Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Tổ Ma-ha Ca-diếp

12/03/201102:44(Xem: 5552)
1. Tổ Ma-ha Ca-diếp

TRIẾT LÝ NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn biên soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

V. Chư Tổ sư Tây Thiên

Khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Niết-bàn, ngài truyền lại cho đại đức Ca-diếp đứng đầu giáo hội mà hộ trì Chánh pháp ở Tây thiên. Ngài biết rằng, trong tăng chúng, Ma-ha Ca-diếp là người xứng đáng hơn hết, có thể lãnh lấy trách nhiệm. Như vậy, ngài Ca-diếp trở thánh vị Tổ sư thứ nhất nối truyền pháp Phật.

Từ ngài Ca-diếp trở về sau, chư vị Tổ sư đều là những người tài cao đức lớn, là những vị Bồ-tát xiển dương pháp giáo của Phật truyền lại. Trong lịch sử đạo Phật ở Ấn Độ, có tất cả là hai mươi tám vị Tổ sư, bắt đầu từ ngài Ca-diếp, cho đến ngài Bồ-đề Đạt-ma là cuối, vì Tổ Bồ-đề Đạt-ma mang Chánh pháp sang truyền ở Trung Hoa, sau đó không thấy ghi chép việc truyền nối ở Ấn Độ nữa.

Hai mươi tám vị Tổ sư đã từng làm cho cõi Ấn độ được vẻ vang về mặt đạo lý, cho đến nay dấu xưa tích cũ hãy còn nơi những cảnh chùa tháp cũ. Dần dần về sau, vì lòng từ bi muốn truyền rộng đạo giải thoát, chư vị đem đạo Phật truyền ra các nước ngoài, cho đến vị Tổ thứ hai mươi tám thì đạo Phật qua đến Trung Hoa.

Cho nên khi đạo Phật không còn được hưng thạnh lắm nơi xứ Ấn Độ, thì ngọn đuốc huệ đã bắt đầu soi tỏ các nước khác trên toàn cõi Á châu. Và mỗi nơi cũng đều nhờ ánh sáng đó mà làm nên những công trình vĩ đại, như các nước Miến Điện, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên... đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật trong đời sống văn hóa và tinh thần. Còn như ở Việt Nam ta, lần xem lại những trang sử hiển hách vinh quang của các đời Lý, Trần, cũng có thể thấy rất rõ ảnh hưởng tích cực của đạo Phật.

HAI MƯƠI TÁM VỊ TỔ SƯ TÂY THIÊN

Phật Thích-ca bắt đầu truyền cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp là Tổ thứ nhất, truyền tiếp qua hai mươi tám đời, đến tổ thứ hai mươi tám là Bồ-đề Đạt-ma. Tên tuổi các vị được ghi đủ dưới đây:

01. Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa – 摩訶迦葉)

02. A-nan-đà (Ānanda – 阿難陀)

03. Thương-na Hòa-tu (Śānavāsin – 商那和修)

04. Ưu-bà-cúc-đa (Upagupta – 優婆掬多)

05. Đề-đa-ca (Dhītika – 提多迦)

06. Di-già-ca (Miśaka – 彌遮迦)

07. Bà-tu-mật (Theá Höõu, Vasumitra – 婆須密)

08. Phật-đà Nan-đề (Buddhanandi – 佛陀難提)

09. Phật-đà Mật-đa (Buddhamitra – 佛陀密多)

10. Bà-lật-thấp-bà(Hiếp Tôn giả, Pārśva – 婆栗濕婆)

11. Phú-na Dạ-xa (Punayaśa – 富那夜奢)

12. A-na Bồ-đề(Mã Minh, Ānabodhi – 阿那菩提, ,馬鳴)

13. Ca-tì-ma-la (Kapimala – 迦毘摩羅)

14. Long thụ(Nāgārjuna – 龍樹)

15. Ka-na-đề-bà(Thánh Thiên, Kānadeva – 迦那提婆 , 聖天)

16. La-hầu-la-đa(Rāhulabhadra – 羅睺羅多)

17. Tăng-già Nan-đề (Sanghanandi – 僧伽難提)

18. Tăng-già Xá-đa (Sanghayathata – 僧伽舍多)

19. Cưu-ma-la-đa (Kumāralāta –鳩摩羅多)

20. Xà-dạ-đa (Śayata – 闍夜多)

21. Thế Thân (Vasubandhu – 世親)

22. Ma-noa-la (Manorata – 摩拏羅)

23. Hạc-lặc-na (Haklenayaśa – 鳩勒那)

24. Sư Tử Bồ-đề (Sinhabodhi – 師子菩提)

25. Bà-xá Tư-đa (Baśanita –婆舍斯多)

26. Bất-như Mật-đa (Punyamitra – 不如密多)

27. Bát-nhã Đa-la (Prajnādhāra – 般若多羅)

28. Bồ-đề Đạt-ma (Bodhidharma – 菩提達磨)



Trong 28 đời Tổ Tây thiên, có bốn vị là hoàng tử vì mộ đạo giải thoát mà bỏ ngôi vua, lìa mọi sự vinh hoa phú quí ở nhân gian. Ấy là:

