- Đôi nét tiểu sử Đại Sư tác giả
- Lời giới thiệu của Jack Kornfield
- Lời giới thiệu của người dịch
- Lời cảm tạ của tác giả
- Những chữ viết tắt
- Giới thiệu tổng quát về Thiền Định
- Chương 1: Căn Bản Pháp Hành Thiền I
- Chương 2: Căn Bản Pháp Hành Thiền II
- Chương 3: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền I
- Chương 4: Những Chướng Ngại trong Hành Thiền II
- Chương 5: Phẩm Chất Của Chánh Niệm
- Chương 6: Sử Dụng Tính Đa Dạng Để Tạo Hứng Thú Cho Hành Thiền
- Chương 7: Hơi Thở Tuyệt Đẹp
- Chương 8: Bốn Trọng Tâm Của Chánh Niệm
- Sách nói: Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ - Thiền Sư Ajahn Brahm, bản dịch Trần Như Mai
LỜI GIỚI THIỆU CỦA JACK KORNFIELD
Bạn đang cầm trong tay một cuốn cẩm nang hướng dẫn hành Thiền thật hữu ích và tinh tế, do một vị sư đầy kinh nghiệm tu tập uyên thâm trình bày. Ajahn Brahm là một trong những vị sư thuộc thế hệ mới của những tăng sĩ Tây phương đã tu học, thực hành và nắm vững giáo lý quan trọng của Đức Phật, và nay Sư cống hiến kinh nghiệm ấy cho các hành giả thành tâm trên khắp thế giới hiện đại.
Trong cuốn Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ bạn sẽ tìm thấy toàn bộ những lời dạy thấu đáo để phát triển và đi sâu vào Thiền tập, đặc biệt nhắm mục đích nhập Định, hay nhập cácTầng Thiền, và khai mở tuệ giác tiếp theo sau. Ajahn Brahm cống hiến cho chúng ta những hiểu biết cẩn trọng và tinh tế để giúp chúng ta chuyển hóa được những khó khăn ban đầu và đưa tâm đến một trạng thái hỷ lạc, khinh an và vững chải sâu lắng của Định. Rồi Sư dùng nhất tâm chánh niệm để soi sáng tính vô ngã, từ đó đưa đến tri kiến giải thoát. Đây là những lời giảng dạy tuyệt vời.
Tôi hoan hỷ công nhận kinh nghiệm phong phú của Ajahn Brahm đã mang lại kết quả tốt đẹp trong việc hướng dẫn hành giả tu Thiền, Sư trình bày đường lối tu tập hướng đến nhập định và tuệ giác như là con đường chân chính đích thực mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta, và vì thế đó là con đường tốt nhất. Đây quả là một con đường ưu việt. Nhưng Đức Phật cũng đã giảng dạy nhiều phương cách khác cũng tốt như vậy để hành Thiền và Ngài cũng đã dùng nhiều phương tiện thiện xảo khác để giúp các đệ tử của Ngài đạt được giác ngộ. Những lời giảng dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đức Dalai Lama, Ajahn Buddhadasa hay Sunlun Sayadaw là một vài ví dụ trong số những bậc thầy khắp thế giới đã cống hiến tuệ giác của họ từ những góc độ khác nhau và mang cùng một vị giải thoát như vậy. Tất cả những bậc Thầy này đã tạo thành một đoá hoa Mạn-đà-la đầy hương sắc của Giáo Pháp sinh động, trong đó Ajahn Brahm đã làm hiển lộ một khía cạnh thật quan trọng.
Vì vậy, những bạn nào quan tâm đến việc thực tập để đạt tới các tầng Thiền và giáo pháp thâm sâu của Phật đạo thì hãy đọc cuốn sách này thật kỹ. Và tập thực hành. Bạn sẽ thọ nhận được rất nhiều từ những lời giảng dạy phong phú và sâu sắc này và thậm chí còn tiếp thu nhiều hơn nữa từ những kinh nghiệm đã được truyền đạt nơi đây. Và Đức Phật cũng như Ajahn Brahm đều khuyên chúng ta, hãy tự mình thử nghiệm, hãy thực hành, và từ đó học hỏi, nhưng đừng bám víu vào chúng. Hãy để chúng dẫn dắt bạn đến con đường giải thoát mọi dính mắc, một tâm giải thoát đích thực. Cầu mong những lời giảng dạy này sẽ đem lại hiểu biết, lợi ích và phước lành cho tất cả mọi người.
Với tâm từ,
Jack Kornfield
Spirit Rock Center
Woodacre, California-2006