Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

25/04/201313:05(Xem: 3118)
Phần 2

Sống Thiền

(THE METHOD OF ZEN)

Tác giả:E. HERRIGEL

Dịch giả:TRÍ HẢI

---o0o---

Phần 2

Luyện hơi thở

Sự giáo huấn mà ta có thể gọi là “tâm linh” - với sự dè dặt - liên quan đến những luyện tập về hơi thở trong thế ngồi kiết già (hoa sen). Một người Nhật dễ dàng học cách ngồi này, vì từ nhỏ y ngồi xếp bằng trên nền, trên một thảm lót, và chỉ biết ngồi ghế bành hay ghế dài khi y bắt đầu đi học. Ðối với một người Âu, thế ngồi này ban đầu rất khó nhọc và vì thế rất rầy rà, bởi sự chú ý của y không được xao lãng. Trước tiên, y sẽ phải đành chịu ngồi bán già, hay ngồi trên một chiếc ghế. Nhưng những người nào có thể ngồi kiết già không cần gắng sẽ đồng ý rằng thế ngồi này gây một cảm giác của sự biệt lập tuyệt đối. Thế ngồi phải tiện nghi, điều ấy vô cùng quan trọng, bởi vì thở là cốt để có được sự nghỉ ngơi hoàn toàn của thân xác. Ðiều này được thực hiện bằng hành vi tập trung vào chính hơi thở. Bạn thở vào và ra với nhịp điệu tự nhiên, nhưng mỗi hơi thở được thở với ý thức, ban đầu người ta còn đếm nó. Nhấn mạnh vào hơi thở ra, như thể nó có một hiệu lực trút bỏ. Càng làm được việc này một cách tốt đẹp bao nhiêu, bạn càng trở nên khỏi bị ảnh hưởng của những ấn tượng bên ngoài bấy nhiêu. Cuối cùng, chúng hoàn toàn không được bạn ghi nhận. Sự thoải mái đồng thời xảy đến. Rốt cuộc bạn chỉ còn là hơi thở - bạn bị thở. Hơi thở của bạn, khi bạn để mặc nó và không còn chú ý đến nó bằng ý thức - đã tự tìm thấy nhịp điệu của nó. Nó tự rút giảm thành một mức tối thiểu, chỉ vừa đủ. (Ở mức này có thể có sự nguy hại là ngủ gật, nhưng trong các tu viện điều này được đề phòng bằng cách quất người môn sinh một roi mạnh trên lưng với một chiếc gậy dài) .

Ðây cũng là trình độ khi mà, thế giới bên ngoài càng bị đóng lại một cách kiên cố, thế giới bên trong thức dậy. Sau khi loại bỏ những kích thích của ngoại giới, đây là nguồn kinh nghiệm mà vị Thầy phải ngăn lại. Bạn không được ngạc nhiên trước bất cứ gì xuất hiện, dù nó đáng hổ thẹn bao nhiêu. Phải chấp nhận nó một cách bình tĩnh, như thể bạn chỉ là một khán giả, không dính dấp gì, và như thể bạn đang quan sát một việc đang diễn biến mà bạn không phải chịu trách nhiệm về nó. Chỉ để cho nó tiếp tục, đến khi nó tự mệt mỏi, trong khi bạn lắng nghe một cách dửng dưng. Kết quả cuối cùng là sự lặng yên hoàn toàn tỏa ra mà bạn không nhận thấy.

Sự vắng lặng này hoàn toàn tiêu tan vừa khi chú ý của bạn được gọi tỉnh dậy và được hướng về một cái gì mới mẻ. Với sự triệu đòi này, một loạt luyện tập bắt đầu, trong đó sự tập trung được phối hợp với sự thiền quán. Những tập luyện này có nơi chốn là thiền đường hay một phòng đặc biệt, không quá sáng và phải mát mẻ, yên tĩnh, trong một bầu không khí của sự bình lặng sâu xa. Thỉnh thoảng những thời khóa thực tập này được ngắt khoảng bằng những giai đoạn dừng nghỉ ngắn, trong đó bạn đi bạch bộ quanh trong vườn, nhưng vẫn lắng mình trong vấn đề thiền quán.

Công án

Ðề mục thiền định là công án. Nó đòi hỏi một nỗ lực tinh thần tối thượng và không cho phép sự mơ màng lười biếng. Sau đây là một vài công án điển hình :

- Chỉ cho tôi bộ mặt của ông trước khi cha mẹ sinh ra ?

- Nếu ông gặp một người trên đường đã đạt chân lý, ông phải đi qua ông ta mà không nói, cũng không im lặng Ông sẽ gặp ông ta cách nào ?

- Sư Shusan cầm chiếc tích trượng đưa lên trước mắt đồ chúng tụ họp và bảo : “Nếu các ông gọi đây là một cái gậy thì ghê tởm, nếu không gọi nó là một cái gậy thì sai. Ông sẽ gọi nó là cái gì ?” .

- Hakuin đưa bàn tay lên không và bảo các môn đệ lắng nghe tiếng gió phát ra. Tiếng ấy như thế nào ?

Với sự trợ giúp của công án cuối cùng này, tôi sẽ cố sức trình bày quá trình nào thiền giả theo đuổi và chỉ rõ đâu là điểm cốt yếu của sự tập luyện.

