Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phẩm thứ nhất - Cõi Phật

04/03/201115:02(Xem: 3674)
2. Phẩm thứ nhất - Cõi Phật
 

KINH DUY-MA-CẬT (Việt dịch)

Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
 

QUYỂN THƯỢNG
Phẩm thứ nhất - Cõi Phật

Tôi nghe như thế này: Một thuở nọ, đức Phật ngự tại thành Tỳ-da-ly, trong vườn cây Am-la với chúng đại tỳ-kheo là tám ngàn người, Bồ Tát là ba mươi hai ngàn vị mà ai ai cũng đều biết đến, đều đã thành tựu về đại trí và bổn hạnh. Oai thần mà chư Phật đã gầy dựng được, chư Bồ Tát ấy nương vào đó mà hộ vệ thành trì đạo pháp. Các ngài thọ lãnh giữ gìn Chánh pháp, có thể thuyết pháp hùng hồn như tiếng sư tử rống, danh tiếng các ngài bay khắp mười phương. Chẳng đợi sự thỉnh cầu giúp đỡ mà các ngài tự mang sự an ổn đến cho mọi người. Các ngài tiếp nối làm hưng thạnh Tam bảo, khiến cho lưu truyền chẳng dứt.

Hàng phục ma oán, chế ngự các ngoại đạo, các ngài đã trở nên thanh tịnh, lìa hẳn các phiền não che phủ quấn quít, lòng hằng trụ yên nơi giải thoát vô ngại, niệm, định, tổng trì, tài biện thuyết chẳng gián đoạn. Các ngài có đầy đủ những đức: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ và sức phương tiện. Các ngài đạt tới mức tự thấy mình không chứng đắc chi cả, chẳng cần khởi lòng nhẫn nhịn đối với mọi sự việc mà biết tùy thuận căn cơ của chúng sinh để quay bánh xe Pháp chẳng thối lui. Các ngài biết rõ tướng trạng các pháp, hiểu được căn tánh chúng sinh. Các ngài bao trùm khắp đại chúng, đạt đến chỗ an ổn không sợ sệt.

Các ngài tu tâm mình bằng công đức trí huệ. Những tướng chánh quý và những tướng phụ tốt tô điểm thân thể, làm cho dung sắc hình tượng các ngài đẹp đẽ bậc nhất. Các ngài chê bỏ mọi món trang sức tốt đẹp của thế gian. Danh tiếng của các ngài rất cao xa, vượt khỏi núi Tu-di. Đức tin của các ngài sâu vững như kim cang. Chánh pháp quý giá của các ngài soi sáng khắp nơi và tuôn xuống như mưa cam-lộ. Tiếng nói của các ngài vi diệu đệ nhất.

Các ngài thấu nhập sâu xa tới chỗ phát khởi của nhân duyên, chặt đứt các ý kiến tà vạy và ý kiến thiên lệch về hai bên, chẳng nghiêng về chấp có hoặc chấp không. Các ngài không còn những thói quen xấu. Các ngài diễn giảng pháp giáo một cách hùng hồn không sợ sệt, dường như tiếng sư tử rống. Tiếng giảng thuyết của các ngài vang dội như sấm dậy, không thể đong lường, quá số đong lường. Những điều quý giá mà các ngài thâu góp được trong Chánh pháp nhiều như châu báu mà một vị hải đạo sư tìm được ở biển cả. Các ngài thấu rõ nghĩa lý sâu xa huyền diệu của các pháp. Các ngài biết rành chỗ đã qua và chỗ sẽ đến của chúng sinh, cùng mọi manh động trong tâm ý của họ. Các ngài gần tới mức huệ tự tại của Phật mà không ai sánh bằng. Huệ ấy bao gồm những đức như: mười trí lực, lòng chẳng sợ, mười tám món công đức vượt trên hàng nhị thừa. Các ngài đã đóng kín hết các đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nhưng tự mình thị hiện sinh sống trong năm đường: cõi trời, cõi người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Làm bậc đại y vương, các ngài trị lành các thứ bệnh. Tùy bệnh mà cho thuốc, các ngài khiến người ta được lành mạnh.

