Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

14/05/201317:49(Xem: 17179)
Phần 4

Kinh A Di Đà Sớ Sao

Phần 4

Sa Môn Thích Hành Trụ

Nguồn: Sa Môn Thích Hành Trụ

D. HỖ CHƯƠNG NAN SỰ LINH THIẾT CẢM PHÁT
(Phân ra làm ba)

1. KỶ TÁN CHƯ PHẬT (Thích Ca khen Chư Phật)
2. CHƯ PHẬT TÁN KỶ (Chư Phật khen Thích Ca)
3. TỔNG KẾT NAN SỰ (Chung kết việc khó)

KỶ TÁN CHƯ PHẬT

Nầy Xá Lợi Phất! Như ta nay đây khâm khen công đức chư Phật bất khả tư nghì.
Sớ: Bổn kinh của đời nhà Đường dịch đã nói: "Như ta đây rao bày khâm khen đức Vô Lượng Thọ Phật". Kinh nầy nói: "Khâm khen các đức Phật". Nư lời Cổ Nhai nói: "Do vì đức Phật Di Đà với chư Phật đồng một pháp thân".
Sao: "Đồng một pháp thân" là như kinh Hoa Nghiêm lời tụng nói: "Mười phương các đức Phật Như Lai, đồng chung một pháp thân; một thân một trí huệ, Thập lực, Tứ vô úy cũng thế".
Thời đức Phật Di Đà tức là các đức Phật, các đức Phật tức là Phật Di Đà; cho nên chẳng nói đức Di Đà mà nói các đức Phật. Số là gồm đức Di Đà cùng các đức Phật đồng khâm khen đức Thích Ca vậy.
Sớ: Bản dịch đời nhà Đường do đức Di Đà gồm các đức Phật; nay kinh này: Do các đức Phật gồm đức Di Đà. Nếu cả hai thuyết gồm nói đủ thời với văn đã thuận mà nghĩa lại cũng cụ túc.
Sao: "Đủ hai thuyết" là nói: Như ta nay đây khâm khen đức Phật A Di Đà, cùng với các đức Phật đều có công đức bất khả tư nghì; thế thời văn kinh đã thuận mà với nghĩa đồng một Pháp thân cũng ở trong đó, văn nghĩa đều tốt. Nên biết ngài La Thập vốn có ý đây, nhưng vì ngài muốn bớt văn cho dễ, ngài Huyền Tráng dịch sau chỉ vì riêng nói; ấy là muốn cho người đối trong hai kinh khéo hiểu nói ý kia mà không chấp nơi văn tự vậy. Lại các đức Phật với Phật Di Đà đồng nhau cũng là bất khả tư nghì.

CHƯ PHẬT TÁN KỶ (Phân ra làm 2 phần)

1. ĐẮC ĐẠO NAN (Chứng đạo là khó)
2. THUYẾT PHÁP NAN (Nói pháp là khó)

