Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 11

25/04/201311:30(Xem: 3088)
Phần 11

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

11

Người Vì Tài Mà Chết chim vì ăn mà bỏ mạng

Giảng ngày 03/11/87 tại Kim Phong Tự

"Người chết vì tài, chim chết vì ăn". Cái nào đúng? Trước khi trả lời vấn đề này, tôi muốn nói với mọi người, ngày mai tôi sẽ đi, các vị muốn tôi nói vài lời, cho nên tôi nói vài lời khuyên người ăn năn hối cải. Những lỗi gì? Rất bình thường, tức là bất cứ tôi đến đâu, phàm là người đến nghe tôi thuyết pháp, tôi đều dụng tâm thành gia trì hồi hướng cho họ:" Khiến cho họ ma chướng lớn biến thành nhỏ, ma chướng nhỏ biến thành không ; tai nạn lớn biến thành nạn nhỏ, tai nạn nhỏ hóa thành không ; bệnh nặng biến thành bệnh nhẹ, bệnh nhẹ biến thành không". Ðây là nguyện lực của tôi, nhưng tôi không muốn nói, hôm nay mới nói. Bất cứ ai đến nghe pháp, tôi đều đã gia bị, cho nên không cần gia bị nữa. Có người nói:"Sư phụ, sao Ngài không nói sớm!" Tôi không nói sớm vì sợ các bạn đem nhiều vấn đề đến mà tôi không thể giúp bạn được. Hiện tại phải đi, có đến cũng không kịp ăn năn hối cải.

Người thành tâm với Phật sẽ có cảm ứng, người không thành tâm với Phật sẽ không có cảm ứng. Cho nên bất cứ là Chùa Kim Sơn, Chùa Kim Phong, Chùa Kim Phật, Chùa Kim Luân hoặc Vạn Phật Thành, mọi người đều thành tâm học Phật pháp, chỉ biết lão thực học Phật pháp cũng không mua danh chuộc tiếng khen, cũng không tranh danh đoạt lợi. Hoặc có người nói người xuất gia cũng tranh danh đoạt lợi. Không sai, là có nhưng tôi hỏi bạn họ làm như thế có đúng chăng? Hay là không đúng? Nếu đúng thì bạn học, còn nếu không đúng thì bạn đừng học.

Bây giờ trở về vấn đề chính. Tôi cảm thấy tục ngữ Trung Quốc có chỗ tự tướng mâu thuẫn. Cho nên trưa hôm nay tôi đề ra thảo luận, hỏi:

"Người chết vì tài,

Chim chết vì ăn".

Hai câu này có đúng chăng? Hay là không đúng? Hai câu đúng hết hay là sai hết? Hay là một câu đúng, một câu sai? Kết quả còn phân vân. Có người nói một câu đúng, một câu sai. Tôi nói với các vị:"Người chết vì tài", câu này không đúng, người là vì sắc mà chết. "Chim chết vì ăn" là đúng. Chim vì sinh tồn, không thể không tìm thức ăn. Nhưng con người so với chim có trí huệ hơn, nhưng hiện tại con người, không những so với chim không có trí huệ hơn mà so với chim còn ngu hơn.

Chim tìm vật ăn, trực tiếp ăn để duy trì sinh mạng, không thể dùng giấy bạc màu mè để mua. Người bây giờ không dùng vàng bạc mà dùng giấy bạc. Con người chấp trước vào những tờ giấy hoa hòe (giấy bạc), vì nó mà bận rộn.

Con người có thật vì tài mà chết chăng? Không phải, mặt sau chữ tài có chữ sắc thúc đẩy. Con người vì sắc mà chết. Nếu tinh, khí, thần của con người không tổn thương thì sẽ trở về cội nguồn, minh tâm kiến tánh, khai đại trí huệ. Sinh tử sẽ do mình làm chủ. Vua Diêm Vương không thể quản bạn được, lúc đó muốn sống mấy ngàn năm thì có thể sống mấy ngàn năm. Nếu muốn chết lập tức liền vãng sinh.

