Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 61 - Chuyện 70

13/05/201313:09(Xem: 13013)
Chuyện 61 - Chuyện 70

Chuyện Bách Dụ

Chuyện 61 - Chuyện 70

Thích Nữ Viên Thắng

Nguồn: Pháp Sư Thánh Pháp. Thích Nữ Viên Thắng dịch

Chuyện 61
Tranh nhau tạo người

Lời dẫn: Ban đầu con người từ đâu đến? Có người nói từ vô cực đến. Có người nói tiến hoá từ loài khỉ. Có người nói thượng đế sáng tạo ra. Có người nói lão mẫu nương sinh ra loài người. Bất luận nói theo cách nào, vẫn không thỏa đáng. Vì sao? Vì vô cực là danh từ trống rỗng. Nói con người tiến hoá từ loài khỉ. Vậy loài khỉ từ đâu đến? Nói thượng đế tạo ra con người. Vậy thượng đế từ đâu đến? Lão mẫu nương sinh ra loài người. Vậy lão mẫu nương từ đâu đến? Đều là nguồn gốc vô cùng vô tận. Muôn sự muôn vật trên thế giới, vốn là một sự tuần hoàn, luân chuyển không dứt. Làm sao chúng ta tìm được nguồn gốc?
Xưa kia, bà-la-môn giáo ở Ấn Độ cũng theo Đại Phạm Thiên tự cho mình sáng tạo muôn vật. Vị Phạm Thiên lại là vạn đức vạn năng, họa phúc sinh tử của con người đều nằm trong tay ông điều khiển. Con người là con cháu của thần, nếu như chúng ta làm trái ý thần là có tội thì thần chẳng chút khách sáo liền giáng tai họa. Còn như chúng ta ngoan ngoãn nghe theo thì thần sẽ ban phúc. Đây là luận điệu đế chế của vua chúa. Người xưa nói: "Vua bảo thần chết, thần không chịu chết là bất trung. Cha bảo con chết, con không chịu chết là bất hiếu". Thời đại văn minh tiến bộ, tuy đã lột bộ mặt giả của thần, nhưng tín đồ của thần vẫn liều mạng bôi son thếp vàng lên mặt thần.
Xưa kia, bà-la-môn giáo ở Ấn Độ cho Phạm thiên là chúa sáng tạo ra muôn vật; nhưng Phạm thiên có một vị đệ tử cũng tự cho mình là quyền hạn tuyệt đối. Một hôm, vị đệ tử đến thưa sư phụ:
- Thưa thầy! Con sẽ tạo ra con người.
Phạm thiên quát:
- Ngươi không được ăn nói tùy tiện hồ đồ. Người làm gì đủ tài năng này? Người cũng không được tùy tiện tạo con người, không được làm trái ý của ta.
Phạm thiên không cho đệ tử tạo người. Nhưng đệ tử vừa hiếu kì, vừa không chịu nghe lời Phạm Thiên; cho nên lén tạo ra một người.
Phạm thiên biết được rất tức giận, nhưng việc tạo người đã thành sự thật, có tức giận cũng vô ích, chi bằng thể hiện thái độ rộng lượng, nên ông đi đến chỗ người đệ tử tạo người thử ra sao. Đệ tử thấy sư phụ đến vội vàng cung kính thưa:
- Thưa thầy! Xem thử con tạo ra con người như thế nào? Xin thầy chỉ dạy.
Phạm Thiên đáp:
- Rất tốt! Ngươi biết cách tạo ra người, nhưng ngươi chưa biết kỹ thuật cách tạo ra người
- Xin thầy chỉ dạy.
- Ngươi hãy xem người này đầu quá to, cổ lại nhỏ, tay và chân tạo không cân xứng, tay này quá to, tay kia lại nhỏ chân cũng như vậy. Làm sao giống con người được?
Phạm Thiên vô cùng hả hê vì được phê bình đệ tử cái gì cũng sai, ông lại nói tiếp:
- Ta đã bảo ngươi không được tạo người, ngươi cố chấp không chịu nghe lời. Kết quả, ba phần không giống người, bảy phần không giống quỉ; người cần học tập nhiều mới làm được.
Từ đó, tình cảm thầy trò bị rạn nứt.

Bài học đạo lý

Qua câu chuyện này, chúng ta hãy nghĩ thử xem thần còn ganh tị không? Thần không muốn cho đệ tử có cơ hội thể hiện tài năng. Nếu có thần như vậy thì khác gì hàng phàm phu chúng ta? Có điều gì vĩ đại?
Thật ra, mỗi chúng sinh đều biết cách tạo ra con người, nhưng nghiệp lực của mỗi người mà tạo ra con người không giống nhau. Có người thiện, có kẻ ác, có người đẹp, có kẻ xấu, có người thông minh, có kẻ ngu si v.v…đều sai khác; cho nên gọi là nghiệp lực. Tạo ra con người, không phải chỉ có vị thần kia có năng lực đặc biệt. Nếu như thần có tài năng đặc biệt thì nặn ra thân quả báo tốt đẹp, như thân trời, người; hoặc thân thanh tịnh - pháp thân.
Nếu như thần tạo ra con người vĩ đại và quyền lực thì mỗi người nam đều thượng đế, mỗi người nữ đều là lão mẫu nương. Vậy chúng ta ai tôn kính ai? Ai tín ngưỡng ai? Muốn tạo nghiệp (tạo ra người) muốn chịu sinh tử luân hồi dễ dàng, muốn ra khỏi sáu đường (tu hành), muốn giải thoát sinh tử khó khăn. Nếu chúng ta không nỗ lực tu hành vượt thoát sáu đường, ra khỏi sinh tử mà chỉ hướng đến cầu thần giúp đỡ có ích gì? Có được không?
Loài người có phải con cháu của thần không? Người Trung Quốc tự cho mình là con cháu của Viêm Hoàng. Như thế, Viêm Hoàng chính là hoàng đế của Trung Quốc. Chúng ta uống nước nhớ nguồn, không quên tổ tiên, huyết thống của mình; đây chính là thể hiện trung hiếu, đạo đức. Nếu nói thượng đế sáng tạo ra muôn vật, thượng đế sáng tạo ra nhân loại thì đây thuộc về chuyện vu vơ, vậy cầu khẩn thần làm gì? Con người là tự mình sáng tạo thân quả báo của chính mình, cho đến tất cả chúng sinh do nghiệp lực mình mà sáng tạo ra, cho đến tất cả Hiền thánh, Phật, Bồ-tát cũng là tự mình sáng tạo ra mới đúng.

Chuyện 62
Đòi thuốc tiên

Lời dẫn: Chúng ta muốn đi xa thì phải xuất phát ở chỗ gần, rồi từ từ đi đến chỗ mình cần đến. Đứa bé vừa sinh, phải trải qua thời gian nuôi dưỡng mới lớn lên thành người. Thân thể bệnh lâu ngày, làm sao uống một thang thuốc mà bình phục được? Nhưng ở đời vẫn có người muốn nhảy một bước lên tận trời. Bạn nói, có điều này không?
Thuở xưa có một người đã bệnh lâu năm. Một hôm, ông ta than thở với vợ:
- Nàng ôi! Tôi mắc bệnh thật là đau khổ, khi thân thể mạnh khỏe có thể trèo đèo vượt suối, cho dù lạnh rét hay nóng bức cũng chẳng sợ. Lúc ngã bệnh rồi, chẳng những không làm được việc gì mà đi lại cũng khó khăn, còn phải làm phiền người khác chăm sóc. Thật sự, ta đành bất lực, khổ quá đi thôi!
Vợ ông nhỏ nhẹ an ủi:
- Chàng ơi! Đừng buồn đau than thở như vậy, làm người ai mà không bệnh; chàng hãy cố gắng chịu đựng, an tâm dưỡng bệnh từ từ sẽ chữa khỏi thôi. Nếu như chàng cứ mãi suy nghĩ buồn rầu thì bệnh càng nặng thêm, xin chàng hãy yên lòng có thiếp chăm sóc chàng chu đáo, đừng đau buồn nữa nhé!
Người vợ mời thầy thuốc đến chẩn đoán. Thầy thuốc bảo:
- Bệnh ông nhà chỉ suy dinh dưỡng, vì suy nghĩ nhiều và buồn rầu nên dẫn đến bệnh lâu ngày, chỉ cần tinh thần thoải mái, sống an vui tịnh dưỡng thì bệnh sẽ khỏi. Sau khi bệnh khỏi, phải ăn uống tẩm bổ. Bà đem gà và thuốc hầm chung để ăn; chẳng bao lâu, ông nhà sẽ hồi phục sức khỏe.
Vợ ông nghe thầy thuốc bảo, liền đi ra chợ mua một con gà và một thang thuốc bổ về hầm chung lại đem cho ông ăn; mong ông sớm bình phục sức khỏe. Nhưng ông ta lại nôn nóng mong hết bệnh ngay, lại hét toáng lên:
- Tại sao thế! Thuốc ta cũng uống rồi, gà hầm cũng đã ăn, sao chẳng đỡ tí nào vậy? Ta thấy gã thầy thuốc này đúng là lang băm. Nàng mau đi tìm thầy thuốc giỏi về cho ta. Nhanh lên!

