Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 1

15/05/201319:50(Xem: 14593)
Quyển 1

Phat_Ngoc_6


Kinh Bổn Sự

Quyển 1

Thích Như Điển

Nguồn: Thích Như Điển

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển 17 thuộc Kinh tập quyển thứ 14, từ trang 662 đến trang 699, tổng cộng 37 trang, thuộc kinh thứ tự số 765 do Ngài Huyền Trang dịch sang Hán văn đời nhà Đường.
Thích Như Điển dịch ra tiếng Việt tại Anh quốc, dưới thời Nữ hoàng Elisabeth, tại địa phương Wymondham, từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 31 tháng 7 năm 2002. Và phần còn lại dịch tại chùa Viên Giác - Đức quốc, từ ngày 6 đến ngày 23 tháng 8 năm 2002.

Phẩm Pháp thứ nhất
Phần Một

Ta nghe từ Đức Thế Tôn rằng: Tỳ Kheo nên biết - khi ta quán sát thế gian, không có pháp nào sai biệt, làm chướng ngại cho chúng sanh, bị trôi lăn trong vòng sanh tử, như lớp vô minh, cho nên tất cả chúng sanh bị cái màn vô minh nó làm chướng ngại ngăn che tất cả, rồi cứ sanh tử tử sanh triền miên như vậy. Cho nên phải biết; nên học như thế. Ta vì sao tu hành được phát sinh trí tuệ, phá được vô minh, xa rời sự bó buộc của ái nhiễm. Nầy các Tỳ Kheo! Phải biết thế nầy. Lúc ấy Đức Thế Tôn nhiếp tâm vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Chẳng có một pháp nào
Không chướng ngại chúng sanh
Bị rơi vào sanh tử
Như vô minh che lấp
Vô minh tối tăm lớn
Do lưu chuyển dài lâu
Ta đây nay đến đi
Lên cao hoặc xuống thấp
Nếu phá được vô minh
Giải thoát lưới tham ái
Chẳng rơi vào sanh tử
Không gây ra nguyên nhân.
Ta đã nghe được từ Đức Phật nói rằng: Các Tỳ Kheo nên biết khi ta xem thế gian, chẳng có pháp nào mà không trói buộc chúng sanh, làm cho chúng sanh bị lưu chuyển trong sanh tử dài lâu, giống như tham ái nối kết lại. Vì sao vậy ? Chúng sanh trong thế gian, do dây tham ái nối kết chằng chịt, cho nên phải bị lưu chuyển trong đường sanh tử dài lâu. Cho nên phải biết quán sát như thế. Ta đã phải tu hành như thế nào để có được con dao trí tuệ nhằm đoạn trừ sự nối kết tham ái kia, để phá đi những mờ ám ? Nầy các Tỳ Kheo! Phải nên biết rằng: Lúc ấy Đức Thế Tôn chú tâm vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Chẳng có một pháp nào
Không trói buộc chúng sanh
Sanh vào vòng sanh tử
Như tham ái trói buộc
Dây tham ái chằng chịt
Do vậy sanh tử dài
Làm cho đến hoặc đi
Sinh cao hay đọa thấp
Muốn đoạn tham ái nầy
Phá trừ màn vô minh
Chẳng rơi vào sanh tử
Nên không nhơn sinh ra.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy: Các Tỳ Kheo phải nên biết! Nếu có một hữu tình trong một kiếp số lưu chuyển sanh tử, do tham thân nầy, giả sử thường hay chứa nhóm các điều sai quấy. Sự chứa nhóm ấy cao dần giống như núi Tỳ Bổ La tại thành Vương Xá, huống nữa là chúng hữu tình, chẳng đầu không cuối, bị lưu chuyển sanh tử mãi mãi như thế, do yêu thân nầy, làm sao tính được. Cho nên phải biết! Các Tỳ Kheo phải biết ta nói về loài có tình nầy không hiểu về tứ thánh đế, cũng chẳng quán sát bên trong, cũng chẳng thông suốt, chẳng phân biệt; nên mãi mãi bị lưu chuyển trong vòng sanh tử, thọ lãnh nhiều thân khác nhau. Cho nên phải biết, phải hiểu như vậy. Ta đã nói về tứ thánh đế như thế nào, hãy quán chiếu như thế để biết. Nếu nay quán chiếu rồi, sẽ đi đến chỗ cứu cánh. Nầy các Tỳ Kheo! Hãy học như thế. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, sâu nhiếp nghĩa nầy, liền nói kệ rằng :
Loài hữu tình mỗi kiếp
Thọ thân nhiều chẳng dứt
Chất chồng dần dần cao
Như núi Tỳ Bổ La
Chẳng có đầu có sau
Lưu chuyển trong sanh tử
Nên thọ nhiều thân hình
Không thể tính đếm được
Thọ lãnh nhiều nỗi khổ
Do chẳng gần Thánh Đế
Lại chẳng tu diệu trí
Chẳng quán bốn chân lý
Cho nên khổ không dừng
Khổ nhân và khổ quả
Hay diệt nguyên nhân khổ
Tám phần của Thánh Đế
Đây Bổ Đặc Già La (*)
Đến bảy lần lưu chuyển
Kết thành nhiều mắc xích
Chưa dứt các nỗi khổ.
