Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Quyển năm: Bồ Tát Địa

18/04/201318:40(Xem: 14638)
5. Quyển năm: Bồ Tát Địa

Kinh Bồ Tát Thiện Giới

5. Quyển năm: Bồ Tát Địa

Thích Thiện Thông

Nguồn: Thích Thiện Thông

PHẨM THỨ MƯỜI HAI
NHẪN NHỤC ĐỘ
(NHẪN NHỤC BA LA MẬT)

1.Thế nào là Tánh Nhẫn của Bồ Tát?

-Vì sức trí tuệ, cho nên có thể kham chịu đầy dẫy những việc khó khăn.

Nhẫn tất cả!
Nhẫn tất cả!
Nhẫn tất cả!
Vì được tâm từ vì có sự thương xót.

2.Tất cả Nhẫn là gì? -Có hai: Xuất gia Tại gia. Xuất gia, tại gia đều có ba thứ:

Một là. Có thể nhẫn chịu những việc đánh mắng của chúng sanh.
Hai là. Có thể kham nhẫn tất cả các khổ.
Ba là. Nhẫn những cái vui về các điều lành.
Nhẫn những việc đánh mắng của chúng sanh:

Lúc Đại Bồ Tát bị chúng sanh đánh mắng, tự nghĩ như vầy: "Duyên do thân tôi tạo các nghiệp dữ, ngày nay tự chịu quả báo, thì sao giận dỗi đối với người kia? Tôi chẳng tìm chi thứ phiền não này. Nếu nay không nhẫn về sau càng nhiều. Không nhẫn nhục nổi. Gọi là cái nhẫn phiền não khổ sở. Thôi bị thọ thân, cũng như có các phiền não thế này, chẳng phải là lỗi từ nơi chúng sanh mà chính là lỗi vốn tự nơi tôi. Nếu có việc dữ tôi lại không vui hay nếu không nhẫn, hoá ra chính tôi tự gây tạo lấy. Nếu tự gây tạo, lại sẽ tự mình chịu lấy khổ đau. Nếu thân sẽ phải chịu khổ thì nay sao lại không nhẫn? Bực Thanh Văn, Duyên Giác mục đích tự lợi còn tu nhẫn nhục, huống gì nay tôi vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh mà chẳng nên nhẫn hay sao? Nếu tôi không nhẫn tức không thể nào đủ giới Bồ Tát, tu Tám Thánh đạo, được Vô thượng Bồ Đề".

Khi Đại Bồ Tát xét như vậy rồi. Tu năm đức nhẫn. Thế nào là năm?

-Đối với kẻ oán, người thân hay không oán thân, tu hạnh nhẫn nhục.

-Tu tập đức nhẫn đối với bực trên, bực vừa, bực dưới.

-Tu tập đức nhẫn đối với những cảnh chịu vui, chịu khổ hay chẳng khổ chẳng vui.

-Tu tập đức nhẫn đối với những người có phước, không phước, chẳng phải có phước hay không có phước.

-Tu tập đức nhẫn đối với tất cả những kẻ hung ác.

Bồ Tát thành tựu năm đức nhẫn trên bằng cách tu tập năm cách quán tưởng: 1. Tưởng chúng sanh. 2. Tưởng pháp. 3. Tưởng vô thường. 4. Tưởng khổ. 5. Tưởng không ngã, sở hữu của ngã.

Khi Bồ Tát bị kẻ ác đánh đập, làm thế nào để tưởng kẻ ác kia như là bạn thân?

Bồ Tát xét nghĩ như vầy: "Từ thời quá khứ trôi lăn mãi mãi trong vòng sanh tử, không chúng sanh nào chẳng là cha mẹ, thầy học, hòa thượng hay bà con thân thuộc đáng kính của tôi". Khi quán tưởng như thế, ý nghĩ oán ghét bị diệt, ý tưởng bạn thân tự đó phát sanh. Tưởng thân phát sanh, cho nên có thể tu đức nhẫn nhục. Lúc ấy thành tựu cách tưởng chúng sanh.

-Tưởng pháp: Bồ Tát xét kỹ. Chúng sanh gọi là pháp giới, là pháp hữu vi, là pháp hữu lậu. Nếu là pháp giới đối lại pháp giới, không Ngã, Ngã sở, không thọ mạng, sĩ phu. Vậy thì ai đánh, ai giận?

Dùng sức trí tuệ quán như vậy rồi là diệt ngay ý tưởng chúng sanh, thành tựu tưởng pháp.

-Tưởng vô thường: Bồ Tát tư duy. Tất cả chúng sanh, các pháp hữu vi và pháp hữu lậu đều là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có ai là người mắng, kẻ nhận? Giả sử người mắng, người chịu đều là tạm thời dừng trụ. tức chẳng thể nói "các pháp vô thường". Nếu đã là thường, vậy thì ai mắng, ai là người chịu? Trong lý chơn thường và lý vô thường đều không cả hai, đều không kẻ làm và người nhận chịu. Đúng ra còn chẳng sanh tâm ác nhỏ, thì làm gì có kẻ đánh người mắng?

Do nghĩ như thế, Bồ Tát phá bỏ ý tưởng thường hằng và tu pháp quán vô thường. Luôn luôn tu tập ý tưởng vô thường, cho nên thành tựu tâm hay nhẫn nhục, thành tựu tâm nhẫn cho nên tu đạo Bồ Đề, mãi đến khi chứng Vô thượng Bồ Đề.

-Bồ Tát làm sao tu tập tưởng Khổ?

Đại Bồ Tát quán sát như sau: Nếu những chúng sanh sống trong cõi dục được đại tự tại, của cải dồi dào và giàu lớn như chuyển luân Thánh vương, thì chúng sanh ấy vẫn còn ba khổ huống gì người khác. Ba khổ là gì? Một là Khổ khổ. Hai là Hoại khổ. Ba là Hành khổ. Xét về chúng sanh có ba khổ này, vậy tôi chẳng nên sân hận làm gì. Nếu tôi nổi giận, làm sao có thể sẽ cứu ba khổ cho khắp chúng sanh? Nếu tôi nổi giận, chỉ làm lớn thêm ba khổ mà thôi.

Khi quán như vậy, tưởng vui bị diệt, tưởng khổ pháp sinh. Bởi thường tu tập nhân duyên như thế, cho nên tu Tám thánh đạo, được Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát làm sao tu quán không Ngã, sở hữu của ngã?

-Bồ Tát quán kỹ: Có những ngoại đạo nói rằng "Bản ngã là thường". Nếu ngã là thường thì chúng sanh không Ngã.

Vì sao?

-Chúng sanh là năm ấm. Năm ấm vốn vô thường. Nếu đã không Ngã thì làm gì có cái thuộc về Ngã? Vì vậy không Ngã và không ngã sở.

Đại Bồ Tát lại quán sát như vầy "Ngã chính là tâm Bồ Đề. Khi Bồ Tát mới phát tâm Bồ Đề, đối với chúng sanh, Bồ Tát xem họ dường như con một. Đó chính là sở hữu của Ngã. Nếu đối với chúng sanh mà tôi có tâm giận dỗi bực tức, làm sao được gọi là có bản ngã, sở hữu của ngã? Nếu tôi nuôi lớn lòng giận, tức chẳng có thể độ thoát tất cả chúng sanh".

Khi khởi quán như vậy, Bồ Tát thành tựu về đức Nhẫn nhục và thêm lớn về tâm vô ngã, sở hữu của ngã. Được tưởng vô ngã, do nhân duyên này tu Tám Thánh đạo, chứng Vô thượng Bồ Đề.

Thế nào gọi là có thể kham nhẫn tất cả các khổ?

Bấy giờ Bồ Tát khởi quán như sau:

Trong đời quá khứ, ta vì tham đắm năm món dục lạc, cho nên ta đã chịu đủ các khổ. Còn tại gia thì cầy cấy ruộng nương, trồng cây gieo giống chịu cực biết bao, khi thì gần gủi vua chúa, quan quyền, buôn bán đổi chác, nhiều nỗi gian nan. Trong những lúc ấy chịu nhiều khổ lớn nhưng nào ích gì. Ngày nay, vì độ chúng sanh mà tôi chịu khổ, rồi sẽ gặt hái nhiều sự lợi ích. Nếu tôi sẽ được sự lợi ích lớn, thì cũng nên nhận vô lượng sự khổ.