ĐẮC ĐẠO NAN

Hết thảy các đức Phật kia cũng khâm khen công đức của ta bất khả tư nghì mà nói lời như vầy: "Thích Ca Mưu Ni Phật hay làm những việc ít có rất khó, lại hay ở trong cõi nước Ta Bà nhằm đời dữ năm trược: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược mà được chứng quả a nậu đa la tam miệu tam bồ đề".
Sớ: Mỗi vị Phật khâm khen lẫn nhau là vì để tiêu biểu pháp môn Tịnh Độ này, quyết phải tín thọ.
Sao: "Mỗi vị Phật lẫn nhau khen" là: Vì với pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ đây, dẫu một vị Phật riêng khen cũng phải tín thọ không nghi; huống nay chẳng những một đức Thích Ca khen nơi hội Kỳ Viên mà thôi, cho đến chư Phật ở sáu phương cũng vẫn đồng khen ngợi. Lại Phật đây, Phật kia lẫn nhau tán thán, há chẳng phải pháp môn tối yếu siêu sanh thoát tử hay sao? Thế nên nhắc lại bốn phen dặn dò, nhiều phương dạy bảo, ơn hơn mẹ đẻ, nhơn quá trời cao, dầu cho có làm hạnh chi đến tan xương nát thịt đi nữa cũng khó mà đền đáp cho vừa.
Sớ: "Các Đức Phật kia" tức là Phật Di Đà cùng 6 phương chư Phật vậy. Thích Ca, dịch: Năng Nhơn; Mưu Ni, dịch: Tịch Mặc.
Sao: Năng Nhơn Tịch Mặc, đủ có hai nghĩa: 1. Theo đối đãi mà nói thời chữ Năng là pháp phương tiện quyền khéo chìu theo cơ ưa hợp. Chữ Nhơn là trí, đức hồng ân khắp nhuần muôn loại, là lòng đại bi lợi vật. Chữ Tịch là lặng vậy bất động, bặt dứt muôn điều.Chữ Mặc là vắng vậy, quên lời, hằng lìa sự hý luận, ấy là cái đại trí hiệp với chơn lý. 2. Với viên dung mà nói: Do vì bi tức là trí nên trọn ngày độ sanh mà không có tướng chúng sanh nào khá độ; đấy là tức Động mà Tịnh vậy.
Do vì Trí tức Bi nên chẳng khởi lên một mảy niệm mà thường độ chúng sanh; đây tức là Tịnh mà Động vậy. Cho nên biết rằng chỉ nói hai chữ Bi, Trí nhẫn đến một lời thì toàn đức của Phật đều gồm được hết.
Sớ: Câu "Ít có rất khó" là lời nói chung cả hai việc khó ở dưới, Làm đủ hai việc khó đây nên gọi công đức bất tư nghì.
Sao: "Nói hai việc khó" là: Ở trong đời ngũ trược mà tu chứng đặng quả Bồ Đề, đó là một việc khó. Lại ở trong đời ngũ trược mà nói ra pháp môn Tịnh Độ này, đó là việc khó thứ hai. Gồm cả hai việc đây thật là cái việc rất khó làm mà duy có Phật làm được. Với việc ít có, khó thấy ấy cũng chỉ một mình Phật có đó.
Lại việc khó làm mà làm được cũng chưa phải là điều ít có. Nay việc rất khó làm mà được đó, đấy mới là tột xưa suốt nay, siêu hiền vượt thánh, trên trời dưới trời đồ sộ đặc biệt riêng một mình mà không ai so sánh cho bằng bực ấy nên nói là "ít có".
Sớ: Chữ Ta Bà dịch là Kham Nhẫn, cũng dịch là: Nhẫn Giới, tức là cõi Đại Thiên Thế Giới của đức Phật Thích Ca Thế Tôn làm Pháp chủ. Chữ "ngũ trược" là gì? Do năm việc uế trược nó đánh lẫn lộn nhau làm nhơ đục chơn tánh của chúng sanh nên gọi là đời ác trược. Thời kỳ nào không năm món trược đây thì gọi là đời thiện tịnh vậy.
Sao: Kham Nhẫn là do vì chúng sanh ở đây kham xiết đành chịu ba điều độc hại phiền não, xoay vần trong đường sanh tử mà không nhàm lìa. Nhẫn Giới là vì đức Như Lai ở trong cõi nầy, riêng một mình ngài chứng đặng bực Tự Thệ tam muội (19).
Lại thời kỳ sơ kiếp có vị Phạm Vương tên là Nhẫn (20). "Ngũ trược quấy lộn lẫn nhau" là bản tánh vốn vắng lặng, do kiếp trược v.v... cả năm trược xáo lẫn nổi lên cát bụi bặm, cặn cáu. Như kinh Lăng Nghiêm nói: "Ví như nước đang trong, lấy đất cát quăng vô, đất rã làm cho nước mất tánh trong sạch, vì lộn lạo đục ngầu".
Chữ Thế là nghĩa "dời đổi không ngừng". Thời đời trước, đời nầy và sau đời nầy, phải có một đời gọi là thiện thế vì bấy giờ không ngũ trược. Nay nói đời ác thế (21) là căn cứ vào thời kỳ Phật Thích Ca đương hiện thế mà nói.
Sớ: Chữ "kiếp" đọc đủ tiếng Phạm là Kiếp Ba, dịch là Thời Phận. Chữ Kiếp trược là nó không có cái thể riêng; do có 4 trược kia mà đặt cái tên cho nó (là kiếp trược); các điều trược cấu cặn lẫn với nhau tức là tướng hiện thật của nó (kiếp trược).
Sao: "Kiếp trược" là trong một đại kiếp có bốn trung kiếp là: Thành, Trụ, Hoại, và Không. Mỗi một Trung kiếp đều có 20 tiểu kiếp, xây vòng tăng, giảm.
Thuở mà loài người tuổi sống tăng đến khi mỗi người sống được 8 muôn (80.000) tuổi là số tăng đã tột. Lại một trăm năm giảm xuống một tuổi, cứ giảm như vậy cho đến khi con người còn sống được hai muôn (20.000) tuổi, tức là vào thời kỳ kiếp trược rồi.
"Không có cái thể riêng" là do bốn trược sau đều ở trong kiếp trược đây, nhơn đó mà đặt tên là "Kiếp trược". Phần của kiếp đây, nội dung hiện tượng của nó là các trược đua nhóm lẫn nhau, tơi bời xen lộn, cho nên nói là "trược".
Trái lại để thêm rõ trong nước Cực Lạc, đương thời là Phật A Di Đà hiện tại thuyết pháp, là vì thời gian thanh tịnh không phải kiếp trược... Ngày nay chúng ta vì sao đành ở trong đời kiếp trược nầy mà chẳng cầu sanh về nước kia ư? Bốn trược sau cũng nương theo đây.
Nên ngài Trí Giả nói: "Cõi Tịnh Độ kia vì không có ba độc và năm trược nên gọi là cõi ngũ thanh" là ý đây vậy.
Sớ: Kiến trược là lấy năm món lợi sử làm thể, chia ra thì thành 62 cái v.v... Các tà kiến lừng lẫy tức là tướng của nó (kiến trược).
Sao: Năm món lợi sử là: 1. Thân kiến: Nghĩa là chấp ngã và ngã sở mà khởi ra tà kiến chấp có thân ta. 2. Biên kiến: Nghĩa là chấp đoạn, chấp thường, mất lý trung đạo mà khởi ra tà kiến, chấp một bên. 3. Giới thủ: Nghĩa là chẳng phải chánh nhơn mà chấp cho là nhơn, để tu theo lối khổ hạnh của tà đạo mà khởi ra tà kiến, chấp trước rằng ta hãy giữ giới (giới của tà đạo). 4. Kiến thủ: Nghĩa là chấp quấy làm phải, như chuyện gánh gai bỏ vàng mà khởi ra tà kiến, tự phụ chỗ sở kiến của mình. 5. Tà kiến: Nghĩa là bác đi nói không có nhơn quả, mắc về cái tội chấp không, trống rỗng (ngoan không) gây ra cái thấy biết không chánh đáng của bọn tà ngoại.
Năm điều ấy nó hay khiến chúng sanh đi vào con đường sanh tử cho nên gọi là "Sử". Nhưng mà cái thể nó mảy mún, nhặm lẹ làm hại chẳng phải nhỏ. Vì đối với năm Độn sử để nói nên kêu là Lợi sử, nghĩa là nó sai khiến rất nhanh chóng.
"Chia ra thời thành 62 Sử" là: Dùng hai cái chấp đoạn và chấp thường làm gốc mà sắc ấm v.v... năm ấm, mỗi ấm có đủ bốn câu, nhơn cho ba đời thành 60, thêm hai gốc Đoạn và Thường kia cộng thành 62 sử (sai khiến).
Các cái tà kiến đấy cũng như rừng rậm quấn buộc quanh co, người đời không thể ra khỏi, khuấy rối chơn tánh, cho nên nói là "trược".
Trái lại với trên là để rõ trong nước Cực Lạc, mỗi người đều đủ sức chánh kiến vì chẳng mắc cái kiến trược như chúng sanh ở cõi nầy.
Sớ: Phiền não trược là lấy năm món Độn sử làm thể, nhơn rộng ra thì nhiều đến thành 10 món, 108 món, tám vạn bốn ngàn (84.000) món, và hằng sa đẳng món v.v... để vời mắc lấy tam tai, tức là cái hiện tướng của phiền não trược.
Sao: Năm món Độn sử là: 1. Tham: Nghĩa là gặp các cảnh thuận tình thì khởi ra tâm yêu đắm, vì không thể bỏ lìa 2. Sân: Nghĩa là gặp những cảnh trái tình thì khởi tâm hờn giận, vì không thể dung nhẫn. 3. Si: Nghĩa là đối với cảnh không phải trái, chẳng phải thuận thì khởi ra tâm ngu ám, vì không thể xét biết. 4. Mạn: Nghĩa là: Đối với tất cả. Chúng sanh khởi tâm kiêu ngạo trên lấn, dưới lướt, vì không hay kính nhường. 5. Nghi: Nghĩa là đối với các pháp lành khởi ra tâm nghi nan, khi muốn tấn, lúc muốn thối, vì chẳng hay tự quyết định được.
