Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. A-Nan khải-thỉnh

17/05/201313:10(Xem: 11010)
II. A-Nan khải-thỉnh

Kinh Đại Bát Niết Bàn [1]

II. A-Nan khải-thỉnh

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Hán dịch: Đông Tấn, Sa Môn Thích Pháp Hiển

Khi ấy ông A-Nan thấy cõi đất rung-động, tâm sợ-hãi quá ông mới tự-nghĩ: “Cớ sao ngày nay bỗng có sự-tướng ấy. Và, việc như thế, không phải là duyên nhỏ, nay ta nên đến hỏi đức Thế-Tôn!”
Nghĩ thế rồi, ông A-Nan liền từ tòa ngồi của mình đứng dậy, đến trước đức Phật, đầu mặt lễ xuống chân Phật, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Lúc nãy con ở riêng nơi kia, ngồi thiền suy nghĩ, bỗng đâu con thấy cõi đất này có mười tám tướng rung động; con lại nghe thấy những tiếng trống của cõi trời trong hư-không, tâm con sợ quá, không biết tướng ấy là nhân-duyên gì, kính xin đức Thế-Tôn chỉ-giáo cho!”
Đức Phật dạy: “Ông A-Nan! Cõi đất này rung-động vì tám nhân-duyên: Một là cõi đất nhờ nước mà đứng vững, nước này nhờ guồng gió mà còn, gió này nhờ hư-không mà trụ. Trong hư-không có lúc gió mạnh bốc lên, thổi vào guồng gió kia, guồng gió kia động; guồng gió kia đã động, nước kia cũng động; nước kia đã động, cõi đất này động. Hai là, các vị Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tu về thần-thông, mới được thành-tựu, các vị muốn tự thí-nghiệm, nên cõi đất này động. Ba là, khi Bồ-tát (Bodhissattva) ở nơi cung trời Đâu-Xuất (Tusita), sắp giáng-thần vào mẫu-thai, nên cõi đất này động. Bốn là, khi Bồ-tát mới sinh từ nơi hông bên hữu ra, nên cõi đất này động. Năm là, khi Bồ-tát bỏ cung vua xuất-gia, học đạo, thành Nhất-thiết-chủng-trí[8], nên cõi đất này động. Sáu là, khi Như-Lai thành đạo, bắt đầu vì Nhân, Thiên chuyển pháp-luân[9], nên cõi đất này động. Bảy là, khi Như-Lai xả tuổi thọ thế-gian, dùng sức thần-thông trụ lại nơi thân-mệnh, nên cõi đất này động. Tám là, khi Như-Lai nhập Niết-Bàn, nên cõi đất này động. Ông A-Nan! Ông nên biết nhân-duyên của cõi đất này động, có tám sự như thế!”
Ông A-Nan! Có tám bộ-chúng: Một là, Sát-lỵ[10]. Hai là, Bà-la-môn[11]. Ba là, Trưởng-giả[12], Cư-sĩ[13]. Bốn là, Sa-môn[14]. Năm là, Tứ-thiên-vương. Sáu là, Đao-lỵ-thiên. Bảy là, Ma-vương. Tám là, Phạm-vương. Tám bộ-chúng ấy Tôi xem căn-khí của họ, người nào muốn được độ, Tôi tùy chỗ hiện-hình vì họ nói pháp, mà người kia cũng không biết là Tôi nói”.
Ông A-Nan! Có tám chỗ thượng-thắng (thắng-xứ): Một là, trong tâm có tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc-tướng ít đi. Hai là, trong tâm có tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc-tướng nhiều lên. Ba là, trong tâm không tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc-tướng ít đi. Bốn là, trong tâm không tưởng về sắc-tướng, ngoài quán về sắc tướng nhiều lên. Năm là, quán hết thảy sắc đều xanh. Sáu là, quán hết thảy sắc đều vàng. Bảy là, quán hết thảy sắc đều đỏ. Tám là, quán hết thảy sắc đều trắng. Đó là phương-pháp thượng-thắng của người tu-hành về Thiền-định![15]