Bài học đạo lý

Ở thế gian này làm sao có thầy thuốc chữa bệnh nan y mà khỏi liền được? Mỗi người mắc bệnh đều do tích chứa lâu ngày. Chúng ta ăn uống hàng ngày thải ra chất độc trong cơ thể đưa ra ngoài không hết, mỗi ngày dồn một chút trở thành bệnh. Khi uống thuốc trị bệnh cũng vậy, phải từ từ; mỗi ngày chữa trị một chút, mới có thể chữa trị tận gốc.
Phương pháp trị bệnh có rất nhiều; tập dưỡng sinh, uống thuốc, nghỉ tịnh dưỡng, tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, chú ý giữ vệ sinh v.v…phối hợp những điều trên mới có thể hết bệnh. Bằng không thì, cho dù thầy thuốc tài giỏi cỡ nào cũng phải bó tay, giống như một đống rác muốn dọn sạch nó, cũng phải hốt lần lần, mới dọn sạch hết được. Chúng ta mắc bệnh uống thuốc cũng như vậy, mỗi ngày uống thuốc bệnh giảm bớt một chút. Sau khi, bệnh hết rồi, cũng phải bồi dường nghỉ ngơi, mỗi ngày khỏe một ít, mới hồi phục sức khỏe; nếu muốn uống thuốc thật nhiều trong một ngày khỏe liền là việc không thể có.
Người tu hành Phật pháp, mỗi ngày đều phải nỗ lực tu tập. Ngay trong cuộc sống hàng ngày thường hành trì Phật pháp, tu dưỡng từ bi, đức hạnh, trí huệ, phúc báo, mới có thể dần dần thành tựu Phật đạo. Ngày nay, có người chủ trương tu đắc đạo thành Phật ngay lập tức. Họ học được một chút phép thuật cho mình đắc đạo; hoặc dựa theo pháp thuật nào đó được chút linh ứng cho là đắc đạo; hoặc giống như quỷ thần cho rằng con người sau khi chết biến thành quỷ, biến thành thần, căn bản cũng không cần tu hành. Như thế, họ cho rằng giá trị Đức Phật đáng năm đồng tiền cũng không có. Đây là bọn người gian tà, bỡn cợt; hoặc là người không hiểu rõ Phật pháp.
Hàng phàm phu chúng ta từ vô thỉ đến nay, luân hồi trong sáu đường, tích chứa phiền não tham, sân, si, nhiều vô lượng. Nếu như trước đây, những phiền não này chưa đoạn trừ thì không thể đắc đạo chứng quả. Trước đây, phúc đức, trí huệ chưa được viên mãn thì không thể thành Phật. Vì thế, Đức Phật là Đấng viên mãn phúc báo, thần thông, đức hạnh, từ bi, trí huệ cao tột. Không phải có chút thần thông tự xưng mình thành Phật. Thành Phật là việc phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp, chẳng phải một khắc, một giờ mà mong được thì giống như uống một thang thuốc mà muốn bệnh đã lâu khỏi liền, bồi dưỡng một chút thì muốn hồi phục sức khỏe ngay.
Tâm trạng của bệnh nhân là nóng nảy, là đau khổ, lại muốn mau hồi phục sức khỏe, cũng là chuyện thường tình. Nhưng vì sao trước khi chưa mắc bệnh không chịu chú ý sức khỏe của mình? Ngã bệnh rồi không chịu khó cố gắng tịnh dưỡng? Còn thích nghe tin theo bọn gian tà nói lời đường mật, mê hoặc mọi người; đây là nhược điểm rất lớn của con người, cũng là kẻ hở để bọn chúng lợi dụng. Người có kiến thức mà tính tình nóng nảy cũng dễ đánh mất lý trí. Chúng tôi chỉ mong mọi người dựa theo lý trí mà chọn lựa chánh tà.

Chuyện 63
Lấy giả làm thật

Lời dẫn: Dân gian ta có câu: "Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng". Chúng ta bị rắn cắn một lần thì cả đời cứ ám ảnh, ban đêm thấy sợi dây cho là con rắn mà sợ hãi; đây là một loại bệnh tưởng. Người nhút nhát, bất cứ việc gì, như gió thổi cây rung cũng tưởng là ma quái; cho nên, việc gì họ cũng lo sợ, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh ngay trong cuộc sống hàng ngày. Có người bị tên trộm lén vào nhà; từ đó, họ suốt ngày cứ lo đóng chặt cửa. Do đó, mỗi người đều có nỗi lo sợ, nhưng cảm giác sai lầm thì nhiều.
Ma, rắn, kẻ trộm thật sự đáng sợ như thế không? Có người chuyên đi bắt rắn, bắt ma làm nghề mưu sinh. Có người bắt kẻ trộm làm nghề nghiệp. Tục Ngữ có câu: "Rắn, ếch, rết; ba loài này không chịu phục nhau". Rắn sợ rết, rết sợ ếch, ếch sợ rắn. Kẻ trộm sợ cảnh sát, cảnh sát sợ cấp trên. Cấp trên sợ dân, dân sợ kẻ trộm. Như thế, ai sợ ai đây? "Một điều chánh khắc phục vạn điều tà, vạn điều tà không bằng một điều chánh". Người chính tâm, chính hạnh, chính tri kiến thì cái gì cũng không sợ. Kẻ tà tri, tà kiến luôn có những càm giác sai lầm, nên việc gì cũng sợ. "Chí khí ngất trời". Người có chí khí, ngay cả trời cũng sợ hãi, huống gì quỷ thần.
Ngày xưa có một đoàn hát kịch, gặp lúc quê nhà bị nạn mất mùa, nên chuyện cơm ăn, áo mặc trở thành vấn đề nan giải cho cả đoàn, vì người dân không còn thích thú để xem hát. Do đó, đoàn hát không thể tiếp tục ở lại quê hương, họ chuẩn bị dời đi nơi khác biểu diễn để lo cho cuộc sống. Cả đoàn người, ngựa xuất phát từ quê hương đi suốt năm ngày, mới ra khỏi vùng thiên tai mất mùa. Mặc dù trên đường đi, họ biểu diễn được vài, ba suất, nhưng thu nhập rất ít cũng chẳng thấm vào đâu. Một hôm, lúc về chiều họ đi vào trong khu rừng; lúc này, mặt trời đã lặn xuống núi, không còn cách nào hơn mọi người đành phải nghỉ chân trong rừng. Đến nửa đêm, vùng núi cao nguyên rất lạnh, mọi người cùng đi kiếm củi khô chất lại đốt lên để sưởi ấm và cũng nấu một ít thức ăn, ăn cho đỡ đói.
Vào lúc nửa đêm có một diễn viên lạnh rét run, ngồi dậy tiện tay kéo trúng y phục hóa trang giả ma rồi mặc vào cho đỡ lạnh. Bỗng có một diễn viên khác thức giấc, chợt thấy bên đống lửa có một con ma, anh ta hốt hoảng hét to lên bỏ chạy. Mọi người trong đoàn cũng tỉnh giấc, không hỏi nguyên do mà ai nấy đều tranh nhau chạy. Diễn viên mặc y phục hóa trang ma thấy mọi người chạy cũng chạy theo. Ai nấy đều thấy ma đuổi theo sau, nên càng cố sức chạy, càng chạy càng sợ, càng sợ càng chạy nhanh hơn.
Cả đoàn người băng rừng, trèo núi, vượt sông, ai cũng sợ hãi; mặc cho gai nhọn đâm bị thương khắp thân mình, anh chạy theo tôi, tôi chạy theo anh; mãi khi đến lúc trời sáng, mọi người mới thấy rõ người mặc y phục ma là diễn viên trong đoàn. Có người hỏi:
- Anh có phải là diễn viên trong đoàn chúng tôi không?
Anh ta đáp:
- Đúng vậy!
- Vì sao anh mặc y phục hóa trang ma để dọa chúng tôi?
- Không có, nửa đêm lạnh quá, tôi chịu không nổi nên ngồi dậy, kéo đại y phục này mặc vào cho đỡ lạnh. Khi tôi nhìn thấy mọi người chạy, tôi cũng chạy theo.
- Chúng tôi tưởng ma xuất hiện đến mới bỏ chạy.
- Tại sao mọi người không nhìn kĩ một chút.
- Lúc đó, mọi người đều hốt hoảng, ai đâu bình tĩnh mà nhìn kĩ.
Lúc này, mọi người mới yên tâm nói:
- Chúng ta sợ hãi chuyện này quả thật quá oan uổng, bằng rừng lội suối cũng phí sức, cả thân bị thương chịu đau đớn, chỉ vì một niệm sai lầm.

