Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Thương yêu và tha thứ

18/02/201111:50(Xem: 6541)
7. Thương yêu và tha thứ

THẮP NGỌN ĐUỐC HỒNG
Tác giả: Nguyên Minh
NXB: Tổng hợp TP Hồ Chí Minh
Khổ sách: 13x19cm
Độ dày: 216 trang

Thương yêu và tha thứ

Hồi đầu năm 1028, khi vua Lý Thái Tổ qua đời, thái tử Lý Phật Mã đang ở cung Long Đức bên ngoài kinh thành. Ba vị vương gia là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương cùng nhau làm loạn để cướp ngôi vua, mỗi người đều có sẵn quân mã trong tay, cùng phục sẵn ở cung Long Thành và cửa Quảng Phúc (cửa tây kinh thành) để chờ giết thái tử. Ngờ đâu thái tử lại theo cửa Tường Phù (cửa đông) mà vào thành. Nghe biết có biến, thái tử liền vào điện Càn Nguyên rồi sai người đóng cửa cố thủ.

Ba vị vương gia mang quân vây đánh rất gấp. Bấy giờ trong số các trung thần theo hầu có Lý Nhân Nghĩa và Lê Phụng Hiểu đều xin ra đánh, nhưng thái tử ngần ngừ không cho, muốn đợi cho các vị vương nghĩ lại mà tự rút lui để giảm bớt tội.

Không ngờ các vương gia thúc quân đánh ngày càng gấp hơn, quân giữ cửa xem chừng không thể ngăn cản nổi. Thái tử không biết làm sao hơn, bấy giờ mới gật đầu cho phép các tướng ra đánh.

Lê Phụng Hiểu vốn nổi danh có dũng lực hơn người, khi ấy một mình xông thẳng vào đám loạn quân, chạy đến đâm một nhát trúng con ngựa của Vũ Đức Vương đang cưỡi. Ngựa quỵ xuống, Vũ Đức Vương bị giết ngay tại chỗ. Quân thái tử kéo ra đánh, quân các vương gia thua chạy, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đều bị bắt.

Thái tử lên ngôi, tức là vua Lý Thái Tông. Việc làm đầu tiên là ban lệnh đại xá khắp thiên hạ. Đối với tội làm phản của Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đều tha cho, lại khôi phục quan tước như cũ.

Bấy giờ, Khai Quốc Vương đang cầm quân ở phủ Trường Yên, nghe tin Vũ Đức Vương bị giết liền dấy quân làm phản. Vua Lý Thái Tông thân hành mang quân đi đánh. Vừa đến Trường Yên thì Khai Quốc Vương đã sợ xin hàng. Vua bắt giải về kinh đô, rồi sau đó cũng tha tội và cho phục hồi tước cũ.

Trong lịch sử Trung Hoa, khi vua Vũ Vương nhà Chu vừa mất, Thành Vương lên ngôi thì một người em là Quản Thúc bị giết và một người em khác là Sái Thúc bị đày đi xa để giữ vững ngôi vua. Khi Đường Cao Tổ là Lý Uyên mất, Đường Thái Tông là Lý Thế Dân vừa lên ngôi đã giết hai người anh là Kiến Thành và Nguyên Cát cũng để giữ lấy ngôi vua.

Có so sánh với những chuyện ấy mới thấy vua Lý Thái Tông của Việt Nam ta đã làm được một điều phi thường ít có trong lịch sử các bậc vua chúa. Đó là, mở rộng lòng tha thứ cho chính những kẻ phản nghịch, mưu giết hại mình để giành quyền lực!

Vị vua này còn bộc lộ tấm lòng nhân hậu trong suốt 27 năm cầm quyền của ông. Năm 1042, ông cho soạn và ban hành bộ Hình luật, có thể xem là văn bản pháp luật có hệ thống đầu tiên của nước ta, mục đích là giảm bớt những hình phạt khắc nghiệt đương thời và hạn chế những vụ án xử oan. Bộ sách này thấy có ghi tên trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Ích, gồm 3 quyển, nhưng tiếc là đến nay không còn nữa nên chúng ta không biết được nội dung cụ thể như thế nào.

