Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

9. Hiểu Đúng Về Sự Bình Đẳng

17/02/201102:38(Xem: 3257)
9. Hiểu Đúng Về Sự Bình Đẳng

ĐỪNG ĐÁNH MẤT TÌNH YÊU
Nguyễn Minh Tiến

HIỂU ĐÚNG VỀ SỰ BÌNH ĐẲNG

Ngày nay có rất nhiều sách báo nói về sự bình quyền nam nữ, và từ đó dẫn đến khái niệm bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Để có được tiếng nói chung về vấn đề này, xã hội loài người đã phải trải qua không ít khó khăn trên một chặng đường tiến hóa khá dài. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người đã vận dụng không đúng những khái niệm tốt đẹp này trong quan hệ vợ chồng.

Trước hết, chúng ta đang sống trong một xã hội phương Đông với những truyền thống văn hóa khác biệt nhất định với nền văn minh phương Tây, mà bất cứ một sự tiếp thu hay hòa nhập nào trong thời đại mới đều hoàn toàn không có nghĩa là một sự triệt tiêu hay biến chất. Tổ chức gia đình trong xã hội phương Đông cũng như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có ít nhiều khác biệt với xã hội phương Tây. Và do đó, điều tất nhiên là khái niệm bình đẳng giữa vợ chồng cũng cần được hiểu đúng trong bối cảnh cụ thể của từng xã hội.

Thứ hai, sự phân công trách nhiệm tự nhiên trong gia đình vốn xuất phát từ sự khác biệt giới tính là không thể phủ nhận được. Chẳng hạn như không thể buộc người vợ phải đảm nhận những công việc nặng nề cần đến sức mạnh của nam giới, cũng như không thể buộc người chồng phải quán xuyến những công việc hàng ngày trong gia đình hay chăm sóc con cái, vốn là những công việc cần đến đôi bàn tay khéo léo dịu dàng của người phụ nữ. Tuy nhiên, những khác biệt này hoàn toàn không có nghĩa là không bình đẳng, mà chỉ là một sự phân công trách nhiệm hợp lý để phù hợp với cả đôi bên.

Thật ra thì những bất công trong xã hội phong kiến trước đây đối với người phụ nữ vốn bắt nguồn từ tầng lớp trung lưu và quý tộc với những nề nếp lễ giáo thường là nghiêm khắc đến mức bất hợp lý, còn đối với tầng lớp dân gian tay lấm chân bùn thì quan điểm bình đẳng tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng vốn đã có từ rất sớm. Trong câu tục ngữ: “Của chồng, công vợ”, chúng ta thấy được cả một quan điểm chính xác và hợp lý mà thậm chí các quan tòa ngày nay cũng vẫn phải tuân theo khi phán xét những vụ ly hôn. Chính trong cuộc sống lao động khó khăn nhưng thấm đẫm tình người đã giúp cho người xưa thấy rõ ra được những điều có tính cách công bằng hợp lý tương tự như thế.

Xã hội ngày nay đang chuyển biến một cách mạnh mẽ, nhanh chóng. Số phụ nữ bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình để đảm nhận những công việc xã hội ngày càng nhiều hơn, thay vì chỉ quanh quẩn coi sóc việc nhà và chăm lo cho con cái như trước kia. Hơn thế nữa, nhiều phụ nữ đã có mức thu nhập đóng góp vào gia đình cao bằng hoặc hơn cả nam giới. Và điều này tất nhiên là làm thay đổi đi rất nhiều nề nếp sinh hoạt trong gia đình.

Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, khái niệm bình đẳng như một trong các nguyên tắc ứng xử giữa vợ chồng với nhau rất cần được tôn trọng và hiểu đúng.