Khi vị Bồ Tát khởi quán như trên, có thể kham nhẫn trước những cái khổ. Sự chịu khổ ấy gọi là Nhẫn tất cả.

Hết thảy sự khổ gồm có tám điều.

-Khổ về nương cậy.
-Khổ về thế pháp.
-Khổ về oai nghi.
-Khổ về nhiếp pháp.
-Khổ cầu xin.
-Khổ về tinh tấn.
-Khổ vì lợi ích chúng sanh.
-Khổ vì lo liệu công việc

-Khổ về nương cậy: (còn gọi là cái khổ về bốn điều nương ở - Tứ y trụ). Nếu một Tỳ kheo đã nhận bốn điều y trụ, xuất gia thọ giới, được mệnh danh là Tỳ kheo cụ - túc. Như được chút ít áo mặc thức ăn, mền nệm thuốc men mà không buồn khổ tâm không hối hận. Do tâm thường quán sự khổ biến hoại, cho nên tu tập Tám món thánh đạo, được Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là sự khổ nương cậy.

-Khổ về thế pháp: Gồm có chín điều:
Khổ vì mong cầu chẳng được.
Khổ vì chịu đựng tiếng xấu.
Khổ vì đương đầu với những điều dữ.
Khổ vì nhiều khổ chất chồng.
Khổ vì mất mặt.
Khổ vì hết sạch vật chất.
Khổ vì tuổi tác già nua.
Khổ vì thân thể bệnh hoạn.
Khổ vì chết chóc.

Trên đây gọi là khổ về thế pháp.

Khi Bồ Tát chịu chín khổ này, tâm không sanh buồn rầu hối hận, chẳng phế bỏ tâm Vô thượng Bồ Đề. Vì chẳng hối hận nên tâm Bồ Đề luôn luôn tăng trưởng. Tâm Bồ Đề tăng, cho nên lại được Vô thượng Bồ Đề.

-Khổ về oai nghi: Oai nghi của thân có bốn: Đi, đứng, ngồi, nằm. Bồ Tát lúc đi hoặc ngồi, ngày cũng như đêm, thường thường chế ngự cái tâm ác nghiệp, nhẫn nại sự khổ lúc đi, lúc ngồi. Phi thời chẳng nằm, trái thời chẳng đứng. Nơi trong hoặc ngoài chỗ đứng ngồi như: giường, đất, cỏ, lá….Nơi bốn chỗ này vẫn thường nghĩ đến các việc cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo, tán thán kinh pháp, thọ trì giới cấm, đem pháp vô thượng tuyên nói rộng rãi cho các chúng sanh, tư duy nghĩa chánh, như pháp an trụ, phân biệt pháp giới và tu Chỉ, Quán.

Khi vị Bồ Tát tu pháp như vậy, giả sử có gặp bao nhiêu sự khổ đều vui kham nhận và nhẫn chịu đựng…Đây mệnh danh là Khổ về oai nghi.

-Khổ về nhiếp pháp: Gồm có bảy điều:

Thân bỏ trang sức tốt đẹp.
Cạo bỏ râu tóc
Mặc y cắt rọc
Chẳng tự do với việc đời, mạng sống tùy thuộc người khác.
Xin ăn nuôi sống.
Lìa nghề nghiệp mưu sinh, ít muốn biết đủ.
Bỏ lìa thân thuộc, và năm thứ dục lạc.
Đây gọi là cái khổ nhiếp pháp.

-Khổ cầu xin: Những vật cung ứng cho cơ thể như áo mặc uống ăn, phòng nhà, mền nệm, thuốc thang v.v. Tất cả đều toàn nhờ vả người khác. Những lúc không được chẳng hề hiềm trách, những lúc có được lại phải tri túc. Cứ vậy mà sống cho đến trọn đời. Đè nén tất cả cái vui ngũ dục, cả đến ca nhạc, giỡn cười .v.v…Nhẫn những cái khổ như thế, gọi là sự khổ cầu xin.

-Khổ về tinh tấn: Đại Bồ Tát thường siêng năng tinh tấn cúng dường tam bảo, thọ trì, đọc tụng kinh pháp, luật, luận thuộc Bồ Tát tạng, biên chép, giải nói, ban ngày ban đêm tư duy nghĩa lý chẳng hề bỏ phế, gia công tinh tấn tu tập thánh đạo. Do sự tinh tấn nên kham nhận cả các thứ khổ cực. Như thế gọi là sự khổ tinh tấn.

-Khổ vì lợi ích chúng sanh: Như mười một điều lợi ích trong ngoài đã nói ở trước. Đây gọi là sự khổ lợi ích chúng sanh (Mười một điều như đã nói ở phẩm Trì giới độ).

-Khổ vì lo liệu công việc: Như xông bát, nhuộm áo, may vá y phục, chúng tăng sai khiến phục dịch mọi việc, cung cấp sư trưởng, làm việc cúng dường như tô, quét tháp v.v. Vì pháp lành mà trọn không thôi nghĩ, vì vô thường đạo cho nên nhẫn nại hết các sự khổ. Đây gọi là khổ vì lo liệu công việc.

Nhẫn những cái vui của các điều lành:

Về pháp nhẫn này gồm có tám điều:

Nhẫn thọ công đức của Phật, Pháp, Tăng. (3 điều), Nhẫn không thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát (2 điều), Nhơn nhẫn, Quả nhân, Nhẫn của phương tiện hay khéo.

Tánh Phật, Bồ Tát lại có hai nhẫn: Đức nhẫn cứu cánh. Nhẫn của trí tuệ thanh tịnh sáng suốt. Đây gọi là pháp nhẫn.

3.Nhẫn khó khăn của Bồ Tát là như thế nào? -Nhẫn khó khăn có ba:

Một là. Vô lượng chúng sanh đánh mắng, Bồ Tát đều có thể nhẫn.

Hai là. Bồ Tát có đủ năng lực tự tại, dầu rằng có thể đánh mắng trả lại, nhưng vẫn nhẫn chịu, không hề báo trả.

Ba là. Bồ Tát ở vào giòng tộc hào quý, có thể nhẫn xuống làm hạng thấp hèn.

4.Thế nào gọi là Tự nhẫn tất cả?

-Bồ Tát nhẫn nhịn đối với tất cả kẻ oán người thân hay không phải oán thân. Nhẫn với hạng thấp, hạng vừa, hạng cao. Như thế gọi là Tự nhẫn tất cả.

5.Nhẫn của người lành: Đây có năm điều để biết công đức thuộc về hạnh nhẫn:

Một là. Chẳng bị vướng mắc tâm ác, tâm giận.
Hai là. Tâm khó bị làm hư hỏng trở ngại.
Ba là. Tâm không buồn rầu.
Bốn là. Khi chết không hối.
Năm là. Chết rồi thọ hưởng cái vui trời, người.

Bồ Tát xét biết Nhẫn nhục có các công đức như vậy, bèn dạy chúng sanh khiến họ tu nhẫn. Chỗ tu đức nhẫn của vị Bồ Tát càng được thêm lớn, khen ngợi đức nhẫn, thấy người nhẫn nhục tôn trọng cung kính, ca tụng lễ lạy. Trên đây gọi là Nhẫn của người lành.

6.Nhẫn trong tất cả hạnh: Đại Bồ Tát thường quan sát lỗi dữ của sự bất nhẫn. Vì sao gọi là quả báo xấu ác? -Vì hay chịu báo trong ba đường ác. Do sợ ác đạo nên tu hạnh Nhẫn. Nhẫn vì thương xót, nhẫn vì lòng Từ, vì tâm mềm mỏng, vì thương mến chúng sanh. Nhẫn vì quyết cầu Vô thượng Bồ Đề. Nhẫn vì đầy đủ Nhẫn nhục ba la mật. Nhẫn vì xuất gia, vì đầy đủ tánh, Nhẫn vì muốn tu đức nhẫn trong vô lượng đời. Nhẫn vì được Tánh nhẫn, vì được không ái, không sân, vì để thấy tánh pháp giới, vì để thấy chúng sanh giới. Nhẫn trong tất cả thời gian, nhẫn trong tất cả quốc độ, nhẫn trong tất cả tâm…Như thế gọi là Nhẫn trong tất cả hạnh.

