Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Từ Mục Lục Kinh Đến Đại Tạng Kinh

24/06/201319:33(Xem: 11423)
3. Từ Mục Lục Kinh Đến Đại Tạng Kinh

Sơ lược quá trình phiên dịch, soạn thuật và hình thành đại tạng kinh Hán văn

3. Từ Mục Lục Kinh Đến Đại Tạng Kinh


Cư sĩ Hạnh Cơ

Nguồn: Cư sĩ Hạnh Cơ

1. 19 Bộ Kinh Lục Hiện Còn Lưu Hành

Các kinh điển đã được phiên dịch, và các trước tác liên quan đến kinh luật luận đều được sưu tập và ghi chép vào danh sách có thứ tự, làm thành loại sách gọi là "chúng kinh mục lục" (cũng gọi là kinh lục, tức là thư mục Phật giáo); nhờ đó, dù nhiều dịch phẩm hay tác phẩm bị thất truyền, người sau vẫn biết được tên các dịch phẩm hay tác phẩm ấy. Đó cũng là những tài liệu quí giá để nghiên cứu về lịch sử phiên dịch kinh điển và trước thuật luận, sớ ở Trung-quốc; hơn nữa, đó cũng còn là nền tảng để hình thành Đại Tạng Kinh Hán Văn.
Từ thời Hậu-Hán cho tới nhà Nguyên, trải hơn một nghìn năm, số kinh luật luận được phiên dịch cũng như các sách biên soạn về Phật học, con số đạt đến mấy ngàn quyển. Buổi đầu, số kinh điển được phiên dịch hãy còn ít ỏi, lại tản mác ở các nơi, nên chưa có mục lục nhất định. Từ đời Tiền-Tần (351-394) trở về sau, các dịch phẩm mới dần dần được sưu tập lại và biên thành danh mục; rồi các đời sau lại lần lượt bổ túc thêm vào, làm cho số sách về "kinh lục" ra đời nhiều đến vài chục bộ.
Trong bộ Lịch Đại Tam Bảo Kỉ, do Phí Trưởng Phòng (đời Tùy) soạn, có liệt kê 24 nhà soạn kinh lục từ trước, nhưng tới đời nhà Tùy (581-619) thì đều đã bị mất hết. Ngay cả bộ Tống Lí Chúng Kinh Mục Lục của ngài Đạo An (312-385) soạn vào năm 374 thời Đông-Tấn (317-419) cũng không còn; may mà những danh mục trong bộ sách ấy đã được ngài Tăng Hựu (445-518) chép lại trong bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập do chính ngài biên soạn (vào thời nhà Lương thuộc thời đại Nam-Bắc-triều).
Sách Lịch Đại Tam Bảo Kỉ cũng liệt kê một danh sách khác gồm 6 bộ kinh lục được soạn trong khoảng từ thời Nam-Bắc-triều đến đời Tùy (Chúng Kinh Biệt Lục, đời Tống; Xuất Tam Tạng Tập Kí Lục, đời Tề [đúng ra là đời Lương, chứ không phải đời Tề]; Tề Thế Chúng Kinh Mục Lục, đời Tề; Ngụy Thế Chúng Kinh Mục Lục, đời Bắc-Ngụy; Lương Thế Chúng Kinh Mục Lục, đời Lương; Đại Tùy Chúng Kinh Mục Lục, đời Tùy), nhưng chỉ có 2 bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập (tức Xuất Tam Tạng Tập Kí Lục) và Đại Tùy Chúng Kinh Mục Lục là còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Lại nữa, sách Cao Tăng Truyện (Tuệ Kiểu soạn năm 518, đời Lương) có nêu tên bộ Kinh Mục của Đàm Tông soạn vào đời Lưu-Tống, và sách Quảng Hoằng Minh Tập (Đạo Tuyên soạn năm 644, đời Đường) cũng nêu tên bộ Phật Pháp Lục của Nguyễn Hiếu Tự soạn vào đời Lương, nhưng cả hai bộ kinh lục này đều đã bị mất.
Như vậy, trong các bộ kinh lục còn lưu hành cho đến ngày nay (lược kể sau đây), thì bộ Xuất Tam Tạng Kí Tập (15 quyển) của ngài Tăng Hựu soạn vào năm 510, đời Lương (502-558), được coi là bộ kinh lục xưa nhất, liệt kê số kinh luật luận đã được phiên dịch từ thời Hậu-Hán tới nhà Tiêu-Lương, tổng cộng có 2.211 bộ, gồm 4.251 quyển.
Tiếp đến, vào thời đại nhà Tùy, năm 594, ngài Pháp Kinh đã soạn bộ Chúng Kinh Mục Lục (cũng gọi là Pháp Kinh Lục, gồm 7 quyển), liệt kê số dịch phẩm và soạn phẩm tổng cộng có 2.257 bộ, gồm 5.310 quyển. Năm 597, cư sĩ Phí Trưởng Phòng (nguyên là một tăng sĩ, đã bị bắt buộc phải hoàn tục trong kì pháp nạn dưới triều vua Vũ đế nhà Bắc-Chu) soạn bộ Lịch Đại Tam Bảo Kỉ (15 quyển), liệt kê 1.076 bộ, gồm 3.292 quyển. Năm 602, ngài Ngạn Tông soạn bộ Chúng Kinh Mục Lục (cũng gọi là Nhân Thọ Lục, gồm 5 quyển), liệt kê 2.109 bộ, gồm 5.058 quyển.
Ở thời đại nhà Đường, năm 664, ngài Đạo Tuyên đã soạn bộ Đại Đường Nội Điển Lục (10 quyển), liệt kê 800 bộ, gồm 3.361 quyển; cũng trong năm đó, ngài lại soạn tiếp bộ Tục Đại Đường Nội Điển Lục. Trong khoảng hai năm 664-665, ngài Tĩnh Thái soạn bộ Đại Đường Đông Kinh Đại Kính Ái Tự Nhất Thiết Kinh Luận Mục Lục (7 quyển), liệt kê 2.219 bộ, gồm 6.694 quyển. Ngài Tĩnh Mại soạn bộ Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kí (không rõ năm nào). Năm 695 (dưới triều đại nữ hoàng Vũ Tắc Thiên), ngài Minh Thuyên soạn bộ Đại Châu San Định Chúng Kinh Mục Lục (15 quyển). Năm 730, ngài Trí Thăng soạn 3 bộ Tục Cổ Kim Dịch Kinh Đồ Kí (1 quyển), Khai Nguyên Thích Giáo Lục (20 quyển) và Khai Nguyên Thích Giáo Lục Lược Xuất (5 quyển). Năm 794, ngài Viên Chiếu soạn bộ Đại Đường Trinh Nguyên Tục Khai Nguyên Thích Giáo Lục (3 quyển). Năm 800, ngài Viên Chiếu lại soạn bộ Trinh Nguyên Tân Định Thích Giáo Mục Lục (30 quyển).
Trong thời Ngũ-đại Thập-quốc, chỉ có bộ Đại Đường Bảo Đại Ất Tị Tuế Tục Trinh Nguyên Thích Giáo Lục được ngài Hằng An biên soạn vào năm 945.
Trong thời đại nhà Tống, năm 1013, cư sĩ Dương Ức soạn bộ Đại Trung Tường Phù Pháp Bảo Lục (22 quyển). Năm 1027, ngài Duy Tịnh soạn bộ Thiên Thánh Thích Giáo Lục (3 cuốn). Năm 1036, cư sĩ Lữ Di Giản soạn bộ Cảnh Hựu Tân Tu Pháp Bảo Lục (21 quyển).
Vào thời nhà Nguyên, Đại Tạng Kinh của Tây-tạng (Mật giáo) được truyền vào Trung-quốc, và được phiên dịch ra Hán văn. Các kinh điển này lại được đem đối chiếu, so sánh với các kinh điển Hán văn đã có từ trước, và được ngài Khánh Cát Tường soạn thành bộ Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục (10 quyển) vào năm 1289.