Năm cái đây cũng hay khiến người thẳng vào trong đường sanh tử, cho nên gọi là "Sử"; sánh với năm sử trước thì nặng nề chậm chạp hơn nên gọi nó là "Độn sử", nghĩa là cũng sai khiến mà chậm lụt lắm!
"Nhơn rộng ra" là đem năm độn sử hiệp cộng với năm lợi sử trước, làm thành 10 món phiền não. Lại chia ra thời làm thành 98 món phiền não, thêm món thập triền thời thành 108 món phiền não. Lại chín chắn suy ra nữa thời tới tám vạn bốn nghìn (84.000) phiền não, nhẫn đến hằng sa và đa đa vô lượng. Bởi nó làm nhọc nhằn tâm ta, không đặng an ổn, nóng nảy tâm ta không đặng mát mẻ!
Lại các món rộn ràng, nó ép ngặt tâm thần làm cho tánh chơn minh chẳng xán lạn; cho nên gọi nó là "phiền não".
Với "mắc tam tai" là do lòng tham nên cảm chịu lấy tai cơ cẩn (đói kém, mất mùa), lòng sân cảm chịu lấy tai đao binh; lòng si cảm thụ ra tai tật dịch; nhẫn đến tai nước, tai lửa, tai gió các tai nạn lớn, cũng đều do theo một loại của phiền não nó sai khiến cho nên nói nó là "trược" vậy.
Trái lại với trên là để rõ trong nước Cực Lạc, mỗi người đều trí huệ trong sạch vì chẳng phải phiền não trược như cõi này.
Sớ: Chúng sanh trược là: Một chỗ nói: Lấy ba nghĩa của kinh A Hàm để làm thể. Lại chỗ thì nói trộn lẫn với năm ấm: Ấm, kiến thức, mạn khinh; quả báo để làm thể. Tên xấu tiếng nhơ tức là tướng của nó vậy.
Sao: "Ba nghĩa" là Kinh A Hàm nói: 1. Ban đầu kiếp trụ do chúng sanh cõi trời Quang Âm bị đọa xuống ở mặt đất nầy. 2. Hòa hợp với 5 ấm để lẫn sanh ra. 3. Tùy theo mỗi chỗ (6 đường) để thụ sanh theo mỗi trường hợp; cho nên nói "chúng sanh trược".
"Năm ấm" tức là sắc ấm, thọ ấm v.v... Chữ "kiến" là không thật có chủ tể mà chấp bướng rằng thân nầy thật có chủ tể, thế là "ngã kiến" (chấp ta, tự ái, bản ngã: tự nhận thấy có làm chủ thân nầy, vật nọ).
Chữ Mạn là chấp cu sanh chủ tể ("cu sanh" là cái chấp đời trước, còn thừa lại đều theo sanh ra với thân đời nầy) gọi là "ngã mạn" (trọng mình khinh người).
"Quả báo" là đời trước đã tạo nhơn, đời nầy phải chịu quả báo, cũng là nghĩa thọ sanh như trên.
"Tên xấu, tiếng nhơ" là: Đối với Phật thì "chúng sanh" là cái tên tuổi tiếng tăm rất hèn xạ xấu xa bởi luân hồi trong sáu đường, chịu đủ các việc thống khổ cho nên nói là Trược.
Trái lại với trên là để rõ trong nước Cực Lạc, người người toàn là bực thượng thiện đồng hội hợp một xứ, vì chẳng phải như chúng sanh mang những danh xưng ác trược như cõi này!
Sớ: Mạng trược là: Lấy sắc và tâm chuyền luôn, nối giữ làm thể, thâu thúc năm, tuổi, giảm ngắn số thọ tức là tướng của nó vậy.
Sao: "Chuyền luôn nối giữ" là: Y theo nghiệp lực nó dẫn dắt hột giống thức thứ tám; ngoài sắc thân, trong thời tâm thức, liên thuộc lẫn nhau. Tức là do "hơi thở", "chất ấm" và "thần thức", ba cái nó cùng giữ gìn nhau, như hồ keo không cho tan rã (sống trong một thời kỳ) đó gọi là Mạng căn. Nếu rủi ro một cái không luôn giữ cho nhau tức thì cái Mạng căn liền đoạn, như chất keo hết dính (chết), nên lấy ba cái đây làm thể của Mạng căn.
"Thâu năm, giảm thọ" là đương trong kiếp giảm đây, mạng căn con người sống không đến trăm năm mà lại dường như bọt, bóng, như đèn giữa gió, trong giây phút chẳng dừng, rất là ngắn ngủi, cho nên nói là "trược" vậy.
Trái lại với trên là để rõ trong nước Cực Lạc: Nhơn dân thọ mạng đồng với Phật vô lượng vì chẳng phải mạng căn ô trược như cõi này.
Sớ: Với ngũ trược mà giải nói như thế là căn cứ theo phần quả; còn như kinh Lăng Nghiêm nói, hoặc phối vớI tam tế, lục thô; hoặc phối với ngũ ấm thì nghĩa nó cũng chẳng khác.
Sao: "Phối với tam tế, lục thô" v.v... là: Lấy cái kiếp trược phối với nghiệp tướng, nghĩa là: Cái vô minh khi ban đầu khởi ra vì tánh nó liền nhơ trược vậy; kế lấy mạng trược phối với nghiệp hệ khổ tướng.
"Phối với ngũ ấm" là: Lấy kiếp trược phối với sắc ấm, nghĩa là với điều không, điều thấy chẳng rành, cái thấy bậy vốn không, cả hai đều không thật thể vì tánh nó vẫn trược vậy. Kế lấy Kiến trược phối với Thụ ấm; kế lấy phiền não trược phối với Tưởng ấm; kế lấy chúng sanh trược phối với hành ấm; kế lấy mạng trược phối với thức ấm.
Nói "không khác" là: Một thuyết trước nói: Tâm không có cái tướng ban đầu là vô minh thì vượt khỏi kiếp trược, nhẫn đến không có cái tướng nghiệp hệ khổ thì vượt khỏi mạng trược; thế là đoạn được cái vô minh v.v... Nên gọi Phật Ngài ở cõi ngũ trược mà chứng quả Bồ Đề.
Một thuyết sau nói: Phá được sắc ấm thì vượt khỏi kiếp trược, nhẫn đến phá được thức ấm v.v... nên gọi là Phật Ngài ở trong cõi đời ngũ trược mà chứng đặng quả Bồ Đề. Vì hai thuyết nói có chút khác, nhưng nghĩa rất đồng nhau.
Sớ: Trong Quán kinh nói: "Tạo cái nhơn trược ác, bất thiện nên bị cái quả năm món khổ ép ngặt". Nay ở đây không nói năm món khổ là văn bớt.
Sao: "Năm món khổ" là: Lời Sớ nói: "Sự khổ giữa ngũ đạo (năm loài) là hoặc cái khổ ngũ thống, cái khổ ngũ thiêu, cái khổ ngũ ác (23) v.v... rõ đủ như trong kinh Đại Bổn, đây chẳng chép nhiều". Do trược ắt có khổ, nói trược thì gồm khổ nên nói "bớt văn".
Sớ: Ở trong cõi đời ngũ trược đây, những người có thể tự lập (làm nên mình) cũng đã ít lắm rồi; huống đặng thành bực chánh giác, đâu chẳng khó ư? Thế là việc khó lần thứ nhứt, thế là rõ công đức tự lợi thiệt không thể nghĩ bàn.
Sao: "Tự lập" là: Cái thời kỳ đủ năm điều ác trược mà loài người sanh ra nhằm trong đời ấy với hoàn cảnh ngoài thời bị thời thế ép ngặt; với trong thân tâm thì bị mê hoặc nghiệp chướng nó buộc ràng. Huống hồ cái thân thể buộc giữa bốn loài, mạng còn trong hơi thở. Bởi thế nên muốn sạch mà nó cứ nhơ, cầu lên mà lại rớt trở xuống. Thế mà có năng lực ở trong cõi này, khéo phân biệt điều thiện ác là trì giới tu phước để lập được cái địa vị chốn nhơn thiên. Kẻ mà được như thế cũng rất ít có lắm rồi! Huống nữa hay ở trong cõi ngũ trược này có một số người rất sợ cơn vô thường, biết tu pháp Tứ Đế, pháp Thập Nhị Nhơn Duyên để tự lập cái địa vị các thánh Thanh Văn, Duyên Giác, lại càng ít có hơn nữa. Phương chi cũng ở giữa cõi này mà đoạn hẳn màn Vô Minh, vượt cao ngoài ba cõi để chứng đặng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề; thiệt là chẳng khác nào đồng ở trong đám nhà cháy mà riêng một mình được ngồi trên chiếc xe báu đi ra; đồng chìm dắm trong sông mê mà riêng lên bờ giác. Thế đâu chẳng phải là kẻ nhẫn được những cái mà đại đa số người không thể nhẫn; làm được những cái mà đại đa số không thể làm! Vậy mới gọi là khó, thế mới là công đức tự lợi không thể nghĩ bàn.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh Thỉ Giác hiệp với Bổn Giác là nghĩa "ta khen chư Phật". Bổn Giác ngầm hợp với Thỉ Giác là nghĩa "chư Phật khen ta". Tự tánh tịch mà thường chiếu; chiếu mà thường tịch là nghĩa Thích Ca Mưu Ni. Tự tánh không nhiễm mà nhiễm, nhiễm mà không nhiễm là nghĩa "ở trong cõi ngũ trược mà chứng quả Bồ Đề".
Sao: Nhơn trùm biển quả, quả suốt nguồn nhơn thời Thỉ, Bổn chẳng hai; dụng chẳng lìa thể, thể chẳng lìa dụng thời tịch và chiếu đồng thời, không nhiễm mà nhiễm, khó đặng tỏ biết, là quả Bồ Đề chìm ngập trong cõi ngũ trược. Nhiễm mà không nhiễm, khó đặng tỏ biết, là đồng ở trong cõi ngũ trược mà riêng chứng quả Bồ Đề.
Nên biết rằng Phật đây, Phật kia cũng đồng qui về một cái tự tâm tịch vẫn chiếu; phiền não hay Bồ Đề cũng chẳng ra ngoài một niệm Ngộ với Mê thế thì Bổn Sư tức là ta, ta tức là Bồ Đề và chứng đặng Bồ Đề thiệt không chỗ đặng.