(*) Pugala còn gọi là Phú Đặc Ca La nghĩa là người bỏ thân trời nhập vào thân người và bỏ thân người đi vào thân súc sanh
Ta nghe từ Đức Thế Tôn như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Ta lấy Phật nhãn quán chiếu thế gian, tất cả là kết quả của nghiệp, đều do tâm ý tạo thành. Tất cả các loại hữu tình, đều do tâm ý sai khiến, làm các việc làm, đi vào các đường, thân hoại mệnh chung, như bỏ gánh nặng, sanh vào địa ngục. Vì sao như thế ? Những chúng hữu tình kia, tâm ý bị ô nhiễm. Do nguyên nhân nầy, thân hoại mệnh chung, đọa vào ác thú. Lúc ấy Đức Thế Tôn, sâu vào nghĩa nầy, liền nói bài kệ :
Mỗi loại của hữu tình
Tâm ý khởi nhiễm ô
Ta nay nói cho biết
Tùy theo nơi mà sanh
Thân kia khi mệnh chung
Như bỏ một gánh nặng
Tất đọa vào ác thú
Sanh vào trong địa ngục
Nên biết người ác ấy
Do tâm ý nhiễm ô
Nhơn vì nhiễm ô nầy
Mà rơi vào địa ngục.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe rằng : Nầy các Tỳ Kheo! Ta dùng Phật nhãn quán chiếu thế gian, tất cả quả nghiệp, đều duyên vào tâm ý. Mỗi loại hữu tình, do tâm ý sai khiến, làm những việc làm, đi vào các đường, thân hoại mạng chung, như bỏ gánh nặng, lên các đường lành, sanh vào chư thiên. Tại vì sao vậy ? Các loài hữu tình kia vì tâm ý thanh tịnh. Do nguyên nhân nầy, thân hoại mạng chung, sanh vào đường lành, sanh vào thiên giới. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Mỗi loại trong hữu tình
Tâm ý khởi thanh tịnh
Ta nay vì các ngươi
Giảng rõ việc sanh nầy
Thân kia khi mệnh chung
Như bỏ đi gánh nặng
Tức vào các đường lành
Sanh vào nơi thiên giới
Nên biết kẻ lành nầy
Do tâm ý thanh tịnh
Nguyên nhơn thanh tịnh nầy
Nên sanh vào thiên giới.
