Kinh Đại Phương Quảng Viên Giác Tu-đa-la Liễu Nghĩa
Ý kiến giải Kinh Viên Giác
Nguồn: Đời Đường, nước Kế Tân, Sa Môn Phật Đà Đa La, Phạn dịch Đời Minh, núi Khuôn Sơn Dật Tẩu, Ngài Hám Sơn, Thích Đức Thanh giải thẳng. Đời Minh, đất Tân An. Trình Mộng Dưong biệt hiệu Giác Gỉa giảo duyệt. Hòa Thượng Thích Huyền Vi Việt dịch
Pháp thân lưu chuyển trong năm đưòng gọi là chúng sanh, thế thì chúng sanh có chỗ giác ngộ thanh tịnh, tức là nhơn địa bổn khởi của chư Phật, chỉ vì vô minh che khuất, hằng ngày sáng suốt mà không tự biết. Thế nên phải làm phiền đức Thế Tôn ta, đặc biệt phải hiện thân trong ba cõi, tùy thuận quần sinh, chỉ bày mỗi người sẵn có tánh Phật, vì sự mê lầm của chúng sanh quá lâu. Vô minh mỗi ngày càng dày, nghiệp chướng mỗi ngày càng sâu, không quán chiếu thì không thể nào thông suốt, cho nên thiết lập diệu môn ba quán, làm chỗ cốt yếu để ngộ tâm linh. Bởi vì chúng sanh căn tánh ám độn, không thể nào tròn tu, nên tan mất trong một đời người. Đầu nói 'không quán' để phá trừ kiến ái phiền não; kế đó nói 'giả quán' để phá trừ trần sa hoặc; sau cùng nói 'trung quán' để phá trừ vô minh.
Lại nữa trước sau dùng nhiều sự sai khác thứ lớp không thể tròn chứng nhứt tâm, nên nói Thủ Lăng Nghiêm đại định, để thống nhiếp ba quán tròn soi nhứt tâm, đốn phá vô minh. Ấy là pháp môn viên đốn. Song văn nghĩa kia bao trùm ba tạng, giáo nhiếp năm thời, thánh phàm mười cõi, mê ngộ, nhơn quả, mảy may không sai lạc, nhưng người học trí cạn tâm thô, vì văn quá rộng, nghĩa quá sâu, khó suốt khó thông. Huống là lìa lời nói đặng ý chỉ, mầu nhiệm kết hợp nhứt tâm. nếu luận đến giản dị mà tinh vi, khẩn thiết mà tóm lược thì không còn.
Pháp môn tối thắng của Viên Giác, văn tự của nó không quá hơn một muôn ba nghìn câu, thống nhiếp biển giáo pháp không bờ, bao la pháp giới; viên mãn suốt nguồn nhứt tâm, trải qua tôn chỉ ba phép quán, đem tâm thay đổi đơn kép tròn tu, xét cùng vọng tưởng, phê phán bịnh thiền, nhưng ngộ tâm về pháp môn vi diệu, siêu việt thẳng vào. Ấy là chơn kinh của giáo pháp giới, là diệu hạnh thành Phật. Đốn ngộ đốn chứng, như xem trái trên bàn tay.
Chỉ thẳng đến phương tây, nghĩa nhiệm mầu bí yếu, ngoài đây không có uẩn nào khác. Phàm ai học Phật đều dùng kinh nầy làm kim chỉ nam. Xưa ngài Khuê Phong Thiền Sư đã có sở giải lược, thì có giản lược, riêng có tiểu sao, nhưng quá phiền. Song văn có chỗ cách lược, thì nghĩa có chỗ không thông, nghĩa không thông thì ý quán khó rõ, lý quán không rõ, chắc chắn sanh ra mờ muội, mà không có chỗ quyết định.
Lúc ở núi tu thiền, lúc ấy có ý khai triển chiều sâu, sớ nghĩa mà thẳng thông kinh văn, khai thông ý Phật, mà không chuyên văn ngôn, nên làm trực giải để kết pháp duyên. Bản thảo vừa thành, mới an tâm niệm, lúc ấy có cư sĩ nghe qua lòng rất hân ngưỡng. Cư sĩ ấy là Ngô Khải Cao xin lưu tâm giảo đính. Ta nhơn đó khen rằng: Phật nói thọ trì một bài kệ bốn câu thắng hơn phước đem của bảy báu nhiều như số cát sông Hằng, vì của báu là nhơn hữu lậu. Kinh Pháp là gốc thành Phật, so sánh khác xa một trời một vực. Ta nay dùng kim khẩu Phật để xưng khen. Trình quán phước thí pháp vô lượng tương đương cùng với hư không. Kính đề sau đây để làm kỷ niệm.