Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Quốc

10/05/201320:14(Xem: 12052)
Phật Quốc

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Phật Quốc

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

1- Giới thiệu hội chúng


Phật ở tại nước Tỳ-da-ly, vườn Am-la. Chúng Tỳ-kheo tám ngàn người, chúng Bồ-tát ba vạn hai ngàn. Trong phần Giới thiệu hội chúng, đặc biệt có đoạn mô tả các đặc tính của chư Bồ-tát. Cho thấy rằng kinh Duy Ma Cật đặc biệt chú trọng đến những người dự hội phải có những đức tính như thế. Đó là những đức tính gì? Về tự thân các Ngài đã thành tựu trí tuệ và hạnh nguyện, vĩnh viễn xa lìa phiền não (triền cái), tâm thường an trú trong vô ngại giải thoát, đầy đủ lục độ, thân tướng trang nghiêm, danh tiếng vang xa. Về phần lợi tha, các Ngài nguyện làm người bạn không mời thỉnh cho chúng sanh, hàng phục ma oán để Tam bảo thạnh hành. Vì lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp như sư tử hống, ngôn âm vi diệu, rưới mưa pháp cam lồ khiến chúng sanh thấu lý duyên khởi, đoạn dứt tà kiến. Biết rõ căn cơ và tâm tư chúng sanh mà làm người dẫn đường qua biển sanh tử. Biết bệnh chúng sanh mà làm bậc y vương, tùy bệnh cho thuốc. Với đầy đủ công đức như thế, các Ngài thật cần thiết cho chúng sanh, cho thế giới.
Phần nói về công đức của các vị Bồ-tát cũng chính là nêu đại ý của Kinh. Toàn bộ Kinh đều nhắm đến sự thành tựu, khuyến khích sự thành tựu công hạnh lợi tha. Đưa ra một mẫu người hoàn thiện tự thân và cũng làm cho người khác hoàn thiện. Đó cũng chính là lý tưởng Đại thừa, sống một đời sống lợi ích an lạc hòa hợp giải thoát. Dù đang còn là phàm phu, hết thảy chúng ta đều ngưỡng mộ các phẩm cách được nêu trong Kinh. Từ trong ý thức ngưỡng mộ sẽ dẫn đến ý nguyện muốn mình được như thế. Đó là tiền đề mà Kinh nêu ra.

2- Cúng dường, tán thán


Trưởng giả tử Bảo Tích cùng năm trăm bằng hữu, mỗi người cầm một cây lọng quý dâng cúng lên đức Phật. Do oai thần của Phật, tất cả lọng báu hợp lại thành một cái lọng lớn, che khắp ba ngàn thế giới. Hết thảy ảnh tượng của thế giới bao la đều hiện trong lọng, núi sông trời đất đền đài, cả mười phương cõi Phật cũng đều hiện trong một cái lọng ấy.
Đoạn này ngụ ý chúng sanh dùng trăm ngàn thứ sai khác đến với Phật, khi gặp Phật thì trăm ngàn thứ sai khác đều trở nên một, “Đồng qui nhi thù đồ”, họp cái nhiều thành cái một, họp tất cả cái riêng thành cái chung, trong cái chung ấy dung thông cả mọi quốc độ, hàm chứa tất cả mà không ngăn ngại nhau. Đó cũng là biểu thị uy lực của Tâm, của sức dung chứa nhiệm mầu của Như Lai Tạng, bao trùm che phủ và phát khởi mọi hiện tượng, mọi hiện tượng không ra ngoài Tâm.
Trong lời kệ tán Phật, ca ngợi Phật và Phật pháp. Trong Phật pháp nói về chủ đề Ly nhị biên: có - không, thiện - ác… các pháp do nhân duyên sanh, không người, không tạo tác, không người thọ, nhưng nghiệp thiện ác không mất.
Thuyết pháp bất hữu diệc bất vô
Dĩ nhân duyên cố chư pháp sanh
Vô ngã, vô tạo, vô thọ giả
Thiện ác chi nghiệp diệc bất vong.
Lòng từ bình đẳng của Phật không đối riêng ai, Phật dùng một ngôn âm thuyết pháp mà mọi loài đều nghe đều nhận hiểu riêng.

3- Tịnh Phật quốc độ


Bảo Tích thưa hỏi, xin muốn được nghe về quốc độ thanh tịnh của Phật, về công hạnh làm nên tịnh độ của chư Bồ-tát.
Đây cũng là điểm chính mà kinh Duy-ma muốn đề cập, là vấn đề thiết yếu cho các vị Bồ-tát đương lai học hỏi.
Phật dạy: Các loài chúng sanh là cõi Phật của Bồ-tát. Bồ-tát tùy theo chúng sanh được hóa độ, tùy theo chúng sanh được điều phục, tùy theo chúng sanh thích hợp cõi nước thế nào để được vào trí tuệ Phật… Như thế Bồ-tát thành lập tịnh độ là vì căn cơ và nhu cầu của chúng sanh chớ không phải riêng mình.
“Bồ-tát thủ ư tịnh quốc, giai vi nhiêu ích chúng sanh”. Đó là ý thứ nhất: Bồ-tát lấy chúng sanh làm công hạnh, không rời bỏ chúng sanh, mà thành tựu được chúng sanh là thành tựu được cõi nước tịnh độ, tức nhiên chú trọng về nhân cách của người.
Ý thứ hai: Tùy theo chúng sanh nhưng sợ e chúng ta nhầm lẫn, rồi tùy theo luôn những tật xấu của chúng, nên ở đây nêu ra một số điều kiện: Trực tâm là tịnh độ, thâm tâm, Bồ-đề tâm… cho đến sáu độ, bốn vô lượng tâm, bốn nhiếp pháp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… Có nghĩa là tịnh độ ấy hoàn toàn đúng chánh pháp.
Hội nhập lại thì giáo hóa chúng sanh đầy đủ các điều kiện trên, đó gọi là thành tựu tịnh độ. Thuật ngữ thông dụng của đoạn này là “tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”. Hễ tâm ấy thanh tịnh thì Phật độ thanh tịnh. Một lần nữa nêu lên sự quan trọng của tâm.
Ngài Xá-lợi-phất nghe dạy xong chợt nghi: Nếu như thế, chẳng lẽ khi Thế Tôn còn là Bồ-tát tâm Ngài không được thanh tịnh nên bây giờ cõi nước của Ngài bất tịnh thế này? Đoạn này cũng là một cách diễn tả sự biến chuyển của tâm rất thú vị, hứng khởi. Phật để cho Loa Kế Phạm Vương trả lời. Trong con mắt của Phạm Vương thì cõi nước này hoàn toàn thanh tịnh, nhưng trong con mắt của Xá-lợi-phất thì cõi nước không thanh tịnh. Đó là “Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra”.
Phật hiện thần lực, ấn ngón chân xuống đất, lập tức cõi nước này biến thành thất bảo trang nghiêm, đại chúng đều hoan hỉ tán thán.
Một phẩm này cũng đủ tóm thâu toàn bộ ý chỉ của Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]