1. Tổ đời thứ 17, Tăng-già Nan-đề, con vua Bảo Trang Nghiêm, thành Thất-la-phiệt.

2. Tổ đời thứ 22, Ma-noa-la con vua Thường Tự Tại, nước Ma-đề.

3. Tổ đời thứ 26, Bất-như Mật-đa, con vua Đắc Thắng ở miền Nam Ấn Độ.

4. Tổ đời thứ 28, Bồ-đề Đạt-ma, con vua Hương Chí miền Nam Ấn Độ.

Nếu kể luôn đức Phật Thích Ca, vốn là hoàng tử của vua Tịnh Phạn tại Ca-tỳ-la-vệ, thì trong 29 đời Phật Tổ, có tất cả năm vị hoàng tử bỏ ngôi vua chúa mà đi tu hành và truyền bá giáo lý.

Phật truyền đạo năm trăm năm trước Dương lịch. Các Tổ sư nối nhau mà giữ mãi đến đời thứ hai mươi tám là năm trăm năm sau Dương lịch, nghĩa là Phật pháp thạnh hành trong một ngàn năm ở Ấn độ.

Đạo Phật bắt đầu phát triển mạnh ở Trung Hoa kể từ một ngàn năm sau khi Phật diệt độ, vì Tổ sư Đạt-ma sang Quảng đông vào năm 520. Bắt đầu từ đây, Trung Quốc được truyền bá Phật giáo chân truyền, khỏi phải có những sự lầm lạc như trước. Khoảng trăm năm sau nữa, ngài Huyền Trang qua Ấn Độ để tìm học Phật pháp với các cao tăng Ấn Độ và thỉnh về Trung hoa rất nhiều kinh điển.

1.

TỔ MA-HA CA-DIẾP

摩訶迦葉祖


Ngài sanh ra tại xứ Ma-ha-tích-tha, là đệ tử được Phật giao cho trách nhiệm lãnh đạo và điều hành Giáo hội sau khi Phật nhập diệt.

Tên của ngài viết đầy đủ là Ca-diếp-ba, Hán dịch là Ẩm Quang. Ngài là người giữ theo lời dạy của Phật rất nghiêm túc, từng được Phật khen là Đầu đà đệ nhất, tức là tu theo lối khổ hạnh khắc khổ hơn hết trong các đệ tử của Phật. Từ lúc nhỏ, lòng mộ đạo và tấm lòng thanh bạch của Ngài đã nổi tiếng khắp nơi rồi.

Đến tuổi trưởng thành, ngài Ca-diếp thưa với cha mẹ rằng: “Khi cha mẹ còn tại thế, xin cho con lo phần phụng dưỡng. Đến khi cha mẹ mãn phần, con sẽ xuất gia cầu đạo.”

Bà mẹ lấy làm lo lắng về việc ấy, chỉ muốn ngài phải lập gia đình, sinh con cái để nối nghiệp nhà. Ngài biết vậy, muốn tìm cách làm cho mẹ bớt lo lắng, liền thuê người tạc một tượng mỹ nữ, mặc áo đẹp và trang điểm giống như người thật. Rồi ngài mang tượng ấy cho mẹ xem và nói rằng: “Thưa mẹ, khi nào con gặp một người giống như pho tượng này thì con xin cưới làm vợ.” Ý ngài làm thế là muốn kiếm cớ để kéo dài thời gian, tránh được sự thúc ép của cha mẹ về việc lập gia đình. Bởi vì, chỉ là một pho tượng ngẫu nhiên làm ra, làm sao lại có người giống với tượng ấy?

Không ngờ bà mẹ tin thật lời ấy, liền nhờ mấy người Bà-la-môn đem pho tượng ấy đi khắp nơi để tìm người. Họ đến xứ Xá-kiệt-la, để pho tượng ấy bên bờ một con sông và ngồi cách đó xa xa nhìn.

Lúc ấy, người vú nuôi của cô Bạt-đà vừa đi xuống sông để tắm. Vú già thấy pho tượng từ xa thì nghĩ rằng: “Quái lạ! Sao hôm nay tiểu thư lại mặc y phục lạ thế này?” Vú già chạy lại xem, vả nhẹ trên má mới biết đó chỉ là một pho tượng, mà sao giống hệt cô Bạt-đà. Mấy người Bà-la-môn quan sát thấy hết mọi việc, mới đến gần vú già dọ hỏi. Bà vú già đưa họ về nhà ông Cố-xi-da-gô-ta, được tiếp đãi rất niềm nở. Sau khi trình bày việc đi tìm người của mình rồi, họ xin được lưu lại đó mấy hôm và gởi thư về cho ông Ca-bi-la là cha của ngài Ca-diếp, trình bày việc đã tìm được người và dặn ông nên đưa lễ sang hỏi cưới.

