Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời giới thiệu

03/05/201317:21(Xem: 14029)
Lời giới thiệu

Kinh Lương Hoàng Sám (10 quyển)

Lời giới thiệu

Dịch giả: Thích Viên Giác

Nguồn: Thượng tọa Thích Trí Tịnh giảo chính

Phàm là người sanh trong cõi Dục này, trừ các bực đã hoàn toàn giác ngộ, thì không một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên.

Các tội lỗi dã từ ba nghiệp phát sanh, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy để sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh.

Phật dạy:

“Nếu không có phương pháp sám hối thì, tất cả các Phật tử không một ai mà được giải thoát”.

Cũng như, nếu không nhờ bộ Lương Hoàng Sám nầy thì, bà Hy Thị là Hoàng hậu của vua Lương không làm sao thoát khỏi khổ nạn được.

Vì thế nên bộ Lương Hoàng Sám nầy có một hiệu lực mạnh mẽ, làm cho người có tội lỗi được tiêu trừ, phước lành tăng trưởng.

Cảm thấy sự phiên dịch của Đại đức Thích Viên Giác rất dày công phu, nên tôi xin có vài lời giới thiệu đến toàn thể các Phật tử xa gần và hy vọng rằng, bộ Lương Hoàng Sám này được phổ biến mười phương và sẽ đem lại sự lợi lạc chung cho tất cả; nếu ai có tín tâm thật hành theo.

Cẩn chí

Trị sự Trưởng G.H.T.G.N.V.

THÍCH THIỆN HÒA

Thay lời tựa



Theo lời tựa trong chánh văn thì bộ LƯƠNG HOÀNG SÁM này do Hòa thượng Chí Công biên tập từ đời Vua Lương Võ Đế bên Tầu.

Nguyên Vua Lương Võ Đế, có một bà Hoàng hậu yêu quý nhất tên là Hy Thị. Vì được vua yêu quý nên lòng đố kỵ của bà ngày càng lên cao; Hy Thị ganh tị các cung phi, độc ác với mọi người và hủy báng Tam Bảo. Trong Triều ngoài Quận ai cũng biết Bà Hy Thị là một “quái phi”.

Sau bà nhuốm bệnh nặng, các lương y đều thúc thủ, bà phải từ trần. Một hôm vào lúc đêm khuya, đang ngồi trong cung tịch mịch. Vua Lương Võ Đế nghe tiếng người kêu van thảm thiết.

Dưới ánh đèn mờ, Vua Lương Võ Đế lạnh cả người, muốn chạy trốn, nhưng không được. Vua bèn lên tiếng hỏi: “Ngươi là ai mà đêm khuya thanh vắng nghiêm mật thế này lại vào đây được?” – Hoàng đế ơi! Thiếp đây chính là Hy Thị. Vì quá độc ác nên chết rồi thiếp phải đọa làm rắn mãn xà. Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vẩy đều bị sâu trùng rúc rỉa nhức nhối không thể chịu được.

Nhớ lại tình cầm sắc xưa kia nên thiếp đến đây mong nhờ Hoàng đế tìm phương cứu thiếp. Nói rồi biến mất. Nghe xong, Vua Lương Võ Đế như thoát cơn ác mộng và lòng đau như dao cắt! Ngày mai khi lâm Triều, Vua kể lại chuyện ấy cho bá quan nghe để tìm phương cứu vớt Hy Thị.

Trong số các quan có người đề nghị: Xin cung thỉnh Hòa thượng Chí Công lo việc này. Vua lương Võ Đế chấp thuận. Hòa thượng Chí Công là một cao tăng đắc đạo đương thời. Thể theo lời thỉnh cầu của nhà Vua, ngài liền triệu tập các danh tăng soạn ra Sám Pháp này và lập Đàn tràng làm lễ sám hối cho Hoàng hậu Hy Thị.