2. Các Bản Đại Tạng Kinh Hán Văn

Từ "Đại Tạng Kinh Hán Văn" được dùng để chỉ cho bộ sách vĩ đại (tùng thư), tổng tập tất cả thánh điển Phật giáo gồm ba tạng Kinh, Luật, Luận (đã được dịch ra Hán văn) là trung tâm, và xung quanh đó là những sách chú sớ và những trước tác phẩm có tính cách luận giải, kí sự, hệ thống hóa v.v… liên quan đến ba tạng trung tâm nói trên. Tất cả các điển tịch này đều được viết bằng Hán văn, do chính người Trung-quốc hoặc người ngoại quốc cư trú tại Trung-quốc và các nước lân cận trực tiếp chịu ảnh hưởng văn hóa Trung-hoa (như Kim, Liêu, Triều-tiên, và Nhật-bản).
Từ "Đại Tạng Kinh" vốn không thấy nói đến ở Phật giáo Ấn-độ; mà trong khoảng thời gian đầu của Phật giáo Trung-quốc cũng chưa có. Tới thời đại Nam-Bắc-triều thì thấy có các từ "nhất thiết chúng tạng kinh điển" và "nhất thiết kinh tạng" xuất hiện. Từ các đời Tùy, Đường trở về sau mới có danh xưng "Đại Tạng Kinh" – dùng để chỉ cho tất cả kinh điển do triều đình ban lệnh sưu tập và công nhận.
Từ nguyên điển Phạn ngữ và Pali ngữ phiên dịch ra các ngôn ngữ khác trên thế giới, thì Đại Tạng Kinh Hán văn được phiên dịch rất sớm, và rất đồ sộ. Buổi ban sơ, sự nghiệp phiên dịch kinh điển ở Trung-quốc được chính thức kể từ năm 148 s. TL (tức năm thứ 2 niên hiệu Kiến-hòa, triều vua Hán Hoàn đế) – là năm ngài An Thế Cao (từ nước An-tức) đến Lạc-dương; và các dịch phẩm của ngài chủ yếu là các kinh điển tiểu thừa. Từ năm 167, khi ngài Chi Lâu Ca Sấm (người nước Nhục-chi) đến Lạc-dương, thì các kinh điển được phiên dịch chủ yếu là đại thừa.
Trong buổi ban sơ ấy, các kinh điển được phiên dịch đều do mỗi dịch giả tự biên chép lấy và tự truyền trì. Đến đời Tiền-Tần (thuộc thời đại Đông-Tấn-thập-lục-quốc, 317-420), ngài Đạo An (người Hán, 312-385) mới bắt đầu sưu tập, phân loại các kinh điển đã được phiên dịch từ trước, rồi biên thành danh mục, đó là quyển Tống Lí Chúng Kinh Mục Lục – nhưng rất tiếc, quyển này đã bị thất truyền. Từ đó về sau, công việc này đã được tiếp tục, nhiều bộ kinh lục như thế đã được xuất hiện (như vừa trình bày ở trên). Song song với việc lập danh sách để soạn thành các bộ kinh lục ấy, toàn bộ các kinh điển đã được phiên dịch cũng được sao chép và tập hợp lại để chứa giữ trong cung thất hoặc ở các ngôi chùa lớn của triều đình. Đó là hình thức sơ khởi trong tiến trình hình thành Đại Tạng Kinh Hán Văn. Phong trào sao chép và tập hợp kinh điển này rất thịnh hành trong khoảng từ Tề, Lương, cho đến Tùy, Đường; nhưng phải đợi đến nhà Tống (thế kỉ thứ 10) thì việc ấn loát mới được bắt đầu.

2.1. 5 Bộ Đại Tạng Đời Tống.

Kĩ thuật ấn loát của Trung-quốc có từ thời đại nhà Đường. Vào lúc đó, kinh sách cũng đã được khắc ván để in, nhưng chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, việc ấn hành chưa được thịnh hành và phổ cập. Đến thời đại nhà TỐNG, năm thứ 4 niên hiệu Khai-bảo (971), vua Thái-tổ (960-976) sai Cao Phẩm và Trương Tùng Tín đến Thành-đô (đất Thục, tức tỉnh Tứ-xuyên), khắc ván toàn bộ kinh điển đã được phiên dịch ra Hán văn từ lúc khởi thỉ cho đến đương đại, tổng cộng được 13 vạn bản. Khắc xong, các bản khắc ấy đã được mang về Ấn-kinh viện đặt trong chùa Thái-bình-hưng-quốc (tại kinh đô Khai-phong, tỉnh Hà-nam) để in. Công việc khởi sự từ năm 971 (triều vua Thái-tổ), cho đến năm 983 (triều vua Thái-tông), cả thảy 13 năm thì hoàn thành. Đó là bộ Đại Tạng Kinh đầu tiên của Phật giáo Trung-quốc, có danh xưng là KHAI BẢO TẠNG, gồm 5.048 quyển, được liệt vào sự nghiệp vĩ đại trong lịch sử ấn loát của thế giới. Bộ Đại Tạng này, sau khi ấn loát xong thì ban phát đi các nơi (kể cả các nước Nữ-chân, Tây-hạ, Triều-tiên, và Nhật-bản), và thường được gọi là Thục Bản.
Tiếp đó, nhiều vị cao tăng cũng noi theo sự nghiệp ấy, cho nên trong thời đại nhà Tống đã có thêm bốn lần khắc ván ấn hành Đại Tạng Kinh:
- Năm 1080 (đời vua Tống Thần-tông), các ngài Tuệ Vinh, Trung Chân, Trí Hoa v.v… ở chùa Đông-thiền tại Phúc-châu (tỉnh Phúc-kiến) khởi công khắc in bộ Đại Tạng Kinh thứ nhì trong triều đại nhà Tống (sau bộ Thục Bản), đó là bộ SÙNG NINH VẠN THỌ TẠNG, được hoàn tất đợt một vào năm 1103. Tuy đây là công trình tư nhân, nhưng bộ Đại Tạng này sau khi hoàn thành, đã được triều đình chuẩn nhận và ban sắc đặt tên là Phúc Châu Đông Tiệm Kinh Tạng Sùng Ninh Vạn Thọ Đại Tạng; thông thường được gọi là Đông Thiền Tự Bản. Công trình này, sau đó lại được tiếp tục nhiều đợt nữa, đến năm 1176 mới thực sự hoàn tất.
- Năm 1112 (đời vua Tống Huy-tông), các ngài Bản Minh, Bản Ngộ v.v… ở chùa Khai-nguyên, Phúc-châu, khởi công khắc in bộ Đại Tạng thứ ba trong triều đại nhà Tống, đó là bộ TÌ LƯ TẠNG, được hoàn tất đợt đầu vào năm 1131; rồi công trình được tiếp tục, năm 1148 hoàn tất đợt hai; và đến năm 1154 thì thật sự hoàn thành. Bộ này thường được gọi là Khai Nguyên Tự Bản.
- Năm 1132 (đời vua Tống Cao-tông), các ngài Tịnh Phạm, Hoài Thâm v.v… ở chùa Viên-giác tại Tư-khê, Hồ-châu (tỉnh Triết-giang), khởi sự khắc in bộ Đại Tạng thứ tư trong triều đại nhà Tống, đó là TƯ KHÊ TẠNG, gồm có hai bản: Tư Khê Viên Giác Bản (cũng gọi là Hồ Châu Bản, hay Tiền Tư Khê Bản) và Tư Khê Tư Phúc Bản (cũng gọi Hậu Tư Khê Bản). Sở dĩ có hai bản như vậy là vì bản trước được khắc in tại thiền viện Viên-giác; sau đó thì thiền viện Viên-giác được đổi tên thành thiền viện Tư-phúc, và bản sau lại được khắc in để bổ túc cho bản trước. Hai bản ấy hợp lại làm thành Tư Khê Tạng, và thường được gọi là Tư Khê Bản.
- Năm 1231 (đời vua Tống Lí-tông), các ngài Triệu An Quốc, Pháp Âm v.v… ở chùa Diên-khánh tại Tích-sa, Ngô huyện (tỉnh Giang-tô), đã khắc in bộ Đại Tạng Kinh thứ năm trong triều đại nhà Tống, đó là TÍCH SA TẠNG. Công trình này đã kéo dài đến năm 1322 (triều đại nhà Nguyên) mới hoàn thành, thường được gọi là Tích Sa Bản.
Trải qua nhiều thời kì binh hỏa, kinh điển bị thất lạc hoặc bị thiêu hủy, nên cả 5 bản Đại Tạng trên, ngày nay đều không bản nào còn nguyên vẹn.