Lại nữa, Ông A-Nan! Có tám pháp giải-thoát: Một là, trong tâm có tưởng về sắc, ngoài cần quán về sắc. Hai là, trong tâm không tưởng về sắc, ngoài quán về sắc bằng cách suy-nghĩ là bất-tịnh. Ba là, tịnh giải-thoát, Bốn là, không-xứ giải-thoát. Năm là, Thức-xứ giải-thoát. Sáu là, Vô-sở-hữu-xứ giải-thoát. Bảy là, Phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ giải-thoát. Tám là, Diệt-tận-định giải-thoát. Tám pháp giải-thoát này cũng là pháp thượng-thắng của người tu-hành về Thiền-định. Nếu ai đạt tới chỗ cứu-cánh của những pháp này, tức là đối với mọi pháp được tự-tại vô-ngại.[16]
Ông A-Nan! Ông có biết không: Trước kia khi Tôi thành-đạo, độ ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvilvàkàsyapa) ở bên sông Ni-liên-thiền, bấy giờ Ma-vương đến chỗ Tôi, thỉnh Tôi rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn! Lạy đấng Thiện-Thệ! Nay đấng Thiện-Thệ nên nhập Niết-Bàn! - Sao vậy? – Những người nên độ, đều được giải thoát cả rồi! Nay chính là lúc đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn!” Ma-vương thỉnh Tôi ba lần như thế, Tôi đáp: “Nay chưa phải lúc Tôi nhập Niết-Bàn! – Sao vậy? – Bốn bộ-chúng của tôi chưa được đầy đủ, những người nên độ, đều chưa đạt tới chỗ cứu-cánh, những đồ-chúng ngoại-đạo, chưa hàng-phục được!” Tôi đáp như thế ba lần, Ma-vương nghe rồi, mang lòng buồn-rầu, trở về Thiên-cung. Do duyên xưa kia, nay Ma-vương lại và lại thỉnh Tôi: “Lạy đức Thế-Tôn! Nay đức Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn! Lạy đấng Thiện-Thệ! Nay đấng Thiện-Thệ nên nhập Niết-Bàn! - Sao vậy? - Trước kia khi ở bên bờ sông Ni-liên-thiền, con khuyến-thỉnh đức Thế-Tôn nhập Niết-Bàn, nhưng lúc ấy đức Thế-Tôn thấy con khuyến-thỉnh như thế, Ngài đáp: “Nay bốn bộ-chúng của Tôi là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di chưa được đầy đủ, lại chưa hàng-phục được các ngoại-đạo, thế nên Tôi chưa nhập Niết-Bàn. Lạy đức Thế-Tôn! Nay bốn bộ-chúng của đức Thế-Tôn đã đầy đủ, đã hàng-phục được các ngoại-đạo và những sự đáng làm đều đã làm xong, vậy nay Thế-Tôn nên nhập Niết-Bàn!” Ma-vương thỉnh Tôi đến ba lần như thế, Tôi đáp: “Trước kia bên bờ sông Ni-liên-thiền, Tôi đã hứa với ông bốn bộ-chúng của Tôi chưa được đầy đủ, cho tới nay, nay đầy đủ rồi, sau đây ba tháng Tôi sẽ nhập Niết-Bàn. Ma-vương nghe Tôi nói lời ấy rồi, vui mừng hớn-hở, trở về Thiên-cung. Nơi đây Ta nhận lời thỉnh của Ma-vương rồi, Tôi liền xả tuổi thọ thế-gian, tạm trụ nơi thân-mệnh ba tháng, vì nhân-duyên ấy, nên cõi đất này chấn-động!”
Bấy giờ ông A-Nan nghe đức Phật nói lời ấy rồi, tâm ông buồn-rầu quá, khắp mình ửng huyết, khóc-lóc thướt-mướt, bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Kính xin đức Thế-Tôn thương xót chúng con, ở lại cõi thọ chừng một kiếp hay non một kiếp, đem lại lợi-ích cho chư Thiên và nhân-dân trong thế-gian!”