Tuy nhiên, theo Việt sử cương mục tiết yếu còn ghi lại thì thấy rằng vua Lý Thái Tông rất cương quyết trong việc nghiêm trị các quan lại tham nhũng để bảo vệ người dân. Sách này chép rằng: Vị quan nào thu thuế của dân vượt quá quy định thì xử theo tội trộm cướp; những người giữ phần hành đi thu thuế mà thu nhiều hơn quy định cũng xử như vậy. Người dân nào cáo giác hành vi tham nhũng của quan lại thì được miễn thuế trong một năm, nếu là dân kinh thành thì có thưởng. Quan thu thuế tơ lụa của dân, nếu thu làm của riêng thì mỗi thước phạt đánh 100 trượng, mỗi tấm phạt đi làm phu dịch một năm, nhiều hơn nữa thì cứ theo số lượng mà gia tăng mức phạt.

Vào một thời đại mà quan là “phụ mẫu” của dân, có thể nghiêm khắc với các quan tham nhũng như vậy quả là hiếm thấy. Không có lòng yêu thương người dân một cách tha thiết, hẳn không thể có được những thái độ cương quyết bảo vệ dân lành như thế.

Hầu hết các sử gia đều cho rằng triều Lý là một triều đại nhân từ. Các vua Lý cai trị đất nước chủ yếu dựa vào lòng thương dân, lo lắng cho dân. Nhưng không vì thế mà trở nên nhu nhược, yếu kém. Những chiến công đời Lý cũng hiển hách vang dội, như phá Tống, bình Chiêm, đều là những trận chiến thể hiện rõ sức chiến đấu dũng mãnh của quân đội. Có thể khiến cho phương Bắc phải từ bỏ mộng xâm lược trong suốt 215 năm cầm quyền của mình, đủ thấy là quân đội nhà Lý cũng không hề yếu kém.

Một trong những nhận thức sai lầm của nhiều người trong chúng ta là cho rằng những người giàu lòng thương yêu thường nhu nhược, yếu đuối. Câu chuyện lịch sử về triều đại nhà Lý là một bằng chứng cụ thể có thể bác bỏ được quan điểm sai lầm này.

Trong thực tế, lòng thương yêu ngăn cản chúng ta làm bất cứ điều gì gây hại cho người khác, nhưng đồng thời nó cũng mang lại cho chúng ta sức mạnh để sẵn sàng bảo vệ người mình thương yêu. Bạn có thể nhìn hình ảnh con gà mẹ đang xù lông cánh ra để bảo vệ những chú gà con. Quả thật sức mạnh tinh thần của nó lớn hơn nhiều so với sức mạnh thể chất thực có, vì nó có vẻ như không sợ bất cứ kẻ thù nào.

Lòng thương yêu là một bản chất tự nhiên vốn có của mỗi người. Nhưng trong thực tế, không có sự thực hành và rèn luyện thì bản chất này rất ít khi phát triển mạnh. Sở dĩ như thế là vì trong môi trường sống của chúng ta có quá nhiều yếu tố ngăn cản sự phát triển của lòng thương yêu.

Trong trường hợp của vua Lý Thái Tông, để có thể thương yêu ngay chính những kẻ muốn giết mình, ông đã phải vượt qua rất nhiều trở lực mà phần lớn trong chúng ta khó lòng vượt qua.

Trước hết, phải dẹp bỏ được lòng vị kỷ, tham tiếc quyền lực của bản thân. Bởi vì, chính sự tham tiếc ấy sẽ làm nảy sinh tâm trạng lo sợ bị mất đi quyền lực. Và tâm trạng lo sợ ấy thúc đẩy chúng ta làm bất cứ điều gì để bảo vệ quyền lực cho bản thân mình.

