Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhật nhật tân, hựu nhật tân

15/02/201114:58(Xem: 5013)
Nhật nhật tân, hựu nhật tân

GỌI NẮNG XUÂN VỀ
Nguyên Minh

Nhật nhật tân, hựu nhật tân

Người Trung Hoa truyền rằng, một vị minh quân thời cổ là vua Thang đã cho khắc lên cái chậu tắm của mình dòng chữ: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân.” (Nếu muốn ngày hôm nay đổi mới thì ngày ngày đều phải luôn đổi mới, lại tiếp tục đổi mới nữa.) Nhà vua làm như vậy là để mỗi ngày khi dùng đến chậu tắm đều nhìn thấy câu ấy, nhớ đến câu ấy. Có lẽ ông ta xem đây là phương châm hành xử quan trọng mà bậc quân vương trong việc cai trị đất nước cần phải ghi nhớ để noi theo.

Mà quả thật, trong vai trò dẫn dắt một đất nước, nếu người lãnh đạo cảm thấy hài lòng, thỏa mãn với những gì đã đạt được mà không nghĩ đến việc cách tân, đổi mới để tiếp tục tiến lên xa hơn nữa, thì đất nước ấy nhất định sẽ trì trệ, chậm tiến và nguy cơ tụt hậu so với các lân bang là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng câu châm ngôn này thật ra không chỉ dành cho những người lãnh đạo. Nếu nói theo quan điểm của Nho giáo thì nó có thể được áp dụng cho cả bốn phạm trù: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Có nghĩa là, không chỉ trong sự lãnh đạo đất nước hay tranh bá đồ vương trong thiên hạ, mà cả trong những phạm vi gần gũi hơn như phát triển cộng đồng thôn xóm, xây dựng gia đình, cho đến đối với sự tu dưỡng hoàn thiện bản thân mỗi người chúng ta, việc áp dụng câu châm ngôn trên đều là cần thiết.

Mỗi người chúng ta khi lần đầu tiên tiếp nhận được một lý tưởng cao cả hay chân lý cho cuộc đời mình, thường sẽ khởi sinh một nhiệt tình cháy bỏng, như muốn đốt cháy mọi giai đoạn để sớm đạt đến mục tiêu mong muốn. Tuy nhiên, trải qua một quãng thời gian nhất định nào đó, chúng ta thường sẽ dần dần nguội lạnh đi, nhiệt tình không còn như xưa nữa. Và nếu không sớm nhận ra được điều đó, tất nhiên là ta sẽ không có khả năng đạt được mục đích ban đầu đã đề ra.

Điều này hầu như có thể xem là một tâm lý chung cho tất cả mọi người. Nhưng tâm lý này lại là điều hoàn toàn có thể khắc phục được. Và liều thuốc đối trị của nó chính là câu châm ngôn vừa nói trên, nghĩa là phải luôn ghi nhớ: “ngày ngày đều phải luôn đổi mới, lại tiếp tục đổi mới nữa”.

Thiền tông gọi cái nhiệt tình ban đầu của các thiền sinh mới nhập đạo là sơ tâm. Các bậc thầy luôn thấu hiểu tâm lý nói trên, vì vậy họ thường lưu ý nhắc nhở học trò phải luôn gìn giữ sơ tâm. Hơn thế nữa, có nhiều vị thầy còn xem đây là điều kiện tối yếu để có thể tiếp tục đi tới trên con đường tu tập, bởi người tu như con thuyền ngược nước, như chiếc xe leo dốc, nếu không tiến ắt phải lùi, không thể có trạng thái dừng yên một chỗ được.

Chính vì vậy mà cách “gìn giữ sơ tâm” tốt nhất không phải là ôm mãi trong lòng tâm niệm giữ lấy nó, mà chính là phải biết “nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Một khi sự tu dưỡng của ta không có một ngày nào chấp nhận dừng lại, luôn nỗ lực tiến lên thì nguồn chất liệu nuôi dưỡng cái sơ tâm sẽ chẳng bao giờ cạn kiệt, nhờ đó mà ta chẳng bao giờ đánh mất sơ tâm, đánh mất nhiệt tình ban đầu.

Trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta cũng vậy. Mỗi một mục tiêu lớn khi vừa đặt ra đều khơi dậy trong ta nhiệt tình cháy bỏng, nhưng sau khi trải qua thời gian và những thử thách khó khăn trở ngại – vốn là điều tất nhiên không thể tránh khỏi – thì nhiệt tình ban đầu của ta dần nguội lạnh, suy yếu, cho đến lúc ta không còn duy trì được nữa và phải từ bỏ mục tiêu.

Tất nhiên, ở đây ta đang muốn nói đến những mục tiêu lớn lao dài hạn, có ý nghĩa trong suốt cuộc đời ta hoặc ít ra cũng là trong một quãng thời gian đáng kể, chứ không phải những mục tiêu vụn vặt kiểu như “ngày mai tôi sẽ đi hớt tóc” hay “tháng này tôi sẽ mua một cái đồng hồ mới”... Đối với những mục tiêu vụn vặt, ngắn hạn, vấn đề chỉ nằm ở chỗ ta có đủ sức làm hay không mà thôi, chứ yếu tố thời gian không chi phối đáng kể. Ngược lại, với những mục tiêu dài hạn thì thời gian sẽ là một thử thách cực kỳ quan trọng đối với ý chí kiên trì của chúng ta. Rất nhiều người trong chúng ta bỏ cuộc không phải vì không còn đủ khả năng theo đuổi, duy trì công việc, mà chỉ vì không còn giữ được sự nhiệt tình, hứng thú cần có, đã trở nên chán nản và mất hẳn mọi sự hứng khởi trong công việc.

“Nhật nhật tân, hựu nhật tân” là một bí quyết giúp ta luôn duy trì được nhiệt tình, ý chí trong sự theo đuổi những mục tiêu quan trọng. Khi liên tục nghĩ đến việc cách tân, đổi mới, chúng ta sẽ có những sáng tạo mới trong công việc và điều này tạo nguồn hứng khởi mới mẻ thường xuyên giúp ta không có sự chán nản. Chính sự tìm tòi đổi mới sẽ giúp ta luôn hứng thú đối với công việc đang làm, không rơi vào tâm trạng nhàm chán vì phải lặp lại những gì không còn sức cuốn hút đối với ta. Trong sáng tạo nghệ thuật, cái mới là điều kiện tất yếu để tồn tại. Nhưng trong tất cả những lãnh vực khác, cái mới vẫn luôn là yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng và duy trì sức sống.

Mỗi dịp xuân về bao giờ cũng là cơ hội tốt để chúng ta “hâm nóng” lại bầu nhiệt huyết thường là đã phần nào lắng xuống sau một năm dài nỗ lực. Những mục đích lâu dài mà ta đang theo đuổi thường sẽ có nhiều nguy cơ bị buông bỏ nếu như trong dịp đầu năm mà ta không còn nghĩ đến hoặc không thấy hứng thú nhắc lại chúng. Trừ trường hợp ta đã có những lý do chính đáng để thay đổi mục đích, đã chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp hơn, bằng không thì sự “lãnh đạm” trong dịp đầu năm mới bao giờ cũng là dấu hiệu đe dọa nguy hiểm đối với bất kỳ mục đích nào mà ta đang theo đuổi.

Mặt khác, nếu chúng ta vẫn chưa đủ may mắn để tìm ra một hướng đi cho suốt cuộc đời mình, thì những dịp bắt đầu năm mới thường là lúc để ta nghiêm túc đặt ra vấn đề này. Hướng đi đó có thể là một mục tiêu cao cả, một mẫu người lý tưởng, hay một sự nghiệp cụ thể mà ta muốn hoàn tất bằng tất cả tâm huyết của mình... Cuộc đời của mỗi chúng ta vốn là ngắn ngủi và thời gian trôi qua không bao giờ trở lại, nếu không sớm chọn cho mình một hướng đi thích hợp, chắc chắn sau này khi nghĩ lại ta sẽ phải vô cùng hối tiếc.

