con được thành tựu

_Nguyện xin Thiên Nữ đến

Khiến lời con thông suốt

Mau vào trong thân miệng

Thông minh, đủ biện tài

_Nguyện khiến lưỡi của con

Sẽ được Như Lai Biện (biện tài của Như Lai)

Do uy lực lời ấy

Điều phục các chúng sinh

_Khi con nói ra lời

Tùy việc đều thành tựu

Người nghe sinh cung kính

Chỗ làm chẳng hư mất

_Nếu con cầu biện tài

Mà việc chẳng thành tựu

Lời thật của Thiên Nữ

Thảy đều thành hư vọng

_Có gây tội Vô Gián

Lời Phật khiến điều phục

Cùng với A La Hán

Hết thảy lời báo ân

_Xá Lợi Tử, Mục Liên

Chúng bậc nhất của Phật

Lời chân thật nhóm này

Nguyện con đều thành tựu

_Nay con đều triệu thỉnh

Chúng Thanh Văn của Phật

Đều nguyện mau đi đến

Thành tựu Tâm con cầu

_Lời chân thật đã cầu

Đều nguyện không hư dối

Trên từ Sắc Cứu Cánh

Cùng với Tịnh Cư Thiên

Đại Phạm với Phạm Phụ

Tất cả chúng Phạm Vương

Cho đến khắp ba ngàn

Tác Ha Thế Giới Chủ

Cùng với các quyến thuộc

Nay con đều thỉnh triệu

Nguyện xin giáng Từ Bi

Xót thương đồng nhiếp nhận

Tha Hóa Tự Tại Thiên

Cùng với Lạc Biến Hóa

Thiên Chúng Đổ Sử Đa

Từ Thị (Maitreya) sẽ thành Phật

Các Thiên Chúng Dạ Ma

Với Tam Thập Tam Thiên

Chúng bốn Đại Thiên Vương

Tất cả các Thiên Chúng

Thần đất, nước, lửa, gió

Nương núi Diệu Cao trụ

Chúng Sơn Thần bảy biển

Hết thảy các quyến thuộc

Mãn Tài với Ngũ Đỉnh

Nhật, Nguyệt các Tinh Thần

Các Thiên Chúng như vậy

Khiến Thế Gian an ổn

Các Thiên Thần nhóm này

Chẳng thích gây nghiệp tội

_Kính lễ Quỷ Tử Mẫu

Với đứa con nhỏ nhất

Chúng Trời, Rồng, Dược Xoa

Càn Thát, A Tô La

Cùng với Khẩn Na La

Hàng Mạc Hô La Già

Con dùng sức Thế Tôn

Đều đích thân Thỉnh Triệu

Nguyện giáng Tâm Từ Bi

Cho con Vô Ngại Biện (biện tài vô ngại)

Tất cả chúng Người, Trời

Hay rõ Tâm kẻ khác

Đều nguyện gia Thần Lực

Cho con Diệu Biện Tài

Cho đến tận hư không

Vòng khắp nơi Pháp Giới

Hết thảy loài Hàm Sinh

Cho con Diệu Biện Tài”

Khi ấy, Biện Tài Thiên Nữ nghe lời Thỉnh này xong, liền bảo Bà La Môn rằng: “Lành thay Đại Sĩ! Nếu có người nam, người nữ hay y theo Chú với Chú Tán như vậy, như trước đã nói Pháp Thức thọ trì, quy kinh Tam Bảo, thành Tâm chính Niệm, nơi việc mong cầu đều chẳng hư mất, lại kèm thọ trì, đọc tụng Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này thì điều đã nguyện cầu không có gì chẳng toại nguyện, mau được thành tựu, trừ chẳng chí Tâm”

Thời Bà La Môn, thâm tâm vui vẻ, chắp tay đỉnh thọ

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Biện Tài Thiên Nữ: “Lành thay! Lành thay Thiện Nữ Thiên! Ngươi hay lưu bày Kinh Vương màu nhiệm này ủng hộ hết thảy người thọ trì Kinh với hay lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến được an vui, nói Pháp như vậy ban cho Biện Tài chẳng thể nghĩ bàn, được Phước vô thượng. Các người phát Tâm mau hướng đến Bồ Đề”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

ĐẠI CÁT TƯỜNG THIÊN NỮ

_PHẨM THỨ MƯỜI SÁU_

 

Bấy giờ, Đại Cát Tường Thiên Nữ (Śrī-mahā-devī) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ bàn chân của Đức Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: ‘Thế Tốn Nếu con thấy có Bật Sô, Bật Sô Ni, Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư ca thọ trì đọc tụng, vì người giải nói Kinh Kim quang Minh Tối Thắng Vương này thì con sẽ chuyên Tâm cung kính, cúng dường vị Pháp Sư của nhóm ấy là: thức ăn uống, quần áo, giường nằm, thuốc men, với tất cả vật dụng cần thiết khác, đều khiến cho viên mãn, không có thiếu thốn. Hoặc ngày hoặc đêm đối với hết thảy nghĩa câu của Kinh Vương này, quán sát nghĩ lường, an vui mà trụ, khiến cho Kinh Điển này ở Thiệm Bộ Châu rộng hành lưu bày. Vì hữu tình kia đã ở chỗ của vô lượng trăm ngàn Đức Phật gieo trồng căn lành, thường khiến được nghe, chẳng mau ẩn mất. Lại ở vô lượng trăm ngàn ức kiếp sẽ nhận được mọi loại niềm vui thù thắng của người, Trời; thường được giàu có đầy đủ, trừ hẳn sự đói kém mất mùa, tất cả hữu tình luôn được an vui, cũng được gặp thẳng chư Phật Thế Tôn. Ở đời vị lai mau chứng quả Vô Thượng Đại Bồ Đề, dứt hẵn nạn khổ luân hồi trong ba đường.

Thế Tôn! Con nhớ về thời quá khứ, có Đức Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác (Rakta-kusuma-guṇa-sāgara-vaiḍūrya-kanaka-giri-suvarṇa-kāñcana-prabhāsa-śrī  Tathāgatāya arhate samyaksaṃbuddhāya) đầy đủ mười hiệu. Con ở chỗ của Đức Phật ấy, gieo trồng các căn lành. Do sứ uy thần Từ Bi thương xót của Đức Như Lai ấy, hay khiến cho vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh thọ nhận các khoái lạc, cho đến quần áo, thức ăn uống, vật dụng sinh sống cần thiết, nhóm báu: vàng. Bạc, Lưu Ly, Xa Cừ, Mã Não, San Hô, Hổ Phách, châu báu… đều khiến cho sung túc.

Nếu lại có người chí Tâm đọc tụng Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, cũng nên ngày ngày đốt mọi hương thơm tốt với các hoa màu nhiệm vì con cúng dường Đức Lưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác. Lại nên mỗi ngày, ở trong ba thời xưng niệm tên của con, riêng dùng hương hoa với các thức ăn ngon cúng dường cho con, cũng thường nghe nhận Kinh Vương màu nhiệm này được Phước như vậy”.

Rồi nói Tụng là:

“Do hay trì Kinh như vậy nên

Thân mình, quyến thuộc lìa suy kém

Cần áo, thức ăn… không có thiếu

Uy quang, thọ mệnh khó cùng tận

Hay khiến địa vị thường tăng trưởng

Chư Thiên tuôn mưa tùy thời tiết

Khiến các Thiên Chúng đều vui thích

Với Thần: vuờn, rừng, lúa đậu, quả

Rừng rậm, cây quả đều tươi tốt

Hết thảy mầm lúa đều thành tựu

Muốn cầu trân tài đều mãn nguyện

Tùy chỗ đã niệm, toại Tâm ấy”

 

Đức Phật bảo Đại Cát Tường Thiên Nữ: “Lành thay! Lành thay! Ngươi hay như vậy nhớ nghĩ đến nhân xưa kia, báo ân cúng dường, lợi ích an vui cho vô biên chúng sinh, lưu bày Kinh này, Công Đức không cùng tận”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

ĐẠI CÁT TƯỜNG THIÊN NỮ TĂNG TRƯỞNG TÀI VẬT

_PHẨM THỨ MƯỜI BẢY_

 

Bấy giờ, Đại Cát Tường Thiên Nữ lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Bệ Thất La Mạt Noa Thiên Vương (Vaiśravaṇa-devarāja: Đa Văn Thiên Vương) ở phương Bắc có cái thành tên là Hữu Tài (Sāmiṣā), các cái thành chẳng xa có cái vườn tên là Diệu Hoa Phước Quang, bên trong có cái điện thù thắng do bảy báu tạo thành.

Thế Tôn! Con thường trụ ở nơi ấy. Nếu lại có người muốn cầu năm loại lúa đậu ngày ngày tăng nhiều, kho chứa tràn đầy thì cần phải phát khởi Tâm tôn kính, tin tưởng (kính tín) dọn một cái thất sạch sẽ, dùng Cồ Ma (Gomayī: phân bò) xoa tô mặt đất, nên vẽ tượng của con với mọi loại Anh Lạc trang nghiêm  vòng khắp. Nên tắm gội, thân mặc quần áo sạch, dùng hương thơm tốt xoa bôi, vào bên trong Tịnh Thất, phát Tâm vì con, mỗi ngày ba thời xưng tên của Đức Phật ấy với danh hiệu của Kinh này mà lễ kính.

NamLưu Ly Kim Sơn Bảo Hoa Quang Chiếu Cát Tường Công Đức Hải Như Lai (Namo Rakta-kusuma-guṇa-sāgara-vaiḍūrya-kanaka-giri-suvarṇa-kāñcana-prabhāsa-śrī  Tathāgatāya)

Cầm các hương hoa cùng với mọi loại thức ăn uống ngon ngọt, chí Tâm phụng hiến. Cũng đem hương hoa với các thức ăn uống cúng dường tượng của con. Lại cầm thức ăn uống rải ném phương khác, cúng thí các hàng Thần, nói lời thành thật mời thỉnh Đại Cát Tường Thiên, phát nguyện mong cầu. “Nếu như lời đã nói là chẳng hư giả  thì điều mà con đã mời thỉnh đừng khiến cho uổng phí vậy”. Lúc đó, Cát Tường Thiên Nữ biết việc này xong, liền sinh thương tưởng, khiến cho tiền của, lúa đậu trong nhà người ấy được tăng trưởng. Tức nên tụng Chú thỉnh triệu con. Trước tiên xưng tên của Phật với tên gọi của Bồ Tát, một lòng kính lễ.

_Nam mô tất cả chư Phật ba đời ở mười phương

NamBảo Kế Phật (Ratna-śikhina)

NamVô Cấu Quang Minh Bảo Tràng Phật (Amala-raśmi-ratna-ketu) 

NamKim Tràng Quang Phật (Suvarṇa-ketu-prabhāsa)

NamBách Kim Quang Tạng Phật (Śata-suvarṇa-prabhāsa-garbha)

NamKim Cái Bảo Tích Phật (Suvarṇa-ratnākara-cchatraskūṭa)

NamKim Hoa Quang Tràng Phật (Suvarṇa-puṣpa-jvala-raśmi-ketu)

NamĐại Đăng Quang Phật (Mahā-pradīpa)

NamĐại Bảo Tràng Phật (Mahā-ratna-ketu)

NamBất Động Phật (Akṣobhya) ở phương Đông

NamBảo Tràng Phật (Ratna-ketu) ở phương Nam

NamVô Lượng Thọ Phật (Amitāyus) ở phương Tây

NamThiên Cổ Âm Vương Phật (Devya-duṇḍubhi-svara) ở phương Bắc

NamDiệu Tràng Bồ Tát (Rucira-ketu)

NamKim Quang Bồ Tát (Suvarṇa-prabhāsa)

NamKim Tạng Bồ Tát (Suvarṇa-garbha)

NamThường Đề Bồ Tát (Sadāprarudita)

NamPháp Thượng Bồ Tát (Dharmodgata)

NamThiện An Bồ Tát

Kính lễ Phật, Bồ Tát như vậy xong. Tiến theo nên tụng Chú thỉnh triệu con, Đại Cát Tường Thiên Nữ. Do sức của Chú này thì việc đã mong cầu đều được thành tựu”

Liền nói Chú là:

Nam mô thất lợi mạc ha thiên nữ. Đát điệt tha: bát lợi bô liệt noa, chiết lệ, tam mạn đa đạt lạt thiết nê, mạc ha tỳ ha la yết đế, tam mạn đá, tỳ đàm mạt nê, mạc ha ca lý dã, bát lạt để sắt sá bát nê, tát bà át tha, sa đạn nê, tô bát lạt để, bô lệ, a gia na, đạt ma đa, mạc ha tỳ câu bỉ đế, mạc ha mê đốt lỗ, ổ ba tăng hứ đê, mạc ha hiệt lợi sử, tô tăng cận lý hứ đê, tam mạn đa át tha, a nô ba lạt nê, toa ha

*) NAMO  ŚRĪ  MAHĀ-DEVĪYA

TADYATHĀ: PARI-PŪRṆA-CARE,  SAMANTA  DARŚANE,  MAHĀ- VIHĀRA  GATE,  SAMANTA  VIDHĀ-MANE,  MAHĀ-KĀRYA-PRATI-ṢṬHĀPANE_ SARVĀRTHA-SĀDHANE, SUPRATI-PŪRE, ĀYĀNA  DHARMATĀ , MAHĀ-AVIKOPITE, MAHĀ-MAITRĪ, UPA-SAṂHITE, MAHĀ-KLEŚE SU-SAṂGṚHĪTE, SAMANTĀRTHA  ANUPĀLANE  SVĀHĀ

Thế Tôn! Nếu người tụng trì Thần Chú như vậy thỉnh triệu con thời con nghe thỉnh xong, liền đến nơi ấy khiến cho được toại nguyện.

Thế Tôn! Câu của Pháp quán đỉnh này là câu quyết định thành tựu, là câu chân thật, là câu không có hư dối, là Hạnh bình đẳng, đối với các chúng sinh là căn lành chân chính. Nếu có người thọ trì, đọc tụng thì nên bảy ngày bảy đêm thọ nhận tám Chi Giới. Vào lúc sáng sớm, trước tiên nhai nhấm Xỉ Mộc, tắm gội xúc miệng sạch sẽ xong, với sau lúc quá trưa, đem hương hoa cúng dường tất cả chư Phật. Tự tỏ bày tội của mình, nên vì thân mình với các Hàm Thức (satva: hữu tình) hồi hướng, phát nguyện khiến cho điều đã mong cầu mau được thành tựu.

Dọn một cái thất sạch sẽ, hoặc tại nơi Không Nhàn A Lãn Nhã (Araṇya), dùng cồ Ma (phân bò) làm Đàn, đốt Chiên Đàn Hương để làm cúng dường, bày một cái tòa thù thắng, phan lọng trang nghiêm. Đem các hoa thơm đẹp xếp bày bên trong Đàn, cần phải chí Tâm tụng trì Chú lúc trước, hy vọng con (Đại Cát Tường Thiên Nữ) đến. Ở lúc đó, con liền hộ niệm, quán sát người này, đi đến vào cái thất ấy, chọn cái tòa để ngồi, nhận cúng dường ấy. Từ đây vầ sau sẽ khiến cho người ấy ở trong giấc mộng được thấy con, tùy theo việc đã mong cầu, dùng sự thật báo cho biết       

Hoặc ở thôn xóm, nhà trống với trú xứ của Tăng thì tùy theo điều đã mong cầu đều khiến cho viên mãn. Vàng, bạc, tài bảo, bò, dê, lúa đậu, lúa mạch, thức ăn uống, quần áo đều được tùy theo Tâm thọ nhận các khoái lạc. Đã được quả thắng diệu như vậy thì nên đem phần bên trên cúng dướng Tam Bảo với cúng thí cho con, rộng làm Pháp Hội, bày các thức ăn uống, xếp bày hương hoa. Đã cúng dường xong thì đem bán hết thảy thứ cúng dường lấy tiền, lại làm cúng dường. Con sẽ suốt đời thường trụ ở đây, ủng hộ người này khiến không có thiếu thốn, tùy theo điều đã mong cầu thảy đều vừa ý. Cũng nên thời thời cấp giúp cho người nghèo túng, chẳng nên tham tiếc, giữ riêng cho thân mình. Thường đọc Kinh này, cúng dường chẳng dứt. Nên đem Phước này bố thí cho tất cả, hồi hướng Bồ Đề, nguyện ra khỏi sinh tử, mau được giải thoát”

  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen rằng: “Lành thay Cát Tường Thiên Nữ! Ngươi hay như vậy lưu bày Kinh này, thật chẳng thể luận bàn, ta người đều được lợi ích”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

KIÊN LAO ĐỊA THẦN

_PHẨM THỨ MƯỜI TÁM_

 

Bấy giờ, Kiên Lao Địa Thần (Dṛḍha-pṛthivi) tức ở trong Chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tốn Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, hoặc đời hiện tại, hoặc đời vị lai, nếu thành ấp, thôn xóm, cung vua, lầu, quán với A Lan Nhã (Araṇya), núi, nhà, rừng vắng… nơi có Kinh Vương này lưu bày.

Thế Tôn! Con sẽ đi đến nơi ấy cúng dường, cung kính, ủng hộ lưu thông. Nếu có phương xứ vì vị Thầy thuyết Pháp dựng lập cái tòa cao diễn nói Kinh thì con dùng Thần Lực, chẳng hiện bản thân, ở ngay cái tòa dùng đỉnh đầu đội bàn chân của vị ấy. Con được nghe Pháp nên thâm tâm vui vẻ, được ăn Pháp Vị, tăng ích uy quang, vui thích vô lượng. Tự thân đã được lợi ích như vậy, cũng khiến cho Đại Địa sâu sáu mươi vạn tám ngàn Du Thiện Na đến bờ mé Kim Cương, khiến cho mùi vị của đất ấy thảy đều tăng ích, cho đến bốn biển, hết thảy đất đai cũng khiến cho ruộng nương tươi tốt, đất xốp mềm màu mỡ tăng hơn ngày thường gấp bội. Cũng lại khiến cho Thiệm Bộ Châu này: sông nhỏ, sông lớn, ao, đầm, hết thảy các cây, cỏ thuốc, rừng rậm, mọi loại hoa quả, cọng rễ, cành lá với các mầm lúa… có hình dáng đáng yêu, mọi người thích nhìn, đầy đủ màu sắc mùi thơm đều thọ dụng được.

Nếu các hữu tình thọ dụng thức ăn uống thù thắng như vậy xong thì sống lâu; sắc đẹp, sức lực, các căn an ổn, tăng ích tươi sáng, không có các đau đớn bực bội. Tâm Tuệ cứng mạnh không có gì chẳng kham nhận được. Lại Đại Địa này, phàm có chỗ cần thì trăm ngàn sự nghiệp thảy đều tốt hết.

Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên này, các Thiệm Bộ Châu an ổn giàu có vui sướng, người dân đông đầy, không có các suy não, hết thảy chúng sinh đều được an vui. Đã thọ nhận như vậy thì thân tâm khoái lạc. Đối với Kinh Vương này, tăng thêm yêu kính sâu xa, ở tại chỗ nào đều nguyện thọ trì, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi. Lại nữa, ở nơi có Pháp Tòa của vị Đại Sư thuyết Pháp kia thảy đều đến chỗ ấy, vì các chúng sinh khuyến thỉnh nói Tối Thắng Kinh Vương này. Tại sao thế? Thế Tôn! Do nói Kinh này mà tự thân của con với các quyến thuộc đều nương nhờ lợi ích, khí lực tươi sáng, uy thế dũng mãnh, dung mạo đoan chính hơn lúc thường gấp bội

Thế Tôn! Con, Kiên Lao Địa Thần nương vào Pháp Vị xong thì khiến cho Thiệm Bộ Châu: đất dài rộng bảy ngàn du thiện na thảy đều xốp mềm màu mỡ, cho đến như lúc trước, hết thảy chúng sinh đều được an vui.