Các ngài đều thành tựu vô lượng công đức. Vô lượng cõi Phật đều được các ngài làm cho trang nghiêm, thanh tịnh. Những ai nghe biết đến các ngài, thảy đều được lợi ích. Những việc mà các ngài làm đều mang lại lợi lạc cho chúng sinh. Tất cả những công đức như vậy, các ngài đều có đầy đủ.

Danh hiệu của các ngài là: Bồ Tát Đẳng Quan, Bồ Tát Bất Đẳng Quan, Bồ Tát Đẳng Bất Đẳng Quan, Bồ Tát Định Tự Tại Vương, Bồ Tát Pháp Tự Tại Vương, Bồ Tát Pháp Tướng, Bồ Tát Quang Tướng, Bồ Tát Quang Nghiêm, Bồ Tát Đại Nghiêm, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Biện Tích, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Bảo Ấn Thủ, Bồ Tát Thường Cử Thủ, Bồ Tát Thường Hạ Thủ, Bồ Tát Thường Thảm, Bồ Tát Hỷ Căn, Bồ Tát Hỷ Vương, Bồ Tát Biện Âm, Bồ Tát Hư Không Tạng, Bồ Tát Chấp Bảo Cự, Bồ Tát Bảo Dũng, Bồ Tát Bảo Kiến, Bồ Tát Đế Võng, Bồ Tát Minh Võng, Bồ Tát Vô Duyên Quan, Bồ Tát Huệ Tích, Bồ Tát Bảo Thắng, Bồ Tát Thiên Vương, Bồ Tát Hoại Ma, Bồ Tát Điện Đức, Bồ Tát Tự Tại Vương, Bồ Tát Công Đức Tướng Nghiêm, Bồ Tát Sư Tử Hống, Bồ Tát Lôi Âm, Bồ Tát Sơn Tướng Kích Âm, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Bạch Hương Tượng, Bồ Tát Thường Tinh Tấn, Bồ Tát Bất Hưu Tức, Bồ Tát Diệu Sinh, Bồ Tát Hoa Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Phạm Võng, Bồ Tát Bảo Trượng, Bồ Tát Vô Thắng, Bồ Tát Nghiêm Độ, Bồ Tát Kim Kế, Bồ Tát Châu Kế, Bồ Tát Di-lặc, Bồ Tát Pháp vương tử Văn-thù Sư-lỵ... Những Bồ Tát như vậy là ba mươi hai ngàn vị.

Lại có mười nghìn Phạm Thiên Vương, như Phạm vương Thi Khí..., từ các cõi Tứ thiên hạ khác đến nơi Phật ngự để nghe pháp. Lại có một mười hai ngàn vị thiên đế, cũng từ các cõi Tứ thiên hạ khác đến dự pháp hội. Cũng có cả chư thiên oai đức lớn, long thần, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, thảy đều đến ngồi nơi pháp hội. Chư tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cũng về ngồi trong pháp hội.

Lúc ấy, Phật vì đại chúng vô lượng trăm ngàn người cung kính bao quanh mà thuyết pháp, như núi chúa Tu-di hiện rõ trên biển cả, Ngài ngồi yên trên tòa sư tử nghiêm sức bởi các báu, che mờ tất cả đại chúng đến dự pháp hội.

Lúc bấy giờ, trong thành Tỳ-da-ly có một chàng con nhà trưởng giả, tên là Bảo Tích, cùng năm trăm chàng con nhà trưởng giả khác, thảy đều cầm những lọng bảy báu, đến nơi Phật ngự, đầu và mặt làm lễ sát chân Phật. Mỗi chàng đều đem lọng của mình mà cúng dường Phật. Oai thần của Phật khiến cho các lọng báu hiệp thành một cái lọng duy nhất, che trùm cả thế giới tam thiên đại thiên. Trọn tướng rộng dài của thế giới này đều hiện đủ trong cái lọng ấy. Lại nữa, các núi Tu-di, Tuyết sơn, Mục-chân-lân-đà, Ma-ha Mục-chân-lân-đà, Hương sơn, Hắc sơn, Thiết vi, Đại thiết vi, cùng với biển cả, sông cái, sông con, rạch, suối, nguồn, cùng mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, thiên cung, long cung, cung điện của các tôn thần thuộc thế giới tam thiên đại thiên này thảy đều hiện ra trong lọng báu ấy. Lại nữa, chư Phật mười phương, chư Phật đang thuyết pháp cũng hiện ra trong lọng báu ấy.

