Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3b

25/04/201313:27(Xem: 3390)
Phần 3b

Thiền,Ánh Bình Minh

PHƯƠNG TÂY

Nguyên Tác: Roshi Philip Kapleau
Việt dịch : Huỳnh Công Hoàng
Sàigòn 1999

---o0o---

PHẦN BA

TỤNG NIỆM

II LÁ THƯ VÀ LỜI ĐÁP

"THIỀN LÀM TÔI MẤT KHÍ THẾ"

Lão sư thân mến, lá thư này là kết quả của nhiều tháng lo âu về vấn đề mà tôi cho là tự nó sẽ biến mất đi hay tôi có thể giải quyết nó bằng một cách nào đó. Nhưng dường như không có gì xảy ra, vì vậy tôi viết thư này với hi vọng là thầy có thể giúp tôi hiểu rõ về vấn đề này.

Vấn đề căn bản của tôi là khiá cạnh " tôn giáo" của Thiền làm tôi mất khí thế. Tôi không hiểu rõ về Phật, Bồ tát, thiên đàng và địa ngục theo vũ trụ quan của Phật giáo, sáu cõi và các khái niệm hoa mỹ của kinh điển có liên quan gì đến công việc đơn giản trong sáng tìm ra ta là ai.

Thiền thu hút tôi từ đầu vì nó quá giản đơn , trực tiếp, cắt qua những trừu tượng và ảo tưởng để có một cái nhìn rõ về chân lý. Không nhảm nhí, chỉ toạ thiền. Nhưng từ khi tôi đến Trung tâm, ở đó ngày càng nhiều nghi lễ và tụng niệm mà tôi hoàn toàn không thể quen được.

Toàn bộ thời gian tôi đều tham gia việc cúng kính hay tụng niệm nên khó tiếp tục toạ thiền. Tôi cảm thấy dường như mình đang ở trong một cuốn phim nói về một khuynh hướng tôn giáo xa lạ nào đó. Tôi cho rằng nhiều người khác cũng có một tưởng chung như vậy, và điều đó tạo cho tôi cái loại cảm giác ngượng ngập gò bó đối với những cuộc lễ.

Có lẽ những vấn đề của tôi bắt nguồn từ đức tin hồi bé vào Thiên chúa giáo chính thống. Suốt nhiều năm về trước tôi là một con chiên ngoan đạo và có đức tin đa cảm trước khi những nghi ngờ của tuổi thanh niên phơi bày sự đạo đức giả và trống rỗng thô thiển của giáo hội chúng tôi. Tôi phải thừa nhận là đôi khi Bát nhã tâm kinh làm tôi xúc động đến phát khóc và điều này làm tôi giận vì tình cảm của tôi phản lại tôi trước đây. Cúi lạy trước Phật trong thiền đường cũng làm tôi bối rối. Điều này chỉ có ý nghĩa với tôi khi cúi lạy thầy, người mà tôi cảm thất biết ơn và kính trọng sâu sắc. Vái chào các đồng đạo của mình sau mỗi buổi toạ thiền cũng là một điều hay. Nhưng tôi không cảm thấy có mối quan hệ gần gũi trực tiếp với những bức tượng mạ vàng trên bàn thờ, nó không như cái cảm giác của tôi đối với thầy và tăng chúng. Điã bánh trái để trước tượng Phật làm tôi muốn bật cười. Ai hưởng nó? Nếu tất cả chúng ta là Phật, tại sao không chuyền nó khắp thiền đường? Nếu mọi thứ là Phật, tại sao không chỉ vái chào nhau hay vái chào một bông hoa, thay vì vái chào một tượng (đất) nào đó. Điều này chắc chắn phát sinh tình cảm sùng bái hình tượng?

