Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ nhất. Phẩm thứ nhất: Chuyển Pháp Luân

15/05/201317:30(Xem: 11051)
Quyển thứ nhất. Phẩm thứ nhất: Chuyển Pháp Luân

Kinh Bi Hoa (Lịch sử đức Phật A Di Đà và các Bồ Tát) 10 quyển

Quyển thứ nhất
Phẩm thứ nhất: Chuyển Pháp Luân

Việt dịch: Thích nữ Tâm Thường

Nguồn: Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Vol. 3, No. 157 Bản dịch Hán văn Đời Bắc Lương, Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm Người Thiên Trúc Chứng nghĩa và nhuận văn Tỳ kheo Thích Đỗng Minh Tỳ kheo Tâm Hạnh

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ngự tại núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, cùng với đông đủ sáu vạn hai ngàn vị đại Tỳ kheo Tăng đều là bậc A La Hán, đã sạch các lậu, không còn phát sinh phiền não, đã được tự tại hoàn toàn, được tâm giải thoát, được huệ giải thoát, giống như voi chúa đã thuần thục hoàn toàn, việc làm đã xong, đã rũ bỏ gánh nặng, được tự lợi, cắt đứt các trói buộc; với trí tuệ chơn chánh giải thoát, tâm được tự tại đối với tất cả, đã đạt đến bờ bên kia, chỉ trừ tôn giả A Nan.
Các bậc đại Bồ Tát này có đến bốn trăm bốn chục vạn vị Bồ Tát Di Lặc làm thượng thủ, đều được Đà La Ni, nhẫn nhục, thiền định, hiểu rõ các pháp đều không, không có tướng nhất định. Các bậc đại sĩ như vậy đều là bậc không còn thối chuyển.
Bấy giờ, có Đại Phạm thiên vương cùng với vô lượng trăm ngàn các Phạm Thiên tử, Tha Hóa Tự Tại thiên vương cùng quyến thuộc bốn trăm vạn người đông đủ, Hóa Lạc thiên vương cùng với quyến thuộc ba trăm năm mươi vạn người đông đủ, Đâu Suất thiên vương cùng quyến thuộc ba trăm vạn người đông đủ, Dạ Ma thiên vương cùng quyến thuộc ba trăm năm chục vạn người đông đủ, Đao Lợi thiên vương là Thích Đề Hoàn Nhơn cùng quyến thuộc bốn trăm vạn người đông đủ, Tỳ Sa Môn thiên vương cùng quỷ thần quyến thuộc mười vạn đông đủ, Tỳ Lâu Lạc thiên vương cùng Câu Biện Trà quyến thuộc một ngàn đông đủ, Tỳ Lâu Lạc Xoa thiên vương cùng các rồng quyến thuộc một ngàn đông đủ, Đề Đầu Lại Tra thiên vương cùng Kiền Thát bà quyến thuộc một ngàn đông đủ, Nan Đà Long Vương, Ba Nan Đà Long Vương mỗi vị cũng cùng một ngàn quyến thuộc đông đủ. Các chúng hội này đều đã phát tâm hướng đến Đại thừa, đã tu hành sáu Ba La Mật.
Bấy giờ, cùng với đại chúng vây quanh, đức Thế Tôn thuyết pháp vi diệu để tất cả đại chúng trừ bốn điên đảo, sanh ánh sáng pháp lành, được trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ bốn Thánh đế và muốn cho tất cả các Bồ Tát ở đời sau được vào Tam muội, sau khi vào Tam muội, vượt qua địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, cho đến khi chứng quả vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ đề không còn thối chuyển.
Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Vô Nghi Kiến, Bồ Tát Thủy Thiên, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát Nhật Quang, các Bồ Tát Ma ha tát thượng thủ như vậy có mười ngàn người đông đủ, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về hướng Đông Nam một lòng vui mừng, cung kính chiêm ngưỡng và niệm lên rằng:
Nam mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A La Hán, Chánh Đẳng Giác.