Bài học đạo lý

Con người đến thế gian này, có cha mẹ, con cái, anh em, chị em, vợ con, bạn bè đều giống như một đoàn hát kịch. Mỗi ngày, con người có biết bao nhiêu điều vui-buồn, mừng-giận, thành-công, thất-bại; giống như diễn kịch trên sân khấu. Kinh Kim cang ghi:
Tất cả pháp hữu vi.
Như mộng huyễn, bọt nước
Như sương, như điện chớp
Phải nên quán như vậy.
Nhưng hàng phàm phu chúng ta luôn diễn kịch vai diễn của mình rất xuất sắc. Có lúc nghe người khác nói những điều mình không thích thì đỏ mặt tía tai cãi nhau ỏm tỏi. Có người vì năm đồng tiền mà quyết chí tranh giành mày chết tao sống. Những màn kịch này, ai làm đạo diễn? Nếu như thần làm đạo diễn thì thần quá tàn nhẫn, hoàn toàn đều xếp vào những bi kịch, tai kịch, khổ kịch. Theo ý của chúng tôi là chúng ta tự biên, tự diễn thì mới đúng. Nhưng vì sao phải xếp vào khổ kịch mà không xếp vào hài kịch? Điều này phải hỏi lại chính mình mới biết. Đức Phật dạy:
Nhân xưa muốn biết hỏi ai
Hãy xem những việc nay mai kiếp này
Muốn biết quả báo kiếp sau
Hãy xem những việc ngày nay ta làm.
Vì vậy, tất nhiên phải tự hỏi mình.
Vui buồn, mừng giận là chuyện thường tình của con người, cãi nhau ồn ào là việc khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng, việc nhỏ như hạt mè mà tạo các ác nghiệp để đạt được mục đích, để rồi tương lai nhiều đời nhiều kiếp chịu biết bao đau khổ, gây kết oán thù, luân hồi trong sáu đường báo thù lẫn nhau, mãi mãi không thoát ra được biển khổ luân hồi; đây là điều quá oan uổng cho con người. Đức Phật dạy:
Biết huyễn thì nên lìa,
Lìa huyễn là giác ngộ.

Chuyện 64
Tâm nghi bị ma ám

Lời dẫn: "Sinh tâm nghi ngờ bị ma ám". Câu nói này là sự hiểu biết trải nghiệm của người xưa. Ở đời có rất nhiều chuyện phải trái dẫn đến đánh nhau đều do tâm nghi ngờ. Thiền tông nói: "Nghi nhiều thì ngộ nhiều, nghi ít thì ngộ ít, không nghi thì không ngộ". Đây là phương pháp dụng công tham thiền. Nhưng nói nghi ngờ theo người bình thường chúng ta là nguồn gốc thị phi phiền não. Nghi ngờ giống nhau, nhưng có tà-chính khác nhau một trời một vực.
Kinh Duy ma ghi: "Trực tâm là đạo tràng". Người tâm ngay thẳng ở đâu cũng là đạo tràng tu hành- ai ai cũng là người tốt, tất cả hoàn cảnh đều là trợ duyên tu hành. Chúng tôi nói cách khác, người có tâm nghi ngờ đến nơi đâu cũng gặp chướng ngại, đều là thị phi, đều có ma quấy phá, hàng ngày luôn sống trong sợ hãi, chẳng có ngày nào được an tâm và yên ổn, cuộc sống đương nhiên là không tốt. Như thế, người không có tâm nghi ngờ thì đến đâu cũng thấy mọi người đều tốt, nhưng bản thân mình có thiệt thòi. Tục Ngữ có câu: "Tâm hại người không có, tâm gây chướng ngại người cũng không". Chỉ có sinh tâm nghi ngờ thì bị ma ám, còn tâm ngay thẳng luôn thấy mọi người đều tốt. Điều nào tốt hơn?
Muôn sự ở thế gian đều dựa theo trí huệ mà chọn lựa tà chính. Điều nên nghi thì nghi, điều không nên nghi thì không nghi. Bậc Cổ đức dạy: "Người mình nghi thì không nên dùng, người mình dùng thì không nghi". Đây là nguyên tắc tốt nhất nghi và không nghi.
Ngày xưa có một ngôi nhà cổ mục nát rong rêu phủ kín; bởi vì, nhiều năm không có người ở nên thường có ma, chẳng có ai dám đến ở.
Một hôm có một người đi lỡ đường, vì gã đến đây trời đã về chiều, nên hỏi thăm người địa phương:
- Này anh! Cho tôi hỏi nơi đây có nhà trọ không; hoặc có nơi nào có thể ở tạm được không?
Người kia đáp:
- Ở đây không có nhà trọ.
- Vậy có nơi nào ở tạm qua đêm không?
- Trong thôn này có một ngôi nhà cổ không có người ở, anh có thể đến đó tạm nghỉ, nhưng tôi nghe ngôi nhà này thường có ma; nếu anh không sợ thì đến đó tạm nghỉ.
- Cảm ơn anh! Thật quá tốt, quá tốt! Tôi không sợ.
Vì thế, người lỡ đường đến ngôi nhà này. Bấy giờ trời đã tối, lại có thêm một người lỡ đường đi ngang qua nơi đây, hắn cũng hỏi thăm nơi tạm nghỉ qua đêm. Người trong thôn cũng chỉ hắn đến ngôi nhà cổ, và cũng nói nhà có ma. Hắn nói:
- Tôi không sợ ma.
Do đó, hắn cũng đến ngôi nhà này.
Gã lỡ đường đến trước ngôi nhà cổ muốn vào, nhưng cửa đóng chặt im ỉm, gã cố sức đẩy mạnh vào bên trong ở trước. Trong lúc gã định nghỉ ngơi thì không ngờ có tên lỡ đường đến sau xô cửa. Vì vậy, gã chặn cửa lại nói:
- Ác ma này! Vì sao mới vừa tối lại đến quấy phá giấc ngủ của ta?
Tên ở bên ngoài quát:
- Con ma ích kỉ này thật đáng ghét. Vì sao không chịu mở cửa, để ta đứng bên ngoài; nếu như ta phá cửa vào được, ta sẽ lột da ngươi, rút gân ngươi.
Hai tên cãi lộn om sòm suốt đêm, cho đến khi kiệt sức vẫn còn đứng đó. Khi trời tảng sáng thì họ mới biết đều là đi lỡ đường.