Ta nghe từ Đức Thế Tôn nói như thế nầy : Các Tỳ Kheo nên biết! Tất cả các loài hữu tình đều do nghiệp lực. Nghiệp như người bạn, nghiệp sanh vào nhà, nghiệp làm quyến thuộc, nghiệp làm chỗ tựa, nghiệp hay phân định. Tất cả các loài hữu tình, trên dưới hết thảy, tất cả như thế phải nên biết rằng : Các nghiệp là tánh, các nghiệp là nhân duyên, các nghiệp nhiều loại, các nghiệp sai khác, các nghiệp hết sạch, các nghiệp diệt rồi, làm chỗ nhơn duyên. Tỳ Kheo nên biết! Như ta đã nói, hãy cố lắng nghe, hiểu như thế nào về nghiệp và tự tánh của nghiệp. Hoặc là nghiệp riêng hay là nghiệp dĩ, như thế phải biết là nghiệp tự tánh. Khi biết là tự tánh của nghiệp rồi, vì sao phải biết cái nghiệp do nhân duyên tạo nên ? Vì các tham ái gây ra; nên tạo thành những nhân duyên vậy. Phải nên biết rằng tự tánh của các nghiệp đều do nhân duyên mà tạo ra vậy. Làm sao để biết những loại nghiệp ? Các loại nghiệp nghĩa là do tạo tác thân đọa vào địa ngục có nhiều loại khác nhau. Có loại do nghiệp sanh vào bàng sanh. Có loại do nghiệp sanh vào ngạ quỷ. Có loại do nghiệp sanh vào A Tu La. Có loại do nghiệp sanh lên làm người. Có loại làm chư thiên. Như thế phải biết nghiệp có nhiều loại như vậy. Phải nên biết về tự tánh của các nghiệp. Biết được nhân duyên của các loại nghiệp rồi, làm sao có thể biết được sự sai biệt của các nghiệp ? Nghiệp dị thục có nghĩa là đời nầy tạo tác các nghiệp rồi sanh lại đời nầy, hay cảm các loại, hoặc sanh đời khác. Như thế nên biết là nghiệp sai khác. Nghĩa là đều do tự tánh của nghiệp, các nhân duyên của nghiệp, các phẩm loại của nghiệp và các sai khác của nghiệp.
Làm sao để biết các nghiệp tận diệt ? Nghĩa là các ái diệt rồi, các nghiệp sẽ diệt. Như thế nên biết là nghiệp tận diệt. Phải biết rằng các nghiệp đều do tự tánh, đều do nhân duyên, đều do phẩm loại, đều do sự sai khác mà tận diệt vậy. Thế nào là nhân duyên của nghiệp làm vật của riêng ? Kẻ mà có nhân duyên vào con đường đạo, có nghĩa là trong Bát Chánh Đạo có đầy đủ. Đó là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mệnh, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Như vậy nên biết đây là những nhân duyên tạo nên con đường cao cả. Các Tỳ Kheo nên biết! Cùng các Sa Môn hoặc các Bà La Môn, nếu hay hiểu biết các tự tánh của nghiệp hoặc nhân duyên các nghiệp, hoặc các loại nghiệp, hoặc sự sai biệt của nghiệp, hoặc sự tận diệt của nghiệp, hoặc con đường tận diệt, hoặc nhân duyên cốt cán, tức hay tin vào pháp Tỳ Nại Da (Vinaya, nghĩa là luật, giới luật) của ta. Nếu hay tin vào giới luật của ta, tức hay nhập vào pháp giới của giới luật. Nếu hay nhập vào giới luật của ta, tức hay đạt thành pháp giới luật, tu hành phạm hạnh, tức hay cứu cánh, làm hết các nghiệp. Vì sao vậy ? Nầy các Sa Môn! các Bà La Môn! Phải biết tự tánh của các nghiệp nầy, các nghiệp nhơn duyên, các loại nghiệp, các nghiệp sai khác, các nghiệp tận diệt, các nghiệp lành, các nghiệp căn bản rồi. Tức các nghiệp nầy, xa rời ác thú, cứu cánh giải thoát, được thiện giải thoát, tức thiện giải thoát, tức hay độc lập, tức được phép lành, tức đủ phép lành. Thân kia chết đi như pháp nầy tất cả khó tạo thành. Lúc ấy Đức Thế Tôn, sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Thế gian các hữu tình
Ở trước hay ở sau
Tất cả đều do nghiệp
Nghiệp giống như người bạn
Nghiệp làm chỗ phát sanh
Nghiệp làm kẻ quyến thuộc
Nghiệp làm chỗ nương tựa
Nghiệp hay chia ba loại
Tùy nghiệp mà sanh ra
Bất định như bánh xe
Hoặc ở trong trời người
Hoặc ở nơi bốn đường
Thế gian các hữu tình
Đều do nghiệp lực chuyển
Chẳng tiền của vợ con
Tùy nơi sanh hoặc chết
Khi đến lúc lâm chung
Tất cả đều phải bỏ
Tùy theo nghiệp mà sanh
Tất cả đều do nghiệp
Vị lai các hữu tình
Như thế mà thọ nghiệp
Nếu hay y lời Phật
Chánh tín để xuất gia
Các ngu si loại ấy
Chẳng Thầy được khai mở
Tên là làm việc lành
Chẳng ngu mà chánh pháp
Cho nên các Tỳ Kheo
Siêng năng chớ buông lung
Phải biết rằng các nghiệp
Liên tục để tu hành
Tự tánh nghiệp dứt rồi
Ngay cả nghiệp nhơn duyên
Tu tám phần Thánh Đạo
Khó liền được viên mãn.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế nầy : Nầy các Tỳ Kheo! Hãy nên biết rằng thế gian có các việc ác,chẳng có pháp lành. Lúc mới sanh ra những việc không lành, những loại không lành, tất cả đều do ý dẫn đầu, cho nên ý sanh khởi vậy. Các thiện pháp chẳng lành sanh theo sau đó. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Các bất thiện pháp sanh
Vì nguyên do cảm thọ
Do ý làm đầu đề
Cùng phiền não sanh ra
Ý dẫn đầu như vậy
Ý bị ý sai khiến
Do ý bị nhiễm ô
Cho nên nói có làm
Khổ theo đây mà sanh
Như bánh nhân đây lăn.