Mong thầy không cho rằng những tình cảm này là hời hợt và ngắn ngủi. Chúng thấm sâu vào tôi và dường như tạo ra vấn đề chính đối với tôi trong lúc tập thiền ở Trung tâm. Có lần, một người bạn tôi nhận xét về sức thu hút của Thiền Phật giáo là," Ta có thể chấp nhận thiền nhưng không theo Phật giáo." Ở đây, tại Trung tâm ít nhất nó không như vậy. Tại sao" Thiền tôn giáo " là điều cần thiết? Làm cách nào tôi có thể thôi nhìn nó như một sự gây xao lãng và phiền toái và sử dụng nó để phát hiện ra tôi là ai?

Thân mến

Carol.

THƯ TRẢ LỜI.

Carol thân mế⮬ lá thư thành thật và thẳng thắn của cô đã khiến tôi ngồi thẳng lưng để suy nghĩ về những điều nằm phía sau khía cạnh tụng niệm của Thiền, và về những lý do mà trước đây tôi tự nguyện để làm những điều bây giờ trở thành tự nhiên như ăn khi đói, nghỉ khi mệt. Tình cảm cô diễn tả về" Thiền tôn giáo" cũng đã được tôi viết hai lăm năm về trước, vì vậy tôi thông cảm với cô

Trước khi tôi đến Nhật để tu Thiền, tôi đã đọc và nghiên cứu con đường triết lý đến với thiền của Tiến sĩ Suzuki và của những học giả khác. Tôi bị sốc và ngạc nhiên quá đổi, sau khi thật sự đặt chân vào một thiền viện, nhận ra mình bị bao quanh bởi những tượng Phật, Bồ tát, lọt thỏm vào những tụng niệm và các nghi lễ khác, tất cả gây cho tôi ấn tượng là nó kỳ lạ và không giống thiền. Giống như cô, tôi tự nhủ," Những nghi thức này có liên quan gì đến chân lý của con người tôi? Cần gì phải có những bông hoa, trái cây trên bàn thờ khi toạ thiền?

Tôi hãy còn nhớ rõ mồn một lần đầu tiên tôi đến trước thầy tôi ở buổi độc tham, cô biết đấy, có thói quen qùi lạy trước lão sư như dấu hiệu của sự kính trọng và khiêm cung. Nhưng thật là trái với ý muốn tự nhiên của tôi và vô cùng miễn cưỡng! Tại sao tôi phải cúi lạy một người khác? Không phải chúng ta đều bình đẳng được phú cho Phật tánh hay sao? Tại sao ông ta không cuối lạy tôi? Dù sao đi nữa tất cả điều đó có liên quan gì đến Thiền?

Thầy tôi biết rõ những ý nghĩ đó trong tôi, không nói gì, nhìn cách tôi quì lạy khó khăn ở mỗi buổi độc tham với nụ cười thích thú. Rồi một hôm khi tôi lại vụn về hơn trong khi cố gắng để quì lạy bình thường, ông đột nhiên nói với tôi," Này Kapleau, khi anh quì lạy trong buổi độc tham, anh không quì lạy tôi mà đang quì lạy chính Phật tánh của anh."

"À! Vậy là tôi không lạy ông ta, tôi lạy chính tôi! Thật khác thường." Kể từ đó về sau việc lạy trở nên dễ dàng hơn, nhưng nhiều năm trôi qua--những năm tháng quỳ lạy trước Phật-- chướng ngại cuối cùng của tôi và Phật biến mất.

Không lâu sau khi được khai thị ở cuối buổi độc tham, tôi có gặp một vị sư thông tuệ, người mà tôi có thể đàm luận thoải mái những vấn đề mà tôi không thể nói với bổn sư của tôi. Tôi đưa chuyện này ra hỏi ông ta.

" Ý chỉ của việc cúng dường và lạy Phật là gì? Những thứ mà tôi đọc và nghiên cứu về Thiền không hề nói đến chuyện các thiền sư Trung hoa nào làm như vậy."

" Anh có biết thiền sư Huỳnh Bá (Huang Po) không?"

"Dĩ nhiên là có."

