Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tịnh Độ Thập Nghi Luận

30/04/201318:27(Xem: 4734)
Tịnh Độ Thập Nghi Luận
KHAI TỔ THIÊN THAI TÔNG
THIÊN THAI TRÍ KHẢI

THIỀN VÀ CHỈ QUÁN

PAUL L. SWANSON biên soạn
TỪ HOA NHẤT TUỆ TÂM biên dịch
thienquanvachiquan-bia2

Phần Ba
TỊNH ĐỘ THẬP NGHI LUẬN
(Thiên Thai Trí Giả)
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm biên tập
700 Câu Kệ Tụng

I
Vấn

Đại bi làm đạo nghiệp
Hằng sa Phật xưa nay
Hoa tâm Bồ tát trổ
Hẳn sinh ba cõi nầy.

Ngại chi đời ác trược
Ba đường dữ vào ra
Nay cầu sinh cõi tịnh
Sao gọi rằng lợi tha ?

Đáp

Nầy đại phu nên biết
Bồ tát ví mầm xanh
Tạm nói rằng hai tướng
Kết quả chứng vô sanh

Lại có hàng Bồ tát
Cánh khép ươm tà hoa
Vô sinh chưa chứng đươc
Thường kề cận Phật Đà

Bậc chứng vô sinh nhẫn
Nếu lìa bỏ chúng sinh
Cầu đất lành chim đậu
Lời trách chẳng vô tình.

Ví như hàng Bồ tát
Sơ phát tâm Bồ đề
Đại Trí Độ thường nói
Phàm phu nghiệp nặng nề.

Khá biết bởi vì sao?
Ác nghiệp chốn trần lao
Lẫy lừng và cùng khắp
Non thẳm mấy tầng cao

Nhẫn lực chưa thành tựu
Cho dù với đại bi
Như chim non cánh mỏng
Trời rộng dễ gì bay

Tự pháp ắt sinh tâm
Vô minh tùy cảnh chuyển
Danh sắc khéo buộc ràng
Biết đâu là giả huyễn

Tự cứu cũng chẳng xong
Cảnh xấu ác đầy dẫy
Chánh nhân đà khó gặp
Phật đạo dễ gì thấy

Trì giới và bố thí
Do nhân gieo đời xưa
Thọ sinh hàng quyền quý
Tham đắm mấy cho vừa

Ví gặp thiện tri thức
Chánh lý nghịch tà tâm
Nghĩa sâu trái lòng cạn
Tịnh hạnh ngược tham sân

Thân sinh thì thân diệt
Tam đồ lại thọ thân
Trải hằng vô lượng kiếp
Sinh làm kẻ cô bần

Chuyển xoay đà mấy thuở
Luân lạc một tâm nầy
Xưa nay nào có khác
Nan-hành-đạo vậy thay.

Thành Xá Ly ngày xưa
Lời kinh Duy Ma Cật
{Chẳng tự cứu lấy mình
Há cứu người mà được ?}

Đại Trí Độ lại nói
Ví có hai người kia
Người thân bị nước cuốn
Muốn cứu dưới dòng gieo

Biết đâu là đáy vực
Biết đâu sức cuồng lưu
Cứu nhau đà chẳng được
Thác lũ cánh bèo trôi

Còn lại một người trí
Thả bè xuôi dòng xanh
Cứu lấy người chẳng khó
Ví Bồ tát vô sanh

Lại ví như trẻ thơ
Chớ rời xa bóng mẹ
Lại ví như chim non
Nhảy chuyền trên nhánh lá

Phàm phu cũng chẳng khác
Tâm niệm A Di Đà
Đến khi thanh tịnh nghiệp
Chứng được quả vô sinh

Bấy giờ nương Pháp nhẫn
Dong thuyền giữa biển khơi
Mặc tình muôn lớp sóng
Mặc thế sự đổi dời

Bậc bi tâm hành giả
Muốn vào biển trầm luân
Nên cầu sinh đất tịnh
Dị-hành-đạo gọi chung.

