- Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 2)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 3)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 4)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 5)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 6)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 7)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 8)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 9)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 10)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 11)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 12)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 13)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 14)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 15)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 16)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 17)
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Kinh Trung A Hàm
46. Kinh Tàm quý (II) [1]
Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử bảo các Tỳ-kheo rằng:
“Này các Hiền giả, nếu Tỳ-kheo nào không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, cũng như cây nào mà lớp vỏ ngoài tổn hại thì lớp vỏ trong cũng hư. Vỏ trong hư, nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều tàn rụi.
“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu không tàm không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Nếu không ái và kính thì làm tổn hại tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí. Nếu không có chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
“Này chư Hiền, Tỳ-kheo biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Nếu có ái và kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì có chánh niệm, chánh trí. Nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền được Niết-bàn.
“Này chư Hiền, giống như cây nào mà vỏ ngoài không bị hư tổn thì vỏ trong không bị hư hại. Vỏ trong không hư, nên thân, lõi, cành, nhánh, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu.
“Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nên biết tàm biết quý thì thường có ái và kỉnh. Nếu có ái kỉnh thì thường có tín. Nếu có tín thì thường có chánh tư duy. Nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí. Nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền đắc Niết-bàn.
Tôn giả Xá-lê Tử thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lê Tử thuyết, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Tham chiếu kinh 45 trên.