Trong nhiều giờ, nhiều ngày và nhiều tuần, người môn sinh thiền định về công án của mình. Ðắm chìm trong sự tập trung sâu xa, y suy nghĩ cho ra vấn đề trong mọi chiều hướng có thể. Một điều đã rõ ràng : vì chỉ có hai bàn tay vỗ vào nhau mới có thể phát ra một âm thanh ; câu trả lời chỉ có thể là : “Không người nào, dù y có mong muốn bao nhiêu đi nữa, có thể nghe được tiếng vỗ của một bàn tay” . Nhưng giải đáp không thể quá giản dị như thế. Hay là sẽ thận trọng hơn chăng, nếu ta bảo : “Một bàn tay độc nhất không phát ra một âm thanh mà tai con người có thể nghe được” . Nhưng câu ấy cũng không đưa y tiến xa hơn bước nào. Hiển nhiên, vấn đề không phải là âm thanh và sự nghe, hai yếu tố này chỉ được ném vào để làm cho vấn đề thêm rắc rối. Vấn đề rõ ràng : Gì là ý nghĩa của một bàn tay phân biệt với hai bàn ? Không phải đây cũng hệt như sự phân biệt căn để giữa nhất và nhị nguyên ? Bàn tay chắc phải là một biểu tượng của nguyên lý : “Cái một không có cái thứ hai” . Giải đáp này người môn đệ thấy rất bảo đảm, vì đấy là một sự phân biệt đóng vai trò chủ chốt trong Phật giáo và được bàn đến rất thường.

Khi đã tìm ra một giải đáp tuyệt diệu như thế, người môn đệ vội vã đi đến vị Thầy. Y được quyền hỏi ông mỗi ngày một câu. Y trình bày giải đáp của y với sự hãnh diện và hăng hái. Vị Thầy nghe y nói hết, lắc đầu và không nói một lời nào, xua người môn sinh hoang mang trở về thiền đường. Nhưng đôi khi có thể là ông không để người môn đệ thốt ra lời nào và đuổi y đi khi y vừa mở cánh cửa. Người môn sinh bị ném trở lại với chính mình, bắt đầu tập trung lại. Y muốn sẽ thành xuất chúng cho coi, sẽ làm cho Thầy phải kinh ngạc. Thiền định một cách kiên trì, y cố ép ra một giải đáp. Nhưng dù y có xoay chuyển, uốn vặn nó cách mấy, y cũng không thể đi đến kết luận nào khác hơn. Vậy thì tại sao Thầy đã xua đuổi y ? Có lẽ chỉ vì y diễn tả vụng về ý nghĩ của mình chăng ? Y suy nghĩ lại công thức trong đầu. Một lần nữa y đi đến vị Thầy, nhưng ông đuổi y lần nữa, và lần này với sự chê bai rõ rệt. Nhưng người môn đệ cũng vẫn chưa thấy được y đã sai lầm chỗ nào. Bấy giờ y rơi vào một trạng huống hoang mang. Nếu y còn quá xa với giải đáp như thế, có bao giờ y sẽ đạt được mục đích không ? Y cố bình tĩnh lại. Ðây là một vấn đề sống chết ! Với nghị lực say mê, y lao mình vào vấn đề, không phải với trí năng phân biệt, mà với những năng lực phối hợp của thể xác, linh hồn và tâm linh, đến nỗi vấn đề không bao giờ để yên y. quấy rầy y trong lúc giải trí, trong giờ ăn, trong công việc của y hàng ngày. theo đuổi y cả trong giấc ngủ. Bây giờ y không còn cần phải tự buộc mình suy nghĩ vềnoù. Ngay cả khi y muốn giải tỏa trí óc chốc lát, cũng cứ tiếp tục suy nghĩ ở trong y. Hoàn toàn vô hiệu, giải pháp cứ vẫn không chịu đến. Y hoài nghi khả năng của y, bắt đầu thất vọng, và không biết xoay xở chiều nào. Y chỉ được cứu thoát khỏi sự tuyệt vọng cùng độ khi vị Thầy khuyên y phải tăng cường định lực cho đến lúc y không còn bị quấy động vì những ý tưởng buồn thảm. Y phải tập chờ đợi một cách kiên nhẫn và đầy tin tưởng, đến khi giải đáp chín mùi và tự nó đến, không bị ép uổng.

Bởi thế, bây giờ y khởi sự lại với vấn đề theo một đường lối khác. Bây giờ không cần phân tích và nặn óc suy nghĩ nữa. Y đã làm việc ấy khá đủ rồi. Y không còn suy tư trong một vòng lẩn quẩn, về cái này cái nọ, về một bàn tay hay hai bàn tay, về nguyên tắc này khác và những thứ tương tự ; y cũng không nghĩ ngay cả đến giải đáp để cố lôi ra. Tuy thế, y mãi mãi liên hệ với trong một sự căng thẳng tâm linh phi thường. Y khát khao như một người khát thèm một thức uống giải khát. Nhưng y xử sự như thể một người đang cố nhớ lại một điều gì. Y cảm thấy như một người đang tìm một vật gì họ đã quên, một điều gì họ phải nhớ lại với bất cứ giá nào, bởi vì tất cả vận mạng của họ tùy thuộc vào đấy.