THUYẾT PHÁP NAN

Vì các chúng sanh mà ta nói ra pháp này, tất cả thế gian lấy làm khó tin.
Sớ: Văn trước là nói việc khó giữa loài người; văn đây là nói việc khó nhứt trong các việc khó vậy.
Bởi vì với pháp môn Tịnh Độ, tất cả thế gian đều khó tin. Phật ở giữa đời ác trược mà chứng đặng đạo quả, lại ngay trong đời ác trược nói trắng ra pháp này để độ chúng sanh lại là việc khó rất tột bực trong các việc khó vậy. Thế là việc gấp hai lần khó để rõ rằng công đức lợi tha của ngài thật không thể nghĩ bàn.
Sao: "Nói điều khó tin" lược kể có mười nghĩa. Nay ở trong cõi uế ác đây, chúng sanh an tâm chịu đã lâu đời rồi, bỗng nghe nước kia trang nghiêm thanh tịnh, tất là nghi không có sự thật đó. Ấy là một điều khó tin vậy.
Dầu tin có nước kia, nhưng lại nghi rằng 10 phương cõi Phật đều có thể tùy ý muốn sanh về cõi nào cũng được, hà tất quyết định sanh về Cực Lạc? Là hai điều khó tin vậy.
Dầu tin sẽ được sanh về, nhưng lại nghi rằng cõi Ta Bà đây cách xa nước Cực Lạc, đến 10 muôn ức cõi, thế làm sao rất xa mà đặng sanh về nước phước đức kia, là ba điều khó tin vậy.
Dầu tin là không xa, nhưng lại nghi rằng tất cả phàm phu tội chướng sâu nặng, làm sao mau đặng sanh về nước kia? Là bốn điều khó tin vậy.
Dầu tin đặng sanh về, nhưng lại nghi rằng sanh về cõi Tịnh Độ đó quyết phải có tu pháp môn kỳ diệu gì và nhiều món công hạnh mới được; làm sao chỉ tu trì danh hiệu Phật mà liền đặng sanh về? Là năm điều khó tin vậy.
Dầu tin tu pháp trì danh, nhưng lại nghi rằng tu trì danh hiệu nầy ắt phải cho nhiều năm, nhiều kiếp mới đặng thành tựu, làm gì chỉ niệm một ngày hoặc bảy ngày mà liền đặng sanh về nước kia? Là sáu điều khó tin vậy.
Dầu tin bảy ngày đặng sanh về, nhưng lại nghi rằng trong bảy thú thọ sanh, chẳng lìa noãn, thai, thấp, hóa, làm sao sanh về, vì nước kia, đều là chỉ sanh bằng hoa sen hóa sanh? Là bảy điều khó tin vậy.
Dầu tin gá nơi hoa sen để hóa sanh, nhưng lại nghi rằng kẻ sơ tâm vào đạo gặp nhiều chướng duyên phải thối lui, làm sao một phen sanh về nước kia liền đặng bực Bất thối? Là tám điều khó tin vậy.
Dầu tin không thối, nhưng lại nghi rằng: Pháp môn đây là để dẫn dắt những chúng sanh tối dốt, chớ bực thượng trí sáng suốt, không cần sanh về nước kia? Là chín điều khó tin vậy,
Dầu tin người sáng suốt cũng sanh về, nhưng lại nghi rằng: Trong kinh khác hoặc nói có Phật, hoặc nói không Phật, hoặc có cõi Tịnh Độ, hoặc không cõi Tịnh Độ, rồi trong tâm hồ nghi chẳng quyết; là mười điều khó tin vậy.
Cho nên nói pháp khó tin mà nói rằng "tất cả thế gian" đó là chẳng những chúng sanh trong ba đường ác nó khó tin mà là chúng sanh cõi nhơn, thiên hoặc còn nghi đó; chẳng những kẻ ngu mê khó tin mà bực hiền trí hoặc còn nghi đó; chẳng những kẻ sơ cơ khó tin mà đến những bực tu lâu hoặc còn nghi đó; chẳng những kẻ phàm phu khó tin mà đến hàng Nhị Thừa hoặc còn nghi đó; cho nên nói là cái pháp mà "tất cả thế gian khó tin" là vậy.
Nay ở trong đời ác trược nầy, diễn nói ra pháp đây thiệt là chẳng khác nào như vào trong nước lõa hình mà trao bày việc oai nghi; đối với người mù quáng mà chỉ cho màu mè đen, trắng; thế mới gọi là khó, thế mới gọi là công đức lợi tha không thể nghĩ bàn vậy.
Sớ: Lại kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang đều nói nghĩa khó tin đó cũng đồng với ý đây.
Sao: Kinh Pháp Hoa nói: "Muốn cho chúng sanh đều đặng nghe biết cái pháp mà tất cả thế gian khó tin".
Lại nói: "Kinh nầy khó nghe, mà tín thọ cũng khó".
Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: "Nghe nói kinh nầy tâm bèn cuồng loạn, hồ nghi không tin". Nay nói kẻ nghe rồi không kinh, không hãi, không sợ là ít có.
Không kinh sợ v.v... tức là tin đặng. Nay kinh nầy (Di Đà) nói cái điều khó tin của kinh thời đồng với hai kinh (Kim Cang, Pháp Hoa) đâu nên khinh vậy (Kinh nầy cũng như kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa là pháp tối thượng thừa chỉ ngay tự tánh thành Phật). Chúng sanh cõi này mê nhiều ngộ ít, khó nhận, nên gọi "nan tín".

Sớ: Hỏi: Đã nói rằng khó thời nói ra thêm rầy rà, vậy nói làm chi? Đáp: Nhưng vì Phật nói cũng có người tin.
Sao: Nhơn Phật nói có người tin là cái pháp nhiệm mầu đây. Nếu đức Như Lai chẳng từng nói ra thời muôn đời hằng đồng như đêm tối, trọn không có một người niệm Phật cầu sanh. Cho nên ngài than là pháp nan tín! Đó là để cho hiểu rằng: Nếu như người thấy mà không tin là tại người bỏ, còn người nào có thể tin là người có duyên, khiến cho tất cả chúng sanh tự biết thương tủi, e mất phần mà hân hạnh được nghe. Cho nên nay những người tin Tịnh Độ đều là nhơn nhờ Phật nói mà phát khởi lòng tin vậy.
Mặc dầu nay không tin, nhưng một phen nghe lọt vào tai, hằng làm hột giống đạo muôn đời.
Sớ: Xứng lý thời với tự tánh không thể đo lường là nghĩa "pháp khó tin".
Sao: Phải biết với tự tánh đây không thể lấy cái hữu tâm mà tìm, không thể lấy cái vô tâm mà đặng, không thể lấy lời để tạo, và không thể lấy cái vắng lặng mà thông, lìa bốn câu, dứt trăm lỗi, trồng hoa giữa hư không, đạp mặt trăng trong lằn sóng, không chỗ để cho nhà ngươi đặt tay chưn; cho nên trên hội Linh Sơn, bực thượng đức trọn thành cái hại bại Bắc. Đất Hớn Địa, kinh Kim Cang mới có cái tưởng diệt Nam (24) hay tín pháp nầy, há chẳng khó ư?

TỔNG KẾT NAN SỰ

Nầy Xá Lợi Phất! Phải biết ta ở cõi đời ngũ trược ác thế làm những việc khó đây mới đặng quả a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Lại vì tất cả thế gian nói pháp khó tin đây, thiệt là rất khó!...
Sớ: Nhắc lời của chư Phật lặp lại tỏ bày ra để cho chúng sanh nhơn thấy rõ hai việc khó đây đặng hiểu rằng: Phật xưa chẳng luống làm lời khen, Phật nay chẳng lầm chịu tiếng ngợi tốt, thật nói thật làm, cả hai đều phù hợp với nhau, muôn đời chúng sanh phải tin chắc mà chớ nghi, cảm ơn mãi không thôi. Ấy vậy khá gọi rằng cặn kẽ dặn dò, ba tâm rất thiết.
Sao: Đắc Đạo là khó, cái khó kia có hai nghĩa:
Một là tu ở trong đời thiện thế đắc đạo, chưa đủ là khó vì hoàn cảnh thuận tiện. Nay Phật tu ở trong đời ác thế đắc đạo mới thiệt là khó (vì cảnh trái ngược).
Hai là ở trong đời ác thế thuyết pháp, mà thuyết những pháp dễ tin ấy cũng chưa lấy làm khó vì chúng dễ hiểu. Nay thuyết pháp khó tin thế thiệt là khó vậy (vì mặc dầu có Phật quốc, nhưng ở rất xa bởi chưa từng nghe thấy).
Lược làm bốn lời dụ: Lời dụ thứ nhứt:
Ví như có người thân đi vào trong biển lớn, lại ngồi trong chiếc thuyền bể, lại nhằm gió ngược, lại đụng sóng to, lại gặp quỉ dữ (La Sát), cá lớn, rồng độc, sự nguy còn chỉ trong giây phút mà có thể ở trong đó an ổn đặng qua thiệt là khó, nhưng chẳng những qua một mình mà lại còn đem nhiều người đều qua, để trên bờ kia. Thế mới thiệt là cái khó trong các cái khó.
Biển lớn, thuyền bể, gió ngược, sóng to và quỉ dữ, các điều ấy là dụ ở trong đời ngũ trược. Một mình qua khỏi là dụ Đắc đạo. Cứu các người đều qua là dụ thuyết pháp vậy.
Lời dụ thứ hai:
Ví như có người thân mang bệnh nặng, lại ở chỗ sương gió, lại thiếu đồ ăn uống, lại bị trặc chơn gãy giò, lại gặp thầy dở cho uống lầm thuốc, sự nguy hiểm chỉ còn trong giây phút mà hay ở trong đó điều trị mạnh lành, thiệt gọi là khó; nhưng chẳng những mạnh khỏe một mình mà lại còn cứu luôn bệnh các người khác đều được bình phục. Thế mới thiệt là cái khó trong các cái khó!
Lời dụ thứ ba:
Ví như có người thân ở trong tù giam, lại bị tra tấn, lại gông cùm, lại nhiễm bệnh dịch, lại bị cấm cố, sắp đến kỳ giết, sự nguy chỉ còn trong giây phút mà hay ở trong đó, bỗng nhiên thoát khỏi, thiệt gọi là khó; nhưng chẳng những khỏi một mình, mà lại cứu luôn các người tội đều đặng lìa khỏi. Thế mới thiệt là cái khó ở trong các cái khó!
Lời dụ thứ tư:
Ví như có người thân té xuống giếng, lại gặp rắn độc, lại bị chông gai, lại dầm nước lạnh, lại trúng kẻ ác nhơn quăng liệng đất đá, sự nguy còn trong giây phút mà hay ở trong đó, vượt nhảy lên khỏi, thiệt gọi là khó. Chẳng những ra một mình mình mà lại đem luôn các người đồng té đều lên một lượt. Thế mới thiệt là khó trong các cái khó.
Các lời đây đều dụ trong đời ngũ trược, nghĩa đã nói đồng văn trên: Trong bốn lời dụ đây, lần lượt dụ đức Thích Ca với hai việc khó. Nói cạn dễ hiểu. Cho biết rằng: Đức Như Lai chẳng sợ nhọc nhằn, từng trải cực khổ, là vì bọn chúng ta làm việc khó trong các việc khó làm, đến đỗi như thế nầy! Người nghe cái khó đây đều phải mừng thương, khấp khởi, cảm tột kêu la, tiếng vang cả ba nghìn đại thiên thế giới, rồi chẳm hẳm sấn sướt, lo làm sao để trả ơn Phật.
Song muốn trả ơn cho Phật, chẳng ngoài hai việc: 1. Lợi mình. 2. Lợi người khác.
"Lợi mình" là: Ở trong đời ác thế này, gắng sức tu pháp môn này, nhơn được vãng sanh, cũng đã gọi rằng khó.
"Lợi cho người khác" là: Ở trong đời ác thế này, lại khuyên mọi người chung tu pháp môn này, đồng được vãng sanh, thế mới thiệt là khó trong các cái khó.