Và dù ta có chọn cho đời mình một mục tiêu, một lý tưởng như thế nào đi chăng nữa, thì điều tất yếu vẫn là phải luôn hoàn thiện bản thân để có đủ khả năng thực hiện tốt mục tiêu, lý tưởng đó. Như vậy, có thể nói rằng việc vươn lên hoàn thiện bản thân chính là mục tiêu chung nhất cho tất cả chúng ta. Và điều quan trọng tiếp theo là ta phải có đủ kiên trì để không bỏ dở nửa chừng. Do đó, câu châm ngôn “nhật nhật tân” vẫn luôn là điều rất đáng để ta suy ngẫm trong việc hoàn thiện bản thân mình.

Ta có thể hiểu một cách nôm na về điều này là: mỗi ngày đều phải mới mẻ hơn ngày trước đó, phải có sự thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn. Nếu không như vậy thì không thể gọi là “nhật nhật tân” được.

Như vậy, vấn đề không phải là ta cần đạt được ngay những thành tựu to lớn, đáng kể... mà điều quan trọng hơn chính là ở sự so sánh. Và ở đây chúng ta không so sánh với bất kỳ ai khác, mà là so sánh với chính bản thân mình vào thời điểm trước đó. Nếu nhận ra được sự tiến bộ, cho dù là nhỏ nhoi, ta vẫn có thể yên tâm là động cơ tiến bước của ta vẫn còn chưa suy giảm.

Bí quyết của sự thành công nằm ở chỗ ta không so sánh mình với thành tựu của người khác. Mỗi người đều có một năng lực, hoàn cảnh khác nhau. Nếu ta so sánh mình với người khác, tất yếu sẽ xảy ra hai trường hợp. Khi thấy mình vượt hơn người khác, ta sẽ sinh lòng tự mãn và giải đãi, không còn ra sức nỗ lực nữa. Ngược lại, nếu thấy mình kém xa người khác, ta sẽ sinh ra chán nản, thất vọng và đôi khi còn có thể tự ti, mặc cảm. Tất cả những điều đó đều không tốt cho sự theo đuổi mục tiêu lâu dài của ta. (Chúng ta đã bỏ qua trường hợp sự so sánh cho kết quả bằng nhau, vì điều này hầu như không thể xảy ra dưới nhận thức chủ quan của chính ta.)

Mặt khác, việc so sánh với người khác là một điều không hợp lý. Khi khả năng của người mà ta so sánh là vượt xa bản thân ta, thì cho dù ta thua kém người ấy, điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa là ta đáng chê trách. Còn nếu ta so sánh với người quá kém hơn ta, thì sự so sánh ấy chẳng mang lại chút ý nghĩa gì cả!

Vì thế, việc so sánh với chính bản thân ta là điều đúng đắn và hợp lý nhất, vì ta sẽ không có bất cứ lý do gì để biện hộ cho sự thối lui hay trì trệ của mình, nếu điều đó xảy ra. Yêu cầu tiến bộ trong sự tự so sánh này là hoàn toàn khả thi, vì nếu ta thực sự có nỗ lực thì chắc chắn ta phải có tiến bộ, dù là một sự tiến bộ nhỏ cũng vẫn có thể xem là một biểu hiện tốt.

Nói ngắn gọn lại, nếu mỗi một ngày qua mà ta tự nhìn lại thấy mình có chút tiến bộ hơn ngày hôm trước, thì đó có thể xem là một ngày tốt đẹp của ta. Và nếu muốn ngày mai trở thành một ngày tốt đẹp thì cách đúng đắn nhất là ta phải nỗ lực để đạt được những tiến bộ nhất định trong ngày.

Tiến bộ hơn so với chính mình, hay vượt lên chính mình là một điều hoàn toàn khả thi nhưng không thực sự dễ dàng. Vì trong mỗi chúng ta luôn có sự trì trệ, níu kéo của vô số thói quen, tập quán cũ. Một khi ta đã quyết định “nhật nhật tân” thì tất yếu sẽ có những thói quen không thích hợp cần từ bỏ, và điều đó thường là một tiến trình khó khăn. Khi bạn quyết định dậy sớm mỗi ngày để tập thể dục, rèn luyện thân thể thì tất yếu là thói quen dậy muộn từ trước đây phải được từ bỏ. Khi bạn quyết định giảm cân để có một sức khỏe tốt hơn thì tất yếu là phải từ bỏ thói quen ăn ngọt, ăn quà vặt...

