Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Khái niệm về giới luật Tăng-Già

03/03/201115:43(Xem: 5532)
4. Khái niệm về giới luật Tăng-Già

TĂNG ĐỒ NHÀ PHẬT (HÁN VIỆT)
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

KHÁI NIỆM VỀ GIỚI LUẬT TĂNG-GIÀ

Đời sống của tăng sĩ, từ thể xác đến tinh thần đều được chỉ dẫn rất cặn kẽ trong Luật tạng. Chính Luật tạng là khuôn phép của chư tăng, là những điều mà người xuất gia phải tuân thủ, hành trì. Từ chuyện nhỏ nhặt như cách ăn uống, nằm ngồi, cho đến những điều hàm chứa lý lẽ cao siêu giúp người tu kiểm thúc được thân tâm, mau đạt đến giải thoát.

Trong Luật tạng có phần quy định việc tụng đọc Giới bổn của hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni. Nghi thức tụng đọc quy định rằng tất cả chư tăng ni cùng tu tập một nơi phải định kỳ tụ hội lại để nghe tuyên đọc Giới bổn. Và trong khi tụ hội đó, ai có lỗi phải công khai sám hối trước đại chúng, và ai trong sạch thì cũng tự nhắc nhở mình để giữ cho được trong sạch mãi mãi. Mỗi một lỗi lầm, một sự hủy phạm, đại chúng cũng đều căn cứ vào những gì đã ghi trong Luật tạng mà giúp cho kẻ có lỗi sám hối trừ diệt tội chướng.

Giới bổn gồm chứa đầy đủ mọi đức lành. Người thế tục mà xem qua cũng có thể nhờ đó mà được sự giáo huấn lợi ích nhiều lắm, huống hồ là chư tăng ngày ngày gìn giữ, noi theo thọ trì. Khi Phật vừa thành Đạo, sáng lập giáo hội Tăng-già, vì số tăng sĩ còn ít và có đức Phật bên cạnh để uốn nắn, chỉ bày, nên chưa cần đến giới luật. Những việc đúng sai, nên hoặc không nên, vị tăng có thể trực tiếp thưa hỏi Phật. Nếu có ai không biết mà làm việc không phải, cũng đã có Phật cản ngăn, dạy dỗ. Nhưng về sau, người xuất gia càng ngày càng đông hơn, nên việc ban hành những khuôn mẫu, luật lệ trở nên rất cần thiết, vừa để hướng dẫn người tu đi đúng đường, vừa thiết lập được trật tự trong tăng chúng để cùng nhau tu tập và đối đãi với nhau cho tốt. Ngoài ra cũng phải quy định mối quan hệ thế nào cho thích hợp, đúng đắn giữa người xuất gia với hàng cư sĩ tại gia, với các quan chức, và nói chung với cả xã hội. Và điều quan trọng nhất là nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm, thanh khiết cho chúng hội cả ngàn người trong mỗi ngôi chùa. Với những sự cần thiết như vậy, Giới bổn đều đáp ứng được cả. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, những quy định nào là cần thiết cho người xuất gia đều được ghi rõ trong đó cả. Người xuất gia cho dù tánh nết trước đây có như thế nào đi nữa, chỉ cần tuân thủ hoàn toàn đúng như Giới bổn là tất nhiên sẽ trở thành bậc chân tu đức hạnh. Và nhờ vào sự kiểm thúc thân tâm, nên dần dần sẽ được trí tuệ sáng suốt mà trở nên hàng thánh giả.

Giới luật căn bản mà một vị tỳ-kheo phải tuân theo bao gồm trong 250 giới. Đối với tỳ-kheo ni là 348 giới. Tất cả sẽ được trình bày cụ thể tiếp theo ở phần sau của sách này. Dưới đây chỉ trình bày đôi nét đại lược thôi.

Về cơ bản, Phật dạy rằng tỳ-kheo phải chọn cuộc sống thanh bần về vật chất, giữ lấy sự đơn sơ, giản dị. Chỉ đi xin của tín thí mà ăn, không giữ lại bất cứ món gì là của riêng. Nhờ vậy mà tâm trí không vướng bận vào sự đắm mê vật chất, không trói buộc vào sự tham dục của thể xác, mới có thể tinh tấn mà mưu cầu sự giải thoát và quả vị Niết-bàn.