Lúc ấy, tất cả đại chúng thấy sức thần của Phật, đều khen là chưa từng có. Cùng nhau chắp tay lễ Phật, chiêm ngưỡng vẻ mặt của Phật, mắt chẳng xao lãng. Chàng Bảo Tích, con nhà trưởng giả, liền đối trước Phật tụng kệ rằng:

Mắt trong, dài, rộng như sen xanh,
Lòng sạch qua khỏi các thiền định,
Tịnh nghiệp chứa lâu, lường không xiết,
Dùng tịch dắt chúng, đáng đảnh lễ!
Đã thấy Đại thánh dùng Thần biến,
Hiện vô lượng cõi khắp mười phương,
Chư Phật thuyết pháp các cõi ấy,
Ở đây ai nấy đều nghe thấy.
Pháp lực Pháp vương vượt quần sinh,
Thường đem của pháp thí tất cả,
Có tài phân biệt tướng các pháp,
Đối Đệ nhất nghĩa, chẳng động chuyển.
Đối với các pháp được tự tại,
Cho nên đảnh lễ Pháp vương này.
Nói pháp chẳng có cũng chẳng không,
Các pháp do nhân duyên mà sinh.
Không ta, không tạo, không người thọ,
Nghiệp lành, nghiệp dữ cũng chẳng mất.
Trước dẹp ma tại cội Bồ-đề,
Đắc Diệt cam-lộ, thành giác đạo.
Đã không tâm ý, không thọ hành,
Mà tồi phục hết các ngoại đạo.
Ba Chuyển pháp luân ở đại thiên,
Pháp ấy xưa nay thường trong sạch:
Trời, người đắc đạo, đó là chứng,
Tam bảo lúc ấy hiện thế gian.
Đem diệu pháp ấy cứu quần sinh,
Thọ rồi, chẳng thối, thường tịch nhiên,
Đại y vương độ lão, bệnh, tử,
Nên lễ Pháp hải đức vô biên.
Chê, khen chẳng động, như Tu-di,
Người lành, kẻ dữ, Phật thương đều,
Lòng hành bình đẳng như hư không,
Ai nghe Nhân bảo chẳng kính vâng?
Nay hiến Thế Tôn lọng báu này,
Cõi thế giới ta hiện trong ấy:
Cung điện các vị trời, rồng, thần,
Càn-thát-bà với cung dạ-xoa,
Mọi vật thế gian thấy trong đó.
Thập lực phương tiện biến hóa ấy,
Thấy việc ít có, chúng khen Phật.
Nay ta đảnh lễ Tam giới tôn,
Đại thánh Pháp vương: chỗ chúng theo,
Tâm tịnh nhìn Phật, ai chẳng vui?
Thảy thấy Thế Tôn trước mặt mình,
Thần lực của Ngài chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh loài nào cũng hiểu được,

Họ bảo: Thế Tôn nói tiếng mình,
Như vậy, thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh ai nấy tùy chỗ hiểu,

Thảy được thọ, hành, thâu lợi ích,
Như vậy, thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Kẻ nghe sợ sệt hoặc vui vẻ,
Hoặc sinh chán lìa, hoặc dứt nghi,
Như vậy, Thần lực chẳng ai bằng.

Đảnh lễ Thập lực đại tinh tấn.
Đảnh lễ Bậc đắc không sợ sệt.
Đảnh lễ Bậc trụ Bất cộng pháp.
Đảnh lễ Thầy lớn dắt tất cả.

Đảnh lễ Bậc dứt các trói buộc.
Đảnh lễ Bậc tới bờ bên kia.
Đảnh lễ Bậc độ các thế gian.
Đảnh lễ Bậc lìa đường sinh tử.
Biết rõ tướng lai khứ chúng sinh,
Hiểu rành các pháp được giải thoát,

Chẳng nhiễm thế gian, như hoa sen,
Thường khéo vào nơi hạnh không tịch,
Thấu các tướng pháp, không trở ngại,
Đảnh lễ Như Không, chẳng dựa đâu.