Trong trạng huống căng thẳng cùng độ ấy của tâm linh, sự việc có thể xảy đến là giải đáp sẽ đột ngột đến với y, vào một lúc hoàn toàn bất ngờ. Hoặc là một tiếng hét, một tiếng động lớn, hay trong những trường hợp quá dằng dai - cách này thường được xử dụng thời xưa - một vố đánh rất đau sẽ đưa sự căng thẳng ấy đến độ nổ bùng. Lúc ấy mới thật cảm kích làm sao ! Người môn sinh run lên, toát mồ hôi, nhưng cũng thật tràn trề hoan lạc : điều y đang tìm kiếm vô vọng bấy nay, bây giờ đến với y trong một chớp nhoáng. Bây giờ y thấy rõ rệt chỗ mà trước đấy mọi sự rối như mớ bòng bong, bây giờ y có thể thấy cụm rừng, mặc dù muôn cây ngàn cối. Vảy cá đã rơi khỏi mắt y. Y cảm thấy được cứu thoát. Khoảng thời gian này rất ngắn ngủi, như một làn chớp, nhưng nó có ấn tượng vô cùng sâu xa. Thảo nào y không thể nắm bắt nó.

Satori (Ngộ)

Trong trạng thái tâm thức đó, y đi đến Thầy, không còn kiêu hãnh và hăng hái, nhưng luống cuống và do dự. Y giữ im lặng, vì biết rằng không thể nói ra cái mà đối với chính y đã vô cùng rõ rệt. Hoặc y sẽ lắp bắp một câu gì không mạch lạc, miễn cưỡng đưa nó ra như một giải đáp.

Vị Thầy nhìn thoáng y một lượt. Có lẽ ông đã biết, khi người môn sinh vừa mở cửa, rằng noù đây rồi :Satori, sự ngộ nhập. Ông trấn an y và giúp y thêm sức mạnh.

Cái gì đã xảy đến ? Người môn đệ đã không tìm ra một lối giải thích nào mới, một ý tưởng nào mới. Ðúng hơn, trong một làn chớp ngộ nhập, y đã gặp được giải đáp như thể một con mắt tâm linh mới mẻ vừa được khai mở trong đầu y. Những gì y thấy không khác gì với trước kia, mà chỉ có y nhìn thấy chúng một cách khác trước. Nhãn giới của y - cũng như chính bản thân y, có lẽ - đã thay đổi.

Bởi thế, không có con đường trực tiếp nào dẫn từ cách thấy và hiểu thường tình đến tri kiến phát sinh bởi satori này. Nó giống như sự nhảy vào trong một chiều không gian mới. Do đó mà tri kiến này không thể so sánh với bất cứ gì, và nói đúng ra, không thể diễn tả.

Nhưng không có hy vọng nào ngay cả trong việc ám chỉ đến những đặc tính của nó sao ? Nếu thế thì sẽ không có gì cả ngoài ra một khoảng chân không, và mọi sự theo liền một cách hợp lý từ tri kiến này sẽ thành khó hiểu hơn bao giờ hết. Vì những giai đoạn cao về sau của Thiền có gốc rễ trong trực giác căn bản này, trong sự nhận chân đầu tiên này. Và bởi thế, đối với những người không thể tự mình đi con đường Thiền và chỉ biết về nó qua lời người nói lại, người ta phải cố gắng mô tả tri kiến ấy một cách nào đó, dù không được hoàn toàn. Nhưng, ngón tay chỉ mặt trăng không phải là chính mặt trăng, như những Thiền sư đã nhận xét, rất đúng.

Suzuki ý thức rất nhiều đến nhu yếu phải làm việc này. Ông gọi là :

“Một tuệ giác chiếu rọi vào chính bản thể của sự vật”(An Introduction to Zen Buddhism, London, (1948) – trang 47).

“Satori là một thứ tri giác nội tâm - không phải, thật vậy, tri giác về một cá vật riêng rẻ, mà có thể nói là tri giác về chính Thực Tại ! (trang 93)

“Tri giác thuộc tầng cao nhất” (trang 109)

“Nếu ta muốn đạt đến chính chân lý của sự vật, ta phải nhìn chúng từ chỗ thế giới này chưa từng được tạo lập, chỗ mà ý thức về bỉ thử chưa khởi lên” (trang 52) .

Những nhận xét này dĩ nhiên là đúng, nhưng chúng cũng bí ẩn như chính satori. Mối nguy là chúng có thể kích động tưởng tượng và khả năng suy tưởng của độc giả, khiến họ sẽ tạo thành một hình ảnh trong tâm, mà bất kể nó ra sao, cũng sẽ luôn luôn sai lạc. Bởi thế, tôi sẽ cố thử một phương pháp khác, với hy vọng đem lại vài ám thị giải thích.

Ðặc tính đầu tiên, theo tôi, của lối nhìn mới mẻ là : tất cả mọi sự vật đều quan trọng ngang nhau trong sự xuất hiện của chúng, từ cái tầm thường nhất đến vật ý nghĩa nhất theo tiêu chuẩn thường tình con người. Tất cả chúng dường như đều có một giá trị tuyệt đối, như thế chúng đã trở thành trong suốt, vén mở một tương quan không có trong nhãn giới thường tình. Tương quan này không phải chiều ngang, nối liền vật này với vật nọ, và bởi thế cứ ở trong thế giới của vật thể, mà là một tương quan theo chiều dọc : nó buông thả mỗi sự vật riêng chiếc cho rớt thẳng xuống những chiều sâu thẳm nhất của chính sự vật, xuống đến cái điểm ngọn nguồn căn nguyên. Như thế, mọi sự được nhìn, và đồng thời được hiểu, từ nguồn gốc, tuôn phát từ cái “bản thể” tự hiển bày trong chúng. Ðến mức đó, chúng đều ngang hàng nhau, đều mang những chứng thư sáng chói của bản nguyên chúng. Chúng không phải là những sự vật cô lập, chúng chỉ trỏ đến một điểm vượt ngoài chúng, đến nền tảng chung của bản thể chúng, tuy nhiên nền tảng này chỉ có thể được trực nhận qua chúng, qua cái hiện hữu, mặc dù nó là nguồn gốc của mọi hiện hữu.

