Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 13

25/04/201311:31(Xem: 3029)
Phần 13

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

13

Tinh Khí Thần Là Tam Bảo Của Tự Tính

Giảng Tại Chùa Kim Luân ngày 20/6/88

Chúng ta là người học Phật, phải hiểu một chút Phật pháp, thấy các pháp thế gian chẳng ra thể thống gì, nói pháp thế gian hoàn toàn sai lầm. Thật ra, Phật pháp không rời pháp thế gian, chẳng phải là buông xả pháp thế gian mà học Phật pháp, mà là trong pháp thế gian bạn thông đạt rồi, hiểu biết rồi, thì sẽ minh bạch Phật pháp. Nếu không thông pháp thế gian, thì Phật pháp cũng không thể thông. Cho nên:

"Tự tính như hư không,

Chân vọng đều trong đó,

Ngộ triệt bổn lai thể,

Một thông hết thảy thông".

Hiểu biết một thì hiểu biết tất cả, tại sao bạn không hiểu biết tất cả? Vì một còn chưa hiểu thì làm sao hiểu hết tất cả. Một đó là gì? Thì mới vừa nói:

"Tinh đủ thì không lạnh,

Khí đủ thì không đói,

Thần đủ thì không ngủ".

Có người nghe nói đến rồi, cho rằng là Ðạo giáo, Phật pháp không nói đến tinh, khí, thần. Nếu Phật giáo không nói đến tinh khí thần thì giống như Phật giáo Nhật Bản, không có người xuất gia, không thể xuất gia, đều hoàn tục hết. Xuất gia thì phải tu tinh, khí, thần. Tinh, khí, thần là Tam Bảo, giống như Phật, Pháp, Tăng. Thần của bạn mà tu đến viên mãn sung túc thì là Phật. Phật thì thần quang nội uẩn, trí huệ chiếu sáng, trí quang chiếu sáng thành người đại trí huệ. Thần mà đầy đủ thì thành Phật, nếu thần không đủ thì đừng nói đến thành Phật, cũng không thể chứng quả A La Hán. Chứng quả A La Hán cũng phải đầy đủ thần, tinh thần đầy đủ thì khí thế mạnh mẽ. Bạn nhìn A La Hán ngủ như chẳng phải ngủ, một ngày đến tối như âm chết dương sống, nhưng thần của họ đầy đủ. Bạn thấy họ nhắm mắt nhưng chẳng có vật gì mà không biết, chẳng có vật gì mà không thấy. Khí đủ thì không đói, khí đủ cũng là pháp, bạn có khí rồi thì có pháp, pháp là khí duy trì tại đó, pháp là khí biến hóa, bạn không có khí thì cũng không có pháp. Nếu bạn chết rồi thì còn học Phật pháp gì nữa? Có khẩu khí mới học được. Cho nên khí là mẫu thể của pháp. Không có khí thì không có pháp. "Tinh đủ thì không lạnh, khí đủ thì không đói". Lúc tôi tại Ðông Bắc (Trung Quốc), thời tiết lạnh như thế, bất cứ mùa đông mùa hạ chỉ mặc ba lớp vải, không sợ lạnh, không sợ rét, đi chân không, không đội mũ, tai rét thì rét, đau chân cũng không màng đến, đây gọi là "Rét chết đứng hứng gió". Lạnh đến nỗi tai có thể đóng thành băng đá, đóng thành băng thì không đau. Nhưng đợi lúc bạn đi vào trong nhà, dùng tay rờ tai thì nó có thể rớt xuống, trở thành người không có tai. Vì nó đã đông lại nếu bạn dùng bàn tay nóng rờ nó thì nó liền rớt xuống mà bị thương tích. Nếu bạn đừng động nó, thì khí huyết từ từ lưu thông, mà không sao cả, đó đều là biểu hiện tinh đầy đủ. Nếu tinh của bạn không đủ thì không thể chịu rét lạnh, nếu khí không đủ, không ăn cơm thì chịu không được, nếu thần không đủ, ngủ không đủ thì không chịu được. Như một số thiếu nam thiếu nữ nói:"Tôi thèm ngủ quá", đó là vì thần không đủ, không dưỡng tinh chứa nhuệ, đây là điều hết sức quan trọng. Các bạn đừng nói:"Phật pháp không nói đến tinh khí thần". Ðó là vì căn bản, bạn không hiểu Phật pháp. Nếu không có tinh khí thần thì không có Phật cũng không có Pháp cũng không có Tăng. Tại sao người xuất gia không kết hôn? Là vì "Bảo dương dục khôn". Không có tư tưởng dâm dục, không có dục niệm thì "Bảo dương dục khôn", bảo trì chân chánh quý báu của chính mình. "Bảo kỳ sở bảo, khử kỳ sở khử". Nghĩa rằng:"Giữ gìn những cái quý báu, trừ khử những cái đáng bỏ". Trừ khử những cái gì? Là trừ khử những tập khí mao bệnh.