Ngài buộc lòng vâng lời cha mẹ mà cưới vợ. Nhưng cả ngài và cô Bạt-đà đều không ai muốn kết dây ân ái. Vì vậy, trong hai mươi năm sống chung một nhà, họ chỉ cư xử với nhau như hai người bạn mà bên ngoài không ai biết cả.

Đến khi cha mẹ đã qua đời, ngài Ca-diếp và nàng Bạt-đà liền bàn nhau cùng xuất gia nhập đạo. Ngài Ca-diếp nhờ đạo tâm vốn đã rất thuần thục, nên chỉ vừa xuất gia được chín ngày đã chứng đắc thánh quả A-la-hán.

Về sau, ngài có làm bài kệ dưới đây để chỉ rõ sự lợi ích trong cuộc thoát trần:

Hễ là giữ phận nhà sư,

Việc đời dầu được, dầu hư chớ sờn.

Lánh mình nơi chốn lâm sơn,

Chẳng màng so sánh thua hơn làm gì.



Kẻ nào vui sướng ly bì.

Thì phần Chánh đạo lạc đi xa đàng.

Làm sư, danh lợi chớ màng,

Giữ mình cho khéo mới sang được bờ,



Chớ nên đày ải thể cơ,

Thân hình khổ nhọc, khó chờ tính an.



Đại đức Ma-ha Ca-diếp cũng có làm bài kệ sau đây để tả phong cảnh đẹp chỗ ngài ưa thích:

Mấy nhà hiền đức xưa nay,

Ai mà lại chẳng vui vầy cảnh xinh?

Những là sơn thủy hữu tình,

Rừng cao cây phủ tươi xanh bốn mùa.



Đá hoa rực rỡ chen đua,

Xa nghe có tiếng voi đùa cùng nhau.

Giọt mưa rỉ rả lào xào.

Ngồi trên hòn đá cảm bao nhiêu tầng!

Những là non núi bao giăng,

Thoảng chừng có bóng sư tăng qua vùng.

Tư bề êm ái vô cùng,

Lâu lâu nghe có tiếng công kêu chào.

Cảnh tình vui thích làm sao!

Tham thiền nhập định lúc nào cũng yên.

Ví mình muốn dứt nợ duyên,

Khá tìm cảnh tịnh mà chuyên dưỡng thần.

Non cao là chốn tu thân,

Hồng trần giải thoát, dự phần Phật Tiên.



Khi ngài Ca-diếp đã già, biết mình sắp tịch, liền gọi A-nan-đà đến và dạy rằng: “Lúc trước, khi Phật nhập diệt, có dặn ta rằng về sau có thể giao quyền chấp chưởng Giáo hội lại cho ngươi. Nay ngươi hãy cố gắng làm tròn trách nhiệm ấy. Hiện nay trong thành Vương-xá có Thương-na-tu là người trí huệ và đức hạnh, chính là người về sau có thể làm Tổ sư đời thứ ba, tiếp nối cho ngươi đó.”

Rồi ngài lại nói rằng:

“Ngày xưa, Phật có phó chúc Chánh pháp cho ta. Nay ta đem giao lại cho ngươi. Vậy ngươi khéo hộ trì Chánh pháp ấy. Hãy nghe kệ đây:

Pháp pháp bổn lai pháp,

Vô pháp vô phi pháp.

Hà ư nhất pháp trung

Hữu pháp hữu phi pháp?

Dịch nghĩa

Pháp là pháp tự xưa nay

Pháp và phi pháp thảy rày vốn không.

Tại sao trong một pháp ròng,

Pháp và phi pháp thảy đồng dự chen?



Sau đó, ngài Ca-diếp đến từ biệt vua A-xà-thế nhưng không gặp vua, ngài mới đi thẳng vào núi Kê-túc, chọn một chỗ hang động và phát lời nguyện rằng: “Thân thể này nguyện sẽ còn mãi cho đến khi đức Di-lặc ra đời thành Phật độ sanh.” Ngài phát nguyện xong, mặt đất rung rinh chấn động.

Hôm sau, vua A-xà-thế nằm ngủ, chiêm bao thấy cây trụ cái trên trời đột nhiên gãy đổ. Vua hoảng hốt. Thức dậy mới hay tin rằng ngài Ca-diếp đã tịch.

Vua cùng với Tổ A-nan-đà vào núi Kê-túc. Khi ấy cửa động liền tự mở ra để hai người nhìn thấy được ngài Ca-diếp và lễ bái ngài lần cuối. Vua than khóc rất lâu rồi mới trở về.

Đến nay người ta vẫn truyền rằng, trong núi Kê-túc, ngài Ca-diếp hiện vẫn còn ngồi, thân thể không hề hoại mất, chờ khi đức Di-lặc đản sanh ngài sẽ trở lại cõi thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]