Một điều cần được xác định rõ ràng là : tuyệt nhiên không có dấu vết của tư duy trong lối nhìn này, cũng không phải lối nhìn này phát sinh với sự cộng tác âm thầm của tư duy. Không phải rằng tri kiến này được chờ đợi, mong muốn, được giả thiết là phải có sau khi thiền định lâu dài về công án, như là một kết quả của sự thiền định ấy, đến nỗi cuối cùng bạn “tin” rằøng bạn thấy được giả thiết của bạn. Ðúng hơn, tri kiến đột hiện nơi bạn như một làn chớp, chỉ trong một thoáng. Nó rõ rệt một cách cụ thể đến độ nó mang theo sự xác định tuyệt đối, làm cho bạn bỗng chốc “thấy” và hiểu rằng mọi sự vật có ra là do bởi một cái gìkhôngphải là chúng, chúng nhờ cái khôngnày, nền tảng và nguồn gốc của chúng.

Có lẽ một giai thoại sau đây thường được dùng làm công án, sẽ giải thích điều đó có nghĩa gì :

Một ngày kia, khi Hyakujo bước ra khỏi nhà với Thầy ông là Baso, họ trông thấy một đàn vịt trời. Baso hỏi : “Chúng bay đi đâu ?” – “Bạch Thầy, chúng đã bay mất rồi” . Thình lình Baso nắm lấy mũi người môn đệ vặn một cái. Ðau quá, Hyakujo la lên : “Ô, ô !” . Baso bảo : “Ngươi nói chúng đã nay mất, nhưng mà chúng thảy đều vẫn ở đây từ khởi thủy” (xem Suzuki, trongZen and Japanesse Culture, trang 8) .

Khi ấy, Hyakujo toát mồ hôi, và được ngộ.

Sự khác biệt giữa lập ngôn này quá khổng lồ, đến nỗi chúng không thể dung hòa lẫn nhau. “Chúng đã bay mất” là một mệnh đề hiển nhiên của thông tục. Chúng không còn được thấy nữa, chúng đã biến mất vào một nơi nào đó, bởi thế chúng không còn ở đây và không hiện diện đối với tôi. Không cần có sự soi sáng nào để lập nên sự kiện ấy. Baso thì thấy hoàn toàn khác thế.

Thấy với đôi mắt thường mà, mọi người có được từ sơ sinh, chỉ có nghĩa là ghi nhận cái đến trước mắt mình - vào bất cứ lúc nào - từ tất cả những gì hiện hữu. Một cái gì để đến trước mắt ta, trước hết phải hiện hữu trong hiện tượng giới. Với con mắt “thứ ba”, mà ta chỉ có khi ta được “sinh trở lại”, ta thấy chính hiện hữu của mọi cái hiện hữu trong bản thể , nền tảng của cái hiện tượng kia. Bởi thế, cách lập ngôn phải là : “Chúng vẫn luôn luôn ở đây” - dĩ nhiên không phải ở điểm không gian này, vì không gian và thời gian không có chỗ đứng trong tri kiến này. Ðiều bắt buộc phải có vẻ vô nghĩa, ngược đời, một trò đùa kém cỏi, thành ra thực sự lại là một mệnh đề xác định sự kiện một cách hoàn toàn đơn giản - một sự kiện mà Baso thấy rất rõ rệt và cụ thể, hệt như Hyakujo thấy những con vịt trời đã bay mất. Cả hai sự kiện không bên nào bác bỏ bên nào bởi vì chúng thuộc vào những chiều hướng hoàn toàn khác nhau, và Hyakujo sẽ không bao giờ có thể tìm ra giải đáp bằng tư duy dai dẳng. Chỉ trong lúc đau đớn kịch liệt, làm ông hết suy nghĩ, ông mới tìm ra giải đáp qua satori.

Bây giờ, mặc dù bạn có thể có cảm tưởng rằng bạn có thể thâu thập điều gì từ nơi lập ngôn này của Baso, hiểu nó một cách nào đó và chứng minh nó, bạn cũng không được tưởng tượng rằng bạn có thể theo lập trường của Baso và phóng chiếu một cái gì đầy ý nghĩa, có lẽ còn sâu sắc hơn nữa, vào trong lập ngôn của ông ta. Ðiều đó hoàn toàn không phù hợp : mọi sự tùy thuộc vào sự “thấy” của bạn, như Baso đã thấy ngay ở cái nhìn đầu tiên, với một sự trực tiếp của cái tri kiến có tính cách như vậy chứ không khác hơn. Baso, phần ông, dĩ nhiên ông hiểu lập ngôn của Hyakujo; ông đã từng có lần chia sẻ quan điểm này và xem nó như chuyện thường. Nhưng ông cũng hiểu rằng như vậy là không tâm linh, làly tâm.