Chính vì thế cho nên, bạch Đức Thế Tôn! Thời chúng sinh ấy vì báo đáp ân của con, nên tác niệm này: “Tôi sẽ quyết định nghe nhận Kinh này, cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi”. Tác niệm này xong, liền từ chỗ cư trú, thành ấp, thôn xóm, nhà cửa, đất trống đi đến chỗ của Pháp Hội, đỉnh lễ vị Pháp Sư, nghe nhận Kinh này. Đã nghe nhận xong, đều quay vễ chỗ của mình, Tâm sinh mừng vui, cùng nhau nói lời này: “Ngày nay, chúng tôi được nghe Pháp màu nhiệm vô thượng thâm sâu, tức là nhiếp nhận nhóm Công Đức chẳng thể nghĩ bàn. Do sức của Kinh cho nên chúng tôi sẽ gặp được vô lượng vô biên trăm ngàn câu chi na dữu đa Phật, thừa sự cúng dường, lìa hẳn nơi cực khổ trong ba đường. Lại ở trong trăm ngàn đời sau thường sinh lên Trời với tại nhân gian thọ nhận các niềm vui thù thắng”. Thời các người ấy đều quay về chỗ ở của mình, vì mọi người nói Kinh Vương này, hoặc một ví dụ, một phẩm, một nhân duyên xưa, tên của một Đức Như Lai, tên của một vị Bồ Tát, một bài Tụng bốn câu, hoặc lại một câu. Vì các chúng sinh nói Kinh Điển này, cho đến tên gọi của đầu đề

Thế Tôn! Tùy theo nơi các chúng sinh cư trú, đất ấy thảy đều xốp mềm màu mỡ tươi tốt hơn hẳn nơi khác. Phàm vật được sinh ra trên đất đai ấy đều được tăng trưởng tối tươi rộng lớn, khiến cho các chúng sinh thọ nhận sự khoái lạc, nhiều tiền của, thích hành Huệ Thí, Tâm thường bền chắc tin sâu nơi Tam Bảo”

 

Nói lời này xong. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Kiên Lao Địa Thần rằng: “Nếu có chúng sinh nghe Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, cho đến một câu thì sau khi chết sẽ được sinh về cõi Tam Thập Tam Thiên với cõi Trời khác. Nếu có chúng sinh vì muốn cúng dường Kinh Vương này thì nên trang nghiêm nhà cửa, cho đến trương một cái dù lọng, treo một phan lụa. Do nhân duyên này, như niệm thọ sinh trên sáu cõi Trời, tùy ý nhận dùng cung màu nhiệm bảy báu, mỗi mỗi đều tự nhiên có bảy ngàn Thiên Nữ cùng nhau vui sướng, ngày đêm thường thọ nhận niềm vui thù thắng chẳng thể nghĩ bàn”

Nói lời này xong. Khi ấy, Kiên Lao Địa Thần bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do nhân duyên này, nếu có bốn Chúng đi lên Pháp Tòa, nói Pháp này thời con sẽ ngày đêm ủng hộ người này, tự ân thân mình, ở tại tòa dùng đỉnh đầu đội bàn chân của vị ấy.

Thế Tôn! Kinh Điển như vậy, vì chúng sinh kia đã ở chỗ của trăm ngàn Đức Phật gieo trồng căn lành, ở Thiệm Bộ Châu lưu bày chẳng diệt. Các chúng sinh đó nghe Kinh này thì ở đời vị lai: vô lượng trăm ngàn câu chi na dữu đa kiếp, trên cõi Trời, trong cõi người thường thọ nhận niềm vui thù thắng, được gặp chư Phật, mau thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), chẳng trải qua nỗi khổ sinh tử trong ba đường”

 

Lúc đó, Kiên Lao Địa Thần bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con có Tâm Chú hay lợi cho người, Trời, an vui tất cả. Nếu có người nam, người nữ với các bốn Chúng muốn được đích thân thấy Chân Thân của con thì cần phải chí Tâm trì Đà La Ni này, tùy theo ước nguyện của người ấy thảy đều toại tâm, ấy là: tiền của, châu báu, phục tàng (kho tàng bị che lấp), cầu Thần Thông, thuốc màu nhiệm sống lâu và chữa trị mọi bệnh, giáng phục oán địch, chế ngự các Luận khác… Nên ở Tịnh Thất, an trí Đạo Trường, tắm gội thân xong, mặc áo sạch mới, ngồi xổm trên tòa cỏ, ở trước Tôn Tượng có Xá Lợi, hoặc Chế Để (Caitye: tháp miếu) có Xá Lợi, đốt hương rải hoa, thức ăn uống cúng dường. Vào ngày 8 của kỳ Bạch Nguyệt hợp với sao Bố Sát (Puṣya: Quỷ Tú), tức có thể tụng Chú Thỉnh Triệu này

Đát điệt tha: chỉ lý chỉ lý, chủ lỗ chủ lỗ, cú lỗ cú lỗ, câu trụ câu trụ, đổ trụ đổ trụ, phộc ha phộc ha, phạt xả phạt xả, toa ha

*)TADYATHĀ: CIRI  CIRI, CURU  CURU, KURU  KURU, KUṬU  KUṬU, TOṬU  TOṬU, VAHA  VAHA, VAŚA  VAŚA  SVĀHĀ

Thế Tôn! Thần Chú này, nếu có bốn Chúng tụng 108 biến thỉnh triệu con thì con vì người này, liền đến nhận sự thỉnh cầu (phó thỉnh).

Lại nữa, Thế Tôn! Nếu có chúng sinh muốn được thấy con hiện thân cùng nói chuyện thì cũng nên như lúc trước, an trí Pháp Thức, tụng Thần Chú này:

Đát điệt tha: át chiết nê, hiệt lực sát nê, thất ni, đạt lý, ha ha, hứ hứ, khu lỗ, phạt lệ, toa ha

*)TADYATHĀ: AÑCANE  KṚŚANE-SANE-DHARI_ HA HA_ HI HI_ KURU  VĀRE  SVĀHĀ 

Thế Tôn! Nếu người trì Chú này thời nên tụng 108 biến kèm với tụng Chú lúc trước thì con liền hiện thân, tùy theo ước nguyện của người ấy đều được thành tựu, cuối cùng chẳng hư hão

Nếu muốn tụng Chú này thời trước tiên tụng Hộ Thân Chú là:

Đát điệt tha: nễ thất lý, thất lý, mạt xả yết trí, nại trí, củ trí, bột địa bột địa lệ, tỳ trí tỳ trí, củ cú trí, khư bà, chỉ lý, toa ha

*)TADYATHĀ: ŚIRI  ŚIRI_ MĀSA  KAṬI  NAṬI  KUṬI_ BUDDHI  BUDDHILĪ_ VIṬI  VIṬI_ KUKUṬI  KAVACIRI  SVĀHĀ 

Thế Tôn! Khi tụng Chú này thời lấy sợi dây ngũ sắc, tụng Chú 21 biến, thắt 21 gút, cột buộc ngay sau khuỷu tay trái, tức liền hộ thân không có chỗ sợ hãi. Nếu có người chí Tâm tụng Chú này thì chỗ mong cầu đều được toại nguyện. Con chẳng nói dối, con dùng báu Phật Pháp Tăng để làm Khế Ước chứng biết là thật”   

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Địa Thần rằng: “Lành thay! Lành thay! Ông hay dùng Thật Ngữ Thần Chú này hộ trì Kinh Vương này với người nói Pháp. Do nhân duyên này khiến cho ông được vô lượng Phước Báo”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

TĂNG THẬN NHĨ GIA DƯỢC XOA

_PHẨM THỨ MƯỜI CHÍN_

 

Bấy giờ, Tăng Thận Nhĩ Gia Dược Xoa Đại Tướng (Saṃjñeya-mahā-yakṣasenāpati: Chính Liễu Tri Đại Dược Xoa Chủ) cùng với chư Thần trong 28 Bộ Dược Xoa ở trong Đại Chúng đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng: “Thế Tôn! Kim Quang Minh Tối Thắng Kinh Vương này hoặc đời hiện tại với đời vị lai, ở nơi đã tuyên dương lưu bày, hoặc ở thành ấp, thôn xóm, núi, nhà, rừng văng, hoặc cung điện của vua, hoặc trú xứ của Tăng.

Thế Tôn! Con, Thận Nhĩ Đa Dược Xoa Đại Tướng cùng với chư Thần trong 28 Bộ Dược Xoa đều đến nơi ấy, đều tự ẩn hình, tùy theo chỗ mà ủng hộ vị Thầy nói Pháp khiến lìa suy não, thường được an vui, với người nghe Pháp: hoặc nam hoặc nữ, Đồng Nam, Đồng Nữ ở trong Kinh này cho đến thọ trì một bài Tụng bốn câu, hoặc trì một câu, hoặc tên gọi đầu đề của Kinh Vương này, với trong Kinh này: tên của một Đức Như Lai, tên của một vị Bồ Tát… phát Tâm xưng niệm, cung kính, cúng dường thì con sẽ cứu giúp nhiếp thọ, khiến cho không có tai vạ, lìa khổ được vui. 

Thế Tôn! Vì sao con có tên là Chính Liễu Tri (Saṃjñeya)? Nhân duyên của điều này là Đức Phật đích thân chứng nhận (thân chứng): con biết các Pháp, con hiểu các Pháp, tùy theo tất cả Pháp có được, như tất cả Pháp có được; chủng loại, Thể Tính sai biệt của các Pháp

Thế Tôn! Các Pháp như vậy, con hay biết rõ. Con có ánh sáng Trí (Trí quang) khó nghĩ, con có cây đuốc Trí (Trí cự) khó nghĩ, con có Trí Hạnh khó nghĩ, con có nhóm Trí khó nghĩ, con có cảnh của Trí (Trí cảnh) khó nghĩ… mà hay thông đại

Thế Tôn! Như con đối với tất cả Pháp: biết chính đúng, hiểu chính đúng, giác ngộ chính đúng, hay quán sát chính đúng.

Thế Tôn! Do nhân duyên này cho nên con, Dược Xoa Đại Tướng có tên là Chính Liễu Tri. Do nghĩa này cho nên con hay khiến cho vị Thầy nói Pháp kia có ngôn từ biện luận rõ, đầy đủ trang nghiêm. Cũng khiến cho Tinh Khí theo lỗ chân lông nhập vào Thân, tràn đầy sức mạnh, uy thần cứng mạnh, không có thoái lùi khuất phục, tăng ích cho thân ấy khiến không có suy giảm, các căn an vui thường sinh vui vẻ. Do nhân duyên này làm cho hữu tình ấy ở chỗ của trăm ngàn Đức Phật gieo trồng các căn lành, tu Phưóc Nghiệp, ở Thiệm Bộ Châu rộng tuyên lưu bày, chẳng mau ẩn mất.

Các Hữu Tình ấy nghe Kinh này xong thì được ánh sáng Đại Trí chẳng thể nghĩ bàn, cùng với vô lượng nhóm Phước Trí, ở đời vị lai sẽ thọ nhận niềm vui thù thắng của người, Trời trong vô lượng câu chi na dữu đa kiếp chẳng thể nghĩ lường, thường cùng gặp gỡ trực tiếp  với chư Phật, mau chứng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi), chẳng phải trải qua sự cực khổ trong ba đường với cõi Diêm La”.

  

Lúc đó, Chính Liễu Tri Dược Xoa Đại Tướng bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con có Đà La Ni, nay đối trước Đức Phật, đích thân tự nói bày, vì muốn nhiêu ích, thương xót các hữu tình”.

Liền nói Chú là:

Nam mô phật đà dã. Nam mô đạt ma dã. Nam mô tăng già dã. Nam mô  bạt la ham ma dã. Nam mô nhân đạt la dã. Nam mô chiết đốt nam, mạc hát la xà nam. Đát điệt tha: hứ lý hứ lý, nhĩ lý nhĩ lý, cồ lý, mạc ha cồ lý, kiện đà lý, mạc ha kiện đà lý, đạt la nhĩ trĩ, mạc ha đạt la nhĩ trĩ, đan trà khúc khuyến đệ, ha ha ha ha ha, hứ hứ hứ hứ hứ, hô hô hô hô hô, hán lỗ đàm mê, cồ đàm mê, giả giả giả giả, chỉ chỉ chỉ chỉ, chủ chủ chủ chủ, chiên trà nhiếp bát la thi yết la, thi yết la, ốt để sắt trá hứ, bạc già phạm, tăng thận nhĩ gia, toa ha  

*)NAMO  BUDDHĀYA

NAMO  DHARMĀYA

NAMO  SAṂGHĀYA

NAMO  BRAHMĀYA

NAMO  INDRĀYA

NAMAḤ  CATURNAṂ_ MAHĀ-RĀJĀNĀṂ

TADYATHĀ : HILI  HILI  HILI  HILI_ MILI  MILI  MILI  MILI_ GAURI  MAHĀ-GAURI_ GĀNDHĀRI  MAHĀ-GĀNDHĀRI_ DRĀVIḌI  MAHĀ-DRĀVIḌI_ DAṆḌA  KHUKUNTE_ HA  HA  HA  HA  HA_ HI  HI  HI  HI  HI _ HO  HO  HO  HO  HO_ HURU DAME-GHŪḌA  ME_ CA  CA  CA  CA_ CI  CI  CI  CI_ CU  CU  CU  CU_ CAṆḌEŚVARA   ŚIKHARA  ŚIKHARA  UTTIṢṬHATI_ BHAGAVAN  SAṂJÑEYA SVĀHĀ

 

Nếu lại có người đối với Minh Chú này, hay thọ trì thì con sẽ cấp cho vật dụng ưa thích để sinh sống, thức ăn uống, quần áo, hoa quả, vật thực quý báu kỳ lạ. Hoặc cầu con trai, con gái, Đồng Nam, Đồng Nữ, vàng, bạc, châu báu, các Anh Lạc, vật dụng… thì con đều cung cấp tùy theo nguyện đã mong cầu, khiến cho không có thiếu thốn.

Minh Chú này có uy lực lớn. Nếu khi tụng Chú thời con sẽ mau chóng đến nơi ấy, khiến cho không có chướng ngại, tùy theo ý thành tựu.

Nếu khi trì Chú này thời nên biết Pháp ấy. Trước tiên, trên một mặt phẳng: vẽ hình tượng Tăng Thận Nhĩ Gia Dược Xoa cao 4, 5 Xích (4/3 m hay 5/3 m), tay cầm Mâu Thoản (cây giáo). Ở trước tượng này, làm một cái Đàn vuông vức, an bốn cái bình chứa đầy nước Mật hoặc nước đường cát, hương xoa bôi, hương bột, hương đốt với các vòng hoa. Lại ở trước Đàn làm lò lửa bằng đất, bên trong để lửa than; dùng Tô Ma (Soma), hạt cải thiêu đốt ở trong lò. Miệng tụng Chú lúc trước 108 biến, một biến thì thiêu đốt một lần, cho đến khi con, Dược Xoa Đại Tướng tự đến hiện thân, hỏi Chú Nhân (người trì Chú) là: “Ngươi có ý mong cầu điều gì?”. Liền đem sự việc trả lời thì con liền tùy theo lời nói, đối với việc đã mong cầu đều khiến cho đầy đủ. Hoặc cần vàng, bạc với các phục tàng. Hoặc muốn làm Thần Tiên nương theo hư không mà đi, hoặc cầu Thiên Nhãn Thông, hoặc biết việc trong Tâm của người khác, đối với tất cả hữu tình tùy ý tự tại, khiến chặt đứt phiền não, mau được giải thoát… đều được thành tựu” 

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Chính Liễu Tri Dược Xoa Đại Tướng rằng: “Lành thay! Lành thay! Ông hay như vậy lợi ích cho tất cả chúng sinh, nói Thần Chú này ủng hộ Chính Pháp, Phước Lợi vô biên”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

VƯƠNG PHÁP CHÍNH LUẬN

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI_

 

Bấy giờ, Đại Địa Thần Nữ tên là Kiên Lao (Dṛḍhī) ở trong Đại Chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, chắp tay cung kính, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Ở trong các nước làm một vị Nhân Vương, nếu không có Chính Pháp thì chẳng thể cai trị đất nước, an dưỡng cho chúng sinh, cùng với thân của chính mình ở lâu dài nơi địa vị thù thắng. Nguyện xin Đức Thế Tôn Từ Bi thương xót, nên vì con nói Vương Pháp Chính Luận (Luận chính đúng về pháp luật của vua), sự thiết yếu để cai trị đất nước, khiến cho các Nhân Vương được nghe Pháp xong, như Thuyết tu hành, chảm hóa chính đúng nơi đời, hay khiến cho địa vị thù thắng được duy trì an ninh, người dân trong nước đều nhận được lợi ích     

Khi ấy, Đức Thế Tôn ở trong Đại Chúng bảo Kiên Lao Địa Thần rằng: “Ngươi hãy nghe cho kỹ! Quá khứ có vị vua tên là Lực Tôn Tràng, vị vua ấy có người con tên là Diệu Tràng thọ nhận địa vị Quán Đỉnh. Chẳng bao lâu thì vua cha bảo Diệu Tràng rằng: “Có Vương Pháp Chính Luận (Luận chính đúng về Pháp của vua) tên là Thiên Chủ Giáo Pháp (Pháp do Thiên Chủ dạy bảo), khi xưa lúc Ta thọ nhận địa vị Quán Đỉnh để làm vị chủ của đất nước (quốc chủ) thời phụ vương của Ta tên là Trí Lực Tôn Tràng vì Ta nói Vương Pháp Chính Luận. Ta y theo Luận này, ở hai vạn năm khéo cai trị đất nước. Ta chưa từng nghĩ khởi một tâm niệm thực hành điều Phi Pháp. Ngươi ở ngày nay cũng nên như vậy, đừng dùng Phi Pháp mà cai trị đất nước. Thế nào gọi là Vương Pháp Chính Luận? Nay ngươi hãy khéo nghe! Ta sẽ vì ngươi”    

Lúc đó, vua Lực Tôn Tràng liền vì con của mình dùng Diệu Già Tha nói Chính Luận là:

“Ta nói Luận Vương Pháp

Lợi an các hữu tình

Vì Thế Gian, chặt nghi

Diệt trừ mọi lỗi lầm

Tất cả các Thiên Chủ

Cùng với Nhân Trung Vương

Nên sinh Tâm vui vẻ

Chắp tay nghe Ta nói

_Xưa kia các Thiên Chúng

Họp tại núi Kim Cương

Bốn Thiên Vương đứng dậy

Xin thỉnh hỏi Đại Phạm

“Phạm Chủ! Tối Thắng Tôn

Đại tự tại trong Trời

Nguyện thương xót chúng tôi

Chặt đứt các nghi ngờ

_Vì sao ở  cõi người

Được gọi tên là Trời?

Lại do nhân duyên nào

Tên hiệu là con Trời (thiên tử)?

_Vì sao sinh nhân gian

Riêng được làm Nhân Chủ (vua của loài người)?

Vì sao ở trên Trời

Lại được làm vua Trời (thiên Vương)?”

 

_Như vậy Hộ Thế Gian (Loka-pāla)

Hỏi Phạm Vương ấy xong

Bấy giờ Phạm Thiên Chủ

Liền vì bốn vua nói

 “Hộ Thế ! Ông nên biết

Vì lợi cho hữu tình

Hỏi ta Pháp Trị Quốc

Ta nói, hãy khéo nghe

Do sức Thiện Nghiệp trước

Lên Trời, được làm vua

Nếu ở trong cõi người

Thống lĩnh làm Nhân Chủ

Chư Thiên cùng gia hộ

Sau đó vào thai mẹ

Đã đến trong thai mẹ

Chư Thiên lại thủ hộ

Tuy sinh tại cõi người

Tôn thắng nên tên Trời

Do chư Thiên hộ trì

Cũng được tên Con Trời (Thiên tử)

_Tam Thập Tam Thiên Chủ

Chia sức trợ Nhân Vương

Với tất cả chư Thiên

Cũng sức Tự Tại này

Trừ diệt các Phi Pháp

Khiến nghiệp ác chẳng sinh

Dạy hữu tình tu Thiện

Khiến được sinh lên Trời

_Người với chúng Tu La

Với hàng Càn Thát Bà

La Sát, Chiên Trà La

Thảy đều nhờ nửa sức

_Cha mẹ nhờ nửa sức

Khiến bỏ Ác tu Thiện

Chư Thiên cùng hộ trì

Bày các Thiện Báo ấy

_Nếu tạo các nghiệp ác

Khiến ở trong đời này

Chư Thiên chẳng hộ trì

Bày các Ác Báo ấy

_Quốc Nhân (người trong nước) tạo nghiệp ác

Vua tha, chẳng cấm chế

Đây chẳng thuận Chính Lý

Trị đuổi nên như Pháp

_Nếu thấy ác chẳng ngăn

Phi Pháp liền tăng trưởng

Liền khiến trong Vương Quốc

Gian trá, ngày thêm nhiều

_Vua thấy người trong nước

Làm ác, chẳng ngăn cấm

Chúng Tam Thập Tam Thiên

Đều sinh Tâm phẫn nộ

Nhân đây tổn Quốc Chính

Gian nịnh tràn Thế Gian

Bị Oán Địch khác lấn

Phá hoại đất nước ấy

Nhà ở với vật dụng

Tiền của đều tan mất

Mọi loại gian dối sinh

Trợ nhau cùng xâm đọat

_Do Chính Pháp làm vua

Mà chẳng hành Pháp ấy

Quốc Nhân đều phá tan

Như voi dẫm ao sen

_Gió ác nổi bất thường

Mưa dữ chẳng đúng thời

Yêu Tinh nhiều biến quái

Nhật Nguyệt Thực không sáng

_Năm lúa đậu, hoa quả

Quả trái đều chẳng thành

Đất nước bị đói kém

Do vua bỏ Chính Pháp

_Nếu vua bỏ Chính Pháp

Dùng Pháp ác dạy người

Chư Thiên ở bản cung

Nhìn thấy, sinh ưu phiền

_Các chúng Thiên Vương ấy

Cùng nhau nói như vầy

“Vua này làm Phi Pháp

Nhóm ác nương dựa nhau

Ngôi vua chẳng bền lâu

Chư Thiên đều phẫn hận

Do ôm nỗi giận dữ

Nước ấy sẽ bại vong”

_Dùng Phi Pháp dạy người

Lưu hành ở trong nước

Đấu tranh nhiều gian trá

Bệnh dịch sinh mọi khổ

Thiên Chủ chẳng hộ niệm

Trời khác đều vứt bỏ

Đất nước sẽ diệt vong

Thân vua chịu khổ ách

Cha mẹ với vợ con

Anh em với chị em

Đều chịu khổ chia lìa

Cho đến mất thân mạng

_Biến quái, sao rơi xuống

Hai mặt trời cùng hiện

Oán tặc phương khác đến

Người dân chết vì loạn

_Đại Thần được nước trọng

Chịu oan uổng mà chết

Nhóm voi, ngựa yêu quý

Cũng lại đều tan mất

_Nơi nơi dấy đao binh

Người chết vì Phi Pháp

Quỷ ác đi vào nước

Bệnh dịch lưu hành khắp

Tối Đại Thần trong nước

Cùng với các Phụ Tướng

Tâm ấy ôm dua nịnh

Thảy đều hành Phi Pháp

Thấy người hành Phi Pháp

Mà sinh tâm yêu kính

Còn người hành Thiện Pháp

Bị trị phạt khổ sở

_Do yêu kính người ác

Trị phạt người hiền thiện

Tinh Tú với gió, mưa

Lưu hành chẳng đúng thời

_Có ba loại lỗi sinh

Chính Pháp sẽ ẩn mất

Chúng sinh không sắc sáng

Đất màu mỡ chìm xuống

_Do kính ác, khinh Thiện

Lại có ba loại lỗi

Sương, mưa đá trái thời

Bệnh dịch, đói lưu hành

Lúa đậu, các quả trái

Đều tổn giảm vị ngon

Ở trong đất nước ấy

Chúng sinh nhiều bệnh tật

Các cây cối trong nước

Trước sinh quả ngon ngọt

Do đây đều tổn giảm

Đắng, chát không vị ngon

_Trước có vườn rừng đẹp

Nơi du hý đáng yêu

Đột nhiên đều khô cằn

Người thấy sinh ưu não

_Lúa, nếp, các quả trái

Vị ngon dần tiêu vong

Khi ăn, tâm chẳng vui

Làm sao mạnh mẽ được?!...

