Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kết luận

24/06/201319:16(Xem: 10632)
Kết luận

Quả Dự Lưu

Kết luận

Thích Viên Giác dịch và giảng

Nguồn: www.quangduc.com

- Này các Tỳ-khưu, thế nào là tám tư niệm của bậc Đại nhân?
Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người ít dục, Pháp này không phải để cho người nhiều dục; Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; Này các Tỳ-khưu,Pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người Thiền định, pháp này không phải để cho người không Thiền định; Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người có trí tuệ, Pháp này không phải để cho người ác tuệ; Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận.
(1) Này các Tỳ-khưu, "Pháp này để cho người ít dục, Pháp này không để cho người có dục lớn", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Này các Tỳ-khưu, ở đây, Tỳ-khưu ít dục không muốn: "Mong người ta biết tôi là ít dục"; biết đủ, không muốn: "Mong người ta biết tôi là biết đủ"; sống viễn ly, không muốn: "Mong người ta biết tôi sống viễn ly"; tinh cần tinh tấn, không muốn: "Mong người ta biết tôi sống tinh cần tinh tấn"; trú niệm, không muốn: "Mong người ta biết tôi trú niệm"; có định, không muốn: "Mong người ta biết tôi có định"; có tuệ, không muốn: "Mong người ta biết tôi là người có tuệ "; không thích hý luận, không muốn: "Mong người ta biết tôi không thích hý luận". Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người ít dục, Pháp này không để cho người có dục lớn", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
(2) Này các Tỳ-khưu, "Pháp này để cho người biết đủ, Pháp này không để cho người không biết đủ", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết đủ với bất cứ vật dụng gì như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỳ-khưu, "Pháp này để cho người biết đủ, Pháp này không phải để cho người không biết đủ", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
(3) Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người sống viễn ly, "Pháp này không phải để cho người ưa thích hội chúng", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, Với Tỳ-khưu sống viễn ly, có nhiều người đến thăm như Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, vua chúa, đại thần, các ngoại đạo sư, đệ tử của các ngoại đạo sư. Ở đây, Tỳ-khưu với tâm thuận về viễn ly, hướng về viễn ly, nhập vào viễn ly, trú vào viễn ly, thích thú xuất ly, nói lời hoàn toàn liên hệ đến lánh xa. Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người viễn ly, "Pháp này không phải để cho người không ưa hội chúng", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
(4) Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, "Pháp này không phải để cho người biếng nhác", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu sống tinh cần tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, thành tựu các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, "Pháp này không phải để cho người biếng nhác", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
(5) Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người trú niệm, "Pháp này không phải để cho người thất niệm", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đầy đủ niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức nhớ tùy niệm những điều đã làm, nói đã lâu. Này các Tỳ-khưu, "Pháp này để cho người trú niệm, Pháp này không phải để cho người thất niệm", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
(6) Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người thiền định, "Pháp này không phải để cho người không thiền định", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây các Tỷ-kheo ly các dục, ly các bất thiện pháp, chứng đạt và an trú vào Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng đạt và an trú vào Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm.
Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú vào Thiền thứ ba.
Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người thiền định, "Pháp này không phải để cho người không thiền định", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
(7) Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người có trí tuệ, "Pháp này không phải để cho người không trí tuệ", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch), đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỳ-khưu, "Pháp này để cho người có trí tuệ, Pháp này không phải để cho người không trí tuệ", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy
(8) Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, "Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận", như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Này các Tỳ-khưu, ở đây, Tỳ-khưu đối với đoạn diệt hý luận, tâm được phấn chấn, tịnh tín, an trú, hướng đến. Này các Tỳ-khưu, Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, "Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận", đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
[Tăng Chi, 8.30]
-- Thành tựu bảy pháp, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Thế nào là bảy? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu là vị biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng, biết thời, biết hội chúng, biết người thắng kẻ liệt.
(1) Và này các Tỳ-khưu, thế nào là Tỳ-khưu biết pháp? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết pháp: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương quảng. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu không biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng... Phương quảng, vị ấy ở đây không được gọi là vị biết pháp. Và này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng... Phương quảng; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết pháp. Như vậy là biết pháp.
(2) Thế nào là biết nghĩa? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này". Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu không biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này", thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết nghĩa. Và này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: "Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói này"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết nghĩa. Đây là biết pháp, biết nghĩa.
(3) Thế nào là tự biết? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu tự biết; "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài". Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu không biết tự ngã như vầy: "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài", thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết tự ngã. Nếu Tỳ-khưu, này các Tỳ-khưu, biết tự ngã: "Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết tự ngã. Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết.
(4) Và thế nào là biết ước lượng? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết ước lượng (vừa đủ) trong khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu không biết ước lượng vừa đủ khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, thời vị ấy ở đây không được gọi là vị biết ước lượng vừa đủ. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu biết ước lượng vừa đủ khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; do vậy vị ấy được gọi là vị biết ước lượng vừa đủ. Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết ước lượng.
(5) Và thế nào là biết thời? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết thời: "Đây là thời để tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh". Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu không biết thời: "Đây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh", thời ở đây, vị ấy được gọi là không biết thời. Và này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu biết thời: Đây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời Thiền tịnh"; do vậy, vị ấy được gọi là vị biết thời. Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết vừa đủ, biết thời.
(6) Và thế nào là biết hội chúng? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết hội chúng: "Đây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy". Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu không biết hội chúng: "Đây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy", thời ở đây, vị ấy không được gọi là "Vị biết hội chúng". Và này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu biết hội chúng: "Đây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng Gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy"; do vậy, được gọi là "Vị biết hội chúng". Đây là biết pháp, biết nghĩa, tự biết, biết vừa đủ, biết thời, biết hội chúng.
(7) Và thế nào là biết người thắng liệt? Ở đây, này các Tỳ-khưu, với vị Tỳ-khưu, loài Người được biết theo hai hạng: một hạng ưa thấy các bậc Thánh, một hạng không ưa thấy các bậc Thánh. Người này không ưa thấy các bậc Thánh, do có việc ấy, đáng bị quở trách. Còn người này ưa thấy các bậc Thánh, do việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe diệu pháp: một hạng người ưa nghe diệu pháp, một hạng người không ưa nghe diệu pháp. Hạng người này không ưa nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này ưa nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe diệu pháp: một hạng người lắng tai nghe diệu pháp, một hạng người không lắng tai nghe diệu pháp. Hạng người này không lắng tai nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này lắng tai nghe diệu pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người lắng tai nghe pháp: một hạng người nghe xong, thọ trì pháp; một hạng người nghe xong, không thọ trì pháp. Người này nghe xong không thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Người này nghe xong thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người nghe xong thọ trì pháp: một hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, một hạng người không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì. Hạng người này không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng được quở trách. Hạng người này quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì: một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, đã thực hành pháp; tùy pháp; một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Hạng người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Có hai hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp; tùy pháp: một hạng người thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha; một hạng người thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha. Hạng người này thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha, do sự việc ấy, đáng bị quở trách. Hạng người này thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Như vậy, này các Tỳ-khưu, đối với Tỳ-khưu, loài Người được biết theo hai hạng. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là Tỳ-khưu biết hạng người thắng liệt.
Do thành tựu bảy pháp này, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
[Tăng Chi, 7.64]
(Trong ngày cuối cùng còn tại thế) Đức Như Lai nói với tôn giả Ànanda:
-- Này Ànanada, các cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
Nhưng, này Ànanda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ànanda, nếu có Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ànanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ànanda, quý vị cần phải học tập như vậy.
[Trường Bộ, 16]

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567