Sớ: Lại trong kinh Pháp Hoa rất khen các kinh, cũng đồng ý đây.
Sao: Kinh Pháp Hoa rất khen là: "Nói hết các kinh... tay quăng hòn núi Tu Di, chưn đá sập cõi Đại Thiên đều chưa phải là khó, hay ở trong đời ác thế này, nói kinh Pháp Hoa thế mới thiệt là khó". Nay nói kinh này (Di Đà) sự khó nói lại cũng như vậy.

Sớ: Lại có hai nghĩa: Văn trước nói "rất khó" ấy để rõ lại rằng: Bên nước Cực Lạc tu đắc đạo rất dễ. Văn sau nói "rất khó" đó là để cho chúng ta nghe được rõ lại rằng bên nước Cực Lạc thuyết pháp rất dễ.
Sao: Với điều đắc đạo rất dễ là: Trong luận Bà Sa nói: "Niệm Phật được vãng sanh, nhờ nguyện lực của Phật là cái đạo rất dễ làm. Còn ở trong đời ngũ trược ác thế này, tu các pháp khó tấn vì là cái đạo rất khó làm", cớ vậy.
Thuyết pháp rất dễ là: Trong nước kia chúng nhơn toàn là người bực thượng thiện, huệ nhiều chướng ít, chí ý hòa dịu, tiếng gió, cây, chim đều giúp cho mình tỏ ngộ. Vì chẳng phải như cõi này chúng cang cường khó dạy. Nói điều khó là để rõ dễ, chính là để chỉ rõ rằng với nước Cực Lạc chúng ta quyết định phải cầu về đó.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh nó vừa lẫn với tâm vừa lẫn với cảnh là nghĩa làm được hai việc khó đây.
Sao: Tâm niệm dù theo cảnh để sanh nhưng tâm thể nguyên thường vắng lặng, thời tâm tánh nó là "vô sở đắc". Thế đắc cái "vô sở đắc" đó gọi là đắc vô thượng Bồ Đề. Cảnh tùy tâm hiện. Tự thể của cảnh vốn không, thời với cái mà không pháp nào khá thuyết đó mới gọi là thuyết đó. Vì ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không có tâm. Thế mới gọi là Tự Giác, Giác Tha, Giác Hạnh Viên Mãn.

LƯU THÔNG PHẦN (phân ra làm hai phần)

1. TRÙNG CỬ THÍNH CHÚNG (Lặp lại chúng nghe)
2. MINH TẤT PHỤNG HÀNH (Rõ rồi vưng tu)
TRÙNG CỬ THÍNH CHÚNG
Phật thuyết kinh này rồi, ông Xá Lợi Phất và các bực tùy theo tất cả thế gian, các vì chư Thiên và chúng nhơn, thần A tu la v.v... đồng nghe thọ lãnh.
Sớ: Pháp ắt phải lưu thông vì Phật thuyết pháp để phổ độ chúng sanh. Lại kể bày chúng thính giả là: Đầu kinh nói số chúng nghe pháp, cuối kinh lại nói chúng thọ pháp.
Riêng nói một mình ông Thân tử là vì ông đương cơ kinh này. Đây không nói bồ tát là vì gồm thâu trong hàng tỳ kheo. A tu la dịch: Phi Thiên. Chữ Đẳng: Gồm luôn cả bát bộ và chúng sanh trong sáu đường.

Sao: "Lưu thông" là: Kinh Quang Minh lời sớ nói: "Chữ Lưu cũng như nước chảy xuống, chữ Thông là nghĩa không ngăn trệ".
Lại ngài Khuê Phong nói: "Pháp nếu không có người đi tuyên truyền thời chẳng lưu động". Lưu là không dừng, truyền mà gặp sự ngăn ngại thời chẳng thông. Thông là không phải ngăn; nghĩa là suốt thể lan rộng phổ cập vậy.
Phổ độ là gì? Lưu thông khắp cả 10 phương, nhẫn đến ba đời chẳng những chỉ vì chúng sanh trong một xứ một thời mà thôi.
"Đương cơ" là chi? Do pháp khó tin đây, duy người trí mới tin nổi không nghi; cho nên từ đầu chí cuối đều gọi bảo nói ông Xá Lợi Phất vậy.
"Nhiếp thuộc trong hàng tỳ kheo" là: Các Bồ Tát mặc dầu không thường theo đức Như Lai, song vì cùng với các hàng tỳ kheo đồng làm bạn lữ giữa hiền thánh.
Lại các vị Bồ Tát đều có lẫn giữa Chơn đế và Tục đế. Vì tùy loại ứng cơ cũng có thể nói nhiếp thuộc trong cả thế gian cũng được.
Tất cả trong thế gian chỗ bao gồm thì đông (nhiều) mà nay đây riêng nói về 3 đường lành là Thiên đạo, Nhơn đạo, A tu la đạo đó là để cho rõ biết rằng đối với "pháp trì danh niệm Phật" đây, tất cả chúng sanh trong sáu đường, so sánh ra thì phần nhiều hơn hết là chúng sanh trong đường lành đều tu pháp niệm Phật. "Phi Thiên" là: cõi thần a tu la sự giàu có vui sướng cũng đồng như cõi trời, nhưng vì cái đức hạnh không bằng trời; rõ có bốn loài (25), đây chẳng kể nhiều.
Trong bài kể tên chúng hội trước kia không nói đến tên Tu La là vì nhiếp thuộc trong hàng Thiên nhơn và đại chúng.
Hỏi: Loại thần Tu La rất là hung hăng, làm gì chấp trì thánh hiệu là để tu niệm Phật?
Đáp: Loài quỉ, súc sanh còn biết qui y, thần Tu La đâu không tín thọ ư? Há chẳng nghe trong phẩm Thế Chúa Diệu Nghiêm nó các thần Tu La v.v... đều đặng pháp môn giải thoát hay sao? Nay ở giữa loài người đây mấy kẻ ngơ lửng không biết tin niệm đó mới đáng trách a!!

Sớ: Xứng lý thời tự tánh nó cứu cánh viên mãn là nghĩa "Phật nói kinh rồi". Tự tánh châu biến hàm dung là nghĩa "tất cả thế gian".

