Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thấy Phật A Súc

10/05/201320:18(Xem: 12065)
Thấy Phật A Súc

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Thấy Phật A Súc

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

1- Pháp quán Phật thân


Tựa phẩm này là “Kiến A-súc Phật”, và toàn phẩm này hàm ngụ ý: Phải thấy Phật qua con mắt nào? Trước tiên, chữ A Súc (Axobya) nghĩa là Vô động, Bất động. Phải nhìn bằng cái không động, không động đây chẳng phải là cái Tĩnh đối với Động, mà là cái tịch nhiên vắng lặng vượt ngoài cả Động - Tĩnh.
Mở đầu, đức Phật hỏi Duy-ma-cật:
- Ông dùng cách gì để thấy Phật?
Duy-ma-cật đưa ra pháp quán Thật tướng của thân. Hỏi về Phật mà đưa thân mình làm đầu đề, có phải là một sự vô lễ? Để cho thấy tính cách bình đẳng giữa Phật và chúng sanh, cho nên nói: “Như quán thật tướng của thân, quán Phật cũng vậy”. Đây cũng là khẳng định Phật hiển hiện qua mọi nơi, mọi lúc, không tự khi mình, thái độ của bậc Đại sĩ.
Quán Thật tướng như thế nào? Không đến, không đi, không trụ, không phải sắc, không phải không, không có dấu vết của sáu cửa ra vào (sáu cơ quan tiếp xúc sáu trần mà không để lại dấu vết, không lưu giữ hình ảnh). Không phải một tướng duy nhất, chẳng phải nhiều tướng khác nhau. Không phải bờ này, không phải bờ kia, chẳng ở giữa dòng…, chẳng tịnh chẳng uế…, chẳng tham chẳng thí…, không ra không vào…
Tất cả một đoạn kinh này đã nói lên ý nghĩa chữ “Vô Động”, tức là không kẹt trong bất cứ một ý niệm ngôn từ, không thể dùng một hình thái nào để gọi đó là Phật. Nhà Thiền cũng có một lời khuyên phù hợp: “Chỗ không Phật cứ đi qua, chỗ có Phật chẳng đứng lại”, giúp chúng ta cởi bỏ nốt cái chấp trước vào danh từ đẹp nhất là “Phật”. Khi không còn một ý niệm, không còn đối đãi dấy lên, đó chính là Phật A-súc hiện tiền.
Duy-ma-cật kết luận: Thân của Như Lai là như thế, quán như thế là Chánh quán, nếu quán khác gọi là Tà quán.
Kinh Kim Cang có câu:
Nếu dùng sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.

2- Duy-ma-cật đến từ đâu?


Vào đầu đoạn này, Xá-lợi-phất hỏi một câu dường như tương phản với những điều đã trình bày ở trên:
- Ông chết ở đâu mà đến sanh đây?
Câu hỏi có chết sống, có nơi chốn rời bỏ đến và đi, Xá-lợi-phất cố ý không hiểu lời đối đáp của Duy-ma-cật với Phật ở trên chăng?
Thật ra đây chỉ là một cách giới thiệu khéo léo về đề tài “Vô Động”. Duy-ma-cật hỏi:
- Pháp mà Ngài đắc được (có nghĩa là chân lý) có chấm dứt và sanh ra chăng?
Đáp:
- Không.
Nếu các pháp không có tướng chết đi và tướng sanh ra thì tại sao hỏi tôi câu ấy? Thí như nhà ảo thuật biến ra người nam nữ, người do sức biến hóa có chết-sống chăng? Câu này ngụ ý nhắc chúng ta rằng thấy có chết đây sanh kia là thấy như huyễn, sống chết đều như huyễn, đều bất động trong cái vắng lặng, giống như thấy có bọt nước nổi chìm trong biển bao la. Bọt nước nổi chìm trăm ngàn lần cũng chỉ là trong cái tịch tịnh an nhiên của biển.
Phật giới thiệu Duy-ma-cật đến từ nước Diệu Hỷ, một cõi nước của Phật Vô Động. Đến từ chỗ Phật Vô Động thì cũng như không đến. Vậy mà Xá-lợi-phất ngạc nhiên: “Sao lại có người chịu bỏ cõi thanh tịnh để vui lòng sanh ở nước nhiều sân hận này?”
Vì cõi kia là cõi Diệu Hỷ, cõi này là cõi khổ đau. Nếu còn thấy có đây kia và có vui đối với khổ, là còn chưa hiểu hết ý “Vô Động”. Duy-ma-cật đáp bằng thí dụ: Mặt trời chiếu sáng chỗ tối, Bồ-tát đến chỗ khổ đau để giải trừ tối tăm phiền não cho chúng sanh. Ánh sáng chiếu soi chỗ bụi nhơ tăm tối nhưng ánh sáng không bị bụi nhơ, không bị tăm tối, Bồ-tát tuy sanh trong cõi nhơ uế nhưng không bị cấu nhiễm.
Đoạn này để khích lệ các vị phát tâm Bồ-tát, không sợ sanh tử, không sợ phiền não, đi khắp nơi chốn với một tâm an nhiên. Một tâm an nhiên bất động có thể ứng phó với mọi cái thô động.
Thiền sư Đại Hàm đang đọc sách trong phòng, có một tên cướp cầm đao xông vào. Sư điềm nhiên hỏi:
- Ngươi cần đòi tiền hay cần đòi mạng?
- Cần tiền.
Sư thảy ra bọc tiền bảo cầm đi, tên cướp vừa quay lưng, Sư kêu:
- Hãy khoan! Khi ra ngoài nhớ đóng cửa cẩn thận.
Sau đó, tên này nói với đồng bọn:
- Ta từng trộm cướp nhiều mà chưa lần nào bị khiếp vía như lần đó.
Để thấy với bản tâm không động, ứng phó tự nhiên không trệ ngại mà xong tất cả.

