Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 15

25/04/201311:32(Xem: 2897)
Phần 15

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

15

Chúng Ta Phải Học Mô Phạm Của Phật

Giảng tại Kim Sơn Tự, Canada, ngày 03/07/1989

Người học Phật phải chân chánh nhận thức mục đích của chúng ta là gì? Người học Phật là vì tương lai muốn thành Phật. Nếu không muốn thành Phật thì đừng học Phật. Học Phật phải học nguyện lực của Phật, phải học hành vi của Phật, phải học tư tưởng của Phật. Nguyện lực của Phật là không riêng gì mình thành Phật, mà còn phải phổ độ hết thảy chúng sinh đều thành Phật đạo, vì hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, nhưng vì vọng tưởng chấp trước, cho nên từ bao nhiêu kiếp đến nay, cũng không thể nào thành Phật. Vọng tưởng là gì? Vọng tưởng là tâm tham. Chúng ta nếu không có tâm tham thì không có vọng tưởng, không có tâm tham thì biết đủ, biết đủ thì khoái lạc, không biết đủ thì thống khổ, người biết đủ thì luôn luôn an lạc, người không biết đủ thì luôn luôn thống khổ. Tại sao không biết đủ? Vì có tâm tham. Tại sao lại biết đủ? Vì không có tâm tham. Nói đơn giản "Biển khổ không bờ, quay đầu là bến". Tâm tham của chúng ta so với trời còn cao hơn, so với đất còn dày hơn, hố không đáy thì không có khi nào lấp đầy được. Tâm tham gọi là gì? Phàm là những gì bạn nghĩ muốn được, không thể đắc được bạn cũng muốn được, những gì có được bạn lại muốn thêm nhiều. Ðây đều là tâm tham. Thứ tâm tham nầy khi sinh ra, thì nào là tâm tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon, tham ngủ nhiều. Vì có tâm tham cho nên đầu óc suốt ngày không ngừng tạo tội lỗi, luôn luôn đều tính toán quanh co trong đầu não, nhưng tính đi tính lại vẫn cảm thấy không đủ. Cho nên phải nghĩ biện pháp lấp đầy hố tham dục của chính mình, hố tham dục mà không đày, thì thấy cái nầy cũng cho là thật, thấy cái kia cũng cho là thật, thấy cái gì thì tham cái đó, thậm chí rác rến cũng muốn chất thành đống to, cảm thấy như vậy mới có ý nghĩa. Tại sao phải tham rác rến? Vì sinh tâm chấp trước, thì vọng tưởng rác rến không thể nào quét sạch. Vọng tưởng tham tài là rác rến, vọng tưởng tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ, cũng đều là rác rến. Những thứ nầy đều là những thứ không trong sạch, cho nên gọi là rác rến, cũng vì thế mới nói "Tài sắc danh thực thùy, địa ngục ngũ điều căn", không thể phát tâm bồ đề. Người phát tâm bồ đề thì đối với năm dục này chẳng vướng bận, không tham tài, không tham sắc, không tham danh, không tham ăn, không tham ngủ, vật gì cũng không tham, cũng không chấp trước vật gì. Nhìn xem những người tham tài vật, xem tài như mạng sống, như cha mẹ của họ, thậm chí còn thân hơn so với cha mẹ, có tiền rồi thì không còn biết tới cha mẹ. Người tham sắc thì điên điên đảo đảo, một không đủ thì tham hai, hai không đủ thì tham ba. Người như thế chết rồi nhất định làm súc sinh, làm rồng. Vì rồng thì tâm dâm dục quá mạnh, cho nên nguời tham sắc thì đoạ làm rồng, tội nặng thì đọa địa ngục. Cho đến tham ăn, tham ăn ngon, ăn ngon lại như thế nào? Bất quá ăn no rồi thì không thể ăn được nữa, hơn nữa ăn đồ ngon khi ăn no rồi thì lại có phiền não. Ngủ thì ngủ nhiều, lại muốn ngủ nhiều, thậm chí ngủ không tỉnh dậy. Người vì chấp trước tài sắc danh thực thùy năm dục, cho nên ngày càng không có trí huệ, tự tính ngày càng không trong sạch, tham lam rác rến với pháp nhiễm ô, cho nên tự tính trí huệ quang minh không linh nghiệm. Nghĩ muốn lộ ra trí huệ quang minh thì đừng có tâm tham, đừng tham tài, đừng tham sắc, đừng tham danh, đừng tham ăn, đừng tham ngủ, có thể đoạn được năm dục này thì là nguyện lực của Phật. Phật tu phước tu huệ, tu ba đại A Tăng kỳ kiếp (một tăng một giảm là một kiếp, tuổi thọ con người cứ một trăm năm thì tăng một tuổi, cao thêm một tấc, từ mười tuổi tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi, và một trăm năm giảm xuống một tuổi, lại từ tám vạn bốn ngàn tuổi giảm xuống đến mười tuổi gọi là một kiếp, một ngàn kiếp gọi là một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp hợp thành một trung kiếp, bốn trung kiếp hợp lại thành một đại kiếp). A Tăng Kỳ kiếp là nhiều đại kiếp không có số lượng. Tu phước thì tận sức làm việc thiện, tu huệ thì học văn tự Bát Nhã, cũng có thể nói là làm các việc thiện là tu phước, đừng làm các điều ác là tu huệ, cho nên phải phước huệ viên mãn mới có thể thành Phật. Phật trong ba đại A Tăng kỳ kiếp và trong trăm kiếp tu phước tu huệ, việc thiện nhỏ nhất Ngài cũng làm, còn việc ác nhỏ nhất Ngài cũng không làm, trải qua thời gian lâu dài mới thành Phật. Do đó phàm là người tín ngưỡng Phật, tin pháp của Phật nói, cũng tin đệ tử của Phật và hết thảy chư Tăng. Chúng ta học Phật nhất định phải học nguyện lực của Phật. Nguyện lực của Phật là tự mình thành Phật rồi, lại muốn độ hết thảy chúng sinh đều thành Phật, mình đã đắc được quả bồ đề, đắc được đại trí huệ, đại an lạc. Cho nên cũng muốn hết thảy chúng sinh cùng hưởng đại trí huệ và đại an lạc. Chúng ta là người học Phật phải nhớ đừng tranh, đừng tham, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng nói dối, đừng hướng ngoại truy cầu, đây là bước sơ bộ trên đường đạo. Nguyện lực của Phật thì vô lượng vô biên, sâu rộng như biển cả. Nhưng chúng ta không thể nói biển cả quá sâu rộng, chúng ta học không được thì không học. Chúng ta phải học nguyện lực của Phật từng chút, từng chút. Chúng ta phải xả mình vì người, phải học hạnh của Phật Thích Ca, xả thân cứu cọp đói, lóc thịt cứu chim ưng, bị vua Ca Lợi chặt chân tay, trong tâm cũng không sinh tâm sân hận, phải có tinh thần nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn, bố thí, thiền định, thì có thể sinh trí huệ Bát Nhã, đây là lục độ vạn hạnh, chỉ cần tiến về trước tu thì đồng thời sẽ đầy đủ.