Lúc ấy, chàng Bảo Tích tụng những câu kệ ấy rồi, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Năm trăm chàng con nhà trưởng giả đây, thảy đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nay muốn nghe việc được quốc độ thanh tịnh của Phật. Xin đức Thế Tôn giảng thuyết các hạnh tịnh độ của chư Bồ Tát.”

Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ông đã vì chư Bồ Tát hỏi Như Lai về hạnh tịnh độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết.”

Lúc ấy, Bảo Tích và năm trăm chàng con nhà trưởng giả vâng lời dạy ngồi nghe.

Phật dạy Bảo Tích rằng: “Các loài chúng sinh là cõi Phật của Bồ Tát. Tại sao vậy? Bồ Tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sinh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sinh muốn dùng cõi nước nào để phát khởi căn Bồ Tát mà giữ lấy cõi Phật. Tại sao vậy? Bồ Tát giữ lấy cõi nước thanh tịnh là vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh. Tỷ như người ta muốn tạo lập cung điện nhà cửa trên đất trống thì tùy ý mà tạo lập, không chi trở ngại. Nhưng nếu muốn xây cất nơi hư không thì không thể được. Bồ Tát cũng vậy, vì muốn giúp cho chúng sinh được thành tựu, cho nên nguyện giữ lấy cõi Phật. Việc nguyện giữ lấy cõi Phật đó, chẳng phải là việc xây cất nơi hư không.

Bảo Tích! Nên biết rằng: Tâm ngay thẳng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh chẳng nịnh bợ sinh về nước ấy. Tâm sâu vững là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh đầy đủ công đức sinh về nước ấy. Tâm bồ-đề là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh Đại thừa sinh về nước ấy. Bố thí là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh có thể bỏ tất cả sinh về nước ấy. Trì giới là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh làm mười việc lành tròn nguyện sinh về nước ấy. Nhẫn nhục là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, chúng sinh được trang nghiêm bởi ba mươi hai tướng tốt sinh về nước ấy. Tinh tấn là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh siêng tu tất cả công đức sinh về nước ấy. Thiền định là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh giữ tâm chẳng loạn sinh về nước ấy. Trí huệ là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh chánh định sinh về nước ấy.

Bốn tâm vô lượng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh thành tựu các đức từ, bi, hỷ, xả sinh về nước ấy. Bốn pháp thâu nhiếp là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh thoát khỏi chỗ nắm giữ sinh về nước ấy. Phương tiện là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh đối với tất cả các pháp tùy nghi vô ngại sinh về nước ấy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sinh có Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn thần túc, Năm căn, Năm sức, Bảy thánh giác, Tám chánh đạo sinh về nước ấy. Tâm hồi hướng là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, ngài được quốc độ đầy đủ tất cả công đức. Thuyết trừ tám nạn là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước ấy không có Ba ác, Tám nạn. Tự mình giữ giới hạnh, chẳng chê kẻ khác lỗi lầm là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, cõi nước ấy không nghe đến chuyện phạm cấm. Mười điều thiện là cõi nước thanh tịnh của Bồ Tát, khi Bồ Tát thành Phật, mạng sống không ngắn ngủi, chết yểu, những chúng sinh giàu có, giới hạnh trong sạch, nói lẽ thành thật, thường dùng lời êm ái, quyến thuộc chẳng chia lìa, khéo hòa việc tranh tụng, nói lời có ích, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si sinh về nước ấy.

Bảo Tích! Như vậy, Bồ Tát tùy lòng ngay thẳng mà khởi làm. Tùy chỗ khởi làm mà được lòng sâu vững. Tùy lòng sâu vững mà tâm ý được điều phục. Tùy chỗ điều phục tâm ý mà làm được theo đúng như thuyết dạy. Tùy chỗ làm theo đúng như thuyết dạy mà có thể hồi hướng. Tùy chỗ hồi hướng mà có sức phương tiện. Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu. Tùy chỗ thành tựu cho chúng sinh mà được cõi Phật thanh tịnh. Tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp thanh tịnh. Tùy chỗ thuyết pháp thanh tịnh mà trí huệ được thanh tịnh. Tùy trí huệ thanh tịnh mà tâm được thanh tịnh. Tùy tâm được thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh.

Bảo Tích! Cho nên, nếu Bồ Tát muốn được cõi nước thanh tịnh hãy làm cho tâm thanh tịnh. Tùy tâm thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh.