Kệ Cảnh Chúng

Giảng Tại Chùa Kim Luân ngày 26/6/88

Chúng ta mỗi ngày vào buổi tối đều đọc bài kệ cảnh chúng (răn bảo chúng). Bài kệ này do Bồ Tát Phổ Hiền nói. Tại Trung Quốc tỉnh Tứ Xuyên, Núi Nga Mi là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền. Núi Phổ Ðà là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm, núi Ngũ Ðài là đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù, núi Cửu Hoa là đạo tràng của Bồ Tát Ðịa Tạng. Ðây là các sở trường của mỗi Bồ Tát. Nguyện lực và hạnh lực của Phổ Hiền Bồ Tát đều rất viên mãn. Nguyện lực của Ngài có mười nguyện vương. Ðây là những nguyện lực không cùng tận trong Phật giáo.

Nguyện thứ nhất: "Lễ kính chư Phật". Lễ là đảnh lễ, kính là cung kính, tức là đảnh lễ cung kính tất cả chư Phật. Ðảnh lễ này của Ngài là đại biểu cho hết thảy pháp giới chúng sinh, để lễ kính chư Phật. Ngài biết hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, cho nên Ngài trước hết thay thế chúng ta hết thảy chúng sinh để đảnh lễ tất cả chư Phật. Vì bạn thành Phật cho nên trước phải bắt đầu từ lễ Phật, cung kính Phật. Nếu bạn thấy Phật cũng không lạy, cũng không cung kính thì vĩnh viễn không thể thành Phật. Phật làm thế nào mà được thành Phật? Tức là:

"Ba Tăng Kỳ tu phước huệ,

Trăm kiếp trồng tướng tốt".

Ngài thời thời khắc khắc, tâm tâm niệm niệm lễ kính chư Phật, cho nên Ngài đã thành Phật, hết thảy chúng sinh đều hướng Phật đảnh lễ cung kính, đây cũng là trồng nhân gì được quả đó. Tại sao có nhiều chúng sinh hướng Phật đảnh lễ? Vì lúc Ngài chưa thành Phật, Ngài hướng tận hư không biến pháp giới, mười phương ba đời cung kính đảnh lễ vô cùng vô tận các đức Phật. Cho nên Ngài thành Phật rồi, chúng sinh cũng hướng Ngài đảnh lễ như thế, đây là gieo nhân gặt quả, "Nhân gì quả đó".

Chúng ta là người học Phật phải học thuộc Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện, y chiếu đạo lý chân chánh hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền mà thực hành, đó mới là chân chánh đệ tử của Phật, mới thật xưng là người học Phật. Cho nên chúng ta phải học những hạnh nguyện của Ngài Bồ Tát Phổ Hiền đã phát: Lễ kính chư Phật.

"Ngày đã qua rồi,

Mạng cũng giảm dần,

Như cá thiếu nước,

Nào có vui gì?

Ðại chúng!

Chuyên cần tinh tấn,

Như cứu đầu cháy,

Phải nhớ vô thường,

Ðừng có phóng dật".

"Ngày đã qua rồi, mạng cũng giảm dần". Nghĩa là mỗi ngày trôi qua, thì sức lực mạng sống của chúng ta giảm đi một ngày, và thời gian mạng sống cũng giảm đi một ngày.

