Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài giảng ngày thứ nhất

25/04/201312:15(Xem: 3363)
Bài giảng ngày thứ nhất

Những Bài Giảng Tóm Tắt

Của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày

Thích Minh Diệu dịch

---o0o---

BÀI GIẢNG CỦA NGÀY ĐẦU TIÊN

Những khó khăn ban đầu

Mục đích của hành thiền

Tại sao hơi thở được chọn như điểm khởi đầu.

Bản chất của tâm

Những khó khăn và phương cách khắc phục

Những tác hại cần phải tránh

Ngày thứ nhất chúng ta thường gặp nhiều khó khăn và không mấy thoải mái, một phần vì chúng ta không quen ngồi lâu suốt ngày và cũng không quen trong việc nỗ lực thiền định, nhưng phần lớn là do phương pháp thiền định mà chúng ta đang thực tập: đó là chánh niệm bằng hơi thở, và chỉ có hơi thở.

Nếu không có những trở ngại trên, thì việc định tâm theo dõi hơi thở kết hợp với việc tụng niệm một lời nói, một câu chú, một danh xưng của một vị thần nào đó hoặc nếu chúng ta tưởng tượng hình ảnh của một vị thần linh sẽ dễ dàng và nhanh hơn. Nhưng ở đây phương pháp này chỉ yêu cầu quý vị theo dõi hơi thở, đúng như bản chất tự nhiên của nó, không có qui định nào cho hơi thở; không thể sử dụng thần chú hoặc phương thức tưởng tượng hình ảnh nào đó trong phương pháp hành trì này.

Những hình thức trên không được phép hành trì, vì mục đích tối hậu của phương pháp thiền này không phải là sự định tâm. Sự định tâm chỉ là một yếu tố hỗ trợ, một bước nối dẫn đến mục đích cao hơn: Đó là sự thanh lọc tâm, loại trừ mọi cấu uế của tâm, mọi bất thiện trong tâm, và giải thoát ra khỏi mọi khổ đau, thành tựu sự giác ngộ viên mãn.

Cấu uế sinh khởi trong tâm chúng ta từng sát na, như sân hận, thù hằn, tham lam, sợ hãi, v.v... làm chúng ta đau khổ. Bất cứ lúc nào, những điều chúng ta không cầu mong lại đến, chúng ta rơi vào hoàn cảnh khổ đau và tự tạo ra những nội kết. Khi nào những điều mong muốn không được thoả mãn, một lần nữa chúng ta lại tự tạo ra đau khổ cho bản thân. Những khổ đau này cứ tái diễn mãi trong cuộc sống, cho đến khi thân và tâm chúng ta trở thành một khối phiền não rối rắm. Và chúng ta không chỉ đau khổ riêng bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến những người thân ở quanh ta. Tất nhiên, đây không phải là một lối sống thích hợp.

Quý vị tham dự khóa tu này là để học nghệ thuật sống: đó là làm sao để sống hạnh phúc và an lạc cho chính chúng ta, và cho mọi người; làm thế nào để sống hạnh phúc trong mọi lúc đồng thời hướng đến hạnh phúc tối thuợng với một tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh, một tâm hồn tràn đầy tình thương vị tha, lòng từ bi, niềm hân hoan trước thành công của người khác, và tâm hỷ xả.

Để học nghệ thuật sống hạnh phúc, trước nhất chúng ta phải tìm nguyên nhân của đau khổ. Nguyên nhân này luôn tiềm ẩn bên trong vì vậy quý vị phải khám phá thực tại ở nơi mình. Quý vị thực tập phương pháp thiền này là để giúp quý vị quán sát lại thân và tâm của mình, chính thân tâm là nơi chứa nhiều tham đắm dẫn đến kết quả là những tâm lý căng thẳng và khổ đau. Ở cấp độ kinh nghiệm, chúng ta phải tuệ tri bản chất của thân và tâm; có như vậy, chúng ta mới có thể kinh nghiệm những gì vượt ra ngoài thân và tâm. Do đó, phương pháp tu tập này là phương pháp thể nhập chân lý, phương pháp tự mình chứng ngộ bằng sự quán chiếu thực tại của những gì chúng ta đã gán cho nó cái tên là “tự ngã”. Phương pháp này cũng có thể được xem là phương pháp chứng ngộ - Thượng đế (God-realization), bởi vì, đằng sau Thượng đế không có gì khác hơn là chân lý, tình thương và thanh tịnh.

