Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Tin, Hiểu và Cảm nhận

21/05/201311:37(Xem: 10152)
4. Tin, Hiểu và Cảm nhận

Kinh Phổ Môn Chú Giảng

4. Tin, Hiểu và Cảm nhận

Thượng tọa Thích Thái Hòa

Nguồn: Thượng tọa Thích Thái Hòa

Đọc tụng, thọ trì và nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, ta thấy rõ ở kinh Pháp Hoa không phải chỉ diễn tả về Bản Môn và Tích Môn, mà còn diễn tả về Hạnh Môn một cách linh hoạt và sống động nữa. Có những Nhà nghiên cứu Kinh Pháp Hoa cho rằng, mười bốn phẩm đầu là thuộc về Tích môn và tư tưởng chủ yếu của Tích Môn được gói trọn ở phẩm Phương Tiện, và mười bốn phẩm sau thuộc về Bản Môn, và tư tưởng chủ yếu được gói trọn ở phẩm Như Lai Thọ Lượng, nhưng ta đọc tụng, thọ trì và nghiên cứu kỹ, thì kinh Pháp Hoa không phải chỉ đề cập đến Bản Môn và Tích Môn mà còn đề cập đến Hạnh Môn nữa.
Phẩm Phổ Môn là một trong những phẩm diễn tả về Hạnh Môn của kinh Pháp Hoa. Và đọc tụng, thọ trì, nghiên cứu kỹ kinh Pháp Hoa, ta thấy trong mỗi phẩm của kinh Pháp Hoa đều hàm chứa đầy đủ cả Bản Môn, Tích Môn và Hạnh Môn. Ngay ở trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, sự có mặt của Đức Phật Đa Bảo và Bảo tháp của Ngài là sự có mặt của Bản Môn. Và Đức Phật Thích Ca trả lời những câu hỏi của Bồ Tát Vô Tận Ý về hạnh nguyện và uy lực của Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là sự có mặt của Hạnh Môn ở trong Tích Môn và Bản Môn. Sự có mặt của Đức Phật Đa Bảo và Tháp của Ngài ở trong phẩm nầy là sự có mặt của Bản Môn, để ấn chứng cho những gì đang diễn ra và đang được trình bày của Đức Phật Thích Ca ở Tích Môn là đúng với Bản Môn. Nghĩa là Đức Phật Đa Bảo là Đức Phật Bản Môn đã ấn chứng cho những gì đức Phật Thích Ca nói với Bồ Tát Vô Tận Ý, về Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm là đúng như tự thân và bản thể của chính nó.
Bồ Tát Vô Tận Ý, sau khi nghe Đức Phật Thích Ca nói về Hạnh Môn Pháp Hoa của Bồ Tát Quán Thế Âm, liền khởi tâm cung kính, cởi ngay chuỗi ngọc châu Anh Lạc giá trị trăm ngàn lượng vàng mà cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, nhưng Bồ Tát Quán Thế Âm đã một mực từ chối không nhận. Bồ Tát Vô Tận Ý liền thưa với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: "Thưa Nhân giả! Xin Người hãy thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc nầy!". Và bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng nói với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: "Bồ Tát hãy thương Bồ Tát Vô Tận Ý nầy, cũng như hãy thương bốn chúng gồm Ưu bà tắt, Ưu bà di, Tỷ khưu, Tỷ Khưu Ni, hãy thương các Chúng Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhân và phi nhân …, mà hãy nhận lấy chuỗi ngọc châu Anh Lạc!
Bấy giờ, Bồ Tát Quán Thế Âm, vì thương tứ chúng, cũng như hết thảy chúng sanh, mà nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc, và sau đó, Bồ Tát liền chia chuỗi ngọc châu Anh Lạc làm hai phần, một phần dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và một phần dâng lên cúng dường Tháp của Đức Phật Đa Bảo".8
Sự cúng dường chuỗi ngọc châu Anh Lạc của Bồ Tát Vô Tận Ý là nói lên sự tin, hiểu và cảm nhận sâu xa của mình đối với Hạnh Môn Pháp Hoa của Bồ Tát Quán Thế Âm, sau khi Bồ Tát Vô Tận Ý đã nghe, Đức Phật Thích Ca giảng dạy về Hạnh Môn Pháp Hoa của vị Bồ Tát ấy. Và Bồ Tát Quán Thế Âm, vì thương Bồ Tát Vô Tận Ý, cũng như thương hết thảy chúng sanh, mà nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc và đã đem chuỗi ngọc châu Anh Lạc ấy, phân làm hai, một phần dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca, và một phần dâng lên cúng dường Tháp của Đức Phật Đa Bảo. Chính hành động cúng dường ấy của Bồ Tát Quán Thế Âm, là để khai, thị, ngộ, nhập phật tri kiến cho Bồ Tát