Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Cửa Thứ Tư: An Tâm Pháp Môn.

25/04/201312:56(Xem: 3664)
5. Cửa Thứ Tư: An Tâm Pháp Môn.

SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT

Bồ-đề Đạt-ma

Trúc Thiên Dịch

---o0o---

CỬA THỨ TƯ: AN TÂM PHÁP MÔN

Khi mê, người đuổi theo pháp.

Lúc tỉnh, pháp đuổi theo người.

Tỉnh, ấy tâm thức thâu nhiếp vật sắc.

Mê, ấy vật sắc thâu nhiếp tâm thức.

Chỉ một chút phân biệt cân nhắc của tâm là tự nơi mình mọi hiện tượng đều là mộng cả.

Nếu nhận biết tâm mình vốn tịch diệt, không đâu là chỗ niệm, đó gọi là chánh giác.

Hỏi: Sao gọi là hiện lượng của tâm mình?

Ðáp: Khi thấy các pháp lá "có": có, nhưng chẳng phải tự nó có, nhân suy lường nên cho là có.

Khi thấy các pháp là "không": không, nhưng chẳng phải tự nó không, nhân suy lường nên cho là không.

Nói rộng ra thì tất cả đều như vậy cả, toàn do tâm mình suy lường ra mà cho là có, cho là không.

Còn người nào trót gây đủ thứ tội mà tự thấy vị pháp vương của chính mình, tức được giải thoát.

Tự trên "sự" vươn lên tỏ suốt, đó là hàng khí lực mạnh,

Tự trong "sự" thấy được pháp, người ấy đâu đâu cũng chẳng mất niệm.

Theo chữ nghĩa mà thông rõ, đó là người khí lực kém.

Sự tức là pháp, pháp tức là sự, ai rõ sâu lẽ ấy tự nhiên thuận theo mọi động tác của thân mình, thế tất người ấy chẳng ra pháp giới mà cũng chẳng vào pháp giới.

Nếu đem pháp vào pháp giới, đó là người si.

Hễ thấy có thi vi, rốt cũng không ra được tâm pháp giới.

Tại sao vậy? Vì thể của tâm tức là pháp giới vậy.

Hỏi: Người đời học hỏi đủ thứ, tại sao không được đạo?

Ðáp: Vì người ấy còn tự thấy mình nên không được đạo. "Mình" ấy tức "Ta" vậy.

Bậc chí nhân gặp khổ chẳng lo, gặp vui chẳng mừng, vì không thấy có mình trong đó. Sở dĩ không biết khổ vui, vì quên mất mình trong hư vô.
Chính mình, mình còn quên, thì còn cái gì nữa mà chẳng quên được?

Hỏi: Các pháp đã là không thì dựa vào gì mà tu đạo?

Ðáp: Nếu có dựa vào gì, thì cần tu đạo.

Nếu không có gì để dựa, tức chẳng cần tu đạo.

"Cái gì" tức "cái ta". Nếu không có cái ta thì đối với sự vật chẳng sanh lòng phải quấy.

Phải, chính là tự "ta" phải, mà vật thì chẳng phải.

Quấy, chính tự "ta" quấy, mà vật thì chẳng quấy.

Ðối tâm mà không tâm mới thông đạt đạo Phật.

Ðối vật không dấy lên cái thấy, mới là đạt đạo.

Ðứng trước vật, người nào đạt thẳng biết suốt đến căn nguyên, tức người ấy mở thông mắt huệ.

Người trí tùy vật chẳng tùy mình, nên không có giữ bỏ, thuận nghịch.

Người ngu tùy mình chẳng tùy vật, nên có giữ bỏ, thuận nghịch.

Chẳng thấy gì hết, gọi là thấy đạo.

Chẳng làm gì hết, gọi là làm đạo.

Cho nên bất cứ đâu đâu, cũng như không đâu, bất cứ làm gì cũng như không làm, đó tức là thấy Phật.

Bằng thấy tướng ở đâu, tức thấy quỷ ở đó.

Vì giữ tướng nên đọa địa ngục.

Vì xét pháp nên được giải thoát.

Nếu thấy tướng, nhớ tướng, rồi phân biệt tức chịu mọi cảnh khổ lửa phỏng nước sôi, thấy hiện trước mắt tướng sanh tử.

Thấy tánh của pháp giới, tức là tánh của Niết bàn.

Không tưởng nhớ phân biệt, tức là tánh pháp giới.

Tâm chẳng phải sắc nên chẳng phải có.

Dùng mấy vẫn không hết nên chẳng phải không.

Dùng mà vẫn thường không nên chẳng phải có.

Không mà vẫn dùng hoài nên chẳng phải không.

Tức nói kệ rằng:

1.- Tâm tâm tâm,

Nan khả tầm.

Khoan thời biến pháp giới,

Trách giã bất dung châm.

Tâm tâm tâm,

Khó nổi tầm.

Tung ra bao trùm pháp giới,

Thâu lại chẳng đầy mũi kim.

2.- Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm,

Diệc bất quán thiện nhi cần thố.

Diệc bất xả trí nhi cận ngu,

Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ.

Ðạt đại đạo hề quá lượng,

Thông Phật tâm hề xuất độ.

Bất dữ phàm thánh đồng triền,

Siêu nhiên danh chi viết Tổ.

Cũng đừng thấy dữ mà sanh ghét,

Cũng đừng ham lành mà đâm mộ.

Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu,

Cũng đừng buông mê mà cầu ngộ.

Ðược vậy thì:

Chứng đạo lớn hề rộng vô lượng,

Sáng Phật tâm hề lớn vô biên.

Chẳng cùng phàm thánh quàng xiêng,

Vượt hết mà lên gọi là Tổ.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]