Về mặt tâm lý, thật cũng không dễ gì đi đến quyết định giết chết những người anh em ruột thịt, nhưng sự tham tiếc quyền lực – kèm theo đó là của cải vật chất và muôn ngàn thứ khác – bao giờ cũng mạnh hơn tâm lý ấy. Vì vậy mà chúng ta không lấy làm lạ khi thấy lịch sử ghi lại rất nhiều trường hợp huynh đệ tương tàn chỉ vì tranh nhau quyền lực. Vua Lý Thái Tông đã vượt qua được lòng vị kỷ tham lam của bản thân, đã đưa ra những quyết định tha thứ theo sự thúc đẩy của lòng thương yêu. Đó là điều mà bất cứ ai cũng kính phục nhưng lại không mấy ai làm được!

Thứ hai, phải dẹp bỏ được tâm lý ghét giận, căm tức đối với người cố ý làm hại mình. Trải qua cuộc biến loạn, bị vây chặt trong cung và chịu sự đe dọa của những lực lượng quân binh từ bên ngoài, trong lúc thắng thua chưa định thì không ai có thể tránh khỏi tâm trạng lo sợ bị giết hại. Từ tâm trạng lo sợ đó, không thể không bực tức, căm ghét những kẻ muốn làm hại mình. Nhưng vua Lý Thái Tông đã vượt qua được những tâm trạng thông thường ấy mới có thể dẹp bỏ sự thù hận, căm tức, mở rộng lòng tha thứ cho những kẻ đã muốn làm hại mình. Ông làm được điều đó chính là nhờ đã có được một lòng thương yêu chân thật.

Khi chúng ta đáp trả sự yêu thương của người khác bằng lòng thương yêu, điều đó không khó lắm. Nhưng để có thể mở lòng thương yêu chính những kẻ rắp tâm làm hại mình, điều đó đòi hỏi phải được xuất phát từ một lòng thương yêu chân thật, vô điều kiện.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta gặp không ít những tâm trạng thôi thúc đối nghịch với lòng thương yêu, làm cho lòng thương yêu của ta rất khó phát triển.

Khi chúng ta phán đoán vấn đề qua lý trí, chúng ta thấy rằng những quyết định xuất phát từ lòng thương yêu thường đưa đến cho chúng ta những thiệt thòi về vật chất. Khi thương yêu, ta có khuynh hướng làm điều gì đó hoặc chia sẻ điều gì đó cho người mình thương yêu, và điều đó có vẻ như là một sự “mất mát”. Vì thế, có thể nói lòng tham là một trong những trở lực lớn nhất làm cho ta không phát triển được lòng thương yêu. Như một hệ quả tất yếu, những người giàu lòng thương yêu trong cuộc sống phải là những người đã dẹp bỏ được sự tham lam.

Trở lực thứ hai là tâm lý ganh tị, không hài lòng trước những thành công của người khác. Tâm lý này phổ biến ở hầu khắp mọi người, và đôi khi nó rất tinh tế đến nỗi chúng ta không thể tự mình nhận ra được.

Một ông già mù sống gần ngôi chùa của thiền sư Bankei (Nhật Bản). Khi thiền sư Bankei viên tịch, ông nói với người bạn của mình rằng: “Tôi bị mù nên chỉ có một cách duy nhất để hiểu được người khác là nghe qua giọng nói. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã gặp và nghe để hiểu rất nhiều người. Khi người ta chúc mừng ai đó, tôi nghe và hiểu được trong giọng nói của họ có chút gì ganh tị, không thực sự hài lòng. Ngược lại, khi người ta chia buồn với ai đó về một điều không may, tôi nghe và hiểu được trong giọng nói của họ có chút gì hả hê, thích ý, như thể cái mất của người khác là điều kiện cho cái được của chính họ. Chỉ có giọng nói của thiền sư Bankei là hoàn toàn chân thật. Khi ông chúc mừng ai, trong giọng nói của ông chỉ có toàn là niềm vui, và khi ông chia buồn với ai, trong giọng nói của ông chỉ có toàn là nỗi buồn.”