Sẽ là một ngộ nhận nếu nghĩ rằng tri kiến sáng rỡ ấy, mặc dù nó có thể đem lại một lợi ích căn bản, vẫn bao hàm một sự mất mát trầm trọng ; rằng nó bỏ qua sự tròn đầy cụ thể của hiện hữu ngay bây giờ và ở đây, một hiện hữu bây giờ đã bị tước hết ý nghĩa.

Bởi vì, mặc dù thấy sự vật trong ánh sáng căn nguyên sáng rỡ của nó là điều quan trọng, nhưng cũng cần phải chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu trong thực tế ; phải trực nhận không những cái gì hiển lộ trong chúng, mà còn ngay cả hình thái của sự hiển lộ.

Bác luận trên không nhằm chỗ. Chính vì tri kiến sáng suốt không tìm xem cái “bị thấy” (sở kiến) có thể có ý nghĩa nào trong mối tương quan với người thấy (năng kiến), cho nên tri kiến ấy cho phép mỗi vật hiện hữu được chính thực là nó, tùy theo căn nguyên của nó. Tri kiến ấy lĩnh hội sự vật đúng như chúng “cốt là” .

Bởi vì nguồn gốc vô hình tướng của sự vật càng không-thể-đạt và không-thể- nghĩ-bàn bao nhiêu, thì sự vật trong hình tướng cụ thể của chúng càng dễ “khả đắc” đối với chúng ta bấy nhiêu. Ðược tắm gội trong ánh sáng của cội nguồn chúng, chính chúng cũng được sáng rỡ. Nền tảng của chúng càng huyền mật bao nhiêu, chúng càng hiển hiện trước mắt ta một cách đầy khải thị bấy nhiêu. Chúng càng im lặng về những vấn đề tối hậu bao nhiêu, thì lại càng ít im lặng về chính chúng bấy nhiêu. Ðiều này khiến cho người có tri kiến sáng suốt có thể để mặc chúng đi con đường riêng chúng, mà không khoác thêm cho chúng những thiên kiến của ông ta. Hoàn toàn không xem chúng như chỉ là những hiển thị của một nguyên nhân đầu, mà trong trạng thái này không thể đạt đến và không thể lĩnh hội, ông để cho mỗi vật được chính là nó. Tính chất đặc biệt của tri kiến vô ngã nơi ông khiến ông có thể làm việc này đến một mức độ phi thường : như thể ông hoàn toàn ở ngoài những giới hạn của thiên nhiên sinh động, ông thưởng thức sự xúc tiếp mật thiết nhất với sự vật và số phận chúng, ngay cả với những sự vật có vẻ hoàn toàn chìm đắm trong hiện hữu vật chất của chúng. Ðôi khi ông có thể tăng cường mối xúc tiếp này đến độ hoàn toàn nhập làm một với sự vật. Khi ấy, đối với ông, dường như sự vật không phải đến với ông trong cái nhìn của ông, mà chúng đến với chính chúng, và chỉ lúc đó chúng mới đạt đến thực tính tròn đầy, như là bản thể đang tự ngắm nhìn nó trong mọi sự vật hiện hữu, như thể nó bao trùm và nâng đỡ tất cả vận hành của sự nhìn. Khi ấy, ông không còn tự thấy mình là cực điểm chủ thể, đối diện với sự vật là khách thể, ông cảm thức. Bản thể là cực điểm độc nhất, mà bản chất cốt yếu là bất khả tư nghì ; và chính ông, cùng với mọi sự vật xảy ra, là cực điểm khác, cực điểm bao gồm tất cả những gì hiện hữu cụ thể hữu hình, một hiện hữu mà, cũng như chính ông, được tuôn phát từ nguồn cội.

Bởi vì những gì áp dụng cho mỗi sự vật riêng rẻ cũng áp dụng cho cái gọi là ngã. Trong tri kiến này, cái ngã cũng trở thành trong suốt, trong suốt đến tận những chiều sâu tối hậu từ đấy nó được phát xuất. Ở đây ta có thể nhớ lại công án : “chỉ cho ta bộ mặt đầu tiên của ngươi khi cha mẹ chưa sinh” - nghĩa là trước khi ngươi hiện hữu như một cái ngã riêng biệt, như con người cá thể này trong thế giới của đa dạng và đối đãi.

Một lần nữa giải đáp của công án gồm trong việc “thấy” bộ mặt nguyên thủy với con mắt tâm linh, con mắt thứ ba, tìm rabộ mặt ấy đúng hơn là đặt bàynó ra với sự trợ giúp của tư duy. Khi ấy, những gì bạn kinh nghiệm đối với cái ngã riêng của bạn không được chuyển - bằng cách so sánh - đến những cái ngã khác, nhất là đến sự vật ; tất cả những hình tướng khác này cũng đều phải được kinh nghiệm một cách trực tiếp, từ nguyên ủy ấy.