Bài học đạo lý

Ở đời vì tâm nghi ngờ mà xảy ra nhiều chuyện phải trái. Kẻ làm chồng nghi ngờ vợ không còn trinh tiết, vợ nghi ngờ chồng ngoại tình, cũng là việc rất bình thường. Còn tất cả những chuyện thị phi khác, phần nhiều đều do tâm nghi ngờ mà dẫn đến ẩu đả đánh nhau long trời lở đất, chuyện này đâu đâu cũng có; kết quả, hai bên đều thiệt hại. Nếu như chúng ta bình tĩnh giải quyết sự việc thì tất cả đều trở nên dễ dàng.
Kế đến, trên không thương yêu, dưới không trung thành; mặc dù nơi nào cũng có, nhưng nếu hai bên đều không có tâm nghi ngờ thì vẫn có thể duy trì mối quan hệ bền lâu, nói không chừng gần gũi lâu ngày có thể hóa giải tâm lý xung đột. Bằng không cứ ấm ức mãi trong lòng, khi có cơ hội bùng phát ra thì không có cách gì giải hòa được; hoặc tranh giành cấu xé nhau, toan tính hại nhau đều là việc xấu. Nếu như một người nghi ngờ, một người không nghi ngờ thì người không nghi ngờ mới là thắng lợi cuối cùng.
Nghi ngờ có thể tăng thêm sự hiểu biết, nhưng cũng đưa đến cãi nhau chuyện đúng sai; điều này phải nhìn lại vấn đề nên nghi hay không. Chúng ta dùng người hay dùng vật cũng như vậy. Bản thân nghi ngờ không có tốt xấu, chỉ là dùng người có sai khác tà-chính, khôn-dại. Nghi có thể sinh ra oán hận, nghi cũng có thể phát sinh Phật (trí huệ), chỉ có khác nhau vì sao đưa đến nghi ngờ.
Có hạng người vì sao sinh nghi ngờ bị ma ám, vì sao phần đông không sinh trí huệ? Đây chính là vấn đề ứng dụng nghi ngờ. Phải không?

Chuyện 65
Chuyển hoạ thành phúc

Lời dẫn: Cổ đức dạy: "Họa phúc không đến cửa, chỉ có người tự mời; quả báo thiện ác như bóng theo hình". Họa và phúc ở thế gian không có thời gian nhất định, cũng không nhất định giáng xuống trên đầu người nào. Chỉ cần chúng ta thấy tâm người thiện hay ác mà xác định; hoặc xem hành vi của người làm việc thiện hay ác mà kết luận. Cho nên nói, báo ứng thiện ác, như bóng theo hình.
Báo ứng thiện ác có nhân đời trước mà chiêu cảm, cũng có duyên thiện ác đời này mà chuyển họa thành phúc. Do đó, thế gian có thiện tri thức hướng dẫn chúng sinh tu học Phật đạo, hoặc hướng đến thiện đạo. Nhưng cũng có ác tri thức dùng lời đường mật, đe dọa, dụ dỗ đưa mọi người đi vào tà đạo. Cũng có kẻ dẫn người vào ba đường ác. Có người theo thiện, nói điều thiện, khuyên người làm thiện. Cũng có kẻ nói lời gian trá, dụ dỗ mọi người tạo tội làm ác. Có người gặp thuận duyên, nghịch cảnh mà làm thiện, làm ác. Nhưng cũng có người gặp nghịch cảnh, nghịch duyên mà làm thiện, làm ác.
Có người học Phật gặp môi trường hoàn cảnh đầy đủ tốt đẹp, tinh tiến tu hành thuận lợi. Nhưng cũng có người thích lối sống buông thả; hoặc đắm nhiễm trong năm dục sống phóng túng, chẳng chịu nỗ lực tu hành. Cho dù họ gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, nhưng nếu có người bỗng đến hủy nhục mắng chửi, hoặc xem thường, hoặc gây tranh cãi làm kích động ý chí của họ, làm cho họ quay đầu lại, tinh tấn tu hành, phấn đấu vươn lên thành tựu đạo nghiệp, sự nghiệp; đây chính là nghịch tăng thượng duyên. Thế gian có rất nhiều nguyên nhân âm mưu hãm hại người khác, nhưng họ chuyển họa thành phúc cũng rất nhiều.
Xưa kia có một người phụ nữ trung niên rất xinh đẹp, nhưng ả quen sống buông thả dâm đãng, hành vi lẳng lơ, ăn mặc khêu gợi. Ả có tình nhân bên ngoài, tất nhiên ả không hài lòng người chồng của mình. Ả nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi muốn hãm hại chồng mình, nhưng chưa có cơ hội để ra tay.
Một hôm, thời cơ đã đến, vì chồng ả được nhà vua cử đi sứ đến nước khác. Ả liền làm năm cái bánh có tẩm thuốc độc, giả bộ buồn rầu nói với chồng:
- Thưa tướng công! Lần này, chàng đi sứ ra nước ngoài, thiếp lo cho chàng đi đường sẽ đói, nên thiếp làm năm cái bánh này, chàng hãy mang theo khi đói lấy ra dùng.
Người chồng nói:
- Hiền thê! Ta cảm ơn nàng vô cùng, ta rất quý trọng nó sẽ mang theo luôn bên mình.
Sáng hôm sau, anh ta lên đường. Khi anh ta đi đến vùng biên giới thì mặt trời đã lặn xuống núi, lại không có nhà trọ để nghỉ chân, anh ta đành phải nghỉ dưới bên gốc cây, vì sợ thú dữ nên trèo lên cây ngồi nghỉ. Lúc đó, anh ta muốn lấy bánh vợ đã chuẩn bị đem ra ăn thì phát hiện bỏ quên túi xách ở dưới gốc cây, anh ta định trèo xuống lấy tay túi xách lên thì ngay lúc này có năm tên cướp đang đi tới gốc cây. Năm tên này lấy trộm rất nhiều châu báu và ngựa giỏi của vua nước láng giềng.
Năm tên cướp đi đường xa vừa mệt vừa đói, nên chúng đến ngồi nghỉ bên gốc cây. Bỗng chúng phát hiện một túi xách, liền vội mở ra, bên trong ngoài y phục còn có năm cái bánh. Bọn chúng liền chia nhau mỗi thằng một cái ăn ngay tại chỗ. Không ngờ, bánh có chất độc cực mạnh, chưa qua một phút, cả năm tên kêu la lăn lộn, tai miệng đều trào máu ra chết lập tức.
Sứ giả ở trên cây nhìn thấy năm tên cướp vô cùng sợ hãi, không dám nhúc nhích. Đợi mãi khi đến sáng thì anh ra thấy năm tên đã chết từ khi nào, anh ta cũng không biết vì sao bọn chúng chết.
Sứ giả thấy rất nhiều châu báu và ngựa giỏi, nghĩ chắc bọn cướp lấy từ trong cung vua, nên gom hết châu báu đặt trên lưng ngựa chở đến nước láng giềng. Anh ta đi được nửa đường nhìn thấy ở phía trước một toán binh lính cưỡi ngựa rầm rộ đang đi về phía mình. Anh ta nghĩ chắc là binh lính của nhà vua nên muốn đến gặp vua để trình bày rõ sự việc về số châu báu và ngựa giỏi.
Nhà vua đưa anh ta về cung hỏi:
- Ngươi là người nước nào? Được số châu báu này ở đâu?
Anh ta thưa:
- Tâu bệ hạ! Thần ở nước đó, vâng lịnh nhà vua đi sứ đến nước ngài, giữa đường…
Nhà vua nghe sứ giả trình bày sự việc vô cùng cảm động, nên ban cho anh ta rất nhiều châu báu, lại phong làm quan. Nhưng những cận thần hầu vua lâu năm rất ghét anh ta. Một hôm, có một đại thần đến thưa:
- Tâu bệ hạ! Gần đây có một con thú dữ, thường đến xóm làng phá hại dân lành. Xin bệ hạ hãy cử sứ giả nước ngoài đến giết thú dữ là hợp lý nhất. Thần không biết ý của ngài như thế nào?
Vua nói:
- Rất tốt! Trẫm đồng ý!
Do đó, nhà vua cử sứ giả này đi vào rừng sâu trừ diệt thú dữ. Anh ta vừa đi vào rừng thì con thú dữ xuất hiện. Anh ta sợ quá vội leo tuốt lên ngọn cây, con thú ngẩng đầu lên há miệng gầm vang khu rừng. Anh ta quá sợ hãi run cầm cập, kiếm đeo bên hông bỗng rớt xuống trúng ngay miệng con thú, nó đau đớn lăn lộn gầm rú một hồi rồi chết.
Sứ giả này lại lập công lớn được nhà vua ban thưởng, vinh quang trở về nước.