Nhận xét tinh tế trên là một nhận xét mà mỗi chúng ta có thể tự chiêm nghiệm để thấy rõ. Tâm lý ganh tỵ chi phối hầu hết chúng ta trong cuộc sống, đến nỗi hiếm khi ta có thể thành thật vui mừng trước những thành công của người khác. Và tâm lý này đôi khi xuất hiện một cách tinh tế và sâu thẳm đến nỗi ta không nhận biết được nếu không có sự phản tỉnh thật sâu xa.

Sự ganh tỵ ngăn cản ta phát khởi lòng thương yêu người khác, bởi vì lòng thương yêu luôn đi kèm với sự giúp đỡ và san sẻ, nhưng tâm lý ganh tỵ lại không bao giờ mong muốn cho kẻ khác vươn lên vì sợ rằng họ sẽ hơn mình. Vì thế, cũng như một hệ quả tất yếu, những người giàu lòng thương yêu trong cuộc sống phải là những người đã dẹp bỏ được sự ganh tỵ với kẻ khác.

Mặt khác, lòng thương yêu cũng luôn dẫn đến sự tha thứ đối với những ai đã xúc phạm hay làm hại bản thân mình. Điều này ngược lại với tâm trạng hận thù, căm ghét mà chúng ta rất khó vượt qua. Vì thế, cũng như một hệ quả tất yếu, những người giàu lòng thương yêu trong cuộc sống phải là những người đã dẹp bỏ được lòng hận thù, căm ghét.

Để nuôi dưỡng lòng thương yêu, chúng ta phải thấy được mối tương quan đã nói trên và thực hành dẹp bỏ những tâm trạng tham lam, ganh ghét, hận thù. Khi dẹp bỏ được những điều đó, bản chất thương yêu trong lòng ta sẽ có điều kiện để phát triển một cách rất tự nhiên.

Nhưng đến đây bạn có thể sẽ đưa ra một nhận xét. Vâng, thế thì việc nuôi dưỡng lòng thương yêu quả thật không dễ dàng chút nào, vì nó đi ngược lại với khuynh hướng thông thường của đa số con người. Cho dù tôi vẫn thừa nhận đó là những khuynh hướng xấu – tham lam, ganh ghét và hận thù – nhưng đổi lại, khi nuôi dưỡng lòng thương yêu thì tôi sẽ nhận được những gì?

Về phương diện lý luận mà nói, tôi xin thú thật là có phần lúng túng nếu phải trả lời câu hỏi này. Bởi vì bạn có thể chỉ ra cho tôi thấy toàn là những thiệt thòi hay mất mát. Bạn có thể lý luận rằng vua Lý Thái Tông thật là dại dột khi tiếp tục nuôi dưỡng những mầm phản loạn, bởi vì ông ta sẽ không khỏi nơm nớp lo sợ có một ngày sẽ bị những người kia làm hại. Khi có một con rắn bò vào nhà, bạn sẽ đuổi nó ra hay đánh chết nó? Có lẽ việc đánh chết con rắn sẽ làm cho bạn “yên tâm” hơn, bởi vì biết đâu nó lại chẳng quay trở vào?

Nhưng tôi hoàn toàn có thể đoan chắc với bạn về niềm tin qua cảm nhận của chính tôi trong cuộc sống, rằng lòng thương yêu là giá trị cao cả nhất mà con người có thể vươn đến, rằng lòng thương yêu mang lại cho bạn rất nhiều điều mà không gì có thể thay thế được.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, bạn chỉ có thể cảm nhận những điều này bằng một trái tim rộng mở mà không bao giờ có thể đạt đến qua sự suy luận khô khan của lý trí. Mặc dù vậy, tôi cũng sẽ cố gắng nói với bạn đôi điều về những gì mà lòng thương yêu có thể mang lại cho bạn trong cuộc sống này.