Có thể rằng kiểu nhìn thấy này là một sự tái diễn, một sự phục hồi - trong hình thức mãnh liệt - của một thái độ đôi khi đến với ta một cách tự nhiên thuở ấu thời. Vào thuở ấy, mỗi đồ vật mà ta chơi được cảm nghiệm đúng như chính nó, đến nỗi dường như tất cả hoạt động đều phát xuất từ nó và nó đang chơi với ta. Dù thế nào đi nữa, dù satorilà một sự trở ngược về quá khứ hay một biến cố hoàn toàn mới mẻ và độc đáo, nó cũng vẫn chắc chắn là nột kinh nghiệm mãnh liệt về Tuyệt đối và Bất dị, kinh nghiệm đã triệu tập tất cả những sức mạnh của chủ thể ta sử dụng chúng. Ðấy vừa là tri kiến, kinh nghiệm, sự thâm nhập và bị thâm nhập. Bởi thế cũng là điều dễ hiểu khi những Thiền sư chỉ chấp nhận nhiều nhất là những tiếng hét như “Gậy !” , “Tuyết !” , “Vịt trời !” , nhưng lại xem những lập ngôn : “Ðây là một chiếc gậy” , “Kia là những con vịt trời” cũng sai lầm như nói ngược lại : “Ðây không phải là một chiếc gậy” , “Kia không phải là những con vịt trời” , và “Những con vịt trời đã bay mất” cũng sai lầm hệt như “Chúng chưa bay mất” .

Một người phán đoán theo cách đó, cô lập sự vật khỏi chính mình và khỏi sự vật khác, đã đập vụn cái toàn thể, người ấy không còn là một người “nhìn” và một người “quán sát” , đứng ra ngoài bức tranh và cảm nghiệm đối tượng bị quan sát như là một cái đối lập. Y không cảm thấy một với những gì y thấy, y được sự vật “nói” với y như thể từ bên ngoài và trở lại chất vấn để chúng trả lời. Trong cái trò hỏi đáp này, y tưởng tượng y đã nắm được thực tính tròn vẹn của “đối tượng” một cách “cạn tàu ráo máng”, mà không để ý rằng y phải đành nhận chỉ một vật thay thế. Giữa chính y và sự vật có xen một hình-ảnh-trong-gương mà y độn đầy ý nghĩa, không nhận chân rằng đối với người thực sự “thấy”, nhãn giới của họ tràn đầy những ý nghĩa, rằng y chỉ cần phải mở mình ra để đón nhận chúng.

Ðối với một người quan sát, luôn đặt tương quan sự vật này với sự vật khác, quá khứ và vị lai được chia cắt rõ rệt trong mọi sự y nhìn thấy. Tri kiến không phải như thế, nó gồm trong một hiện tại không có tương quan, trong một Bây Giờkhông có bóng dáng phản chiếu, một Bây Giờcủa biến cố phi thời gian. Nhịp điệu không được cảm thức như một cái gì ở bên ngoài, mà như nhịp điệu của chính mình, cùng đập một nhịp với tất cả mọi sự trong một quá trình bất tuyệt và vô biên của đổi thay.

Bởi đó, nếu những Thiền sư phản đối bất cứ lập ngôn nào về tri kiến sáng suốt, ấy không phải họ bảo phải trở về với tình trạng tâm hồn bán khai của người chưa trưởng thành. Ðiều họ đòi hỏi không phải chỉ là sự đạt đến “tâm nguyên thủy” mà còn là sự duy trì nó. Trạng thái nguyên sơ này không phải là bán khai, dù nó có thể trông giản dị và thật thà chất phác đến đâu đi nữa. Nó là sản phảm của kỷ luật tâm linh không ngừng, và nó đưa đến một sự tự do tự tại, kỳ thực không xem cái gì la bất khả. Nhưng không phải tinh thần của Thiền nếu ta đòi hỏi thái độ thái độ phản luận lý này theo một nguyên tắc, và nếu áp dụng nó một cách cưỡng ép cho mọi lãnh vực của cuộc sống. “Nguyên tắc” thuộc bất cứ loại nào đều xa lạ đối với Thiền. Không những Thiền công nhận rằng có những lãnh vực sinh hoạt trong đó sự xác quyết, phán đoán, kế hoạch và những hành vi đầy chủ đích đóng một vai trò, mà Thiền còn đi đến chỗ công nhận rằng những cách thế hành xử như trên là cần thiết cho sự sống, và như thế biện minh cho sự phá vỡ cái nhất tính nguyên ủy, sự tách rời thành chủ thể và khách thể - nhưng chỉ đến mức độ ở đấy nguy hiểm và tai họa chưa xảy ra.

Những sự thiền định về các công án khác

Vào lúc thích hợp, vị Thầy sẽ giao thêm những công án cho môn sinh. Không phải để bổ túc lần lần sự chứng ngộ - bởi vì sự chứng ngộ được truyền ngay một mạch, như một toàn thể không thể phân chia, vì tất cả Thiền được chứa đựng trong mỗi công án - nhưng để làm cho được việc chứng ngộ trở thành quen thuộc hơn, làm cho nó cắm rễ, tập luyện nó. Ðồng thời ta có thể thám hiểm toàn thể con người với sự trợ giúp của những công án ; ta lại còn có thể phân loại chúng về phương diện này.