Nhà Vua chí tâm, thân hành lễ bái. Vài hôm đầu, người ta nghe có mùi hương lạ thơm nức, ngào ngạt khắp cả đạo tràng.

Lễ tụng đến quyển thứ năm, ngay tại chỗ, trên không trung, Vua Lương Võ Đế nghe có tiếng của Hy Thị. Bà hiện thân thiên nữ đẹp đẽ, nói tiếng ngưởi, tỏ lòng cám ơn Hòa thượng Hoàng đế.

Hy Thị cho biết bà đã thoát nạn và đã sanh lên Đao Lợi Thiên Cung, nhờ công đức sám hối.

Từ đó Sám Pháp này được truyền tụng khắp nơi, rất thạnh hành.

Bản chánh bằng Hán văn trọn bộ 10 quyển. Danh hiệu Phật và lời sám đều rút trong Tam Tạng Thánh giáo Đại thừa.

Năm 1948 – 1950, Bồ tát giới Tuệ Nhuận và một số đạo hữu khá đông ở Bắc việt đã dịch âm ra Việt văn, thành 2 tập.

Năm 1952, lúc còn tu học ở Phật học viện Báo quốc Huế, tôi bắt đầu dịch nghĩa bộ này ra tiếng Việt, đến nay mới đủ cơ duyên xuất bản.

Tôi nguyện xin nhờ công đức phiên dịch này, hầu mong đền đáp lại bốn ơn muôn một và cứu giúp muôn loài phần nào.

Tôi nguyện xin nhờ công đức phiên dịch này, hầu mong giúp hàng sơ cơ một phương pháp tu hành giản dị để cải ác tùng thiện, để đi Tây phương về Lạc Quốc.

Tôi nguyện xin nhờ công đức phiên dịch này làm cho người tu hành ngày càng tinh tiến, nghiệp chướng chóng tiêu trừ, thân tâm thường an lạc và sở cầu được như nguyện.

Tôi cũng xin cầu nguyện cho tất cả người thấy, người nghe, người hủy báng, người tùy hỷ, đều được lợi lạc, thoát khổ não, và nguyện xin cho tất cả chúng sanh xả ly tà kiến, biết sám hối.

SÁM HỐI NGHĨA LÀ GÌ?



- Kinh dạy:

- Sám là sám kỳ tiền khiên. - Hối là hối kỳ hậu quá.

- Sám là ăn năn các việc ác đã làm, thề xin chừa bỏ, không dám tái phạm.

- Hối là hối cải. Những điều ác chưa làm, sau này xin thề nguyện không bao giờ làm nữa. Bao nhiêu điều thiện xin làm hết.

Chữ Phạn gọi là Sám ma; Tàu dịch là hối quá; ghép cả hai chữ lại mà đọc là Sám hối.

Sám hối cũng có sự sám và là sám.

Sự sám tức là thiết lập Đàn tràng, trang nghiêm Phật tượng, cúng dường hương hoa, ân cần đảnh lễ, thành khẩn nguyện cầu tam nghiệp như nhất, tỏ bầy tội lỗi. Cầu xin chư Phật, chư đại Bồ tát phóng hào quang, dùng thần lực, gia hộ cho kẻ tu hành mau tiêu trừ nghiệp chướng, chóng thoát oan khiên, sạch hết tội lỗi.

Lý sám là sám hối tự tâm
Tội thành do tâm tạo
Tội diệt phải do tâm sám;
Tâm không thì tội cũng không,
Tội diệt thì tâm cũng diệt.

Tội không, tâm diệt thì không còn gì nữa mà sám hối. Như vậy mới là chân thật sám hối.

Sau khi lạy một lạy, tụng một câu, người tu hành nên xét lại tự tâm, diệt sạch vọng tưởng, quán lý vô sanh, phải biết tội do nhơn duyên mà thành, thì tội cũng do nhơn duyên mà diệt. Nhơn duyên là những điều kiện tạo nên tội và phương pháp sám hối.