"Như cá thiếu nước". Cá nhờ nước để sống. Có nước thì cá mới sống. Nếu nước khô cạn thì cá sẽ chết. Các bạn nghĩ xem, cá trong nước, nước từ từ khô cạn dần, thì cá còn sống được chăng? Người cũng như thế. Mạng sống của chúng ta giảm dần, cũng giống như cá trong nước, nước dần dần khô cạn.

"Nào có vui gì?" Nghĩ đến chỗ này, cuộc đời của chúng ta cứu kính có gì vui? Sao chúng ta không chân chánh phát bồ đề tâm, không chân chánh nhớ nghĩ sự thống khổ sinh tử? Là vì chúng ta còn cảm thấy lưu luyến thế giới này, tất cả sự hưởng thụ, tất cả hoàn cảnh đều cảm thấy quá tốt. Nếu bạn cảm thấy người như cá trong nước, nước càng ngày càng cạn dần thì cứu kính có gì vui, có gì lưu luyến? Có gì tham trước? Có gì mà buông không đặng? Có gì để bạn chấp trước? Vì vậy cho nên nói:"Ðại chúng! Chuyên cần tinh tấn". Hết thảy chúng sinh phải sớm dụng công tu hành đừng để thời gian trôi qua lãng phí, đừng chờ đợi nữa, phải thời thời khắc khắc đem chữ "Chết" treo giữa lông mày, đừng tham trước những gì trên thế gian này.

"Như cứu đầu cháy" phải xem việc tu hành như có người muốn cắt đầu ta đi, chúng ta phải nghĩ phương pháp để bảo hộ cái đầu này, đó mới là quan trọng, nếu không bảo hộ thì có người muốn đến cắt đầu này đi, đây cũng có thể giải thích là bị lửa thiêu. Nhất định phải nghĩ phương pháp tiêu diệt ngọn lửa, phải thời thời khắc khắc đem chữ "Chết" treo giữa lông mi, nhắm mắt cũng nhìn thấy chữ "Chết" này và mở mắt cũng nhìn thấy chữ "Chết" này. Ngủ cũng nhìn thấy chữ chết, cho đến nằm mộng cũng nhìn thấy chữ chết đương đầu. Bạn phải luôn luôn đừng quên sinh tử, thì bạn đâu còn thì giờ đi du lịch? Ði tìm sự vui sướng? Ði làm những việc không chánh đáng? Bạn phải thật tình nhớ chữ "Chết" thì bạn mới tu hành.

"Hãy nhớ vô thường". Bạn phải luôn luôn đừng quên con quỷ vô thường không biết lúc nào đến tìm bạn. "Ðừng có phóng dật". Bạn đừng khởi những vọng tưởng dâm dục, khởi vọng tưởng ăn uống, vọng tưởng tham, vọng tưởng tranh, vọng tưởng sát sinh, vọng tưởng ăn cắp, vọng tưởng uống rượu. Tại sao bạn vọng tưởng quá nhiều? Vì bạn quên mất đi chữ "Chết", bạn không cảm thấy tương lai sẽ chết, cho nên trong lúc còn sống, hồ đồ trong sự sống hồ đồ, đợi đến lúc già lại hồ đồ trong sự chết hồ đồ. Lúc chết thì ái tình của bạn chạy đi đâu? Bạn tìm ái cũng không được, tình của bạn cũng nhìn không thấy, sự tham ăn của bạn cũng ăn không vào được, sự tham chơi cũng chẳng có tốt gì. Cho nên đừng giải đãi, đừng phóng dật, phải nhận chân, cước đạp thật địa mà tu hành. Ðây là nguyên nhân Bồ Tát Phổ Hiền phát Mười Ðại Nguyện Vương. Vì Ngài biết sinh tử của hết thảy chúng sinh chưa dứt. Tuy nhiên Ngài đã giác ngộ không nhẫn nhìn chúng ta và hết thảy chúng sinh đang trầm mê không ngộ, sống trong cơn say, chết trong giấc mộng. Cho nên Ngài gián tiếp muốn chúng ta giác ngộ, muốn chúng ta sớm phát tâm tu đạo. Cho nên đừng lười biếng, đừng để phí thời gian trôi qua.

