Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

48. Phật giảng hòa hai nước

21/03/201103:50(Xem: 6106)
48. Phật giảng hòa hai nước

TRUYỆN PHẬT THÍCH-CA
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

HỒI THỨ BA

48. PHẬT GIẢNG HÒA HAI NƯỚC

Khi ấy Phật đang ở thành Xá-vệ. Sau khi mãn hạ, ngài nghe tin về một vụ tranh chấp dữ dội giữa vua Ma-ha-na-ma và vua Thiện Giác.

Hai vua đều là người thân thích đối với Phật, cũng như dòng họ Thích-ca. Hai nước có biên giới kề cận nhau, có một con sông nhỏ chảy ngang qua biên giới.

Hàng năm, nhân dân hai nước đều nhờ vào con sông này để lấy nước làm ruộng. Năm ấy, trời hạn rất lâu, nên nước sông ngày càng xuống thấp.

Thấy có nguy cơ thiếu nước, nông dân ở ven bờ sông bắt đầu đắp lên những con đập để ngăn nước. Ai cũng muốn giữ được nhiều nước về phần mình, vì thế tranh chấp bắt đầu bùng ra.

Khi nắng hạn ngày càng kéo dài, nước sông càng xuống thấp, thì việc tranh chấp nguồn nước càng trở nên gay cấn hơn. Cuối cùng, cả hai nước đều đã chuẩn bị binh lực, sẵn sàng nổ ra chiến tranh.

Nghe biết sự việc, đức Phật quyết định đến can ngăn hai vua, bởi cả hai vị này đều là người thân của Phật.

Phật chọn một nơi thích hợp rồi cho mời cả hai vua đến. Ngài nói với họ rằng:

“Trong lúc nắng hạn như thế này thì nguồn nước sông quả là vô cùng quý giá. Nhưng hai vị nên biết rằng, có một thứ nước còn quý hơn nhiều: đó là máu trong cơ thể. Các vị không thể vì tranh chấp nước dưới sông mà làm chảy ra mất dòng máu trong cơ thể của nhân dân hai nước. Sự đánh đổi như vậy là thiếu khôn ngoan và không hợp lý. Bởi vì, chúng ta sợ mất mùa, đói kém, tức là sợ dẫn đến cái chết. Nhưng gây ra chiến tranh tức là tìm đến cái chết còn nhanh hơn nữa.”

Chờ cho hai vua nhận hiểu đầy đủ những điều vừa nói, rồi Phật mới ôn tồn nói tiếp:

“Cách giải quyết tốt nhất hiện nay là phải biết nhường nhịn, cùng nhau chia sẻ đồng đều nguồn nước hiện còn. Nếu hạn hán kéo dài đến mức khô cạn nước sông, thì điều đó phải được hiểu là một tai họa chung, hai nước phải cùng nhau chịu đựng. Không nên vì muốn giành phần sống về mình mà nhẫn tâm nhìn người khác chết.

“Tuy nhiên, vấn đề không đến mức nghiêm trọng như vậy, vì theo lịch sử ghi nhận lại thì con sông này chưa bao giờ cạn, bởi nó bắt nguồn từ tận trên dãy Hy-mã-lạp sơn. Hai nước hãy cố kiên trì chịu đựng trong tình thân hữu, điều đó sẽ khiến cho vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.”

Sau khi nghe Phật giảng hòa, không những hai vua mà nhân dân hai nước cũng dẹp bỏ mọi ý nghĩ tranh chấp, cùng nhau chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và công bình.

Quả nhiên, hạn hán đã không làm khô kiệt nước sông. Và nhờ sự giảng hòa của Phật, cuộc chiến tranh tưởng chừng như không thể tránh khỏi giữa hai nước cũng đã được ngăn chặn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]