7.Nhẫn để trừ khử: Nếu có nhiều người nghèo cùng khốn khổ tìm đến Bồ Tát xin những vật dùng, lại có kẻ ác, kẻ hủy giới cấm cũng theo hỏi xin…Nhằm phá ác tâm và tu đức nhẫn, Bồ Tát bố thí cho người sự vui để phá cái khổ. Đây chính gọi là Nhẫn để trừ khử.

8.Nhẫn tự lợi, lợi tha: Đối với những cảnh đói khát, nóng lạnh, gió mưa, thú dữ…Bồ Tát kham nhẫn chịu đựng tất cả, không tâm buông lung, vì thương chúng sanh nên chịu khổ sống chết. Đại Bồ Tát được đức Nhẫn như vậy, nuôi lớn tất cả pháp lành hiện tại, xa lìa phiền não, chuyển sang đời khác thâu hoạch vô lượng quả báo tốt lành, có thể điều phục tâm ác của chúng sanh. Vì chế ngự ác tâm cho nên không bị mọi sự sai sử bởi các phiền não. Hiện tại an vui, sau được quả lành. Đây gọi là Nhẫn tự lợi, lợi tha.

9.Nhẫn vắng lặng: Bồ Tát nếu bị chúng sanh hung ác đánh đập mắng nhiếc, không sanh ác tâm đối với kẻ đó, cũng không hề để ý tưởng oán hận, mà khởi ý tưởng xem như bạn lành.

"Nếu không có những người ác như vậy, làm sao ta được tăng trưởng pháp lành". Thấy kẻ mắng nhiếc nhỏ nhẹ xin lỗi. Tu lòng Từ bi để có thể phá phiền não cõi Dục.

Đầy đủ mười đức nhẫn nhục trên đây, Bồ Tát có thể tu tám Thánh đạo và được Vô thượng Bồ Đề.

PHẨM THỨ MƯỜI BA
TINH TẤN ĐỘ
(TINH TẤN BA LA MẬT)

1.Thế nào là tánh tinh tấn của Đại Bồ Tát?

-Tánh tinh tấn là: Một lòng chuyên cần, ròng rã tiến tới.

Vì nhiếp giữ pháp lành. Vì lợi ích chúng sanh. Vì làm cho chúng sanh được đạo vô thượng. Vì phá sự điên đảo. Do tánh tinh tấn nên được thiện nghiệp thuộc thân, miệng, ý.

2.Tất cả sự tinh tấn là gì?

Có hai tính cách: Thế gian. Xuất thế gian.

Lại có hai thứ: Tại gia. Xuất gia.

Lại có ba thứ: Sự trang nghiêm. Nhiếp giữ pháp lành. Lợi ích chúng sanh.

Sự trang nghiêm là gì?

-Khi Đại Bồ Tát mới phát đại tâm chuyên cần tinh tấn trang nghiêm (tự thề nguyện rằng) "Nếu như có thể làm cho một người được quả giải thoát mà vô lượng kiếp tôi phải ở địa ngục chịu khổ não lớn, chịu khổ lớn rồi, sau đó mới được Vô thượng Bồ Đề. Chứng Bồ đề rồi, cho đến có thể làm cho một người được quả giải thoát, mà tôi phải chịu sự khổ địa ngục, dầu vậy tâm tôi vẫn không thôi nghĩ".

Đây gọi là sự trang nghiêm.

Bồ Tát đầy đủ trang nghiêm tinh tấn là hơn tất cả những công đức của Thanh Văn, Duyên Giác không sao tính kể. Tại sao như vậy?

-Vì chịu khổ lớn để làm lợi ích tất cả chúng sanh. Nếu vì một người mà chịu khổ lớn, còn được vô lượng vô biên công đức, huống gì lại vì tất cả chúng sanh?

Đây gọi là sự trang nghiêm tinh tấn nhiếp giữ pháp lành của Đại Bồ Tát.

Thế nào là nghĩa chuyên cần tinh tấn nhiếp giữ pháp lành?

-Nếu vì tu hành Thí ba la mật. Giới ba la mật. Nhẫn ba la mật. Tấn ba la mật. Thiền ba la mật. Bát nhã ba la mật mà chuyên tinh tấn, như thế được gọi là sự Bất động.

Tất cả mê lầm, tất cả nghiệp ác, tất cả tà kiến, tất cả khổ não không làm lay động, thế nên cũng gọi là sự kiên cố, là sự trang nghiêm mạnh mẽ, và còn gọi là Biết khắp tất cả, vì biết các thuật thế, xuất thế gian. Còn được gọi là đầy đủ phương tiện, vì làm nhân duyên tu đạo chơn thật. Còn gọi chơn thật, vì được nghĩa thật. Còn gọi rộng rãi, vì trong tất cả thế gian, không gian đều không thôi nghĩ…Còn gọi điều phục, vì siêng tu tinh tấn không sanh kiêu mạn. Bảy việc như thế nuôi lớn pháp lành, cho nên mạn danh là sự tinh tấn nhiếp giữ pháp lành.

Bởi siêng tu tấn, cho nên đầy đủ tinh tấn của sáu pháp ba la mật. Đối với sự thú hướng Bồ Đề, nó là nhân duyên gần gũi hơn hết, không gì trên nổi, không gì qua nổi. Bởi vậy Như Lai nói trong các kinh: "Này A Nan Đà, sự siêng tinh tấn mau được vô thượng chánh đẳng, chánh giác".

Vì lợi ích chúng sanh siêng tu tinh tấn:

Gồm có mười một điều, như đã nói nơi phẩm Trì giới độ.

3.Tinh tấn khó khăn là gì?

Bực Đại Bồ Tát không tự tác ý tưởng đến y phục, không tưởng đến những thức ăn, mền mệm không nghĩ tưởng đến "cái gọi là Ta", không tưởng về pháp, không tưởng về Đạo, không tưởng Bồ Đề.

Đây cũng gọi là sự siêng tinh tấn của Đại Bồ Tát, thế nên gọi là tinh tấn khó khăn. Trong tất cả thời gian, trong tất cả quốc độ, trong tất cả tâm đều siêng tinh tấn. Đó gọi là khó. Không gấp, không hưỡn, ngay đó vận dụng. Như thế gọi là tinh tấn khó khăn. Cái khó khăn của mọi sự tinh tấn có hai thứ nhân: Một là Từ Bi. Hai là Trí tuệ.

4.Tất cả tự tinh tấn là gì? -Đây có bốn điều:

Một là. Lìa các pháp ác.
Hai là. Tăng trưởng pháp lành.
Ba là. Trau dồi sáng sủa pháp lành.
Bốn là. Tăng trưởng trí tuệ.

-Lìa các pháp ác: Đại Bồ Tát siêng tu tinh tấn, những ác chưa sanh, siêng tạo phương tiện khiến chẳng phát sanh.

-Tăng trưởng pháp lành: Đã sanh pháp lành, dùng phương tiện khéo làm cho thêm rộng.

-Trao dồi sáng sủa pháp lành: Siêng năng tu tập nhân duyên ba nghiệp thuộc thân, miệng, ý. Hết lòng buộc niệm gìn giữ pháp lành.

-Tăng trưởng trí tuệ: Như sự tinh tấn học rộng nghe nhiều, tu tập Thiền định, làm cho trí tuệ của Đại Bồ Tát được tăng trưởng lên.

Trên đây gọi là Tất cả tự tinh tấn.

5.Tinh tấn của người lành:

-Khi Bồ Tát vì cầu thiện pháp mà siêng tinh tấn, giả sử đầu thân đều bị lửa đốt, chẳng lấy làm nóng. Khi Đại Bồ Tát siêng tu thiện pháp tinh tấn thực hành, tự mình còn chẳng cảm giác cái nóng của lửa địa ngục huống lửa thế gian. Khi Đại Bồ Tát siêng tu tinh tấn chẳng nhiều, chẳng ít, vận dụng đều đặn. Vì khéo điều phục nên sự tinh tấn càng được tăng trưởng. Tại sao vậy? Vì tâm đã thanh tịnh. Vì chẳng thôi nghĩ. Vì chẳng hối đổi. Vì được lợi ích không bị điên đảo. Vì rốt ráo có thể chứng Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là tinh tấn của người lành.

6.Tinh tấn trong tất cả hạnh?