Tôi lại hỏi:"Tại sao con người ăn cơm? Bạn phản đối hay không phản đối, ăn cơm, mặc quần áo, ngủ, nghỉ? Sống có ý nghĩa gì? Và kiếm tiền lại có ý nghĩa gì?". Nếu như con người chỉ tràn đầy dục vọng của mình thì người đó sống chẳng có ý nghĩa và giá trị gì hết. Tôi nói rõ là con người không phải vì ăn mà sống. Con người sống phải có công với đời, có đức với dân, có lợi cho thiên hạ. Không thể chỉ nghĩ riêng về phần mình. Như vậy không thể được. Như thế thì sống hồ đồ có ý nghĩa gì? Con người phải:

"Từ bi thế trời tuyên hóa,

Trung chánh vì nước cứu dân".

Con người phải vì hạnh phúc của người khác, không phải vì mình tìm nhà đẹp, y phục tốt, ăn đồ thượng hạng. Con người chỉ cứ hưởng thụ thì ngu bất khổ cập. Tại sao? Vì thân thể của bạn không phải là sở hữu của bạn, cũng không phải là "bạn".

Ðối với thân thể của bạn, bạn làm chủ không được. Bạn hỏi:"Tại sao? Thân thể của tôi sao không phải là của tôi?" Thân thể của bạn nếu là của bạn, thì khi bạn già rồi mắt phải đừng mờ, được chăng? Tai phải đừng điếc, răng đừng rụng được chăng? Bạn nói:"Mắt tôi có bệnh thì mổ, răng rụng thì thế răng giả". Nhưng bạn đối với thân thể của bạn không làm chủ được, không thể kêu mắt đừng mờ, tai đừng điếc, răng đừng rụng.

Con người do từ nhỏ rồi trưởng thành, trưởng thành rồi già, già rồi chết. Lưu chuyển trong vòng sinh tử luân hồi, giống như bánh xe. Bạn làm chủ không được thì bị luân hồi sai khiến, lưu chuyển trong vòng luân hồi. Cho nên con người không phải vì tài mà chết, tài bất quá là thứ bảo vệ sắc dục. Kết quả con người còn là vì sắc mà chết. Bị sắc mê rồi thì có sinh tử, không mê thì dứt sinh tử, khác biệt chỉ có chỗ này. Có người nói:"Ai ai cũng như thế". Ðó là vì ai ai cũng hồ đồ, đều không biết mình từ đâu sinh ra? Chết đi về đâu?

Từ xưa đến nay con người đều lưu chuyển trong vòng sinh tử, không cách chi ra khỏi được. Sinh rồi lại chết, chết rồi lại sinh.

Tục ngữ có câu:"Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Con người hiện nay có thể sống tám, chín mươi tuổi. Người xưa sống đến bảy mươi tuổi đã rất hiếm. "Trước bỏ thiếu niên, sau bỏ già". Mười lăm năm đầu thông minh lanh lợi, có trí huệ cũng không thể làm gì được, mười năm đầu vốn là đứa con nít có thể làm được gì? Mười lăm năm phần cuối cuộc đời cũng chẳng làm được gì vì quá già. Cho nên trừ bỏ trước mười lăm năm, sau mười lăm năm, còn lại bốn mươi năm. Trong bốn mươi năm, ngủ đã mất hết một nửa khoảng hai mươi năm, lại thêm mặc đồ, ăn cơm, đi cầu tiêu, nhảy đầm, xem ti vi .v.v. Bạn còn thừa lại bao nhiêu thời gian? Còn không dùng thời gian này đến nghe pháp. Nếu như nghe mà hiểu một câu, thì pháp thân huệ mạng của bạn sống lại, trí huệ sẽ tăng trưởng.

Các bạn nghĩ xem. Tranh danh đoạt lợi có ý nghĩa gì? Hiện tại nam nữ lại nói ái tình, đồng tính luyến ái cũng nói ái tình, đòi kết hôn hợp pháp. Kết quả xảy ra "Ái tử bệnh", ái thì phải chết. "Sắc" và "Ái", hai chữ này hợp lại, tức "Ái sắc" mà chết. Nói về đạo lý đồng tính luyến ái: Nếu bắt hai con chuột đực bỏ vào với nhau, lâu dần rồi cũng biến thành đồng tính luyến ái, hỗ tương lậu dục. Nhưng bạn là con người, tại sao phải học loài súc sinh? Tôi vốn không muốn nói, nhưng hiện tại không thể không vạch áo bí mật "Người chết vì tài", khiến con người tránh khỏi đầu não mê hoặc. Con trai đến kỳ phải tìm cầu đối tượng, con gái đến thời kỳ cũng phải tìm đối tượng ; chưa trưởng thành thì đã tìm đối tượng.

