Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

90. Kinh Tri pháp [1]

09/05/201319:38(Xem: 18751)
90. Kinh Tri pháp [1]

Kinh Trung A Hàm

90. Kinh Tri pháp [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la[2].

Bấy giờ Tôn giả Chu-na[3] nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nói như thế nầy, ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết ấy không có tham lam’. Nhưng trong tâm Hiền giả kia, ác tham lam[4] đã sanh và tồn tại.

“Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến[5]. Nhưng trong tâm Hiền giả ấy ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các vị đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả ấy tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại.

“Này chư Hiền, như người không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói là có phong ấp. Lại không có súc mục mà nói là có súc mục. Khi muốn tiêu dùng thì không có vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; không có súc mục, lúa gạo; cũng không có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy mà nói rằng: ‘Anh thật không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói có phong ấp; lại không có súc mục mà nói có súc mục. Khi muốn tiêu dùng thì không có vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, không có súc mục, lúa gạo và cũng không có nô tỳ’. Cũng giống như thế, này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam’, nhưng trong tâm Hiền giả kia tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các người phạm hạnh biết Hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm của Hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận tham lam, đến Vô dư Niết-bàn. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm Hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận ác nhuế, đến Vô dư Niết-bàn.

“Này chư Hiền, hoặc có Tỳ-kheo không nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam”, nhưng trong tâm Hiền giả kia tham lam không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại. Các người phạm hạnh biết Hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia, ác tham lam đã không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.

“Này chư Hiền, như người giàu to mà tự nói không giàu, cũng có phong ấp mà nói là không có phong ấp. Lại có súc mục mà nói là không có súc mục. Nếu lúc muốn tiêu dùng thì có sẵn vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; có súc mục, lúa gạo và có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy, nói rằng: ‘Anh thật giàu to mà nói là không giàu, cũng có phong ấp mà nói không có phong ấp. Lại có súc mục mà nói không có súc mục, nhưng khi muốn dùng thì có sẵn vàng bạc, chơn châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách; có súc mục, lúa gạo và cũng có nô tỳ’.

Cũng giống như thế, này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo không nói như thế này: ‘Tôi biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam”, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác tham lam đã không sanh và không tồn tại.

Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến, nhưng trong tâm Hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.

Các người đồng phạm hạnh biết Hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm Hiền giả ấy hướng đến chỗ diệt tận tham lam, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm Hiền giả kia hướng đến chỗ diệt tận ác kiến, đến Vô dư Niết-bàn”.

Tôn giả Chu-na thuyết như vậy, các thầy Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả nói xong, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli, A.10.24. Mahā-cunda-suttam.

[2]. Câu-xá-di Cù-sư-la viên 拘 舍 彌 瞿 師 羅 園. Xem kinh 72. Bản Pāli: khi ấy Mahā-cunda đang trú tại Ceti.

[3]. Chu-na 周 那. Pāli: Māha-Cunda. Xem kinh số 196 và chú thích (3).

[4]. Ác tăng tứ 惡 增 伺. Pāli: lobha. Nơi khác . Hán: tăng tứ, Pāli: abhijjhā.

[5]. Bản liệt kê Hán, xem các kinh 183, 196. Liệt kê theo Pāli: lobha (tham), loha (si), kodha (phẫn nộ), upanāha (oán hận), makkha (giả dối hay phú tàng), palāsa (não hại hay có ác ý), macchariya (xan tham hay keo kiệt), pāpikā issā (ác tật đố), pāpikā ichā (ác dục).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]