- Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 2)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 3)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 4)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 5)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 6)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 7)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 8)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 9)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 10)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 11)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 12)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 13)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 14)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 15)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 16)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 17)
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Kinh Trung A Hàm
159. Kinh A-già-la-ha-na [1]
Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có Phạm chí A-già-la-ha-na, sau bữa cơm trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói:
“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép, tôi mới dám trình bày.”
Thế Tôn đáp:
“Ông muốn hỏi gì tùy ý.”
Phạm chí liền hỏi:
“Thưa Cù-đàm, kinh điển của Phạm chí nương vào đâu mà tồn tại?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Kinh điển của Phạm chí nương vào con người mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, con người nương vào đâu mà tồn tại?”
“Con người nương vào lúa gạo mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, lúa gạo nương vào đâu mà tồn tại?”
“Lúa gạo nương vào đất mà tồn tại.”
Phạm chí lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, đất nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Đất nương vào nước mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, nước nương vào đâu mà tồn tại?”
“Nước nương vào gió mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, gió nương vào đâu mà tồn tại?”
“Gió nương vào hư không mà tồn tại?”
“Thưa Cù-đàm, hư không nương vào đâu mà tồn tại?”
“Hư không không có nương tựa, nhưng nhân mặt trời, mặt trăng mà có hư không.”
“Thưa Cù-đàm, mặt trời và mặt trăng nương vào đâu mà tồn tại?”
“Mặt trời, mặt trăng nương vào Tứ thiên vương mà tồn tại.”
Phạm chí lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Tứ thiên vương nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Tứ Thiên vương nương vào Tam thập tam thiên mà tồn tại?”
“Thưa Cù-đàm, Tam thập tam thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Tam thập tam thiên nương vào Diệm-ma thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Diệm-ma thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Diệm-ma thiên nương vào Đâu-suất-đà thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Đâu-suất-đà thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Đâu-suất-đà thiên nương vào Hóa lạc thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Hóa lạc thiên nương vào Tha hóa lạc thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Tha hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Tha hóa lạc thiên nương vào Phạm thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Phạm thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Phạm thiên nương vào Đại phạm mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Đại phạm nương vào đâu mà tồn tại?”
“Đại phạm nương vào nhẫn nhục, ôn hòa mà tồn tại.”
Phạm chí lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, nhẫn nhục, ôn hòa nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Nhẫn nhục, ôn hòa nương vào Niết-bàn mà tồn tại.”
Phạm chí lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Niết-bàn nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Ý muốn của Phạm chí nương vào những sự kiện không cùng nên ông nay đã hỏi Ta về sự không có giới hạn, nhưng Niết-bàn không nương vào đâu cả. Niết-bàn là tịch diệt, Niết-bàn là tối thượng. Này Phạm chí, vì mục đích này mà nhiều người theo ta mà tu hành Phạm hạnh.”
Phạm chí thưa:
“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Phạm chí A-già-la-ha-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Không thấy Pāli tương đương.