Vô Tận Ý, khiến cho vị Bồ Tát nầy, tin và hiểu rằng: Hạnh Môn Pháp Hoa của Bồ Tát Quán Thế Âm, Bản Môn Pháp Hoa của Đức Phật Đa Bảo và Tích Môn Pháp Hoa của Đức Phật Thích Ca là ba mặt của Một Thực Tại Siêu Việt. Thực Tại Siêu Việt ấy, chính là Nhất Thừa Phật Đạo.Và đồng thời cũng đã nói lên rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm đã nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc từ Bồ Tát Vô Tận Ý, và Ngài đã dâng chuỗi ngọc ấy, lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp của Phật Đa Bảo là để khai thị cho Bồ Tát Vô Tận Ý tin và hiểu rằng: Giữa đức Phật Bản Môn, Đức Phật Tích Môn và Bồ Tát Hạnh Môn chỉ là Một.
Trong Bồ Tát Hạnh Môn có Phật Bản Môn và có Phật Tích môn; trong Phật Bản Môn có Phật Tích Môn và có Bồ Tát Hạnh Môn, trong Phật Tích Môn có Phật Bản Môn và Bồ Tát Hạnh Môn, nên từ trong Bồ Tát Hạnh Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm đang biểu hiện Bản Môn và Tích Môn, nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc cúng dường từ Bồ Tát Vô Tận Ý để dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp Phật Đa Bảo, nhằm hướng dẫn sự tu tập của vị Bồ Tát nầy hướng đến Nhất Thừa Phật Đạo.
Bồ Tát Vô Tận Ý ở trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa là tiêu biểu cho Bồ Tát Thừa;và Tứ chúngTỷ khưu, TỷKhưu Ni, Ưu bà tắt, Ưu bà di là tiêu biểu cho Thanh văn Thừa, cũng như hết thảy Đại chúng Trời, Người, A tu la…, là tiêu biểu cho Thiên Thừa và Nhân Thừa, đều đã được Bồ Tát Quán Thế Âm hướng dẫn phát tâm hướng đến Nhất Thừa Phật Đạo. Và với Bồ Tát Hạnh Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm đã từ chối nhận sự cúng dường chuỗi ngọc châu Anh Lạc của Bồ Tát Vô Tận Ý, nhưng đối với Bản Môn và Tích Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm đãnhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc để cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp của Phật Đa Bảo, nhằm hiển thị rằng, mọi hoạt động của Bồ Tát là đều hướng đến Nhất Thừa Phật Đạo, mà không bị mắc kẹt ở nơi nhân và pháp của Bồ Tát Thừa. Nên, Bồ Tát Hạnh Môn chỉ là phương tiện của Phật Môn vậy.
Bởi vậy, Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm là Hạnh Môn luôn luôn gắn liền với hai chất liệu của Đại Bi và Đại Trí.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là tiêu biểu cho Hạnh Môn Đại Trí của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bấy giờ, Bồ Tát Quán Thế Âm ở ngay giữa đại chúng, gọi Tôn giả Xá Lợi Phất mà tuyên thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh với tất cả Đại Trí của mình.
Theo Quảng bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh nói rằng: "Sau khi Bồ Tát Quán Tự Tại nói thần chú Bát Nhã Ba La Mật Đa xong, liền gọi Tôn giả Xá Lợi Phất và các vị Đại Bồ Tát mà nói rằng: Đối với Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm diệu, nên học như vậy, nên hành như vậy".
Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ nơi hạnh phúc an lạc của thiền định mà xuất, gọi Bồ Tát Quán Thế Âm mà ca ngợi rằng:
"Hỡi Thiện nam tử, thật tuyệt vời thay, thật tuyệt vời thay! Đúng như lời Người nói: Bát Nhã Ba La Mật Đa là rất thâm diệu, nếu hành trì, thì nên hành trì như vậy, hành đúng như vậy. Và khi ấy các Đức Như Lai cũng đều hoan hỷ".
"Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói như vậy xong, Tôn giả Xá Lợi Phất, Bồ Tát Quán Thế Âm và hết thảy hội chúng Trời, Người, A tu la…, nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, đều đại hoan hỷ, tín thọ và phụng hành".9