-Luôn luôn tinh tấn, dốc lòng tinh tấn, sáng suốt tinh tấn, chẳng ngớt tinh tấn, tinh tấn trang nghiêm, tinh tấn chịu khổ, tinh tấn không lay chuyển, tinh tấn không kể thời gian, tinh tấn không hề thấy đủ…Bồ tát thành tựu những sự tinh tấn trong tất cả hạnh, được mệnh danh là Năng lực vĩ đại. Thường siêng tinh tấn tâm an trú vào chỗ lành vững chắc, trang nghiêm mãi mãi chẳng thôi chẳng nghĩ, do đó chúng được thiện pháp thù thắng.

Vì muốn cho tâm càng tinh tấn hơn, Đại Bồ Tát cầu Vô thượng Bồ Đề. Vì dốc một lòng mong muốn tinh tấn, Đại Bồ Tát tăng trưởng Bồ Đề Tâm và phương tiện tâm. Sự siêng tinh tấn của Đại Bồ Tát, các thứ cấu bợn không thể làm nhơ. Bồ Tát đem thân làm vật cúng dường để mau thành tựu Vô thượng Bồ Đề. Sự tinh tấn của Đại Bồ Tát là vì thiện pháp, dầu lửa đốt đầu thân cũng không cứu chữa. Do những điều này Bồ Tát hơn hẳn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.

Đại Bồ Tát tinh tấn tìm cầu, tinh tấn học hỏi phương thuật thế gian và pháp xuất thế. Vì tinh tấn học cho nên nhanh chóng đạt được kết quả. Đây gọi là sự tinh tấn trong tất cả hạnh.

7.Tinh tấn tự lợi, lợi tha:

-Có mười một điều như phẩm Trì giới đã nói (phẩm thứ mười một).

8.Tinh tấn để trừ khử?

-Như đã nói nơi phẩm Nhẫn Nhục độ.

9.Tinh tấn vắng lặng? -Có mười điều:

Một là. Thích nghi.
Hai là. Tu tập.
Ba là. Chẳng động.
Bốn là. Giữ vững.
Năm là. Tất cả thời gian.
Sáu là. Duyên ba tướng.
Bảy là. Chẳng bỏ.
Tám là. Chẳng tán loạn.
Chín là. Chế ngự.
Mười là. Hướng đến Bồ Đề.

-Đại Bồ Tát nếu khởi các phiền não, vì để trừ bệnh, cho nên tùy bệnh đối trị. Khi tham dục khởi, tu quán bất tịnh. Khi giận hờn khởi, tu quán từ bi. Tâm si mê khởi, quán mười hai nhân duyên. Tâm tán loạn khởi tu quán sổ tức và quán Giới phân biệt để phá kiêu mạn… Như thế gọi là tinh tấn thích nghi.

-Sự tinh tấn của Bồ Tát chẳng phải về trước, chẳng phải về sau mà vô lượng đời thường được thành tựu, gọi là tinh tấn tu tập.

-Bồ Tát tinh tấn siêng năng tu tập như lúc mới được. Đây mệnh danh là Tinh tấn chẳng động. Trong tất cả thời siêng cần tinh tấn, gọi là chẳng động.

-Đại Bồ Tát thường gần gũi sư trưởng các bậc tôn túc để siêng tu tập đa văn, quảng học, tư duy nghĩa lý tu các tam muội, tinh tấn thực hành thuận sự nghe nhận. Đây gọi là Tinh tấn giữ vững.

-Đại Bồ Tát tâm không nghiêng ngã, khi nên tu Chỉ thì tu pháp Chỉ. Lúc nên tu Quán liền tu pháp Quán, hoặc nên tu Xả thì tu pháp Xả. Đây là tinh tấn trong tất cả thời gian.

-Đại Bồ Tát khéo biết Định, Huệ, Xả. Lúc nào cũng đồng tu cả ba tướng. Khi nhập, trụ, xuất không mất chánh niệm, hết lòng tinh tấn. Đây gọi là tinh tấn duyên ba tướng.

-Bồ Tát nghe sự siêng năng tinh tấn chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát, nghe điều ấy rồi tâm không xem thường, tâm không buồn rầu, không cho vừa đủ. Đây gọi là tinh tấn chẳng bỏ.

-Đại Bồ Tát mỗi lúc điều phục các căn, điều phục các thức, ăn uống vừa đủ, đầu đêm cuối đêm dẹp bỏ ngủ nghĩ, dốc lòng chẳng loạn, chẳng để phóng túng, nghiêm cẩn suy cứu, phát sức tinh tấn, siêng tu nghĩa thật tâm không điên đảo, tùy thuận đường tu…Như thế gọi là Tinh tấn chẳng tán loạn.

-Bồ Tát tinh tấn không gấp, không hưỡn. Sự nghiệp gầy dựng theo đó thực hành. Đây gọi là tinh tấn chế ngự.

-Tất cả tinh tấn của Đại Bồ Tát đều đem hồi hướng vô thượng Bồ Đề. Từ Tánh tinh tấn cho đến Tinh tấn vắng lặng của Bồ Tát đều vì Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Tinh tấn hướng đến Bồ Đề.

Bồ Tát quá khứ tu trì tinh tấn đều đem hồi hướng Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát vị lai tu trì tinh tấn cũng đều hồi hướng Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát hiện tại tâm chẳng phóng túng tu trì tinh tấn, cũng đồng hồi hướng vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Tinh tấn hướng đến Bồ Đề.



PHẨM THỨ MƯỜI BỐN
THIỀN ĐỊNH ĐỘ
(THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT)

1.Thế nào là Tánh Thiền của Đại Bồ Tát?

-Bồ Tát hoặc nghe về Bồ Tát Tạng, hoặc tư duy nghĩa lý các thứ thiền định thế gian hay Thiền định xuất thế, Bồ Tát nghe rồi buộc tâm một chỗ, ổn định tâm trí, phân chia đẳng cấp để tu tập Đạo. Đây gọi là Tánh thiền.

2.Thế nào là Tất cả Thiền?

-Tổng quát gồm có hai loại: Thiền thế gian và Thiền định xuất thế. Hai loại Thiền này lại có ba trạng thái:

Một là. Nhập thiền hiện tại thọ vui.
Hai là. Nhập thiền thêm lớn Bồ Đề.
Ba là. Nhập thiền lợi ích chúng sanh.

-Hiện tại thọ vui là như thế nào? -Đại Bồ Tát phá các lưới nghi ngờ, thân tâm vắng lặng tự cảm nhận được cái vui xa lìa, phá tâm liêu mạn của sự riêng mình, chẳng đắm Thiền vị, lìa tất cả tướng. Đây mệnh danh là Nhập thiền hiện tại thọ vui.

Nhập Thiền thêm lớn Bồ Đề? -Thiền Định của Đại Bồ Tát có nhiều thứ duyên, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể, không có hạn lượng, thâu nhiếp hết thẩy tánh của mười lực, được các tam muội, những tam muội này dầu cho tất cả Thanh Văn, Duyên Giác còn không biết đến danh từ để gọi huống là có thể tu tập.

Những pháp thiền chung đại loại như là: Bát thắng xứ, Thập nhứt thiết xứ, Tứ vô ngại trí, Nguyện trí, Vô tránh trí, Đảnh trí v.v..Vì đồng có pháp tăng trưởng như nhau, gọi là Nhập thiền thêm lớn Bồ Đề.

-Nhập thiền lợi ích chúng sanh? -Có mười một điều như phẩm Trì giới đã nói.

Đại Bồ Tát tu đủ mười một điều thuộc về Thiền định, có thể giáo hóa chúng sanh, phá khổ phiền não, tu tập pháp lành và các môn tam muội, trí tuệ, nghĩ ơn báo ơn, thường hay cứu vớt những sự đau khổ của các chúng sanh, có thể bố thí những vật cần dùng cho khắp tất cả, khéo biết phương tiện, có thể chứa nuôi đệ tử, có thể làm cho đệ tử vâng theo ý mình…Những loại Thiền như vậy gọi là Tất cả Thiền.

3.Thiền khó khăn là gì? -Gồm có ba sự.

Một là. Khi Bồ Tát nhập thiền cảm thọ niềm vui, hơn hẳn tất cả sự vui thế gian, cũng hơn sự vui xuất thế của Thanh Văn thừa. Nhưng vì chúng sanh Bồ Tát bỏ cái vui thiền định, chịu thân cõi Dục.