_Chúng sinh giảm sắc sáng

Thế lực suy vi hết

Tuy nuốt nhiều thức ăn

Chẳng thể khiến no đủ

_Ở trong đất nước ấy

Hết thảy loài chúng sinh

Sức kém không thế mạnh

Chẳng kham nổi việc làm

_Người dân nhiều bệnh, nạn

Mọi khổ ép bức thân

Quỷ Mỵ lưu hành khắp

Tùy nơi sinh La Sát (Rākṣasa)

_Nếu vua làm Phi Pháp

Gần gũi với người ác

Khiến ba loại Thế Gian

Nhân đây chịu suy tổn

_Như vậy, vô biên lỗi

Phát ra ở trong nước

Đều do thấy người ác

Bỏ qua, chẳng trị, đuổi

_Do chư Thiên gia hộ

Được làm vị quốc vương

Mà chẳng dùng Chính Pháp

Giữ gìn bảo vệ nước

_Nếu người tu Hạnh lành (thiện hạnh)

Sẽ được sinh lên Trời

Nếu người tạo nghiệp ác

Chết, rơi vào ba đường

_Nếu vua thấy người dân

Buông thả, tạo lỗi lầm

Chúng Tam Thập Tam Thiên

Đều sinh Tâm nóng bức

_Chẳng thuận chư Thiên dạy

Với lời cha mẹ răn

Đây là người Phi Pháp

Chẳng phải vua, con hiếu

_Nếu trong nước của mình

Thấy người hành Phi Pháp

Như Pháp nên trị phạt

Chẳng nên sinh buông bỏ

Thế nên các Thiên Chúng

Đều hộ trì vua này

Đã diệt các Pháp ác

Hay tu các căn lành

_Vua ở trong đời này

Nhận quả báo hiện tại

Do nơi nghiệp Thiện Ác

Khuyên chúng sinh làm, bỏ

_Vì bày báo Thiện Ác

Nên được làm Nhân Vương

Chư Thiên cùng hộ trì

Tất cả đều tùy vui

_Do lợi mình lợi người

Trị quốc dùng Chính Pháp

Thấy có kẻ dua nịnh

Cần phải trị như Pháp

_Giả sử mất ngôi vua

Cùng với hại Mệnh Duyên

Quyết chẳng hành Pháp ác

Thấy ác nên vứt bỏ

_Điều tai hại cực nặng

Không hơn mất ngôi vua

Đều nhân người dua nịnh

Do đây nên trị phạt

_Nếu có người dối trá

Sẽ đánh mất ngôi vua

Do đây tổn Vương Chính (Đạo làm vua)

Như voi vào vườn hoa

Thiên Chủ đều sân hận

A Tô La cũng thế

Do vị Nhân Vương ấy

Chẳng dùng pháp trị nước

Bởi thế, nên như Pháp

Trị phạt các người ác

Dùng Thiện dạy chúng sinh

Chẳng thuận theo Phi Pháp

Thà buông bỏ thân mạng

Chẳng theo bạn Phi Pháp

Người thân với chẳng thân

Bình đẳng, quán tất cả

_Nếu là vua Chính Pháp

Trong nước không thiên lệch

Pháp Vương có danh tiếng

Vang khắp trong ba cõi

Chúng Tam Thập Tam Thiên

Vui vẻ nói lời này

“Pháp Vương Thiệm Bộ Châu

Đấy tức là con Ta

Dùng Thiện dạy chúng sinh

Chính Pháp cai trị nước

Khuyên thực hành Chính Pháp

Sinh vào cung của Ta”

_Trời với các con Trời

Cùng với chúng Tô La

Nhân Vương dạy Chính Pháp

Thường được Tâm vui vẻ

Thiên Chúng đều vui vẻ

Cùng hộ giúp Nhân Vương

Mọi sao đi theo ngôi

Nhật Nguyệt không trái độ

Gió hòa thường đúng thời

Mưa ngọt thuận theo thời

Mầm, quả đều khéo thành

Người không có đói kém

Tất cả các Thiên Chúng

Tràn đầy cung của mình

Thế nên, ngươi, Nhân Vương

Quên thân hoằng Chính Pháp

Nên tôn trọng Pháp Bảo

Do đây, mọi an vui

Thường nên gần Chính Pháp

Công Đức tự trang nghiêm

Quyến thuộc thường vui vẻ

Hay xa lìa các ác

Dùng Pháp dạy chúng sinh

Luôn khiến được an ổn

Khiến tất cả người kia

Tu hành mười nghiệp Thiện

Cả nước vui sung túc

Đất nước được an ninh

_Vua dùng Pháp dạy người

Khéo điều phục Hạnh ác

Thường được danh tiếng tốt

An vui các chúng sinh”  

Khi ấy, tất cả Nhân Vương trong đại địa với các Đại Chúng nghe Đức Phật nói tích xưa: Phát thiết yếu cai trị đất nước của Nhân Vương, được điều chưa từng có, đều rất vui vẻ, tin nhận, phụng hành.

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ TÁM (Hết)_

 

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ CHÍN_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH

 

VUA THIỆN SINH

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI MỐT_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các Đại Chúng nói Vương Pháp Chính Luận xong. Lại bảo Đại Chúng: “Các Ngươi nên lắng nghe! Nay Ta vì ngươi nói nhân duyên phụng Pháp xưa kia”

Liền ở lúc đó, nói Già Tha (Gāthā: Kệ Tụng) là:

“Xưa Ta từng làm Chuyển Luân Vương

Bỏ Đại Địa này với biển lớn

Trân bảo đều tràn đầy bốn châu

Cầm đem cúng dường các Như Lai

_Ta ở vô lượng kiếp xưa kia

Vì cầu Pháp Thân chân thanh tịnh

Thảy đều buông bỏ vật yêu thích

Cho đến thân mạng, Tâm không tiếc

_Lại ở quá khứ kiếp khó lường

Có Chính Biến Tri tên Bảo Kế

Sau khi Như Lai ấy Niết Bàn

Có vua ra đời tên Thiện Sinh

Làm Chuyển Luân Vương coi bốn châu

Tận mé biển lớn đều quy phục

Đêm mộng nghe nói Phước Trí Phật

Thấy có Pháp Sư tên Bảo Tích

Ngồi tòa đoan nghiêm như mặt trời

Diễn nói Điển (kinh điển) Kim Quang vi diệu

_Lúc đó, vua ấy từ mộng tỉnh

Sinh đại hoan hỷ tràn khắp thân

Đến khi sáng sớm, rời cung vua

Đến chỗ của Bật Sô Tăng Già

Cung kính cúng dường chúng Thánh xong

Tức liền hỏi các Đại Chúng ấy

Xem có Pháp Sư tên Bảo Tích

Thành tựu Công Đức, dạy chúng sinh

_Bấy giờ Đại Pháp Sư Bảo Tích

Trụ nghỉ ở trong một cái Thất

Chính niệm, tụng nghĩ Điển (Kinh Điển) vi diệu

Thân ngay chẳng động, tâm vui sướng

_Thời có Bật Sô dẫn dắt vua

Đến nơi cư trú của Bảo Tích

Thân ngồi ngay ngắn trong cái Thất

Ánh sáng, diệu tướng tràn khắp thân

Thưa với vua: Đây là Bảo Tích

Trì Hành Xứ thâm sâu của Phật

Ấy là Kim Quang Minh vi diệu

Vua trong các Kinh, đứng bậc nhất

_Thời vua tức liền lễ Bảo Tích

Cung kính chắp tay, rồi đến Thỉnh

Nguyện xin Mãn Nguyệt Diện (Bậc có khôn mặt như trăng đầy) đoan nghiêm

Nói Pháp Kim Quang Minh vi diệu

_Pháp Sư Bảo Tích nhận lời thỉnh

Hứa vì vua nói Kim Quang Minh

Vòng khắp trong ba ngàn Thế Giới

Chư Thiên, Đại Chúng đều vui vẻ

_Vua ở nơi thanh tịnh rộng rãi

Châu báu kỳ diệu dùng nghiêm sức

Nước hương thượng diệu rưới thấm bụi

Treo lụa, phan, lọng để trang nghiêm

Mọi loại hương bột với hương xoa

Hơi thơm phưng phức đều vòng khắp

Trời, Rồng, Tu La, Khẩn Na La

Mạc Hô Lạc Già với Dược Xoa

Chư Thiên tuôn mưa hoa Mạn Đà

Đều đến cúng dường tòa cao ấy

Lại có ngàn vạn ức chư Thiên

Thích nghe Chính Pháp đều đến dự

Pháp Sư từ chỗ ngồi đứng dậy

Thảy đều đem hoa Trời cúng dường

_Lúc đó, Đại Pháp Sư Bảo Tích

Tắm gội sạch xong, mặc áo mới

Đến chỗ Pháp Tòa trong Đại Chúng

Chắng tay, thành Tâm mà lễ kính

Thiên Chủ, Thiên Chúng với Thiên Nữ

Cùng nhau rải tán hoa Mạn Đà

Trăm ngàn nhạc Trời khó nghĩ bàn

Trong hư không phát tiếng màu nhiệm

_Bấy giờ, Đại Pháp Sư Bảo Tích

Liền lên tòa cao, ngồi Kiết Già

Nghĩ các cõi nước mười phương ấy

Trăm ngàn vạn ức Đại Từ Tôn

Với khắp tất cả chúng sinh khổ

Đều khởi niệm Từ Bi bình đẳng

Vì chủ thỉnh Thiện Sinh ấy nên

Diễn nói Kim Quang Minh vi diệu

_Vua đã được nghe Pháp như vậy

Chắp tay, một lòng xướng tùy vui

Nghe Pháp hiếm có, lệ tuôn chảy

Thân tâm rất vui sung mãn khắp

_Lúc đó, Quốc Chủ thiện Sinh Vương

Vì muốn cúng dường Kinh này nên

Tay cầm báu Ma Ni Như Ý 

Phát nguyện đều vì các chúng sinh

Nay có thể ở Thiệm Bộ Châu

Tuôn mưa bảy báu, chuỗi anh lạc

Mọi người thiếu thốn tiền của này

Đều được tùy Tâm, hưởng an vui

Tức liền tuôn khắp mưa bảy báu

Thảy đều tràn đầy trong bốn Châu

Anh Lạc nghiêm thân, tùy chỗ cần

Quấn áo, ăn uống đều không thiếu

_Khi ấy, Quốc Chủ Thiện Sinh Vương

Thấy bốn châu tuôn mưa bảy báu

Đều cầm cúng dường Bảo Kế Phật 

Hết thảy Di Giáo, Bật Sô Tăng

_Nên biết vua Thiện Sinh quá khứ

Tức là Ta, Thích Ca Mâu Ni

Vì ở thời xưa bỏ Đại Địa

Với các châu báu đầy bốn châu

Đại Pháp Sư Bảo Tích khi xưa

Vì Thiện Sinh ấy nói Diệu Pháp

Nhân mở diễn Kinh Vương ấy nên

Hiện thành Bất Động Phật phương Đông

_Do Ta từng nghe Kinh Vương này

Chắp tay, một lời xưng tùy vui

Vói các Công Đức cúng bảy báu

Được thân Kim Cương tối thắng này

Sáng vàng, trăm tướng Phước trang nghiêm

Hết thảy người thấy đều vui vẻ

Tất cả hữu tình luôn yêu kính

Câu chi Thiên Chúng cũng như thế

_Quá khứ từng trải chín mươi chín

Câu chi ức kiếp làm Luân Vương

Cũng ở nước nhỏ làm Nhân Vương

Trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp

Ở vô lượng kiếp làm Đế Thích

Cũng lại từng làm Đại Phạm Vương

Cúng dường Thập Lực Đại Từ Tôn

Số lượng ấy khó mà cùng tận

_Xưa, Ta nghe Kinh tùy vui Thiện

Hết thảy nhóm Phước, lượng khó nghĩ

Do Phước này nên chứng Bồ Đề

Đắc được Pháp Thân, Chân Diệu Trí

Khi ấy, Đại Chúng nghe Thuyết này xong thì khen là “chưa từng có!” đều nguyện phụng trì Kinh Kim Quang Minh, lưu thông chẳng diệt.

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

CHƯ THIÊN DƯỢC XOA HỘ TRÌ

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI HAI_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Cát Tường Thiên nữ (Śrī-mahā-devī) rằng: “Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có niềm tin trong sạch, muốn đối với chư Phật quá khứ vị lai hiện tại, đem vật cúng dường vi diệu rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn để phụng hiến, với muốn hiểu rõ Hành Xứ thâm sâu của chư Phật ba đời thì người đó cần phải quyết định, chí Tâm tùy theo nơi có Kinh Vương này: thành ấp, thôn xóm hoặc trong núi, nhà… rộng vì chúng sinh diễn bày lưu bố, Người nghe Pháp ấy nên trừ loạn tưởng, nhiếp lỗ tai dụng Tâm” 

Lúc đó, Đức Thế Tôn vị vị Trời ấy với các Đại Chúng, nói Già Tha (Kệ Tụng) là:

“Muốn đối với chư Phật

Cúng dường khó nghĩ bàn

Hiểu cảnh giới thâm sâu

Của các Đức Như Lai

Hoặc nhìn thấy diễn nói

Kim Quang Minh tối thắng

Đích thân đến phương ấy

Đến chỗ trụ xứ đó

Kinh này khó nghĩ bàn

Hay sinh các Công Đức

Vô biên biển khổ lớn

Giải thoát các hữu tình

_Ta quán Kinh Vương này

Đầu, giữa, cuối đều Thiện

Thâm sâu chẳng thể lường

Ví dụ không sánh nổi

Giả sử hẳng hà sa

Bụi đại địa, nước biển

Hư không, các đá núi

Không ví được chút phần

_Muốn vào Pháp Giới sâu

Trước nên nghe Kinh này

Chế Để (Caitye: tháp, miếu) của Pháp Tính (Dharmatā)

Thâm sâu khéo an trụ

_Ở trong Chế Để này

Thấy Ta, Mâu Ni Tôn

Tiếng màu nhiệm thích ý

Diễn nói Kinh Điển này

_Do đây, câu chi kiếp

Số lượng khó nghĩ bàn

Sinh trong cõi Người, Trời

Thường được vui Thắng Diệu

_Nếu người nghe Kinh này

Nên tác Tâm như vầy

Ta được Công Đức Uẩn

Vô biên khó nghĩ bàn

_Giả sử đám lửa lớn

Tràn trăm du thiện na

Vì nghe Kinh Vương này

Qua thẳng không hề khổ

_Đã đến trú xứ ấy

Được nghe Kinh như vậy

Hay diệt được nghiệp tội

Với trừ các mộng ác

_Sao ác (ác tinh) với biến quái

Nhóm Cổ Đạo, Tà Mỵ

Khi được nghe Kinh này

Các ác đều buông lìa

_Nên nghiêm thắng tòa cao

Tịnh diệu như hoa sen

Pháp Sư ở trên ấy

Giống như Rồng lớn (đại long) ngồi

Ở đây, an tọa xong

Nói Kinh thâm sâu này

Viết chép với tụng trì

Kèm vì người giải nghĩa

_Pháp Sư rời tòa này

Đi đến nơi chốn khác

Ở trong tòa cao này

Thần Thông chẳng một tướng

Hoặc thấy tượng Pháp Sư

Do ngay trên tòa cao

Có khi thấy Thế Tôn

Cùng với các Bồ Tát

Hoặc làm tượng Phổ Hiền (Samanta-bhadra)

Hoặc như Diệu Cát Tường (Maṃjuśrī)

Hoặc thấy Từ Thị Tôn (Maitreya)

Thân ở trên tòa cao

Hoặc thấy tướng lạ hiếm

Cùng với tượng chư Thiên

Tạm được thấy dung nghi

Đột nhiên lại chẳng hiện

Thành tựu các cát tường

Chỗ làm đều tùy ý

Công Đức đều viên mãn

Thế Tôn nói như vậy

Tối thắng có danh tiếng

Hay diệt các phiền não

Giặc nước khác đều trừ

Chiến đấu thường được thắng

Mộng ác đều không có

Với tiêu các độc hại

Tội ba nghiệp đã làm

Sức Kinh hay trừ diệt

Ở Thiệm Bộ Châu này

Danh tiếng đều tràn đầy

Hết thảy các oán kết

Thảy đều cùng buông lìa

Dầu có oán địch đến

Nghe tên liền lui tan

Chẳng mượn động binh đao

Hai bên sinh vui vẻ

_Phạm Vương (Brahma), Đế Thích Chủ (Indra)

Bốn Thiên Vương Hộ Thế (Loka-pāla)

Vô Nhiệt Trì Long Vương (Anavatapta-nāgarāja)

Cùng với Sa Yết La (Sāgara)

Nhạc Thần Khẩn Na La (Kiṃnarendra: Khẩn Na La Chủ)

Tô La (Surendra: Tu La Chủ), Kim Sí Chủ (Garuḍendra)

Đại Biện Tài Thiên Nữ (Sarasvatī-mahā-devī)

Với Đại Cát Tường Thiên (Śrī-mahā-devī)

Nhóm Trời Thượng Thủ (Pramukha) này

Đều thống lãnh Thiên Chúng

Thường cúng dường chư Phật

Pháp Bảo khó nghĩ bàn

Luôn sinh Tâm vui vẻ

Khởi cung kính Kinh này 

_Các Thiên Chúng nhóm này

Thảy đều cùng suy nghĩ

Quán khắp người tu Phước

Cùng nói lời như vầy

“Nên quán hữu tình này

Đều là Phước Đức lớn

Sức căn lành tinh tiến

Sẽ sinh vào cõi Trời

Vì nghe Kinh thâm sâu (Sūtra-gambhīra)

Tâm kính, đến nơi này

Cúng dường Pháp Chế Để (Dharma-stūpa: Tháp thờ Pháp)

Tôn trọng Chính Pháp (Saddharma) nên

Thương xót các chúng sinh

Mà làm nhiêu ích lớn

Nơi Kinh thâm sâu này

Làm vật khí Pháp Bảo

_Người vào Pháp Môn này

Hay nhập vào Pháp Tính (Dharmatā)

Nơi Kim Quang Minh này

Chí Tâm nên nghe nhận

Người này từng cúng dường

Vô Lượng trăm ngàn Phật

Do các căn lành ấy

Được nghe Kinh Điển này

_Như vậy, các Thiên Chủ

Thiên Nữ Đại Biện Tài (Sarasvatī)

Kèm Cát Tường Thiên (Śrī-devī) ấy

Với chúng bốn Thiên Vương (Catur-mahādhipa)

Vô số chúng Dược Xoa (Yakṣa)

Dũng mãnh có Thần Thông

Đều ở bốn phương ấy

Thường đến cùng ủng hộ

_Trời Nhật (Āditya) Nguyệt (Candra), Đế Thích (Indra)

Phệ Suất Nộ (Viṣṇu), Đại Kiên (Khara-skandha)

Nhóm Diêm La (Yama), Biện Tài (Sarasvatī)

Tất cả các Hộ Thế (loka-pāla)