Mỗi một thói quen không tốt dù nhỏ nhặt cũng đều là những trở ngại mà ta phải vượt qua trên con đường vươn lên hoàn thiện bản thân. Và điều đó bao giờ cũng là một công trình đòi hỏi sự nỗ lực kiên trì trải qua nhiều năm tháng.

Khi ta kiên trì dấn bước trên con đường hoàn thiện bản thân thì mỗi một ngày trôi qua đều là một ngày tốt đẹp, một ngày thành tựu. Một cuộc sống như vậy có thể là “vất vả” trong nhận thức của nhiều người, nhưng sự thật thì đó chính là con đường đưa ta đến với niềm hạnh phúc dài lâu và chân thật. Ngược lại, sự buông thả trong đời sống thoạt nhìn qua có vẻ như giúp ta không phải mệt nhọc hay nỗ lực gì nhiều, nhưng sự thật là sẽ dần dần nhấn chìm ta vào khổ đau tăm tối.

Nói cách khác, mọi sự thành công, cả về tinh thần lẫn vật chất, không bao giờ có thể là món quà tự nhiên từ trên trời rơi xuống với ta, mà tất cả đều là kết quả của những nỗ lực kiên trì đúng hướng. Ngay cả khi ta chưa đạt được những thành tựu cụ thể về mặt vật chất để người khác có thể nhìn thấy được, thì chính bản thân ta chắc chắn cũng đã đạt được những thành tựu nhất định về mặt tinh thần, rèn luyện phẩm chất tốt đẹp hơn qua những nỗ lực vươn lên, như lời Nguyễn Thái Học từng nói trước đây: “Không thành công cũng thành nhân.”

Tuy nhiên, có một số người không cho rằng thành công chỉ đến từ những nỗ lực tự thân mà lại đi tin vào những nguyên nhân “huyền bí” khác. Một trong những niềm tin sai lệch phổ biến nhất là tin vào việc chọn “ngày tốt” để khởi đầu một công việc hay để thực hiện một điều quan trọng nào đó...

Mà thế nào là ngày tốt? Như đã nói trên, ngày nào mà ta còn duy trì được sự nỗ lực tự thân thì đó đều là ngày tốt. Vì ngày đó chắc chắn sẽ mang lại cho ta ít nhiều kết quả tích cực trong sự tu dưỡng tự thân hay hướng đến mục tiêu của đời mình, và như vậy có nghĩa là ta đã không để thời gian trôi qua hoang phí, đã không bỏ lỡ cơ hội quý giá được sống trên đời như một con người!

Nhưng với một số người mang niềm tin sai lệch thì những “ngày tốt” lại được xác định bởi sự “tính toán” của các “thầy”, nghĩa là ta không thể tự biết mà phải nhờ đến họ. Nói một cách nôm na là phải đi “coi ngày” thì mới biết được ngày nào là tốt. Hơn thế nữa, đã “coi ngày” rồi thì cũng phải “coi” luôn cả “giờ tốt” mới có hy vọng... thành công.

Còn các “thầy” thì đã “coi” ngày tốt và giờ tốt như thế nào? Thật ra cũng chẳng có gì phức tạp, chỉ là một số lý thuyết khuôn mẫu định sẵn được ghi chép trong những sách gọi là “lịch số”, rồi từ đó các “thầy” bịa ra thêm cho phù hợp với yêu cầu của mỗi “tín chủ”. Một số “thầy” có “tầm vóc” nhỏ, chỉ “hoạt động” ở các địa bàn dân quê hoặc xóm người lao động thì thật ra cũng chưa từng đọc qua hết các sách này, chỉ biết võ vẽ dăm ba điều vừa đủ để “lòe” tín chủ mà thôi.

Thế nhưng cũng có không ít người cả tin, xem như đây là một kiểu “khoa học huyền bí” nên cũng muốn tận dụng nó để sự thành công có thể đến với mình... dễ dàng hơn!