Trước hết, khi nuôi dưỡng được lòng thương yêu, bạn sẽ kiềm chế và dần dần dứt trừ được lòng tham lam, đơn giản chỉ là vì bạn không bao giờ có thể duy trì được cùng lúc cả hai: lòng thương yêu và sự tham lam.

Sự tham lam chính là thủ phạm gây ra biết bao khổ đau trong cuộc sống này. Khi bạn bị khống chế bởi lòng tham, bạn trở nên một tên nô lệ không hơn không kém, bao giờ cũng bị thôi thúc phải làm điều này, điều nọ để thỏa mãn cho nó. Mà sự thỏa mãn của lòng tham thì hầu như là chẳng bao giờ đạt đến, như tục ngữ đã có nói: “Túi tham không đáy.”

Một khi kiềm chế hay dứt trừ được lòng tham, con người sẽ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng chẳng khác nào được thoát ra khỏi một tù ngục vô hình. Chính điều này giải thích vì sao những bậc hiền nhân quân tử xưa kia ưa chuộng nếp sống thanh bần nơi thôn dã, rừng núi... Họ thà không được hưởng những tiện nghi vật chất mà có được cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, bởi vì một khi đã từ bỏ được của cải vật chất thì lòng tham chẳng còn có thể khống chế sai khiến họ được nữa.

Điều kỳ diệu xảy ra khi bạn nuôi dưỡng được lòng thương yêu chân thật, đó là bạn không cần phải trốn lánh đến những nơi sơn cùng thủy tận hay hoang điền thôn dã mới có thể dứt bỏ được lòng tham. Ngay trong cuộc sống phồn hoa đô hội, nếu bạn đã từng cảm nhận được niềm vui nhẹ nhàng nhưng sâu sắc khi mở lòng thương yêu giúp đỡ, san sẻ vật chất với người khác, bạn sẽ thấy mình thoát khỏi sự chi phối của lòng tham một cách dễ dàng. Phật giáo dạy người thực hành hạnh bố thí để đối trị lòng tham, điều này hoàn toàn chính xác. Nhưng bạn làm sao có thể thật lòng bố thí cho kẻ khác nếu trong tâm bạn chưa sinh khởi lòng thương yêu? Vì thế, nuôi dưỡng lòng thương yêu có thể nói là một điều kiện căn bản để từ đó nảy sinh ra nhiều đức tính khác.

Khi nuôi dưỡng lòng thương yêu, bạn cũng dẹp bỏ được sự ganh tỵ với kẻ khác. Bạn đừng bao giờ coi thường cái tâm niệm nhỏ nhen này, bởi thực ra nó không nhỏ nhen chút nào nếu xét theo những hậu quả xấu xa mà nó có thể mang đến. Rất nhiều việc làm tồi tệ, trái hẳn với đạo lý, cũng chỉ là xuất phát từ lòng ganh tỵ. Rất nhiều ý niệm thanh cao, quý giá trong tâm hồn chúng ta có thể chỉ vì lòng ganh tỵ mà phút chốc bỗng tan biến mất.

Lòng ganh tỵ cũng làm cho chúng ta đôi khi phải khổ sở, khó chịu một cách vô lý. Chúng ta dù biết là không tốt nhưng vẫn cứ thấy dằn vặt, không hài lòng khi một người nào đó thành đạt hơn mình.

Khi mở rộng lòng thương yêu, chúng ta xóa bỏ ngay được những ý niệm ganh tỵ vừa sinh khởi, cũng như ánh mặt trời làm tan nhanh những giọt sương mai. Bởi vì khi đã thương yêu ai đó thật lòng, ta không thể nào khởi lên ý niệm ganh tỵ với những thành công của người ấy. Thậm chí ta còn có thể sẵn lòng hy sinh, san sẻ những thành công của chính mình cho họ, thì làm sao còn có thể có tâm niệm nhỏ nhen ganh tỵ?