Ta từ Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Trong thế gian có pháp sáng trong đẹp đẽ, khi mới sinh ra có bạch tịnh thiện pháp, sau đó sanh tiếp. Lúc ấy Đức Phật sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Các thiện pháp khi sanh
Bởi vì hay cảm lạc
Do ý chí dẫn đầu
Cùng thiện pháp sanh ra
Ý là pháp đi đầu
Ý khiến ý sai sử
Do ý có thanh tịnh
Lại hay nói về hành
Vui từ đó mà sanh
Như ảnh theo hình vậy.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian có pháp khi khởi sanh ra cùng các chúng sanh khác, chẳng làm lợi ích, thọ những khổ lớn. Thế nào là một pháp ? Đó là việc phá Tăng. Cho nên các Tỳ Kheo nên biết! Nếu phá hoại Tăng, tất cả mọi người lẫn đến tranh luận, hoặc hay nói lén, hoặc hay lăng mạ, hoặc hay tìm tòi, hoặc hay thêm bớt, hoặc hay giận hờn, hoặc hay não xúc, hoặc hay tức giận, hoặc hay phỉ báng, hoặc hay rúng rẩy thì lúc ấy tất cả thế gian đều là những người chưa có lòng tin; nên không sinh kính tín. Đã không tin rồi, lại chẳng kính trọng. Các Tỳ Kheo nên biết! Như thế đó có tên là một pháp. Lúc phát sanh ra cùng các chúng sanh, làm điều chẳng lợi ích, chẳng an lạc, dẫn các thế gian trời người và đại chúng làm những việc chẳng có ý nghĩa, thọ các quả khổ. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Thế gian sinh một pháp
Hay sinh nhiều tội ác
Nếu mà phá hoại Tăng
Kẻ ngu si tùy hỷ
Kẻ phá Tăng hay khổ
Phá Tăng hay bị khổ
Tăng hòa hợp bị hoại
Qua nhiều kiếp vô gián.