Dũng mãnh đủ Uy Thần

Ủng hộ người trì Kinh

Ngày đêm thường chẳng lìa

_Đại Lực Đại Dược Xoa (Mahā-yakṣa)

Na La Diên (Nārāyaṇa), Tự Tại (Īśvara)

Chính Liễu Tri (Saṃjñeya) cầm đầu

Hai mươi tám Dạ Xoa

Trăm ngàn Dược Xoa khác

Thần Thông có Đại Lực (Mahā-bala)

Luôn ở nơi đáng sợ

Thường đến giúp người này

_Kim Cương Dược Xoa Vương (Vajra-pāṇi-yakṣendra: Kim Cương Thủ Dược Xoa Vương)

Với năm trăm quyến thuộc

Các chúng Đại Bồ Tát

Thường đến giúp người này

_Bảo Vương Dược Xoa Vương (Maṇi-bhadra-yakṣendra: Bảo Hiền Dược Xoa Vương)

Cùng với Mãn Hiền Vương (Pūrṇa-bhadra)

Khoáng Dã (Aṭāvaka), Kim Tỳ La (Kumbhīra)

Tân Độ La Hoàng Sắc (Piṅgala)

Nhóm Dược Xoa Vương này

Cùng năm trăm quyến thuộc

Thấy người nghe Kinh này

Đều đến cùng ủng hộ

_Thải Quân (Citra-sena) Kiền Thát Bà (Gandharva)

Vi Vương (Jinarāja), Thường Chiến Thắng (Jinarṣabha)

Châu Cảnh (Maṇi-kaṇṭha) với Thanh Cảnh (Nīla-kaṇṭha)

Kèm Bột Lý Sa Vương (Varṣādhipati)

Đại Tối Thắng (Mahāgrāsa), Đại Hắc (Mahā-kāla)

Tô Bạt Noa Kê Xá (Suvarṇa-keśī)

Bán Chi Ca (Pāñcika), Dương Túc (Chagala-pāda)

Cùng với Đại Bà Già (Mahā-bhāga)

Tiểu Cừ (Praṇālī) kèm Hộ Pháp (Mahā-pāla: Đại Hộ)

Cùng với Mi Hầu Vương (Markaṭa)

Châm Mao (Sūciroma) với Nhật Chi (Sūrya-mitra)

Bảo Phát (Ratna-keśa) đều đến giúp

_Đại Cừ (Mahā-praṇālī) Nặc Câu La (Nakula)

Chiên Đàn (Candana), Dục Trung Thắng (Kāma-śreṣṭha)

Xá La (Nāgāyana) với Tuyết Sơn (Haimavata)

Cùng với Sa Đa Sơn (Sātāgiri)

Đều có Đại Thần Thông

Hùng mạnh đủ Đại Lực

Thấy người trì Kinh này

Đều đến cùng ủng hộ

_A Na Bà Đáp Ca (Anavatapta)

Cùng với Sa Yết La (Sāgara)

Mục Chân (Mucilinda), Y La Diệp (Elāpatra)

Nan Đà (Nanda), Tiểu Nan Đà (Upananda)

Ở trong trăm ngàn Rồng (Nāga)

Thần Thông đủ uy đức

Cùng giúp người trì Kinh

Ngày đêm thường chẳng lìa

_Bà Trĩ (Valī), La Hầu La (Rāhula)

Tỳ Ma Chất Đa La (Vemacitra)

Mẫu Chỉ (Muci), Thiêm Bạt La (Saṃvara)

Đại Kiên (Khara-skandha) với Hoan Hỷ (Prahrāda)

Với Tu La Vương (Asura-rāja) khác

Cùng vô số Thiên Chúng

Đại lực có dũng kiện

Đều đến giúp người này

_Ha Lợi Đế Mẫu Thần (Hārītī)

Năm trăm chúng Dược Xoa

Khi người ấy ngủ, tỉnh

Thường đến cùng ủng hộ

_Chiên Trà (Caṇḍa), Chiên Trà Lợi (Caṇḍalika)

Dược Xoa Chiên Trĩ Nữ (Yakṣiṇī-caṇḍikā)

Côn Đế (Dantī), Câu Trá Xỉ (Kūṭadantī)

Hấp Chúng Sinh Tinh Khí (Sarvasattva-ujahāriṇī)

Các Thần Chúng như vậy

Đại Lực có Thần Thông

Thường giúp người trì Kinh

Ngày đêm thường chẳng lìa

_Thượng Thủ Biện Tài Thiên

Vô lượng các Thiên Nữ

Cát Tường Thiên cầm đầu

Kèm các quyến thuộc khác

Đại Địa Thần Nữ  (Pṛthivī devatā) này

Thần quả trái (Phala-śasyādhi-devatā), vườn rừng (ārāma-vṛkṣa-devatā)

Thần cây (Vṛkṣa-devatā), Thần sông nước (Vāsinyonadi-devatā)

Thần Chế Để (Caityāni-devatā), các Thần (Devatā)

Các Thiên Thần như vậy

Tâm sinh đại hoan hỷ

Đều đi đến ủng hộ

Người đọc tụng Kinh này

_Thấy người có trì Kinh

Tăng thọ mạng (Āyur), sắc (Varṇa: hình sắc), lực (Bala: sức khỏe)

Uy quang với Phước Đức

Diệu Tướng dùng trang nghiêm

_Tinh Tú (Graha-nakṣatra) hiện tai biến

Khốn ách phạm người này

Mộng thấy điềm xấu ác

Thảy đều khiến trừ diệt

_Đại Địa Thần Nữ (Pṛthivī-devatā) này

Bền chắc có Uy Thế

Do sức Kinh này nên

Pháp Vị thường sung túc

_Nếu đất tốt thấm xuống

Hơn trăm Du Thiện Na (Yojana)

Địa Thần khiến dâng lên

Tươi nhuận cho đất đai

Đất này sâu sáu mươi

Tám ức Du Thiện Na (68 ức Yojana)

Đến bờ mé Kim Cương

Khiến vị đất (vị của đất) dâng lên

_Do nghe Kinh Vương này

Được Đại Công Đức Uẩn

Hay khiến các Thiên Chúng

Đều nương lợi ích ấy

Lại khiến các Thiên Chúng

Uy lực có ánh sáng

Hoan hỷ thường an vui

Buông lìa tướng suy kém

_Ở trong Nam Châu (Jambu-dvīpa: Nam Thiệm Bộ Châu) này

Thần rừng, quả, lúa mạ (Phala-śasya-vana-devatā: Lâm Quả Miêu Giá Thần)

Do uy lực Kinh này

Tâm thường được vui vẻ

_Mầm quả đều thành tựu

Nơi nơi có hoa đẹp

Quả trái đều xum xuê

Tràn đầy ở đất đai

Hết thảy cây có quả

Cùng với mọi vườn, rừng

Đều sinh hoa màu nhiệm

Hơi hương thường thơm phức

_Mọi cỏ, các cây cối

Đều ló hoa vi diệu

Với sinh quả ngon ngọt

Tùy nơi đều tràn khắp

_Ở Thiệm Bộ Châu này

Vô lượng các Long Nữ (Nāga-kanya)

Tâm sinh rất vui vẻ

Đều cùng vào trong ao

Gieo trồng Bát Đầu Ma (Padma: hoa sen hồng)

Cùng với Phân Đà Lợi (Puṇḍarīka: hoa sen trắng)

Sen xanh (Utpala) với sen trắng (Puṇḍarīka)

Tràn đầy khắp trong ao

_Do uy lực Kinh này

Hư không luôn trong sáng

Đều trừ khiển mây mù

Ám tối đều sáng sủa

Mặt trời (Sūrya) phóng ánh sáng

Lửa Vô Cấu thanh tịnh

Do sức Kinh Vương này

Tỏa sáng khắp bốn phương

_Sức uy đức Kinh này

Trợ giúp cho Thiên Tử (Deva-putra)

Đều dùng vàng Thiệm Bộ (Jambūnada-suvarṇa)

Mà tạo làm cung điện

_Nhật Thiên Tử (Sūryendra-devaputra) mới hiện

Thấy Châu này vui vẻ

Thường dùng ánh sáng lớn

Đều chiếu sáng vòng khắp

_Ở trong Đại Địa này

Hết thảy ao hoa sen

Mặt trời chiếu đúng lúc

Không đâu chẳng nở hết

_Ở Thiệm Bộ Châu này

Ruộng nương, các quả, thuốc

Đều khiến khéo thành thục

Tràn đầy khắp đất đai

_Do uy lực Kinh này

Nơi Nhật (mặt trời) Nguyệt (mặt trăng) chiếu đến

Tinh Thần (các ngôi sao) chẳng mốt độ

Gió, mưa đều thuận thời

_Khắp Thiệm Bộ Châu này

Đất nước đều giàu, vui

Tùy chỗ có Kinh này

Thù thắng hơn phương khác

_Nếu nơi có lưu bày

Kinh Điển Kim Quang Minh

Có người hay giảng tụng

Đều được Phước như trên”

Khi ấy, Đại Cát Tường Thiên Nữ với các hàng Trời nghe điều Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ. Đối với Kinh này với người thọ trì đều một lòng ủng hộ, khiến cho không có lo lắng bực bội, thường được an vui.

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

THỌ KÝ

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI BA_

 

Bấy giờ, Đức Như Lai ở trong Đại Chúng rộng nói Pháp xong. Muốn vì Diệu Tràng Bồ Tát (Rucira-ketu) với hai người con Ngân Tràng (Rūpya-ketu), Ngân Quang (Rūpya-prabha) trao cho A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Ký.

Thời có mười ngàn vị Thiên Tử đều từ Tam Thập Tam Thiên (Trāyastriṃśat-deva) đến chỗ của Đức Phật, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, lui ra ngồi một bên, nghe Đức Phật nói Pháp

Khi ấy, Đức Phật bảo Diệu Tràng Bồ Tát rằng: “Ông ở đời sau, trải qua vô lượng vô số trăm ngàn ức na dữu đa kiếp xong, ở Thế Giới Kim Quang Minh (Suvarṇa-prabhāsa-loka-dhātu) sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā samyakyaṃbodhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), hiệu là Kim Bảo Sơn Vương (Suvarṇa-ratnākāra-cchatra-kūṭa: Kim Bảo Tướng Cái Sơn) Như Lai (Tathāgata) Ứng (Arthat) Chính Biến Tri (Samyaksaṃbuddha) Minh Hạnh Túc (Vidyācaraṇasaṃpanna) Thiện Thệ (Sugata) Thế Gian Giải (Lokavid) Vô Thượng Sĩ (Anuttara) Điều Ngự Trượng Phu (Puruṣadamyasārathi) Thiên Nhân Sư (Śāstā deva-manuṣyāṇāṃ) Phật Thế Tôn (Buddho bhagavan) hiện ra ở đời. Sau khi Đức Như Lai này Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn) thì hết thảy Giáo Pháp cũng đều diệt hết.

Thời người con trưởng tên là Ngân Tràng (Rūpya-ketu) liền ở Thế Giới này, tiếp tục Bổ Phật Xứ (bù vào chỗ của Phật), Thế Giới lúc đó chuyển thành tên Tịnh Tràng (Viraja-dhvaja), sẽ được thành Phật tên là Kim Tràng Quang (Suvarṇa-dhvaja-kāñcanāvabhāsa: Kim Tràng Chân Kim Quang Minh) Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Sau khi Đức Như Lai này Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn) thì hết thảy Giáo Pháp cũng đều diệt hết.

Người con thứ Ngân Quang (Rūpya-prabha) liền bù vào chỗ của Phật (bổ Phật xứ), lại ở cõi này sẽ được thành Phật hiệu là Kim Quang Minh (Suvarṇa-śata-raśmi-prabhāsa-garbha: Kim Thiên Quang Minh Tạng) Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Lúc đó, mười ngàn vị Thiên Tử nghe ba vị Đại Sĩ được Thọ Ký (Vyākaraṇa) xong, lại nghe Tối Thắng Vương Kinh như vậy thì Tâm sinh vui vẻ, thanh tịnh không dơ bẩn giống như hư Không.

Bấy giờ, Đức Như Lai biết căn lành của mười ngàn vị Thiên Tử này đã thành thục, tức liền trao cho Đại Bồ Đề Ký (Mahā-bodhi-vyākaraṇa): “Thiên Tử các ông ở đời đương lai, trải qua vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức na dữu đa kiếp, ở Thế Giới Tối Thắng Nhân Đà La Tràng (Śālendra-dhvajāgra: Sa La Đế Tràng Tối Thắng) được thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, đồng một Chủng Tính, Lại đồng một tên gọi, hiệu là Diện Mục Thanh Tịnh Ưu Bát La Hương Sơn (Prasanna-vadanotpala-gandha-kūṭa: Thanh Tịnh Diện Mục Ưu Bát La Hương Sơn) đầy đủ mười hiệu. Như vậy theo thứ tự mười ngàn chư Phật hiện ra ở đời .

Khi ấy, Bồ Đề Thụ Thần (Bodhi-druma: Nữ Thần thủ hộ cây Bồ Đề) bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Mười ngàn vị Thiên Tử Này từ Tam Thập Tam Thiên, vì nghe Pháp cho nên đi đến chỗ của Đức Phật. Vì sao Đức Thế Tôn liền cho Thọ Ký sẽ được thành Phật?

Thế Tôn! Con chưa từng nghe các Thiên Tử này tu tập đầy đủ sáu Ba La Mật (Saṭ-pāramitā), Khổ Hạnh khó hành, buông xả: tay, chân. Đầu, mắt, tủy, não, quyến thuộc, vợ con, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, đầy tớ, cung điện, vườn, rừng, vàng, bạc, Lưu Ly, Xa Cừ, Mã Não, San Hô, Hổ Phách, Ngọc bích, Kha Bối, thức ăn uống, quần áo, giường nằm, thuốc men… như vô lượng trăm ngàn Bồ Tát khác đem các vật cúng cúng dường vô số trăm ngàn vạn ức na dữu đa Phật quá khứ. Bồ Tát như vậy đều trải qua vô lượng vô biên kiếp số, sau đó mới được nhận Bồ Đề Ký (Bodhi-vyākaraṇa)

Thế Tôn! Các Thiên Tử này do nhân duyên nào? Tu Thắng Hạnh nào? Gieo trồng căn lành nào? Mà từ cõi Trời kia đi đến, tạm thời nghe Pháp liền được Thọ Ký? Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con giải nói để đoạn trừ lưới nghi ngờ”

Đức Phật bảo Thụ Thần Thiên Nữ Thiên: “Như ngươi đã nói, đều từ nhân duyên căn lành màu nhiệm thù thắng, siêng năng cực khổ tu xong thì mới được Thọ Ký. Các vị Thiên Tử này ở cung Trời màu nhiệm, buông bỏ niềm vui năm Dục cho nên đến nghe Kinh Kim Quang Minh này. Đã nghe Pháp xong thì trong Tâm sinh ân trọng như Lưu Ly trong sạch, không có các vết dơ, lại được nghe việc Thọ Ký của ba Đại Bồ Tát… Cũng do nhân duyên ở quá khứ tu lâu dài Chính Hạnh, Thệ Nguyện… thế nên nay Ta đều cho Thọ Ký, ở đời vị lai sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”

Khi vị Thần cây ấy nghe Đức Phật nói xong thời vui vẻ, tin nhận.

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

TRỪ BỆNH

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI BỐN_

 

Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần Thiện Nữ Thiên: “Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Bản Nguyện, Nhân Duyên của mười ngàn vị Thiên Tử này. Nay Ta vì ngươi nói.

Này Thiện Nữ Thiên (Kula-devatī: Thiện Nữ Thần)! Vô lượng chẳng thể nghĩ bàn a tăng xí gia kiếp ở quá khứ, lúc đó có Đức Phật hiện ra ở đời, tên là Bảo Kế (Ratna-śikhī) Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Thiện Nữ Thiên! Sau khi Đức Thế Tôn ấy Bát Niết Bàn (nhập vào Niết Bàn), Chính Pháp (Saddharma) diệt xong. ở trong Tượng Pháp (Saddharma-pratirūpaka) có vị vua tên là Thiên Tự Tại Quang (Sureśvara-prabha) thường dùng Chính Pháp cảm hóa người dân, giống như cha mẹ. Trong vương quốc này có một vị Trưởng Giả (Śreṣṭhī) tên là Trì Thủy (Jaṭiṃdhara) khéo hiểu Y Minh (Cikitsā-vidyā: Y học), thông thạo tám thuật. Chúng sinh bị  bệnh khổ, bốn Đại chẳng điều hòa… đều hay cứu chữa được.

Này Thiện Nữ Thiên! Khi ấy, Trưởng Giả Trì Thủy có một người con duy nhất tên là Lưu Thủy (Jalavāhana) có dung mạo đoan chính khiến người ưa thích nhìn, bẩm tính thông minh, khéo bàn các Luận, viết vẽ, toán số không có gì chẳng thông đạt. Lúc đó, bên trong vương quốc có vô lượng trăm ngàn các loài chúng sinh, đều bị bệnh dịch, mọi khổ ép bức cho đến không có Tâm vui mừng thích thú.

Thiện Nữ Thiên! Bấy giờ Trưởng Giả Tử (Śreṣṭhī-putra)Lưu Thủy thấy vô lượng trăm ngàn chúng sinh này chịu các bệnh khổ, nên khởi Tâm Đại Bi tác niệm như vầy: “Cha ta là vị Trưởng Giả (Śreṣṭhī) tuy giỏi dùng Y Phương (Cikitsaka: phương cách dùng thuốc), thông thạo tám Thuật, hay chữa mọi bệnh, bốn Đại tăng giảm. Nhưng đã già nua suy yếu, cần phải chống gậy mới có thể bước đi được, nên chẳng thể đi đến thành ấp, thôn xóm cứu các bệnh khổ. Nay có vô lượng chúng sinh đều bị bệnh nặng không ai có thể cứu giúp. Nay ta nên đến chỗ của Đại Y Phụ hỏi Bí Pháp của Y Phương để trị bệnh. Nếu hiểu được xong, sẽ đi đến chỗ của thành ấp, thôn xóm cứu các chúng sinh bị mọi loại bệnh tật, khiến cho ở đêm dài nhận được sự an vui”

Khi Trưởng Giả Tử tác niệm này xong, liền đến chỗ của cha, cúi đầu lễ bàn chân của cha, chắp tay cung kính, lui ra đứng ở một bên, liền dùng Già Tha (Kệ Tụng) thỉnh cha của mình rằng:

“Xin cha hiền (từ phụ) thương xót

Con muốn cứu chúng sinh

Nay thỉnh các Y Phương

Nguyện mong vì con nói

_Vì sao thân suy hoại

Các Đại có tăng giảm?

Lại ở trong thời nào

Hay sinh các bệnh tật?

_Ăn uống như thế nào

Được thọ nhận an vui?

Hay khiến bên trong thân

Hỏa Nhiệt (sức nóng của Hỏa Đại) chẳng suy tổn?

_Chúng sinh có bốn bệnh

Phong (Vātika: bệnh trúng gió), Hoàng (Paittika: bệnh thương hàn, bệnh vàng da), Nhiệt (Jvara: bệnh nóng sốt), Đàm Ẩm (Śleṣmikā: bệnh đàm rãi)

Cùng với bệnh tổng tập (Sāṃnipatika)

Làm sao chữa trị được?

_Lúc nào Phong Bệnh khởi?

Lúc nào phát Nhiệt Bệnh?

Lúc nào động Đàm Ẩm?

Lúc nào Tổng Tập sinh?”