II

Vấn

Thể vạn pháp vốn Không
Xưa nay thường vắng lặng
Bồ tát bỏ Sa Bà
Lại cầu nơi Cực Lạc

Như kinh thường nói rằng
Nay muốn cầu tịnh độ
Trước phải tịnh tâm mình
Tâm tịnh tức độ tịnh

Như lời kinh mà suy
Ngôn hạnh chẳng đồng nhất
Bỏ đây cầu nơi kia
Lý nào là lý Phật ?

Đáp

Phân hai nghĩa rõ ràng
Tổng-đáp và Biệt-đáp
Bỏ đây cầu nơi kia
Cho rằng chẳng bình đẳng

Lại như ông, chấp đây
Bỏ cầu sinh tịnh giới
Há chẳng lại là người
Bỏ kia cầu đây thôi

Nếu nói chẳng đây, kia
Nầy đại phu phải biết
Ông lại chính là người
Mắc phải lỗi đoạn diệt.

Dòng Kim Cang Bát Nhã
Phật thuyết trên đài hoa
{Tu Bồ Đề nên rõ
Tướng vạn pháp một thừa


Chớ nên nói lời rằng
Người phát tâm vô thượng
Nơi đó, chính là người
Đoạn diệt tất cả tướng

Khá biết bởi vì sao?
Người phát tâm vô thượng
Tánh, Tướng chẳng rời nhau
Há nói tướng đoạn diệt.}

Lại như phần biệt-đáp
Nói đến lý vô sinh
Cùng như về tánh tịnh
Tôi vì ông minh bạch

Vô sinh tức bất sinh
Bất sinh thì bất diệt
Do giả hợp tựu thành
Chính vì không tự tánh

Chẳng từ đâu mà lại
Nên gọi là bất sinh
Đại phu- ông phải biết
Sóng vỡ, một dòng xanh.

Sao gọi là bất diệt ?
Bởi chẳng đi về đâu
Đại phu- ông phải biết
Bàng bạc mây trên đầu.

Vô sinh hoặc vô diệt
Vẫn không ngoài các pháp
Đó chính thực chân như
Chân như trong vạn pháp.

Chẳng cầu sinh tịnh độ
Hoặc chẳng muốn Di Đà
Vô sinh nào nghĩa ấy
Chấp một- chẳng lìa xa.

Xưa kia Ngài Long Thọ
Dùng Trung Quán hiển khai
Lời xưa đâu đấy tỏ
Sấp, ngữa một bàn tay.

{Các pháp nhân duyên sinh
Ta nói chính là Không
Đó gọi là giả danh
Cũng là nghĩa Trung Đạo}

Các pháp chẳng tự sinh
Chẳng nơi khác mà sinh
Chẳng cộng, chẳng vô nhân
Nên gọi là vô sinh.}

Kinh Duy Ma lại nói:
{Quốc độ và hữu tình
Biết tánh Không các cõi
Thường tu- dạy quần sinh}.

Ví người xây cung thất
Muốn trụ giữa hư không
Chẳng chống trời, dựa đất
Tất không thể nên công .

Thực tướng của các pháp
Tùy căn tánh chúng sanh
Chư Phật dùng Nhị Đế
Không hoại diệt giả hình.

Vậy mới hay kẻ trí
Tịnh độ cầu vãng sinh
Biết Không vốn thể tánh
Đó thực chân vô sinh.

Tâm tịnh cõi Phật tịnh
Mới chính thực nghĩa nầy
Kẻ ngu si vọng chấp
Ngàn dặm dấu bèo, mây.

Nghe sinh, liền chấp sinh
Nghe vô sinh, lại chấp
Vô sinh là chẳng sinh
Không chỗ nơi hội nhập.

Tâm mê nào thấy được
Sinh chính thực vô sinh
Cả hai nào ngăn ngại
Khác chi bóng theo hình

Trí khởi sinh tranh chấp
Tâm ưa thích thị phi
Khinh người cầu Cực Lạc
Bởi chấp đến, chấp đi.