Hai là. Đại Bồ Tát tu tập Thiền định, những môn tam muội được Bồ Tát tu, nhiều đến vô lượng vô biên vô số, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể. Tất cả Thanh Văn và Bích chi Phật đều không thể nào biết đến cảnh giới của Bồ Tát đã chứng nhập.

Ba là. Đại Bồ Tát nhờ nhân duyên thiền định mà được chứng quả Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Thiền khó khăn.

4.Tự thiền của tất cả?

Có bốn trạng thái:

Chung một trạng thái giác quán.
Chung một trạng thái hoan hỷ.
Chung một trạng thái an lạc.
Chung một trạng thái xả ly.

Vì vậy gọi là Tự thiền của tất cả.

5.Thiền của người lành?

Có năm sự tương đồng:

-Chẳng ái nhiễm.
-Cùng có tâm Từ.
-Cùng có tâm Bi.
-Cùng có tâm Hỷ.
-Cùng có tâm Xả.

Đây gọi là Thiền của người lành.

Thiền trong tất cả hạnh? -Có 13 điều:

-Vô ký đúng mức
-Thần túc
-Hướng đến Chỉ
-Hướng đến Quán
-Tự lợi
-Lợi tha
-Được công đức của thiền là năm thần thông
-Nhân duyên lời lẽ
-Nhân duyên nghĩa lý
-Nhân duyên về tướng Chỉ
-Nhân duyên về tướng Quán
-Nhân duyên thọ hạnh an vui hiện tại

Đây gọi là Thiền trong tất cả hạnh.

7.Thiền Trừ khử? -Có tám điều:

Một là. Khi Bồ Tát nhập thiền, có thể trừ những nỗi khổ tham độc cho các chúng sanh. Những khổ độc như: gió mạnh, mưa đá, bệnh nóng, bị quỷ ám nhập. Đây gọi là Thiền.

Hai là. Bồ Tát nhập định, có thể trừ diệt các khổ bốn đại không được điều hòa nơi thân chúng sanh. Mệnh danh là thiền.

Ba là. Hoặc khi nhập định, có thể rưới mưa cứu vãn đói kém vì nắng hạn lâu ngày.

Bốn là. Hoặc khi nhập định, có thể làm cho chúng sanh lìa các sợ sệt, sợ người, sợ quỷ, nỗi sợ dưới nước hay trên đất liền.

Năm là. Hoặc khi nhập định, có thể bố thí nước uống thức ăn, vật dùng cho các chúng sanh đang bị đói khát ở nơi đồng trống.

Sáu là. Hoặc khi nhập định, có thể cấp thí những vật cần dùng cho người nghèo khổ.

Bảy là. Hoặc khi nhập định, có thể phá hỏng tánh tình buông lung của các chúng sanh ở trong mười phương.

Tám là. Hoặc khi nhập định có thể phá hỏng các mối nghi ngờ trong tâm chúng sanh.

Tám điều trên đây gọi là Thiền để trừ khử.

8.Thiền tự lợi, lợi tha? -Có chín điều:

Một là. Nhập thiền do sức thần túc điều phục chúng sanh.

Hai là. Nhập thiền do tha tâm trí điều phục chúng sanh.

Ba là. Nhập thiền dùng sự giảng thuyết chơn thật điều phục chúng sanh.

Bốn là. Nhập thiền vì chúng sanh ác mà chỉ cho thấy cái khổ địa ngục.

Năm là. Nhập thiền làm cho kẻ câm được nói.

Sáu là. Nhập thiền làm cho kẻ mất sự nhớ nghĩ (loạn trí) được nhớ nghĩ lại.

Bảy là. Nhập thiền tùy thuận giảng nói mười hai phần kinh luận thuộc Bồ Tát tạng để giáo hóa trụ lâu nơi đời.

Tám là. Nhập thiền có thể dạy vẽ chúng sanh các việc ở đời như sớ giải sách sử, toán học, đọc tụng, in sách, luyện kim, nghề mộc, nghề hồ…

Chín là. Nhập thiền phóng ánh sáng lớn phá sự khổ não của những chúng sanh nơi ba đường ác.

Trên đây gọi là Thiền tự lợi, lợi tha.

9.Thiền vắng lặng? -Có mười:

Một là. Vắng lặng trong sạch về pháp thế gian.

Hai là. Vắng lặng trong sạch về pháp xuất thế.

Ba là. Vắng lặng trong sạch về phương tiện.

Bốn là. Vắng lặng trong sạch về căn bản.

Năm là. Vắng lặng trong sạch bực thượng.

Sáu là. Thể nhập sự vắng lặng trong sạch.

Bảy là. Trụ cảnh vắng lặng trong sạch.

Tám là. Ra khỏi sự vắng lặng trong sạch.

Chín là. Sự tự tại vắng lặng trong sạch.

Mười là. Vắng lặng trong sạch hai món chướng.

Mười sự vắng lặng trong sạch này, gọi là Thiền vắng lặng.

Bồ Tát tu tập mười điều vắng lặng như trên, thành tựu vô lượng, vô biên công đức là chứng được quả Vô thượng Bồ Đề.

PHẨM THỨ MƯỜI LĂM
TRÍ TUỆ ĐỘ
(BÁT NHÃ BA LA MẬT)

1.Thế nào là tánh tuệ của Bồ Tát.

-Vì Nhất thiết trí - Tất cả khả năng sáng suốt để phân biệt pháp giới, gọi là Tánh tuệ.

Lại nữa, khéo học năm phương thuật: Nội thuật, Nhân thuật, Thanh thuật, Y phương thuật, Công xảo thuật, gọi là Tánh tuệ.

2.Tất cả tuệ là gì? -Tổng quát có hai:

Thế gian. Xuất thế gian.

Hai thứ này lại chia làm ba:

Một là. Biết đúng như thật: Biết năm phương thuật, biết ba nhóm chúng sanh, biết phương tiện lợi ích chúng sanh, biết pháp giới chẳng thể tuyên nói, biết bốn thánh đế, không ngã, không ngã sở. Đối với các pháp giới không có giác quán, quán các pháp giới với tâm bình đẳng, chẳng bỏ, chẳng chấp, chẳng thường, chẳng đoạn và nói về pháp Trung đạo. Đây gọi là trí tuệ.

Hai là. Biết việc thế gian và pháp xuất thế là bởi Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là trí tuệ.

Ba là. Quán sâu pháp giới, phân biệt diễn nói để làm lợi ích chúng sanh, đó gọi là trí tuệ cũng gọi là Tất cả tuệ.

3.Thế nào là Tuệ khó khăn?

-Có mười một điều, như trong phẩm Trì giới đã nói.

Khéo biết tâm chúng sanh để điều phục gọi là Tuệ khó khăn.

Biết toàn thể pháp giới không bị chướng ngại gọi là Tuệ khó khăn.

Vì khắp chúng sanh mà diễn nói về pháp giới sâu thẳm, gọi là Tuệ khó khăn.

Khéo biết không ngã và không ngã sở, gọi là Tuệ khó khăn.

4.Tự tuệ của tất cả?

-Hoặc thường thọ trì đọc tụng giải nói tạng pháp Thanh Văn, tạng pháp Bồ Tát, do đó (chúng sanh) được tu trí tuệ, do tu tuệ nên được những năng lực trí tuệ, được sức trí tuệ cho nên biết rõ pháp nào đáng tu, điều nào đáng làm, điều chẳng nên làm, hết lòng quán xét vô lượng sự việc. Đây gọi là tự tuệ của tất cả.

5.Tuệ của người lành: Đây có năm sự:

Một là. Do nghe chánh pháp mà được.

Hai là. Do tư duy chánh pháp mà được.

Ba là. Do tự lợi, lợi tha mà được.

Bốn là. Do chẳng điên đảo, nhận thức đúng chỗ các pháp mà được.

Năm là. Do phá phiền não mà được.

Lại có năm sự:

-Có thể biết nghĩa sâu kín nhỏ nhiệm.

-Tu tập Thiền định biết được pháp giới.

-Cùng Tuệ trang nghiêm mà được trí tuệ.

-Từ Phật, Bồ Tát đưa đến.

-Đủ tâm vắng lặng cho đến cứu cánh.

Đây gọi là Tuệ của người lành.

6.Tuệ trong tất cả hạnh? -Có 13 pháp:

Một là. Khổ trí. (Trí biết rõ Khổ đế)

Hai là. Tập trí. (Trí biết tập nhân phiền não).