Việc chọn ngày giờ tốt xấu không dựa trên một căn cứ lập luận hợp lý nào, chỉ là một kiểu niềm tin mơ hồ, không xác thực. Theo luật nhân quả, mọi sự việc đều có nguyên nhân cụ thể của nó, nhưng trong số các nguyên nhân, không hề có nguyên nhân chọn sai hay chọn đúng ngày giờ. Vì thế, đức Phật đã nghiêm cấm các vị tỳ-kheo không được can dự vào những hoạt động si mê tà kiến này. Ngài dạy: “Tỳ-kheo các ông! Sau khi ta nhập diệt, ... ...không được làm việc buôn bán đổi chác; mua giữ ruộng đất, nhà cửa, ...xem tướng lành dữ; nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư. Những việc xem ngày giờ tốt xấu đều chẳng nên làm.”

Chỉ cần có sự phán xét khách quan, chúng ta sẽ thấy ngay việc tin vào yếu tố ngày giờ tốt xấu là hoàn toàn vô căn cứ. Nếu như chỉ cần chọn được ngày tốt, giờ tốt sẽ dẫn đến thành công, thì chúng ta ai nấy cần gì phải nhọc công vất vả trong việc học hành cũng như trau giồi kiến thức, kinh nghiệm? Nếu như một ngày giờ nào đó thực sự là “tốt” cho công việc, thì tất cả những ai thực hiện công việc vào ngày giờ đó cũng đều thành công cả hay sao? Và cuối cùng, đâu là mối quan hệ giữa công việc ta làm với ngày giờ thực hiện công việc đó? Khi tôi khởi công xây một ngôi nhà chẳng hạn, nếu như có đủ vật liệu, nhân công thì trải qua một thời gian thi công, nhất định sẽ hoàn tất. Việc khởi công vào ngày nào làm sao có thể ảnh hưởng đến công việc?

Tất nhiên, ở đây cần bàn thêm đến một số yếu tố tương quan mà trong đạo Phật gọi là các duyên. Ví dụ, trong thời gian xây nhà nếu có mưa nhiều, tất yếu sẽ làm công việc chậm lại. Có mưa hay không mưa là những duyên thuận nghịch khác nhau. Ngoài ra, có thể phát sinh rất nhiều yếu tố khác tác động đến công việc, thậm chí đôi khi có thể gây trở ngại rất lớn. Chẳng hạn, sau khi khởi công làm nhà một thời gian ngắn thì trong nhà có người bệnh nặng phải dành tiền chạy chữa, không còn tiền để tiếp tục xây nhà...

Chính vì việc có thể có xảy ra những điều trái nghịch cản trở công việc, nên người ta mới đặt hy vọng là nếu chọn đúng ngày giờ tốt thì sẽ không gặp các điều kiện này. Tuy nhiên, đó chỉ là một niềm tin hão huyền, vì ngay cả các duyên như vừa nói cũng không phải tự nhiên xảy ra, mà đều có nguyên nhân của chúng. Việc chọn ngày giờ không thể là yếu tố làm thay đổi các duyên ấy được.

Điều đáng buồn nhất hiện nay là có một số các thầy vừa giảng dạy giáo lý nhân quả, lại vừa thực hiện việc xem ngày giờ tốt xấu cho “tín chủ”. Hai việc này chẳng phải là hoàn toàn mâu thuẫn, trái nghịch với nhau đó sao? Nếu người Phật tử có thể suy xét hiểu rõ được như vậy thì những niềm tin sai lệch kia mới có thể sớm được loại trừ.

Cho dù đang theo đuổi bất cứ mục tiêu hay công việc nào, niềm mong ước đạt đến thành công là hoàn toàn chính đáng và là động lực để chúng ta dấn thân nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, nếu thực sự mong muốn thành công thì cách duy nhất là chúng ta phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình chứ không thể dựa vào những niềm tin huyễn hoặc, sai lệch. Chính sự nỗ lực của ta sẽ làm cho mỗi một ngày giờ trôi qua đều là những ngày tốt, giờ tốt, với những thành tựu nhất định.

Và với nhận thức đúng đắn này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng chắc chắn là ta có thể nỗ lực để cho trọn một năm mới sắp đến đều sẽ là những ngày tốt đẹp cho công việc, cho sự nghiệp mà ta đang theo đuổi. Chỉ cần ta luôn ghi nhớ không quên điều này: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân.”



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]