Sao: "Cứu cánh" thời trước sau viên chiếu, không thiếu không đủ. "Châu biến" thời phàm thánh bao gồm, nghìn đủ, muôn đủ. Với bổn kinh như thế thì trước khi Phật chưa kêu ông Thân Tử đã nói hết toàn văn, lại nào đợi ngài Diệu Thủ (Văn Thù) bạch chùy, ông Song Lâm (Di Lặc) phủ xích sau rồi mới bảo là thuyết pháp hay sao?
Cho nên nói: Khi thăng đường nhập thất đại chúng không thêm, lúc trống lặng chuông ngưng các Nhơn Thiên cùng chẳng giảm.

MINH TẤT PHỤNG HÀNH

Nghe Phật nói rồi hoan hỉ tín thọ, làm lễ mà lui.
Sớ: "Hoan hỉ" là vì mừng chỗ được nghe. "Tín thọ" là vì lãnh thọ chỗ đã được nghe. "Làm lễ" là vì trọng chỗ đã được nghe. Chữ Khứ là nghe rồi thời lui về giữ tu vậy. Cũng là ba món tư lương và ba huệ, như văn trước đã nói.
Sao: "Mừng chỗ được nghe" là: Nhiều kiếp phiêu linh là chính do chưa nghe pháp này. Nay biết pháp trì danh được vãng sanh, khá gọi như chứng bệnh mê man nơi chiếu gối, bỗng gặp phương hay thần diệu. Ví như khách ngụ lâu xứ lạ quê người, thoạt nghe tin nhà hân hạnh chi xiết, nên nói là "mừng".
"Lãnh chỗ đã được nghe" là: Tin rồi không còn nghi. Thọ rồi chẳng dám sái như vâng lời của quốc hội, tuân mạng lệnh của đấng gia thân (cha lành) cho nên nói là lãnh vậy.
"Trọng chỗ đã được nghe" là: Trong lòng cảm kích, năm vóc kiều cần, như nhớ ơn rất tột, lạy tạ không thôi, cho nên nói là "trọng".
"Giữ tu" là: người xưa nói: "Tới mà nghe Đạo nơi Thầy, lui về làm Đạo nơi mình", chẳng phải như đời bây giờ: nghe vào lỗ tai, nói ra lỗ miệng (năng thuyết bất năng hành).
"Ba món tư lương" là như văn trước nói: Nghe mà tin là Tín tư lương; Tín mà chịu là Nguyện tư lương, chịu rồi đi là Hành tư lương.
"Ba huệ" là: Văn tức thuộc văn huệ, hoan hỉ tín thọ đó tức thuộc Tư huệ, đi về giữ tu đó tức là thuộc tu huệ.
Sớ: Lại chữ hoan hỉ đây cũng đủ ba nghĩa thanh tịnh như lời sớ trong Quán kinh nói.
Sao: Ba nghĩa là: Lời sớ trong Quán kinh nói: 1. Người năng thuyết được thanh tịnh. 2. Pháp bị thuyết được thanh tịnh. 3. Y theo pháp tu đạo quả, được Thanh tịnh. Đủ ba nghĩa đây, cho nên nói "hoan hỉ".
Nay nói pháp trì danh được vãng sanh chính là đức Phật ngài thyết. Phật là người bực Nhứt Thế Trí, chẳng phải như cái pháp của bốn hạng người kia thuyết vậy; thế là người được thanh tịnh. Gặp người như vậy đâu chẳng hoan hỉ?
Trì danh được vãng sanh liền chứng pháp tam muội, thế là thật giáo Đốn và Viên, chớ chẳng phải pháp quyền thừa vậy; thế là pháp được thanh tịnh. Nay nghe pháp như vậy đâu chẳng hoan hỉ.
Trì danh được vãng sanh liền chứng đặng bực bất thối chuyển, thẳng đến thành Phật, chớ chẳng phải bực tiểu quả vậy; thế là quả được thanh tịnh. Chứng quả như vậy đâu chẳng hoan hỉ.
Sớ: Lại chữ "hoan hỉ" đây cũng gồm có cao có thấp, là mỗi mỗi đều tùy theo sở đắc của mỗi người tu.
Sao: "Cao và thấp" là như kinh Hoa Nghiêm bực sơ địa, gọi là bực Hoan Hỉ địa. Lại trong văn kinh nói: Đủ hai mươi món hoan hỉ.
1. Đời sau được 10 câu: Như chỗ nói: Vì niệm được danh các vị Phật, nên sanh tâm hoan hỉ. Vì niệm được các pháp môn nên sanh tâm hoan hỉ v.v...
Nay người nghe được kinh này tự mừng rằng: Ta đời sau cũng được như Phật A Di Đà, ta đời sau cũng được các pháp mầu như thế của Phật A Di Đà vậy.
2. Hiện đời được 10 câu: Như chỗ nói: Đã xa lìa tất cả cảnh giới thế gian nên sanh tâm hoan hỉ. Vì được thân cận tất cả vị Phật nên sanh tâm hoan hỉ v.v... Nay người nghe được kinh nầy, hiện đời được xa lìa cảnh giới Ta Bà ngũ trược. Hiện đời được sanh về Tịnh Độ cửu liên được gần gũi Phật A Di Đà và chư Phật vậy.
Hai mươi hoan hỉ đây thuộc về trong địa vị (ngôi thập địa). Cứ theo kinh Hoa nghiêm thì điều hoan hỉ của kinh nầy thuộc về trong ngôi thập địa Bồ tát. Ngoài ra thì ngôi thập hạnh, về sơ hạnh cũng tên là Hoan Hỉ; trong văn Thập trụ về ngôi sơ trụ cũng nói: "Được vô biên việc hoan hỉ" v.v... Cho nên nói: "Có cao có thấp". Nếu thấp lại còn thấp nữa thời tùy theo phân lượng tu nhơn của mỗi người kia thì cũng được phần vui về pháp hỉ mà thôi.
Sớ: Lại kết qui về chữ Tín Thọ là do vì từ ban đầu cho đến cuối sau đều dùng chữ Tín làm căn bản.
Sao: "Ban đầu, cuối sau" là: Đầu kinh nêu hai chữ Như thị, là lời Tín Thuận. Nay cuối kinh lại nói Tín Thọ thời biết nhơn Tín mới sanh ra nguyện, nhơn nguyện mới khởi ra hạnh. Từ đầu phát tâm, kế cuối được vãng sanh, rốt ráo thành Phật đều nhờ sức Tín; cho nên nói: "Từ đầu chí cuối lấy chữ Tín làm căn bản".
Sớ: Kinh Đại Bổn lời kết kinh có nói đủ các chúng sanh đều được lợi ích được Long Thiên Hộ pháp xuống phước lành. Nay kinh này, không nói là bớt văn vậy.
Sao: Kinh Đại Bổn nói: "Phật nói kinh này rồi, có vô lượng chúng sanh phát tâm để tu chứng bực vô thượng chánh giác. Một vạn hai nghìn số na do tha người chứng pháp Nhãn Tịnh; 22 ức vị chư Thiên, kẻ Nhơn dân đắc quả A Na Hàm. 80 vạn tỳ kheo đặng bực Lậu Tận Ý Giải; 40 ức Bồ tát đặng bực bất thối chuyển. Ba nghìn Đại thiên thế giới sáu món rúng động, hào quang sáng lớn, tủa chiếu khắp 10 phương các quốc độ, trăm nghìn tiếng âm nhạc tự nhiên nổi lên. Vô lượng thứ hoa mầu, lăng xăng rải xuống, nhẫn đến trời A Ca Ny Tra đều sắm đủ món vi diệu cúng dường".
Lại nói: "Có 25 ức chúng sanh đặng bực bất thối chuyển nhẫn đến bốn vạn ức số na do tha chúng sanh đối với quả Vô Thượng Bồ Đề chưa từng phát tâm, nay mới bắt đầu phát khởi, trồng các thiện căn, nguyện sanh về Cực Lạc thế giới, đồng sẽ sanh về, đều ở các phương khác theo thứ lớp thành Phật, đồng một danh hiệu là Diệu Âm. Lại có 80 vạn ức số na do tha chúng sanh được thọ ký pháp nhẫn".
Sớ: Lại kinh Đại Bổn có dặn dò công đức trì kinh, nay trì kinh này cũng phải có công đức như vậy.
Sao: Kinh Đại Bổn Phật bảo Ngài Di Lặc: "Nay đem pháp môn này giao phó lại cho ông. Ở trong đại chúng, ông cũng khai thị cho chúng phải dạy viết tả, giữ gìn đối trong kinh nầy, sanh lòng tưởng như vị Đạo Sư".
Lại nói có vô lượng ức các vị Bồ Tát cũng đều cầu pháp môn vi diệu nầy: "Các ông chớ trái lời ta (Phật) mà bỏ qua, sẽ khiến cho các ông mê man trong đêm dài, chịu đủ muôn điều nguy khổ. Thế cho nên ta nay nói lời đại chúc lụy". Nay kinh này không nói, đều là bớt văn vậy.
Sớ: Lại kinh Đại Bổn và kinh Pháp Diệt đều nói: "Đến ngày Pháp của Phật tiêu diệt, riêng còn để lại kinh này". Cho nên biết kinh nầy có cái năng lực tổng trì cho đời mạt pháp như trong luận Hoa Nghiêm nói.
Sao: Kinh Đại Bổn nói: "Qua đời đương lai (26) trong buổi khói lửa, kinh điển và đạo lý đều bị diệt hết. Ta do tâm từ bi riêng để lại kinh này một trăm năm. Chúng sanh được gặp, không có một người nào mà chẳng đắc độ".
Nếu có chúng sanh đối với quyển kinh này, viết tả cúng dường thọ trì đọc tụng, vì người khác diễn nói, đến khi mạng chung Phật cùng các vị thánh chúng hiện ra trước mặt người ấy trong giây lát liền sanh về cõi kia vậy.
Kinh Pháp Diệt nói: "Chừng đó, kinh Thủ Lăng Nghiêm diệt trước (27), kế đến các kinh thảy đều diệt hết; riêng còn kinh Vô Lượng Thọ độ các chúng sanh" (kinh này có tên là Vô Lượng Thọ).
Trong Hoa Nghiêm Luận nói đến cái thời chánh pháp đã diệt (28) do nhờ sức tổng trì (29) kinh này (Kinh Hoa Nghiêm) gìn giữ các tông pháp khác, làm cái nhơn cho giáo lý được hoạt động lưu chuyển.
Nay đây nói các kinh đều lần lượt tiêu diệt, riêng còn kinh A Di Đà tức kinh Vô Lượng Thọ này là một môn niệm Phật, rộng độ chúng sanh. Thời ra các kinh đã diệt mà kinh Tiểu Bổn tức Đại Bổn này không diệt, tức là còn để lại một món trì danh niệm Phật này lưu chuyển vô tận. Thế thì biết rằng: chính cái pháp trì danh niệm Phật của kinh này nó cũng có cái sức tổng trì như kinh Hoa Nghiêm kia.
Tất cả chúng sanh phải nên tôn trọng cung kính, tín thọ phụng hành kinh này vì kinh này ở chỗ nào cũng như Phật ở chỗ đó.
Hỏi: Câu "riêng để kinh này một trăm năm", hai chữ "kinh này" số là chỉ cho kinh Đại Bổn, này sao lại đem chỉ cho kinh Tiểu Bổn này?
Đáp: Văn trước đã chẳng nói rồi hay sao? Văn có nhiều và ít, nhưng nghĩa không hơn kém. Nghĩa là nói rộng thời là kinh Vô Lượng Thọ, còn nói hẹp thời là kinh Tiểu Bổn Di Đà này, chớ chẳng phải có hai vậy. Vì A Di Đà dịch là "Vô Lượng Thọ"; thế thì Vô Lượng Thọ kinh tức A Di Đà kinh.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh không phiền não là nghĩa "hoan hỉ tín thọ". Tự tánh không trụ trước là nghĩa "tác lễ nhi khứ".
Sao: Tâm phiền não vốn vắng lặng, tánh hoan hỉ cũng không thời cõi khổ đâu chẳng phải là cõi vui. Đến, thiệt không biết từ đâu mà đến, đi cũng chẳng biết sẽ đi về đâu.
Thế thời vãng sanh mà rốt ráo vô sanh, dùng vô sanh đây để mà sanh về cõi kia. Đúng ra chẳng phải sanh về cõi kia mà thiệt là sanh nơi tự tâm của mình vậy.
Vậy sau không ai hỏi tự nói: Đức Thế Tôn khỏi phụ lời không đàm; riêng lãnh đương cơ, ông Thân Tử khỏi phụ lời trọng thác (lời giao phó). Đây thiệt là hoan hỉ, đây thiệt là tín thọ, mới gọi là đúng phép làm lễ đức Như Lai. Nếu ngoài cõi Cực Lạc Cửu Liên kia mà riêng nói là duy tâm; bỏ tên Di Đà vạn đức mà riêng tìm tự tánh, nên gọi rằng: "Đang qua sông mà hỏi bến đò, đối trước đèn mà đi tìm lửa" đó vậy.