Kinh nghiệm trực tiếp về thực tại là điều rất quan trọng. "Hiểu biết chính mình” (know thyself) quý vị sẽ quán sát thực tại qua nhiều hình thức từ đặc tính thô thiển, bên ngoài đến những hình thức có đặc tính vi tế hơn và vi tế nhất biểu hiện qua thân và tâm của quý vị. Sau khi kinh nghiệm qua những thực tại này, chúng ta có thể tiến xa hơn để kinh nghiệm thực tại siêu việt nhất vượt ra ngoài kinh nghiệm của thân và tâm.

Hơi thở là yếu tố thích hợp cho tiến trình thực nghiệm này. Sử dụng một đối tượng do mình tự tạo ra (self-created), tập trung vào một đối tượng do tưởng tượng - một câu thần chú hoặc một hình tượng - tất cả những cách hành trì này dẫn chúng ta vào những trạng thái tưởng tượng, và những ảo giác mơ hồ; nó không giúp được gì cho chúng ta trong việc khám phá ra sự thật vi tế của chính chúng ta. Để thể nhập vào sự thật vi tế này, chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự thật, đó là thực tại thô như hơi thở ra, vào. Hơn nữa, nếu chúng ta hành trì theo hình thức đọc tụng thần chú hoặc quán tưởng hình tượng của một vị thần nào đó thì phương pháp hành trì này trở thành một phương pháp có đặc tính giáo phái. Tụng đọc thần chú hoặc quán tưởng hình tượng có giá trị tương đương với một hình thức tu tập, một hình thức tôn giáo hoặc một hình thức khác, và ở đây việc thực tập không chấp nhận những hình thức có nguồn gốc khác nhau này. Khổ đau là căn bệnh chung. Phương thuốc điều trị cho căn bệnh này không thể là một phương thuốc của một môn phái nào đó; mà nó phải là một phương thuốc chung cho tất cả. Sự chánh niệm nhờ phương pháp theo dõi hơi thở sẽ đáp ứng yêu cầu này. Hơi thở là thành tố quen thuộc đối với mọi người: ai cũng có thể áp dụng phương pháp theo dõi hơi thở. Toàn bộ tiến trình của phương pháp tu tập này phải hoàn toàn vượt ra ngoài chủ nghĩa môn phái.

Hơi thở là một công cụ và với công cụ này chúng ta có thể khám phá ra sự thật về tự ngã của chúng ta. Thực ra, ở mức độ kinh nghiệm, quý vị biết rất ít về bản thân. Quý vị chỉ biết những hình thức mang tính thô thiển bên ngoài của thân, và quý vị có thể tự điều khiển những bộ phận và chức năng của nó một cách có ý thức. Quý vị không biết gì về những cơ quan bên trong, chúng hoạt động ngoài sự kiểm soát của quý vị. Thân thể được kết cấu do sự phối hợp của vô số tế bào, và những tế bào này luôn luôn thay đổi trong từng sát na. Vô số phản ứng sinh lý và điện lực hấp dẫn liên tục xảy ra trên khắp thân thể, nhưng quý vị không hề biết gì về những hoạt động của chúng.

Thực tập phương pháp này, quý vị sẽ biết những gì mà lâu nay quý vị chưa biết về tự ngã của mình. Hơi thở sẽ giúp quý vị thành tựu mục tiêu này. Hơi thở hoạt động như là một nhịp cầu nối tiếp từ chỗ phân biệt đến chỗ không phân biệt, vì hơi thở đóng một vai trò quan trọng trong thân thể và nó có thể nhận thức hoặc không thể nhận thức, có tác ý hoặc tự nhiên. Chúng ta bắt đầu với sự hít thở có ý thức, có chủ ý, và thực tập chánh niệm hơi thở một cách tự nhiên và bình thường. Và từ đó quý vị sẽ tiến tới để làm lắng động những sự thật vi tế hơn. Mỗi bước tu tập là mỗi bước tiến vào thực tại; mỗi ngày quý vị thể nhập sâu hơn để khám phá những thực tại vi tế hơn về thân và tâm của quý vị.

Hôm nay quý vị chỉ được yêu cầu theo dõi vai trò của hơi thở đồng thời quý vị cũng phải theo dõi tâm thức của quý vị, vì bản chất của hơi thở có mối quan hệ rất mật thiết với các trạng thái tâm thức của quý vị. Khi nào cấu uế, phiền não sinh khởi trong tâm, khi ấy hơi thở trở nên bất thường - chúng ta bắt đầu thở nhanh và mạnh hơn một tí. Khi những phiền não qua đi, hơi thở sẽ trở lại nhẹ nhàng. Vì vậy hơi thở có thể giúp quý vị khám phá ra thực tại không chỉ ở cấp độ thân thể mà còn ở tâm thức nữa.