2.2. Đại Tạng Kinh Nước Liêu.

Năm 907, dân tộc Khiết-đan ở phía Đông Bắc Trung-quốc đã khởi dậy, kiến lập nước Liêu, đóng đô ở Lâm-hoàng (Mãn-châu). Lãnh thổ nước này giáp ranh với Bắc-Tống, bao gồm cả tỉnh Hà-bắc, Bắc bộ tỉnh Sơn-tây, và một phần đất Mông-cổ.
Dân tộc Khiết-đan cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc, sùng tín Phật giáo; vì vậy, Phật giáo ở nước Liêu cũng rất phát triển, không thua kém Phật giáo nhà Tống ở phương Nam. Các kinh điển Hán dịch đều được lưu hành tại nước này, cho nên, ở các đời vua Thánh-tông, Hưng-tông và Đạo-tông (trong khoảng từ năm 983-1100), đã có 4 bộ kinh lớn (Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Bảo Tích, Niết Bàn) được các vua cho khắc vào đá, để ghi lại di tích Phật giáo của nước Liêu.
Về sự nghiệp khắc ván in kinh, sau khi bộ Đại Tạng đầu tiên của Trung-quốc là Khai Bảo Tạng (tức Thục Bản) được ấn hành, triều đình nhà Tống cũng đã cho phổ biến bản này sang nước Liêu. Sau khi tiếp nhận bộ Đại Tạng này, vua Hưng-tông (1031-1055) đã ban lệnh khởi công khắc ván ấn hành bộ Đại Tạng riêng cho nước Liêu. Công việc này được thực hiện tại Nam-kinh (tức thành phố Bắc-kinh ngày nay), đến khoảng năm 1063 (đời vua Đạo-tông) thì hoàn thành, danh xưng là KHIẾT ĐAN TẠNG, và thường được gọi là Liêu Bản. Bộ này có đến 6.000 quyển, nhưng hiện nay không còn.

2.3. Đại Tạng Kinh Nước Kim.

Ở vùng đất Mãn-châu của nước Liêu có dân tộc Nữ-chân sinh sống. Khoảng năm 1115, thừa lúc triều đình nước Liêu suy yếu, họ bèn khởi dậy kiến lập nước Kim, đóng đô ở Hội-ninh (tỉnh Cát-lâm ngày nay). Họ lại kết hợp với nhà Tống để tiêu diệt nước Liêu (năm 1125), nên toàn lãnh thổ của nước Liêu ngày trước bây giờ thuộc về nước Kim. Sau đó, thừa lúc nhà Tống suy yếu, họ tiến dần về phía Nam, lấy được kinh đô Biện-kinh của nhà Tống, chiếm trọn vùng Hoa-bắc, đuổi nhà Tống chạy về vùng Hoa-nam (lập ra nhà Nam-Tống), lấy sông Hoài làm ranh giới giữa hai nước Kim và Tống. Sau khi đã định phân ranh giới, nhà Kim đã dời đô về Yên-kinh (tức Nam-kinh của nước Liêu, cũng tức là Bắc-kinh ngày nay).
Người Kim cũng trực tiếp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người Hán, nên trình độ văn hóa, tư tưởng cũng rất cao, giống như người Liêu thuở trước. Triều đình các vua Kim cũng hết lòng tôn sùng và bảo hộ Phật giáo, nên Phật giáo cũng rất hưng thịnh như ở vương triều Liêu thuở trước.
Riêng về việc khắc ván in Đại Tạng Kinh, đó cũng là một sự nghiệp vĩ đại của nước Kim. Bộ Đại Tạng của nước Kim có tên là KIM BẢN ĐẠI TẠNG KINH (gọi tắt là KIM TẠNG). Bộ này do tì kheo ni Thôi Pháp Trân ở tỉnh Sơn-tây chủ xướng, căn cứ theo bộ Đại Tạng của Bắc-Tống (Thục Bản) để khắc thành; phí tổn do dân chúng địa phương đóng góp cúng dường. Công trình được khởi sự khoảng năm 1148 (đời vua Hi-tông), đến năm 1173 (đời vua Thế-tông) thì hoàn thành. Năm 1178, ni sư Pháp Trân đem bộ Đại Tạng ấy hiến tặng triều đình nước Kim, được vua Thế-tông (1161-1189) cho cất giữ tại chùa Hoằng-pháp ở kinh đô Yên-kinh. Sau đó, vào đầu nhà Nguyên, bộ này đã từng được bổ túc thêm, nhưng đến cuối nhà Nguyên thì bị thất lạc. Rồi ngẫu nhiên, vào năm Dân-quốc thứ 23 (1934), một hôm người ta bỗng phát hiện được bộ Đại Tạng này ngay trong nội điện Di Lặc của chùa Quảng-thắng ở huyện Triệu-thành, tỉnh Sơn-tây; cho nên bộ Đại Tạng này cũng được gọi là Triệu Thành Tàng Bản. Năm 1935, hội Tích-sa-tạng Ảnh-ấn ở Thượng-hải đã sưu tập những chương sớ, sử truyện, kinh lục v.v… trong bộ Kim Tạng này mà trong Tống Bản không có, làm thành bộ Tống Tạng Di Trân, in thành 120 tập.

2.4. Đại Tạng Kinh Nước Triều Tiên.