Ba là. Diệt trí. (Trí biết Diệt đế-Niết Bàn).

Bốn là. Đạo trí. (Trí biết Đạo đế - 8 thánh đạo).

Năm là. Tận trí. (Trí biết hết các lậu hoặc).

Sáu là. Vô sanh trí. (Trí biết các pháp không duyên sanh).

Bảy là. Pháp trí. (Trí biết các pháp không thực có).

Tám là. Tỷ trí. (Trí biết sự tỷ lượng đối với các pháp).

Chín là. Thế trí. (Trí biết Sự sự trong 9 pháp giới, Trừ Phật pháp giới).

Mười là. Thông trí. (Trí biết các thần thông).

Mười một là. Nhân trí. (Trí biết nguyên nhân sự vật).

Mười hai là. Lực trí. (Trí biết mười lực của Phật).

Mười ba là. Sơ tâm trí. (Trí biết bản thể đầu tiên).

Đây gọi là Tuệ tất cả hạnh.

7.Thế nào là Tuệ trừ diệt?

-Do bốn trí vô ngại, trí thế gian và trí xuất thế, phá hết tất cả mọi sự tối tăm. Vì vậy gọi là Tuệ trừ diệt.

8.Tuệ tự lợi lợi tha? -Như đã nói ở phần đầu đoạn năm phương thuật. Do nhân duyên năm phương thuật này mà được Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Tuệ tự lợi lợi tha.

9.Tuệ vắng lặng: Vì sự chơn thật cho nên tu tập. Vì khắp chúng sanh cho nên tu tập. Vì để được nghĩa cho nên tu tập. Vì biết nhân quả cho nên tu tập. Vì phá sự điên đảo. Vì khéo biết phương tiện. Vì biết việc đáng làm việc không nên làm cho nên tu tập. Vì biết phiền não, vì để được cứu cánh cho nên tu tập.

Đây gọi là Tuệ vắng lặng.

Bồ Tát đầy đủ chín điều như trên, gọi là TRÍ, gọi là TUỆ, gọi là RỐT RÁO, cũng gọi là chơn thật, cũng gọi là vô lượng tuệ. Do nhân duyên vô lượng tuệ này, Bồ Tát đầy đủ Bát Nhã Ba la mật. Vì đầy đủ Bát nhã Ba la mật cho nên được Vô thượng Bồ Đề.

Như trong các kinh Phật đã từng nói: "Có người đầy đủ Bát nhã, có người không đầy đủ" Nhưng nên biết rằng chín thứ lớp như vậy, từ Tánh cho đến vắng lặng, những ai hoặc nói một pháp Ba la mật, hoặc nói hai pháp, ba pháp, bốn pháp, năm pháp, sáu pháp, nói một pháp là nhiếp luôn sáu pháp, cho đến nói sáu pháp cũng là nhiếp luôn sáu pháp. Nếu có những người nghe những danh từ trong chín thứ ấy rồi tin nhận vâng làm đọc tụng biên chép, phân biệt nói rộng giáo hóa chúng sanh, người đó rốt ráo sẽ được thành tựu đầy đủ sáu pháp Ba la mật.

PHẨM THỨ MƯỜI SÁU
NHUYẾN NGỮ (ÁI NGỮ)
NÓI NĂNG MỀM MỎNG

1.Thế nào là Tánh Nhuyến ngữ của Bồ Tát?

Đại Bồ Tát nói năng vui vẻ, nói ra điều gì người nghe đều thích, nói lời chân thật. nói đúng phép tắc, nói đúng nghĩa lý, nói lợi ích người. Đây mệnh danh tánh cách nói năng mềm mỏng hay tánh nhuyến ngữ của Đại Bồ Tát.

2.Vì sao gọi là Nhuyến ngữ tất cả?

-Đại Bồ Tát hoặc gặp người mà trước đó chưa quen, Bồ Tát gặp rồi mở lời nhỏ nhẹ ra ý hỏi han và cùng đàm luận. Nếu thấy vị kia là người có đức, tánh tình đàng hoàng, Bồ Tát không vì đó mà ôm lòng đố kỵ. Vì phá tâm kiêu mạn nên kính ý hỏi thăm: "Thân thể của ngài được an ổn chăng? Trong khi đi đường cực nhọc lắm chăng? Thật là hân hạnh được gặp gỡ ngài".

Liền đó Bồ Tát sắp đặt chỗ ngồi, cung cấp nước uống như cách thông thường của bao người đời. Bồ Tát tùy thuận lòng người và không vì người nói lời thô xấu, như nói đến sự giết chóc phá hoại, cướp đoạt, mất mát….Chỉ nói đến việc đúng đắn hiền hòa, chẳng hạn như nói: "Con ngài khôn lớn đã tính đến việc xây dựng gia thất cho các cháu chưa? Của cải lúa thóc của cháu có được dồi dào hay chăng? Cháu có kính tin Tam bảo, thọ giới, bố thí, học rộng biết nhiều chăng?…"

Bồ Tát đầy đủ cách thức nói năng lợi ích chúng sanh. Thế nên gọi là Nhuyến ngữ tất cả.

Lời nói mềm mỏng, lời nói cởi mở có hai:

-Tùy thuận thế gian.

-Tùy pháp xuất thế.

Thế gian lại có hai:

-Thế gian hạ giới. (cõi Dục).

-Thế gian thượng giới. (cõi Sắc, cõi vô sắc).

Xuất thế gian cũng có hai:

-Chánh pháp xuất thế tự lợi.

-Chánh pháp xuất thế lợi tha.

Đại Bồ Tát vì pháp thế gian thượng, hạ mà nói lời mềm mỏng. Vì tự lợi, lợi tha xuất thế nói lời mềm mỏng. Đây gọi là nói năng mềm mỏng cởi mở.

3.Nhuyến ngữ khó khăn?

-Nếu có kẻ đến mưu hại Bồ Tát, đối với kẻ đó Bồ Tát tưởng như con một, hết lòng nhỏ nhẹ nói với những kẻ đánh mắng cướp đoạt.

Lại nữa, nhuyến ngữ khó là: Đại Bồ Tát thường vì những kẻ si mê mà nhỏ nhẹ nói pháp, ba nghiệp thân, miệng, ý của Bồ Tát chịu nhiều khổ não. Tuy chịu khổ lớn nhưng Bồ Tát vẫn liên tục dạy dỗ: "Ngươi hãy siêng học rồi về sau này sẽ đồng như tôi hoặc sẽ hơn tôi". Đây gọi là nhuyến ngữ khó khăn.

Lại nữa, Bồ Tát gặp kẻ sân hận, những người ganh tị, kẻ nhiều bỏn sẻn, kẻ chẳng biết nghe lời thầy, khi dối bực thầy, những kẻ chẳng biết nghe lời cha mẹ, khi người đức độ, những người ác hại, tà kiến cướp đoạt hay chiên đà la v.v…Với những hạng này Bồ Tát cũng vẫn nói năng với họ một cách mềm mỏng, không ý nghĩ xấu về hạng người đó. Đây gọi là Nhuyến ngữ khó khăn.

4.Tự nhuyến ngữ tất cả: Gồm có bốn:

-Nhuyến ngữ để phá nhân duyên phiền não.
-Nhuyến ngữ để làm nhân duyên phước báo cõi người, cõi trời.
-Nhuyến ngữ để làm nhân duyên tăng trưởng pháp lành.
-Nhuyến ngữ để làm nhân duyên nói sự trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề.
Lại có bốn:
-Nói bốn thánh đế cho người hiểu biết.
-Vì phá bốn chấp điên đảo.
-Vì phá bốn tánh buông lung.
-Vì phá tâm nghi ngờ.
Đây gọi là Tự nhuyến ngữ tất cả.


5.Nhuyến ngữ của người lành:


-Khi Đại Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, vì có nhân duyên cho nên nói pháp.
Nhân duyên nói cho đủ hiểu biết mà thuyết pháp.
Nhân duyên trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề mà thuyết pháp.
Nhân duyên sức thần túc mà thuyết pháp.
Nhân duyên sự trì giới mà thuyết pháp.
Thế nên các pháp từ duyên sanh ra, từ duyên mà diệt. Đây gọi là nhuyến ngữ của người lành.
6.Nhuyến ngữ trong tất cả hạnh?