Người xuất gia phải tránh xa những tài vật quý giá, từ bỏ hết những sự riêng tư, ích kỷ, vì đó chính là những cạm bẫy lôi kéo người ta mãi mãi phải lưu chuyển trong chốn luân hồi. Nhất là đối với sắc dục, tình ái, người xuất gia phải đủ sức thống trị, dập tắt, chẳng lúc nào lơ là để cho nó cám dỗ lấy mình. Ấy là một điều khó vượt qua hơn hết. Người tu phải tự chế một cách hoàn toàn mới mong giữ tròn được đức hạnh. Trong bốn tội lớn nhất gọi là ba-la-di, cũng xếp việc sa vào sắc dục là tội đứng đầu.

Người xuất gia phạm vào bốn tội ba-la-di thì mất hết đức hạnh, không mong vượt lên cao mà phải sa đọa xuống thấp. Bốn tội ấy là:

1. Tội dâm dục, làm cho mình mất đi hạnh thanh tịnh.

2. Tội trộm cắp, chạy theo tâm tham lam tiền của, vật chất, không thể giữ được thiện tâm.

3. Tội sát nhân, lòng độc ác, trái với luật sống của muôn loài, đoạt lấy mạng sống người khác.

4. Tội đại vọng ngữ, nuôi lớn tính háo danh và tham lam, nói láo để cho người ta kính phục, nói láo để người ta cúng dường, như vậy là ăn cướp của người khác một cách rất xảo trá.

Người xuất gia mà phạm vào bốn tội lớn ấy thì bị Giáo hội trục xuất, không còn tư cách là tỳ-kheo nữa.

Nhưng Tăng-già không ngăn cản những ai tự nguyện xin xả giới, nghĩa là thôi không thọ trì giới luật nữa. Những ai tự xét mình không có đủ nghị lực mà chiến thắng tham dục, có thể xin Giáo hội cho mình xả giới mà trở về đời sống thế tục, không làm tỳ-kheo nữa.

Cũng chính vì thế, để hạn chế việc xuất gia rồi xả giới hoàn tục, nên người muốn xuất gia trước hết phải suy xét, cân nhắc, tự hiểu lấy mình. Còn thầy truyền giới cũng phải thử thách qua, có tin chắc là đệ tử đủ sức thọ nhận thì mới truyền đủ giới, gọi là Cụ túc giới hay Đại giới. Người được truyền giới cũng sẽ thọ lễ thiêu hương, nghĩa là dùng lửa đốt mấy viên hương ngay trên da đầu, để lại vết thẹo tròn nhìn thấy được. Ấy là một cách để người thọ giới nhớ rằng mình đã thọ giới, luôn luôn phải giữ mình cho thanh cao, không được phép sống buông thả, bừa bãi.

Trong mùa mưa, côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhiều trên mặt đất. Vì thế, chư tăng giữ lòng từ bi, ở yên một chỗ không đi lại, để tránh sự vô tình đạp chết côn trùng các loại. Nhân đó có sự tụ họp của chư tăng về cùng một chỗ, ở yên như vậy trong ba tháng mùa mưa, chỉ chuyên việc tụng đọc kinh điển và tu tập. Các ngài cũng nhân dịp này tổ chức những buổi thuyết pháp cho đông đảo thiện nam tín nữ cùng đến nghe.

Về y phục, người xuất gia cũng giữ lấy nếp đơn sơ, giản dị, không chuộng xa hoa, lòe loẹt. Khi có người cúng dường vải để may y phục thì phải mang nhuộm cho mất màu chính, màu đẹp đi, rồi mới may mặc. Như vậy để làm mất vẻ đẹp của y phục, tỏ rõ là mình không có sự ham thích, ưa chuộng. Về số lượng cũng chẳng được tham nhiều, mỗi người chỉ giữ một bộ áo gồm ba cái là đủ. Ba cái áo đó, một là cái áo chính, lớn nhất, mặc trong những khi hành lễ, hoặc khi hội họp, khi đi khất thực, khi lên tòa thuyết pháp, gọi là y tăng-già-lê. Cũng gọi là Tăng-già-trí hay Tăng-già-chi, đều do tiếng Phạn là Saṅgti. Áo này là áo mặc ở ngoài cùng, nên cũng gọi là đại y. Thứ hai là áo mặc trong sinh hoạt thường ngày ở chùa, gọi là Uất-đa-la-tăng, tiếng Phạn là Uttar­saṅga, cũng gọi là thượng y. Áo thứ ba gọi là an-đà-hội, gọi theo âm tiếng Phạn là Antaravsaka, cũng gọi là nội y hay trung trước y, vì là áo mặc trong cùng. Không vị tỳ-kheo nào được giữ đến hai bộ áo, chỉ dùng một bộ cho đến cuối mùa mưa. Khi ấy, giáo hội sẽ cấp cho bộ áo khác. Áo rách thì tự vá, vì mỗi người đều có một ống kim. Nhưng nếu rủi ro bị mất, hay đi giặt dưới sông bị trôi đi, thì được nhận một bộ khác, do giáo hội cấp phát hoặc thí chủ cúng dường.