Kẻ tội nhân báng Pháp
Đã chính thực mê lầm
Hàng tà kiến ngoại đạo
Cách Phật đến muôn trùng.

III

Vấn

Pháp tánh cùng công đức
Cõi Phật khắp mười phương
Bình đẳng nào sai khác
Sao chỉ cầu một đường ?

Đáp

Đúng như lời ông nói
Mười phương Phật đủ đầy
Kẻ độn căn, thiểu trí
Cần buộc tâm cõi nầy.

Muốn tựu thành tam muội
Tâm niệm một hồng danh
Tâm chuyên vào một cảnh
Nhất-tướng tam-muội thành.

Ngài Phổ Quang Bồ tát
‘Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh’
Dưới đài sen tán thán
Đảnh lễ bạch lời rằng :

{Nơi nào chẳng tịnh độ
Đâu chỉ riêng Tây phương ?
Mười phương cõi nước Phật
Một màu hoa thanh lương

Bởi do nhân duyên gì
Thế Tôn riêng khen ngợi
Cõi nước A Di Đà
Khuyên sinh về nước ấy ?}

{Nầy Phổ Quang Bồ tát
Chúng sinh cõi Diêm Phù
Tâm tánh thường mê loạn
Vời vợi dạ du du.

Nếu tưởng nhiều quốc độ
Nếu niệm nhiều Phật danh
Tâm kia không kiên cố
Tam muội khó tựu thành.

Công đức của chư Phật
Đồng pháp tánh như nhau
Cầu công đức một Phật
Ngàn công đức gồm thâu .

Nay nhất tâm xưng tán
Phật danh A Di Đà
Không khác đà xưng tán
Chư Phật khắp hằng sa .

Sinh về cõi tịnh độ
A Di Đà phương Tây
Tức sinh về tất cả
Cõi tịnh mười phương nầy .}

Thân tất cả chư Phật
Cũng chính một Phật thân
Kinh Hoa Nghiêm từng nói
Định, huệ, lực cũng đồng.

Ví vành trăng tròn sáng
In bóng khắp sông hồ
Như bậc vô ngại trí
Ứng hiện diệu thần cơ

Người tuệ căn nên biết
Thân Phật không có hai
{Tâm niệm một danh Phật
Tức mười phương Như Lai.}

IV

Vấn
Chúng sanh tâm trược loạn
Tam muội khó tựu thành
Mười phương đồng có Phật
Chẳng tùy nguyện vãng sinh ?

Đáp

Trí phàm, tâm thô cạn
Chẳng nên tự lọc lừa
Vâng phục lời Phật dạy
Y pháp tự ngàn xưa

Châu sa vương lòng giấy
Lá bối thơm lời kinh
Dòng hoa từ kim khẩu
{Cực Lạc cầu vãng sinh.}

A Di Đà tự thuyết
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Hoa Nghiêm, Vô Lượng Thọ
{Cực Lạc cầu vãng sinh.}

Hằng sa chư Phật, Tổ
Tịnh Độ một cõi nầy
Bốn mươi tám thệ nguyện
Ánh sáng nhuộm hồng mây.

Tám vạn bốn ngàn tướng
Tướng tướng phóng quang minh
Tỏa ngời muôn pháp giới
Cảm ứng tự nhiên thành.

Phật mười phương cõi nước
Hiện tướng lưỡi rộng dài
Chứng minh lời tự thuyết
Cực Lạc một trời Tây

A Di Đà Tôn Phật
Hy hữu đại nhân duyên
Diêm Phù Đề cõi ấy
Tạng kinh báu lưu truyền

Rằng: {Trong thời mạt tận
Ngọc điệp khép tờ hoa
Một trăm năm còn lại
Dòng kinh A Di Đà}.

V

Vấn
Phước đức cõi người mỏng
Phiền não chướng bủa vây
Kho chứa muôn ác nghiệp
Chưa vơi lại đổ đầy.