-Hoặc khi Bồ Tát thuyết pháp, có những điều nên nói cho người khác và có những điều cần phải che lấp, dùng lời mềm mỏng nói thuận pháp tánh, chữ nghĩa không lộn. Thấy người sợ sệt, có thể dùng lời mềm mỏng an ủi cho người hết sợ. Gặp người cầu xin dùng lời dịu dàng hứa nhận cấp giúp. Đây mệnh danh là nhuyến ngữ trong tất cả hạnh.

7.Nhuyến ngữ trừ khử:

-Bồ Tát lìa bỏ lời nói hư vọng, lời nói hung dữ, lời nói đôi chiều, lời nói vô nghĩa. Thấy nói là thấy, nghe nói có nghe, rõ biết nói biết,. Chẳng biết, chẳng nghe, chẳng hay, chẳng biết cũng nói đúng vậy. Đây gọi là nhuyến ngữ trừ khử.

8.Nhuyến ngữ tự lợi, lợi tha: Nếu thấy người chịu khổ, Bồ Tát vì họ nói lời nhỏ nhẹ, dùng lời mềm mỏng cảm hóa chúng sanh, dùng lời dịu dàng răn bảo chúng sanh, hoặc dùng lời nói nhỏ nhẹ chỉ bảo khiến kẻ tà kiến phát sanh chánh kiến. Hoặc dùng lời nhỏ nhẹ chỉ dạy chúng sanh làm việc bố thí. Dùng lời nhỏ nhẹ chỉ dạy chúng sanh sống nghề chân chánh, hoặc dùng lời nhẹ giảng nói chánh pháp v.v…Như thế gọi là nhuyến ngữ tự lợi, lợi tha.

9.Nhuyến ngữ vắng lặng?

Có hai mươi hai điều như đã nói trong phẩm ĐIỀU PHỤC (từ trang 126 đến nửa trang 134).

-----------------------

Bị chú: Phẩm này nguyên trong kinh gọi là Nhuyến ngữ. Đây là danh từ thuộc Cựu dịch. Những dịch phẩm được dịch từ thời ngài Huyền Trang trở về trước, gọi là cựu dịch. Từ ngài Huyền Trang trở về sau gọi là tân dịch. Chúng tôi dịch Ái ngữ là lấy theo tân dịch.

Cũng như danh từ Nhuyến ngữ, hai danh từ LỢi THA và ĐỒNG LỢi ở hai phẩm kế tiếp đây đều thuộc cựu dịch. Chúng tôi đổi lại là Lợi Hành và Đồng Sự cho hợp với danh từ tân dịch.

Ngoài những thuật ngữ căn bản trên đây còn có rất nhiều thuật ngữ cựu dịch khác nữa mà người dịch không thể ghi chú hết.

Điều đáng ngạc nhiên là bản kinh này dịch vào đời Tống, kể như thuộc tân dịch mà nhiều thuật ngữ lại sử dụng theo lối cựu dịch.

LỢI HÀNH

1.Tánh Lợi hành là gì?

Đại Bồ Tát vì răn dạy người khác mà phân biệt ý nghĩa về giới luật, nói về ý nghĩa Như pháp an trụ, thương xót chúng sanh, tu tập lòng Từ, hết lòng giáo hóa điều phục chúng sanh.

Đây gọi là Tánh Lợi hành.

2.Tất cả Lợi hành.

Chúng sanh dầu chưa thuần phục, Bồ Tát đều làm cho được giải thoát, được vui hiện tại và vui đời sau. Dạy pháp xuất gia cho người gọi là sự vui đời sau. Nói pháp giáo hóa khiến người phá diệt kiết sử cõi Dục, gọi là sự vui hiện tại và vui đời sau. Bởi phá phiền não cõi Dục cho nên thân tâm vắng lặng, thân tâm vắng lặng do đó cảm thọ một niềm an vui. Đây mệnh danh là Tất cả lợi hành.

3.Lợi hành khó khăn: Đây có ba điều:

Một là. Nếu có những người chưa trồng căn lành chưa có nhân lành, khó nói để giáo hóa. Đây gọi là Lợi hành khó khăn.

Hai là. Hoặc có những người của cải dồi dào, thế lực tự tại mà tâm lại đầy tham lam của cải. Người như thế đó khó bề giáo hóa. Vì sao? -Bởi tánh họ buông lung. Đây gọi là Lợi hành khó khăn.

Ba là. Hoặc kẻ ngoại đạo tà kiến cố chấp, khó thể giáo hóa. Vì duyên cớ gì? -Bởi họ cuồng si. Những người như thế mà có thể dạy, khiến họ lợi ích quả là một điều khó khăn.

4.Tự Lợi hành tất cả: Có bốn điều:

-Người chưa đức tin khiến sanh đức tin.

-Người chưa trì giới làm cho trì giới.

-Người hay sẻn tham, giáo hóa khiến tu bố thí.

-Người nhiều si ám, giáo hóa khiến được trí tuệ.

Đây gọi là Tự lợi hành tất cả.

5.Lợi hành của người lành:

Đại Bồ Tát giáo hóa làm cho chúng sanh hiểu biết chơn thật, biết đúng thời, biết đúng nghĩa biết nói mềm mỏng, Giáo hóa tu tập lòng Từ v.v…Đây gọi là Lợi hành của người lành.

6.Lợi hành trong tất cả hạnh: Đại Bồ Tát thấy người nào đáng khen bèn dùng lời lẽ hay đẹp khen ngợi. Người đáng quở trách, dùng lời khổ khắc nghiêm nghị quở trách. Nếu có chúng sanh phá mất niềm tin đối với chánh pháp, Bồ Tát có thể điều phục hạng ấy. Người chưa vào cửa Phật pháp, Bồ Tát giáo hóa làm họ được vào. Người đã được vào liền vì giảng pháp khiến thêm căn lành. Bồ Tát điều phục và đặt để họ vào ba thừa pháp. Còn đối với người căn cơ thuần phục, liền vì họ nói các môn giải thoát.

Người ưa Thanh Văn, Bồ Tát chỉ dạy làm cho phát tâm Vô thượng Bồ Đề. Người chưa khéo trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát chỉ dạy khiến được trang nghiêm, người không quyết định, Bồ Tát chỉ dạy được tánh quyết định. Đây gọi là Lợi hành trong tất cả hạnh.

7.Lợi hành trừ khử:

-Người không hổ thẹn, Bồ Tát chỉ dạy cho biết hổ thẹn. Người tánh thô lỗ, Bồ Tát dạy vẽ biết sử tâm tánh. Vì người ganh tị loại trừ thói ganh. Vì kẻ sẻn tham dứt tánh sẻn tham. Vì kẻ đa nghi phá trừ lưới nghi…Đây mệnh danh là Lợi hành trừ khử.

8.Lợi hành lợi tha:

-Đại Bồ Tát luôn luôn dùng mười thiện nghiệp giáo hóa tất cả chúng sanh, gọi là Lợi hành lợi tha.

9.Lợi hành vắng lặng:

-Có mười pháp lành. Bên trong vắng lặng có năm. Bên ngoài vắng lặng cũng có năm.

Năm điều bên trong: Một là. Trong sạch. Hai là. Không thay đổi. Ba là. Thứ lớp. Bốn là. Có khắp. Năm là. Tùy thuận phép lành.

-Trong sạch là sao? Bồ Tát chẳng đem điều ác, điều không thanh tịnh, điều không đúng đắn mà giáo hóa người. Đây gọi là trong sạch.

-Không thay đổi là gì? -Với sự giải thoát, Bồ Tát chẳng nói là không giải thoát. Với pháp thanh tịnh chẳng nói bất tin. Pháp không điên đảo chẳng nói điên đảo. Đây gọi là không đổi. Đối với pháp nào chẳng phải giải thoát, Bồ Tát chẳng nói là pháp giải thoát. Với pháp bất tịnh chẳng nói là tịnh. Với pháp điên đảo Bồ Tát chẳng nói là không điên đảo. Như thế gọi là không đổi.

-Thứ lớp là gì? -Gặp kẻ si mê Bồ Tát bèn nói nghĩa cạn dễ hiểu để điều phục họ. Với người trung căn nói pháp bực trung. Với người lợi căn nói pháp bực thượng. Trước nói bố thí, kế nói Trì giới sau hết nói về Trí tuệ sáng suốt. Đây gọi là thứ lớp.