Khi nuôi dưỡng lòng thương yêu, bạn cũng xóa bỏ được lòng hận thù, căm ghét. Trong tâm lý thông thường, chúng ta vẫn quan niệm một cách sai lầm về việc nuôi dưỡng lòng hận thù đối với những kẻ đã xúc phạm hay gây thương tổn cho chúng ta, cho rằng đó là điều “tất nhiên và chính đáng”. Nhiều người còn xem việc “ân oán phân minh” như một phương châm sống. Họ thường cho rằng: “Có ân không báo, có oán không trả thì không đáng làm người.”

Nghe ra cũng có vẻ hợp lý và dễ thuyết phục! Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không đúng như vậy. Ngay cả với những kẻ đã gây thương tổn hay xúc phạm chúng ta, thì việc rắp tâm “báo oán” hay nuôi dưỡng lòng thù hận là một việc hoàn toàn vô ích, mà ngược lại còn tiếp tục làm tổn thương chính bản thân ta và người khác.

Khi bạn đã nhận một cái tát của ai đó vào mặt, nếu bạn tát lại người ấy một cái thì điều đó cũng không làm thay đổi việc bạn đã bị tổn thương. Ngược lại, nếu bạn đau đớn và tức tối khi bị xúc phạm thì người kia cũng không thoát khỏi tâm trạng ấy, và vì thế hành động trả đũa chỉ có thể làm nhân đôi nỗi khổ đau ở cả hai bên chứ không làm giảm đi chút nào về phía bạn.

Nhưng những gì có thể xảy ra tiếp theo sau đó lại càng đáng sợ hơn. Bởi vì người kia sẽ chẳng mấy khi cho rằng việc nhận lại của bạn một cái tát là hợp lý. Và có nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục “trả đũa” bằng một hành vi mạnh mẽ hơn... Và nếu vấn đề không dừng lại ở đây thì những xung đột sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng là điều tất yếu.

Vì thế, trong Kinh Thánh dạy rằng: “Nếu bị ai vả vào má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 6, 39) Ý nghĩa lời dạy này chính là muốn xóa bỏ sự hận thù và chấm dứt xung đột ngay khi nó vừa sinh khởi.

Trong kinh Pháp cú (kệ số 5, phẩm Song yếu) đức Phật dạy rằng:

Lấy hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn xưa.

Ở đây, “không hận diệt hận thù” không chỉ là một lời khuyên cao cả, tốt đẹp, mà hơn thế nữa, chính là một quy luật tất yếu mà người khôn ngoan luôn nhận ra để tuân theo.

Khi sự hận thù không còn là giữa hai cá nhân mà đã phát triển giữa các gia đình, dòng tộc hay cộng đồng, dân tộc... hậu quả của nó lại càng vô cùng tai hại. Bởi vì, trong những trường hợp ấy thì có rất nhiều khả năng là các thành viên nhỏ tuổi trong cộng đồng – những em bé còn ngây thơ trong trắng – đã bắt đầu bị đầu độc bởi sự hận thù ngay từ khi chưa thể tự mình có được một nhận thức về sự việc. Vì thế, các em sẽ lớn lên với những định kiến và lòng thù hận ăn sâu trong tâm hồn, rất khó lòng tháo gỡ hay dẹp bỏ.

Trong những trường hợp ấy, chỉ khi nào chân lý “không hận diệt hận thù” được mọi người nhận ra và thực hiện thì mới có cơ may chấm dứt được chuỗi đau khổ kéo dài cho cả đôi bên.

Khi nuôi dưỡng lòng thương yêu, bạn xóa bỏ được lòng hận thù ngay từ khi nó vừa manh nha sinh khởi. Bởi vì lòng thương yêu luôn đi kèm với sự cảm thông và tha thứ, nên những hành vi xúc phạm hay gây thương tổn cho bạn luôn được phán đoán với một trí tuệ khách quan để thấy rõ những nguyên nhân sâu xa của sự việc, và mọi sai lầm đều có thể được cảm thông và tha thứ. Trường hợp của vua Lý Thái Tông như vừa kể trên là một điển hình cụ thể cho nhận xét này.