Nước Triều-tiên là một bán đảo dính liền với lục địa Trung-hoa về phía Đông Bắc, cũng từng trực tiếp chịu ảnh hưởng văn hóa Trung-quốc, và Phật giáo từ Trung-quốc đã truyền vào nước này rất sớm, từ nửa sau thế kỉ thứ 4 (thời đại Đông-Tấn), đến thế kỉ thứ 10 (dưới vương triều Cao-li, 935-1392) thì phát triển vô cùng xán lạn.
Riêng về việc khắc in Đại Tạng Kinh, đó cũng là một sự nghiệp vĩ đại của Phật giáo Triều-tiên. Sau khi bộ Đại Tạng Kinh đầu tiên của Trung-quốc (Thục Bản) được cho lưu hành, thì ảnh hưởng của nó lan rộng khắp nơi. Nhân đó, vương triều Cao-li cũng sai người sang nước Tống để thỉnh một bộ đem về nước, với ý định sẽ khắc in một bộ Đại Tạng như thế ở nước mình. Năm 1011, vua Hiển-tông phát nguyện khai bản Đại Tạng, đã y cứ vào bộ Thục Bản của nhà Tống mà cho khởi sự khắc ván in bộ CAO LI TẠNG (cũng gọi là Cao Li Bản). Công trình này phải trải qua 3 lần thực hiện mới hoàn thành:
- Lần đầu, từ khi khởi sự là năm 1011, đến năm 1082 thì hoàn tất, được gọi là Sơ Điêu Bản.
- Lần thứ nhì, năm 1085, ngài Nghĩa Thiên (nguyên là một vị hoàng tử, con vua Văn-tông của vương triều Cao-li) sang nhà Tống cầu pháp; năm 1090 trở về nước, đã mang theo được rất nhiều chương sớ, kinh điển của các tông phái, và kinh điển của Khiết-đan, Nhật-bổn v.v… đem về nước, biên tập thành bộ Tân Biên Chư Giáo Tạng Tổng Mục; rồi đem khắc bản in, đó là bộ Cao Li Tục Tạng Bản.
- Lần thứ ba, năm 1232 (đời vua Cao-tông của vương triều Cao-li) nước Triều-tiên bị quân Mông-cổ đánh phá, cả hai bản Đại Tạng đã khắc in trong hai lần trước đều bị thiêu hủy hầu hết trong cơn binh hỏa, chỉ còn lại một ít mảnh rời rạc; cho nên năm 1236 (đời vua Cao-tông), nhà vua đã ban lệnh cho khắc in lại Đại Tạng Kinh, đến năm 1251 mới hoàn thành, được gọi là Tái Điêu Bản (tức Bát Vạn Đại Tạng Kinh). Khi khắc in bộ này, ban ấn loát đã y cứ vào các bộ Thục Bản, Khiết Đan Bản và những mảnh rời rạc còn lại của Sơ Điêu Bản mà đối chiếu, so sánh, kiểu chính, rồi còn ghi chú kĩ càng, nên rất có giá trị trên phương diện kê cứu. Sau khi hoàn thành, bộ Đại Tạng này được tàng trữ tại chùa Hải-ấn ở Nam Triều-tiên, nên cũng thường được gọi là Hải Ấn Tự Bản. Đó là bộ Đại Tạng nổi tiếng nhất của Triều-tiên còn lưu hành đến ngày nay, thường được gọi là LI BẢN TẠNG KINH. Chính hai bộ Súc Loát Đại Tạng Kinh và Đại Chính Đại Tạng Kinh của Nhật-bản cũng đã lấy bộ Li Bản Tạng Kinh này làm tài liệu căn bản để y cứ và tham khảo.
Các bản Đại Tạng Kinh của các nước Liêu, Kim và Triều-tiên vừa kể trên đều trực tiếp chịu ảnh hưởng của Đại Tạng Kinh đời Tống, và đều khởi sự khắc in vào thời đại nhà Tống, nên đã được sắp xếp liền sau các bản Đại Tạng Kinh đời Tống, để thấy được mối quan hệ mật thiết của nền giáo học Phật giáo đương thời giữa các nước Trung-hoa, Liêu, Kim và Triều-tiên.

2.5. Các Bản Đại Tạng Kinh Đời Nguyên.

Tình hình Phật giáo ở thời đại nhà Nguyên (1260-1368) vừa được trình bày sơ lược ở một đoạn trên. Ở đây chỉ xin nói thêm về công trình khắc in Đại Tạng Kinh. Trong đời nhà Nguyên có 2 bộ Đại Tạng được khắc in:
- Bộ PHỔ NINH TẠNG, cũng gọi là NGUYÊN TẠNG, được khởi sự khắc in vào năm 1277 (đời vua Nguyên Thế-tổ – có thuyết nói vào năm 1269), đến năm 1290 thì hoàn thành, tổng cộng có 6.017 quyển. Đây là một công trình của tư nhân, do hai ngài Đạo An và Nhất Như ở chùa Phổ-ninh tại huyện Dư-hàng (tỉnh Triết-giang) đứng ra khắc in, cho nên bộ này cũng thường được gọi là Phổ Ninh Tự Bản. Vua Nguyên Thế Tổ đã cho in bộ Đại Tạng này ra 36 bản để tặng cho các nước từng qui phục hoặc giao hảo với nhà Nguyên. Bản này hiện nay còn được cất giữ tại hai chùa Tăng-thượng và Thiển-chương ở Đông-kinh, Nhật-bản, và cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc hình thành hai bộ Súc Loát Tạng Kinh và Đại Chánh Đại Tạng Kinh của Nhật-bản.
- Bộ HOẰNG PHÁP TẠNG, do vua Nguyên Thế-tổ ban sắc lệnh khắc in. Công trình khởi sự từ năm 1277 tại chùa Hoằng-pháp ở Bắc-kinh, đến năm 1294 thì hoàn thành, tổng cộng có 7.182 quyển, thường được gọi là Hoằng Pháp Tự Bản. Mục lục của bộ Đại Tạng này chính là bộ kinh lục có tên Chí Nguyên Pháp Bảo Khám Đồng Tổng Lục vừa nói ở một đoạn trên, nhưng cũng có thuyết nói rằng, bộ Đại Tạng này cũng tức là bộ Kim Tạng được cải biên. Toàn bộ tạng kinh này đã bị mất từ lâu.