" MỖi khi cúng dường Phật xong, ngài đãnh lễ rất khẩn thiết, đầu đập xuống sàn, và nó tạo ra một dấu đỏ vĩnh viễn trên trán. Điều này không có trong những dịch bản tiếng Anh về Thiền, nhưng nếu anh đi tới bất cứ thiền viện nào và đưa ra mối nghi này về việc đãnh lễ thì sẽ được kể cho nghe câu chuyện này.

Carol thân mến, cô hỏi trong thiền, khía cạnh nào của tụng niệm có liên quan đến" công việc đơn giản trong sáng tìm ra ta là ai." Thật ra, trong cách lạy toàn tâm như vậy, Huỳnh Bá đang hùng hồn tuyên bố mình là ai, khẳng định thiết tánh (essential nature) của mình và Phật không hai. Ngay lúc quì lạy Đức Phật, ông cúng dường kết quả tọa thiền của mình với tấm lòng biết ơn vì sự từ bi của Đức Phật mà khiến cho việc tu tập có hiệu quả. Nếu ông chiêm ngưỡng tượng Phật như một bức tượng điêu khắc hợp thời, thẩm mỹ, sự qui phục đó mới có thể thật sự gọi là sùng bái thánh tượng, vì như thế, hẳn là ông chỉ tỏ lòng tôn kính một phần nhỏ --sắc tướng-- của cái tổng thể. Hơn nữa, lạy trong vô niệm nghĩa là thổi một luồng sinh khí vào cho tượng Phật. Cái mà trước đây chỉ là một ảnh tượng, bây giờ trở thành một thực thể sống động phi thường xoá đi trong ông cái nhận thức Ta và Phật lúc qùy lạy. Chừng nào chúng ta nhận ra rằng Chơn Phật là Tự Phật, thì người lạy và kẻ được lạy không phải là hai, hành động này không phải là hành động sùng bái thánh tượng.

Sự tụng niệm của Huỳnh Bá được thực hiện với nhận thức sâu do ngộ mà có. Lễ lạy một cách thành tâm là nguồn nuôi dưỡng tinh thần mà mọi người ngộ hay chưa ngộ có thể khai thác. Khi việc tu tập của cô trở nên thuần tục, cảm giác kính trọng, biết ơn, và khiêm cung với Phật, giáo lý của ngài, và những ai thực hành giáo lý đó, sẽ trở nên mạnh hơn và tìm cách diễn đạt tự nhiên. Chính niềm mong muốn và nhu cầu này đã làm" cánh buồm của ngã nằm ngang" trong hành động vô ngã khi lễ lạy.

Vậy, hoa là Phật, cô Carol ơi, nhưng có bao giờ cô thử thường xuyên cúi lạy một chậu hoa không? Chẳng bao lâu hành động ấy thoái hóa và biế tướng để chỉ trở thành một bài tập thể dục thẩm mỹ, và nghịch lý thay, có ảnh hưởng làm ta quan tâm đến cái ngã nhiều hơn thay vì ít đi. Hơn nữa, cúi lạy một cách vô ngã trước tượng Phật giúp ta hướng tới sự hiểu biết trực tiếp và cảm kích cái tâm cao quí của chư Phật. Điều này tạo nên thiện duyên với chư Phật, một mối dây ràng buộc với Phật-nghiệp thúc đẩy ta tinh tấn tu tập.

Sự bối rối và khó chịu của cô về việc làm thức ăn cúng dường trên bàn thờ cũng là ý nghĩa chung của những người mới bước chân vào cửa thiền, đặc biệt là những người có tâm ưa biện luận văn chương. Nhưng không phải vấn đề đã nằm sẵn trong ý tưởng đó hay sao? Có gì cho là không tự nhiên khi chúng ta diễn tả lòng biết ơn? Biểu lộ lòng biết ơn không chỉ bằng ý nghĩ hay lời nói mà có thể với những gì cụ thể như hương, đăng, hoa, quả. Diễn tả những tình cảm cụ thể như vậy--tất cả đều có ý nghĩa. Những nghi thức, lễ lạc có nội dung thâm thuý đàng sau nó, cho phép ta duyên dáng bày tỏ những tình cảm như vậy; làm khác đi chúng ta sẽ thất bại.