Ta từ Đức Thế Tôn có nghe được rằng: Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian có một pháp sau khi sanh ra cùng với tất cả chúng sanh. Vì lợi ích của chúng sanh, vì sự an lạc của chúng sanh, dẫn các thế gian, trời người đại chúng, làm lợi ích lớn, tạo quả an lạc. Những gì là một pháp ? Đó là Tăng hòa hợp. Cho nên các Tỳ Kheo nên biết! Nếu Tăng hòa hợp, tất cả đại chúng chẳng có tranh luận, chẳng có nói lén, chẳng hay lăng mạ, chẳng hay tìm tòi, chẳng hay thêm bớt, chẳng hay giận hờn, chẳng hay xúc não, chẳng hay tức giận, chẳng hay phỉ báng, chẳng hay rúng rẩy thì lúc ấy tất cả thế gian kẻ chưa tin sẽ phát lòng tin. Sau khi tin rồi lại thêm kính tin. Các Tỳ Kheo nên biết! Như thế có tên là một pháp trong đời. Khi sanh ra rồi cùng các chúng sanh vì nhiều lợi ích, vì nhiều an lạc, dẫn các thế gian, trời người, đại chúng làm lợi ích lớn, thọ quả an lạc. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Thế gian một pháp sanh
Hay sinh một lượng phước
Bởi vì Tăng hòa hợp
Kẻ trí huệ tùy hỷ
Hay hòa hợp Tăng vui
Hòa hợp mọi người vui
Ta chẳng phá hòa hợp
Nhiều kiếp sinh thêm vui.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian hữu tình, lúc kết lúc không, trừ sự kết chặt, tất cả đều dứt. Sao gọi là kết thành một? Đó là ngã mạn. Vì sao thế? Do các sự kết lại với những điều li chi, tất cả đều do ngã mạn làm gốc. Từ ngã mạn sanh ra, ngã mạn sẽ lớn dần. Cho nên khi ngã mạn kết lại hay lìa nhau, trừ tất cả kết, đều cũng đoạn theo. Dụ như thế gian khi đứng giữa quan sát giống như tòa nhà, chia ra chỗ nầy chỗ nọ. Nếu ở giữa thấp cùng lại mất theo. Ngã mạn như thế, nối kết vào nhau. Nếu đoạn ngã mạn chúng lại diệt theo. Nếu các Tỳ Kheo khi đoạn ngã mạn rồi, phải biết rằng cũng đã đoạn được sự kết nối. Nếu các Tỳ Kheo khi đoạn sự nối kết rồi phải biết rằng hết sự khổ sở, nên tu chánh trí, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát, không còn sau nữa. Lúc ấy Đức Phật sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Như ở giữa ngôi nhà
Tất cả chỗ nương tựa
Ở giữa nếu xuống sâu
Trừ phần không đọa lạc
Như vậy ngã mạn kết
Chúng kết và nương nhau
Khi ngã mạn đã dứt
Các kết cũng phải mất
Tỳ Kheo đoạn ngã mạn
Trừ kết phải tùy mất
Trừ kết và đoạn rồi
Tức chứng hết sự khổ
Liền được chỗ không khổ
Tên là tu chánh trí
Tâm huệ thiện giải thoát
Sau đó chẳng có gì.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Trong đời có một pháp, nếu tu theo phép lành, tu nhiều việc lành, nhiếp trì 2 phần làm cho viên mãn, sẽ hiện lợi lạc làm cho viên mãn. Cho đến về sau cũng được lợi lạc viên mãn hay thành pháp chánh, lợi ích an lạc. Hay thành pháp sau, lợi ích an lạc, hay thành cho bây giờ và vị lai sự lợi ích an lạc. Thế nào là một pháp ? Nghĩa là tu theo các thiện pháp, tu chẳng buông lung, vì vậy cho nên, nếu có kẻ trong khi tu hành thiện pháp mà chẳng phóng dật, hay tu phép lành, tu tập phép lành, lại hay nhiếp trì hai loại lợi lạc làm cho đến được chỗ viên mãn. Nói rộng ra cho đến hay thành hiện tại vị lai sự lợi ích an lạc. Đó tên là một pháp. Nếu tu phép lành hay tu các pháp, nhiếp trì 2 việc. Nói rộng cho đến hay thành, hiện tại vị lai lợi ích an lạc. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Được nghe bởi nhiều người
Hay bỏ sự tham tiền
Khuyên tu chẳng buông lung
Chứng thường lạc Niết Bàn
Người trí chẳng phóng dật
Hay gìn giữ hai điều
Là pháp nay cùng sau
Bây giờ đến viên mãn
Các việc lành hay thành
Giờ và sau đều lợi
Trước sau thành hiền thánh
Tất cả xưng người trí.