2.6. Các Bản Đại Tạng Kinh Đời Minh.

Trong thời đại nhà Minh, Đại Tạng Kinh đã 5 lần được khai bản:
- Lần thứ nhất, năm 1372 (năm thứ 5 niên hiệu Hồng-vũ đời vua Minh Thái-tổ), nhà vua ban sắc lệnh san khắc Đại Tạng tại chùa Tưởng-sơn ở Kim-lăng (Nam-kinh), đến năm 1403 thì hoàn thành, thu gồm 1.612 bộ, gọi là HỒNG VŨ NAM TẠNG, được cất giữ tại chùa Báo-ân ở Kim-lăng.
- Lần thứ nhì, năm 1412 (năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh-lạc đời vua Thành-tổ), cũng tại Nam-kinh, bản Hồng Vũ Nam Tạng trên lại được đem sửa chữa cho hoàn chỉnh hơn, phân loại rõ ràng hơn, và được khắc in lại, đến năm 1417 thì hoàn thành, tổng cộng có 6.331 quyển, gọi là VĨNH LẠC NAM TẠNG; – thông thường gọi Nam Tạng Bản, tức chỉ cho bản này.
- Lần thứ ba, nguyên từ năm 1410, vua Thành-tổ đã ban sắc lệnh khắc in Đại Tạng tại Bắc-kinh; tuy nhiên, mãi đến năm 1420 thì công trình mới thực sự được bắt đầu, và đến năm 1440 (đời vua Anh-tông) thì hoàn thành, thu gồm 6.361 quyển, gọi là VĨNH LẠC BẮC TẠNG, thông thường gọi là Bắc Tạng Bản.
- Lần thứ tư, trong khoảng niên hiệu Gia-tĩnh (1522-1566) đời vua Thế-tông, một bộ Đại Tạng được khắc in tại chùa Chiêu-khánh ở Vũ-lâm (nay là Hàng-châu, tỉnh Triết-giang), gọi là VŨ LÂM TẠNG (cũng gọi là CHIÊU KHÁNH TẠNG). Đặc điểm của bản này là lần đầu tiên nó được san khắc theo hình thức "phương sách" (giống như sách ngày nay), rất tiện lợi để đọc tụng; nhưng chẳng may nó đã bị thất lạc từ lâu, nay chưa tìm ra vết tích.
- Lần thứ năm, năm 1586 (đời vua Thần-tông), ngài Đạo Khai ở chùa Lăng-nghiêm (huyện Gia-hưng, tỉnh Triết-giang) đã phát nguyện đứng ra khắc in một bộ Đại Tạng Kinh. Công trình được khởi sự tại am Diệu-đức ở núi Ngũ-đài, với sự phụ giúp của các ngài Huyễn Dư, Chân Khả và Đức Thanh; các vị cư sĩ thì hỗ trợ về tài chánh. Không bao lâu thì ngài Đạo Khai viên tịch, ngài Huyễn Dư thay thế để chỉ đạo công trình. Rồi không bao lâu sau đó, ngài Huyễn Dư cũng lại viên tịch, những vị còn lại luân phiên kế tiếp nhau gánh vác trách nhiệm, và công việc khắc ván được dời về Kính-sơn (huyện Dư-hàng, tỉnh Triết-giang). Cuối cùng, tất cả số ván đã khắc đều được tập trung về chùa Lăng-nghiêm để in, đến năm 1620 thì bộ Đại Tạng này được hoàn tất, theo hình thức "phương sách" (như Vũ Lâm Bản ở trên), được gọi là Lăng Nghiêm Tự Bản (cũng gọi là Gia Hưng Bản, hay KÍNH SƠN TẠNG). Tuy đây là một công trình tư nhân, nhưng so trong các bộ Đại Tạng đời Minh thì bộ này được lưu hành rộng rãi hơn cả, nên thông thường nó còn được gọi là MINH TẠNG, hay Minh Bản. Sang đời vua Khang-hi (1662-1722) nhà Thanh, bộ Minh Tạng này lại được khắc in bổ túc mấy lần nữa, đến năm 1676 mới thực sự được cáo thành, thâu gồm 1.618 bộ, cả thảy 7.334 quyển.

2.7. Đại Tạng Kinh Đời Nhà Thanh.

Trong thời đại nhà Thanh cũng đã có 5 bộ Đại Tạng được xuất bản:
- TỤC TẠNG KINH: Bộ này bắt đầu khắc ván vào năm 1666, dưới đời vua Khang-Hi (Thanh Thánh-tổ, 1662-1722), gồm 1.833 quyển để thêm vào bộ Minh Bản đời Minh; sau lại khắc thêm bộ HỰU TỤC TẠNG KINH nữa, gồm 1.246 quyển để tăng bổ cho bộ Tục Tạng Kinh trước; và như vậy, bộ Tục Tạng Kinh được gọi là Minh Tục Tạng Bản, và bộ Hựu Tục Tạng Kinh được gọi là Tục Minh Tục Tạng Bản.
- LONG TẠNG: Bộ này được khởi công khắc ván tại Bắc-kinh vào năm 1735 đời vua Ung-chính (Thanh Thế-tông, 1723-1735), đến năm 1738 đời vua Càn-long (Thanh Cao-tông, 1736-1795) thì hoàn thành, thu gồm 1.662 bộ, 7.168 quyển. Bộ này đã lấy bộ Bắc Tạng Bản đời Minh làm căn bản y cứ. Đó cũng là bộ Đại Tạng lớn nhất trong các bộ Đại Tạng do triều đình khâm định từ trước đến nay. Vào cuối đời Thanh, Từ Hi thái hậu đã tặng bộ Đại Tạng này cho Nhật-bản, hiện còn được cất giữ tại Long-cốc đại-học đồ-thư-quán ở Đông-kinh.
- BÁ NẠP TẠNG: Năm 1866 (đời vua Đồng-trị, 1862-1874), ở Kim-lăng có cư sĩ Dương Nhân Sơn phát nguyện đứng ra khai bản, đã hợp cùng với các chùa ở các nơi như Bắc-bình (Bắc-kinh), Thiên-tân, Kim-lăng, Giang-bắc, Dương-châu, Tì-lăng, Tô-châu, Hàng-châu, chia nhau khắc in một bộ Đại Tạng. Vì do nhiều chùa cùng thực hiện, nên khi bộ Đại Tạng này hoàn tất, được gọi là Bá Nạp Tạng. Tuy làm sau, nhưng so ra, bộ này vẫn không đầy đủ bằng bộ Long Tạng ở trên.
- TẦN GIÀ TẠNG: Bộ này được in từ năm 1911 (năm cuối cùng của triều đại nhà Thanh) tại tinh xá Tần-già ở Thượng-hải, đến năm 1920 (thời đại Dân-quốc) thì hoàn thành, thu gồm 1.916 bộ, 8.416 quyển. Đây là bộ Đại Tạng đầu tiên của Trung-quốc áp dụng kĩ thuật in bằng cách xếp chữ rời (hoạt tự bản), không phải khắc ván. Bộ này đã lấy bộ Súc Loát Tạng của Nhật-bản làm căn cứ, nhưng thêm bớt ít nhiều, loại bỏ những hàng chữ chú thích, hiệu đính v.v..., làm giảm đi giá trị nghiên cứu.

2.8. Đại Tạng Kinh ở Thời Đại Dân-Quốc:

Giặc loạn Thái-bình thiên-quốc ở cuối đời nhà Thanh vừa chống lại triều đình mà cũng nhằm đánh phá Phật giáo, làm cho Phật giáo cũng bị suy yếu đi. Sang đầu thời Dân-quốc (từ năm 1912), Phật giáo lại bị phong trào cách mạng bài xích (chung với những tư tưởng Khổng, Mạnh cũ xưa); cho nên chư vị cao tăng và cư sĩ nòng cốt đã cùng nhau phát khởi phong trào vận động chấn hưng Phật giáo, làm cho Phật giáo trở thành là một nền giáo học chân chính, ích nước lợi dân, chứ không phải vô ích như những người đương quyền quan niệm. Công cuộc chấn hưng Phật giáo được thực hiện ở nhiều lãnh vực, trong đó, sự nghiệp xuất bản phát hành Đại Tạng Kinh cũng rất được chú trọng.
- Trước hết, như trên đã nói, công việc biên ấn bộ TẦN GIÀ TẠNG được khởi sự vào năm cuối cùng triều đại nhà Thanh (năm 1911), nay vẫn được tiếp tục, và đến năm 1920 (năm Dân-quốc thứ 9) thì hoàn thành. Tiếp đó, thư cục Thương-vụ ấn-thư-quán cũng in lại bộ TỤC TẠNG KINH của Nhật-bản.
- Năm 1934, đại sư Phạm Thành phát tâm ảnh ấn lại bộ Tích Sa Tạng đời Tống. Vì bộ này (cũng như những bộ Đại Tạng khác của đời Tống) đã bị mất mát nhiều phần, không còn nguyên vẹn như xưa, nên ngài phải đi các nơi để mong tìm lại những phần đã bị thiếu mất. Do chuyến đi tìm này mà ngài tình cờ phát hiện được bộ Kim Tạng (vốn đã bị mất từ cuối đời nhà Nguyên) gồm 4.950 quyển, được cất giấu trong nội điện Di Lặc của chùa Quảng-thắng ở huyện Triệu-thành, tỉnh Sơn-tây. Sang năm sau (1935), Ngài cùng với quí vị Diệp Cung Xước, Tưởng Duy Kiều v.v… trong hội Tích-sa-tạng Ảnh-ấn ở Thượng-hải, đã sưu tập những chương sớ, sử truyện, kinh lục v.v… trong bộ Kim Tạng mà trong Tống Bản không có, in thành bộ TỐNG TẠNG DI TRÂN, gồm 120 tập.
- Năm 1944, chùa Pháp-tạng ở Thượng-hải thành lập hội Phổ-tuệ Đại-tạng-kinh san-hành, chủ sự là các vị cư sĩ Tưởng Duy Kiều, Hoàng Sĩ Phục v.v…, đã biên ấn bộ PHỔ TUỆ TẠNG (cũng gọi là Dân Quốc Tăng Tu Đại Tạng Kinh), đến năm 1955 thì xong. Bộ này ít thấy phổ biến.
- Năm 1956, quí vị Khuất Ánh Quang, Triệu Hằng Thích v.v… của hội Tu-đính Trung-hoa Đại-tạng-kinh ở Đài-loan đã khởi xướng biên tập bộ TRUNG HOA ĐẠI TẠNG KINH (cũng gọi là Trung Hoa Tạng), chia làm 4 phần: Tuyển Tạng, Tục Tạng, Dịch Tạng, và Tổng Mục Lục. Phần "Tuyển Tạng" (phần chính) thu gồm nội dung của tất cả các bộ Đại Tạng đã có từ trước (như Tích Sa Tạng, Tống Tạng Di Trân, Lăng Nghiêm Tự Bản, Vạn Tự Tạng v.v…), bỏ đi những chỗ trùng lặp; phần "Tục Tạng" thu tập tất cả Phật điển từ trước đến giờ chưa được nhập tạng; phần "Dịch Tạng" thu tập các Phật điển từng được dịch ra các ngôn ngữ Tây-phương đang tản mác ở trong và ngoài nước. Có thể nói, đó là bản Đại Tạng đồ sộ nhất, hơn cả Đại Chánh Tạng của Nhật-bản; nhưng giới học giả Phật học vẫn thích dùng bộ Đại Chánh Tạng hơn, vì nó hiệu khám kĩ càng, tiện lợi cho việc nghiên cứu; hơn nữa, nó cũng không quá cồng kềnh, di chuyển dễ dàng hơn.
- Năm 1977, sa môn Quảng Định, giám đốc nhà xuất bản Đài-loan Phật-giáo Xuất-bản-xã ở tại Đài-bắc, đã phát nguyện biên tập và ấn hành bộ PHẬT GIÁO ĐẠI TẠNG KINH, đến năm 1983 thì công trình hoàn thành, thu tập 2.643 bộ, gồm 11.052 quyển. Bộ này được chia làm 2 phần là Chánh Tạng và Tục Tạng. Chánh Tạng thì lấy bộ Tần Già Tạng làm căn bản y cứ, rồi dùng các bộ Đại Tạng khác như Đại Chánh, Tích Sa, Minh Bản, v.v… để bổ túc thêm; Tục Tạng thì lấy bộ Phổ Tuệ Tạng làm căn bản y cứ.
- Năm 1977, hội Phật-giáo Phật-quang-sơn ở Đài-loan do pháp sư Tinh Vân chủ trì, đã khởi sự biên tập và ấn hành bộ PHẬT QUANG ĐẠI TẠNG KINH. Theo kế hoạch trù liệu, bộ này được phân làm 16 tạng như A Hàm Tạng, Bát Nhã Tạng, Thiền Tạng, Tịnh Độ Tạng, Pháp Hoa Tạng v.v…, cuối cùng là Tạp Tạng. Đến năm 1987 thì hoàn tất được phần đầu tiên của công trình là A Hàm Tạng, và đã cho xuất bản.
2.9. Đại Tạng Kinh Nhật Bản: Nhật-bản là một quần đảo nằm ở phía Đông châu Á, trong vùng Bắc Thái-bình dương. Nước Nhật có 4 hòn đảo chính nằm trải dài từ Bắc xuống Nam theo hình cánh cung, mà đảo lớn nhất là Bản-châu (Honshu) có vùng bờ biển cực Tây Nam rất gần với bán đảo Triều-tiên (chỉ cách 180 km qua eo biển Đối-mã - Tsushima); cho nên nước này đã tiếp nhận được Phật giáo rất sớm từ Triều-tiên truyền sang. Theo sử sách Nhật-bản, Phật giáo đã từ Triều-tiên truyền sang Nhật-bản vào giữa thế kỉ thứ 6, dưới triều đại thiên hoàng (tức hoàng đế) Khâm Minh (Kimmei) - vị thiên hoàng thứ 29 của Nhật-bản. Tín ngưỡng nguyên thỉ của toàn thể người Nhật là Thần-đạo (Shinto), nhưng chỉ trong vòng gần nửa thế kỉ từ ngày du nhập, vào cuối thế kỉ thứ 6, với sự tận lực hoằng dương của thái tử Thánh Đức (Shotoku, nhiếp chính 593-622) dưới triều đại của nữ hoàng Suy Cổ (Suiko, 593-627), Phật giáo đã trở thành một nền tín ngưỡng có cơ sở vững chắc, được quảng bá trong khắp các tầng lớp xã hội, từ triều đình cho đến dân chúng, vượt lên trên địa vị của Thần-đạo. Tới thế kỉ thứ 8, dưới triều đại Nại-lương (Nara, 710-794), mối quan hệ giữa Nhật-bản và Trung-quốc ngày càng tăng cao và mật thiết. Nhật-bản không những đã tiếp thu văn hóa, tư tưởng Trung-quốc, mà còn dùng cả chữ Hán để làm thành văn tự cho nước mình; và trong bối cảnh đó, Phật giáo tại Nhật-bản cũng đã phát triển cực kì xán lạn, và đã trở thành quốc giáo của xứ sở này. Từ đó, Phật giáo ở Nhật-bản càng ngày càng phát triển lên mãi, cho đến thế kỉ thứ 13 thì tất cả các tông phái Phật giáo ở Trung-quốc đều có mặt đầy đủ ở nước này; đó là chưa nói đến một số tông phái đã được sáng lập riêng biệt tại nước Nhật (không phải do trung-quốc truyền sang), như Nhật Liên tông chẳng hạn. Nhưng đến thời đại của thiên hoàng Minh Trị (Meiji, từ năm 1868 trở đi) thì Phật giáo bị chèn ép, có lúc còn bị đàn áp, phá hoại, cho nên thế lực giảm dần, không còn ở địa vị độc tôn như xưa nữa.