Tôi không sợ người không vui, người đồng tình luyến ái vui hay không vui, tôi chẳng màng đến. Vì bạn muốn ái tử bệnh. Tôi thì đắng miệng, tâm tốt muốn cứu bạn, muốn bạn hiểu "biển khổ không bờ", nếu không thì bạn vĩnh viễn không sao hết khổ được.

Cho nên "Người chết vì tài" không đúng. Người Tàu không muốn nói toạc ra, biết rõ không đúng nhưng không nói, giống như bịt tai ăn cắp chuông, cho rằng bịt lỗ tai thì chuông không kêu. Tôi thì muốn nói những lời người không muốn nghe, nếu chỉ nói những lời mà người thích nghe thì đó là xiểm nịnh, cho nên:

"Thuốc hay đắng miệng lợi cho bệnh,

Lời ngay khó nghe lợi thực hành".

Tôi không nhẫn tâm thấy mọi người truyền nhiễm "Ái tử bệnh". Cho nên không thể không nói. Ái tử bệnh này giống như không khí bị ô nhiễm, khắp nơi đều có.

Tham Thiền Minh Bạch Bổn Lai Diện Mục

Giảng tại Vạn Phật Thành ngày 20/12/87

Ðả thất gọi là "khắc kỳ thủ chứng", khí huyết con người trong bảy ngày phục lại, tinh khí thần trong bảy ngày có tuần hoàn. Cho nên trong bảy ngày này không thể lười biếng giải đãi, không tham ăn, cũng không tham ngủ. Như vậy trong bảy ngày nhất định có biến hóa lớn. Gì là biến hóa lớn? Tức là khai ngộ. Khai ngộ tức là những việc từ trước không minh bạch, nay hoàn toàn thông đạt ; những việc từ trước buông xả không đặng, nay buông xả đặng, những việc từ trước không nghĩ ra, nay thì nghĩ ra được. Nghĩ ra được, buông xả đặng thì mới đắc được tự tại, mới chân chánh không tranh, chân chánh vô sở cầu, chân chánh không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Tại sao? Vì đã đắc được gốc rễ thì ngoài ra như: tài, sắc, danh, ăn, ngủ đều là ngọn ngành. Chúng ta mỗi năm cử hành đả Phật thất, đả thiền thất, khiến cho chúng ta buông xả tất cả, chuyên tâm dụng công.

Muốn dứt sinh tử, muốn trở về cội nguồn, muốn bỏ mê về với giác, thì phải tranh thủ trong thời kỳ đả thất. "Tranh thủ" nói theo thế tục tức là hướng thượng cầu tiến bộ, ý nghĩa trong Phật giáo là tinh tấn. Tuy nhiên chúng ta mỗi năm cử hành đả Phật thất, đả thiền thất. Mọi người trong thời kỳ này sợ ăn khổ, giải đãi, lười biếng, hoặc là một cây hương, hai cây hương, ba cây hương không tham gia thì làm sao đối với thường trụ, đối với đạo tràng, đối với tất cả mọi người. Ðó là thành phần hỗn tạp trong đạo, là ma trong đạo.

Ở trong đạo mà không tu đạo là tạo nghiệp, vì tham sướng một thời phóng dật mà lưu chuyển trong sinh tử, đọa lạc tam đồ, không biết phải trải qua bao lâu mới có thể làm được thân người lại. Ðợi đến được thân người lại, muốn minh bạch Phật pháp thật không phải dễ.

"Thân người khó được,

Phật pháp khó nghe,

Thiện tri thức khó gặp,

Sinh vào nước có Phật pháp rất khó".

Có nhiều vấn đề khó khăn như vậy, mà chỉ vì một thời phóng dật mà chúng ta đời đời kiếp kiếp đến nay bỏ qua không cứ cha mẹ, sư trưởng, lục thân quyến thuộc. Họ đang đợi chúng ta thành đạo, để độ họ. Chúng ta gánh vác trách nhiệm rất trọng đại. Cho nên "Một người đắc đạo, chín tổ sinh thiên".

Ở trong đạo tràng không tu đạo, ngày ngày để thời gian trôi qua lãng phí, không phải chấp trước trên danh thì cũng chấp trước trên lợi. Có vị pháp sư bế quan, không nhìn truyền hình, không nghe đài, không biên thư, xem thư, hoặc gọi điện thoại, nghe điện thoại .v.v. Chỉ chuyên môn đọc Kinh Lăng Nghiêm, đọc Kinh Lăng Nghiêm xong thì đọc Kinh Pháp Hoa, sống trong quốc gia thời đại khoa học phát đạt, thật là đáng quý. Còn chúng ta không bế quan du du đãng đãng bên ngoài, gặp cơ hội đả thất, lại không vì sinh tử, dụng một phen công phu, thật khiến cho cha mẹ, lục thân đều rơi lệ.