Khi vị tỳ-kheo đi ra, người choàng cái áo ngoài, để trống vai mặt và tay mặt, tay ôm bình bát để khất thực. Nhưng khi đã có đủ thức ăn, vị tỳ-kheo dùng tay áo che phủ bình bát đi cho người khỏi thấy, rồi thẳng đường mà đi. Vì áo và bình bát là những vật tùy thân của một vị tỳ-kheo, nên khi một vị thầy qua đời thường truyền y và bát lại cho đệ tử nào được xem là đắc pháp cao nhất.

Khi tổ Đạt-ma sang Trung Hoa truyền đạo, ngài cũng truyền y bát cho đệ tử đắc pháp là tổ Huệ Khả. Từ tổ Huệ Khả lại truyền cho tổ Tăng Xán là thứ ba, rồi đến tổ Đạo Tín là thứ tư, tổ Hoằng Nhẫn là thứ năm, rồi đến thứ sáu là tổ Huệ Năng.

Từ Lục Tổ Huệ Năng trở về sau, lệ truyền y bát bị bỏ, là vì có những kẻ cố chấp vào hình tướng, lấy việc chiếm đoạt y bát ấy mà cho là quan trọng, sinh ra sự tranh giành, cướp đoạt lẫn nhau. Để tránh điều ấy nên từ đó về sau các vị đắc đạo không truyền y bát cho đệ tử nữa.

Ngoài bốn giới lớn, còn có sáu giới quan trọng nữa, gọi chung thành Thập giới. Như vậy, ngoài năm giới cũng giống như hàng cư sĩ tại gia, còn có thêm năm giới nữa. Mười giới này là căn bản, nên có ghi đủ cả trong giới luật của tỳ-kheo và tỳ-kheo ni, và cũng là giới luật của hàng sa-di và sa-di ni mới xuất gia nữa. Mười giới ấy kể ra là:

1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không dâm dục
4. Không nói dối
5. Không uống rượu
6. Không dùng các loại hoa, hương phấn, dầu thơm
7. Không xem các loại trò diễn múa, hát, nhạc, kịch
8. Không nằm, ngồi trên giường cao ghế rộng
9. Không ăn quá ngọ
10. Không nhận và cất giữ tiền, vàng, vật quý

Ngoài việc giữ theo giới luật, tỳ-kheo hàng ngày còn phải tuân theo những sinh hoạt nhất định. Thời Phật còn tại thế, tỳ-kheo phải thường đến nghe Phật thuyết pháp, và đi theo Phật khi hóa độ ở các nơi. Tỳ-kheo cũng phải lo việc thuyết pháp, giảng đạo cho chúng sanh, truyền bá Chánh pháp của Phật.

Thuở xưa, sinh hoạt nơi các chùa rất đơn sơ, giản dị, nên tăng sĩ có rộng thì giờ mà tham thiền, tu tập. Ngày nay, một thực tế dễ thấy ở hầu hết các chùa là các thầy nặng lo về sự cúng kính, lễ lạt, các thứ dầu đèn, tượng cốt cho huy hoàng tráng lệ, lại muốn xây dựng chùa cao, cảnh đẹp... nên người xuất gia đôi khi chẳng có mấy thời gian dành cho việc thực hành đạo pháp. Việc bề ngoài choán mất hết thì giờ, nên thật khó lòng lo việc bề trong. Chùa nào cũng nặng việc tiếp đón, lễ tiết quanh năm, khiến cho sự dồi mài đức hạnh ngày càng khó hơn.