Tuy nhiên nguyện lực của Phật rộng lớn, nhưng nguyện lực của chúng ta cũng không nhỏ. Chỉ cần phát nguyện lực của Phật, thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ thành công, sẽ đạt được mục đích.

Hành vi của Phật thì không làm các điều ác, mà chuyên làm các việc thiện, luôn luôn chiếu cứ mình, không bao giờ phá hoại kẻ khác, đó là hành vi lợi người mà không hại người, là cứu người mà không giết người. Ngài khiến cho chúng sinh khai đại trí huệ, không phải dùng chính sách ngu si để lường gạt chúng sinh. Cho nên hành vi của Phật tối cao vô thượng. Tư tưởng của Phật là từ bi hỷ xả. Từ là ban vui cho chúng sinh. Bi là cứu khổ, lợi dụng tâm bi để giải trừ thống khổ của chúng sinh. Hỷ là hoan hỷ đối với hết thảy chúng sinh. Chúng sinh chưởi mắng Ngài cũng hoan hỷ, chúng sinh đánh Ngài cũng hoan hỷ, thậm chí giết Ngài, Ngài cũng hoan hỷ không sinh tâm sân hận. Xả là xả những gì chúng sinh không thể xả. Phần đông xả không đặng nhưng Ngài xả được, phần đông đều tham muốn nhưng Ngài không tham muốn. Cho nên Ngài thì không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, cũng không nói dối. Vì Ngài không muốn lường gạt người, cho nên Ngài hết thảy đều đầy đủ, không hướng ngoại truy cầu, không làm những việc ngu si. Ðó là nguyện lực, hành vi và tư tưởng của Phật. Chúng ta mỗi ngày tự suy nghĩ xem, nguyện lực của ta và nguyện lực của Phật như thế nào? So sánh hành vi, tư tưởng của ta với Phật như thế nào? Có thể mỗi ngày so sánh như thế, thấy thiện thì bắt chước làm theo, thấy không thiện thì tự cảnh tỉnh ; thấy kẻ tốt, người thiện, người đại trung, đại hiếu, đại tín thì làm theo ; thấy người không thiện thì tự mình hồi quang phản chiếu, mình có làm những việc hợp lý chăng? Những việc ngu si chăng? Suy nghĩ như thế thì có thể những gì mình không muốn thì không thí cho người, nếu được như thế thì là bồi phước bồi huệ bắt đầu phát tâm đại bồ đề.