Nước Cực Lạc trang nghiêm
Vượt ra ngoài ba cõi
Phàm tâm tâm dấy động
Tạp niệm niệm bồi hồi

Nhân gieo toàn hạt dữ
Trí cạn trăng lồng mây
Nay vọng sinh đất tịnh
Điệp sứ khôn hồi quy.

Đáp

Khéo biết có hai duyên
Tự lực và tha lực
Hàng phàm phu kém phước
Chẳng thể tự vãng sinh.

Anh Lạc Kinh từng nói
Trồng gốc hạnh Bồ Đề
Vun bồi bằng tín, giới
Bồ tát pháp chẳng lìa

Trải qua ba số kiếp
Trụ vị sơ-phát-tâm
Thập tín, ba la mật
Vô lượng hạnh khó làm.

Theo sau mười ngàn kiếp
Trụ chánh tâm quang minh
Vào được chủng-tánh-vị
Vẫn chưa thể vãng sinh.

Nếu như có hành giả
Vì người phát tâm tu
Niệm Phật Ba La Mật
Cảm ứng chẳng rời nhau.

“Thập Trụ Tỳ Bà Sa”
Há đã chẳng từng nói:
Nan Hành và Dị Hành
Đường kia chia hai lối.

Chúng sinh đời ngũ trược
Vô lượng kiếp đến, đi
Cầu A-bệ-bạt-trí
Thực khó được vậy thay!

Phước chung thì nghiệp chung
Ngoài tâm cầu Phật, Tổ
Trong mê ngóng Thánh, Hiền
Làm loạn Bồ tát pháp.

Hội ngộ kẻ tà tâm
Cận kề người thiểu trí
Chút thắng đức giữ gìn
Dần dà bị thiêu hủy.

Đơm hoa và trổ quả
Do xưa gieo nhân lành
Đắm chìm trong phước báu
Dễ lạc mất Phạm hạnh.

Tu pháp môn tự lợi
Lạc vào hàng Thanh Văn
Tâm đại từ khép kín
Vì mình hơn vì người.

Xa xa đường vạn dặm
Cách cách mấy trùng quan
Chân buông lòng gió bụi
Bằng bặt dấu quê nhà !.

Thuyền xuôi theo nước xuôi
Hải lý vạn trùng dương
Ví như nương Phật lực
Bốn bể gió đưa chân

Lại như nương luân bảo
Xe vàng của Thánh Vương
Du hành khắp thiên hạ
Trời Tây mấy dặm trường.

Cũng có kẻ luận bàn
Hữu lậu tánh phàm nhân
Không thể sinh Phật độ
Không thể thấy Phật thân

Đại phu, ông nên biết
Là vô lậu thiện căn
Niệm Phật Ba La Mật
Công đức khó suy lường

Phàm nhân dù hữu lậu
Nhất tâm cầu Tây Phương
Hàng phục được phiền não
Thấy thô tướng Phật thân

Như với hàng Bồ tát
Nhất tâm cầu vãng sinh
Thấy Phật thân vi diệu
Điều ấy chẳng còn ngờ .

Tất cả các cõi Phật
Theo lời Hoa Nghiêm Kinh
Đều bình đẳng không khác
Phân biệt tự tâm sinh.

VI

Vấn
Phàm nhân sinh tịnh giới
Hận sân thường phát khởi
Phàm tánh chẳng rời thân
Sao gọi vượt ba cõi ?

Đáp

Phàm nhân sinh đất tịnh
Hội đủ năm nhân duyên
Phiền não chẳng phát sinh
Trụ vị bất thối chuyển.

Vì bổn nguyện Đại Bi
Tôn Phật luôn nhiếp trì
Hào quang như nhật nguyệt
Tăng trưởng Bồ đề trí.

Rừng xanh cây nói pháp
Suối mát thơm lời kinh
Gió theo mây phù lãng
Chim hót tiếng hồn nhiên

Âm thanh làm Phật sự
Sắc tướng há vô tình
Ngay giữa lòng vạn vật
Pháp tánh hiện nguyên hình

Thượng trí và thượng thiện
Đại Bồ tát ứng thân
Thần giao sinh quyến thuộc
Tuyệt tham độc, mê lầm.