Một số người cho rằng bình đẳng có nghĩa là ngang bằng như nhau, và do đó trách nhiệm gia đình cần phải được chia đều giữa hai người, cũng như quyền quyết định mọi việc trong gia đình cũng phải được chia sẻ như nhau. Quan điểm này không sai, nhưng các bạn sẽ hiểu thế nào về việc “chia đều”? Chúng tôi không nghĩ là mọi thứ liên quan đều có thể đặt lên bàn cân hoặc đo lường để xác định. Hơn thế nữa, cho đến ngày nay thì quan hệ hôn nhân trong xã hội phương Đông vẫn là một mối quan hệ không chấp nhận những tính toán so đo hơn thiệt. Đối với chúng ta, một quan hệ hôn nhân gắn bó tốt đẹp hoàn toàn không có nghĩa là đôi bên phải có sự đóng góp bình đẳng như nhau vào cuộc sống chung, nhất là về mặt vật chất. Những cách nghĩ như thế khá xa lạ với truyền thống văn hóa và đạo đức của phương Đông. Vấn đề được nhấn mạnh ở đây bao giờ cũng là tính chất tự nguyện và quên mình để hy sinh cho nhau. Câu chuyện về những người phụ nữ hiền thục hết lòng chăm lo cho chồng con trong suốt cuộc đời mình đến nay vẫn làm cảm động lòng người mà không hề lỗi thời. Vì thế, chúng ta có thể thấy ra một điều là quan hệ bình đẳng giữa vợ chồng không nhất thiết và không nên được hiểu theo khía cạnh vật chất.

Khi cả hai đều tự nguyện quên mình để hy sinh cho nhau trong cuộc sống, vấn đề không còn là ở chỗ ai đóng góp nhiều hơn hoặc ai nhận được nhiều hơn, mà vấn đề là ở mức độ chân thành mà cả hai dành cho nhau. Sự khác biệt về phần đóng góp của mỗi người vào cuộc sống chung có thể không quan trọng, nhưng tình cảm dành cho nhau nhất thiết phải không khác biệt, và bất cứ một sự thiếu trung thực nào trong quan hệ vợ chồng đều rất đáng để chê bai, chỉ trích.

Sẽ còn rất nhiều khía cạnh của vấn đề mà chúng ta không thể đề cập đến một cách đầy đủ trong phạm vi của quyển sách nhỏ này. Tuy nhiên, điểm chính muốn nói ở đây là tính chất bình đẳng trong quan hệ hôn nhân nên được hiểu trước hết và trên hết như một mối quan hệ mà đôi bên đều phải chân thành tôn trọng lẫn nhau và hy sinh cho nhau. Thiếu đi yếu tố này, những ý nghĩa cao đẹp trong quan hệ hôn nhân – một cam kết gắn bó trọn đời bất chấp những thăng trầm trong cuộc sống – sẽ có thể bị thương tổn nặng nề. Ngược lại, xuất phát từ yếu tố cơ bản này thì mọi vấn đề chi li phức tạp khác trong mối quan hệ hôn nhân có vẻ như tự chúng đều sẽ được giải quyết.

Khi cả hai đều tôn trọng lẫn nhau, sẽ không có vấn đề đặt ra là ai có quyền hạn hơn ai, mà chỉ có một sự phối hợp hài hòa để cùng nhau giải quyết mọi công việc trong gia đình. Khi cả hai đều quên mình để hy sinh cho nhau, sẽ không có vấn đề đặt ra là ai đóng góp nhiều hơn ai, mà chỉ có một sự nỗ lực nơi tự thân mỗi người để cùng nhau xây dựng gia đình. Chính đây là nhân tố quyết định để xóa bỏ rất nhiều nguyên nhân gây rạn nứt trong quan hệ hôn nhân, nhất là trong thời đại hiện nay vốn rất dễ chịu sự chi phối lớn lao của yếu tố vật chất.

Bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là một khái niệm tốt đẹp và tiến bộ. Bạn rất nên dành thời gian cùng nhau thảo luận để thống nhất cách hiểu về khái niệm này, nhưng hãy thận trọng đừng để nó trở thành một nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình bạn.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567