Vào giai đoạn này, người môn sinh sẽ không lập lại những lỗi lầm cũ khi thiền định. Bây giờ y không tìm kiếm một giải đáp hợp lý nào, vì đã biết qua những thất bại trước đấy rằng suy nghĩ là hoàn toàn vô dụng và phải bị loại bỏ. Có thể rằng y vừa mới bắt đầu thiền định thì giải đáp đã đến ngay từ đầu : Nó nhảy vào y một cách xác quyết, và y “thấy” trong một làn chớp cái gì đã được hỏi. Y sẽ đi đến Thầy, và giải đáp của y sẽ được xác nhận hoặc bị bác bỏ. Y tuân theo quyết đoán của vị Thầy, không chỉ trong tinh thần nhũn nhặn và vâng lời, cúi mình trước những quyết định mà y nghĩ là sai, - mà còn với sự đồng ý hoàn toàn, như thể tuân theo những mệnh lệnh của số phận. Tính “ngoan ngoãn” này lúc đầu có thể không ở trong y. Có thể có những lúc y chống đối lại sự xác nhận của Thầy là đã thấy suốt được y, cho đến một ngày y nhận chân y đã sai lầm biết chừng nào. Sau đó, y sẵn sàng vâng phục và có một niềm tin cậy kiên cố nơi vị Thầy.

Bằng cách nào vị Thầy xem môn sinh đã “Ngộ” hay chưa

Từ đâu vị Thầy có được cái thẩm quyền này, mà ông không tìm kiếm cũng không đòi hỏi, nhưng nó tăng trưởng trong ông cho dù ông không muốn ?

Làm sao ông có thể nhìn thấy suốt tâm hồn của môn sinh, khi y đứng câm lặng vì sợ hãi trước mặt ông, hay lắp bắp một cách tội nghiệp ?

Làm sao ông thấy và biết môn sinh đã hay chưa đạt đến chứng ngộ ? Ðiều này cũng khó giải thích như chính quá trình của sự chứng ngộ.

Chúng ta cần nhấn mạnh một lần nữa rằng tri kiến sáng suốt có một bản chất lạ lùng đến nỗi người môn sinh không thể đưa ra một câu trả lời rõ rệt cho câu hỏi chứa đựng trong công án, vì không thể nào diễn đạt nó trong những khái niệm ngôn từ. Nhưng ngay khi giả sử rằng y có thể mô tả tri kiến bằng cách sử dụng những so sánh (điều này y có thể làm sau vài năm, khi đã tăng thêm kinh nghiệm), việc ấy cũng sẽ không làm vị Thầy chú ý. Vì người môn sinh có thể chỉ lặp lại những gì y đã nghe người khác nói, giả vờ làm một kinh nghiệm thực thụ của y. Với một trí tưởng tượng rất linh động và một ít sự kiện trong tầm sử dụng của y, y có thể chắp nối những nét chính yếu của tri kiến và, - chỉ vì y có thể diễn đạt nó bằng lời, - giả vờ là một người đã chứng nghiệmsatori.

Ðể lật tẩy những kẻ “ngáp phải ruồi” này, cũng có thể gặp ở trong cửa Thiền như ở các cửa khác, vị Thầy đòi “thấy” tận mắt sự chứng ngộ của đứa học trò. Và ông, vị sư tổ của satori, quả thật “thấy” được với một cái nhìn không lầm lạc. Những kinh nghiệm riêng ông khi còn làm môn sinh giúp ông có thể làm việc này, rồi còn những năm kinh nghiệm làm Thầy, và cuối cùng, kinh nghiệm của một Thiền sư. Nhưng vị Thầy thấy cái gì ? Có lẽ tôi có thể trả lời câu hỏi này bằng một sự so sánh : nó giống như một họa sĩ khi nhìn tác phẩm của học trò liền có thể nói được ai là nghệ sĩ thiên tư, ai không. Ông chỉ “thấy” điều này, còn làm sao ông thấy được, việc ấy ông không thể giải thích hay dạy lại cho một người không phải họa sĩ. Cũng tương tự, vị Thiền sư “thấy” khi có sự ngộ nhập thực sự, chứ không phải chỉ được tưởng tượng ra. Dĩ nhiên, ông thấy được điều đó “nhờ” một cái gì, và mặc dù tôi không thể giải thích làm sao ông “thấy”, tôi cũng sẽ cố đưa ra một vài ám thị có thể hữu ích.

Trạng thái thoải mái tinh thần, một trạng thái kết quả từ satoriđem lại một biến đổi sâu xa ở nội tâm, được phản chiếu trong một tư thái thong dong của thân xác. Ðặc biệt là satorikhông gây nên một tình trạng hớn hở rõ rệt nơi con người, một cảm giác khoái trá nồng nhiệt hay một cảm thức phấn khởi toàn diện - những hiện tượng này có thể có những nguyên nhân hoàn toàn khác hẳn - vì người đã chứng ngộ thường an nhiên, và không lộ liễu chút nào. Ðúng hơn, những hậu quả của satoribiểu hiện trong những động tác ít lộ liễu nhất của y, những động tác ít chịu sự điều khiển của y nhất. Những động tác này không thể bắt chước được, vì trong Thiền không có những thái độ điển hình có thể học thuộc lòng, như một thái độ của sự sùng đạo, khiêm cung, sự xuất thần.v.v... Một ngoại trừ độc nhất là thái độ đăm chiêu trong Thiền định. Thái độ này có thể bắt chước được một lúc, nhưng không thể vô hạn định, bởi vì sự vô ích của nó đã hiện bày rõ : là nó không đưa đến satori.