Thọ mệnh đến nghìn muôn
Đối duyên rõ cội nguồn
Ngoài không, thời, lập hạnh
Tiếng rống động càn khôn.

VII

Vấn
Bậc Nhất Sanh Bổ Xứ
Ngự Đâu Suất thiên cung
Giáng thế thành Phật đạo
Long Hoa hội tương phùng

Chí tâm tu thập thiện
Cầu Đâu Suất sinh thân
Theo chân Ngài giáng hạ
Chứng thánh vị tại trần.

Đáp

Công đức của chư Phật
Đồng pháp tánh không hai
Như đoạn trên đã nói
Cõi tịnh mười phương nầy

Phương tiện thì có khác
Bởi cảm ứng song đôi
Nếu dụng công phân biệt
Phải hiểu chữ tùy thời

Đâu Suất là đất Phật
Kinh Di Lạc Thượng Sinh
{Muốn thọ sinh nội viện
Chánh định tam muội thành.}

Lại tụ nơi Dục Giới
Quần tiên hội không xa
Có con Trời phóng dật
Có thiên nữ vào, ra.

Thích Ca Mâu Ni Phật
Thuyết “Cửu Phẩm Giáo Môn”
Từng ân cần khuyến nhủ
Cầu Cực Lạc Tây phương.

Lại nói về thánh vị
Há gặp Phật tất thành ?
Đại phu, ông phải biết
Tự lực, đạo nan hành.

Ví như cầu Cực Lạc
Chứng được quả vô-sinh
Bỏ sinh từ vô thủy
Biết sinh diệt nhân duyên.

Xưa ba vị Bồ tát
Cùng nguyện thọ sinh thân
Về cung trời Đâu Suất
Nội viện kiến Phật ân

Lại ước hẹn cùng nhau
Nếu thọ thân Đâu Suất
Đảnh lễ bậc đại từ
Lập tức Diêm Phù hiện

Người quy thiên thứ nhất
Sư Tử Giác là tên
Lạc vào cung thần nữ
Đằng đẳng nhạn trông tin

Khi Thế Thân thị tịch
Ngài Vô Trước ân cần
Đâu Cung nếu thấy Phật
Chớ quên lòng hẹn lòng.

Ba năm qua biền biệt
Dõi mây chiều ngóng trông
Ngài Thế Thân trở lại
Rừng thiền gặp cố nhân

Kể rằng: Cung Đâu Suất
Đảnh lễ báo Phật ân
Dưới đài hoa nghe pháp
Cung kính nhiễu ba vòng.

Nhớ Diêm Phù đất cũ
Hẹn cùng ai năm xưa
Tức thì quay trở bước
Ba lần lá thay mùa.

Cũng bởi một ngày đêm
Sánh bốn trăm năm vậy
Không gian và thời gian
Tự tâm mà ứng hiện

VIII

Vấn
Ác nghiệp tự vô thủy
Do khó gặp thiện nhân
Nhân kia trổ quả ấy
Như lá rụng rừng tùng

Dạy rằng : Hơi thở cuối
Được mười niệm chí tâm
Vượt kiết sử ba cõi
Dường nghi lý chẳng thông ?

Đáp

Nghiệp chủng của chúng sinh
Hoặc ít, nhiều, lành, dữ
Tự vô thủy đến nay
Mấy ai người rõ biết

Tín giả lúc lâm chung
Nếu gặp thiện tri thức
Thành tựu mười thiện niệm
Tức đã sẳn thiện nghiệp.

Nếu chẳng là thiện duyên
Dễ chi gặp người hiền
Kể gì đến thành tựu
Mười lời nguyện vãng sinh

Cớ sao lại cho rằng
Ác nghiệp chốn trầm luân
Nặng hơn mười thiện nguyện
Nên chẳng thể vãng sinh ?