Thực tại của tâm mà quý vị bắt đầu kinh nghiệm hôm nay, thói quen của nó là luôn luôn lang thang từ đối tượng này đến đối tượng khác. Nó không muốn an trú trên hơi thở, hoặc tập trung trên bất cử đối tượng đơn lẻ nào: thay vì nó chạy lung tung.

Và khi nào và nơi nào tâm thức lang thang đến? Khi thực tập, quý vị sẽ nhận ra tâm thức của quý vị rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai. Đây là thói quen của tâm; nó không muốn an trú trong giây phút hiện tại. Thực tế, chúng ta phải sống với hiện tại. Quá khứ là những gì đã qua vượt ngoài ký ức; tương lai là những gì chưa đến, ngoài tầm nắm bắt của chúng ta, cho đến khi nó trở thành hiện tại. Nhớ lại quá khứ và suy nghĩ về tương lai có giá trị quan trọng chỉ khi nào chúng giúp chúng ta giải quyết những vấn đề hiện tại. Nhưng vì thói quen đã ăn sâu, tâm thức luôn luôn tìm cách trốn khỏi thực tại và lang thang về quá khứ hoặc tuơng lai một cách vô vọng, và vì vậy tâm hoang vu này cất chứa khổ đau và bất an cho chúng ta. Phương pháp mà quý vị đang học ở đây gọi là “nghệ thuật sống”, và cuộc sống thật sự có thể sống đúng nghĩa chỉ trong hiện tại. Vì vậy, bước đầu tiên là học phương cách làm sao để sống với giây phút hiện tại, bằng cách an trú tâm vào thực tại: Đó là hơi thở đang đi vào và ra từ lỗ mũi của quý vị. Đây chính là thực tại của sát na này, mặc dù nó là một thực tại không vi tế. Khi tâm thức lang thang, hãy mỉm cười và không nên khởi lên bất cứ trạng thái căng thẳng nào, chúng ta chấp nhận điều này, vì đây là những thói quen của tâm. Ngay lúc chúng ta nhận ra tâm thức đã lang thang, ngay sau đó, nó sẽ trở lại với chánh niệm của hơi thở một cách tự nhiên.

Quý vị dễ dàng nhận ra thói quen của tâm là thường bị các vọng tưởng quá khứ hoặc tương lai đoanh vây. Những thói quen gì có mặt ở đây? Hôm nay, quý vị đã tự nhận ra rằng có những lúc các ý niệm khởi lên một cách ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào cả. Thói quen của tâm trong hình thức như vầy thường được xem như một dấu hiệu của sự bất bình thường (madness). Tuy nhiên, ở đây, tất cả quý vị đã khám phá ra rằng quý vị đang ở trong một trạng thái tâm tương đồng với tâm của người bất bình thường, khi nhận ra điều này tâm quí vị không còn vô minh, ảo giác, ảo tưởng (moha). Ngay khi có một chuỗi ý niệm phát sinh, chúng phát sinh theo đối tượng và tuỳ thuộc vào đối tượng, tâm cảm thọ lạc hoặc khổ. Nếu đối tượng làm cho tâm cảm thọ lạc thì chúng ta bắt đầu ưa thích, rồi tham đắm, chấp thủ nó (rāga). Nếu tâm cảm thọ một đối tượng là khổ thì chúng ta bắt đầu phản ứng với tâm không thích, rồi oán ghét, sân giận (dosa). Tâm thức luôn chứa đầy vô minh, tham lam và sân hận. Tất cả những tâm bất thiện khác phát nguồn cũng từ ba tâm bất thiện căn bản này, và mỗi tâm bất thiện tạo ra một đau khổ.

Mục đích của phương pháp này là thanh lọc tâm, để tâm thoát khỏi khổ đau bằng cách đoạn trừ dần những tâm bất thiện ngủ ngầm trong tâm. Đây là một tiến trình giải phẫu đi sâu vào tâm vô thức của chúng ta, thực tập theo tiến trình này để khai mở và loại trừ những tâm bất thiện vi tế tiềm ẩn bên trong. Ngay bước đầu của phương pháp tu tập là phải thanh lọc tâm thức, và đây là phương pháp quán sát hơi thở, quý vị đã hành trì không chỉ tập trung vào việc định tâm mà còn phải thanh lọc tâm nữa. Có lẽ suốt ngày hôm nay chỉ có vài giây phút nào đó tâm quý vị tập trung hoàn toàn vào hơi thở, nhưng mỗi khi tâm quý vị ở vào trạng thái này thì nó có năng lực chuyển hoá những thói quen của tâm thức. Tại giây phút đó quý vị chánh niệm với thực tại hiện hữu, hơi thở vào hoặc ra từ hai lỗ mũi, và không có bất cứ ảo tưởng nào sinh khởi. Và quý vị không thể tham muốn thở nhiều hơn nữa hoặc cảm thấy nổi giận đối với hơi thở: quý vị chỉ đơn giản theo dõi, đừng phản ứng với nó. Trong tâm niệm như vậy, tâm sẽ xuất ly khỏi ba căn bản phiền não tham, sân và si mê, đây là tâm thanh tịnh. Tâm niệm thanh tịnh ở cấp độ tỉnh thức này có tác động mạnh đến các phiền não đã tích tụ từ lâu trong vô thức. Sự tiếp xúc giữa các động lực thiện và bất thiện tạo ra một sự bùng nổ. Một số phiền não tiềm ẩn trong vô thức phát sinh trên tầng ý thức, và nó biểu hiện như những trạng thái bất an khác nhau của thân và tâm.