Bài học đạo lý

Câu chuyện này, sứ giả trải qua hai sự cố lại hợp tình hợp lý. Chúng ta cũng có thể nói người trung hậu hiền lành, nhất định chuyển họa thành phúc. Họa phúc ở thế gian theo nhau, trong họa có phúc, trong phúc cũng có họa. Người tâm ngay thẳng có thể chuyển họa thành phúc. Kẻ gian xảo biết có chuyển được họa thành phúc không?

Chuyện 66
Đơm hoa mà không kết trái

Lời dẫn: Người nói lý luận mà không có kinh nghiệm thực tế thì giống như biết mà không thực hành. Người thích nói những lời đường mật mà tâm không chân thật thì khác nào chỉ có lý luận cao thượng mà nhân cách thì thấp hèn. Như cây đơm hoa mà không kết trái, chỉ để ngắm nhìn mà thôi, chẳng có ích lợi thật sự.
Tục Ngữ có câu: "Nói được mà làm không được, dễ đọa mười tám tầng địa ngục". Người chỉ biết nói mà không chịu thực hành, chỉ có lý luận suông mà không có hành động thực tế; giống như "bàn việc binh trên giấy". Có người thuyết pháp hùng hồn lôi cuốn mọi người, nhưng bản thân không chịu tu hành. Người có trí huệ mà không có định lực, khi gặp tài sắc rất dễ đắm nhiễm. Vì thế, Đức Phật dạy: "Người có trí mà không có định dễ sa đọa; người có định mà không có trí chỉ tăng trưởng tà kiến". Người có thực hành tinh tiến tu tập mới có định lực; có văn, tư, tu tăng trưởng trí huệ. Chúng ta có thể thấy trí huệ và thực hành là việc cần nên làm.
Ngày xưa có một người chuyên nghiên cứu học vấn đi biển. Nếu như giảng nói về việc đi trên biển thì hắn nói rõ tường tận "khi gặp gió lớn phải lái thuyền đi như thế nào; gặp nước chảy xiết phải lái thuyền làm sao; khi thuyền cập bến; hoặc thuyền chạy ngược dòng phải ứng phó như thế nào v.v…hắn đều thuộc làu, nói thao thao bất tuyệt" giống như thủy thủ lái tài vĩ đại, làm cho mọi người vô cùng khâm phục.
Gặp việc đúng lúc, khi các thủy thủ ra biển chưa được một tháng thì thủy thủ lái tàu ngã bệnh, bệnh càng ngày càng nặng, cuối cùng anh ta vĩnh viễn ra đi. Vị thuyền trưởng nhìn biển cả mênh mông, chỉ trong thời gian ngắn mất đi thủy thủ lái tàu, mọi người đều buồn lo nhưng không dám nói ra. Lúc đó, gã chuyên nghiên cứu đi biển hùng hồn nói với các thủy thủ:
- Các anh đừng sợ có tôi đây, tôi sẽ lái tàu bảo đảm an toàn.
Mọi người không còn cách nào khác, đành phải giao buồng lái cho hắn điều khiển.
Lúc này, hắn gánh trách nhiệm nặng nề, biết bao mạng người nằm trong tay hắn. Hắn ngồi chễm chệ trong buồng lái ra vẻ ta đây tài giỏi, cũng lái tàu chạy bên này, quẹo bên kia. Tàu chạy được một đoạn thì bị chòng chành, dường như hắn cũng chưa quen điều khiển. Khi tàu sắp cập bến, hắn không phanh tàu dừng lại được, lại chạy thẳng ra ngoài khơi, lao vào đá ngầm. Kết quả, thuyền bị vỡ tan tành, chìm xuống đáy biển, mọi người trên thuyền không còn ai sống sót.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Khổng Tử nói: "Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết". Không nên mình không biết mà cố cho mình biết. Người thông minh lại bị sai lầm của sự thông minh. Ngược lại chúng ta làm việc biết một phần làm một phần, biết hai phần làm hai phần, mới là người làm giỏi, và cũng làm người thành công. Người không biết mà cố nói biết; hoặc không biết rõ sự việc mà cố nói biết; chẳng những tự mình làm sai mà mọi người làm theo cũng sai. Đó là một thằng mù dắt nhiều thằng đui; hay thích làm thầy mọi người; hoặc tự cho mình thông minh, đều là hại mình hại người.
Phật pháp là biết, hiểu và thực hành. Có người chỉ đọc vài quyển kinh, liền đi khoe khoang khoác lác, ta đây hoằng dương giáo pháp, chuyển đại pháp luân, được cảm ứng hoa trời rơi xuống lả tả. Nhưng phương diện tu trì, đức hạnh lại rỗng tuếch. Họ dạy mọi người tinh tiến tu hành mà bản thân mình không chịu tu; dạy người bố thí làm phúc đức mà tự mình lại chạy theo danh lợi, tài sắc càng nhiều càng tốt; đạo đức tu hành chẳng dính chút nào. Họ đem Phật pháp làm hàng hóa kinh doanh mua bán. Than ôi! Buồn thay, đời mạt pháp!
Ngoại đạo nhìn thấy Phật pháp thù thắng, có nhiều tín đồ như thế, nên muốn hưởng ké. Họ học lén nghi thức của Phật pháp để ứng dụng; hoặc đem giáo lý của Phật pháp chỉnh sửa lại rồi nói đây là Phật pháp kiểu mới, hay hơn kiểu cũ; lại cũng là tinh yếu trong Phật pháp, chân lý bí quyết, cơ trời, trời ban. Bọn chúng tha hồ thổi phồng, tất nhiên có quảng cáo thì có người mua, phải không?
Kì thực, bọn chúng làm đảo lộn Phật pháp, khiến cho mọi người cho rằng Phật pháp bị xen tạp không thanh tịnh, chân chính. Nếu như người hiểu biết không chính xác, tin theo không đúng thì không có mục tiêu phương hướng đúng đắn, tương lai không có chỗ trở về thực sự, mới là điều oan uổng rất lớn.
Học Phật pháp quý ở sự tu hành, có giới, định, huệ. Nhưng có người chỉ cần biết nghi thức Phật pháp để tụng tán kiếm tiền là được rồi. Có người nương theo Phật pháp để thu hút tín đồ cho đông, chẳng những bản thân mình không chịu tu hành mà không biết dạy mọi người tu hành như thế nào, chỉ cần làm nổi bật bề ngoài là được. Có người chỉ cần ở trước tượng Phật lạy lục cầu khẩn, tín đồ đến lạy theo là được; những điều này, đều là đơm hoa mà không kết trái. Vì thế, muôn sự ở thế gian, cần phải có lý luận, có thực nghiệm, có đơm hoa, có kết trái, mới có lợi ích thật sự.