Tội vốn không thật có. Vì không thật có, nên chúng ta có thể chuyển tội thành phước, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ.

Khi xướng một câu danh hiệu Phật, chúng ta cần phải thật hiểu nghĩa lý danh hiệu ấy. Hiểu để tu tập, để làm theo những đức tánh cao đẹp của chư Phật.

Ví như chúng ta xướng câu. “Nam mô Phổ Quang Phật”, thì ít ra chúng ta cũng phải hiểu sơ như thế này:

Chúng con xin kính lễ (Nam mô) đấng giác ngộ hoàn toàn (Phật) đầy đủ đức tánh cao rộng đẹp đẽ (Phổ) sáng suốt vô biên (Quang).

Ngoài ra chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm bản tâm của chúng ta. Tâm của chúng ta cũng có những đức tánh cao rộng đẹp đẽ như thế.

NAM MÔ.- Nghĩa là quy y, kính lễ, v.v...

PHỔ.- Nghĩa là phổ cập, phổ biến, cùng khắp, không có giới hạn, ngoài thời gian và không gian, không phân biệt người và ta. Trái lại Phổ có nghĩa hàm súc những đức tánh từ bi hỷ xả với tất cả mọi loài, mọi vật, mọi chốn, mọi nơi.

Tâm ta cũng có những tánh chất phổ biến như thế. Từ nay ta phải sống theo tiếng gọi của cõi lòng, không tiêu cực mà tích cực, không ích kỷ mà vị tha, không sân hận mà từ bi, không xan tham mà bố thí, không tật đố mà hỷ xả, không ngu si mà trí huệ.

QUANG- Nghĩa là sáng suốt tuyệt đối, soi khắp mười phương, thông suốt ba đời mà không lìa nơi một niệm. Tội nhơn và khổ quả của chúng sanh đã gây tạo và sẽ chịu đền trả, từ bao giờ, ở nơi đâu, nhất nhất đều sáng tỏ, hiểu biết hết.

Tâm ta có tính cách sáng suốt như vậy, từ nay trở đi, ta phải hành động, ăn ở theo tâm tánh sáng suốt ấy, không còn ngu si mê mờ mà tạo tội nữa.

PHẬT- Là đấng giác ngộ hoàn toàn, ta đang kính lễ. Phật cũng tức là tâm sáng suốt thanh tịnh, đầy đủ muôn đức tánh tốt đẹp, trùm khắp pháp giới, ra ngoài thời gian.

Tâm ta cũng có những khả năng giác ngộ, những đức tánh như Phật,

Vậy từ nay trở đi ta phải noi gương Phật, sống cách sáng suốt, đầy đủ đức hạnh như Phật, không tạo tội nữa.

Đại khái như thế, cứ theo từng danh hiệu một mà quán sát tự tâm để sám hối.

Lần lần những khả năng tốt đẹp trong tâm ta do sự sám hối sẽ lưu lộ ra; nào là từ bi hỷ xả, trí huệ, phước đức hạnh phúc dồi dào tuôn ra như nước, mặc sức ta thọ dụng.

Người hiểu được và làm được như thế là người chánh kiến, không còn bôn ba chạy theo ngoại cảnh, không tà kiến quy y theo quỉ mị tà thần.

Người chánh kiến chỉ biết quy y, lễ bái, tôn thờ đức Phật ở tự tâm, nghe tiếng nói của cõi lòng.

Lễ một đức Phật tức là lễ hết thảy mười phương chư Phật. Đem tâm từ bi bình đẳng, sự lý viên dung, trùng trùng vô ngại mà bái sám thì lo gì tội không diệt, phước không sanh.

Nếu người không thông lý, cứ y sự mà tu hành, chí tâm bái sám thì cũng nhờ được thần lực của Tam bảo gia hộ mà tiêu trừ nghiệp chướng, như trong chánh văn đã thuật rõ.