Ngày nay, tăng sĩ ẩn cư rất ít, mà phần đông đều thích cuộc sống tiện nghi, no đủ ở các ngôi chùa lớn. Vật thực cúng dường dư ăn thừa dùng, mà tăng sĩ lắm khi cũng hưởng đầy đủ những thứ tiện nghi xa xỉ chẳng khác chi người thế tục.

Ở một số chùa có ít tăng chúng, không còn duy trì được nghi thức tụng đọc giới bổn theo định kỳ 2 lần mỗi tháng như trong giới luật quy định nữa. Thường thì vào ngày giữa tháng (ngày rằm) và cuối tháng (hai chín hoặc ba mươi) người ta chỉ lễ cúng và lạy sám hối thôi, không có tổ chức thuyết pháp, cũng không tụ họp tăng chúng lại để tụng đọc giới bổn.

Nhiều vị tăng chỉ đọc lại giới bổn vào những lúc sắp lên bực giáo thọ, kiết ma, hòa thượng... mà thôi, rồi sau thì chẳng xem lại nữa!

Theo đúng như quy định truyền nối từ xưa, việc tụng đọc giới bổn hai lần mỗi tháng là những ngày quan trọng hơn hết. Tăng chúng trong chùa không ai được vô cớ vắng mặt. Vào ngày ấy, vị trưởng lão hoặc thượng tọa lớn nhất trong chùa sẽ đứng trước đại chúng, đọc từng khoản trong mấy trăm điều giới luật. Trong tăng chúng, ai hủy phạm hoặc sai sót điều nào thì phải tự đứng ra xưng nhận để được giáo hội chứng minh cho sự sám hối của mình. Còn những ai trọn vẹn không có sai phạm, mỗi tháng hai kỳ được nghe tuyên đọc lại giới luật, cũng là một sự nhắc nhở thường xuyên giúp duy trì nền đạo hạnh.

Trước khi chính thức được nhận làm tỳ-kheo, người xuất gia phải qua thời gian tập sự, thử thách, nghĩa là làm sa-di. Thời gian này lâu hay mau là tùy nơi nhận xét của vị thầy thâu nhận. Chỉ khi xét thấy thực sự xứng đáng và đủ khả năng tu học thì mới được chính thức dự các nghi lễ để trở thành tỳ-kheo. Trong thời gian thử thách, người muốn xuất gia phải học và giữ theo giới luật sa-di, học hỏi kinh điển theo sự hướng dẫn của thầy, cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tập. Nếu là người còn quá trẻ, phải đợi cho đến tròn 20 tuổi mới được xét cho thọ đại giới. Người đủ điều kiện là phải đủ tuổi, được cha mẹ cho phép đi tu, không theo tà đạo, không phải nhập đạo vì ý tà, không hề phạm vào các tội lớn, thân thể phải bình thường, không thiến dương vật, không rơi vào hạng ái nam ái nữ, không phạm các tội như giết cha mẹ, giết tăng sĩ, không có vợ, hoặc nếu có vợ thì người vợ phải đồng ý để chồng xuất gia, lại cũng không phải là người đang có nhiệm vụ, chức phận trong chính quyền, không phải kẻ còn đang thiếu nợ, không có bệnh thần kinh, bệnh truyền nhiễm, hoặc các chứng bệnh nặng.

Đối với nữ giới, nếu muốn xuất gia cũng phải hội đủ các điều kiện như nói trên. Nếu là người đã có chồng thì phải được chồng đồng ý cho phép.

Tuy là việc xuất gia phải đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn, nghiêm ngặt như thế, nhưng cũng không phải bất cứ ai muốn xuất gia cũng đều là toàn tâm toàn ý cầu sự giải thoát. Trong kinh “Na-tiên tỳ-kheo” nói rằng có nhiều hạng người xuất gia làm tỳ-kheo, không phải tất cả đều vì mục đích giải thoát. Cho đến ngày nay, điều ấy ngẫm ra cũng là đúng lắm. Cho nên, người kính tín Tam bảo phải biết suy xét, phân biệt, nương theo người đi đúng đường chứ chẳng theo kẻ đã sai đường; lại cũng không được vì thấy có những kẻ tà quấy trong hàng tăng chúng mà đánh mất đi niềm tin chân chính của mình vào Tam bảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]