Ý Nghĩa Ðạo Ðức Và Thực Tiễn

Giảng tại Ðàn Hoa Tự Hạ Uy Di ngày 22/07/89

Luân lý tư tưởng đạo đức Trung Quốc, hoàn toàn bao quát ở trong đạo. Cho nên:

"Ðạo năng sinh ngã,

Ðức năng trưởng ngã"

Nghĩa là:

"Ðạo sinh ra tôi,

Ðức nuôi lớn tôi".

Ðạo đức là chánh khí của trời đất, là cơ sở tính ưu phẩm nhất của nhân loại, đó là đức tính vốn đầy đủ của mỗi người. Chương thứ nhất trong Ðạo Ðức Kinh có nói:

"Ðạo khả đạo, phi thường đạo,

Danh khả danh, phi thường danh.

Vô danh, thiên địa chi thủy,

Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Cố thường vô dục dĩ quán kỳ diệu,

Thường hữu dục dĩ quán kỳ triệt.

Kỳ lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn".

Ðây là cái diệu vô danh tức là phỏng chiếu theo đạo. Ðạo chân chánh không thể gọi là hình trạng, cho nên Thái Thượng Lão Quân lại nói:

"Ðại đạo vô hình, sinh dục thiên địa ;

Ðại đạo vô tình, vận hành nhật nguyệt ;

Ðại đạo vô danh, trưởng dưỡng vạn vật,

Ngô bất tri kỳ danh, cường danh viết đạo".

Mẹ của vạn vật không có pháp để đặt tên, tuy miễn cưỡng gọi là "Ðạo", nhưng cũng là bản tính của mọi người, nương vào đây thì có thể tu thành Phật. Cho nên Ðức Phật nói:

"Hết thảy chúng sinh,

Ðều có phật tính,

Ðều có thể thành Phật".

Kết cấu chữ "Ðạo"(道), phía trên có hai điểm (' ') là chữ người biến thành. Hiền nhân tạo tự, thật là áo diệu. Hai điểm này cũng là âm dương, tức là vô cực sinh thái cực, chiếu âm dương trong thái cực đồ. Trên thân người có hai con mắt, trên trời có nhật nguyệt. Cho nên trong Kinh Dịch có nói:

"Một âm một dương là đạo,

Lệch âm lệch dương là tật".

Ðạo thì vô cùng vô tận, ngũ hành bát quái đều do đạo mà diễn biến ra. Gạch kế dưới là chữ nhất (一). Gốc là số 0. Số 0 là gốc của vạn hữu. Nó không có số mục, nhưng nó là bổn thể của tất cả số mục, không lớn không nhỏ không trong ngoài, tuần hoàn vô đoan. Bên cạnh số 0 thêm số 1 thì thành 10. 10 thêm số 0 thì thành 100. 100 thêm số 0 thì thành 1000. 1000 thêm số 0 thì thành 10000. Nếu cứ thêm mãi thì vô cùng vô tận. Cho nên:

"Một gốc tán làm vạn thù,

Vạn thù lại quy về một gốc".

Nếu không thêm nữa thì trở về bổn hữu số 0. Tức là một số mục cũng chẳng có. Số 0 này tức là vô cực, từ vô cực sinh thái cực, từ thái cực tiếp tục sinh trời đất vạn vật.

Số 0 này nếu triển khai ra thì thành chữ nhất (一). Cho nên:

"Trời được một là thanh,

Ðất được một là yên,

Người được một là Thánh".

Làm thế nào để được chữ nhất (一)?