Sâu vào kinh trước Uẩn Đà Nam đã viết :
Che đậy tâm nhiều kiếp
Nghiệp và ý đi trước
Phá Tăng và hòa Tăng
Lìa khinh chẳng phóng dật.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe được như thế nầy. Này các Tỳ Kheo phải nên biết. Nếu các loài hữu tình đoạn lìa một pháp ta chứng cho kia được quả chẳng lui. Thế nào là một pháp ? Nghĩa là lìa tham, cho nên phải biết tất cả các loài hữu tình do tham nhiễm mà có, luôn luôn qua lại, đọa vào ác thú, thọ sanh khổ não. Nếu hay đoạn diệt như pháp thế nầy, ta chứng cho kia được quả bất thối cũng chẳng trở lại. Sanh vào thế gian nầy, ta nay lại nói: Nếu có loài hữu tình vĩnh viễn đoạn lìa một pháp, ta chứng cho kia được quả chẳng lùi. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu nhiếp nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do tham lam ô nhiễm
Qua lại nơi ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết chơn chánh
Xa rời tham lam nầy
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh lại đời nầy
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình, xa lìa một pháp, ta chứng cho kẻ kia được quả chẳng lui. Thế nào là một pháp ? Đó là sân hận. Do vậy phải biết tất cả các loài hữu tình, do tham nhiễm mà ra vậy. Luôn luôn tới lui, đọa vào các ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa. Đó là một pháp. Ta chứng cho kẻ kia được quả bất hoàn, chẳng trở lại nữa sanh vào thế gian, cho nên ta nói nếu loài hữu tình xa lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do sân mà ô nhiễm
Qua lại nơi ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay nghe biết rõ
Xa lìa khỏi sân nầy
Chắc được quả chẳng lùi
Chẳng sanh ra nơi nầy.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả chẳng lùi. Pháp ấy là gì ? Nghĩa là si vậy, mà các loài hữu tình do si nhiễm ô, luôn luôn bị lui tới đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay đoạn lìa, như một pháp nầy, ta chứng cho người đó được quả bất hoàn sanh vào thế gian. Cho nên ta nói: Nếu các hữu tình xa lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do si mà ô nhiễm
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Xa lìa ngu si vậy
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh vào thế gian
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là sự chứa nhóm. Cho nên tất cả các loài hữu tình do chứa nhóm mà nhiễm ô, luôn luôn qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa như vậy một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Chẳng trở lại nữa để sanh vào thế gian nầy. Do vậy ta nói, nếu các loài hữu tình, xa lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem chúng hữu tình
Do chứa nhóm ô nhiễm
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Kẻ xa lìa chứa nhóm
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh lại thế gian.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có các loài hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Nghĩa là lo rầu. Cho nên tất cả các loài hữu tình, do lo rầu ô nhiễm nên luôn luôn phải qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa như thế một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn chẳng trở lại nữa, sanh vào thế giới nầy. Cho nên ta nói: Các loài hữu tình, đoạn lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các chúng sanh
Do phiền não nhiễm ô
Qua lại đọa đường ác
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Xa lìa phiền não thảy
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh lại đời nầy.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có các loài hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Nghĩa là giận hờn. Cho nên tất cả loài hữu tình do giận hờn bị nhiễm ô, luôn luôn qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay đoạn lìa, như vậy một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn, chẳng trở lại nữa sanh vào thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu loài hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do giận hờn ô nhiễm
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Vĩnh viễn xa giận hờn
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh lại thế gian
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Nấy các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là oán giận. Cho nên tất cả các loài hữu tình do oán giận nhiễm ô đời đời qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa như vậy một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn, chẳng trở lại nữa sanh lại đời nầy. Cho nên ta nói nếu các hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do oán giận nhiễm ô
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay rõ điều nầy
Vĩnh viễn xa oán giận
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh lại thế gian.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các hữu tình xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối. Thế nào là một pháp ? Đó là sự ghen ghét. Nghĩa là tất cả loài hữu tình do sự ghen ghét nhiễm ô nên luôn luôn phải qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ của sanh tử. Nếu hay đoạn trừ. Đó gọi là một pháp. Ta chứng cho họ được quả bất thối, chẳng hề trở lại ở thế gian nầy. Cho nên ta nói. Nếu các loài hữu tình đoạn trừ một pháp thì ta chứng cho họ được quả bất thối. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do ghen ghét nhiễm ô
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết chơn chánh
Đoạn lìa ghen ghét nầy
Nhất định được bất thối
Chẳng sanh ở thế gian
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình đoạn trừ một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối. Những gì là một pháp ? Đó là sự keo kiệt. Cho nên tất cả loài hữu tình do sự keo kiệt làm nhiễm ô, luôn luôn phải lui tới đọa vào nơi ác thú thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa. Đó là một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn chẳng trở lại nữa trong sanh tử thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu có hữu tình, xa rời một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do keo kiệt nhiễm ô
Tới lui đọa đường ác
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều đó
Xa rời sự keo kiệt
Nhất định chẳng trở lại
Sanh vào thế gian nầy.