Nam mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A La Hán Chánh Đẳng Giác.
Thật hy hữu thay, Thế Tôn thành Chánh Giác chưa bao lâu mà Ngài có thể thị hiện vô lượng các pháp thần túc biến hóa, khiến cho vô lượng vô biên trăm ngàn ức na do tha chúng sanh được trồng căn lành, được không thối chuyển nơi quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Bấy giờ, trong hội có vị Đại Bố Tát tên là Bảo Nhựt Quang Minh, từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng lên đức Phật, thưa:
- Kính bạch đức Thế Tôn! Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Vô Nghi Kiến, Bồ Tát Thủy Thiên, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát Nhựt Quang, các Bồ Tát Ma ha tát thượng thủ như vậy có mười ngàn người đông đủ, vì nhân duyên gì các Ngài bỏ việc nghe pháp, rời tòa đứng dậy, bày vai bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, bắt tréo tay rồi chắp lại, hướng về phía Đông Nam một lòng vui mừng niệm: “Nam mô Liên Hoa Tôn, Như Lai, A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Nam mô Liên Hoa Tôn, Như Lai A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Thật hy hữu thay, Thế Tôn thành Chánh Giác chưa bao lâu mà Ngài có thể thị hiện vô lượng các pháp thần túc biến hóa, khiến cho vô lượng vô biên trăm ngàn ức na do tha chúng sanh được trồng căn lành”.
- Kính bạch đức Thế Tôn! Đức Phật Liên Hoa Tôn này cách đây gần hay xa? Đức Phật đó thành Phật đến nay thời gian đã bao lâu? Cõi nước đó tên là gì? và dùng vật gì để trang nghiêm? Phật Liên Hoa Tôn vì sao thị hiện biến hóa nhiều cách, nơi mười phương thế giới, chỗ có chư Phật, Ngài thị hiện biến hóa vô lượng cách. Hoặc có Bồ Tát thấy được, riêng con không được nhìn thấy.
Bấy giờ đức Phật bảo Bồ Tát Bảo Nhựt Quang Minh:
Thiện nam tử! Lành thay! Lành thay! Những điều ông hỏi chính là chân bảo,chính là hiền thiện, chính là biện tài, chính là khéo hỏi.
- Này thiện nam tử! Ông có thể hỏi Như Lai về diệu nghĩa như vậy là vì muốn được Như Lai giáo hóa vô lượng vạn ức na do tha chúng sanh, khiến cho đều được trồng căn lành, muốn được hiển bày vô số sự trang nghiêm ở cõi Liên Hoa Tôn nên mới thưa hỏi như thế.
- Này thiện nam tử! Nay ta sẽ nói, ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, khéo lãnh thọ và giữ gìn.
Bồ Tát Bảo Nhựt Quang Minh một lòng vui mừng nhận lời và lắng nghe Phật dạy.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo với Bồ Tát Bảo Nhựt Quang Minh:
Này thiện nam tử! Ở phương Đông Nam, cách đây một ức trăm ngàn cõi Phật, có thế giới của Phật tên là Liên Hoa, trang nghiêm bằng vô số các loại xinh đẹp, dâng các hoa đẹp, hưong thơm bay tỏa khắp nơi, cây báu trang nghiêm, lớp lớp núi báu với đất bằng lưu ly xanh biếc, có vô lượng Bồ Tát ở khắp trong nuớc ấy. Âm thanh vi diệu về pháp lành nghe vang khắp nơi. Đất ở nơi đó mềm mại giống như thiên y. Khi đi, chân đạp lún sâu xuống đất bốn tấc, nhưng khi dở chân lên thì đất trở lại y như cũ và có các loài hoa sen mọc lên tự nhiên. Có cây bảy báu cao bảy do tuần, trên nhánh cây đó tự nhiên có treo ca sa trời.