 

Khi vị Trưởng Giả ấy nghe con mình thỉnh xong, lại dùng Già Tha đáp là:

“Nay Ta y Tiên xưa (cổ Tiên)

Hết thảy Pháp chữa bệnh

Thứ tự vì con nói

Khéo nghe, cứu chúng sinh

_Ba tháng là mùa Xuân (Vasanta)

Ba tháng gọi là Hạ (Grīṣma)

Ba tháng tên mùa Thu (Śarat)

Ba tháng là mùa Đông (Hemanta)

_Đây dựa trong một năm

Nói riêng theo ba tháng

Hai tháng là một Tiết

Thành sáu Tiết trong năm

_Giêng, hai là Hoa Thời (thời tiết nở hoa)

Ba, tư tên Nhiệt Tế (thời tiết  nóng nực)

Năm, sáu tên Vũ Tế (thời tiết tuôn mưa)

Bảy, tám là Thu Thời (tiết Thu)

Chín, mười là hàn Thời (thời tiết lạnh)

Hai tháng cuối (tháng 11, tháng 12) Băng Tuyết (thời tiết có tuyết rơi)

Đã biết riêng như vậy

Cho thuốc đừng sai lầm

_Nên tùy trong thời này

Điều hòa cách ăn uống

Vào bụng khiến tiêu tan

Mọi bệnh tức chẳng sinh

_Nếu tiết khí biến đổi

Bốn Đại có biến hóa

Thời này không có thuốc

Ắt sinh các bệnh khổ

_Thầy thuốc (y nhân) hiểu bốn mùa

Lại biết sáu Tiết ấy

Biết bảy Giới của thân

Khiến uống thuốc không sai

_Là: Vị Giới, máu, thịt

Mỡ, xương với tủy, não

Khi bệnh vào trong đây

Biết chữa trị được không

_Bệnh có bốn loại riêng

Là: Phong, Nhiệt, Đàm Ấm

Cùng với Bệnh Tổng Tập

Nên biết khi phát động

_Mùa Xuân: Đàm Ẩm động

Mùa Hạ: Phong Bệnh sinh

Mùa Thu: Hoàng Nhiệt tăng

Đông: cả ba cùng khởi

_Xuân: ăn chát, nóng, cay

Hạ: béo, nóng, mặn, dấm

Mùa Thu: lạnh, ngọt, béo

Đông: chua, chát, béo, ngọt

_Ở trong bốn mùa này

Uống thuốc với ăn uống

Nếu y như vị này

Bệnh không do đâu sinh

_Sau ăn, bệnh do Ẩm (Thủy Đại tăng trưởng)

Ăn tiêu, thời do Nhiệt

Sau tiêu, khởi do Phong

Theo thời nên biết bệnh

_Đã biết nguồn bệnh xong

Tùy bệnh mà làm thuốc

Nếu như dạng bệnh khác

Trước nên chữa gốc bệnh

_Phong bệnh: uống dầu béo

Nhiệt cần tiêu tiểu tốt

Ẩm bệnh ứng biến nôn

Tổng Tập cần ba thuốc

_Phong, Nhiệt, Ẩm cùng có

Đây gọi là Tổng Tập

Tuy biết bệnh khởi thời

Nên quán Bản Tính ấy

Như vậy quán biết xong

Thuận thời mà cho thuốc

Ăn uống, thuốc không sai

Đây là bậc Thiện Y (thầy thuốc giỏi)

_Lại nên biết tám Thuật

Nhiếp chung các Y Phương

Ở đây nếu biết rõ

Chữa được bệnh chúng sinh

Châm, lể (châm thứ), Giải Phẩu (thương phá)

Bệnh thân với Quỷ Thần (? Khoa thần kinh)

Độc ác (?khoa dược) với trẻ thơ (hài đồng, tức khoa nhi)

Sống lâu (diên niên) tăng khí lực (? Khoa dưỡng sinh)

_Trước quán hình sắc ấy

Nói năng với Tính Hạnh

Sau đó hỏi giấc mộng

Ắt biết Phong, Nhiệt, Ẩm

_Khô gầy, đầu ít tóc

Tâm ấy không trụ Định

Nói nhiều, mộng hay bay

Người này là Tính Phong

_Thiếu niên sinh tóc trắng

Nhiều mồ hôi, hay giận

Thông minh, mộng thấy lửa

Người này là Tính nhiệt

_Tâm định, thân gọn gàng

Đầu có chất gầu nhờn

Mộng thấy nước, vật trắng

Nên biết là Tính Ẩm

_Tính Tổng Tập đều có

Hoặc hai, hoặc đủ ba

Tùy có một thứ tăng

Nên biết là Tính ấy

_Đã biết Bản Tính xong

Chuẩn bệnh mà cho thuốc

Nghiệm không có tướng chết

Mới biết có thể cứu

_Căn (giác quan) đảo lộn, chọn cảnh

Khinh khi, chê thầy thuốc

Giận dữ với bạn thân

Nên biết là tướng chết

_Mắt trái biến màu trắng

Lưỡi đen, sống mũi lệch

Vành tai khác lúc trước

Môi dưới xệ xuống dưới

Một loại Ha Lê Lặc (Haritaki)

Có đầy đủ sáu vị

Hay trừ tất cả bệnh

Không kỵ, vua trong thuốc

_Lại ba quả (3 loại quả trái) ba cay (ba loại có vị cay)

Trong các thuốc đễ được

Dường cát, mật, bơ, sữa

Đây hay chữa mọi bệnh

Còn các Dược Vật khác

Tùy bệnh có thể thêm

Trước, khởi Tâm Từ Mẫn

Đừng quy về tài lợi

_Ta đã vì con nói

Việc cần trong chữa bệnh

Dùng đây cứu chúng sinh

Sẽ được quả vô biên”

 

Này Thiện Nữ Thiên! Khi ấy, Trưởng Giả Tử Lưu Thủy đích thân hỏi cha của mình về điều thiết yếu trong tám Thuật, bốn Đại tăng giảm, thời tiết chẳng đồng, Pháp của hai Dược Phương. Đã khéo hiểu rõ, tự nghĩ có thể cứu chữa được mọi bệnh, tức liền đến khắp nơi ở thành ấp, thôn xóm, tùy theo chúng sinh có trăm ngàn vạn ức bệnh khổ, đều đến nơi ấy, khéo nói an ủi, nói lời như vầy: “Tôi là thầy thuốc, khéo biết phương dược. Nay vì các người, chữa trị mọi bệnh, đều khiến trừ khỏi”

Thiện Nữ Thiên! Khi mọi người nghe Trưởng Giả Tử khéo nói an ủi, hứa vì mình trị bệnh thời có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bị bệnh cực nặng, nghe lời nói này xong, thân tâm hớn hở, được điều chưa từng có. Do nhân duyên này, hết thảy bệnh khổ đều được trừ hết, khí lực sung mãn, bình phục như cũ.

Thiện Nữ Thiên! Bấy giờ lại có vô lượng trăm ngàn chúng sinh bị bệnh khổ sâu nặng khó chữa trị được, liền cùng nhau đi đến chỗ của Trưởng Giả Tử , thỉnh cầu dùng thuốc chữa trị. Thời Trưởng Giả Tử liền dùng Diệu Dược khiến đều trừ khỏi.

Thiện Nữ Thiên! Trưởng Giả Tử đó ở trong nước này trị trăm ngàn vạn ức chúng sinh bị bệnh khổ, đều được trừ khỏi”

    

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

TRƯỞNG GIẢ TỬ LƯU THỦY

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI LĂM_

 

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần: “Này Thiện Nữ Thiên! Trưởng Giả Tử Lưu Thủy (Jalavāhana) lúc đó, ở thời xa xưa bên trong nước của vua Thiên Tự Tại Quang (Sureśvaraprabha) chữa trị hết thảy bệnh khổ của các chúng sinh khiến được bình phục, thọ nhận niềm vui an ổn. Khi chúng sinh đã trừ được bệnh thì tu nhiều Phước Nghiệp, rộng hành Huệ Thí để tự vui vẻ. Liền cùng nhau đi đến chỗ của Trưởng Giả Tử, đều sinh tôn kính, nói lời như vầy: “Lành thay! Lành thay! Đại Trưởng Giả Tử khéo hay tăng trưởng việc Phước Đức, tăng ích cho chúng tôi được thọ mạng an ổn. Nay ngài thật là bậc Đại Lực Y Vương, Bồ Tát Từ Bi, thông thạo thuốc men, khéo chữa trị vô lượng bệnh khổ của chúng sinh”. Như vậy khen ngợi vòng khắp thành ấp

Thiện Nữ Thiên! Vợ (Dāra) của Trưởng Giả Tử đó tên là Thủy Kiên Tạng (Jalāmbuja-garbha), có hai người con: thứ nhất tên là Thủy Mãn (Jalāmbara), thứ hai tên là Thủy Tạng (Jala-garbha). Lúc đó, Lưu Thủy đem hai người con lần lượt du hành khắp thành ấp, thôn xóm, đi qua nơi sâu hiểm trong cái đầm trống (Aṭavī) thì thấy các cầm thú, chó sói, chồn cáo, kên kên thuộc loài ăn máu thịt… thảy đều bay chạy về một hướng. Thời Trưởng Giả Tử tác niệm như vầy: “Do nhân duyên gì mà các cầm thú bay chạy về một hướng? Ta sẽ tùy liệu sau, tạm thời đến xem xét đã”. Từc liền tùy đi, thấy có cái ao (Puṣkariṇī) lớn tên là Dã Sinh (Saṃbhava), nước ao sắp cạn, ở trong ao này có nhiều loại cá. Lưu Thủ thấy xong, sinh Tâm Đại Bi       

Lúc đó, có vị Thần Cây (Thụ Thần) hiện bày nửa thân, nói lời như vầy: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Ông có nghĩa chân thật gọi là Lưu Thủy (Jalavāhana), có thể thương nhóm cá này, nên cho chúng nước. Có hai nhân duyên tên là Lưu Thủy, một là hay làm cho nước tuôn chảy, hai là hay ban cho nước. Nay ông cần phải tùy theo tên gọi mà làm”

Lúc đó, Lưu Thủy hỏi vị Thần cây rằng: “Số cá này có bao nhiêu con?”

Vị Thần cây đáp: “Đủ số là mười ngàn”

Này Thiện Nữ Thiên! Khi Trưởng Giả Tử nghe số này xong thời tăng Tâm thương lo gấp bội. Lúc đó, cái ao lớn này bị phơi dưới nắng mặt trời, nước còn lại không có bao nhiêu, mười ngàn con cá này sắp vào cửa chết, toàn thân uyển chuyển, thấy Tâm của vị Trưởng Giả này nên có chỗ hy vọng, bơi theo ngắm nhìn chẳng chớp mắt.

Khi Trưởng Giả Tử thấy việc này xong, chạy khắp bốn phương, muốn tìm kiếm nước nhưng chẳng thể được. Lại từ xa ngó về một bên, thấy có cái cây lớn, tức liền leo lên bẻ lấy cành lá làm bóng mát che chắn. Rồi lại suy nghĩ tìm xem nước trong ao đến từ chỗ nào. Tìm kiếm chẳng xong thì thấy con sông lớn (Mahānadī) tên là Thủy Sinh (Jalāgamā), bên con sông này có các ngư phủ vì bắt cá cho nên ở chỗ nguy hiểm tại thượng lưu của con sông, khoi bỏ dòng nước chẳng cho chảy xuống phía dưới. Ở chỗ đã khoi tháo, khó thể tu bổ, liền tác niệm này: “Vách núi này có sông sâu núi cao, dầu cho trăm ngàn người trải qua ba tháng cũng chẳng thể chặt bỏ được, huống chi là một thân của ta mà kham nhận nổi” 

Thời Trưởng Giả Tử mau chóng quay về cái thành của mình, đến chỗ của vị Đại Vương, cúi đầu mặt lễ bàn chân của đức vua, rồi lui ra đứng một bên, chắp tay cung kính nói lời như vầy: “Tôi vì người dân trong đất nước của Đại Vương, trị mọi loại bệnh đều khiến cho an ổn, dần theo thứ tự du hành đến cái đầm trống (Aṭavī) ấy, thấy có một cái ao (Puṣkariṇī) tên là Dã Sinh (Saṃbhava), nước nơi ấy sắp cạn, có mười ngàn con cá bị phươi dưới nắng mặt trời, chẳng lâu sẽ chết. Nguyện xin Đại Vương Từ Bi thương xót, ban cho 20 con voi lớn tạm mang nước đến, cứu mạng của đám cá kia, như tôi đem lại thọ mạng cho các người bệnh”

Bấy giờ, Đại Vương liền sai vị Đại Thần mau ban voi lớn cho vị Y Vương này. Thời vị Đại Thần phụng Sắc của vua xong, bạch với Trưởng Giả Tử rằng: “Lành thay Đại Sĩ! Hôm nay, Ngài có thể tự đến chuồng voi, chọn lấy 20 con voi lớn, lợi ích cho chúng sinh khiến được an vui”

Khi ấy, Lưu Thủy với hai người con đem 20 con voi lớn, lại mượn nhiều cái túi da tại nhà bán rượu, đi đến nơi khoi tháo nguồn nước, dùng cái túi chứa đầy nước nhờ voi phụ đưa đến cái ao, dốc nước vào trong ao thì nước liền đầy tràn, hoàn phục như cũ.

Này Thiện Nữ Thiên! Lúc Trưởng Giả Tử ở bốn bên cái ao, đi vòng quanh để nhìn thì đám cá kia cũng lại men theo bờ ao mà đi. Thời Trưởng Giả Tử lại tác niệm này: “Vì sao đám cá này tùy theo ta mà đi? Ắt là bị lửa đói ép bức, lại muốn theo ta cầu xin thức ăn. Nay ta sẽ cho”

Bấy giờ, Trưởng Giả Tử Lưu Thủy bảo người con ấy rằng: “Con chọn một con voi mạnh nhất, mau đến nhà, thưa trình với cha của ta: trong nhà hết thảy vật gì có thể ăn được, cho đến phần ăn của cha mẹ cùng với phần của vợ con, nô tỳ… thảy đều thu lấy, đem đến cái ao”

Khi ấy, hai người con nhận sự dạy bảo của cha, cỡi con voi lớn nhất, mau đi đến nhà, đến chỗ của ông nội, nói việc như trên, thu lấy vật trong nhà có thể ăn được, để lên trên con voi, mau chóng quay về chỗ của cha, đến bên bờ ao ấy.

Lúc đó, Lưu Thủy thấy con mình đến thì thân tâm mừng vui, liền lấy bánh, thức ăn rải khắp trong ao. Đám cá được ăn xong, thảy đều no đủ.

(Lưu Thủy) liền tác niệm này: “Nay ta bố thí thức ăn khiến cho đám cá giữ được mạng sống. Nguyện ở đời sau sẽ bố thí thức ăn Pháp (Pháp thực) cứu giúp vô biên”

Lại suy nghĩ rằng: “Trước kia, ta từng ở rừng Không Nhàn (Araṇya) thấy một vị Bật Sô (Tỳ Kheo) đọc Kinh Đại Thừa (Mahā-yāna), nói Pháp yếu thâm sâu cùa 12 Duyên Sinh. Lại trong Kinh nói: Nếu có chúng sinh lúc lâm chung, được nghe tên của Đức Bảo Kế Như Lai liền sinh lên Trời. Nay Ta sẽ vì mười ngàn con cá này, diễn nói 12 Duyên Khởi thâm sâu, cũng sẽ xưng nói tên của Bảo Kế Phật. Nhưng Thiệm Bộ Châu có hai loại người, một là tin Đại Thừa sâu xa, hai là chê bai chẳng tin, cũng nên vì nhóm ấy tăng trưởng Tâm tin tưởng”

  

Thời Trưởng Giả Tử tác niệm như vầy: “Ta vào trong cái ao, vì đám cá nói Pháp sâu xa màu nhiệm”.

Tác niệm này xong, liền đi xuống nước, xứng lên rằng: 

“Nam mô Quá Khứ Bảo Kế Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Xưa kia, khi Đức Phật này tu Bồ Tát Hạnh có tác thệ nguyện này: “Hết thảy chúng sinh ở mười phương, khi lâm chung mà được nghe tên của Ta thì sau khi chết, được sinh vào cõi Tam Thập Tam Thiên

Bấy giờ, Lưu Thủy lại vì cá trong ao, diễn nói Pháp màu nhiệm thâm sâu như vầy: “Cái này có cho nên cái kia có, cái này sinh cho nên cái kia sinh”. Ấy là Vô Minh (Avidyā) duyên với Hành (Saṃskāra), Hành duyên với Thức (Vijñāna), Thức duyên với Danh Sắc (Nāma-rūpa), Danh sắc duyên với sáu Xứ (Ṣaḍ-āyatana), sáu Xứ duyên với Xúc (Sparśa), xúc duyên với Thọ (Vedanā), Thọ duyên với Ái (Tṛṣṇā), Ái duyên với Thủ (Upādāna), Thủ duyên với Hữu (bhava), Hữu duyên với Sinh (Jāti), Sinh duyên với Lão Tử (Jarā-maraṇa) dấy lên lo buồn, khổ não.

“Cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Ấy là: Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sinh diệt, Sinh diệt thì Lão Tử diệt, Lão Tử diệt thì lo buồn khổ não diệt. Như vậy Uẩn thuần cực khổ thảy đều trừ diệt”

Nói Pháp này xong, lại vì đám cá tuyên nói Thập Nhị Duyên Khởi Tương Ứng Đà La Ni là:

Đát điệt tha: tỳ chiết nễ, tỳ chiết nễ, tỳ chiết nễ, tăng tắc chỉ nễ, tăng tắc chỉ nễ, tăng tắc chỉ nễ, tỳ nhĩ nễ, tỳ nhĩ nễ, tỳ nhĩ nễ, toa ha  

TADYATHĀ: VIJANI  VIJANI_ SAṂ-SECANI  SAṂSECANI  SAṂ-SECANI_ VINNINDI  VININDI  VININDI  SVĀHĀ

 

Đát điệt tha: na nhĩ nễ, na nhĩ nễ, na nhĩ nễ, sát trĩ nễ, sát trĩ nễ, sát trĩ nễ, táp bát lý thiết nễ, táp bát lý thiết nễ, táp bát lý thiết nễ, toa ha  

TADYATHĀ: NADĪNE  NADĪNE  NADĪNE_ SĀTINE  SĀTINE_ SAPARISANE  SAPARISANE  SAPARISANE  SVĀHĀ

 

Đát điệt tha: tiết đạt nễ, tiết đạt nễ, tiết đạt nễ, trất lý sắt nễ nễ, trất lý sắt nễ nễ, trất lý sắt nễ nễ, ổ ba địa nễ, ổ ba địa nễ, ổ ba địa nễ, toa ha  

TADYATHĀ: VEDANE  VEDANE  VEDANE_ TṚṢṆANE  TṚṢṆANE  TṚṢṆANE_ UPĀDANE   UPĀDANE  UPĀDANE  SVĀHĀ

 

Đát điệt tha: bà tỳ nễ, bà tỳ nễ, bà tỳ nễ, xà để nễ, xà để nễ, xà để nễ, xà ma nễ nễ, xà ma nễ nễ, xà ma nễ nễ, toa ha  

TADYATHĀ: BHĀVINE  BHĀVINE  BHĀVINE_ JAṬINE  JAṬINE  JAṬINE_ JANMADINE  JANMADINE  JANMADINE  SVĀHĀ

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì các Đại Chúng nói duyên xưa kia của Trưởng Giả Tử, thì các chúng Người, Trời khen chưa từng có.

Thời bốn vị Đại Thiên Vương đều ở nơi ấy, khác miệng đồng âm nói như vầy:

“Lành thay! Thích Ca Tôn

Nói Diệu Pháp Minh Chú

Sinh Phước trừ mọi ác

Mười hai Chi tương ứng

Chúng con cũng nói Chú

Ủng hộ Pháp như vậy

Nếu người sinh trái nghịch

Chẳng khéo tùy thuận theo

Đầu bị vỡ bảy phần

Giống như ngọn Lan Hương

Chúng con ở trước Phật

Cùng nói Chú ấy là:

“Đát điệt tha: hứ lý, mê, yết thê, kiện đà lý, chiên trà lý, địa lệ, tao phạt lệ, thạch hứ phạt lệ, bổ la bố lệ, củ củ mạt để, khi la mạt để, đạt địa mục khế, cũ lỗ bà, mẫu lỗ bà, cụ trà mẫu lỗ kiện đề, đỗ lỗ đỗ lỗ, tỳ lệ, y nê tất tất nê, đạp côn đạt đạp côn, ổ tất đát lý, ổ suất trá la, phạt để, át lạt sa phạt để, bát đỗ ma phạt để, câu tô ma phạt để, toa ha

TADYATHĀ: HIRI  ME  GATE_ GANDHARI  CAṆḌARI  DHIRI_ SAUBHARI  GUHE-VĀRE, PURA  PURE, KUKKU-MATI, KHILA-MATI, DADHI-MUKHE,

KURUBHA  MURUBHA, KUṬA  MURU  GANDHE, DURU  DHURU, VĪRE EDHI-SINE, DHAVE  DADHAVE, UṢṬRĪ  UṢṬRA  VATI, ARTHA-VATI, PADMA-VATI, KUSUMA-VATI  SVĀHĀ

 

Đức Phật bảo Thiện Nữ Thiên: “Bấy giờ, Trưởng Giả Tử Lưu Thủy với hai người con vì đám cá trong ao kia, cho nước cho thức ăn kèm nói Pháp xong thì cùng nhau quay về nhà. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy này lại ở lúc sau, nhân có tụ hội nên tấu mọi kỹ nhạc, say rượu rồi nằm. Thời mười ngàn con cá đồng thời cùng chết, sinh về cõi Tam Thập Tam Thiên, khởi niệm như vầy: “Chúng ta do nhân duyên của Nghiệp Thiện nào mà sinh trong cõi Trời này?”.  Liền cùng nhau nói là: “Trước kia, chúng ta ở Thiệm Bộ Châu, bị đọa trong Bàng Sinh, cùng thọ nhận thân cá. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy cho chúng ta nước cùng với bánh, thức ăn. Lại vì chúng ta nói Pháp thâm sâu, 12 Duyên Khởi với Đà La Ni, lại xưng danh hiệu Bảo Kế Như Lai. Do nhân duyên này, hay khiến cho chúng ta được sinh vào cõi Trời này. Thế nên, nay Ta đều nên đến chỗ của Trưởng Giả Tử, báo ân cúng dường” 

Lúc đó, mười ngàn vị Thiên Tử liền ở cõi Trời ẩn mất, đến chỗ của Đại Y Vương ở Thiệm Bộ Châu. Khi ấy, Trưởng Giả Tử ngủ an ổn trên lầu cao. Thời mười ngàn vị Thiên Tử cùng đem mười ngàn chuỗi Anh Lạc châu báu đên bên cạnh khuôn mặt của Trưởng Giả Tử, lại đem mười ngàn chuỗi để ở bàn chân, lại đem mười ngàn chuỗi để ở hông bên phải, lại đem mười ngàn chuỗi để ở hông bên trái, tuôn mưa hoa Mạn Đà La (Māndāra), hoa Ma Ha Mạn Đà La (Mahā-mādāra) ngập đến đầu gối, ánh sáng chiếu khắp, mọi loại nhạc Trời phát ra âm thanh màu nhiệm, khiến Thiệm Bộ Châu có người ngủ say thảy đều tỉnh giác. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy cũng tỉnh ngủ theo.