3- Thấy Phật Vô Động


Bấy giờ đại chúng đều muốn thấy cõi nước Diệu Hỷ và Phật Vô Động. Phật bảo Duy-ma-cật hãy hiện cõi Diệu Hỷ cùng Phật - Bồ-tát - Thanh văn.
Tại sao đức Phật Thích-ca không đem cõi Diệu Hỷ đến mà bảo Duy-ma-cật hãy hiện cõi ấy? Có lẽ nếu chúng ta khôn ngoan một chút thì đã đảnh lễ đức Phật của chúng ta, vì cõi Phật và Phật đâu có xa xôi gì. Bảo hãy hiện cõi Phật, mà không bảo hãy đem cõi Phật đến, hoặc đưa chúng cõi này đi. Chúng ta thấy được sự thâm sâu ở đây: Mỗi người đều có thể hiện cõi Phật ngay tức thời, không cần phải đến đâu, đi đâu.
Một tướng quân đến hỏi thiền sư Bạch Ẩn:
- Thật sự có thiên đường, địa ngục không?
Thiền sư hỏi lại:
- Ông là ai?
- Tôi là một danh tướng.
Thiền sư cười to nhạo báng:
- Một kẻ ngu si như ông là một tướng quân à? Trông ông giống tên hàng thịt.
Tướng quân rút gươm ra. Thiền sư nói:
- Đó là địa ngục.
Tướng quân chợt nhận thấy và đút gươm vào vỏ, xin lỗi. Thiền sư nói:
- Cửa thiên đường mở rộng.
Như thế đã hiện đủ cảnh ngay nơi ta.
Duy-ma-cật lúc ấy bèn nghĩ rằng: “Ta không cần đứng dậy mà có thể cầm lấy cõi nước Diệu Hỷ cùng toàn bộ đất nước sông núi, bầu trời tinh tú, trời rồng quỷ thần, chúng Bồ-tát Thanh văn, thành phố làng xóm cùng nhân dân, đức Phật Vô Động và toàn bộ chúng hội đang tu tập, cả cõi trời cao nhất là cõi Sắc cứu cánh cho đến Thủy luân thấp nhất, đều có thể đưa vào thế giới Ta-bà, như thợ gốm ngắt một khối đất nơi tay.”
Và quả thật, Duy-ma-cật đưa toàn bộ thế giới Diệu Hỷ đặt vào thế giới Ta-bà mà không làm lay động cả hai thế giới. Đây cũng là ý nghĩa dung thông tương nhiếp của Hoa Nghiêm. Như thế, thế giới Diệu Hỷ tức là thế giới Ta-bà và ngược lại, không có tăng giảm, không ngăn ngại. Chỉ khi tâm đổi khác thì Phật và Thánh chúng hiện tiền, không cần phải rộn ràng du lịch, đã là cõi Phật Vô Động thì tự nhiên đến cũng như đi. Một đoạn kinh này như trò chơi lý thú của bậc Bồ-tát, khiến chúng ta ngưỡng mộ thần thông của Duy-ma-cật. Nhưng đôi lúc người ở nước Mỹ, vẫn có thể đem cả làng mạc xóm giềng của Việt Nam chứa đầy ký ức, dù đi đến đâu cũng đem theo được. Với tâm vọng tưởng còn có thể làm như thế, huống chi tâm thanh tịnh, sự ảnh hiện trong suốt vô ngần.
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất: “Ông thấy thế giới Diệu Hỷ và Phật Vô Động rồi chứ?” Câu hỏi này vang vọng đến chúng ta. Xin nguyện cho mọi người đều được đất nước thanh tịnh như Phật Vô Động, được sức thần thông như Duy-ma-cật.
Sa-di Cao khi mới đến chỗ thiền sư Dược Sơn, Sư hỏi:
- Ta nghe ở Trường An đất nước náo loạn, ngươi biết chăng?
Sa-di thưa:
- Nước con an ổn.
Sư hỏi:
- Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?
Thưa:
- Chẳng do xem kinh, cũng chẳng do thưa hỏi.
Nhận ra được cái an ổn nơi mình không phải từ bên ngoài, nên thiền sư Dược Sơn chấp nhận Sa-di này. Sư còn hỏi:
- Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi sao chẳng được?
- Chẳng phải họ không được, chỉ vì không chịu thừa nhận.
Ở những người không tu, vẫn có sẵn tính an ổn, chỉ vì họ không nhận ra. Đó là lời nhắc của nhà Thiền.
Lời cuối cùng là lời khen ngợi của Xá-lợi-phất, cũng là chỗ tri kỷ nhận ra nhau. Ngài rất vui khi nhận ra Duy-ma-cật, để cùng bàn luận làm sáng tỏ chân lý bất động, để làm cho chúng sanh hiện tại chứng kiến được lợi ích, chúng sanh đời sau nghe nói về điều này, tìm hiểu thọ trì cũng được lợi ích.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]