Thế giới của đức Phật kia thường nghe âm nhạc hay của chư thiên. Trong tiếng hót ca của các loài chim ở cõi đó thường phát ra âm thanh diệu pháp như; năm căn, năm lực, bảy giác ý. Nhánh, lá cây chạm vào nhau phát ra âm thanh hay hơn cả âm thanh năm loại âm nhạc của chư thiên. Nơi mỗi gốc cây phát ra mùi hương thơm của chư thiên. Hương thơm đó bay xa khắp một ngàn do tuần. Ở khoảng giữa các cây có treo thiên anh lạc. Có lầu gác bằng bảy báu cao năm trăm do tuần, ngang dọc bằng thẳng một trăm do tuần. Có lan can làm bằng bảy báu bao bọc chung quanh. Bốn phía lầu gác đó có ao nước lớn dài tám mươi do tuần, rộng năm mươi do tuần. Bốn phía ao có bậc thềm đẹp làm bằng bảy báu. Trong ao nước đó có hoa sen xanh, vàng, đỏ trắng; mỗi hoa sen cao lớn bằng thẳng bằng một do tuần. Đầu đêm, có các Bồ Tát sanh ở trong đài hoa, ngồi kiết già cảm nhận sự an vui, hoan hỷ của giải thoát. Gần sáng, bốn phía có gió thơm dịu dàng chạm thân Bồ Tát. Gió đó có thể làm cho các hoa đang khép được nở ra và thổi bay rải khắp đất.
Bấy giờ, Bồ Tát ra khỏi thiền định, lại cảm nhận sự an vui hỷ duyệt của giải thoát, bước xuống đài sen rồi lên lầu cao ngồi kiết già ở nơi tòa bảy báu, lãnh thọ diệu pháp. Bên ngoài hoa viên kia, bốn phía đưọc bao bọc bởi núi bằng vàng ròng Diêm phù đàn cao hai mươi do tuần, dài rộng bằng thẳng đều ba do tuần. Trên núi có vô lượng trăm ngàn trân bảo, ánh sáng của ngọc châu lưu ly sắc biếc, ngọc châu lưu ly lớn sắc biếc, hỏa châu chiếu sáng xen lẫn nhau.
Bấy giờ, Phật Liên Hoa Tôn dùng ánh sáng lớn và các ánh sáng báu hợp nhau chiếu sáng rực rỡ nơi thế giới ấy. Cõi đó có ánh sáng vi diệu bậc nhất. Lại nữa, cõi đó không có mặt trời, mặt trăng, cũng không có ngày đêm, xem hoa khép lại và chim đậu nghỉ để biếtthời gian. Trên núi báu đó có đài tốt đẹp bằng lưu ly xanh biếc cao sáu mươi do tuần, ngang dọc hai mươi do tuần. Bốn bên đài có lan can bằng bảy báu bao bọc xung quanh. Giữa đài, có tòa bằng bảy báu, trên mỗi tòa có một Bồ Tát được Nhất sanh bổ xứ ngồi nghe và lãnh thọ giáo pháp.
Này thiện nam tử! Thế giới của đức Phật đó có cây Bồ đề tên là Nhơn đà la, cao ba ngàn do tuần, thân cây to lớn năm trăm do tuần, nhánh lá tỏa rộng một ngàn do tuần, dưới cây có hoa sen, lưu ly làm cành, cao năm trăm do tuần, nơi mỗi hoa đều có một ức trăm ngàn cánh bằng vàng dài năm do tuần, nhụy làm bằng mã não, tua bằng bảy báu cao mười do tuần.
Bấy giờ, sau đêm chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đức Phật Liên Hoa Tôn ngồi trên hoa sen ấy, tòa hoa này lại có nhiều hoa sen bao bọc xung quanh. Có các Bồ Tát ngồi trên hoa đó chiêm ngưỡng vô số sự biến hóa của Phật Liên Hoa Tôn.
Khi đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thuyết việc này xong, Đại Bồ Tát Bảo Nhựt Quang Minh bạch Phật:
Kính bạch đức Thế Tôn! Phật Liên Hoa Tôn dùng tướng mạo gì để làm ra các việc biến hóa ấy? Cúi xin đức Thế Tôn dạy rõ.