Chuyện 67
Vợ chồng giành ăn

Lời dẫn: "Con người là tối linh trong muôn vật" nên phải có lý trí, có lương tâm mới đúng. Nhưng có lúc, họ vì một mục đích nào đó mà đánh mất lý trí, lương tâm là chuyện thường xảy ra. Trong lịch sử, Trụ Vương sủng ái Đát Kỉ; Lệ Vương sủng ái Muội Hỉ mà chém giết rất nhiều trung thần; cuối cùng giang sơn cũng mất. Vì sao? Họ không có lý trí? Hay không có lương tâm? Xưa nay, bọn gian thần mưu mô xảo quyệt, tham ô, lừa đảo mọi người. Bọn chúng có lý trí và lương tâm không? Đều là hồ đồ nhất thời, sa đọa vạn kiếp không thể vươn lên.
Có người vì việc lớn, hay vì tương lai của mình mà giả điên giả khờ. Như Tôn Tẫn ở thời đại chiến quốc vì để giữ toàn sinh mạng mà giả điên ăn phân, mới thoát khỏi bàn tay hiểm độc của Bàng Quyên; cuối cùng Tôn Tẫn cũng thành tựu chí lớn. Chúng ta xem diễn viên trên truyền hình, phim, hay kịch nói. Có lúc họ giả cười, giả khóc, giả điên ngây dại như thật, nên mới thu hút nhiều khán giả hâm mộ, đều là gì?
Ngày xưa có cặp vợ chồng nọ rất ham ăn. Một hôm, bà hàng xóm đi chợ mua thức ăn, sẵn dịp bà mua luôn một bao bánh, gặp vợ chồng này bà cho họ ba cái. Vợ chồng chia mỗi người ăn một cái, còn lại một cái, vợ muốn cầm lên ăn, nhưng chồng bảo:
- Ta là chồng của nàng, là trụ cột trong gia đình, nên ta đáng ăn cái bánh này.
Do đó, gã chồng định cầm bánh lên ăn. Mụ vợ liền ngăn lại:
- Đàn ông các anh thường bù khú bên ngoài nhậu nhẹt ăn uống, nên cái bánh này phải nhường cho thiếp.
- Làm phận đàn bà phải biết tam tòng tứ đức[4] bất cứ việc gì đều phải nhường cho chồng, mới là vợ hiền; nàng hãy nhường cho ta ăn cái bánh này.
- Chàng làm chồng phải biết thương yêu vợ, phải quý thân liễu tay yếu chân mềm, mới là người chồng tốt; cho nên, chàng để thiếp ăn cái bánh này.
- Chỉ một cái bánh mà chúng ta tranh cãi hoài, cũng chẳng giải quyết được gì, chi bằng chúng ta thi cá độ một lần nàng bằng lòng không?
- Thi cá độ là như thế nào?
- Chúng ta hãy đặt cái bánh ở giữa, ta ngồi một bên, nàng ngồi một bên, không được cựa quậy, cũng không được nói. Người nào động đậy hay nói trước là thua, người thắng được ăn bánh. Như thế có được không?
- Được! Lời nói như đinh đóng cột nhé!
Do đó, hai vợ chồng ngồi im từ sáng đến tối vẫn không ăn uống, cũng không đi đại tiểu tiện. Lúc đó, có tên trộm đi ngang qua, nhìn thấy vợ chồng ngồi cứng đơ một chỗ, liền lén vào nhà trộm đồ.
Cả vợ chồng đều thấy tên trộm vào, nhưng vì thi cá độ ăn bánh nên ai cũng giả như không thấy, cũng không hỏi không nghe. Tên trộm lấy hết đồ đạc, của cải trong nhà bỏ vô bao, hắn lặng lẽ đi ra, cả hai đều thấy. Lúc này, mụ vợ nhịn không được, quát to lên:
- Thằng chó chết! Đồ đạc trong nhà của chúng ta để tên trộm lấy đi hết mà còn ngồi lì ra đó, mau chạy ra bắt tên trộm đi!
Chồng vui mừng reo lên:
- Hay quá! Ta thắng rồi!
Gã chẳng đếm xỉa đến chuyện bắt tên trộm, chỉ lo đưa bánh vào miệng nhai, còn vênh váo hét to:
- Ta thắng rồi! Ta thắng rồi!

Bài học đạo lý

Vợ chồng này thắng cái gì? Chỉ thắng được một cái bánh mà của cải trong nhà bị tên trộm vơ vét sạch. Thế gian có người nào ngu xuẩn như thế không? Đây chẳng qua là câu chuyện thí dụ. Dụ cho mọi người ở đời, hàng ngày luôn bận rộn tính toán tranh giành. Vì cái gì? Vì ăn ba bữa? Hay gom góp của cải? Địa vị danh vọng, giàu sang? Những thứ này đều như mộng huyễn, bọt nước; giống như một cái bánh mà thôi. Nhân cách, đạo đức và trí huệ của mỗi người là tài sản vô lượng. Con người chỉ tính toán tài sản mộng huyễn hữu hình, đánh mất tài sản vô hình mà chẳng biết.
Thực sự, thân này phải cần cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, phương tiện đi lại. Gia đình quyến thuộc cũng phải cần vàng bạc, của cải để phòng thân. Chúng ta có tài sản hữu hình để tha hồ hưởng thụ ngay hiện tại. Nhưng tài sản vô hình là nhân cách, đạo đức, huệ mạng không nhìn thấy được, sờ không được; cuối cùng có sử dụng được nó không, vẫn không biết. Vậy cần gì bỏ gần tìm xa, để tìm tương lai mờ mịt như thế?
Đây là vấn đề tín ngưỡng, vấn đề trí huệ, cũng là vấn đề tầm nhìn xa rộng. Người có nhân cách, có đạo đức, có trí huệ thì mới có thể hưởng thật sự, không cần cầu vào tương lai; tương lai lại càng hưởng mãi không hết cũng là sự thật. Nếu là người thông minh thì tự mình có thể suy xét, tự mình chọn lựa tiền đồ cho chính mình, chọn đúng thì tương lai hưởng mãi không hết. Nếu chúng ta chọn sai thì đau khổ vô cùng. Câu chuyện này cho chúng ta một bài học sâu sắc.

Chuyện 68
Hận thù khó quên

Lời dẫn: Cổ đức dạy: "Giết địch một vạn, ta mất ba nghìn", đây là nói về thắng lợi. Nếu như binh lực ta và địch ngang nhau có thể cuộc chiến bất phân thắng bại. Còn binh lực của ta yếu hơn không bằng đối phương thì cũng có thể tất cả quân ta đều bị tiêu diệt, hận thù cũng như thế. Khi chúng ta nổi tức giận, giống như đao nhọn đâm vào mình, như ngọn lửa đang thiêu đốt thân ta. Lúc đó, chúng ta tự hạ thấp đạo đức và nhân cách của mình, cũng đánh mất lý trí. Làm sao làm được việc tốt? Hậu quả sự việc lại như thế nào? Nếu như chúng ta bình tĩnh suy xét sự việc lại lần nữa thì có thể thắng lợi. Tự mình trả giá bao nhiêu? Bị tổn hại bao nhiêu?
Ai mà không quý trọng bản thân mình, nhưng khi ma vương sân hận nổi lên chiếm trong lòng chúng ta, chúng ta bất chấp tất cả, làm những việc điên cuồng mà tự mình không muốn, tự hại mình và hại người. Kết quả là kết oán thù nhiều đời nhiều kiếp trong tương lai mà chúng ta không biết được. Nó khiến chúng ta tính toán tranh đoạt, nó bảo chúng ta tạo các ác nghiệp, chúng ta bị nó lừa gạt lại không biết quay đầu, còn tự cho là trời sinh tự nhiên phải không?
Ngày xưa có anh A. Một hôm trong buổi đãi tiệc, anh bị một đại thần hủy nhục ngay tại chỗ làm cho anh không chịu được. Hắn khinh khi nói:
- Hôm nay, khách của ta đến, đều là những người có địa vị uy tín và biết lịch sự, lễ phép. Chỉ có những kẻ thấp hèn không biết lễ phép, lịch sự không mời mà đến ngồi trong bữa tiệc như thế này; quả thật làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ. Kẻ thấp hèn này lại ngồi đối diện với ta, làm cho ta nôn mửa, ăn không vô. Các bạn thấy có xui xẻo không? Ha ha…
Anh giận run lên quát:
- Mày hơn tao được bao nhiêu? Chẳng qua mày được làm quan đương triều, giàu có ở vùng này, nên tỏ ra ta đây chứ gì?
- Mày ở đây mà không phục tao phải không? Không phục thì hãy nếm quả đấm của ông đây!
Do đó, anh A vô duyên vô cớ bị đánh một trận. Anh ta hét lên:
- Mối hận này ta không bao giờ quên.
Vì thế, trải qua hơn mười mấy năm anh ta ăn không ngon, ngủ không yên giấc luôn nghĩ đến mối hận, nhưng chưa tìm được cơ hội báo thù; cho nên, anh ta đau khổ suốt mười mấy năm, lại bị lửa sân hận thiêu đốt ngần ấy thời gian.
Một hôm, tình cờ anh gặp người bạn hỏi:
- Anh A sao thế? Tôi nhìn thấy sắc mặt anh sầu khổ suốt ngày. Anh có tâm sự gì không? Nếu có tâm sự nói ra thử xem, không chừng tôi nghĩ cách giúp được anh đó.
Anh ta được dịp trút hết nỗi oán hờn, ôm hận suốt mười mấy năm; anh ta kể lại đầu đuôi câu chuyện cho người bạn nghe. Người bạn hỏi:
- Vậy anh muốn trả thù phải không?
Anh A đáp:
- Đúng thế! Suốt mười mấy năm, tôi luôn nhớ đến mối thù này. Anh có cách nào giúp tôi không?
- Có rồi, nhưng anh cũng phải trả giá rất đắt.
Người bạn ấp úng không dám nói ra. Anh A hối thúc:
- Anh cứ nói ra đi, cho dù trả giá như thế nào tôi cũng bằng lòng.
Người bạn nói:
- Có một loại ma chú, gọi là chú Tì-đà-la, uy lực rất mạnh, có thể hại được kẻ khác. Nhưng khi anh trì chú, tuy hại được đối phương mà đồng thời cũng hại chính mình. Anh hãy suy nghĩ kĩ có nên đem đau khổ của mình để hại kẻ thù; hoặc đem sinh mạng của mình để hại sinh mạng đối phương.
- Bất cứ giá nào tôi cũng phải trả thù, tôi bằng lòng làm thử việc này.
Do đó, anh ta trì chú Tì-đà-la để trả thù đối phương cũng là hại mình. Kết quả, hai bên cùng chết, tâm sân hận hại người thật là khó trừ.