Nếu như luận khinh, trọng
Hoặc công phu hành trì
Hoặc thời gian dài, ngắn
Chẳng đơn thuần vậy thay.

Lược nói ba nguyên lý
Đối với kẻ sơ tâm
Tâm, Duyên, và Quyết Định
Xanh lá chốn rừng tùng.

Từ tâm sinh ác nghiệp
Từ tâm hiện pháp đăng
Bềnh bồng khuôn lãng nguyệt
Thiện ác há hai tâm ?

Ví một gian thạch thất
Đóng kín cửa nhiều năm
Mở ra lìa bóng tối
Đối diện mặt trời hồng.

Gió yên thì sóng lặng
Tâm duyên cảnh giới sinh
Bồ Đề Tâm phát khởi
Công đức diệu âm thinh

Như người trúng tên độc
Thần dược cứu được thân
Ác nghiệp vô số kiếp
Chánh niệm cứu được tâm

Ly tâm lìa thể tánh
Hậu niệm cách chân như
Một tâm kia bất loạn
Nhất niệm A Di Đà

Ví vòng dây thô cứng
Dùng tay dứt chẳng rời
Vung Thái A thần kiếm
Ánh thép đoạn đôi nơi

Ví củi khô gom góp
Nhiều năm chất thành gò
Dùng lửa kia mà đốt
Chẳng mấy chốc thành tro.

Ví như người tinh tấn
Tu tập mười nghiệp lành
Lại khởi sinh tà kiến
Thối đọa ngục A Tỳ

Nghiệp ác từ hư vọng
Là bóng dáng của tâm
Vẫn tựu thành lửa dữ
Thiêu hủy rừng công đức

Huống chi danh hiệu Phật
Là diệu pháp, diệu âm
Dấu son hồng nét mực
Là dấu ấn Phật tâm.

Lại như kinh thường nói
Lục tự A Di Đà
Nếu chí tâm trì niệm
Nghiệp dữ phiến mây qua .

Phải biết bởi vì đâu
Tám mươi ức ác nghiệp
Biển rộng hóa cồn dâu
Từ nhất tâm, nhất niệm.

Lại xin nhắc lời rằng
Các học giả xưa nay
Hiểu lầm mười lời nguyện
Thuộc về biệt-thời-ý

Mở lại trang Nhiếp Luận
‘Nếu chỉ có biệt thời
Thì thuần là ý Nguyện
Không có Hạnh sánh đôi .’

‘Lâm chung liền vãng sinh
Nếu như nguyện Cực Lạc
Khi nghe Vô Cấu Phật
Chứng quả Vô Thượng Giác ‘

Đó là Tạp-Tập-Luận
Chỉ nói biệt-thời-nhân
Nên khéo mà suy đoán
Chớ vội mà phải lầm.

Thành tựu mười lời nguyện
Cũng bởi từ duyên lành
Hội ngộ thiện tri thức
Tin, hiểu, chí tâm hành

Nếu chỉ do túc nhân
Thì đã là thiếu sót
Hạt vùi giữa tuyết băng
Há dễ đơm hoa được.

IX

Vấn

Rằng cõi nước Cực Lạc
Cách xa mười muôn ức
Ngó biển lại ngó trời
Biết đâu là nước Phật

Thấy trong “Luận Vãng Sinh”
Nói rằng : ‘Kẻ tật nguyền
Nhị Thừa và người nữ
Không có nơi đất tịnh.’

Như lời ấy mà suy
Đã thấy chỗ cách phân
Kẻ thiếu căn, yếu đuối
Hàng Duyên Giác, Thanh Văn

Đáp

Mười muôn ức cõi nước
Dùng nhục nhãn mà nhìn
Người phàm tâm ô trược
Cõi Phật bóng mây xanh.

Thiện nghiệp đã thành tựu
An định trong chánh tâm
Tâm đó là tâm tịnh
Quy hướng liền vãng sinh

{Cõi nước A Di Đà
Cách đây chẳng phải xa}
Kinh Quán Vô Lượng Thọ
Muôn sắc một tờ hoa .