Tôi cũng sẽ không nhấn mạnh về điểm bao nhiêu điều được biểu lộ trong đôi mắt. Ðiều này đúng trong những lãnh vực sinh hoạt khác, và khắp thế giới nhân loại đã biến sự nghiên cứu đôi mắt thành một nghệ thuật. Nhưng cái nghệ thuật nhìn, từ cách người môn sinh đưa chén trà lên môi, - nhìn xem y đã thực chứng ngộ hay chưa, thì chỉ có một vị Thiền sư mới làm được.

Tôi sẽ chỉ đưa ra một ví dụ độc nhất này, có lẽ nó dễ hiểu nhất cho người Tây phương. Dù sao, một điều chắc là người đã thực chứng satorikhông những thấy sự vật một cách khác, mà còn “nắm” chúng một cách khác, trong ý nghĩa trực tiếp nhất của danh từ ấy. Nhưng bằng cách nào y “nắm” chúng ? Không phải một cách vụng về và đầy tự thức vì sự có mặt của Thầy. Không phải ngắm nhìn hình dáng của chúng, định giá trị của chúng. Cũng không phải, trong trường hợp một cái chén, nhìn nó như làcái chén : tầm quan trọng của cái chén tùy thuộc vào cái gì đựng trong nó. Mặt khác, cũng không phải là khôngchú ý nó, làm như y đang chìm đắm trong tư duy. Nhưng đúng hơn, giống như một người thợ gốm nắm nó, cảm nghiệm xem nó xuất hiện cách nào - vì nó mách bảo cho biết bàn tay uốn nắn của một người chủ; y nắm nó như thể tay y nhập làm một với cái chén, đến độ chính tay y trở thành như một cái chén, và khi y rút tay về, những bàn tay dường như còn mang dấu vết của cái chén. Y lại còn uống tách trà khác hẳn mọi người. Y uống nó như thế nào mà y không còn biết mình là người uống hay thức uống, y hoàn toàn vong thân, hoàn toàn quên bẵng chính mình : người uống là một với thức uống, thức uống là một với người uống.

Trong nghĩa đó, năng lực của vị Thầy để “thấy” satorichỉ là sự hoàn hảo của một khả năng, mà ông - là một người Ðông phương - có được tất cả những điều kiện cần thiết cho nó : khả năng tìm ra những nét vi tế nhỏ nhiệm nhất của động tác và dáng điệu. Tính bén nhạy lạ lùng này trong sự quan sát có lẽ đã được phát triển nhờ lối viết tượng hình, nhờ khuynh hướng của người Nhật đắm chìm mình trong mọi sự xảy ra, và cuối cùng, nhờ lòng yêu thiên nhiên nơi họ. Bất cứ gì họ quan sát đều đi vào trong họ - họ uống lấy nó. Ta có thể lấy nhiều ví dụ về thái độ này trong đời sống Nhật Bản : sự ngắm hoa anh đào, trưng bày hoa, cắm hoa, sự thưởng thức phong cảnh, thưởng ngoạn những cây đơn độc. Tất cả điều này làm cho sự quan sát của họ về súc vật và người chuyển động, được bén nhạy hơn. Một trong những vị vua Nhật lại còn thắc mắc về vấn đề : một con hạc lên thang cấp, bắt đầu bằng bước chân nào ?

Chính những cử động vô nghĩa, ngoài ý muốn này mới đầy ý nghĩa đối với vị Thầy, như là phản ảnh của một tâm trạng thực, không phải do ý chí sinh ra.

Nếu vị Thiền sư Thầy tôi đọc những gì tôi vừa viết, có lẽ người sẽ nói : “Tại sao lại rắc rối thế về một chuyện quá đơn giản như kia, sao mà lắm lời ! Hiểu một người khác, thấy suốt những góc bí ẩn nhất của tâm hồn họ là việc chỉ có thể thực hiện qua một tương quan giữa những mạng thần kinh”. Thế nghĩa là với sự tập luyện lâu dài, bạn có thể có được khả năng lôi kéo một người khác vào trong môi trường năng lực của chính bạn, cái môi trường mà bạn nới rộng ra xung quanh mình trong những vòng tròn lớn thêm mãi. Không những người, súc vật và cây cối, mà còn có cả đồ vật nữa. Không gì có thể thoát ra khỏi nó. Và bất cứ gì được lôi kéo vào đều phải hiển lộ tên gọi và bản chất của nó.

Bởi vậy, vị Thầy đã có thể thấy suốt người môn đệ của ông từ hành vi bên ngoài của y rồi, nhưng còn thấy hơn nữa từ nơi cách y cố diễn đạt tư tưởng của y khi được hỏi đến. Y hoàn toàn không thể nào giả vờ có một điều mà y không có, bởi vì trong satorikhông có gì là có thể quan niệm và diễn đạt được như là một sự kiện khách quan ; nó không chứa đựng những chân lý mà ta có thể lượm nhặt ra và nói thuộc lòng, mà chỉ có một cách nhìn thấy và lĩnh hội mới mẻ. Hoặc là bạn có satori, hoặc là bạn không có, chứ bạn không thể đặt bày nó ra. Bất cứ người nào đã từng đích thân học nhiều năm với một Thiền sư đều sẽ không còn bàn cãi điều xác quyết của ông là thấy được tận tim đen của học trò mình, biết được y đang ở vào trình độ nào, và trên tất cả, biết được y có kinh nghiệm thực chứng chừng nào, và chừng nào chỉ là tưởng tượng.

---o0o---


Vi tính: Nguyên Tịnh

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]