Khi mười ngàn vị Thiên Tử cúng dường xong, liền ở không trung bay đi. Ở trong nước của vua Thiện Tự Tại Quang, nơi nơi đều tuôn mưa hoa sen màu nhiệm của cõi Trời. Các vị Thiên Tử này lại đến chốn cũ, trong cái ao ở đầm trống tuôn mưa mọi hoa Trời, rồi liền ở đây ẩn mất, quay về cung điện trên Trời, tùy ý tự tại thọ hưởng niềm vui năm Dục

Đức Vua Thiên Tự Tại Quang đến sáng sớm đã hỏi các Đại Thần: “Đêm qua, do duyên gì mà hiện tướng điềm lành hiếm có như vậy, phóng ánh sáng lớn?”

 

Đại Thần đáp rằng: “Đại Vương nên biết có các Thiên Chúng ở trong nhà của Trưởng Giả Tử Lưu Thủy, tuôn mưa bốn mươi ngàn chuỗi Anh Lạc châu báu với hoa Mạn Đà La của cõi Trời ngập đến đầu gối”

Đức Vua bảo Đại Thần rằng: “Hãy đến nhà của Trưởng Giả, gọi vị ấy đến đây”

Đại Thần nhận Sắc liền đến  nhà ấy, phụng tuyên Vương Mệnh kêu Trưởng Giả Tử. Thời Trưởng Giả Tử liền đến chỗ của vua.

Đức vua nói: “Do duyên gì mà đêm qua hiện bày tướng điềm lành hiếm có như vậy?”

Trưởng Giả Tử nói: “Như tôi suy nghĩ,  nhất định là đám cá bên trong cái ao kia. Như Kinh đã nói sau khi chết, được sinh lên cõi Tam Thập Tam Thiên. Vì nhóm ấy đến báo ân cho nên hiện tướng kỳ lạ hiếm có như vậy”

Đức vua nói: “Làm sao biết được?”

Lưu Thủy đáp rằng: “Đức vua có thể sai Sứ cùng với hai đức con của tôi đến cái ao ấy, nghiệm xem chuyện thật hư. Mười ngàn con các kia còn sống hay đã chết”

Đức vua nghe lời này xong, liền sai Sứ với hai người con hướng đến bên cái ao ấy, thấy trong cái ao có nhiều hoa Mạn Đà La gon thành đống lớn, các con cá đều đã chết. Thấy xong, chạy về rộng nói cho đức vua biết. Đức vua nghe điều này xong, thì Tâm sinh vui vẻ, khen chưa từng có”.

 

Bấy giờ Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần: “Này Thiện Nữ Thiên! Nay ngươi nên biết. Trưởng Giả Tử Lưu Thủy (Jalavāhana) xưa kia tức là thân của Ta, Trưởng Giả Trị Thủy (Jaṭiṃdhara) tức là Diệu Tràng (Rucira-ketu). Hai người con ấy: Con trưởng Thủy Mãn (Jalāmbara) tức là Ngân Tràng (Rūpya-ketu), con thứ Thủy Tạng (Jala-garbha) tức là Ngân Quang (Rūpya-prabha). Vị vua Thiên Tự Tại Quang (Sureśvara-prabha) ấy tức là ngươi, Thần cây Bồ Đề. Mười ngàn con cá tức là mười ngàn vị Thiên Tử. Nhân Ta xưa kia dùng nước cứu cá và cho thức ăn khiến được no đủ, vì chúng nói 12 Duyên Khởi thâm sâu kèm với Tương Ứng Đà La Ni Chú. Lại xưng tên của Đức Phật Bảo Kế. Nhân căn lành này được sinh lên Trời. Nay đến chỗ của Ta vui vẻ nghe Pháp. Ta sẽ vì họ trao cho A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký, nói danh hiệu ấy.      

Này Thiện Nữ Thiên! Như Ta xưa kia ở trong sinh tử, luân hồi các cõi, rộng làm lợi ích, Nay vô lượng chúng sinh đều khiến cho theo thứ tự thành Vô Thượng Giác, cho Thọ Ký ấy. Các ngươi đều nên siêng năng cầu xuất ly, đừng có phóng dật”

 

Bấy giờ, Đại Chúng nghe nói điều này xong, thảy đều thấu hiểu: “Do Đại Từ Bi cứu giúp tất cả, siêng tu Khổ Hạnh thì mới có thể chứng được Vô Thượng Bồ Đề”, nên  thảy đều phát Tâm sâu xa, vui vẻ tin nhận.

  

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ CHÍN (Hết)_

 

Đại Tạng Kinh_ Tập 16_ No.665

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ MƯỜI_

 

Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch

Việt dịch: HUYỀN THANH

 

BUÔNG XẢ THÂN MẠNG

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI SÁU_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã vì Đại Chúng nói nhân duyên xưa kia của mười ngàn vị Thiên Tử này. Lại bảo Thần cây Bồ Đề (Bồ Đề Thụ Thần) với các Đại Chúng: “Ta ở quá khứ thực hành Bồ Tát Đạo (Bodhisatva-mārga) chẳng phải là chỉ cho nước với thức ăn cứu mạng của đám cá kia, cho đến cũng buông xả thân đáng yêu. Nhân duyên như vậy, có thể cùng nhau quán sát”

Khi ấy, Đức Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, bậc tối tôn tối thắng trên Trời dưới Trời, phóng trăm ngàn ánh sáng chiếu mười phương giới, đủ Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā), viên mãn Công Đức… đem các Bật Sô (Bhikṣu: Tỳ Kheo) với Đại Chúng đến thôn xóm Bát Già La (Pañcāla), vào trong một khu rừng, đất ở đấy ngay ngắn bằng phẳng, không có các gai góc, hoa đẹp thơm, cỏ mềm mại mọc đầy khắp chỗ ấy.

Đức Phật bảo Cụ Thọ A Nan Đà (Ānanda): “Ông có thể vì Ta trải bày chỗ ngồi ở dưới cái cây này”.

Thời A Nan Đà nhận lời dạy bảo, trải bày xong, rồi thưa bạch rằng: “Thế Tôn! Tòa ngồi ấy đã được trải bày xong, chỉ có bậc Thánh mới biết đúng thời”

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền ngồi Kiết Già ở trên tòa, ngay thẳng thân chính niệm, bảo các Bật Sô: “Các ông có thích muốn thấy Xá Lợi (Śarīra) gốc của Bồ Tát tu Khổ Hạnh (Duḥskara) xưa kia không?”    

Các Bật Sô nói: “Chúng con thích nhìn thấy”

Đức Thế Tôn liền dùng bàn tay do trăm Phước trang nghiêm tướng tốt, đè lên đất ấy. Lúc đó, đại địa chấn động theo sáu cách, tức liền tách mở ra, thời Chế Để (Caitye: cái tháp) bảy báu đột nhiên trồi lên với mọi lưới võng báu trang nghiêm trên tháp ấy. Đại chúng thấy xong, sinh Tâm hiếm có.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, làm lễ, nhiễu quanh theo bên phải rồi quay về tòa ngồi của mình, bảo A Nan Đà: “Ông có thể mở cánh cửa của Chế Để này”

Thời A Nan Đà liền mở cánh cửa ấy, thấy cái hộp bảy báu được trang sức bằng châu báu kỳ lạ, rồi bạch rằng: “Thế Tôn! có cái hộp bảy báu được trang sức bằng mọi vật báu”

Đức Phật nói: “Ông có thể mở cái hộp”

Thời A Nan Đà vâng theo lời dạy, mở ra thì thấy có Xá Lợi (Śarīra) trắng như Kha Tuyết (Hima: tuyết), hoa Câu Vật Đầu (Kumuda), liền bạch Phật rằng: “Hộp có Xá Lợi, màu sắc kỳ diệu khác thường”

Đức Phật bảo A Nan Đà: “Ông có thể đem xương cốt của Đại Sĩ này đến đây”

Thời A Nan Đà liền lấy xương cốt ấy dâng trao cho Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận xong, bảo các Bật Sô: “Các ông nên quán sát Xá lợi di thân của Bồ Tát tu Khổ Hạnh”

Rồi nói Tụng là:

“Bồ Tát: Thắng Đức tương ứng Tuệ

Dũng mãnh, siêng năng tròn sáu Độ (Ṣaṭ-pāramitā: 6 Ba La Mật)

Thường tu chẳng ngưng, vì Bồ Đề (Bodhi)

Chẳng bỏ, bền chắc, Tâm không mệt”

Bật Sô các ông đều nên lễ kính Bản Thân của Bồ Tát. Xá Lợi này tức là nơi mà hơi thơm của vô lượng hương Giới Định Tuệ đã xông ướp, là ruộng Phước (Puṇya-kṣetra) tối thượng rất khó gặp gỡ”

Thời các Bật Sô với các Đại Chúng thảy đều chí Tâm, chắp tay cung kính, đỉnh lễ Xá Lợi, khen chưa từng có!

Lúc đó, A Nan Đà tiến lên phía trước, lễ bàn chân của Đức Phật, rồi bạch Phật rằng: “Như Lai Đại Sư vượt qua tất cả, là nơi mà các hữu tình đã cung kính. Do nhân duyên gì mà lễ thân cốt này?”

Đức Phật bảo A Nan Đà: “Ta nhân vào xương cốt này, mau chóng được Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbodhi). Vì báo đáp ân xưa nên nay Ta đến lễ”

Lại bảo A Nan Đà: “Nay Ta vì ông với các Đại Chúng đoạn trừ nghi ngờ, nói nhân duyên xưa kia của Xá Lợi này. Các ông hãy khéo suy nghị, nên một lòng lắng nghe”

A Nan Đà nói: “Chúng con vui thích nghe. Nguyện xin mở bày”

_“Này A Nan Đà! Ở đời quá khứ có một vị quốc vương tên là Đại Xa (Mahā-ratha) rất giàu có, nhiều tiền của, kho tàng tràn đầy, quân lính uy vũ dũng mãnh, mọi nơi đều khâm phục, thường dùng Chính Pháp ban bố cảm hóa trăm họ (kiềm lê), người dân đông đúc, không có oán địch. Đại Phu Nhân của đất nước (hoàng hậu) sinh ra ba người con, dung mạo đoan chính, người ưa thích nhìn. Vị Thái Tử tên là Ma Ha Ba La (Mahā-praṇāda), người con thứ tên là Ma Ha Đề Bà (Mahā-deva), người con nhỏ nhất tên là Ma Ha Tát Đỏa (Mahā-satva) 

Khi ấy, vị Đại Vương vì muốn đi du ngoạn, thưởng thức cảnh núi rừng. Ba vị Vương Tử (Rāja-kumāra) ấy cũng đều đi theo, vì tìm hoa quả nên tách rời khỏi cha, đi loanh quanh đến rừng tre lớn rồi nghỉ ngơi trong đó. Vị vương tử thứ nhất nói như vầy: “Hôm nay, Tâm của Ta rất kinh sợ, ở trong khu rừng này chẳng biết có loài thú mạnh nào gây tổn hại cho ta”

Vị Vương Tử thứ hai lại nói lời này: “Ta đối với thân của mình, trước đây đã không có luyến tiếc, chỉ sợ nơi mình yêu thích lại có khổ biệt ly”

Vị vương tử thứ ba thưa với hai người anh rằng:

“Đây là nơi Thần Tiên cư trú

Em không sợ hãi, lo biệt ly

Khắp cả thân tâm sinh vui vẻ

Sẽ được các Công Đức thù thắng”

Thời các vị Vương Tử đều nói việc mà bản tâm mình đã nghĩ. Tiếp theo, lại đi về phía trước, thấy một con cọp (Vyāghrī: con cọp cái) sinh ra bảy đứa con, mới trải qua bảy ngày, các con vây quanh, bị đói khát ép bức, thân hình gầy ốm, chẳng lâu sẽ chết.

Vị Vương Tử thứ nhất nói như vầy: “Thương thay! Con cọp này mới sinh được bảy ngày, bảy đức con vây quanh, không có dịp tìm thức ăn, bị đót khát ép bức, ắt phải ăn cọp con”

Vương Tử Tát Đỏa (satva) hỏi rằng: “Bình thường, con cọp này đã ăn vật gì?”

Vị Vương Tử thứ nhất đáp rằng:

Cọp (Vyāghra), beo (Tarakṣa), sói (Vṛkṣa), sư tử (Siṃha)

Chỉ ăn máu thịt nóng

Không ăn uống thứ khác

Cứu được gầy yếu này”

Vị Vương Tử thứ hai nghe lời này xong, thì nói như vầy: “Con cọp này gầy ốm, bị đói khát ép bức, sống không được bao lâu, Chúng ta làm sao tìm thức ăn uống khó được như vậy? Ai lại vì điều này mà tự buông xả thân mạng để cứu nỗi khổ bị đói ấy?!...”

Vị Vương Tử thứ nhất nói: “Tất cả điều khó buông xả thì không có gì khó hơn là buông xả thân của mình”

Vương Tử Tát Đỏa (satva): “Nay chúng ta đối với thân của chính mình, đều sinh luyến ái, lại không có Trí Tuệ, chẳng thể hưng khởi việc lợi ích cho người khác. Nhưng lại có bậc Thượng Sĩ ôm giữ Tâm Đại Bi, thường vì lợi người, quên thân cứu vật”.

Lại tác niệm này: “Nay thân này của ta ở trăm ngàn đời từng bị vứt bỏ vì hư hoại thối nát, không có chỗ lợi ích. Tại sao ngày nay lại chẳng thể buông xả để cứu giúp nỗi khổ bị đói, như nhổ bỏ nước rãi?!...”

Khi các Vương Tử bàn bạc việc này xong, đều khởi Tâm Từ (Maitra-citta), buồn bã thương xót cùng nhau quán sát con cọp gầy ốm chẳng nháy mắt, bồi hồi lúc lâu rồi cùng nhau bỏ đi.

Lúc đó Vương Tử Tát Đỏa liền tác niệm này: “Nay chính là lúc ta nên buông xả thân mạng. Tại sao thế?

“Xưa nay ta gìn giữ thân này

Đầy mủ hôi tanh chẳng đáng yêu

Cung cấp đầy đủ áo, thức ăn

Voi, ngựa, xe cộ, tiền, vật quý

Do Pháp biến hoại, Thể vô thường

Mong cầu khó đủ, khó gìn giữ

Tuy thường cấp dưỡng, ôm oán hại

Cuối cùng bỏ ta, chẳng biết ơn”

Lại nữa, thân này chẳng bền chắc, đối với ta không có ích, rất đáng sợ như giặc cướp, chẳng sạch sẽ như phân dơ. Ta ở ngày nay nên khiến thân này tu nghiệp rộng lớn, làm thuyền bè lớn ở biển sinh tử, vứt bỏ Luân Hồi khiến được Xuất Ly (Naiṣkramya: vượt thoát nỗi khổ của luân hồi sinh tử, thành biện Phật Đạo)”

Lại tác niệm này: “Nếu buông xả thân này tức buông xả vô lượng bệnh ác ung thư, trăm ngàn sự sợ hãi. Thân này chỉ có đại tiện tiểu tiện, chẳng bền chắc như bọt nước, nơi tụ tập của các loài trùng… mạch máu, gân xương cùng liên kết với nhau gìn giữ, rất đáng chán ghét. Thế nên, nay ta cần phải vứt bỏ để cầu Vô Thượng Cứu Cánh Niết Bàn, lìa hẳn sự lo lắng về Vô Thường, khổ não. Ngưng dứt sinh tử, chặt đứt các Trần Luỵ (nghiệp ác phiền não). Dùng sức Định Tuệ, viên mãn huân tu (tịnh tâm tu hành), trăm Phước trang nghiêm thành Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā), Pháp Thân (Dharma-kāya) vi diệu là nơi mà chư Phật đã khen ngợi. Đã chứng đắc xong, ban cho chúng sinh vô lượng niềm vui của Pháp”

Lúc đó, Vương Tử dấy lên đại dũng mãnh, phát Thệ Nguyện rộng, dùng niệm Đại Bi tăng ích Tâm ấy. Lại lo nghĩ hai người anh vì tình cảm ôm giữ sự sợ hãi, cùng nhau gây cản trở, nên chẳng đạt được sự mong cầu. Tức liền bạch rằng: “Hai anh đi trước đi, em sẽ theo sau”

Bấy giờ Vương Tử Ma Ha Tát Đỏa quay trở lại trong rừng, đến chỗ của con cọp ấy, cởi bỏ quần áo treo trên cây tre, rồi nói lời này:

“Ta vì chúng sinh trong Pháp Giới

Chí cầu nơi Vô Thượng Bồ Đề

Khởi Tâm Đại Bi chẳng nghiêng động

Buông xả thân Phàm Phu yêu thích

Bồ Đề (Bodhi) không nạn, không nhiệt não

Nơi các bậc Trí đã yêu thích

Chúng sinh trong biển khổ ba cõi

Nay ta cứu giúp khiến an vui”

Lúc đó, Vương Tử nói lời này xong, liền đem thân nằm ở trước mặt con cọp. Do uy thế Từ Bi của Bồ Tát này, con cọp không thể làm gì được. Bồ Tát thấy vậy, liền lên núi cao lao thân xuống đất, thời các vị Thần Tiên nâng đỡ Vương Tử nên không có thương tổn.

Lại tác niệm này: “Nay con cọp gầy yếu chẳng thể ăn nuốt Ta”. Liền dứng dậy tìm con dao, lại chẳng thể tìm được. Liền lấy cây tre cứng đâm vào cổ cho chảy máu rồi đến sát bên cạnh con cọp. Khi ấy, đại địa chấn động theo sáu cách, như gió xoáy vào nước vọt lên chìm xuống chẳng yên, mặt trời không có ánh sáng như bị La Hầu (Rāhu) ngăn che, các phương mờ tối không có ánh sáng. Trời tuôn mưa hoa đẹp thơm, với bột hương màu nhiệm quấn quít nhau rơi xuống tràn khắp trong rừng.

Bấy giờ, hư không có các Thiên Chúng thấy việc này xong, sinh Tâm tùy vui, khen chưa từng có! Đều cùng nhau khen rằng: “Lành thay Đại Sĩ!”. Liền nói Tụng là:

“Đại Sĩ cứu giúp, vận Tâm Bi (Kāruṇa-citta)

Đều nhìn chúng sinh như con một

Dũng mãnh, vui vẻ, không tiếc lẫn

Xả thân cứu khổ, Phước khó nghĩ

Quyết đến nơi Chân Thường thắng diệu

Lìa hẳn ràng buộc của sinh tử

Chẳng lâu sẽ được quả Bồ Đề

Vắng lặng, an vui chứng Vô Sinh (Anutpāda)”

Lúc đó, con cọp đói đã thấy máu từ cái cổ của Bồ Tát tuôn chảy xuống, tức liền  liếm máu, ăn hết thịt chỉ còn lưu lại xương cốt.

  

_Khi ấy, vị Vương Tử thứ nhất thấy động đất xong, bảo người em rằng:

“Đất đai, sông, núi đều chấn động

Các phương mờ tối không mặt trời

Mưa hoa rơi xuống khắp không trung

Quyết là em ta bỏ thân tướng”

 

_Vị Vương Tử thứ hai nghe anh nói xong, liền nói Già Tha (Gāthā: kệ tụng) rằng:

“Em nghe Tát Đỏa (Satva) nói Từ Bi

Thấy cop đói kia, thân gầy yếu

Đói khổ ràng buộc, sợ ăn con

Nay em nghi  em ấy bỏ thân”

Thời hai vị Vương Tử sinh buồn khổ lớn, khóc lóc buồn than,  liền cùng nhau quay lại chỗ của con cọp, thấy quần áo của em trên cành tre, hài cốt với tóc vương vãi ở chỗ ấy. máu chảy thành bùn thấm dơ đất ấy. Thấy xong, choáng váng chẳng thể giữ mình được, gieo thân trên đống xương, lâu sau mới tỉnh lại. Liền đứng dậy giơ tay, buồn thương kêu gào khóc lớn. Cùng nhau than rằng:

“Em ta dáng đoan nghiêm

Cha mẹ yêu thương nhất

Vì sao cùng ra ngoài

Bỏ thân mà chẳng về

Nếu khi cha mẹ hỏi

Chúng ta đáp thế nào

Chẳng thà cùng mất mạng

Há lại giữ thân mình?!...”