1. Ðầu tiên phải cách vật, từ cách vật mới có thể tu thành nhất (一), lại từ nhất (一) biến trở lại số 0. Số 0 này trong Phật giáo gọi là đại quang minh tạng. Cách vật tức là cách trừ vật dục, như tài sắc danh ăn ngủ năm dục, đều phải cách trừ, mới có thể khôi phục linh minh giác tính vốn có, trở về cội nguồn.

2. Chí tri: Vật dục hết sạch thì trí huệ hiện tiền ; có thể xúc loại bàng thông, cũng giống như tấm gương, vật đến thì ứng, vật đi thì lặng.

3. Thành ý: Ðối người tiếp vật phải chí kính tồn thành, khẩn thiết thành thực.

4. Chánh tâm: Không tồn tại tà niệm. Cho nên:

"Chánh niệm thì Phật tại nhà,

Tà niệm thì ma tại đường".

Người tu đạo không nên nói cười cẩu thả, không nên coi thường cử chỉ hành động, phải giữ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, không thể đồng lưu hợp ô.

5. Tu thân: Phải thương tiếc thân thể của mình, tôn trọng nhân cách, từ vua cho đến dân, phải lấy việc tu thân làm gốc.

6. Tề gia: Tu thân rồi mới hòa mục gia đình, thuận nghĩa vợ chồng, cha từ con hiếu, huynh hữu đệ kính.

7. Trị quốc: Gia đình là đơn vị cơ bản của quốc gia, gia đình hòa mục thì tự nhiên quốc thái dân an.

8. Bình thiên hạ: Từ trị quốc rồi mới đến bình thiên hạ. Ðây là tám điều mục phân minh, là con đường làm người xử thế phải tu. Nhất định phải tại chỗ này mà hạ thủ công phu, cho nên đừng hướng ngoại truy cầu, phải cung hành thực tiễn. Cho nên:

"Nghĩ muốn thiên hạ tốt,

Trước phải tự làm gương".

Tôi là một phần tử của nhân loại, tự mình chưa làm tốt, làm sao khiến cho toàn nhân loại đều tốt? Mọi người đừng giống như máy giặt đồ, chỉ biết giặt đồ cho người khác, trong khi đồ của mình dơ mà chẳng chịu giặt. Cũng đừng giống như máy nhiếp ảnh, ánh sáng chỉ chiếu bên ngoài mà không chiếu được bên trong của chính mình. Ðó là máy móc, nhưng con người là thứ linh trong vạn vật, phải dung thân làm khuôn phép.

Nhan Hồi hỏi chữ nhân, Khổng Tử đáp: "Khắc kỷ phục lễ là nhân". Khắc kỷ tức là luật kỷ, tức là tâm không còn tà niệm, thân không làm việc tà, miệng không nói lời gạt người. Tất phải luật kỷ, mới có thể phục người. Cho nên "thân chánh trực, không bảo mà làm ; thân bất chánh tuy bảo mà không theo". Phải chánh mình rồi sau mới dạy người, giáo hóa người, giúp người.

"Nhân, nghĩa, lễ, trí, là gốc nơi tâm, từ đó mới sinh ra sắc tướng, mặt mày sáng sủa, vai nở rộng giúp cho tứ thể, tứ thể không nói mà bảo rõ". Nhân nghĩa lễ trí là gốc tự nhiên, thiên tính của con người, bạn phải phát dương từ trong nội tâm thì tự nhiên sẽ hiển lộ thứ quang trạch, đây mới là đức quang phổ chiếu, có duyên với mọi người, tùy thời tùy lúc, từ hình thái, nghị biểu trong lời nói, tịch mặc động tĩnh đều hiển lộ thứ đức quang này. Cho nên có câu:

"Hữu đức nhân nhân thân,

Hữu đạo người người kính ;

Ðạo cao long hổ phục,

Ðức trọng quỷ thần khâm".

Thứ đức tính này hợp với đức của trời đất, hợp với ánh sáng của mặt trời mặt trăng, hợp thuận với bốn mùa, hợp cát hung của quỷ thần. Lại rằng:"Ðầy thật gọi là đẹp". Cái đẹp này chẳng phải là tô son đánh phấn mà là đạo đức tràn đầy mới gọi là thật đẹp của con người. "Ðầy thật mà có quang chiếu gọi là đại, đại mà hóa gọi là Thánh, Thánh mà bất khả tri chi gọi là thần". Tại sao bạn có kẻ địch? Vì đức hạnh của bạn chưa sung mãn, trong Phật giáo không có kẻ địch. Người đánh ta, ta không đánh người ; người mắng ta, ta không mắng người. Cho nên:

"Không tham, không tranh, phước lộc vô biên ;

Tranh tham quấy nhiễu, tội nghiệp liên thành".