Ông A-Nan thỉnh đức Thế-Tôn đến ba lần như thế. Lúc đó, đức Thế-Tôn bảo ông A-Nan: “Bây giờ không phải lúc ông thỉnh Như-Lai lưu lại thế-gian nữa! - Sao vậy? - Tôi đã hứa với Ma-vương, sau đây ba tháng Tôi nhập Niết-Bàn, nay ông làm sao thỉnh Tôi lưu lại thế-gian được? Ông A-Nan! Ông thị-giả Tôi từ trước tới nay, ông đã từng nghe thấy Tôi nói hai lời bao giờ chưa? - Ông A-Nan bạch Phật rằng: “Lạy đức Thế-Tôn! Con chưa từng nghe thấy đấng Thiên-Nhân-Sư nói hai lời bao giờ! Trước kia con chỉ từng nghe thấy đức Thế-Tôn, vì bốn bộ-chúng nói pháp rằng: “Người được bốn phép Thần-túc, có thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp, huống chi Như-Lai là bậc có vô-lượng sức thần-thông tự-tại, nay lại không thể ở trong cõi thọ được một kiếp hay non một kiếp, liền xả tuổi thọ thế-gian, tạm trụ thân-mệnh ba tháng, vậy kính xin đức Thế-Tôn thương xót chúng con, ở lại cõi thọ chừng một kiếp hay non một kiếp!”
Đức Thế-Tôn đáp lời ông A-Nan: “Nay Tôi sở dĩ xả tuổi thọ, chính là do ông! Sao vậy? Ban nãy, tại nơi đây, Tôi hướng vào ông mà nói: “Người được bốn phép Thần-túc còn có thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp, huống là Như-Lai nay có sức thần-thông lớn-lao, há lại không thể ở trong cõi thọ trọn một kiếp hay non một kiếp? Tôi ân-cần nói như thế đến ba lần, để mở ra cái cửa cho ông khuyến-thỉnh Thế-Tôn lưu lại thế-gian, mà ông cứ im-lặng, từng không có lời thỉnh Tôi ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, vì thế, nay Tôi chỉ tạm trụ thân mệnh ba tháng, sao nay ông mới thỉnh Tôi trụ lại thế-gian?
Ông A-Nan nghe đức Phật nói lời ấy, biết hẳn là đức Phật quyết nhập Niết-Bàn, không sao khuyến-thỉnh được, tâm sinh đau-khổ, buồn-bã, áo-não, khóc-lóc thướt-mướt, không thể hãm được.
Đức Thế-Tôn thấy ông A-Nan sinh khổ-não quá như thế, Ngài dùng phạm-âm an-ủi: “Ông A-Nan! Nay ông đừng nên sinh tâm lo buồn như thế! Ông nên biết: Các pháp hữu-vi đều như thế cả; hết thảy sự hội-hợp, đều phải biệt-ly!”
Liền đó, đức Thế-Tôn nói bài kệ rằng:
Hết thảy pháp hữu-vi,
Đều quay về vô-thường.
Sự ân-ái hòa-hợp,
Tất về nơi biệt-ly.
Hành-tướng sự vật thế,
Không nên sinh lo buồn!
Bấy giờ, ông A-Nan sa lệ bạch rằng: “Đấng Thiên-Nhân-Sư bậc vô-thượng đại-tôn, không bao lâu nữa sẽ nhập Niết-Bàn, nay con làm sao mà không lo buồn được!” Bạch rồi ông liền bứt đầu, lớn tiếng xướng lên rằng: “Than ôi, khổ lắm! Con mắt của thế-gian mất rồi, không bao lâu nữa chúng-sinh, mất người cha lành!”
Đức Thế-Tôn lại bảo ông A-Nan: “Nay ông không nên sinh tâm lo buồn, dù Tôi có ở lại cõi thọ một kiếp hay non một kiếp, nhưng hội-hợp rồi cũng phải ly-diệt; tính và tướng của pháp hữu-vi như thế, ông chớ nên đối với việc Tôi nhập Niết-Bàn mà riêng chịu sự đau-khổ! Giờ Tôi muốn trở về Trùng-Các giảng-đường, ông cầm giúp cái ngọa-cụ về!” Liền đó, đức Thế-Tôn cùng ông A-Nan trở về Trùng-Các giảng-đường.