Như đã nói, các vua triều Lý phần lớn đều nhân từ, khoan hậu. Khi vua Lý Thái Tông mất vào năm 1054, thái tử Lý Nhật Tôn lên nối ngôi tức là vua Lý Thánh Tông cũng tỏ ra là một vị vua nhân đức không kém cha mình.

Mùa đông năm 1055, trời rét như cắt thịt. Vua bảo các quan: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn mà còn rét thế này. Nghĩ đến những người tù bị giam trong ngục, ăn không no bụng, mặc chẳng kín thân, khốn khổ vì đói rét, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty cấp phát đủ chăn chiếu và cho ăn ngày hai bữa.” Việt sử cương mục tiết yếu, quyển 1, kỷ Nhà Lý – bản dịch của Hoàng Văn Lâu, trang 103, NXB Khoa học Xã hội.

Tháng 4 năm 1064, vua ngự điện Thiên Khánh xử kiện, công chúa Đỗng Thiên (洞´天ì) đứng hầu bên cạnh. Vua chỉ vào công chúa mà nói với ngục lại: “Ta lấy tấm lòng của bậc cha mẹ mà đối với dân, cũng như yêu con ta đây. Dân vì không hiểu biết nên mới mắc tội, ta rất thương xót. Từ nay, không cứ tội nặng hay nhẹ đều nhất loạt khoan giảm.” Việt sử cương mục tiết yếu (Sách đã dẫn, trang 104). Riêng câu đầu tiên của đoạn này có nhiều bản dịch khác nhau, chúng tôi đã tra nguyên văn chữ Hán thấy viết là: (Ngô phụ mẫu tư dân chi tâm, do ái ngô tử dã.) Có sách dịch là: “Lòng ta yêu con cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân.” Như vậy thì sai hẳn nguyên tác. Còn Hoàng Văn Lâu dịch là: “Ta là cha mẹ dân. Lòng ta yêu dân cũng như yêu con gái ta đây.” Tuy cũng không sai ý nhưng không được sát với nguyên văn. Vì thế chúng tôi xin tạm dịch lại là: “Ta lấy tấm lòng của bậc cha mẹ mà đối với dân, cũng như yêu con ta đây.” Xin ghi rõ để độc giả tiện tham khảo.

Những người cai trị đất nước xưa nay vẫn ghét nhất là bọn tội phạm, bởi mọi sự rối rắm, bất ổn trong xã hội đều do chúng mà ra. Vì thế, nếu không có một tấm lòng thương yêu chân thật và sẵn sàng cảm thông tha thứ thì không thể có được những lời nói và hành động như trên.

Vua cũng thường xuyên ban lệnh đại xá cho khắp trong thiên hạ. Đặc biệt, vào tháng 4 năm 1070, trời nắng hạn, vua sai mở kho phát tiền gạo chẩn cấp cho dân nghèo. Đây cũng là điều ít thấy trong các triều vua xưa nay.

Tuy nhiên, cũng như trường hợp của vua Lý Thái Tông, chúng ta có thể thấy rõ là sự khoan hòa của vua Lý Thánh Tông không phải là nhu nhược, yếu kém.

Vào đầu năm 1069, quân Chiêm Thành thường xuyên quấy nhiễu biên giới, vua liền giao việc triều chính cho Nguyên phi Ỷ Lan rồi thân hành dẫn quân đi đánh. Quân Chiêm chống cự dai dẳng không thắng được, vua liền thu quân trở về. Về đến châu Cư Liên, Địa danh này đến nay cũng chưa rõ là ở đâu. thấy dân tình an ổn, hòa hợp, mọi người đều ca ngợi việc trị nước của Nguyên phi Ỷ Lan. Vua cảm khái nói rằng: “Một người đàn bà giữ việc nước mà còn được như thế. Ta là đàn ông, đi đánh một nhóm giặc Chiêm mà không xong việc, có còn đáng là nam nhi hay chăng?” Nói rồi quả quyết quay lại đánh nữa, bắt được vua Chiêm là Chế Củ với 5 vạn tù binh.