Lúc ấy, nương oai thần của Phật, Xá-lỵ-phất có ý nghĩ này: “Nếu như tâm của Bồ Tát thanh tịnh, ắt cõi Phật thanh tịnh. Như vậy, phải chăng đức Thế Tôn của chúng ta khi còn làm Bồ Tát tâm ý chẳng thanh tịnh nên cõi nước của ngài nay mới chẳng được thanh tịnh như thế này?

Phật biết được ý nghĩ ấy, bảo Xá-lỵ-phất rằng: “Ý ông thế nào, mặt trời, mặt trăng há chẳng sáng hay sao mà kẻ mù chẳng thấy hai vầng ấy?”

Xá-lỵ-phất thưa: “Thế Tôn! Chẳng phải vậy. Đó là lỗi ở kẻ mù, chẳng phải lỗi ở mặt trời, mặt trăng.”

“Xá-lỵ-phất! Do tội của chúng sinh, nên họ chẳng thấy quốc độ của Như Lai trang nghiêm thanh tịnh, chẳng phải lỗi của Như Lai. Xá-lỵ-phất! Cõi đất này của ta là thanh tịnh, nhưng ông chẳng thấy được như vậy.”

Lúc ấy, Phạm Vương Loa Kế bảo Xá-lỵ-phất: “Đừng nghĩ như vậy, cho rằng cõi Phật này là không thanh tịnh. Vì sao vậy? Ta thấy rằng cõi Phật của đức Thích-ca Mâu-ni là thanh tịnh như cung trời Tự tại.”

Xá-lỵ-phất nói: “Tôi chỉ thấy cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai gốc, sỏi sạn, núi đất, núi đá, dẫy đầy mọi nhơ nhớp xấu xa.”

Phạm Vương Loa Kế nói: “Lòng của nhân giả có cao thấp, chẳng y theo trí huệ Phật. Vậy nên ông thấy cõi này là không thanh tịnh. Xá-lỵ-phất! Bồ Tát giữ lẽ bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, lòng dạ sâu vững thanh tịnh, y theo trí huệ Phật, ắt thấy cõi Phật này là thanh tịnh.”

Lúc ấy, Phật dùng ngón chân mà nhấn xuống đất. Tức thời, cõi thế giới tam thiên đại thiên này được nghiêm sức bởi trăm ngàn thứ trân bảo, cũng giống như cõi vô lượng công đức trang nghiêm của đức Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả đại chúng đều khen rằng: “Chưa từng có!” Và ai nấy đều tự thấy mình được ngồi trên tòa sen báu.

Phật hỏi Xá-lỵ-phất: “Ông nhìn thấy cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh rồi chứ?”

Xá-lỵ-phất bạch rằng: “Dạ, Thế Tôn! Từ trước con chưa từng được thấy, chưa từng được nghe như thế này. Nay, quốc độ nghiêm tịnh của Phật đã hiện.”

Phật bảo Xá-lỵ-phất: “Cõi Phật độ của ta thường thanh tịnh như vậy. Nhưng vì muốn độ những kẻ thấp kém ở đây, cho nên ta thị hiện ra cõi bất tịnh với mọi thứ nhơ xấu.

“Ví như chư thiên cùng ăn cơm đựng trong chén bát quý báu, nhưng tùy theo phước đức của họ mà hình sắc của cơm có khác. Xá-lỵ-phất! Cũng vậy đó, nếu lòng người ta tịnh, liền thấy được những công đức trang nghiêm của cõi này.”

Trong khi Phật hiện ra cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, năm trăm chàng con nhà trưởng giả do Bảo Tích dẫn dắt đều đắc Vô sinh pháp nhẫn. Tám mươi bốn ngàn người trong hội đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Phật lấy ngón chân thần lên, thế giới liền trở lại như cũ. Ba mươi hai ngàn chư thiên và những người cầu Thanh văn thừa hiểu ra được rằng các pháp hữu vi là vô thường, liền xa trần cảnh, lìa cấu nhiễm, được Pháp nhãn tịnh. Tám ngàn vị tỳ-kheo chẳng thọ nạp các pháp, dứt phiền não rỉ chảy, tâm ý được giải thoát.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567