TOÁT-YẾU


Ông A-Nan đang ngồi Thiền, bỗng dưng thấy đất rung-động. Ông tỉnh dậy sợ-hãi và tự nghĩ việc động đất này tất nhiên phải có duyên-cớ?
Ông về hỏi Phật, vì duyên-cớ gì mà có sự động đất như vậy? Đức Phật dạy: “Động đất có tám nhân-duyên: 1/ Cõi đất này nhờ nước, gió gìn-giữ lẫn nhau, Khi gió chuyển thì nước động, nước động thì đất động. 2/ Khi tứ-chúng tu thành, muốn thí-nghiệm thần-thông. 3. Khi Bồ-tát giáng-thần vào mẫu-thai. 4/ Khi Bồ-tát giáng-sinh. 5/ Khi Bồ-tát xuất-gia, học đạo thành Nhất-thiết-chủng-trí. 6/ Khi Như-Lai thành-đạo, bắt đầu chuyển pháp-luân. 7/ Khi Như-Lai xả thọ. 8/ Khi Như-Lai nhập Niết-Bàn.”
Tiếp đó, Ngài lại bảo ông A-Nan là trong Phật-pháp có tám bộ-chúng; tu Thiền-định có tám thắng-xứ, 8 pháp giải-thoát. Và, Ngài nói rõ nhân-duyên Ma-vương thỉnh Ngài nhập Niết-Bàn cho ông nghe.
Ông A-Nan ra đỉnh-lễ, thỉnh Phật lưu lại thế-gian. Đức Phật không nhận lời, Ngài nói: “Tôi đã hứa với Ma-vương rồi. Tôi không nói hai lời. Và, sao trước kia Tôi đã nhắc, ông không thỉnh, bây giờ không phải thời nữa!”
Ông A-Nan buồn!
Đức Phật bảo: “Ông đừng lo buồn nữa, sự-vật đều thế! Các pháp hữu-vi, đều thuộc về vô-thường, ân-ái hội-hợp quyết phải biệt-ly!”