Ta từ Đức Thế Tôn đã nghe như thế nầy: Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình đoạn lìa một pháp ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là sự ham thích. Cho nên tất cả làm cho loài hữu tình do sự ham thích làm nhiễm ô mà luôn luôn quả lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa. Đó là một pháp, ta chứng cho họ được qua bất hoàn sanh trong thế gian, cho nên ta nói: Nếu chúng hữu tình đoạn lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Phật sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do ham thích nhiễm ô
Tới lui đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay rõ điều nầy
Đoạn lìa sự ham thích
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh thế gian nữa.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình đoạn lìa một pháp ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là sự khinh thường. Cho nên tất cả các loài hữu tình do bị nhiễm ô bởi sự khinh thường; nên luôn luôn phải qua lại đọa vào ác thú thọ khổ sanh tử. Nếu hay dứt trừ. Đó là một pháp. Ta chứng cho họ được quả bất hoàn, chẳng trở lại nữa sanh vào thế gian. Cho nên ta nói: Nếu loài hữu tình xa lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng:
Ta xem các hữu tình
Do khinh thường nhiễm ô
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Xa lìa sự khinh thường
Nhất định không trở lại
Sanh ra ở thế gian
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình đoạn trừ được một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là sự di hại. Cho nên tất cả loài hữu tình do sự di hại nhiễm ô nên phải luôn luôn quả lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay xa lìa như vậy một pháp, ta chứng cho họ được qua bất hoàn, chẳng trở lại nữa trong thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu loài hữu tình xa lìa một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do di hại nhiễm ô
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Xa rời sự di hại
Chứng được quả bất hoàn
Chẳng sanh thế gian nầy.
Sâu vào kinh trước Uẩn Đà Nam nói:
Tham dục cùng sân si
Chứa nhóm sầu não giận
Ghen ghét, keo kiệt, ưa
Khinh thường, mạn di hại.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có loài hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là sự niệm Phật. Cho nên tất cả loài hữu tình do chẳng niệm Phật mà luôn luôn qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu thường hay niệm Phật, một pháp như thế, ta chứng cho họ được quả bất thối, chẳng sanh trở lại ở thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu các hữu tình hay niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Bởi do chẳng niệm Phật
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết như thế
Kẻ thường hay niệm Phật
Nhất định chẳng trở lui
Chẳng sanh thế giới nầy.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có loài hữu tình hằng nhớ một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là sự nhớ nghĩ đến Pháp. Cho nên tất cả loài hữu tình do chẳng niệm Pháp nên phải luôn luôn qua lại, đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường niệm như thế một pháp, ta chứng cho họ chẳng trở lại sanh tử trong thế gian nầy nữa. Cho nên ta nói: Nếu các hữu tình hay niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng hay niệm Pháp
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết việc nầy
Thường siêng năng niệm Pháp
Sẽ được quả bất hoàn
Chẳng sanh thế gian nầy.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có loài hữu tình thường hay niệm một Pháp, ta sẽ chứng cho họ được quả chẳng thối lui. Thế nào là một pháp ? Đó là sự nhớ nghĩ về Thánh chúng. Cho nên tất cả các loài hữu tình do chẳng nhớ nghĩ đến Thánh chúng; nên phải luôn luôn qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu thường hay niệm, đó là một pháp. Ta chứng cho họ được quả bất hoàn, chẳng sanh trở lại ở thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu có hữu tình hay niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng niệm Thánh chúng
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết đầy đủ
Thường niệm đến Thánh chúng
Sẽ được quả bất hoàn
Chẳng sanh thế gian nầy
Ta từ Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có loài hữu tình thường niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối. Thế nào là một pháp ? Đó là sự nhớ nghĩ đến giới. Cho nên tất cả loài hữu tình do chẳng niệm giới luôn luôn qua lại, đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường niệm như thế một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối, chẳng trở lại sanh tử trong cõi nhân gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu có loài hữu tình hay niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng niệm đến giới
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết rõ ràng