Theo thống kê gần đây, tại Nhật-bản, mặc dù ngày nay có thêm một số tôn giáo khác từ Tây-phương truyền tới, nhưng tín đồ Phật giáo vẫn chiếm đa số (đến 70% dân số); chùa viện có 80.000 ngôi; tăng sĩ có 200.000 vị. Nhật-bản cũng có hơn 20 trường đại học, trung học và viện nghiên cứu Phật giáo; việc tu học vẫn được duy trì, tuy phẩm lượng có sút kém hơn thời xưa. Nhiều tổ chức Phật giáo được thành lập từ sau thế chiến thứ II, trong đó, giới cư sĩ tại gia đã đóng một vai trò quan trọng, với việc mở rộng nhiều chương trình hướng dẫn quần chúng tu học Phật pháp. Công việc phiên dịch kinh luận, biên soạn và ấn hành sách báo để quảng bá giáo lí đạo Phật từ trong nước ra đến ngoài nước, đã và đang được phát huy rầm rộ do hàng trăm học giả Phật giáo Nhật-bản thực hiện. Toàn bộ kinh sách của Phật giáo Tây-tạng đã được chuyển ngữ và cho xuất bản tại Nhật; tất cả những bài nghiên cứu về giáo lí đạo Phật được in từ nhiều quốc gia khác nhau, cũng được sưu tập để chuyển ngữ và ấn hành. Phật giáo Nhật-bản cũng từng giúp cho các học giả và sinh viên ngoại quốc đến Nhật-bản để học Phật. Riêng về công trình xuất bản Đại Tạng Kinh, đó thật là một sự nghiệp to lớn của Phật giáo Nhật-bản. Không những thế, Đại Tạng Kinh do Phật giáo Nhật-bản thực hiện, như bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh chẳng hạn, từng được các học giả Phật giáo coi là hoàn bị nhất trong các bộ Đại Tạng Kinh Hán văn từ trước đến nay. Quá trình biên tập Đại Tạng Kinh của Phật giáo Nhật-bản được trình bày sơ lược như sau:
- Bộ Đại Tạng Kinh đầu tiên của Nhật-bản là bộ THIÊN HẢI TẠNG (cũng được gọi là Khoan Vĩnh Tự Bản, hay Oa Tạng), được ấn hành vào buổi sơ kì của thời đại Đức-xuyên (Tokugawa, 1603-1868), do ngài Thiên Hải (1536-1643) ở chùa Khoan-vĩnh tại Giang-hộ (Edo, tức Tokyo ngày nay) phát nguyện thực hiện. Bộ này đã lấy bộ Đại Tạng Tư Khê Bản của nhà Tống (Trung-quốc) làm bản gốc, và lấy bộ Phổ Ninh Tự Bản của nhà Nguyên (Trung-quốc) để bổ sung, đã được thực hiện bằng kĩ thuật in chữ rời bằng gỗ, bắt đầu từ năm 1637, đến năm 1648 thì hoàn thành; thu gồm 1.453 bộ, 6.323 quyển. Ấn bản của bộ này chỉ có một số lượng nhỏ, nên không được phát hành rộng rãi; ngày nay chỉ còn tìm thấy ở một số chùa cổ nơi các danh sơn mà thôi.
- Thứ đến là bộ HOÀNG BÁ BẢN TẠNG KINH (cũng gọi là Thiết Nhãn Bản) do ngài Thiết Nhãn (1630-1682) thực hiện tại chùa Vạn-phúc ở núi Hoàng-bá. Bộ này đã cứ theo bộ Minh Bản (tức Lăng Nghiêm Tự Bản, hay Minh Tạng) của nhà Minh (Trung-quốc) mà khắc in lại, theo phương pháp khắc ván theo từng trang trong nguyên bản, từ năm 1669 đến năm 1681 thì hoàn thành; thu gồm 1.618 bộ, 7.334 quyển.
- Bộ Đại Tạng thứ ba của Nhật-bản là SÚC LOÁT TẠNG KINH (cũng gọi là Súc Khắc Tạng, hay Hoằng Giáo Tạng, tên gọi đủ là Đại Nhật Bản Hiệu Đính Súc Khắc Đại Tạng Kinh), do các vị cư sĩ Đảo Điền Phiên Căn, Phúc Điền Hành Giới v.v… biên tập, và do Đông-kinh chi-công-viên-địa Hoằng-giáo thư-viện xuất bản. Công trình được khởi đầu vào năm 1880 (thời thiên hoàng Minh Trị, 1868-1912), đến năm 1885 thì hoàn tất; thu gồm 1.918 bộ, 8.539 quyển. Đây là bộ Đại Tạng Kinh đầu tiên của Nhật-bản được in bằng kĩ thuật sắp chữ rời của Tây-phương. Bộ này đã lấy bộ Cao Li Tạng làm căn bản y cứ, và dùng các bộ Đại Tạng các đời Tống (Tư Khê Viên Giác Bản), Nguyên và Minh để tham khảo, đối chiếu. Ngoài ra bộ này cũng còn được bổ sung thêm các kinh điển Mật giáo đã được ấn hành tại Nhật, cùng các trước tác của chư vị khai tổ của các tông phái Nhật-bản.
- Tiếp đến là bộ VẠN TỰ ĐẠI TẠNG KINH (cũng gọi là Đại Nhật Bản Hiệu Đính Huấn Điểm Đại Tạng Kinh) do đại sư Nhẫn Trừng biên tập, và Kinh-đô tàng-kinh thư- viện xuất bản. Bộ này lấy bộ Hoàng Bá Bản Tạng Kinh làm căn bản để hiệu đính, có đối chiếu với bộ Cao Li Bản, được khởi sự vào năm 1902, đến năm 1905 thì hoàn tất, thu tập 1.625 bộ, 7.082 quyển.
- Năm 1905, sau khi bộ Vạn Tự Đại Tạng Kinh được xuất bản, Kinh-đô tàng-kinh thư-viện lại cho xuất bản bộ VẠN TỰ TỤC TẠNG KINH (cũng gọi Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh), do ngài Trung Dã Đạt Tuệ biên tập. Như vậy, bộ Vạn Tự Đại Tạng Kinh ở trên đã trở thành "chánh tạng", và được gọi là Vạn Tự Chánh Tạng. Công trình biên ấn bộ Vạn Tự Tục Tạng Kinh này được khởi sự từ năm 1905, đến năm 1912 thì hoàn tất. Bộ này không y cứ vào bộ Đại Tạng nào cả, mà đã thu tập hết sức rộng rãi, bất cứ trước tác Phật học nào chưa có trong bộ "chánh tạng" ở trên, đều được thu vào bộ "tục tạng" này. Cho nên, rất nhiều dịch phẩm và trước tác phẩm của các vị cao tăng Trung-quốc thời xưa (kể cả một số tác phẩm đã bị mất) đều thấy xuất hiện trong bộ Vạn Tự Tục Tạng này. Bởi vậy, nó đã thu tập các trước tác của hơn 950 nhân vật, gồm 1.756 bộ, 7,144 quyển. Thời gian gần đây, để phân biệt với bộ Vạn Tự Chánh Tạng, các nhà xuất bản thường ấn hành bộ này với tên TỤC TẠNG KINH.