Chú thích


[8] Nhất-thiết chủng-trí: Tức là Phật-trí, có nghĩa là trí-tuệ biết suốt hết thảy pháp.
[9] Chuyển-pháp-luân (quay bánh xe pháp): Giáo pháp của Phật gọi là “pháp-luân” (bánh xe pháp); truyền nói giáo-pháp ấy gọi là “chuyển” (quay). Nghĩa là giáo-pháp của Phật, quay vòng khắp chúng-sinh-giới, phá tan những phiền-não. Và, “chuyển” đây còn có nghĩa là chuyển pháp tự tâm mình, chuyển-di sang tâm người khác.
[10] Sát-lỵ (Ksatriya): Giai-cấp vua chúa. Gia-cấp thứ 2 trong 4 giai-cấp của Ấn-Độ.
[11] Bà-la-môn (Bràhmana): Giai-cấp tu-sĩ của Ấn-Độ-giáo, Tàu dịch là “Tịnh-hạnh”; “Tịnh-chí”, “Tĩnh-chí”. Giái-cấp thứ nhất, trong 4 giai-cấp của Ấn-Độ.
[12] Trưởng-giả: Tiếng Phạm gọi là “Nghị-lực-hạ-bát-để” (Drha-pati). Tiếng gọi thông thường chỉ cho người nhiều của, đủ đức. Bộ Pháp-Hoa Huyền-Tán quyển 10 nói: “Trưởng-giả là người tâm bình, tính thẳng, nói thực, làm chăm, tuổi nhiều, của lắm”.
[13] Cư-sĩ: Tiếng Phạm gọi là Ca-la-việt (Kulapati): Là người có của ở nhà không ra làm việc đời; là người ẩn-dật ở nơi nhà mình không ra làm quan; hay là người tại-gia có chí-hướng về đạo Phật. Bộ Pháp-Hoa Huyền-Tán quyển 10 nói: “Giữ đạo tự điềm-đạm, chứa đức ít muốn, gọi là Cư-sĩ”.
[14] Sa-môn (Srmana): Xưa dịch là “Tức-tâm, Tĩnh-chí, Bần-đạo v.v…” Nay dịch là “Công-lao, Cần-tức”, đều có nghĩa là vị tu-hành siêng-năng tu-tập, ngăn dứt phiền-não nơi tâm, làm yên-lặng, trong sạch thần-chí, có công cần-cù khó-nhọc tiến tu về đạo giải-thoát (đạo Phật).
[15] Đây là nói về y-cứ của 8 thiền-định phát-khởi ra thắng-tri (hiểu biết cao), thắng-kiến (thấy biết cao) để xả tâm tham-ái. Đại-ý: 1/ Đạo nơi mình chưa tăng-trưởng, thời cần chú trọng quán-tưởng ngay nơi thân tâm mình đã, chưa cần quán-tưởng đến hình-sắc ngoài thân tâm mình, hoặc chỉ ít thôi. Tỷ-dụ: mình đang quán-tưởng thân mình là bất-tịnh chưa được thấu đáo, bền chắc, thời chưa nên (hay chỉ ít thôi) đi xem thây người chết khác, có khi sinh sợ-hãi, thoái-chuyển. 2/ Đạo tiệm tiến, quán nơi mình và quán nơi người nhiều vẫn không hại. 3/ Đạo đạt dần tới chỗ thắng-diệu, dù quán hình sắc ngoài, nhưng trong tâm không vương chút hình-sắc nào. 4/ Tiến thêm hơn nữa, dú quán hình-sắc ngoài nhiều, trong tâm vẫn không vương chút hình-sắc nào. Bốn quán trên đây là lẫn lộn cả tịnh và bất-tịnh. Còn tứ quán thứ 5, 6, 7, 8 là đạo đã đạt tới chỗ thắng-diệu thực sự, không còn có sự chấp-trước vào pháp-tướng nữa, mà chuyển-biến tự-tại.
[16] Đây là 8 pháp quán giúp người tu Thiền-định được giải-thoát. Đại-ý: 1/ Trong tâm mình có lòng tham-tưởng về sắc, muốn trừ nó cho được giải-thoát, nên đi xem cái thây thối-tha, chương phềnh của người chết v.v… 2/ Muốn thêm kiên-cố trong sự giải-thoát, dù trong tâm không khởi tưởng tham sắc, vẫn cứ đi xem thây chết kia v.v… 3/ Quán sắc-tướng thanh-tịnh, trừ-tướng bất tịnh. Ba quán trên, quán thứ nhất y vào Sơ-thiền-định phát-khởi và duyên vào sắc của Dục-giới; quán thứ 2 y vào Nhị-thiền-định phát-khởi và duyên vào sắc của Sơ-thiền; quán thứ 3 y vào Tứ-thiền phát-khởi và duyên vào sắc của Dục-giới, nhưng cho là sắc bất-tịnh. Còn quán giải-thoát thứ 4, 5, 6, 7 y vào 4 định của cõi Vô-sắc phát-khởi và ở ngay chỗ đắc định quán về khổ, không, vô-thường, vô-ngã, sinh tâm chán ghét mà bỏ, nên gọi là giải-thoát. Quán giải-thoát thứ 8, diệt thụ, tưởng, y vào Tứ-thiền bỏ hết thảy sở-duyên trong Phi-phi-tưởng nên gọi là giải-thoát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]