Lại xem chữ "Ðạo" (道), phía dưới là chữ "Tự", tức là đạo tại chính mình, chẳng phải hướng ngoại truy cầu, cũng chẳng phải bằng vàng bạc hoặc thủ đoạn làm được, mà phải tự mình hạ công phu. Sai một ly đi ngàn dặm. Hai phẩy (' '), chữ "Nhất" và chữ "Tự" hợp lại là chữ "Thủ", cũng là đầu. Tu đạo là một việc đại sự đầu tiên, nhưng tiếc thay, người đều quên mất bỏ gốc tìm ngọn.

"Danh lợi việc nhỏ người người ham,

Sinh tử việc lớn chẳng ai màng ;

Thanh tịnh là phước chẳng ai hưởng,

Phiền não là tội ai cũng tham".

Bên trái chữ "Ðạo" là bộ "Sước" (đi). Ý nghĩa chữ "Ðạo" là tự mình đi.

"Ðạo thì phải hành, không hành sao có đạo,

Ðức thì phải làm, không làm sao có đức?"

Do đó mọi người phải tự mình tạo đức hạnh. Không phải gọi người làm còn mình thì không làm, đây gọi là "xả mình vì người". Lại nữa, không hại người là "Ðạo", giúp người là "Ðức". Nếu tổn người lợi mình thì thiếu đạo khuyết đức.

Ðạo quý tại cung hành thực tiễn. "Giàu nhuận phòng, đức nhuận thân". Bạn có tu hành thì quang diệu mỹ đại Thánh thần, có thể phát ra bên ngoài. Tôi không hiểu cao đàm khoát luận, chỉ giảng những lời lão lão thực thực này.

Lão Thực Học Phật, Hưng Thạnh Chánh Pháp

Giảng tại Chùa Kim Luân ngày 05/9/1989

Tôi Hy vọng các bạn những người học Phật, đều phải lão lão thực thực học Phật, đừng học những thứ kỳ kỳ quái quái. Tâm bình thường là đạo, trực tâm là đạo tràng ; tâm mà cong thì không phải là đạo tràng, tâm không bình thường cũng không phải đạo tràng. Cho nên đừng học thần thông, đừng tham thần thông. Vì một khi tham thì không tương ưng với thần thông. Thần thông tức là trí huệ, phải nghĩ học trí huệ thì trước phải học lão thực, lão lão thực thực niệm Phật, lão lão thực thực học giáo lý, lão lão thực thực trì Chú, lão lão thực thực nhìn rõ hành vi của mình. Ði, đứng, nằm, ngồi không trái với Phật pháp, giới luật, đó là đệ tử chân chánh của Phật. Nếu khẩu thị tâm phi, miệng thì niệm Phật, trong tâm khởi vọng tưởng:"Phải chi trúng vé số thì hay quá, trúng lô độc đắc thì được mấy triệu". Như thế thì chẳng hiểu Phật pháp.

Người hiểu Phật pháp, thì không khởi vọng tưởng như thế, khởi vọng tưởng như thế thì mắc bệnh tham cầu. Còn muốn tranh, tại sao muốn tranh? Vì có lợi xí đồ cho nên có tranh đoạt, nói rộng ra thì nước này với nước kia tranh lợi, cho đến chính mình tranh chính mình cũng vì lợi, phải xem nhẹ lợi lộc thì vấn đề gì cũng giải quyết được. Danh lợi vốn là giả, nhưng ai ai cũng tham và lợi ai ai cũng xả chẳng đặng, phải nhìn thủng hai chữ danh lợi, buông đặng thì tự tại, không còn vọng tưởng. Người sở dĩ có vọng tưởng là vì bị danh lợi chi phối, giao động. Tại sao giao động? Vì không có định lực, nhận không rõ ràng hai thứ danh lợi là giả. Ai ai cũng đi làm kiếm tiền, mà không có ai đi học Phật, vì học Phật không kiếm ra tiền, cho nên không ai chú trọng đến. Nếu học Phật mà kiếm ra tiền thì mọi người cũng sẽ đến học.