Thường hay niệm đến giới
Chắc được quả bất hoàn
Chẳng sanh lại thế giới
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết. Nếu có loài hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho kẻ kia sẽ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Nghĩa là nhớ nghĩ đến sự bố thí. Cho nên tất cả các loài hữu tình do chẳng nhớ nghĩ đến sự bố thí nên phải luôn luôn qua lại, đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường nhớ nghĩ về một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối; chẳng trở lại nữa trong cảnh của thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu các loài hữu tình hay niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng nghĩ đến thí
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Thường nghĩ đến bố thí
Chứng được quả bất thối
Chẳng trở lại thế gian
Ta nghe từ Đức Thế Tôn nói lời như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình thường niệm đến một pháp, ta chứng cho kẻ kia được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là nhớ nghĩ đến chư Thiên. Cho nên tất cả các loài hữu tình do chẳng niệm đến chư Thiên, luôn luôn qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường niệm một pháp như thế, ta chứng cho họ được quả bất hoàn, chẳng tới lui nữa để sanh vào thế giới nầy. Do vậy ta nói: Nếu có chúng hữu tình thường hay niệm đến một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem loài hữu tình
Do chẳng niệm chư Thiên
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết rõ ràng
Thường niệm đến chư Thiên
Sẽ chứng quả bất thối
Chẳng sanh lại thế gian
Ta từ Đức Thế Tôn đã được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu chúng hữu tình thường nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ quả bất thối. Thế nào là một pháp ? Đó là nhớ đến sự nghỉ ngơi. Cho nên tất cả loài hữu tình do chẳng nhớ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, luôn luôn qua lại, đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường niệm đến một pháp như thế, ta chứng cho họ được quả bất hoàn, chẳng trở lại nữa để sanh vào thế gian nầy. Do vậy ta nói: Nếu các loài hữu tình thường niệm một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng niệm nghỉ ngơi
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết rõ ràng
Thường nhớ đến nghỉ ngơi
Chứng được quả bất thối
Chẳng sanh thế gian nầy
Ta nghe từ Thế Tôn nói như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu có các hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Thế nào là một pháp ? Đó là nhớ nghĩ đến sự an lạc. Cho nên tất cả các loài hữu tình do chẳng nhớ nghĩ đến sự an lạc; nên phải luôn luôn qua lại đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu thường hay nhớ nghĩ đến một pháp, ta chứng cho họ được qua chẳng trở lại, chẳng sanh vào thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu các loài hữu tình thường hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho người đó được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng nhớ an lạc
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết điều nầy
Thường niệm đến an lạc
Quyết định chẳng trở lại
Sanh vào thế gian nầy.
Ta từ Thế Tôn nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ được quả chẳng lùi. Thế nào là một pháp ? Đó là sự nhớ nghĩ về thân thể. Cho nên tất cả chúng hữu tình do chẳng nhớ nghĩ đến thân nên phải luôn luôn qua lại, đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường nhớ nghĩ đến một pháp như thế, ta chứng cho họ được quả chẳng lùi, chẳng phải sanh lại trong thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu các hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ được quả bất thối. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa nầy mà nói kệ rằng :
Ta xem các hữu tình
Do chẳng nghĩ đến thân
Qua lại đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết như thế
Hay nghĩ đến thân thể
Chắc được quả chẳng lùi
Chẳng sanh thế gian nầy
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế nầy. Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ được quả chẳng trở lại. Như thế nào là một pháp ? Đó là nhớ nghĩ đến sự chết. Cho nên tất cả các loài hữu tình do chẳng nhớ nghĩ đến sự chết nên phải luôn luôn trở lại, đọa vào ác thú, thọ khổ sanh tử. Nếu hay thường nhớ nghĩ đến một pháp như thế, ta chứng cho họ được quả chẳng lùi, chẳng phải sanh lại ở thế gian nầy. Cho nên ta nói: Nếu các hữu tình hay nhớ một pháp, ta chứng cho họ được quả bất hoàn. Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa trên mà nói kệ rằng :
Ta thấy các hữu tình
Do chẳng nghĩ đến chết
Lui tới đọa ác thú
Thọ sanh tử luân hồi
Nếu hay biết như thế
Luôn nhớ đến sanh tử
Chắc được quả chẳng lùi
Lại chẳng sanh thế gian.
Kinh Bổn Sự - Quyển thứ nhất


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]