- Bộ Đại Tạng thứ sáu của Nhật-bản là NHẬT BẢN ĐẠI TẠNG KINH, do Trung Dã Đạt Tuệ biên tập, và do hội Nhật-bản Đại-tạng-kinh biên-toản ấn hành. Bộ này đã được thực hiện trong thời gian gần 4 năm (1919-1922), thu tập những sách chú thích Kinh Luật Luận và các điển tịch của các tông phái Phật giáo, do người Nhật (cũng có một số do người Trung-quốc) biên soạn; tất cả có 753 bộ, được in thành 48 tập.
- ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH (cũng gọi là Đại Chánh Tạng hay Đại Chánh Bản) là bản Đại Tạng Kinh Hán văn được coi là hoàn chỉnh nhất, được quảng bá rộng rãi nhất, và được nhiều người sử dụng nhất từ trước đến nay. Bộ này do quí vị học giả Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc, Tiểu Dã Huyền Diệu v.v… cùng biên tập từ năm 1924, đến năm 1934 thì hoàn thành, và do hội Đông-kinh Đại-chánh Nhất-thiết-kinh san-hành (cũng do quí vị học giả trên thành lập) xuất bản; thu gồm 13.520 quyển. Toàn tạng được in thành 100 tập, phân ra làm 4 phần: Chánh Biên (55 tập); Tục Biên (30 tập); Đồ Tượng (12 tập); và Chiêu Hòa Pháp Bảo Tổng Mục Lục (3 tập). Nếu không kể bộ Trung Hoa Đại Tạng Kinh thì đây là bộ Đại Tạng Kinh Hán văn thu tập nhiều tác phẩm nhất xưa nay. Phần "Chánh Biên" thu tập tất cả các dịch phẩm Kinh Luật Luận và các trước thuật của Trung-quốc là chủ yếu, cộng thêm các soạn phẩm của Nhật-bản và Triều-tiên; cả thảy là 2.184 bộ. Phần "Tục Biên" thu tập các trước thuật của Nhật-bản là chủ yếu, cộng thêm các tư liệu cổ vừa mới phát hiện được ở Đôn-hoàng (Trung-quốc), và những tác phẩm bị nghi ngờ là ngụy tạo; cả thảy là 736 bộ. Phần "Đồ Tượng" lấy Mật giáo làm chủ, do các pháp sư Nhật-bản học từ các pháp sư Trung-hoa, và tự mình phát huy thêm, gồm 33 bộ.
- Bộ Đại Tạng thứ bảy của Nhật-bản là CHIÊU HÒA TÁI ĐÍNH SÚC LOÁT TẠNG. Bộ này nguyên được đề tên là Chiêu Hòa Tái Đính Đại Nhật Bản Đại Tạng Kinh, do hội Súc-loát Đại-tạng-kinh san-hành xuất bản năm 1935. Đây chỉ là bản ảnh ấn của bộ Súc Loát Tạng Kinh (tức Hoằng Giáo Tạng) đã nói ở trên, nhưng có thêm phần đính chính.
Ngoài ra, Nhật-bản còn có hai bộ là THÁNH NGỮ TẠNG và CUNG BẢN, tuy không thấy lưu hành, nhưng khi Cao Nam Thuận Thứ Lang biên tập bộ Đại Chánh Tạng thì có tham khảo hai bản này để đối chiếu, hiệu khám.
Trên đây chúng tôi lược ghi hơn 30 bản Đại Tạng Kinh Hán Văn, theo thứ tự thời gian trong phạm vi mỗi quốc gia. Nếu không để ý tới ranh giới quốc gia, các bộ Đại Tạng ấy đã nối tiếp nhau ra đời từ khởi thỉ cho đến hiện nay như sau:
- Khai Bảo Tạng (Thục Bản, xưa nhất, xuất bản năm 983);
- Khiết Đan Tạng (Liêu Bản, xuất bản năm1063);
- Sùng Ninh Vạn Thọ Tạng (Đông Thiền Tự Bản, xuất bản năm 1103);
- Tì Lư Tạng (Khai Nguyên Tự Bản, xuất bản năm 1154);
- Kim Tạng (Triệu Thành Tàng Bản, xuất bản năm 1173);
- Tư Khê Tạng (Tư Khê Bản, xuất bản năm 1176[?]);
- Cao Li Tạng (Li Bản Tạng Kinh, xuất bản năm 1251);
- Phổ Ninh Tạng (Nguyên Tạng, xuất bản năm 1290);
- Hoằng Pháp Tạng (Hoằng Pháp Tự Bản, xuất bản năm 1294);
- Tích Sa Tạng (Tích Sa Bản, xuất bản năm 1322);
- Hồng Vũ Nam Tạng (xuất bản năm 1403);
- Nam Tạng (Vĩnh Lạc Nam Tạng, xuất bản năm 1417);
- Bắc Tạng (Vĩnh Lạc Bắc Tạng, xuất bản năm 1440);
- Vũ Lâm Tạng (Chiêu Khánh Tạng, xuất bản năm 1566);
- Minh Tạng (Lăng Nghiêm Tự Bản, hay Minh Bản, Kính Sơn Tạng, 1620);
- Thiên Hải Tạng (Oa Tạng, hay Khoan Vĩnh Tự Bản, xuất bản năm 1648);
- Minh Tục Tạng Kinh và Hựu Tục Tạng Kinh (xuất bản năm 1676);
- Hoàng Bá Bản Tạng Kinh (Thiết Nhãn Bản, xuất bản năm 1681)
- Càn Long Đại Tạng Kinh (xuất bản năm 1738);
- Bá Nạp Tạng (Bá Nạp Bản, khởi sự khắc in năm 1866);
- Súc Loát Tạng Kinh (Hoằng Giáo Tạng, xuất bản năm 1885);
- Vạn Tự Đại Tạng Kinh (xuất bản năm 1905);
- Tục Tạng Kinh (Vạn Tự Tục Tạng Kinh, xuất bản năm 1912)
- Tần Già Tạng (Tần Già Bản Đại Tạng Kinh, xuất bản năm 1920);
- Nhật Bản Đại Tạng Kinh (xuất bản năm 1922);
- Thánh Ngữ Tạng (xuất bản năm ?);
- Cung Bản (xuất bản năm ?);
- Đại Chánh Tạng (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, xuất bản năm 1934);
- Tống Tạng Di Trân (xuất bản năm 1935);
- Chiêu Hòa Tái Đính Súc Loát Tạng (xuất bản năm 1935);
- Phổ Tuệ Tạng (Dân Quốc Tăng Tu Đại Tạng Kinh, xuất bản năm 1955);
- Trung Hoa Đại Tạng Kinh (khởi sự biên ấn năm 1956)
- Phật Giáo Đại Tạng Kinh (xuất bản năm 1983);
- Phật Quang Đại Tạng Kinh (xuất bản phần đầu A Hàm Tạng, năm 1988).
Trong số 34 bản Đại Tạng Kinh Hán Văn trên đây, thì các bản được lưu hành nhiều nhất trong giới Phật học ngày nay là Càn Long Tạng, Vạn Tự Tạng, Tục Tạng, và nhất là Đại Chánh Tạng.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]