Ví như người trong mộng
Thân tuy ở tại sàng
Thấy đến đi các cõi
Bích hải tiếp thanh sơn.

Lại nói không người nữ
Không có kẻ thiếu căn
Nghĩa kinh nên tường tận
Thánh ý chớ xem thường

Xưa bà Vi Đề Hy
Cùng năm trăm thị tỳ
Cực Lạc sẽ vãng sinh
Chính lời Phật thọ ký .

Lại nói bậc Nhị Thừa
Pháp Tạng đại tỳ khiêu
Bốn mươi tám thệ nguyện
Chưa từng bỏ một ai .

Người thọ sinh Cực Lạc
Lìa tâm chấp tướng thân
Thấy thực tướng vạn pháp
Vượt trên quả Thanh Văn.

X

Vấn

Phàm phu sinh cõi người
Ái dục là hạt dữ
Cầu sinh thân cõi tịnh
Lấy gì làm chủng tử ?

Đáp

Muốn cầu sinh Cực Lạc
Thứ nhất, hạnh yễm ly
Thứ hai là hân nguyện
Làm chủng tử hồi quy

Thọ sinh trong cùng khổ
Quanh quẩn nẻo luân hồi
Cưu mang thân tật bệnh
Yếu ớt lại tanh hôi

Kinh Đại Niết Bàn nói
Ái thân chỉ kẻ ngu
Duy có loài La Sát
Chẳng thấy cảnh ngục tù

Nếu thực là người trí
Cớ chi mê đắm thân
Thân nam hoặc thân nữ
Khối máu thịt, dãi đàm.

Khi sinh khởi lòng chấp
Tức hoại nghĩa chân thân
Dùng thân như phương tiện
Đoạt pháp Phật tại trần

Cũng nên hằng quán chiếu
Bất tịnh pháp, bảy nhà
Thân kết từ ái nhiễm
Tinh huyết của mẹ cha

Thai bào cung bất tịnh
Tăm tối và tanh hôi
Lớn dần trong máu huyết
Tràn chảy lúc ra đời.

Không lớp da che đậy
Phèo phổi ai dám thương
Lúc sống mà đã vậy
Khi chết lại sình ương.

Thêm quán người mới chết
Da phấn đổi xanh bầm
Thân cương to nức nẻ
Nước hôi thúi rỉ thầm.

Vòi tửa bò lúc nhúc
Chẳng lâu còn gân, xương
Lửa thiêu xương ro rút
Trải nắng sớm mưa chiều .

Thứ hai là hân nguyện
Tâm thương tưởng chúng sinh
Chứng Vô Sinh Pháp Nhẫn
Vào ra cõi hữu tình.

Vãng Sinh Luận từng thuyết
Bồ Đề chân phát tâm
Tức tâm cầu làm Phật
Tức tâm độ chúng sinh

Ba pháp chướng Bồ Đề
Thứ nhất, tâm chấp ngã
Cầu an vui riêng mình
Người cầu đạo phải biết .

Khá nên dùng trí huệ
Xa lìa tâm chấp thân
Ta, Người, chung tánh thể
Chia thân tức cách lòng.

Thứ hai, dùng bi nguyện
Tiếp độ kẻ mê tân
Thứ ba, dùng phương tiện
Mang đạo pháp đến gần.

Lìa được ba chướng pháp
Ba thuận pháp đồng thời
Thanh tịnh tâm vô nhiễm
Ngã, Pháp chẳng trong ngoài .

An tâm là thí pháp
Thường lạc, Đại Niết Bàn
Cầu sinh về Tịnh Độ
Tùy thuận hạnh Bồ Đề.

Lại quán chân tướng Phật
Rõ biết chân pháp thân
Tánh tướng đâu sai khác
Định, Huệ, Lực chung đồng.

Cõi nước tịnh trang nghiêm
Hoa thơm làm thất bảo
Suối mát đẫm trăng thiêng
Chánh báo và y báo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]