Chúng ta tuy nhiên, mỗi năm đả thất, nhưng trong quá khứ không có ai đả thất, cũng không lo liễu sinh tử, đều ở trong nhiễm khổ cho rằng vui sướng, nhận giặc làm con. Tức nhiên trong quá khứ không có đả thất, không chân chánh dụng công phu. Bây giờ các bạn có cơ hội, nếu bạn lại giải đãi lười biếng, không dụng công, bịt tai ăn cắp chuông, lại không nhận chân tu đạo thì bạn vĩnh viễn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nhất định phải bỏ cho được cái chết, bỏ cho được cái giả. Cho nên:

"Bỏ không được cái giả,

Không thể được cái thật;

Bỏ không được cái chết,

Không thể được cái sống".

Cứ chấp túi da hôi thối cho là bửu bối, cuối cùng không thể thoát ly thì tinh thần vĩnh viễn không thể khôi phục lại trí huệ vốn có.

Tuy nhiên Phật tính mỗi người với Phật giống nhau, không hai không khác, nhưng bạn mê thì là chúng sinh, giác ngộ thì là Phật. Hiện tại chúng ta mê mất trong biển khổ, lại không muốn tu, thì chẳng thể đến được bờ bên kia. "Biển khổ mênh mông, hồi đâu là bờ". Hồi đầu thì không tham đồ thế gian, phải chuyên tâm nhất chí, liễu sinh thoát tử, phải sớm sinh về thế giới Cực Lạc, hoa nở thấy Phật mới là mục đích đả thất.

Ðả thất chẳng phải như tác chiến. Phần đông đả thất, thường đi hóa duyên các nơi, nói cúng dường thì có công đức, muốn kiếm tiền các nơi. Chúng ta đả thất ở đây, thậm chí người bên ngoài cũng không biết, vì tại quốc gia này, căn bản không có người hiểu việc đả thất, cho nên quốc gia to lớn như thế mà người lại tham gia đả thất chỉ bất quá đếm không quá đầu ngón tay. Chúng ta cũng không tuyên truyền, không hóa duyên các nơi. Chúng ta chỉ yên lặng dụng công, nếu không nỗ lực, lại giải đãi làm biếng, ăn ngủ li bì, thì đó là tạo tội nghiệp là đả thất ăn, chẳng phải là đả thiền thất.

Người xuất gia hoan hỉ đả thiền thất, tại sao? Vì đả thiền thất, được ăn ngon, ăn bánh bao, buổi tối lại được ăn nữa. Cho nên đả thiền thất, đả thất mọi người đều đến. Như Chùa Kim Sơn, chùa Cao Mân, khi đả thiền thất thì "thiền hòa tử" các nơi tức là côn trùng các nơi đều đến. Nhưng trong côn trùng cũng có rồng, rắn hỗn tạp. Buổi tối thì ăn bánh bao, cái bánh bao cân nặng khoảng nửa cân, ăn một cái thì đủ no. Nhân bánh bao thì tuyệt diệu, bấy nhiêu đó cũng khiến người khởi vọng tưởng mà bạn còn cảm giác ăn không ngon. Chúng ta ở đây tuy nhiên "Ðả ăn" thì ít nhưng "Ðả ngủ" thì nhiều, hy vọng những thứ mao bệnh này đều sửa đổi.

Năm Thìn Biến Hoá Khó Lường

Giảng ngày 03/01/88

Năm mới đã qua rồi, hôm nay là ngày một tháng ba, năm mới âm lịch thì chưa đến. Hiện tại chúng ta sinh vào thời kỳ này, mỗi người một năm phải qua hai năm, một năm tăng thêm hai tuổi. Cho nên nay tôi chúc các vị "Năm mới khoái lạc! Năm cũ khoái lạc, năm sắp tới khoái lạc, năm đã qua khoái lạc!" Năm mới 1988, không dễ gì qua được. Tuy không dễ qua được, có phải là không qua được? Hay là phải qua.