Nhưng phải biết, kiếm tiền là thứ hữu hình, có ngày sẽ hết, còn học Phật pháp là thứ giàu có vô hình vô tướng, là tư lương pháp thân huệ mạng, khiến cho bạn có đại trí huệ, vun bồi đại thiện căn của bạn tương lai sẽ thành Phật.

Lần này, tôi thỉnh các vị trưởng lão các nước thế giới vì những người tân học giới để truyền thọ giới pháp, việc này rất là quan trọng. Vì lúc Phật còn tại thế thì lấy Phật làm thầy. Phật nhập Niết Bàn rồi người xuất gia đều phải lấy giới làm thầy. Cho nên ý nghĩa "tam đàn đại giới" này tương đối thâm viễn.

Ngoài ra tôi còn có mấy câu quan hệ với Phật giáo nên phải nói, đó là chúng ta phải "dĩ thân tắc tắc", làm mô phạm cho Phật giáo thế giới, làm cho chánh pháp hưng thịnh lại. Các bậc trưởng lão ngoài bảy mươi tuổi đều có thể về hưu, nhưng các vị tu sĩ trẻ phải dũng mãnh tinh tấn hoằng dương Phật pháp. Còn một điểm nữa là Phật giáo đồ phải kính lão tôn hiền. Tu sĩ trẻ đối với những bậc trưởng lão, hoặc những bậc trưởng lão có đức hạnh phải đặc biệt tôn kính, tôi tuy đã già nhưng tôi muốn làm người trẻ để làm những việc quan trọng, ý kiến này không biết mọi người cảm thấy thế nào? Tôi rất quan tâm đối với Phật giáo cho nên nói như thế.

Mạng Người Vô Thường Trong Hơi Thở

Giảng ngày 12/10/89 tại Hoa Liên Thị Ðài Loan

Các vị Thiện tri thức!

"Nhân sinh thất thập cổ lai hy

Tiên trừ thiếu niên hậu trừ lão

Trung gian quang cảnh bất đa thời

Hựu hữu nhất bán thùy trước liễu."

Tạm dịch:

"Tuổi thọ bảy mươi xưa nay hiếm

Trước bỏ thiếu niên sau bỏ già

Thời gian còn lại chẳng là bao

Lại mất một nửa vì ngủ nghỉ."

Người bây giờ hiểu rõ thuật sống lâu, thọ mạng tăng thêm rất nhiều. Người xưa sống đến bảy mươi tuổi rất ít. Tôi nghĩ sự nóng giận người xưa đại khái rất lớn, không thể dưỡng sinh đạo. Ðời người, tuổi niên thiếu bỏ đi mười lăm tuổi, vì mười lăm tuổi đầu là lúc học làm người. Tuổi già cũng bỏ đi hết mười lăm tuổi, vì tuổi già đầu óc đần độn, tai điếc mắt mờ, thân thể yếu kém. Khoảng giữa còn lại bốn mươi tuổi. Trong bốn mươi năm thì ngủ nghỉ chiếm hết phân nửa, ngoài ra còn ăn cơm, mặc quần áo, đi nhà cầu cũng mất khá nhiều thời gian. Thời gian còn lại để tu, làm việc thiện chẳng là bao.

Thời xưa có người lại nói:

"Nhân tâm bất túc xà thôn tượng".

Ý nghĩa là nói:

"Suốt ngày bận rộn chỉ vì đói,

Hết đói lại nghĩ đến quần áo,

Cơm áo hai thứ đều đầy đủ,

Trong phòng lại thiếu cô vợ đẹp,

Cưới hỏi vợ đẹp và thiếp xinh

Ra vào không xe và phi cơ,

Có xe và phi cơ rồi,

Lại không quan chức bị người khinh,

Năm phẩm bốn phẩm hiềm quan nhỏ,

Ba phẩm hai phẩm cũng hiềm thấp,

Nhất phẩm làm tể tướng đương triều,

Lại muốn lên ngôi làm hoàng đế,

Một khi lên ngôi làm hoàng đế,

Lại muốn đánh cờ với Thần Tiên.

Mộng đẹp của con người vĩnh viễn không thể mãn túc, cho nên nói "Nhân tâm bất túc xà thôn tượng" (Lòng người không đủ như rắn nuốt voi).

Thời xưa có ba người già, người trẻ nhất là sáu mươi tuổi, một người bảy mươi tuổi và một người tám mươi tuổi.

- Người sáu mươi tuổi nói: "Năm nay qua rồi không biết năm tới có còn chăng?"