Cô hỏi," Ai ăn những thức cúng?" làm tôi nhớ đến một câu chuyện có liên quan. Một người Hoa và một người Cáp-ca, cả hai, đồng đến viếng mộ người thân nằm kế nhau trong nghĩa trang. Khi người Cáp-ca đặt bó hoa lên nắm mộ nơi anh ta đứng, anh ta nhìn sang bên người Hoa đang cúng kế bên, không phải hoa mà là cơm và bánh. Người Cáp-ca quay sang với nụ cười châm chọc hỏi," Khi nào người thân của ông lên ăn những thứ đó?" người Hoa đáp lể," Khi nào người thân của ông lên ngửi hoa kia?"

Hãy nhận ra tầm quan trọng của chính tượng Phật; nó không chỉ là biểu tượng bằng gỗ hay kim loại. Tất cả tượng Phật nguyên thủy là sự biểu lộ chân tánh sống động của chúng ta, tỏa ra sự cân đối và thư thái, nhạy cảm và từ bi, dũng mãnh và nhất quán sẵn có trong mỗi chúng ta. Trong tác phẩm "Nhật ký du hành của một triết gia" Bá tước Keyserling nhận xét," Tôi không biế񴠴rong cỏi đời này có gì lớn hơn tượng phật; nó là hiện thân hoàn hảo tuyệt đối, với tính tôn giáo thiêng liêng trong lĩnh vực hữu hình."

Tượng Phật nguyên thủy là tác phẩm của cầu nguyện và thiền định. Nhiệm vụ của người tạo tượng là thể hiện những đường nét tiêu biểu của người khổng lồ trong vóc dáng của những người bình thường. Để thành công trong việc tạo ra một tác phẩm như vậy, nhà điêu khắc phải bám chặc vào đời sống tôn giáo, ít nhất là trong thời gian làm tượng. Chỉ có thông qua tham thiền sâu, ông ta mới có được cái tâm thanh tịnh sáng suốt mà công việc đòi hỏi. Tượng được tạo bởi một con người như vậy chắc chắn sẽ hấp thu những rung động hiếm có của ông ta và sau đó sẽ truyền lại những rung động đó cho những ai có tấm lòng kính tín trước tượng.

Chất lượng của tượng Phật về căn bản không phải là vấn đề thẩm mỹ mà là sự tôn nghiêm. Những tượng nguyên thủy chẳng may lọt vào bàn tay cẩu thả của người mua bán tranh tượng, sẽ bị mất đi thần lực của nó. Cũng không tốt hơn bao nhiêu khi được lưu trữ ở viện bảo tàng, dù có sự chăm sóc cẩn thận, vì nó không được sùng bái về mặt tâm linh. Nhưng khi tượng " đã sống" một thời gian trong tu viện, đền, chùa hay trung tâm Phật giáo, được nuôi dưỡng bởi Thiền vị thì nó có một sự tỉnh lặng sâu và hào quang sáng chói, đó là chưa kể đến giá trị mỹ học của nó. Được phú cho năng lực to lớn gợi hứng cho những ai tiếp nhận nó, tượng sẽ trực tiếp nói với họ một cách uy lực. Có lẽ nó không là một bảo vật nghệ thuật nhưng nếu nó được trân trọng gìn giữ và thánh hóa như một biểu tượng tôn giáo, thì gía trị của nó không thể đo lường được.

Ngoài tượng Phật ra còn có tượng của các Bồ tát và các phẩm vật cúng dường, tất cả biểu lộ một cách sinh động và rõ ràng giáo lý căn bản của Đức Phật. Không, vô thường, nhất quán, từ bi--những phẩm chất này có tất cả ở đó.