-Có khắp là gì? -Khi Bồ Tát nói pháp, không xem giòng dõi chúng sanh là giàu hay nghèo. Chỉ tùy vào sức, tùy trí của người mà nói giáo pháp, làm cho người nghe được niềm an vui. Đây gọi là Có khắp.

-Tùy thuận pháp lành như thế nào? -Bồ Tát quán sát chúng sanh, đáng được nghe pháp bực hạ, bực trung hay pháp bực thượng, bèn theo trình độ vì họ giảng nói. Đây mệnh danh tùy thuận pháp lành.

Năm điều vắng lặng bên ngoài:

Một là. Đại Bồ Tát vì khắp chúng sanh, tu tập lòng Từ vô lượng.

Hai là. Vì khắp chúng sanh, Bồ Tát chịu đựng vô lượng sự khổ.

Ba là. Chúng sanh vui ưa gặp gỡ Bồ Tát được sự lợi ích.

Bốn là. Được sức tự tại rồi nhưng vẫn tùy thuộc chúng sanh như kẻ tôi tớ.

Năm là. Bồ Tát có đủ các oai đức lớn, nhưng vẫn khiêm tốn, tự hạ thấp mình như con của hạng chiên đà la.

Như trên gọi là vắng lặng trong ngoài.

ĐỒNG SỰ

Thế nào là Đồng sự của Đại Bồ Tát?

-Đại Bồ Tát đã thành tựu đầy đủ vô lượng pháp lành, lại đem pháp lành chuyển hóa chúng sanh. Đây gọi là Đồng sự của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát cùng một việc làm mà giáo hóa chúng sanh, chúng sanh nếu được nhận pháp lành rồi, tâm họ vững chắc không gì lay động.

Vì sao thế?

Chúng sanh biết rõ Bồ Tát đã thành thiện pháp này rồi, người mới xoay vần khuyến hóa đến ta được sự an lạc. Nếu tu pháp lành mà bị điều ác thì Đại Bồ Tát không bao giờ tu, rồi đem khuyên ta.

Khi Đại Bồ Tát khuyến hóa vô lượng chúng sanh đồng sự như mình. Thì không người nào có thể nói rằng Bồ Tát tự mình chẳng được thành tựu mà khuyến khích người. Cũng không ai nói "Người tự chẳng đúng, làm sao khuyên người thực hành điều hành?"

Lại nữa, Bồ Tát có vị tự mình thành tựu, nhưng lại chẳng hay khuyến hóa người khác. Có vị tự không thành tựu nhưng hay khuyến hóa người khác. Có vị tự mình thành tựu và cũng có thể khuyến hóa người khác. Có vị tự mình chẳng thành tựu cũng chẳng khuyến hóa người khác.

-Tự mình thành tựu nhưng chẳng khuyến hóa người là: chẳng tự nêu tỏ công phu của mình đối với những người đồng thầy, đồng học, đồng pháp và đồng đức hạnh.

-Tự chẳng thành tựu mà hay khuyến hóa người khác là: Bồ Tát hoặc thấy những chúng sanh ác, thực hành việc ác như kẻ chiên đà la cho đến súc sanh. Vì điều phục hạng đó, Bồ Tát đồng chịu thân thể như họ, làm việc như họ để rồi đả phá nghiệp ác của những hạng này.

-Tự mình thành tựu và có thể khuyến hóa người: Đại Bồ Tát tự thành tựu pháp lành, phá tâm kiêu mạn, phá tâm khinh khi thoái chuyển của người.

-Tự mình chẳng thành tựu cũng chẳng khuyến hóa người là: Có Bồ Tát tự mình buông lung cho nên chẳng thể giáo hóa điều phục chúng sanh.

Đại Bồ Tát dùng sáu pháp Ba la mật tự trang thân mình, dùng Bốn nhiếp pháp trang nghiêm chúng sanh.

Đại Bồ Tát dùng sáu pháp Ba la mật tự điều phục tâm, dùng bốn nhiếp pháp điều phục tâm chúng sanh. Thân, miệng, ý của Bồ Tát trong sạch cho nên những pháp Bồ Đề trong sạch. Tự tâm trong sạch, cho nên trong sạch được tâm của chúng sanh. Bồ Tát thành tựu tốt đẹp thân tâm, nên gọi là bực Vô thượng, vô thắng, vô cộng-Không gì trên, không gì hơn, không gì chung đồng. Bởi ba nghĩa vô thượng, vô thắng, vô cộng này mà giáo hóa chúng sanh, thế nên gọi là đồng sự.

Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, đối với thời gian, đối với vật chất, đều không khởi niệm phân biệt.

-Đối với chúng sanh không khởi phân biệt là: Bồ Tát vì chúng sanh mà thực hành Bố thí Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật, cầu các pháp lành.

-Đối với thời gian không khởi phân biệt là: Đại Bồ Tát trong tất cả thời gian, vì chúng sanh mà sinh lòng tinh tấn cầu các pháp lành.

-Đối với vật chất không khởi phân biệt là: Đại Bồ Tát vì chúng sanh mà nhận chứa tạp vật, nhưng với những vật này tâm không tham đắm.

Do nhân duyên ba sự không phân biệt này mà được Vô thượng Bồ Đề. Bồ Tát cam vui tu tập tất cả hạnh lành, tâm không thoái thất hối đổi. Bởi nhân duyên tu tập, nên có thể làm hư hoại những tà pháp, tà kiến của chúng sanh, chỗ tu học của tự mình càng tăng trưởng thiện căn, hết lòng quan sát công đức các hạnh lành, tất cả những tà kiến không thể làm ngăn trở, hư hoại. Không hề tham cầu thân Chuyển luân vương, thân Thiên đế Thích, thân ma vương hay thân Phạm vương, chẳng cầu báo ơn, lợi dưỡng, danh dự hay sống lâu, sung sướng.

Bồ Tát tu tập những pháp như vậy tức được đầy đủ Bố thí Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật. Đây gọi là đồng sự. Khi Đại Bồ Tát tu hạnh Đồng sự tâm không lay động, không hư hoại, trong sạch, vắng lặng, ánh sáng vĩ đại của trí tuệ không bị che lấp.

Đại Bồ Tát trụ tâm thanh tịnh, thực hành đầy đủ pháp lành vô thượng, pháp lành sáng chói, pháp lành sáng chói nghĩa là: Những sự thực hành pháp lành của Đại Bồ Tát tất cả những sự chê bai phá hủy không phá hủy nổi. Tâm bất động của Đại Bồ Tát tu những pháp lành, những gì lay chuyển không lay chuyển nổi. Tâm ấy ngày đêm lớn dần như mặt trăng lớn dần từ lúc mới mọc.

Pháp lành vắng lặng là gì?

-Đại Bồ Tát chứng được Chánh định vắng lặng đồng với Như Lai, gần kề Vô thượng Bồ đề.

Do nhân duyên tất cả sự Bố thí, Trì giới, Tứ nhiếp cho nên Đại Bồ Tát được thân kim cang được quả Pháp thân.

Do nhân duyên Bố thí khó khăn, Trì giới khó khăn của Đại Bồ Tát, cho nên Đại Bồ Tát chứng được quả báo vi diệu, công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai.

Do nhân duyên Tất cả Tự thí, Tự giới cho nên được quả báo: Các hàng Trời người phụng sự cúng dường.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Của Người Lành, cho nên là bực vô thượng đối với chúng sanh.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Trong Tất cả Hạnh, cho nên thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Trừ khử, cho nên ngồi nơi Đạo tràng dưới cội Bồ đề, ma vương và quyến thuộc chẳng thể khuynh động.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Tự Lợi, Lợi tha, cho nên chứng được Thường, Lạc, giải thoát của Như Lai.

Do nhân duyên Bố thí, Trì giới Vắng lặng cho nên được kết quả bốn sự vắng lặng: Thân vắng lặng, Duyên vắng lặng, Tâm vắng lặng, Trí vắng lặng, Mười lực, Bốn vô úy, Ba Niệm xứ, Đại Bi, Năm Trí tam muội…Vì khắp chúng sanh cho nên có mười tám pháp Bất cộng. Vì trí tuệ lợi ích, cho nên có vô lượng Pháp Bất cộng của Như Lai.

HẾT QUYỂN THỨ NĂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]