- Người bảy mươi tuổi nói: "Tối nay cởi giày ra rồi không biết ngày mai còn hay chăng?"

- Người tám mươi tuổi nói:"Hiện tại hơi thở thở ra, không biết có hít vào nữa không?" Ðủ thấy mạng người vô thường, ngắn ngủi tại hơi thở.

Có một bài kệ rằng:

"Nhân sinh nhất tràng mộng,

Nhân tử mộng nhất tràng,

Mộng lý hữu vinh qúy,

Mộng tỉnh tại cùng hương,

Triều triều tại tác mộng,

Bất giác mộng hoàn lương,

Mộng trung nhược bất tỉnh,

Uổng tác mộng nhất tràng".

Nghĩa là:

"Ðời người một giấc mộng,

Chết đi một giấc mộng,

Trong mộng giàu vinh hoa,

Tỉnh mộng lại bần cùng,

Sớm tối đều nằm mộng,

Không giác mộng hoàn lương,

Trong mộng nếu không tỉnh,

Uổng thay một giấc mộng."

Nhân sinh chỉ có nhìn xuyên thủng, buông xả mới là chân chánh khoái lạc tự tại.

Trong Kinh Kim Cang có nói:

"Hết thảy pháp hữu vi,

Như mộng huyễn bọt bóng,

Như sương cũng như điện,

Hãy quán chiếu như thế".

Làm Thế Nào Cứu Vãn Kiếp Vận

Giảng ngày 23/10/89 tại Ðài Loan Phật giáo Tân Văn

"Hết thảy pháp hữu vi

Như mộng huyễn bọt bóng

Như sương cũng như điện

Hãy quán chiếu như thế".

Hết thảy pháp hữu vi tức là hết thảy pháp có sở tác vi, có biểu hiện, có hình tướng, tức cũng là pháp thế gian. Hết thảy pháp thế gian đều gọi là pháp hữu vi. Pháp vô vi không phải như mộng huyễn bọt bóng, cũng chẳng phải như điện như sương. Pháp hữu vi thì không cứu kính, không triệt để, là vô thường nhưng pháp vô vi thì không sinh diệt, không bắt đầu cũng không kết thúc, không hình không tướng, pháp không thể biểu hiện. Pháp vô vi có nhiều loại. Ðây là nói vô vi mà vô bất vi, đại tạo đại hóa, thứ pháp vô vi này không dễ gì tu hành, cũng không dễ thấu hiểu.

Người phần đông đều chấp trước pháp hữu vi, cho nên từ sáng đến tối truy cầu danh lợi, trôi nổi trong biển nghiệp, một khi không cẩn thận thì bị biển nghiệp, gió nghiệp thổi không để lại hình ảnh dấu vết, mà không biết đọa lạc vào loài nào. Nhân loại trên thế gian rất nhiều, nhưng loại súc sinh cũng không ít, địa ngục ngạ quỷ cũng lắm. Cho nên trong nhân đạo không dễ gì mà đứng vững được. Vì biển nghiệp trôi nổi phiêu bạt, khiến cho chúng ta đầu não hôn mê, không phân biệt được đông tây nam bắc. Hiện tại thời kỳ chúng ta là thời đại mạt pháp. Cho nên "Mạt pháp" tức là pháp sớm không còn nữa, đã đến đoạn cuối mà ai ai cũng quên mất pháp gốc, kết quả càng truy tầm càng không được chân lý, tìm không được chân lý thì nghĩ muốn quơ lấy một thứ đồ, quơ lấy đồ giả đó là pháp hữu vi, mà không biết căn bản pháp vô vi, cho đến danh từ cũng quên luôn, cho nên thành mạt pháp.

Không chỉ Phật giáo là mạt pháp mà các tôn giáo khác cũng đi trên con đường mạt pháp. Thiên Chúa giáo từ năm 1963 có rất nhiều người truyền giáo đều không giữ quy cụ. Tu nữ thần phụ, Mục sư cũng đều biến thái. Phật giáo cũng như thế, đều chuyển theo thời đại. Một khi chuyển thì chuyển đến thời đại mạt pháp. Cho nên tôi thường nói thế giới đến thời kỳ mạt pháp, hết thảy nhân sĩ các tôn giáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, mà giáo dục xã hội ngày nay, cũng đi trên con đường đó, không giống như trước, từ người giáo dục vì giáo dục mà giáo dục, muốn tạo thành những người hữu ích cho thế giới. Thời xưa những vị học giả luôn quan tâm lo lắng, vì nghiên cứu học vấn mà bạc đầu, không nghĩ làm sao để nổi danh trong xã hội, làm người học giả hoặc nhà giáo dục có danh vọng, họ hoàn toàn không có nghĩ như thế. Họ nghiên cứu làm thế nào để tạo đống lương nhân tài, di phong dịch tục, cải tạo thế giới. Ðây là tác phong và tinh thần của các vị học giả thời xưa.