Đức Phật bảo Bồ Tát Bảo Nhựt Quang Minh:
- Này thiện nam tử! Phật Liên Hoa Tôn vào sau đêm chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài thị hiện vô số thần túc biến hóa. Thân Ngài biến hiện đến cõi Phạm Thiên. Tướng nhục kế trên đảnh đầu phóng ra sáu mươi ức na do tha trăm ngàn ánh sáng chiếu nơi thế giới của các đức Phật ở phương trên nhiều như số vi trần.
Bấy giờ Bồ Tát ở phương trên không thấy các sắc duyên với mắt ở phương dưới như là đại, tiểu Thiết Vi và các núi nhỏ, chỉ thấy ánh sáng của Phật chiếu đến các thế giới nơi có các Bồ Tát được thọ ký, hoặc được Tam muội Nhẫn nhục Đà la ni, hoặc được Thượng vị Nhất sanh bổ xứ. Do ánh hào quang của đức Phật nên ánh sáng của các vị Bồ Tát không hiện ra được. Đại chúng thấy như vậy đều chắp tay hướng đến chiêm ngưỡng tôn nhan của đức Phật Liên Hoa Tôn.
Bấy giờ, đại chúng chỉ thấy ba mươi hai tướng quý báu và tám mươi vẻ đẹp lần lượt trang nghiêm nơi thân Ngài, thấy Phật Liên Hoa Tôn và thế giới của Ngài với vô số tướng trang nghiêm. Thấy như vậy rồi, tâm họ được vui vẻ.
Bấy giờ trong các thế giới chư Phật, các vị Bồ Tát nhiều như vi trần trông thấy ánh sáng của Phật Liên Hoa Tôn biến hóa và thế giới của Ngài xong, mỗi vị đều rời bỏ cõi của mình, dùng sức thần túc cùng nhau đi đến gặp đức Phật kia, lễ bái, vây quanh cúng dường, cung kính, tôn trọng và khen ngợi.
Này thiện nam tử! Bấy giờ thấy các Bồ Tát, đức Phật kia hiện tướng lưỡi của mình che phủ khắp tất cả bốn thiên hạ. Tất cả chúng sanh đi, đứng, ngồi, v.v... trong đó; hoặc có Bồ Tát vào thiền định và xuất thiền định, đến giữa đại chúng, lễ bái, vây quanh cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen đức Phật Liên Hoa Tôn.
Thiện nam tử! Sau khi thị hiện tướng lưỡi dài rộng như vậy, làm các việc biến hóa xong, đức Phật ấy liền thâu nhiếp tướng lưỡi lại.
Thiện nam tử! Phật Liên Hoa Tôn lại phóng ánh sáng từ nơi lỗ chân lông trên thân, mỗi lỗ chân lông phát ra sáu mươi ức na do tha trăm ngàn ánh sáng. Ánh sáng đó vi diệu chiếu khắp mười phương, mỗi phương đều có thế giới của chư Phật nhiều như số vi trần. Trong thế giới đó, ở khắp mỗi nơi có Bồ Tát đã đuợc thọ ký, được Tam muội Nhẫn nhục Đà la ni, hoặc được Thượng vị Nhất sanh bổ xứ. Thấy ánh sáng đây rồi, mỗi vị đều rời bỏ thế giới của Phật ấy, dùng năng lực thần thông cùng nhau đi đến chỗ đức Phật Liên Hoa Tôn lễ bái, vây quanh cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.
Thiện nam tử! Sau khi biến hóa xong, đức Phật kia vì giảng nói chánh pháp cho các Bồ Tát và đại chúng nên chuyển pháp luân bất thối, muốn cho vô lượng vô biên chúng sanh được lợi ích lớn, được an vui lớn, vì thương xót thế gian, vì trời người cho nên muốn cho tất cả đều được đầy đủ Đại thừa tối thượng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]