Và, Thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni, là tiêu biểu cho Hạnh Môn Đại Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bấy giờ, ngay giữa Đại chúng ở nơi Núi Phổ Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm bạch với Đức Thế Tôn rằng: "Con có Thần chú Đà la ni của tâm đại bi, nay muốn tuyên thuyết: Vì muốn cho hết thảy chúng sanh có được sự an lạc; vì muốn loại trừ hết thảy bệnh tật cho chúng sanh; vì muốn cho hết thảy chúng sanh được sống lâu và giàu có; vì muốn diệt trừ hết thảy ác nghiệp và trọng tội cho chúng sanh; vì muốn cho hết thảy chúng sanh thoát ly chướng nạn; vì muốn tăng trưởng các công đức của pháp thanh tịnh cho chúng sanh; vì muốn cho hết thảy chúng sanh thành tựu tất cả thiện căn; vì muốn cho hết thảy chúng sanh xa lìa tất cả những nỗi sợ hãi và vì muốn cho hết thảy chúng sanh nhanh chóng thành tựu mọi ước muốn, nên cúi xin đức Thế Tôn từ bi thương xót, chấp nhận chocon tuyên thuyết thần chú!".
Bấy giờ, Đức Phật dạy với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: "Hỡi Thiện Nam Tử! Người vì tâm đại bi, muốn làm an lạc cho hết thảy chúng sanh, nên tuyên thuyết thần chú, nay là đúng lúc, cần phải nói một cách nhanh chóng, Như Lai tùy hỷ và Chư Phật cũng vậy".10 Như vậy, Thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni là Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Đại Bi và Đại Trí là hai chất liệu tạo nên Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hai chất liệu Hạnh Môn nầy của Bồ Tát Quán Thế Âm là doThần chú Đại Bi vàBát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tạo thành, mà chính bản thân Bồ Tát Quán Thế Âm trực tiếp tuyên thuyết cho đại chúng lúc bấy giờ và đã được Đức Thế Tôn trực tiếp ấn chứng. Hai chất liệu tạo nên Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm nầy, đã ảnh hưởng toàn bộ lên đời sống tu học của hầu hết Tăng Ni phật tử Á Châu theo truyền thống Bắc Phạn suốt cả một chiều dài lịch sử.
Hiện nay hầu hết nghi lễ tụng niệm của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, mở đầu là tụng Thần chú Đại Bi và kết thúc bằng Bát Nhã Tâm Kinh, nghĩa là mở đầu bằng Đại Bi và kết thúc bằng Đại Trí. Đưa Đại Bi đi tới với Đại Trí và đưa Đại Trí rọi vào trong Đại Bi. Đại Trí và Đại Bi không thể tách rời nhau trong đời sống tu tập của Tăng Ni Phật tử.
Nên, Đại Bi và Đại Trí không thể nào thiếu trong một thời khóa nghi lễ, hay một thời khóa công phu tu tập, hoặc nơi mỗi hành động xuất xử của Tăng Ni phật tử Việt Nam. Nếu thiếu một trong hai, những hành xử của người tu sẽ nghiêng về một phía, hoặc là quá siêu việt, hoặc là quá thực dụng. Người nào tu tập mà nghiêng về một trong hai phía, đời sống của người ấy, sẽ mất thăng bằng và có thể bị gãy đổ. Nên, hai chất liệu Đại Bi và Đại Trí gắn liền với nhau trong đời sống của một người biết tu tập, giống như đôi cánh chim gắn liền nơi thân thể của một con chim Đại Bàng.
Thần chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh là Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hạnh Môn ấy đã tạo thành những nét văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng và phương pháp tu tập, kết hợp hài hòa độc đáo cho những người con phật. Và đó là Hạnh Môn tu tập chuyển hóa tâm linh và độ đời một cách thiết thực và thâm diệu của Tăng Ni phật tử Việt Nam đã trải qua rất nhiều thế hệ, và chính nó cũng đã tạo thành thể thống nhất, xuyên suốt, linh hoạt và độc đáo của Đạo Phật Việt Nam.
Nên, Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm được diễn tả ở phẩm Phổ Môn trongKinh Pháp Hoa là tiêu biểu cho tính thể và tác dụng của một Đạo Phật xuyên suốt, thống nhất, sống động, độc đáo, và siêu việt ngay trong thực tế.






CHÚ THÍCH

8 Phổ Môn Phẩm, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tr 7, Đại Chính 9.
9 Đại Chính 8, tr 850 – 852.
10 Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh, tr 106, Đại Chính 20.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]