Phật dạy:

“Có hai hạng người mạnh nhất: một là không tạo tội, hai là biết ăn năn”

Phật dạy:

“Nếu không có pháp sám hối thì tất cả đệ tử Phật không thể giải thoát”.

Nhờ sám hối nên vua A Xà Thế phạm tội ngũ nghịch (giết cha) liền được giải thoát.

Ông Trương thiện Hòa sát sanh vô số cũng không đọa địa ngục, vì biết hối hận.

Có một điều đáng chú ý nhất là thân nghiệp và khẩu nghiệp thô tháo bên ngoài dễ trừ. Duy có ý nghiệp, vi tế bên trong, rất khó diệt. Đến quả vị Phật mới hết tham, sân, si.

Do đó người phát đại tâm phải y cứ vào sám pháp đại thừa mới mong chóng trừ diệt được ba độc.

Ngài Phổ Hiển Bồ tát là Trưởng tử của Phật trên Hội Hoa Nghiêm còn phải phát đại nguyện. Ngài nguyện sám hối mãi cho đến cùng tận đời vị lai.

Nếu phiền não và nghiệp chướng của chúng sanh không cùng tận thì sự sám hối của Ngài cũng không bao giờ cùng tận.

Trong kinh Viên Giác, Phật dạy: “Các vị đại Bồ tát lúc lập đạo tràng an cư từ 7 ngày cho đến 21 ngày đầu, sám hối nghiệp chướng”.

Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy: “Hàng ngày nên đảnh lễ danh hiệu 35 vị Phật trong kinh ấy mà sám hối nghiệp chướng”.

Trong luật thì pháp sám hối là một vấn đề tối quan trọng, không thể bỏ qua.

Trong luận thì pháp sám hối được giải thích rõ ràng và quyết định sám hối là một việc cần phải có của người chơn tu, không thể thiếu sót.

Không sám hối rất có hại: Nghiệp chướng không tiêu trừ; tội lỗi còn mãi, oan khiên nhiều kiếp theo hoài.

Ngài Ngộ Đạt quốc sư mười đời làm cao tăng mà Triệu Thố vẫn còn theo báo mãi.

Như thế dù cầu hạnh phúc thế gian hay xuất thế gian, việc đời và việc đạo, đều bị trở ngại, tu chứng bất thành.

Kinh sách dùng để sám hối có rất nhiều: Như bộ Vạn Phật, bộ Tam Thiên Phật, bộ Thủy Sám, Hồng Danh sám, Chuẩn Đề sám và Dược Sư sám v.v...

Nhưng bộ Lương Hoàng Sám này lể rõ tội nhơn khổ quả, nghe đến ai cũng phải lạnh mình khiếp sợ mà phát tâm cải ác tùng thiện ngay. Bộ này lại có công năng diệt trừ tiền khiên, oan trái nhiều kiếp, nhiếu đời, đọc đến phải cảm rơi nước mắt. Mỗi chữ, mỗi câu đều nhắm mục đích đền trả bốn ơn, cứu thoát ba cõi, thay thế lục đạo mà sám hối, cầu nguyện cho tam đồ thoát khỏi trầm luân. Cuối cùng lại vì tất cả chúng sanh mà phát nguyện, hồi hướng.

Người tu hành đọc đến bộ Lương Hoàng sám, dù không muốn phát đại tâm cũng phải phát, dù không tin địa ngục cũng phải hợ Tam đồ.

Những người tu Tịnh Độ phát tâm Bồ đề thường nên tu theo pháp sám này, để mau về Cực Lạc.

Có thể nói bộ Lương Hoàng Sám này là “bửu bối” riêng của những người cầu vô thượng đạo, phát bồ đề tâm vậy.

Bộ này có năng lực sanh phước diệt tội không thể nghĩ bàn.

Trong chánh văn có bài kệ tán thán công đức sám hối, đại ý như thế này:

Sám vừa cử lên
Tội lỗi tiêu liền;
Giải được oan trái,
Trừ được tai ương;
Thoát khỏi khổ nạn,
Phước đức vô biên.
Sanh lên Đạo lợi,
Hoặc về Tây phương.