Bài học đạo lý

Các vị đại đức! Tất cả chúng sinh đều có tâm sân hận, sai khác nhau là nhiều hay ít. Khi sân hận nổi lên, chúng ta quên mất chính mình, đánh mất lý trí. Lúc này, nếu như chúng ta suy nghĩ lại: "Ta có làm điều gì sai không? Hay là do người đó. Vì sao họ đối xử với ta như thế? Chúng ta bình suy nghĩ kĩ, then chốt vấn đề ở đâu? Thiên hạ không có việc gì mà không giải quyết được".
Chỉ có người đánh mất lý trí; hoặc thích làm theo ý của mình thì mới xảy ra tranh cãi không thể hòa giải được, nên cả hai đều thiệt hại. Chúng tôi nói xa hơn một chút, sẽ kết oán thù nhiều đời nhiều kiếp, cũng chỉ vì việc rất nhỏ mà dẫn đến. Như thế, người đời sân hận, chẳng phải giống như chú Tì-đà-la? Cho dù bạn thắng cũng tốt, thua cũng được, nhưng đều phải trả giá rất đắt. Tại sao chúng ta cứ sân hận? Làm thế nào có thể tiêu diệt được sân hận?
Đức Phật dạy: "Một niệm sân hận khởi, liền mở tám vạn cửa chướng ngại". Cho dù người có lý trí, có thông minh, có học vấn; nhưng khi sân hận bốc lên thì lý trí bị che lấp làm việc không theo đạo lý, cũng không nghĩ đến hậu quả, dẫn đến làm những việc bất trung, bất nghĩa, bất hiếu. Nếu như người nào luôn ôm mối hận thù thì hàng ngày có ăn sơn hào hải vị cũng chẳng thấy ngon. Còn người tâm an lạc, cho dù ở rừng sâu núi thẳm, ăn uống đạm bạc mà vẫn sống vui vẻ. Vì sao? Vì họ không có phiền não khổ đau, không có sân hận. Vì thế, mọi người không có sân hận là đời sống thanh nhàn. Kẻ ôm sân hận thì tâm luôn đau khổ.
Chúng ta làm thế nào diệt trừ được tâm sân hận? Chúng ta vừa hiểu rõ nguồn gốc tâm sân hận, từ nhân đến quả và quan hệ lợi hại của nó; vừa nỗ lực hành trì Phật pháp thì mới có thể hàng phục được ma vương này.

Chuyện 69
Tính xấu khó sửa

Lời dẫn: Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán. Mỗi người cũng có tính tình và thói quen của mình. Thói quen tốt đương nhiên chúng ta phải giữ gìn; thói quen xấu tất nhiên chúng ta phải sửa đổi thì con người mới có tiến bộ. Nhưng có người cố chấp tính tốt không chịu giữ mà ôm tính xấu ngày càng bành trướng ra. Điều bất chính là nhược điểm rất lớn của nhân loại.
Thuở xưa có một gã thanh niên nhờ cần cù làm việc, sống tiết kiệm trở nên khá giả. Nếu như hắn tiếp tục siêng năng làm việc như thế thì nhất định sẽ giàu nứt đố đổ vách. Nhưng con người có nhược điểm "khi có tiền rủng rỉnh trong túi thì ra tệ nạn". Nếu như hắn lập gia đình chí thú làm ăn thì chẳng có chuyện gì để nói. Nhưng tính xấu của con người đường thẳng không chịu đi lại vào đường gập ghềnh quanh co. Con người khi nghèo thiếu thì lo phấn đấu làm việc tìm cơm ăn, áo mặc, nhà ở; khi cuộc sống đầy đủ, sinh ra cờ bạc, nhậu nhẹt bê tha. Chúng ta học điều tốt thì rất khó, nhưng học theo thói hư tật xấu lại rất dễ dàng. Nếu cứ sống buông thả theo thói quen, nhiễm lâu ngày thật khó bỏ.
Gã thanh niên này, không chỉ biết nhậu nhẹt bê tha mà tất cả thói hư tật xấu của con người hắn đều có đủ, như việc làm thì tự tư tự lợi chỉ biết bản thân mình, một chút cảm thông với mọi người cũng chẳng có, muốn bóc lột mọi người để mình được lợi, dễ nổi giận, tính tình nhỏ mọn, không biết phải trái, thường tranh cãi với mọi người. Nói tóm lại, tất cả thói xấu ở đời, hắn đều hội đủ. Đây là bản tính tự nhiên, hay là thói quen? Là do tiêm nhiễm từ đời này, hay do tích tập từ đời trước?