Năm nay âm lịch là năm Thìn (rồng). Trong loài rồng cũng có rồng thiện và rồng ác. Rồng thiện thì bảo hộ người, rồng ác thì hại người vì chúng là rồng độc. Bạn làm thế nào để chế phục được rồng độc? Tôi nói cho quý vị một phương pháp đó là đừng nóng giận. Trong năm nay bạn phải đừng nóng giận, như vậy thì rồng độc không thể hại bạn được. Nếu bạn nóng giận thì rồng độc phun độc khí đến thân bạn, thì bạn không sinh chứng bệnh nhọt thì cũng sinh chứng ái tử bệnh. Cho nên các vị phải coi chừng rồng độc. Rồng thiện tức là rồng rưới nước cam lồ, chúng bảo hộ bạn. Bạn là người niệm Phật, người tu đạo, người làm việc thiện, người có thiện căn thì chúng bảo hộ bạn. Người làm mười điều ác, không làm lành, tuy chúng không hại bạn nhưng cũng không bảo hộ bạn.

Năm nay là năm rồng, rồng có lớn có nhỏ, có lúc có thể để cho bạn nhìn thấy, có lúc bạn không nhìn thấy. Như vậy giống cái gì? Giống đánh bạc. Rồng độc thì chuyên môn dạy bạn đánh bạc. Rồng thiện thì dạy bạn đừng đi đánh bạc, đó là hai phương diện. Nhưng phương pháp rồng độc rất là hấp dẫn người, chúng dạy bạn đánh bạc thì kiếm được tiền. Còn rồng thiện thì nói:"Ðánh bạc kiếm được tiền cũng không phải là của bạn". Nhưng, người chỉ tin lời rồng độc, mà không tin lời rồng thiện, cho nên trong năm nay tốt nhất là đừng tham tài bên ngoài, đừng uống rượu quá lượng, đừng nóng giận. Nếu bạn nóng giận tức là ký hợp đồng với rồng độc. Nếu bạn không nóng giận thì là ký hợp đồng với rồng thiện.

Người tin Phật phải ngừng tâm tranh, tâm tham. Người tin Phật còn tham xí đồ, còn hy vọng làm giàu phát tài thì đó chẳng khác nào như nằm mộng. Khổng Tử có nói:

"Giàu sang là những thứ tham muốn của con người,

Nếu được một cách không chính đáng thì không được lâu dài.

Bần tiện là những thứ con người không muốn,

Nếu không biết cách cải nó thì nó không chịu đi".

Cho nên bạn phải làm hợp pháp, làm gì cũng đều tốt. Không hợp pháp ví như bạn trốn sâu lậu thuế, mua bán độc dược, hại người, như vậy kiếm tiền cũng không thể được.

Bạn lão lão thực thực đi làm việc, kiếm nhiều tiền thì dùng nhiều, kiếm ít tiền thì dùng ít, đừng tham mà không biết chán.

Năm nay là năm rồng, biến hóa thay đổi rất nhiều, có những việc không thể nghĩ bàn sẽ phát sinh, hy vọng năm nay mọi người đừng đi du lịch nhiều, đừng vô duyên vô cớ làm hao phí tiền bạc, đây là những lời rất quan trọng, phải có việc quan trọng mới có thể đi du lịch. Tại sao? Bạn nhìn xem, tôi không biết năm nay thế nào, nhưng năm cũ xảy ra đủ thứ tai nạn, hại chết không biết bao nhiêu người mà nói. Năm nay có xảy ra như năm cũ chăng? Tôi không biết.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện

Giảng ngày 07/5/88

Các vị thiện tri thức, quá khứ có một lần tôi ở tại Thái Lan, có một số Phật giáo đồ thỉnh mời tôi thuyết pháp. Pháp tòa thiết lập ở trước cửa lớn, thính chúng tựa lưng vào tường còn tôi thuyết pháp thì mặt đối với phòng ngoài, quay lưng đối với họ. Những vị đệ tử người Mỹ theo tôi đi nhìn không quen những tập tục như thế cũng cố gắng trầm tịch. Ðây là Kinh nghiệm của tôi. Hôm nay không phải như thế, mà tôi đối diện với quý vị thuyết pháp.