Theo chân đế thì các tượng Phật quá ư là xằng bậy, vì nó ngụ ý miêu tả cái vượt lên trên tất cả các sắc tướng. Thế còn tất cả tranh in, tranh vẻ, tranh tường, tranh khắc về Phật thì sao? Thiền sư Bạch ẩn nói," Trong thực tế, chư Phật và Bồ tát không có sắc tướng, nên con người với tâm duy vật không thể nhận biết được. Các ngài được hình tượng hoá là vì nhu cầu của chúng sinh. Để nhận dạng chư Phật con người chúng ta cần phải làm như thế thông qua sắc tướng, hình dạng cụ thể. Không có những biểu tượng như vậy, tâm Phật của ta, đối với nhiều người, sẽ là một cái gì đó xa xôi, lạnh lẽo, trừu tượng--hoàn toàn không thể nắm bắt được.

Ước gì hôm lễ Tạ ơn vừa rồi cô có thể đến dự ở Tự Dạ ( Temple Night), Carol ạ. Cũng như mọi năm, đây là một dịp để vân tập tất cả thánh tượng về Phật đường để cho đại chúng chiêm bái như họ muốn trong một khung cảnh không nghi thức. Thật là một dịp quần tụ! Trên bàn thờ chính là Đấng toàn năng, Đại Nhật Như Lai.Như một ngọn hải đăng đang toả sáng đẩy lùi bóng tối vô minh, tượng của ngài ngồi điềm tỉnh nhưng toả ra một sự rung động diệu kỳ, mắt nhìn xuống với tia nhìn rực rỡ như vượt lên trên niềm hỷ lạc, lên trên cái-biết và cái-không-biết. Cách đó không xa là tượng Bồ Đề Đạt Ma sừng sửng như núi, đôi mắt mở to nhìn trừng trừng một cách đáng sợ, tia mắt biểu lộ một sự cương quyết. Hẳn ngài cũng ngửi thấy mùi nhang thơm đang cháy. Và dĩ nhiên có tượng của vị cổ Phật Quán Thế Âm trong dáng điệu dịu dàng, từ bi đang dang tay ra với đại chúng đang cúi lạy dâng cúng hoa quả trước ngài.

Bầu không khí tịch tịnh đầy sinh lực lan toả khắp Phật đường và dường như ánh sáng. Thứ ánh sáng này hoà với lời tụng niệm du dương trầm lắng tạo ra một nhất thể ánh sáng-âm thanh-con người. Rồi đột nhiên bốn lời thệ nguyện vang lên như thúc dục, nghiêm trang, âm thanh dường như phát ra từ những bức tường và trần nhà: Chúng sinh vô biên thề nguyện độ …" chầm chậm tập trung sức lực và xung lực. Tiếp theo là Tâm kinh với phần kết thúc thúc "Yết đế, yết đế…" rồi đồng loạt, như được dẫn dắt bởi một lực vô hình, đại chúng nhất tề đứng dậy và đi nhiễu quanh, ngoằn ngoèo từ góc này đến góc kia của Phật đường giống như những đốt xương của một cột sống duy nhất. "OM MUNI-MUNI- MAHA-MUNI-SHAKYA-MUNI-SVAHA! OM MUNI MUNI…" lập đi lập lại--lời tụng dường như phát ra từ mặt đất--cái âm thanh vô thanh thay vì làm vỡ tan sự tỉnh lặng lại tăng cường thêm cho nó" OM MUNI-MUNI…" Nó thống nhất những người tụng trong một làn sóng nhận thức vượt lên trên niệm-xúc. Âm thanh thần chú trau chuốt tâm, mài nhọn tâm và làm nó trở về với chính nó. Về sau, có người kể lại rằng ông ta vô cùng xúc động bởi âm thanh này, và lần đầu tiên ông nhận ra sức mạnh của tụng niệm, nó khiển con người vượt qua tất cả niệm tưởng để đi vào cảnh giới vô niệm. Những người khác thuật lại tương tự như vậy.

Cô Carol thân mến, còn có rất nhiều điều kể về chư Phật, Bồ tát, sáu cõi, kinh điển, nhưng như vầy có lẽ đã đủ. Tôi đã viết qúa dài vì cô là hội viên thường trực đáng quí.

Thân ái

P.K

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]