Bài học đạo lý

Người Trung Quốc có rất nhiều truyền thống phong tục tập quán, như việc tang, cưới đều có những điều kiêng kị và nghi lễ. Việc cưới vợ gả chồng phải chọn ngày lành tháng tốt, phải nói điều tốt đẹp, kị nói những điều không hay, phải lấy cành trúc buộc lại để cúng tế, treo một miếng thịt heo cúng cọp trắng, dùng mộc bát quái để cúng tế, lấy vải lụa màu hồng cột xe hoa, bên cửa treo một củ cải; biểu thị màu sắc đẹp v.v…Đều là truyền thống tập quán, làm như thế thì vợ chồng sống hòa thuận hạnh phúc; còn ngược lại là bị xung khắc.
Việc tang cũng có rất nhiều điều kiêng kị và nghi lễ. Trước tiên phải chọn ngày, giờ nào có thể nhập liệm, di quan, đưa đám, cúng bảy thất, cúng một trăm ngày, cúng lễ tiểu tường và đại tường, mua nước tắm thân thể, phải đốt vàng mã liên tục, thắp đèn sáng suốt ngày đêm. Khi di quan con cháu phải quỳ trước nhà, mời người bên ngoài đến đóng đinh, con cháu phải lạy đầu heo. Lúc đưa quan tài đi, trên đường rải tiền giấy giả liên tục, cầm ngọn đuốc cháy sáng. Cúng sơ thất là bảy người nam, cúng thất thứ ba là bảy người nữ, cúng thất thứ năm là bảy đứa cháu. Con trai thì mặc đồ vải sô, con gái thì bịt khăn tang, vẫn để kho tiền, đập bồn máu, phá địa ngục v.v…Con gái phải khóc lóc, kể lể. Khi ăn phải đứng, trong một trăm ngày không được cắt tóc, không được mặc y phục màu đỏ, xanh v.v…nghi thức rất nhiều. Tục Ngữ có câu: "Không thêm lệ mới, không bỏ lệ cũ". Vì thế, không có người nào dám sửa đổi những nghi thức này.
Đi xa, xây nhà cửa, đặt đòn dông, về nhà mới, tổ chức sinh nhật đều phải chọn ngày, lại phải đãi mời khách. Cưới vợ, gả chồng, cúng đầy tháng cho con, việc tang, đi xa trở về, chúc thọ cha mẹ v.v…đều phải mời đãi khách.
Thời xưa, xã hội nông nghiệp có thể nói mọi việc đều dựa vào thần ban phúc, cũng lễ lạy, hay cúng thức ăn ngon. Nhiều lần, có kẻ ỷ vào thần gây họa, kiếm tiền nhưng dùng đãi khách. Tục Ngữ có câu: "Đạo lý đối nhân xử thế, giúp đỡ người chu đáo, cho cơm ăn áo mặc đầy đủ." Như thế, lạy thần là lạy đến cùng. Đây là thói quen tốt hay thói quen xấu? Người ỷ có tiền giao tiếp bạn bè rộng rãi, kẻ không tiền thì thảm hại.
Muôn sự ở đời đều dựa vào lý trí mà chọn lựa tà chính, không thể theo phong tục tập quán từ xưa mà không thể sửa đổi. Sửa đổi tính xấu làm cho con người tiến bộ, thói xấu là mê tín của con người. Chẳng những người Trung Quốc có mê tín mà người nước ngoài cũng có nhiều thói xấu và mê tín. Nếu như thời đại khoa học kĩ thuật, người đời sau phổ biến học thuyết của người đời trước là tiến bộ, nhưng luôn y theo tập tục mê tín, không thể sửa đổi. Vì sao? Đây là vấn đề chúng ta cần tìm hiểu.

Chuyện 70
Nếm thử hết trái cây

Lời dẫn: Nước biển tuy mênh mông, nhưng chúng ta chỉ nếm một giọt là biết vị mặn của nước biển. Mọi người đều có tay, chân, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý cùng giống nhau. Đất, nước, gió, lửa khắp thế giới này cũng không khác nhau; mặc dù nó có thay đổi hình dáng, nhưng bản chất của nó vẫn như vậy. Trăng sáng ở nước ngoài cũng không thể tròn hơn và sáng hơn ở nơi đây. Mỗi đồ vật vì thời gian và nơi chốn không giống nhau, nên có khác đôi chút, nhưng bản chất của nó cũng giống như vậy.
Có người nghe một biết mười. Có người nghe một biết hai. Có người vừa nghe qua liền giác ngộ. Nhưng có người chỉ nói một câu giảng đi giảng lại nhiều lần mà vẫn không hiểu. Có người mới thấy biết liền. Có người thấy nghe nhiều lần vẫn không biết. Con người giống nhau, nhưng vì sao sự hiểu biết khác nhau rất lớn như thế. Có người nói là trời sinh tự nhiên. Có người nói số phận như thế. Đức Phật dạy đều có nhân duyên đời trước.
Ngày xưa có một trưởng rất giàu, thường ngày ông rất thích ăn trái cây. Có một vườn trái cây cách nhà ông không xa, nên ông thường sai người đến đó mua về. Một hôm, ông gọi người hầu mới đến đi mua trái cây. Ông dặn:
- Con hãy lựa những trái chín thơn ngọt, đừng lấy những trái sống chua chát.
Tên hầu ngoan ngoãn đáp:
- Thưa ông chủ! Nhất định con sẽ mua những trái chín thơm ngọt về cho ông.
Tên hầu đến vườn trái cây, liền hỏi chủ vườn:
- Ông ơi! Trái cây ở đây có chín thơm ngọt không?
Chủ vườn đáp:
- Đúng thế! Ở đây chúng tôi bán trái cây đều chín thơm ngọt.
- Ông vui lòng cho tôi nếm thử được không?
- Được! Xin mời anh!
Thế là, tên hầu hái xuống, cắn nếm hết trái này đến trái khác. Kết quả, một đống trái cây, hắn hái xuống đều cắn nếm thử hết. Nếu như hắn nếm thử một, hai trái thì chủ vườn sẽ không tính. Nhưng hắn cắn nếm thử hết một đống trái cây, nên chủ vườn bắt hắn mua hết. Vì thế, hắn mua hết chở về nhà.
Khi hắn về đến nhà, trưởng giả thấy đống trái cây đều cắn qua hết, liền hỏi:
- Việc này là thế nào?
Hắn trả lời:
- Thưa ông chủ! Chẳng phải ông đã dặn con mua tất cả trái cây chín thơm ngọt?
- Đúng vậy!
- Vì thế, mỗi trái con đều cắn nếm thử, bảo đảm với ông đều thơm ngọt tuyệt vời.
- Trái cây mà ngươi đem cắn hết, làm sao ăn được?
- Con không cắn làm sao biết được nó thơm ngọt.
Trưởng giả tức giận đùng đùng nhưng không nói được, ông cũng không biết xử lý đống trái cây này như thế nào cho ổn thỏa, đành sai người ném hết vào đống rác.

Bài học đạo lý

Con người sinh ra ở đời đều có kiến thức, tư tưởng đều không giống nhau. Người có kiến thức nghe một biết mười, xử lý sự việc đều rõ ràng hợp tình hợp lý, bất cứ việc gì cũng làm cho mọi người hài lòng. Kẻ ngu nói đông hiểu tây, bảo đi phía nam, lại khư khư đi về hướng bắc. Bất cứ việc gì cũng làm theo tư tưởng và cách nhìn của họ, không chịu nghe theo ý kiến của người khác, vừa ngu si, vừa cố chấp. Hạng người này khó mà thành công được. Có ai dám nhắc nhở họ không?
Mỗi người đều có cá tính của riêng mình, nhưng có tà, có chánh. Mỗi người đều có lý luận của mình, nhưng có lý luận chính đáng và không chính đáng, có đúng và không đúng. Có ai cam đảm thừa nhận mình sai? Ngày xưa, các bậc Thánh hiền xuất thế; tư tưởng và cách nhìn của các ngài làm tấm gương cho chúng ta noi theo. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm để lại hơn chín mươi quyển kinh điển, chúng ta theo đó làm người, làm việc, tu tâm, tu hành. Nếu chúng ta không theo kinh thì như thế nào?
Đức Phật dạy: "Muôn sự muôn vật ở thế gian, có nhân ắt có quả". Kẻ không sợ nhân quả thì chúng ta phải làm thế nào? Chỉ có tự mình gây nhân thì tự mình chuốc quả. Nếu họ cố tình chống lại pháp thì làm sao? Đức Phật dạy: "Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh". Vì Phật tánh của họ bị mê muội nên để năm dục tài, sắc, danh, thực, thùy quấy nhiễu. Hoặc trí thức của họ bị mê muội sai khiến.
Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, bị luân hồi trong sáu đường, đã từng nếm mùi đau khổ, hạnh phúc. Làm người sống ở thế gian suốt mấy mươi năm ai mà không nếm mùi đắng cay cuộc đời, không biết họ có khả năng giác ngộ "thấy khổ sinh tử mà phát tâm Bồ-đề" không? Hàng phàm phu chúng ta ở trong sáu đường luân hồi, không biết khi nào mới thoát khỏi sinh tử?
Chỉ có người học Phật mới giác ngộ "thấy khổ sinh tử mà phát tâm Bồ-đề" thì mới có thể lợi mình, lợi người, tự mình giác ngộ, dạy người khác giác ngộ. Người chưa giác ngộ, dù họ có nếm nhiều mùi khổ vui trong sáu đường luân hồi thì giống như gã khờ trong câu chuyện nếm hết trái cây, có chỉ bày cho nó biết cũng uổng công thôi. Người có trí huệ thì nếm quả an vui. Kẻ ngu si thì nếm quả khổ. Chúng ta phải chọn lựa một con đường phải không?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]