Nói đến Phật pháp, hết thảy đều là Phật pháp, đều bất khả đắc. Người tu hành học Phật, không nên trên pháp sinh chấp pháp. Có ngã chấp, pháp chấp thì đều không thể chứng quả. Chúng ta phải phá hết thảy chấp trước, phải học không nóng giận, lâu dần thì có thể tương ưng với Phật Pháp Tăng, sau đó mới tiến tới tu hành, mới có tiến bộ. Chúng ta muốn tương ưng với Tam Bảo thì trước phải tẩy sạch vô minh phiền não và sự nóng giận. Nếu mỗi ngày giảm bớt vô minh phiền não thì trí huệ quang minh sẽ hiển lộ, ngược lại vô minh phiền não nhiều thì ngu si càng ngày càng tăng thêm. Ðây là sự chướng ngại lớn nhất của người học Phật, cũng là nghiệp chướng. Làm thế nào để tu hành dứt được nghiệp chướng? Trước hết phải phát tứ hoằng thệ nguyện.

Hoằng nguyện thứ nhất là:"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ". Mỗi người đều có trách nhiệm phổ độ. Tự xét hỏi lòng mình, chúng ta có tận trách nhiệm chăng? Phải tự mình phản tỉnh lại. Nếu chỉ phát nguyện mà không thực hành thì việc độ chúng sinh chỉ nói ngoài miệng mà thôi.

Hoằng nguyện thứ hai:"Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn". Ðoạn phiền não và không đoạn đều tùy vào chúng ta. Nếu không cung hành thực tiễn thì như nói món ăn mà không ăn hoặc đếm tiền dùm cho kẻ khác thì đối với mình tơ hào chẳng lợi ích gì.

Hoằng nguyện thứ ba:"Pháp môn vô lượng thệ nguyện học". Pháp môn vô lượng vô biên, luôn luôn phải học tập. Phát nguyện này rồi, chúng ta phải nghĩ:"Chúng ta có cống hiến gì cho Phật pháp? Phải chăng đã làm Phật pháp phát đạt?"

Hoằng thệ nguyện thứ tư:"Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành". Phật đạo thật cao thượng nhưng việc chúng ta làm phải chăng việc của Phật làm? Phật thì đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Chúng ta phải tự hỏi mình. Bốn tâm vô lượng có phải chăng là tâm của chúng ta, phải thực hành tứ vô lượng tâm của Phật mới có thể nói đến thành Phật đạo.

Tóm lại muốn thực hành bốn hoằng thệ nguyện, thì trước phải tuyển chọn tông chỉ của mình mà thực hành, tuyển chọn tông chỉ gì thì tự mình quyết định. Ví như Vạn Phật Thành có sáu đại tông chỉ, cũng là mục đích, hướng đi của mọi người trong Vạn Phật Thành.

Thứ nhất là "Không tranh". Bất cứ sự vật gì hoặc lợi ích, "người bỏ thì tôi giữ, người giữ tôi cũng vậy". Không vì lợi ích mà tranh đoạt với người.

Thứ hai là "Không tham". Các nơi trên thế giới có chiến tranh là vì người người đýu có tâm tham. Tham không biết đủ, tham mà không biết chán, vì tham dẫn đến có chiến tranh.

Thứ ba là "Không cầu". Không hướng ngoại truy cầu. Cầu tài, cầu sắc, cầu hưởng thụ. Ðó đều là vì có tâm ích kỷ ẩn tàng bên trong. Muốn đạt thành tông chỉ không cầu thì phải thực hành, trừ sạch tham sân si của chính mình.

Thứ tư là "Không ích kỷ". Phần đông xả người vì mình, không màng đến sự khốn khổ của kẻ khác, chỉ muốn mình sung sướng.

Thứ năm là "Không tự lợi". Không tự lợi tức là lợi tha. Những kẻ trốn sâu lậu thuế, mua rẻ bán đắt đều là vì tự lợi. Nếu người người không có tâm ích kỷ tự lợi thì vấn đề xã hội có thể tiếp đón mà giải.

Thứ sáu là "Không vọng ngữ". Nhiều lúc con người chỉ vì lợi ích cá nhân mà không trung thực, phát sinh tư tưởng nói dối. Không nói dối thì không vướng mắc những điều nói ở trên là tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, năm nhược điểm.

Ðạo thì phải hành. Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi nhìn thấy sao mai mọc liền ngộ đạo, sau đó Ngài nói:

"Lành thay! Lành thay!

Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính,

Ðều có thể thành Phật,

Chỉ vì vọng tưởng chấp trước,

Không thể chứng đắc".