Văn Thủy Sám cũng nói: “Lúc nghiệp báo đến, tội nhơn không thể rúc vào núi đá, lặn xuống đáy nước, bay lên không gian hay ẩn núp đâu được. Duy chỉ có nhờ phương pháp sám hối mả thoát được tai nạn mau chóng hơn hết, độc nhất vô nhị”.

Sám hối lợi cho mình, lợi cho người, cho tất cả tam đồ, lục đạo pháp giới chúng sanh.

Công đức sám hối nói không cùng nghĩ không tận. Tôi chỉ xin đốt nén hương lòng cầu xin Tam bảo gia hộ cho tất cả người thấy, người nghe, người ấn tống đồng phát Bồ đề tâm, đồng cầu sám hối, đồng hồi hướng công đức.

NAM MÔ CẦU SÁM HỐI BỒ TÁT MA HA TÁT

Trong lúc phiên dịch văn này, tôi không có hy vọng gì cao xa hơn là giúp cho hàng sơ cơ một phương pháp tu hành thiết thực để về Tây phương Cực Lạc.

Do đó, đầu quyển thứ nhất có nghi thức khai kinh thông thường dễ tụng. Cuối quyển thứ mười có nghi thức Tịnh độ, cầu sanh An dưỡng làm tiêu chuẩn hồi hướng.

Sau hết tôi xin chân thành cảm tạ chư vị đại thiện tri thức trong Hải hội chỉ giáo cho tôi những khiếm khuyết, mong sao kỳ tái bản được hoàn toàn hơn.

Tôi nguyện xin đem công đức này hướng lên cúng dường ngôi Tam bảo, đức Quán Thế Âm Bồ tát, đức Vô Biên Thân Bồ tát, và chư vị Hộ pháp đã mật hùy gia hộ cho tôi làm một việc mà tôi tưởng tượng tôi không làm được.

Nguyện xin hồi hướng lên chư vị Đại đức Tăng trong hiện tại đã dìu dắt tôi tu hành. Ni chúng bộ V.N. đã phát tâm xuất bản giúp tôi; cùng chư vị thiện nam tín nữ đã ủng hộ tôi nhiều phương diện trong lúc phiên dịch.

Nguyện xin tất cả đều trọn thành Phật đạo.

DỊCH GIẢ: TỲ KHEO THÍCH VIÊN GIÁC

Viết xong tại Tu viên Giác Hải

Điện Nam Hải Quan Âm ở Vạn Giả

Bắc Nha Trang ngày mãn hạ, năm Canh tý 2504 (1960)


NGHI THỨC TỤNG NIỆM



KỆ KHAI CHUÔNG

Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ,
Trí huệ lớn Giác đạo sanh.
Lìa địa ngục khỏi hầm lửa,
Nguyện thành Phật độ chúng sanh.
Án dà ra đế da ta bà ha (3lần)

KỆ NIỆM HƯƠNG

Hương giới, hương định cùng hương huệ.
Hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến;
Đài mây sáng chói trùm cõi pháp,
Cúng dường trước mười phương ngôi Tam Bảo.
Nguyện các hương hoa này,
Trải khắp đến mười phương;
Không lường trong cảnh Tịnh,
Không lường hương trang nghiêm;
Đầy đủ hạnh Bồ tát,
Thành tựu hương Như Lai.
Nam mô Hương cúng dường Bồ tát. (3lần)

KỆ PHÁT NGUYỆN

Chúng sanh không ngằn thệ nguyện độ,
Phiền não không cùng thệ nguyện đoạn;
Pháp môn không lường thệ nguyện học,
Phật đạo cao tột thệ nguyện thành.
Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ,
Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn;
Tự tánh pháp môn thệ nguyện học,
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành. (3lần)