KẾT THÍCH CHÚ Ý

(Kết giải ý nghĩa chú vãng sanh)
Bài thần chú Đà-la-ni Nhổ Tất Cả Cội Gốc Nghiệp Chướng, Đặng Sanh Về Cõi Tịnh Độ".
Sớ: Giải thích đại ý của bài thần chú này: Do chú để giúp với kinh, kinh có thần chú thời kinh càng rõ. Do kinh trước chú, chú có kinh văn thời chú càng linh, xen nhau mà dùng nên cần phải kết giải. Chú này rõ thấy trong truyện Bất Tư Nghì Thần Lực.
Người trì chú này, hết tội được vãng sanh. Nên dùng danh nghĩa là "nhổ hết nghiệp chướng được sanh về Tịnh Độ".
Chữ Đà La Ni dịch là Tổng Trì vậy.

Sao: Nghiệp chướng là: kể chướng có ba nghĩa: 1. Phiền não chướng. 2. Nghiệp chướng. 3. Báo chướng.
Nay nói nghiệp chướng là nói cái giữa thì đã gồm luôn cái trước và cái sau. Bởi sao? Vì phiền não là cái Nhơn của nghiệp; vì báo chướng là Quả của nghiệp. Nghiệp ắt có Nhơn; nghiệp ắt chịu Quả; nên nói nghiệp chướng thì đã gồm hai chướng kia. Nay chúng ta muốn trừ chướng, quí nhứt là trừ cội gốc của nó. Như gốc tuyệt thời không đâm chồi; chồi không nẩy thời cành lá hoa trái đều không sống vậy.
Nay trì chú này thời phiền não không khởi là nghĩa "nhổ trốc gốc nghiệp chướng" vậy.
Như trong truyện nói: Ngày đêm đều trì ba hoặc bảy hay là 21 biến diệt được tội ngũ nghịch, tội báng pháp v.v... các tội; phải vậy.
"Đặng sanh về Tịnh Độ" là: Chúng sanh luân hồi trong cõi Ta Bà đều là do nghiệp chướng, nghiệp chướng đã không thời hột giống cõi uế độ liền diệt, tùy nguyện vãng sanh, nên được sanh về cõi nước Cực Lạc Phật A Di Đà.
"Tổng trì" là tổng thống, nhiếp trì lại không sót và mất; tức là tên riêng của chú nầy.
Truyện tên "Bất Tư Nghì Thần Lực Chú", tức kinh này tên là "Bất Tư Nghì Công Đức Kinh".
Trì thần chú hay trì danh hiệu Phật cũng đều được vãng sanh một cách nên đồng tên là "Bất Tư Nghì".
Đời nhà Tống, niên hiệu Nguyên Gia (30), nước Thiên trúc, ngài Tam Tạng tên Cầu Na Bạt Đà La dịch ra thần chú này.
Sớ: Chữ Tống là tên nước thuộc về đời Nam Bắc triều (31), Nguyên Gia là niên hiệu. Chữ Thiên Trúc là nước Tây Vức, Cầu Na Bạt Đà La dịch Công Đức Hiền.
Sao: Đời Tống mà nói là đời Nam Bắc đây, là đương thời đời đó Nam Bắc phân chia làm vua. Vua nhà Tống ở miền Giang Nam thì gọi là Lưu Tống (32).
Chữ Nguyên Gia là vua Văn Đế niên hiệu Nguyên Gia năm rốt vậy (453). Nước Thiên Trúc có chỗ khác nói: Nước Thân Độc, Thiên Trúc có năm nước đều chung gọi là cõi Tây Vức.
Ngài Bạt Đà là người rộng thông ba tạng, rất chuyên pháp Đại thừa nên hiệu ngài là Ma Ha Diễn. Nhưng cái thần dị đặc sắc của ngài chẳng phải một, chép đủ trong bộ truyện ký; đây sợ nhiều không dẫn. Có một bổn dịch hai chữ Đà La, mà dưới chữ Đà không có chữ La. Hoặc có người nghi là ngài Cầu Na Bạt Ma. Do vì hai Ngài đồng thời đó, chưa rõ thần chú nầy là của ngài nào dịch (mà dầu của Ngài nào dịch cũng đều đúng cả).
Tụng chú như đây:
Nam mô A Di Đa Bà Dạ, đa tha dà đa dạ đa điệt dạ tha: A di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị da tỳ ca lan đa, già di nị, dà dà na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha.
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào hay tụng chú này thời Phật A Di Đà thường đứng trên đỉnh đầu người đó, ngày đêm ủng hộ không cho kẻ oán thù làm hại, đương đời thường đặng an ổn, đến khi mạng chung, được tự tại vãng sanh.