Tức nhiên Phật nói như thế, không phải Phật giáo đồ mới là chúng sinh, mà Thiên Chúa giáo đồ, Do Thái giáo đồ đều là chúng sinh, không thể riêng lập danh tự. Phật đã thọ ký cho chúng ta mấy ngàn năm về trước. Phật không có phân biệt ai tin Phật, ai tin Gia-Tô, tận hư không biến pháp giới chúng sinh hữu tình có huyết khí, tin Phật hay không tin, không thành vấn đề, Phật không nói ai không phải Phật giáo đồ thì không thể thành Phật. Phật giáo thật là dân chủ nhất, bình đẳng công bình. Ai tu thì người đó có phần, không tu thì không có phần. Mỗi người phải dũng mãnh tinh tấn, đừng tự lầm những gì trong quá khứ, mà tự cam đọa lạc.

Sau khi thuyết pháp xong, Hòa Thượng kêu họ đặt câu hỏi: sau đây là vấn đáp.

Hỏi: Hòa Thượng, tôi muốn biết Phật tính quyết thực là gì?

Ðáp: Hiện nay bạn hỏi đó là Phật tính, bạn không có Phật tính thì không hỏi. Bạn không biết đây là Phật tính, tức là phải đánh một trăm hương bản.

Hỏi: Chúng tôi hôm nay rất vui.

Ðáp: Tôi sớm biết các vị không có ai muốn nóng giận đối với tôi.

Hỏi: Hòa Thượng, tại Vạn Phật Thành nói cảm tạ như thế nào?

Ðáp: Người trong Vạn Phật Thành không nói cảm tạ. Ai nói cảm tạ liền phạt năm trăm đồng. Tôi không từng nói hai chữ cảm tạ, cho nên họ nói tôi chỉ muốn chưởi người.

Hỏi: Nói tôn kính như thế nào?

Ðáp: Không cần nói, chỉ cần làm.

Tri Túc Thường Lạc

Giảng tại Chùa Kim Phật ngày 05/6/88

Người xưa vọng tưởng ít, dục niệm cũng ít, cho nên tai nạn của họ cũng ít. Người hiện nay vọng tưởng quá nhiều, dục niệm cũng nhiều cho nên tai nạn cũng nhiều. Tai nạn từ đâu đến? Vì người có tâm tham, có tâm không biết đủ. Nếu có tâm tham, tâm không biết đủ thì bất cứ thứ gì cũng đều cảm thấy không đủ. Một khi tham lam nhiều, thì tai họa phát sinh, không phải mao bệnh này phát sinh, thì mao bệnh khác phát sinh ; không phải khốn nạn này phát sinh, thì khốn nạn kia phát sinh. Tóm lại là rất nhiều phiền não khốn nạn đến nhiễu loạn.

Vốn đời sống rất thanh bình, nhưng chuyên tìm những sự rắc rối, rắc rối càng nhiều thì bám chặt càng cứng. Muốn mở thoát cũng không thể mở thoát đặng, như bị sức mạnh keo bám chặt, bám chặt tay chân không thể động, chỉ còn đợi một sát na đến cuối cùng đó là tử vong. Tử vong đến còn không biết mao bệnh, phiền não từ đâu đến? đợi đến sát na này mà còn chưa giác ngộ. Xã hội ngày nay người người hỗ tương tranh giành, lường gạt. Ai có thủ đoạn lường gạt cao minh thì người đó thắng. Ai có thủ đoạn thấp hơn thì người đó thất bại. Thế giới này là như thế. Người người sinh tồn trong phiền não tham dục, trên cảnh giới vọng tưởng lăng xăng. Cho nên tiêu hao vô lượng tinh thần của chính mình, cuối cùng thì cái gì cũng chẳng có. Ðợi đến sát na cuối cùng mới hiểu rằng:"Ôi! Ta muốn sớm biết như thế mà lại ngu si đến thế, ta hà tất sao lại như thế!" Như vậy tính không sai, có đến khi chết không ngộ, buông chẳng đặng, mang theo cũng chẳng được. Thật khổ quá. Biết dừng lại thì không nhục, biết đủ thì không nguy, biết đủ thường lạc, nhẫn nại thì an.

Bất cứ người nào học Phật, trước hết phải học nhẫn nhục Ba La Mật, nhìn hết thảy đều hư vọng không thật, không chấp trước bất cứ cái gì, khoái lạc tức là giải thoát, trí huệ liền hiện tiền. Hy vọng mọi người trí huệ đều hiện tiền.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]