Đệ tử tên . . . . . pháp danh . . . . . chí tâm khẩn nguyện, chuyên trì lễ bái Lương Hoàng Từ Bi Sám pháp, cầu sanh Tịnh độ, hiện tiền một lòng chẳng rối, tỏ ngộ Vô sanh, ngày khắc mạng tròn báo đủ, sanh về cõi Phật. Trên đài sen báu, hầu Phật nghe Pháp, bạn cùng Bồ tát, vui cảnh Lạc Bang, mau lên quả vị Bất thối, trở lại Ta Bà, hóa độ chúng sanh, làm nên đạo cả.

Nam mô Chứng Minh sư Bồ tát. (3lần)

KỆ KHEN PHẬT



Đấng Pháp Vương vô thượng,
Ba cõi chẳng ai bằng;
Thầy dạy khắp trời người,
Cha lành chung bốn loài;
Quy y tròn một niệm,
Dứt sạch nghiệp ba kỳ.
Xưng dương cùng tán thán.
Ức kiếp không cùng tận.

QUÁN TƯỞNG

Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao năng tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ. (1xá)

ĐẢNH LỄ



Chí tâm đảnh lễ:

Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh tăng, thường trụ Tam bảo. (1lạy)

Chí tâm đảnh lễ:

Nam mô Ta bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Long Hoa Giáo chủ Di Lặc tôn Phật, Đại trí Văn Thù Sư lợi Bồ tát. Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát, Linh Sơn hội Thượng Phật Bồ tát.(1lạy)

Chí tâm đảnh lễ:

Nam mô Lạc bang Giáo chủ Đại từ bi phụ tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Thanh Tịnh Đại hải chúng Bồ tát.(1lạy)

DƯƠNG CHI



Cành Dương nước tịnh,
Rải khắp ba ngàn.
Tánh không tánh đức,
Lợi lạc trần gian
Cõi pháp rộng thinh,
Tiêu diệt tai nàn.
Ngạ quỉ vui an.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ tát ma ha tát.(3lần)

TỤNG CHÚ ĐẠI BI



Nam mô đại bi hội thượng Phật, Bồ tát. (3lần)

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà ra ni.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da, Nam mô a rị da bà lô yết đế thước bác ra da, Bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da, án, tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a lị da, bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê lị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng a thệ dựng, tát bà tát đa na ma bà dà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca la đế, Di hê lỵ, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, lỵ đà dựng. Cu lô cu lô, yết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế. Ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, Thất Phật ra da. Giá ra giá ra, mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ. Y hê y hê, thất na thất na.

A ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, Hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê lỵ, Ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế lỵ dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na. Ba dạ ma na ta bà ha, tất đà dạ ta bà ha, ma ha tất đà dạ ta bà ha, Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ ta bà ha, Na ra cẩn trì ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha, Tất ra tăng a mục khê da ta bà ha. Ta bà ma ha a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn già ra dạ ta bà ha. Ma bà lợi thắng yết ra dạ ta bà ha.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a lỵ da, bà lô kiết đế, Thước bàn ra dạ ta bà ha.

Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà da ta bà ha.(3lần)

Đại từ đại bi mẫn chúng sanh,
Đại hỷ đại xả tế hàm thức,
Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm.
Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.
Nam mô thập phương thường trụ Tam bảo.(3lần)
Nam mô Quá khứ Tỳ Bà Thi Phật
Nam mô Thi Khí Phật
Nam mô Tỳ Xá Phù Phật
Nam mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam mô Câu Na Hàm Mâu ni Phật
Nam mô Ca Diếp Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Di Lặc Tôn Phật.

BÀI KỆ KHAI KINH:



Pháp vi diệu thâm sâu cao tột,
Trăm ngàn muôn ức kiếp gặp đâu.
Con nay thấy nghe được thọ trì,
Nguyện hiểu Như Lai nghĩa chơn thật,
Nam mô thập phương thường trụ Tam bảo.(3lần)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]