Thời hai vị Vương Tử buồn khóc, áo não từ từ bỏ đi. Lúc đó, Tiểu Vương Tử là tướng theo hầu cần, cùng nhau nói là: “Vương Tử ở chỗ nào? Nên cùng nhau tìm kiếm”

 

_Bấy giờ, Quốc Đại Phu Nhân ngủ trên lầu cao, liền ở trong mộng thấy tướng chẳng lành: hai vú bị cắt, răng bị rụng xuống, được ba con chim bồ câu thì một con bị chim ưng bắt đi, hai con bị kinh sợ. Khi động đất thời Phu Nhân liền tỉnh giấc, Tâm rất buồn rầu phiền não, nói lời như vầy:   

 “Vì sao lúc này đại địa động

Sông ngòi, cây rừng đều chấn động

Mặt trời không sáng như bị che

Máy mắt, vú rung khác lúc thường

Như tên bắn tim, lo khổ ép

Khắp thân run rẩy, chẳng an ổn

Trong mộng, ta thấy điềm chẳng lành

Ắt có việc tai biến khác thường”

Đột nhiên hai vú của Phu Nhân tuôn ra sữa, nghĩ điều này ắt có biệc biến quái. Thời có Thị Nữ nghe người bên ngoài nói tìm kiếm Vương Tử nay vẫn chưa được, nên Tâm rất kinh sợ, liền vào trong cung bạch với Phu Nhân rằng: “Đại Gia biết không, bên ngoài nghe mọi người tản ra đi tìm Vương Tử ở khắp nơi, vẫn chưa tìm được”

Khi Phu Nhân nghe lời này xong, rất lo lắng, mặt tràn đầy nước mắt, đến chỗ của Đại Vương, bạch rằng: “Đại Vương! Thiếp nghe người bên ngoài nói lời như vầy: “Đứa con nhỏ mà ta yêu quý  bị lạc mất rồi!...”

Đức vua nghe xong, kinh hoàng, buồn bã nghẹn ngào nói: “Khổ thay! Ngày nay lạc mất đứa con yêu quý (Priya-suta: ái tử) của ta”

Tức liền lau nước mắt, an ủi Phu Nhân rồi bảo rằng: “Này Hiền Thủ! Khanh đừng lo lắng, nay ta cùng nhau ra ngoài tìm kiếm đứa con yêu quý”

Đức vua, Đại Thần cùng với mọi người liền cùng nhau ra khỏi thành, mỗi mỗi đều phân tán tìm kiếm các nơi. Khoảng chưa lâu thì có một vị Đại Thần đến trước mặt, bạch với vua rằng: “Nghe nói Vương Tử vẫn còn. Nguyện xin đừng lo buồn, nay chưa tìm thấy vị Vương Tử nhỏ nhất thôi”

Đức vua nghe lời này thì buồn than, nói rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Lạc mất đức con yêu quý của ta!...”

“Lúc mới có con thời vui vẻ ít

Sau khi mất con thời lo khổ nhiều

Nếu khiến con ta còn thọ mạng

Dầu thân ta mất, chẳng hề khổ”

 

_Phu Nhân nghe xong, lo lắng ưu phiền như bị tên bắn trúng, rồi than thở rằng:

“Ba con của ta với người hầu

Đều đến trong rừng, cùng du ngoạn

Con yêu nhỏ nhất chẳng quay về

Quyết có việc trái ngang tai ách”

 

_Tiếp đó, vị Đại Thần thứ hai đi đến chỗ của Đức Vua. Nhà vua hỏi vị Đại Thần rằng: “Đứa con yêu quý của Ta ở đâu?”

Vị Đại Thần thứ hai áo não khóc lóc, cổ họng với lưỡi khô khốc, miệng chẳng thể nói, nên không có từ ngữ thưa đáp. Phu Nhân hỏi rằng:

“Mau báo đứa nhỏ nay ở đâu

Thân ta nóng bức thiêu đốt khắp

Choáng váng, mê man mất Bản Tâm

Đừng khiến ngực ta, nay rách vỡ”

 

_Thời vị Đại Thần thứ hai liền đem việc Vương Tử buông xả thân thưa trình đầy đủ cho đức vua biết. Đức vua với Phu Nhân nghe việc ấy xong, chẳng kềm được sự buồn thương uất nghẹn, hướng về nơi đức con buông xả thân, chạy vội tới phía trước, đến chỗ rừng tre, đến đất mà Bồ Tát ấy đã buông xả thân, thấy hài cốt vương vãi, cùng thời ngã xuống đất, choáng váng sắp chết, giống như gió mạnh thổi lật ngược cái cây lớn, Tâm mê đánh mất chính mình, đều không có hay biết.

Lúc đó, các vị Đại Thần đem nước rải khắp lên Đức Vua với phu nhân, rất lâu mới tỉnh lại, giơ tay khóc lóc, than thở rằng:

“Ôi! Hại con yêu (ái tử), tướng đoan nghiêm

Do đâu chết khổ đến ép trước

Nếu ta được chết trước con yêu

Há thấy việc khổ lớn như đây”

 

Bấy giờ, Phu Nhân đang hôn mê, hơi tỉnh lại, đầu tóc rối tung, hai tay đấm vào ngực, lăn lộn trên mặt đất như con cá ở trên đất bằng, ngư con bò bị lạc mất con, buồn khóc nói rằng:

“Ai mổ cắt con ta?

Còn xương rải trên đất

Ta mất con yêu quý

Lo buồn chẳng chịu nổi

_Khổ thay! Ai giết con?

Gây việc ưu não này

Tâm ta phi Kim Cương (chẳng phải là Kim Cương)

Làm sao chẳng bị vỡ

Trong mộng ta đã thấy

Hai vú đều bị cắt

Răng đều bị rụng xuống

Nay gặp đau khổ lớn

Mộng thấy ba bồ câu

Một bị chim ưng bắt

Nay mất con yêu quý

Tướng ác chẳng hư dối”

 

_Khi ấy, Đại Vương, Phu Nhân với hai vị Vương Tử, buồn thương kêu khóc, bỏ chuỗi Anh Lạc…rồi cùng với dân chúng thu lấy Xá Lợi di thân của Bồ Tát, đặt trong Tốt Đổ Ba (Stūpa: cái tháp nhiều tầng) để cúng dường.

[ND: Phật Giáo Nepal ghi nhận cái tháp báu thờ Xá Lợi của Bồ Tát được xưng gọi là OṂ  NAMO  BUDDHA. Túc Sinh Truyện thuật lại tích truyện trên, ghi nhận thêm là cái tháp báu ấy có tên là NAMURA (tiếng gọi tắt của câu NAMO BUDDHA có nghĩa là quy mệnh Đức Phật). Tháp Namo Buddha nằm trên một ngọn đồi ở Panauti thuộc lãnh thổ của Nepal. Từ đây, có thể ngắm phong cảnh núi non hùng vĩ của dãy Himalaya].

 

 

 

_Này A Nan Đà! Các ông nên biết đây tức là Xá Lợi của vị Bồ Tát ấy”

 

_Lại bảo A Nan Đà: “Ở thời xưa kia, Ta tuy đủ phiền não, tham, sân, si… hay ở trong Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh, năm nẻo tùy theo duyên cứu giúp khiến cho (chúng sinh) được thoát lìa huống chi là lúc này, phiền não đều tận hết, không có tập khí dư sót nữa, hiệu là Thiên Nhân Sư (Śāsta-deva-manuṣyāṇāṃ), đủ Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā) mà chẳng thể vì tất cả chúng sinh trải qua nhiều kiếp ở trong Địa Ngục với nơi khác… thay họ nhận chịu mọi khổ, khiến cho họ ra khỏi sinh tử, phiền não, luân hồi sao?!... “

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này lần nữa nên nói Tụng là:

“Ta nhớ đời quá khứ

Vô lượng vô số kiếp

Có lúc làm quốc vương

Hoặc lại làm con vua

Thường thực hành Đại Thí

Buông xả thân yêu quý

Nguyện ra khỏi sinh tử

Đến nơi Diệu Bồ Đề

_Xưa kia có nước lớn

Quốc Chủ tên Đại xa (Mahā-ratha)

Vương Tử tên Dũng Mãnh (Mahā-satva)

Thường bố thí, không tiếc

Vương Tử có hai anh

Hiệu Đại Cừ (Mahā-praṇāda), Đại Thiên (Mahā-deva)

Ba người ra ngoài chơi

Dần đi đến núi rừng

Thấy con cọp bị đói

Liền sinh Tâm như vầy

Cọp bị lửa đói đốt

Lại không có gì ăn

Đại Sĩ thấy điều này

Sợ nó sẽ ăn con

Buông xả thân không tiếc

Cứu giúp cho khỏi chết

_Đất đai với các núi

Một thời đều chấn động

Sông, biển đều phun trào

Sóng dữ, nước chảy ngược

Trời đất mất ánh sáng

Mờ tối không nhìn thấy

Cầm thú ở rừng hoang

Bay, chạy mất chỗ ở

_Hai anh sợ chẳng về

Lo lắng sinh buồn khổ

Liền cùng với Thị Tòng (người theo hầu)

Tìm kiếm khắp rừng, đầm

Anh em cùng bàn bạc

Lại đến chốn núi sâu

Nhìn quanh không đâu có

Thấy cọp ở rừng vắng

Cọp mẹ với bảy con

Miệng đều có vấy máu

Còn xương tàn với tóc

Vương vãi trên mặt đất

Lại thấy có máu chảy

Rải rác ở rừng cây

Hai anh nhìn thấy xong

Tâm sinh rất sợ hãi

Choáng váng ngã xuống đất

Hôn mê chẳng biết gì

Thân lấm đầy bụi đất

Sáu tình (mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét) đều mất niệm

_Người theo hầu Vương Tử

Khóc lóc, Tâm lo sợ

Rưới nước khiến tỉnh lại

Giơ tay, kêu gào khóc

 

_Lúc Bồ Tát xả thân

Mẹ hiền ở trong cung

Với năm trăm Cung Nữ

Cùng thọ hưởng Diệu Lạc

Hai vú của Phu Nhân

Đột nhiên tự chảy sữa

Khắp thân như kim chích

Đau khổ chẳng thể yên

Chợt sinh tưởng mất con

Khổ như tim trúng tên (mũi tên)

Liền bạch Đại Vương biết

Bày việc khổ não này

Khóc thương chẳng chịu nổi

Buồn thảm tâu với vua:

“Đại Vương! Nay nên biết

Thiếp sinh khổ não lớn

Hai vú chợt tuôn sữa

Ngăn cấm chẳng theo Tâm

Như kim chích khắp thân

Phiền não muốn vỡ ngực

Thiếp mộng thấy điềm ác

Ắt sẽ mất con yêu (Priya-suta: ái tử)

Nguyện vua cứu mạng thiếp

Biết con còn hay mất

Mộng thấy ba bồ câu

Con nhỏ là con yêu (ái tử)

Chợi bị chim ưng bắt

Buồn thương khó nói đủ

Thiếp chìm trong biển lo

Chẳng lâu chắc sẽ chết

Sợ mạng con chẳng còn

Nguyện mau chóng tìm kiếm

Lại nghe người ngoài nói

Chưa tìm được con nhỏ

Nay ý thiếp chẳng yên

Nguyên vua thương xót thiếp”

 

_Phu Nhân tâu vua xong

Thân té ngã xuống đất

Đau thương, Tâm mê man

Hôn mê chẳng còn biết

_Cung nữ thấy Phu Nhân

Hôn mê nằm trên đất

Đều cất tiếng khóc lớn

Lo sợ mất chỗ dựa

_Vua nghe nói như vậy

Lo lắng không chịu nổi

Liền sai các Quần Thần

Tìm kiếm con yêu quý

Cùng nhau ra ngoài thành

Truy tìm khắp mọi nơi

Khóc than hỏi mọi người:

“Vương Tử nay ở đâu

Nay còn sống hay chết

Ai biết nơi đã đi

Làm sao khiến ta thấy

Cởi bỏ Tâm thương lo?!...”

 

_Mọi người truyền cho nhau

Đều nói Vương Tử chết

Người nghe đều thương tiếc

Buồn than khổ khó lường

_Bấy giờ, vua Đại Xa

Khóc thương, liền đứng dậy

Đến chỗ của Phu Nhân

Rưới nước lên thân ấy

Phu Nhân nhờ nước rưới

Lậu sau mới tỉnh dậy

Thương khóc hỏi Đức Vua:

“Nay con thiếp còn chăng?!...”

 

_Vua bảo Phu Nhân rằng:

“Ta đã sai mọi người

Tìm Vương Tử khắp nơi

Vẫn chưa có tin tức”

 

_Vua lại bảo Phu Nhân:

“Nàng đừng sinh phiền não

Nên tự an ủi mình

Cùng nhau đi truy tìm”

_Vua cùng với Phu Nhân

Lên xe hướng trước tiến

Tiếng khóc vang thê thảm

Tâm lo như lửa đốt

_Trăm ngàn vạn dân chúng

Theo vua ra khỏi thành

Đều muốn tìm Vương Tử

Tiếng kêu khóc chẳng dứt

_Vua tìm con yêu quý

Mắt nhìn khắp bốn phương

Thấy có một người đến

Tóc rối, thân vấy máu

Khắp thể đầy bụi đất

Khóc thương đi ngược đến

Vua thấy tướng ác này

Sinh ưu phiền gấp bội

_Vua liền giơ hai tay

Thương khóc chẳng kềm nỗi

Có Đại Thần thứ nhất

Vội vã đến gặp vua

Trình tấu Đại Vương rằng:

“Nguyện xin đừng buồn thương

Con yêu quý của vua

Tuy nay chưa tìm được

Chẳng lâu sẽ đi đến

Cởi mối lo của vua”

 

_Vua lại tiến tới trước

Thấy Đại Thần kế tiếp

Đi đến chỗ của vua

Chảy nước mắt tâu rằng:

“Hai Vương Tử hiện tại

Bị lửa lo ép bức

Vị Vương Tử thứ ba

Đã bị Vô Thường nuốt

Gặp cọp đói mới sinh

Sắp muốn ăn thịt con

Vương Tử Tát Đỏa ấy

Thấy thế khởi Tâm Bi

Nguyện cầu Đạo Vô Thượng

Sẽ độ tất cả chúng

Cột Tưởng Diệu Bồ đề

Rộng lớn sâu như biển

Liền lên đỉnh núi cao

Lao thân trước cọp đói

Cọp yếu chẳng thể ăn

Dùng tre cắt cổ mình

Mới ăn thân Vương Tử

Chỉ còn sót hài cốt”

 

_Thời vua với Phu Nhân

Nghe xong đều hôn mê

Tâm chìm vào biển lo

Lửa phiền não thiêu đốt

_Đại Thần dùng nước hương (Chiên Đàn Thủy)

Rưới vua với Phu Nhân

Tỉnh lại đều thương khóc

Giơ tay đấm ức ngực

 

_Đại Thần thứ ba đến

Tâu trình vua như vầy:

“Thần thấy hai Vương Tử

Hôn mê ở trong rừng

Thần dùng nước lạnh rưới

Mới tạm hồi tỉnh lại

Ngó nhìn khắp bốn phương

Như lửa mạnh vòng khắp

Tạm dậy, lại ngã xuống

Thương khóc chẳng kềm nổi

Giơ tay thương xót nói

Khen Em thật hiếm có!

 

_Vua nghe nói như vậy

Lửa lo lắng tăng thêm

Phu Nhân gào khóc lớn

Cao giọng nói lời này:

“Con nhỏ của ta thương yêu nhất

Đã bị La Sát Vô Thường nuốt

Nay chỉ còn lại hai đứa con

Lại bị lửa lo lắng thiêu đốt

Nay ta mau chóng đến chân núi

An ủi khiến chúng giữ gìn mạng”

 

_Tức liền lên xe ngóng lối trước

Một lòng đến chỗ con xả thân

Trên đường gặp hai con đang khóc

Đấm ngực, áo não mất dung nghi

Cha Mẹ thấy xong, ôm thương lo

Đều đến núi rừng, nơi xả thân

_Đã đến đất Bồ Tát xả thân

Cùng nhau thương khóc, sinh khổ lớn

Cởi bỏ Anh Lạc, Tâm thương xót

Thu lấy xương tàn của Bồ Tát

Cùng với nhân dân đồng cúng dường

Cùng dựng Tốt Đổ Ba bảy báu”

 

_Lại bảo a Nan Đà:

“Vị Tát Đỏa thời xưa

Tức là Ta, Mâu Ni (Śākya-muṇi)

Đừng sinh nơi niệm khác

Vua là cha, Tịnh Phạn (Śuddhodana)

Hậu là mẹ, Ma Gia (Mahā-māya)

Thái Tử là Từ Thị (Maitreya)

Thứ: Mạn Thù Thất Lợi (Maṃjuśrī)

Cọp là Đại Thế Chủ (Mahā-prajāpatī)

Năm con: năm Bật Sô

Một là Đại Mục Liên (Mahā-maudgalyāyana)

Một là Xá Lợi Phất (Śāriputra)

_Ta vì các ông nói

Duyện lợi tha xưa kia

Hạnh Bồ Tát như vậy

Nhân thành Phật, nên học

_Khi Bồ Tát xả thân

Phát Hoằng Thệ như vậy

Nguyện xương tàn thân ta

Đời sau lợi chúng sinh

_Đây là nơi xả thân

Tốt Đổ Ba bảy báu

Trải qua vô lượng thời

Mới chìm sâu trong đất

Do sức Bản Nguyện xưa

Tùy duyên dấy tế độ

Vì lời cho người, trời

Từ dưới đất vọt lên”

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói nhân duyên của tích xưa này thời vô lượng a tăng xí gia Người, Trời, Đại Chúng đều rất thương cảm, hoan hỷ khen là chưa từng có! Đều phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề.

Lại bảo vị Thần cây: “Ta vì báo ân cho nên đến lễ kính”

Đức Phật thu nhiếp Thần Lực thì Tốt Đổ Ba (cái tháp) ấy quay trở lại ẩn trong lòng đất.

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

MƯỜI PHƯƠNG BỒ TÁT KHEN NGỢI

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI BẢY_

 

Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai nói Kinh này thời, ở mười phương Thế Giới có vô lượng trăm ngàn vạn ức các Chúng Bồ Tát đều từ cõi nước của mình đến núi Thứu Phong (Gṛdhra-kuṭa), chỗ của Đức Thế Tôn, cúi năm vóc sát đất lễ Đức Thế Tôn xong, một lòng chắp tay, khác miệng đồng âm, khen ngợi rằng:

“Thân Phật màu vàng ròng vi diệu

Ánh sáng chiếu khắp như núi vàng

Thanh tịnh mềm mại như hoa sen

Vô lượng màu tuyệt đẹp nghiêm sức

Ba mươi hai tướng trang nghiêm khắp

Tám mươi vẻ đẹp đều tròn đủ

Ánh sáng chói lọi không gì bằng

Lìa dơ giống như trăng tròn sạch

_Tiếng trong trẻo thật là vi diệu

Như sư tử rống, tiếng sấm nổ

Tám loại vi diệu ứng Quần Cơ (vạn vật)

Hơn hẳn nhóm Ca Lăng Tần Già (Kalaviṅka)

_Diệu tướng trăm Phước, nghiêm dung mạo

Ánh sáng thanh tịnh, không vết bẩn

Trí Tuệ lặng trong như biển lớn

Công Đức rộng lớn như hư không

_Hào quang tràn khắp mười phương giới

Tùy duyên cứu khắp các hữu tình

Phiền não, Ái nhiễm đều trừ hết

Luôn thắp đuốc Pháp chẳng hề tắt

_Thương xót, lợi ích các chúng sinh

Hiện tại, vị lai hay ban vui

Thường vì họ nói Đệ Nhất Nghĩa (Paramārtha)

Khiến chứng Niết Bàn, chân tịch tĩnh

_Phật nói Pháp Cam Lộ thù thắng

Cho nghĩa vi diệu của Cam Lộ

Dẫn vào thành Niết Bàn Cam Lộ

Hưởng niềm vui Cam Lộ, Vô Vi

_Thường ở trong biển lớn sinh tử

Giải thoát khổ cho các chúng sinh

Khiến họ hay trụ đường an ổn

Luôn cho vui như ý khó bàn

_Biển Đức Như Lai rất sâu rộng

Chẳng phải nơi thí dụ hay biết

Ở Chúng thường khởi Tâm Đại Bi

Phương tiện siêng năng, luôn chẳng nghỉ

_Biển Trí Như Lai không bờ mé

Tất cả người, Trời cùng đo lường

Giả sử trong trăm ngàn vạn kiếp

Chẳng thể biết được chút ít phần

_Nay con lược khen Công Đức Phật

Ở trong biển Đức chỉ một giọt

Đem nhóm Phước này cho quần sinh

Đều nguyện mau chứng quả Bồ Đề”

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay! Các ông khéo hay khen Công Đức của Phật như vậy, lợi ích cho hữu tình, rộng hưng vượng Phật Sự, hay diệt các tội, sinh vô lượng Phước”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

DIỆU TRÀNG BỒ TÁT KHEN NGỢI

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI TÁM_

 

Bấy giờ, Diệu Tràng Bồ Tát từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, rồi nói Tán rằng:

“_Mâu Ni viên mãn tướng trăm Phước

Vô lượng công Đức trang nghiêm thân

Thanh tịnh rộng lớn, người thích nhìn

Giống như ngàn mặt trời chiếu sáng

Màu lửa vô biên sáng rực rỡ

Như nhóm Diệu Bảo, tướng đoan nghiêm

Như mặt trời mọc chiếu hư không

Hồng, trắng rõ ràng xen vàng rực

Như ánh sáng núi vàng chiếu khắp

Đều hay vòng khắp trăm ngàn cõi

Diệt vô lượng khổ của chúng sinh

Ban cho vô biên vui thắng diệu

Các tướng đầy đủ, đều nghiêm tịnh

Chúng sinh thích nhìn không biết chán

Đầu tóc mềm mại màu xanh biếc

Giống như ong đen (hắc phong) gom diệu hoa

_Đại Hỷ, Đại Xả, Tịnh trang nghiêm

Đại Từ, Đại Bi đều đầy đủ

Mọi tướng tốt đẹp làm nghiêm sức

Nơi thành của Pháp Bồ Đề Phần (Bodhyaṅga)

_Như Lai hay cho Chúng phước lợi

Khiến họ thường được an vui lớn

Mọi loại Diệu Đức cùng trang nghiêm

Ánh sáng chiếu khắp ngàn vạn cõi

_Hào quang Như Lai rất tròn đầy

Như mặt trời hồng khắp hư không

Phật như Tu Di (Sumeru) đủ Công Đức

Hiện bày hay vòng khắp mười phương

_Kim Khẩu Như Lai diệu đoan nghiêm

Răng trắng khít đều như Kha Tuyết

Diện mạo Như Lai không ai bằng

Tam tinh: Hào Tướng (Ūrṇa: sợi lông trắng) xoay bên phải

Ánh sáng trắng tươi như Pha Lê

Giống như trăng tròn ở hư không”

Đức Phật bảo Diệu Tràng Bồ Tát: “Ông hay khen ngợi Công Đức chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật như vậy, lợi ích cho tất cả, khiến người chưa biết tùy thuận tu học”

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

THẦN CÂY BỒ ĐỀ KHEN NGỢI

_PHẨM THỨ HAI MƯƠI CHÍN_

 

Bấy giờ, Thần cây Bồ Đề cũng dùng Già Tha (Kệ Tụng) khen Đức Thế Tôn là:

“Kính lễ Tuệ thanh tịnh của Phật (Tathāgata: Như Lai)

Kính lễ Tuệ thường cầu Chính Pháp

Kính lễ Tuệ hay lìa Phi Pháp

Kính lễ Tuệ luôn không phân biệt

Hiếm có Hạnh vô biên của Phật (Bhagavaṃ: Thế Tôn)

Hiếm có hoa Ưu Đàm (Udumbara) khó thấy

Hiếm có như biển trấn Sơn Vương

Hiếm có Thiện Thệ Quang (ánh sáng của đấng Thiện Thệ) vô lượng

Hiếm có Từ Nguyện lớn của Phật (Damya-sārathi: Điều Ngự)

Hiếm có Thích Chủng (Śākya-kula: dòng tộc Thích Ca) sáng hơn Nhật (Sūrya: mặt trời)

Hay nói báu trong Kinh như vậy

Thương xót, lợi ích các quần sinh

Mâu Ni (Muṇi) vắng lặng, các Căn định

Hay vào thành Niết Bàn vắng lặng

Hay trụ Môn Tịch Tĩnh Đẳng Trì

Biết cảnh giới thâm sâu vắng lặng

Lưỡng Túc Trung Tôn (Dvipadottama) trụ Không Tịch (Śūnyatā: Tính trống rỗng)

Thân Thanh Văn Đệ Tử cũng Không (Śūnya: trống rỗng)

Thể Tính (Prakṛtya) tất cả Pháp đều Không

Tất cả chúng sinh đều Không Tịch (trạng thái vắng lặng của sự xa lìa các Pháp Tướng)

_Con thường nghĩ nhớ đến chư Phật

Con thường thích thấy các Thế Tôn

Con thường phát khởi Tâm ân trọng

Thường được gặp mặt trời Như Lai

_Con thường đỉnh lễ Đức Thế Tôn

Nguyện thường chẳng buông Tâm khát ngưỡng

Buồn khóc tuôn lệ không gián đoạn

Thường được phụng sự chẳng biết chán

_Nguyện xin Thế Tôn khởi Tâm Bi

Khiến con thường thấy vẻ mặt hiền (Saumya-rūpaṃ:hình sắc cực tốt lành)

Phật với chúng Thanh Văn thanh tịnh

Nguyện thường cứu giúp khắp người, Trời

_Thân Phật vốn tịnh như hư không

Như lửa huyễn hóa, trăng trong nước

Nguyện nói Pháp Niết Bàn Cam Lộ

Hay sinh tất cả nhóm Công Đức

_Mọi cảnh giới Tịnh của Thế Tôn

Từ Bi, Chính Hạnh khó nghĩ bàn

Thanh Văn, Độc Giác chẳng lường nổi

Đại Tiên, Bồ Tát chẳng thể đo

_Nguyện xin Như Lai thương xót con

Thường khiến nhìn thấy Thân Đại Bi

Ba nghiệp không mệt, phụng Từ Tôn

Mau rời sinh tử, về Chân Tế (địa vị chân thật)”

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn nghe Tán này xong, dùng Phạm Âm (Brahma-svara) bảo vị Thần cây rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nữ Thiên! Ngươi hay đối với Pháp Thân thanh tịnh, chân thật không hư dối của Ta, lợi mình lợi người tuyên dướng tướng màu nhiệm. Do Công Đức này khiến cho ngươi mau chứng Bồ Đế tối thượng, điều mà tất cả hữu tình đã đồng tu tập. Nếu người được nghe, đều nhập vào Pháp Môn Cam Lộ Vô Sinh

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

ĐẠI BIỆN TÀI THIÊN NỮ KHEN NGỢI

_PHẨM THỨ BA MƯƠI_

 

Bấy giờ, Đại Biện Tài Thiên Nữ (Sarasvatī-devī) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, dùng ngôn từ ngay thẳng, khen Đức Thế Tôn rằng:

Nam mô Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác

Thân màu vàng ròng

Họng (cổ họng) như vỏ ốc (loa bối)

Mặt như trăng đầy

Mắt như sen xanh

Môi miệng đỏ đẹp

Như màu Pha Lê

Mũi cao ngay thẳng

Như cắt thoi vàng

Răng trắng khít đều

Như hoa Câu Vật Đầu (Kumuda)

Thân sáng chiếu khắp

Như ngàn mặt trời

Màu ánh sáng chiếu

Như vàng Thiệm Bộ

Điều đã nói ra

Không có sai lầm

Bày ba Môn Giải Thoát

Mở ba đường Bồ Đề

Tâm thường thanh tịnh

Ý thích cũng thế

Nơi Phật đã trụ

Với cảnh đã hành

Cũng thường thanh tịnh

Lìa chẳng uy nghi

Độ chúng sinh khổ

Khiến về bờ kia (bờ giải thoát)

Thân tướng viên mãn

Như cây Câu Đà

Huân tu sáu Độ (6 Ba La Mật)

Ba nghiệp không mất

Hết thảy tuyên thuyết

Thường vì chúng sinh

Nói chẳng hư dối

Ở trong Thích Chủng (Śākya-kula)

Làm Sư Tử lớn

Dũng mãnh bền chắc

Đủ tám Giải Thoát

_Nay con tùy sức

Khen ngợi Như Lai

Chút phần Công Đức

Giống như con muỗi

Uống nước biển lớn

Nguyện đem Phước này

Rộng với hữu tình

Lìa hẳn sinh tử

Thành Vô Thượng Đạo

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Biện Tài Thiên rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngươi tu tập đã lâu, đủ Đại Biện Tài. Nay lại đối với Ta rộng bày khen ngợi, khiến cho ngươi mau chứng Pháp Môn vô thượng, tướng tốt tròn sáng, kợi khắp tất cả”

 

Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh

PHÓ CHÚC

_PHẨM THỨ BA MƯƠI MỐT_

 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo khắp vô lượng Bồ Tát với cá người, Trời, tất cả Đại Chúng: “Các ngươi nên biết, Ta ở vô lượng vô số kiếp siêng tu Khổ Hạnh, được Pháp thâm sâu, Nhân chính đúng của Bồ Đề… đã vì ngươi nói. Các ngươi, ai hay phát Tâm dũng mãnh cung kính thủ hộ, sau khi Ta vào Niết Bàn, đối với Pháp Môn này rông tuyên lưu bày, hay khiến cho Chính Pháp trụ lâu ở Thế Gian”

Khi ấy, trong Chúng có sáu mươi câu chi các Đại Bồ Tát, sáu mươi câu chi chư Thiên Đại Chúng… khác miệng đồng âm nói lời như vầy: “Thế Tôn! Chúng con đều có Tâm mừng vui, đối với Nhân chính đúng của Bồ Đề, Pháp vi diệu thâm sâu mà Đức Phật Thế Tôn ở vô lượng Đại Kiếp siêng tu Khổ Hạnh đạt được… đều cung kính hộ trì chẳng tiếc thân mạng. Sau khi Đức Phật vào Niết Bàn, đối với Pháp Môn này sẽ rộng tuyên lưu bày, sẽ khiến cho Chính Pháp trụ lâu dài ở Thế Giaṅ

_Lúc đó, các Đại Bồ Tát liền ở trước mặt Đức Phật, nói Già Tha (Kệ Tụng) là:

“_Thế Tôn nói chân thật

An trụ ở Pháp thật

Do chân thật ấy nên

Hộ trì nơi Kinh này

_Đại Bi làm giáp trụ

An trụ ở Đại Từ

Do sức Từ Bi ấy

Hộ trì nơi Kinh này

_Phước tư lương (Puṇya-sambhāra) viên mãn

Sinh khởi Trí tư lương (Jñāna-sambhāra)

Do đủ tư lương (Saṃbhāra) nên

Hộ trì nơi Kinh này

_Giáng phục tất cả ma (Mārā)

Phá diệt các Tà Luận

Đoạn trừ Ác Kiến nên

Hộ trì nơi Kinh này

_Hộ Thế và Thích, Phạm

Cho đến A Tô La

Hàng Rồng, Thần, Dược Xoa

Hộ trì nơi Kinh này

_Trên đất với hư không

Trụ lâu ở nơi này

Phụng trì Phật Giáo nên

Hộ trì nơi Kinh này

_Bốn Phạm Trú tương ứng 

Bốn Thánh Đế nghiêm sức

Giáng phục bốn Ma nên

Hộ trì nơi Kinh này

_Hư không thành chất ngại

Chất ngại thành hư không

Nơi chư Phật hộ trì

Không có thể nghiêng động”

 

_Bấy giờ, bốn Đại Thiên Vương nghe Đức Phật nói hộ trì Diệu Pháp này, đều sinh Tâm tùy vui ủng hộ Chính Pháp, một lúc đồng thanh nói Già Tha (Kệ Tụng) rằng:

“Con đối với Kinh này

Với nam nữ quyến thuộc

Đều một lòng ủng hộ

Khiến được rộng lưu thông

Nếu có người trì Kinh

Hay làm Nhân Bồ Đề

Con thường ở bốn phương

Ủng hộ mà thừa sự”

 

_Khi ấy, Thiên Đế Thích chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Chư Phật chứng Pháp này

Vì muốn báo ân nên

Nhiêu ích chúng Bồ Tát

Ra đời diễn Kinh này

Con đối với chư Phật

Báo ân thường cúng dường

Hộ trì Kinh như vậy

Cùng với người trì Kinh”

  

_Lúc đó, Đổ Sử Đa Thiên Tử chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Phật nói Kinh như vậy

Nếu có người hay trì

Sẽ trụ Bồ Đề Vị

Sinh lên Đổ Sử Thiên

Thế Tôn! Con vui thích

Buông quả báo cõi Trời

Trụ ở Thiệm Bộ Châu

Tuyên dương Kinh Điển này’

 

_Bấy giờ, Sách Ha Thế Giới Chủ Phạm Thiên Vương chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Các Tĩnh Lự (Dhyāna: Thiền Định) vô lượng

Các Thừa (Yāna) với Giải Thoát (Vimukti)

Đều từ Kinh này ra

Thế nên diễn Kinh này

Hoặc nơi nói Kinh này

Cũng thường làm ủng hộ”

 

_Khi ấy, con của Ma Vương tên là Thương Chủ chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Nếu có người thọ trì

Nghĩa chính tương ứng Kinh

Chẳng tùy chỗ Ma hành

Tĩnh trừ nghiệp Ma ác

Con đối với Kinh này

Cũng sẽ siêng thủ hộ

Phát ý đại tinh tiến

Tùy nơi, rộng lưu thông”

 

_Lúc đó, Ma Vương chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Nếu có trì Kinh này

Hay giáng phục phiền não

Loại chúng sinh như vậy

Ủng hộ khiến an vui

Nếu có nói Kinh này

Các Ma chẳng thuận tiện

Do Uy Thần của Phật

Con ủng hộ người ấy”

 

_Bấy giờ, Diệu Cát Tường Thiên Tử ở trước mặt Đức Phật, nói Già Tha là:

Chư Phật, Diệu Bồ Đề

Ở trong Kinh này nói

Nếu người trì Kinh này

Là cúng dường Như Lai

Con sẽ trì Kinh này

Vì câu chi Thiên nói

Người cung kính lắng nghe

Khuyên đến chốn Bồ Đề”

 

_Khi ấy, Từ Thị Bồ Tát chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Nếu thấy trụ Bồ Đề

Cùng làm bạn chẳng thỉnh

Cho đến bỏ thân mạng

Hộ giữ Kinh Vương này

Con nghe Pháp như vậy

Sẽ về Đổ Sử Thiên

Do Thế Tôn gia hộ

Rộng vì người, Trời nói”

 

_Lúc đó, Thượng Tọa Đại Ca Diếp Ba (Mahā-kāśyapa) chắp tay cung kính, nói Già Tha là:

“Phật ở Thanh Văn Thừa

Nói con ít Trí Tuệ

Nay con tùy sức mình

Hộ trì Kinh như vậy

Nếu có trì Kinh này

Con nhiếp nhận người ấy

Truyền sức Từ Biện (biện luận hay khéo) ấy

Thường tùy khen lành thay

 

_Bấy giờ, Cụ Thọ A Nan Đà (Ānanda) chắp tay hướng về Đức Phật, nói Già Tha là:

“Thân con theo Phật nghe

Vô lượng mọi Kinh Điển

Chưa từng nghe như vậy

Vua trong Pháp thâm diệu

Nay con nghe Kinh này

Đích thân nhận trước Phật

Các người thích Bồ Đề

Vì họ rộng tuyên thông”

 

Khi ấy, Đức Thế Tôn thấy các Bồ Tát, Người, Trời, Đại Chúng mỗi mỗi đều phát Tâm đối với Kinh Điển này lưu thông, ủng hộ, khuyên tiến Bồ Tát, rộng lợi chúng sinh, nên khen rằng: “Các ngươi hay đối với Kinh Vương vi diệu như vậy, chân thành lưu bày, cho đến sau khi Ta Bát Niết Bàn (vào Niết Bàn) chẳng khiến cho tan diệt, tức là Nhân chính đúng của Vô Thượng Bồ Đề, Công Đức đạt được ở hằng hà sa kiếp, nói chẳng thể hết.

Nếu có Bật Sô, Bật Sô Ni, Ô Ba Sách Ca, Ô Ba Tư Ca với kẻ trai lành, người nữ thiện khác… cúng dường, cung kính, viết chép, lưu thông, vì người giải nói thì Công Đức đạt được cũng lại như vậy. Thế nên, các ngươi nên siêng năng tu tập”

 

_Bấy giờ, vô lượng vô biên hằng sa Đại Chúng nghe Đức Phật nói xong, đều rất vui vẻ, tin nhận, phụng hành.

 

KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH

_QUYỂN THỨ MƯỜI (Hết)_

 

Dịch xong một Bộ gồm 10 quyển vào ngày 01/11/2014

MỤC LỤC

 

1_Sơ lược về Kinh Kim Quang Minh............................................. Tr.01

2_Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh (No.665)...........................

  .) Quyển 1.................................................................................... Tr.05

  .) Quyển 2.................................................................................... Tr.22

  .) Quyển 3.................................................................................... Tr.40

  .) Quyển 4.................................................................................... Tr.52

  .) Quyển 5.................................................................................... Tr.66

  .) Quyển 6.................................................................................... Tr.83

  .) Quyển 7.................................................................................... Tr.97

  .) Quyển 8.................................................................................. Tr.112

  .) Quyển 9.................................................................................. Tr.132

  .) Quyển 10................................................................................ Tr.155

3_Mục lục.................................................................................... Tr.179

 

MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH PHÁP, TƯỢNG PHẬT

 

1_ Những nghiệp chướng lỗi lầm từ trước, nhẹ thì được tiêu trừ, nặng thì chuyển thành nhẹ

2_ Thường được các vị Thiện Thần ủng hộ. Tránh được tất cả tai ương, hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa. trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3_ Vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo phiền khổ, oán thù oan trái của đời trước cũng như đời này.

4_ Các vị Hộ Pháp, Thiện Thần thường gia hộ nên những loài Dạ Xoa, Quỷ ác, rắn độc, cọp, beo tránh xa không dám hãm hại.

5_ Tâm được an vui, ban ngày không gặp việc nguy hiểm, ban đêm không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khoẻ, an lành, việc làm thuận lợi được kết quả tốt.

6_ Chí thành hộ Pháp, tâm không cầu lợi, tự  nhiên quần áo đầy đủ, gia đình hoà thuận, phước lộc đời đời.

7_ Lời nói, việc làm đều được Người, Trời hoan hỷ. Đi đến đâu cũng được mọi người kính mến khen ngợi.

8_ Ngu mê chuyển thành Trí Tuệ, bệnh lành, mạnh khoẻ, nghèo túng chuyển thành thịnh đạt. Nhàm chán thân nữ, đời sau sẽ được thân nam.

9_ Vĩnh viễn xa lìa đường ác, sinh vào cõi Trời, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.

10_ Hay vì tất cả chúng sinh gieo trồng căn lành. Lấy tâm mong cầu của chúng sinh làm ruộng Phước cho mình. Nhờ công đức ấy nên đạt được vô lượng quả Phước thù thắng. Sinh ra nơi nào cũng được thấy Phật, nghe Pháp, Phước Tuệ rộng lớn, chứng đạt sáu Thông, sớm thành Phật Quả.

Ấn Quang Tổ Sư dạy rằng: "Ấn tống Kinh Pháp, tượng Phật được công đức thù thắng như vậy, nên nhân dịp có lễ chúc thọ, thành hôn, cầu phước, thoát được hiểm nạn, sám hối, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh, cầu tiêu trừ nghiệp chướng… Hãy dũng mãnh phát Tâm Bồ Đề, ấn tống Kinh Pháp để trồng cội Phước Đức cho chính mình và thân bằng quyến thuộc…”

 

 

 

 

 

 

 

 

PHƯƠNG DANH TÍN CHỦ ẤN TỐNG KINH

 

1_........................................................................................................................... triệu đồng

2_........................................................................................................................... triệu đồng

3_........................................................................................................................... triệu đồng

4_........................................................................................................................... triệu đồng

5_........................................................................................................................... triệu đồng

6_........................................................................................................................... triệu đồng

7_........................................................................................................................... triệu đồng

8_........................................................................................................................... triệu đồng

9_........................................................................................................................... triệu đồng

10_......................................................................................................................... triệu đồng

11_......................................................................................................................... triệu đồng

12_......................................................................................................................... triệu đồng

13_......................................................................................................................... triệu đồng

14_......................................................................................................................... triệu đồng

15_......................................................................................................................... triệu đồng

16_......................................................................................................................... ngàn đồng

17_......................................................................................................................... triệu đồng

18_......................................................................................................................... triệu đồng

19_......................................................................................................................... triệu đồng

20_......................................................................................................................... triệu đồng

21_......................................................................................................................... triệu đồng

22_......................................................................................................................... triệu đồng

23_......................................................................................................................... triệu đồng

24_......................................................................................................................... triệu đồng

 

Tổng cộng:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KỆ HỒI HƯỚNG

 

                                    Nguyện đem công đức này

                             Tiêu trừ nghiệp xưa nay

                             Tăng trưởng các Phước Tuệ

                             Viên thành căn thắng thiện

                             Bao nhiêu kiếp đao binh

                             Cùng với nạn đói khát

                             Đều diệt sạch không còn

                             Nhân danh tập lễ tán

                             Tất cả giúp thành người

                             Người xoay chuyển lưu thông

                             Quyến thuộc nay an lạc

                             Tiên vong được siêu thăng

                             Mưa gió thường thuận hòa

                             Nhân dân đều khang ninh

                             Pháp Giới các hàm thức

                             Đồng chứng Đạo Vô Thượng .

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
06/01/202001:32
Khách
sao con chưa thấy có file đọc tụng kinh này
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]