Học giả và thầy giáo bây giờ, dạy học sinh làm thế nào để được danh vọng, lợi ích. Thời xưa học giả là vì minh lý tức là "Cách vật, trí tri, chánh tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Dùng tám hạng mục này khiến học sinh tài bồi giáo dục tư tưởng chánh đáng, có phẩm đức cao đẹp ; nhưng học giả và thầy giáo bây giờ cổ động người uống thuốc mê huyễn, cổ động học sinh uống thuốc ngừa thai, không hiếu thuận cha mẹ, tạo ra những thành phần xấu xa của xã hội. Xã hội một ngày không như một ngày, cho nên các vị thầy giáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hiện tại trên truyền hình chiếu những tiết mục đều khiến cho người điên đảo, theo chiều hướng hạ lưu, từ đây nhìn lại tâm người không như xưa, quên mất đạo đức luân lý, đó là có nhân duyên. Thanh thiếu niên chân đứng không vững, không có định lực, đây chẳng phải là một nhân tố tạo thành, mà là do nhiều nhân tố tạo thành. Việc này thật là đáng thương xót. Cho nên phàm là tông giáo, giáo dục, nhân sĩ phải sớm thay đổi tư tưởng và hành vi, như thế thì tạo kiếp thế giới cũng có cơ hội vãn hồi, nếu dĩ vãng trường cửu mà không cải thiện thì ngày cuối của thế giới sớm sẽ lai lâm.

Như vậy có phương pháp cứu vãn chăng? Có. Vì hết thảy đều do tâm con người chuyển. Tâm con người tốt thì thế giới tốt, tâm con người xấu thì thế giới xấu, ngày cuối sẽ đến. Nếu muốn đừng có mạt pháp, ngày cuối lai lâm, thì mọi người phải đả khởi tinh thần từ việc cứu người trong cuồng phong bạo vũ, không phải bảo bạn xả bỏ thân mạng của bạn đi cứu người, mà là làm cho cuồng phong bạo vũ ngừng lại. Các vị nhìn xem, các nơi đều có thiên tai nhân họa, thủy tai, phong tai, hỏa tai, chiến tranh. Vì những tai nạn mà khiến cho vô số người chết. Những tai nạn nhỏ như tai nạn máy bay, xe lửa, xe hơi .v.v., cũng không biết bao nhiêu người chết. Những tai nạn như thế phát sinh, đều từ tâm con người tạo thành, nhưng mỗi người đều chưa giác ngộ, không nhận trách nhiệm mà đẩy lỗi sang người khác, chẳng một ai hồi quang phản chiếu nói:"Thế giới không tốt, là do tôi không tốt", không có ai nghĩ như thế, cho nên thế giới càng ngày càng tồi tệ, một ngày không như một ngày.

May thay có một biện pháp có thể cải biến, không những không phí sức, lại không tốn tiền, đó là tất cả mọi người trên thế giới đừng ăn thịt, nên ăn chay, không sát sinh mà phóng sinh, như vậy thì các tai nạn trên thế giới sẽ tiêu diệt trong vô hình, cho nên việc ăn chay rất quan trọng. Các tai nạn xảy ra đều do sát sinh mà kết thành oán khí, đầy khắp vũ trụ mới hình thành, đủ thứ tai nạn. Nếu ai ai cũng đừng sát sinh, hãy phóng sinh, không ăn thịt thì tư tưởng bạo lực của con người sẽ tiêu diệt. Tại sao con người lại táo bạo, nóng giận? Ðều vì ăn thịt. Ăn thịt sẽ tăng thêm dục niệm, khiến cho người sân hận, không có tâm từ bi. Cho nên muốn thế giới không có tai nạn thì phải sớm giữ giới sát sinh, hãy phóng sinh, không ăn thịt chúng sinh để vãn hồi tạo kiếp sẽ lai lâm.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]