Đến tháng 7, vua Chiêm xin dâng đất 3 châu là Địa Lý, Bố Chính và Ma Linh để chuộc tội, vua liền tha cho về nước. Ba châu này đến nay thuộc về các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Vua lấy lòng thương dân làm giềng mối cai trị, cho đến những kẻ phạm tội bị giam trong tù ngục cũng rũ lòng thương. Nhưng khi quân giặc quấy nhiễu, vẫn đủ sức mạnh để trấn áp, chinh phục. Rõ ràng không thể nói là lòng thương yêu dẫn đến sự nhu nhược, yếu đuối.

Lòng thương yêu có thể dập tắt mọi hận thù. Khi thương yêu thì người ta có thể sẵn lòng cảm thông và tha thứ, ngay cả đối với những kẻ đã xúc phạm hoặc gây thương tổn cho mình. Bởi vì dưới ánh mắt thương yêu thì ngay cả những việc làm tàn bạo nhất, hung hãn nhất cũng chỉ là sự biểu lộ của ngu si và thiếu hiểu biết, vì thế cần được cảm thông và tha thứ hơn là căm ghét và thù hận.

Chúng ta cũng biết những điều như trên vẫn chưa phải là nhận thức của hết thảy mọi người. Trong suy nghĩ thông thường của nhiều người, việc căm ghét kẻ ác vẫn được xem là điều tự nhiên, thậm chí là cần thiết để bảo vệ trật tự xã hội. Tuy nhiên, nhận thức như vậy chỉ đúng theo một khía cạnh nào đó mà thôi, vì cho dù có ngăn ngừa được phần nào tội phạm, nhưng rõ ràng là chúng ta không thể diệt sạch mọi tội lỗi trong xã hội này bằng vào sự trừng phạt, mà chỉ có thể bằng vào sự thương yêu và cảm hoá. Tội ác và người phạm tội ác là hai vấn đề. Chúng ta không bao giờ thoả hiệp hay dung dưỡng tội ác, nhưng để tâm căm ghét những người phạm tội ác là điều sai lầm. Bởi vì một khi đã thực sự ăn năn hối cải thì bất cứ người phạm tội nào cũng vẫn có thể trở thành người tốt. Và sự thương yêu, tha thứ của chúng ta chính là tiền đề quyết định để những người lầm lạc còn có cơ hội quay trở lại đường ngay nẻo chính.

Thương yêu và tha thứ chính là sức mạnh mãnh liệt nhất có thể làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng tích cực hơn. Ngay khi mỗi người trong chúng ta biết mở rộng lòng thương yêu và tha thứ, tự thân chúng ta sẽ cảm nhận được những thay đổi của bản thân mình và của mọi người chung quanh. Và nếu như tất cả mọi người đều mở rộng lòng thương yêu, tha thứ, có lẽ chúng ta sẽ không còn có thể tìm đâu ra một môi trường xã hội tốt đẹp hơn thế nữa!

Này người bạn trẻ, trong những bước chân đầu đời của bạn, xin đừng quên lời nhắn nhủ này. Bạn có thể sẽ thành đạt vẻ vang về phương diện vật chất nhờ vào sự giúp đỡ của người này, người khác, nhưng không ai có thể mang được những phẩm chất tốt đẹp như lòng thương yêu và tha thứ đến cho bạn. Bạn chỉ có thể có được phẩm chất cao quý này nhờ vào một nhận thức đúng đắn và sự rèn luyện, thực hành ngay trong cuộc sống mà thôi.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]