Sớ: Các bổn kia nghe phân câu cách có hơi khác; nay y theo bản xưa, với thần chú không phiên dịch bất tất gì cưỡng giải.
Sao: "Các bổn chẳng đồng" là: Như câu: Nam mô A Di Đa bà dạ, một bổn khác viết: "Nam mô a di đa bà da đa", lấy chữ Đa ở đầu câu kế đem liên thuộc với câu trên, cho nên nói là "có hơi khác". Nay bất tất gì nhọc nhằn tìm xét phải quấy, miễn y theo một bổn, chí tâm tụng trì tự thành lợi ích.
Lại có chỗ nói: câu "Nam mô a di đa bà dạ, dịch: "Kính lạy đức Vô Lượng Thọ Phật"; câu" "đa tha dà đa dạ" tức là câu "đa đà a dà độ" dịch Như Lai. Câu "Đa điệt dạ tha", bản tân dịch: "Tha đích giả thát", bản cựu dịch: "Đát điệt tha".
Chữ "điệt" bộ Mịch, âm chữ Điệt bộ Xước, tức hai chữ "địa dạ" nói nhập lại làm một tiếng, dịch: 'tức thuyết chú viết". Từ đây sắp sau mới thiệt là lời mật ngữ:
Song câu thần chú từ xưa dịch để nguyên âm chứ không dịch nghĩa, lược nói có năm ý:
1. Như lời mật chỉ của vị quốc chủ, chớ quấy rao truyền, vì chỉ phải kính vưng.
2. Hoặc một danh từ hàm có nhiều nghĩa, ví như chữ Tiên Đà Bà (33).
3. Hoặc phương này không có ví như cây Diêm Phù Đề (34).
4. Hoặc thuận theo văn xưa ví như chữ A Nậu Bồ Đề.
5. Hoặc tôn trọng, chẳng phải tiếng nói của người Tàu đối chiếu đặng, ví như chữ "Bát Nhã" (dịch "Trí Huệ" cũng chưa hết nghĩa).
Có một chỗ nói: "Cũng có thể cưỡng giải", nhưng đã nói rằng "cưỡng" chi bằng nín là hơn.
Sớ: Kinh và chú tương liên với nhau, chính là nghĩa Hiển và Mật viên thông.
Sao: Rõ bày nước kia, y chánh trang nghiêm và môn Tín, Hạnh, Nguyện như trong kinh đã giải rõ đó gọi là Hiển.
Tuân theo lời kín nhiệm của Phật, chỉ tụng chú này thời liền đặng vãng sanh, đó gọi là Mật.
Hiển là bày rõ chỗ Mật ấy ra. Mật là giấu kín chỗ Hiển vậy. Gồm tụng cả hai thời đều tốt cả. Riêng tụng trì chừng một cũng tóm thâu không sót, nên nói rằng Viên Thông.
Sớ: Tuy nói rằng tóm thâu không sót, nhưng mà pháp chuyên trì danh hiệu còn hơn trì chú, cũng hơn thần chú khác và cũng hơn tất cả công đức khác.
Sao: Riêng khen pháp trì danh niệm Phật là:
1. Hơn thần chú Vãng Sanh này.
Vì lời giải của thần chú nói: "Tụng 30 vạn biến thời mới được thấy Phật A Di Đà", mà pháp trì danh niệm Phật này thời chỉ một ngày được nhứt tâm liền có Phật hiện trước mặt.
Lại chú nói: "Ngày đêm 6 thời đều 3 hoặc 7 biến, hay là 21 biến diệt được tội ngũ nghịch cùng các tội khác", mà pháp trì danh thời chỉ chí tâm niệm Phật một tiếng liền diệt được 80 ức kiếp đường sanh tử tội nặng.
2. Hơn các thần chú khác là: Chuyên niệm danh hiệu Phật tức là chú Đại Thần, chú Đại Minh, chú Vô Thượng và chú Vô Đẳng Đẳng.
Vì do 10 tiếng niệm Phật liền đặng vãng sanh, một phen sanh liền đặng bất thối, oai linh chẳng lường, thế gọi là Đại Thần; còn mấy nghĩa khác so đó để biết vậy.
Hỏi: Công đức của Chuẩn Đề rất rộng, rất lớn mà thế nào chỉ niệm danh hiệu Phật lại đặng hơn kia?
Đáp: Vì phẩm và lượng của Chuẩn Đề là còn ở nơi Nhơn Địa Bồ Tát, còn Di Đà là quả vị Như Lai. Vậy nhơn đó để so mà biết được rằng:
Trì chú Chuẩn Đề đã có thần lực rất rộng rất lớn như thế thì niệm Phật A Di Đà há chẳng linh ứng nhiều hơn chú Chuẩn Đề à?
Cho nên trong kinh nói: "Niệm 62 ức số hằng hà sa danh hiệu các vị Bồ Tát, chẳng bằng niệm một tiếng Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, phước kia bằng nhau".
Lại nói: "Niệm vô lượng vô số danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng bằng niệm một tiếng Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát, phước kia bằng nhau". Đó, niệm Bồ Tát còn được như thế, huống chi là niệm Phật?!
3. Cũng hơn các công đức khác là: Lục Độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhưng chuyên niệm một danh hiệu A Di Đà thì gồm thâu được tất cả công đức của mỗi mỗi pháp môn khác do vì không ngoài một lý Nhứt Tâm như trong văn trước đã nói rộng.
Vậy xin các bạn giữa "Tịnh nghiệp đệ tử" nên chuyên một đức tin, chuyên một tâm niệm Phật mà thôi, chớ đừng lưỡng lự gì nữa. Như trong kinh nói: "Dầu có một pháp nào cao hơn cõi Niết Bàn đi nữa, cũng là chẳng đoái đến".
Trong Thiền tông các vị tri thức có dạy người chỉ giữ một câu thoại đầu (một câu niệm Phật) không cần tu các pháp nào khác.
Nên biết rằng: Nguyên những người đã tu học các pháp môn khác, còn phải bỏ đi để tu theo pháp niệm thay, huống chi những người vốn đã tu pháp môn niệm Phật lại đổi chỗ sở thú của mình mà chuộng về môn khác ư?
Thế là tâm muốn hàng hai, chí chẳng qui nhứt, làm sao để đặng thành tựu pháp Tam Muội?
Rủi tới cơn vô thường, luống không đặng chi, chẳng xét nhớ lỗi mình, trở đem phao lời hủy báng. Than ôi! Lầm lắm!!
Sớ: Xứng lý thời tự tánh nó không thì vẫn là không là nghĩa "nhổ trốc hết nghiệp chướng'.
Tự tánh nó có thì cũng vẫn có nó là nghĩa Đà La Ni. Tự tánh nó chẳng có chẳng không là nghĩa "sanh về Tịnh Độ".

Sao: Tìm tâm rốt không thể đặng thời là nghĩa tất cả nghiệp chướng ai làm cội gốc? Tức là tâm nó không chỗ nào mà chẳng đủ tất cả công đức, không đức nào nó chẳng tổng trì!
Đương khi nó tổng trì mà chẳng dính một mảy trần thì cái có đó là có bằng "tức không".
Thể nó không có cội gốc mà sanh ra cả muôn pháp thì cái không đó là không bằng cái "tức có".
Tức có thời chẳng phải thật không, tức không thời chẳng phải thật có. Chẳng không chẳng có, chỉ có nhứt Tâm, chẳng vượt ngoài nhứt tâm, ấy gọi là Tịnh Độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]