Khi chúng ta gặp tình huống như vậy, những nguy hiểm sẽ phát sinh, và những chướng ngại tâm sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, nên sáng suốt nhận ra rằng những gì có vẻ như chướng ngại khó khăn, thật ra chính nó là dấu hiệu của sự tiến bộ trong việc tu tập thiền định, nói tóm lại, điều này cho thấy phương pháp tu tập bắt đầu có hiệu nghiệm. Việc giải phẩu tâm vô thức đã bắt đầu, và chút ít mủ bị khuất bên trong đã bắt đầu xuất hiện ra ngoài vết thương. Mặc dù tiến trình giải phẩu tâm thức gặp nhiều trở ngại, chỉ có phương pháp duy nhất này mới lấy được mủ ung độc, loại bỏ mọi cấu uế của tâm. Nếu chúng ta tiếp tục hành trì đúng phương pháp, tất cả chướng ngại lần lượt tiêu tan. Ngày mai quý vị sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và ngày mốt lại dễ chịu hơn một tí nữa. Từng tí một, tất cả khó khăn sẽ được khắc phục, nếu quý vị nhẫn nại thực hành.

Không ai có thể tu tập thế cho quý vị; quý vị phải tự thực hành. Quý vị phải khám phá thực tại ở nơi quý vị. Và quý vị phải tự giải thoát.

VÀI LỜI KHUYÊN VỀ CÁCH HÀNH TRÌ

Suốt những giờ thiền định, quý vị luôn luôn hành trì trong nhà thiền. Nếu thiền định ở ngoài trời có sự tiếp xúc trực tiếp của mặt trời và gió, quý vị sẽ không thể tập trung đi sâu vào chiều sâu của tâm thức. Khoảng thời gian giải lao quý vị có thể ở ngoài.

Quý vị phải tu tập trong khuôn viên của trung tâm. Quý vị đang thực hành giải phẩu tâm thức của quý vị; vì vậy quý vị phải có mặt ở trong phòng giải phẩu (thiền đường).

Quyết tâm hành trì trong suốt khóa tu, nhẫn nại trước mọi khó khăn. Khi những khó khăn sinh khởi trong thời gian tu, hãy nhớ đến việc quyết tâm mạnh mẽ này. Có thể gây tác hại cho bản thân nếu từ bỏ khoá tu nửa chừng.

Tương tự, quyết tâm mạnh mẽ tuân thủ các nội qui, qui luật, trong đó điều quan trọng nhất là giới tịnh khẩu. Cũng quyết tâm tuân thủ nội qui trong thời khắc biểu, và đặc biệt mỗi ngày phải có mặt ba lần ngồi thiền tập thể mỗi lần một giờ.

Tránh ăn quá nhiều, tránh hôn trầm, và tránh nói những điều vô ích.

Khi được hướng dẫn, quý vị hãy hành trì một cách chính xác và nghiêm túc. Không than phiền bất cứ điều gì, trong suốt khoá tu hãy bỏ đi tất cả mọi việc, ngay việc đọc hoặc học tập bất cứ điều gì khác. Sự pha trộn phương pháp tu tập là một điều vô cùng nguy hiểm. Nếu quý vị chưa rõ điều gì hãy đến vị Thầy hướng dẫn để làm rõ vấn đề. Chỉ nên tuân thủ hành theo phương pháp này; nếu thực hành đúng như vậy, quý vị sẽ gặt hái kết quả mỹ mãn.

Quý vị hãy vận dụng thời giờ quí báu, cơ hội, phương pháp, để tự giải thoát khỏi những trói buộc của tham, sân, si, và thưởng thức chân an lạc, chân an hoà, và chân hạnh phúc.

Chân hạnh phúc đến với quý vị.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều hạnh phúc.

---o0o---


Source: www.buddhismtoday.com

Trình bày: Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]