Tự Chuốc Lấy Diệt Vong

Giảng Tại Chùa Kim Luân ngày 29/7/88

Người Á Châu đều biết việc hiếu thuận cha mẹ là tốt, nhưng cha mẹ có thể nuôi được mười người con, mà mười người con không thể nuôi được cha mẹ, đem cha mẹ vào dưỡng lão. Cha mẹ nuôi mười người con, không đem con vào cô nhi viện. Làm cha mẹ thật là ngu si đến cực điểm, làm con thì thông minh đến cực điểm. Một đàng thì quá ngu si, một đàng thì quá thông minh. Làm cha mẹ nên dưỡng già mà không dưỡng, làm con nên hiếu thuận mà không hiếu thuận.

Người học Phật cần nhất là đừng nóng giận, đó là người biết đừng nóng giận, đừng động vô minh, nhưng vô minh là thứ mà họ thích nhất, nóng giận họ cũng thích nhất, sân hận họ cũng thích nhất. Học Phật pháp học tới học lui, đều muốn lợi ích chính mình. Không lợi đối với mình thì nổi giận, cá nhân mỗi người là như thế, nhà nhà cũng như thế, quốc gia cũng như thế, muốn đoạt được lợi ích, thì chiến tranh cũng từ đó mà phát sinh. Có thể nói chiến tranh là nổi nóng giận, đạn nguyên tử do vật gì tạo thành? Là do sự nóng giận. Nếu như không nóng giận thì không có đạn nguyên tử, có đạn nguyên tử rồi, một khi bạo phát thì toàn nhân loại sẽ hủy diệt.

Nếu con người nhiều vô minh thì sinh phiền não. Vì vô minh cho nên làm việc hồ đồ. Khi người phê bình bạn thì bạn sinh phiền não. Khi sinh phiền não thì vọng tưởng đến. Vọng tưởng gì? Giết người phóng hỏa, cái gì cũng có thể làm được. Thế giới hiện nay phần đông đều biết đồng tính luyến ái nhưng đều húy kỵ, phải chẳng không nói thì không có? Bạn không nói cũng có, đó là sự bắt đầu vong quốc diệt chủng, là hành vi hủy diệt nhân loại. Hủy diệt nhân loại như thế nào? Trên thế gian âm dương thành một pháp đối đãi, ngày đối với đêm, nam đối với nữ. Vì có pháp đối đầu này mới được sinh sinh không ngừng, hóa hóa vô cùng, đó chẳng phải là tuyệt đối, mà là tương đối. Ðồng tính luyến ái, nam và nam, dương cang với dương cang tương chọi với nhau, tức là chọi anh chết tôi sống, đây là vô minh kêu bạn làm việc hồ đồ. Hồ đồ rồi quên mất việc sinh như thế nào, chết như thế nào, thậm chí nói không có sinh tử. Hồ đồ đến như thế đó, là tuyệt chứng lớn nhất của thế giới "Ái tử bệnh". Phần đông còn bịt tai ăn cắp chuông, họ không dám nói công khai, nhưng tôi phải nói vì tôi không nhẫn tâm toàn nhân loại đồng quy ư tận. Tôi không nhẫn tâm toàn nhân loại của thế giới bị hủy diệt. Ðồng tính luyến ái cũng giống như dùng hai thanh đao bằng thép chọi với nhau, một khi chọi, không đao này gẫy thì đao kia gẫy, vật như thế, người cũng như thế. Người không dám nói, còn nói muốn đem hai con chuột nhốt lại với nhau, chúng cũng sẽ phát sinh đồng tính luyến ái. Ðây chẳng quan hệ gì. Tại sao bạn phải đi học loài chuột? Loài chuột là bị người cưỡng bức, tại sao bạn lại học chúng? Không có ai cưỡng bức bạn. Người là thứ linh trong vạn vật, tại sao phải đi học súc sinh? Bạn muốn làm loài chuột thì chết sớm rồi đi làm loài chuột. Thật là hoang đường!

Học Phật pháp phải càng học càng thông minh, càng học càng làm những việc tốt có ý nghĩa mới đúng, đừng giống như vật vô tri vô giác. Một chút trí huệ cũng không có, không có phương kế làm người. Cho nên làm những việc hồ đồ, chẳng có ai thừa nhận, hỏi ai làm? Không biết. Tu hành phải "đẩy công nhận lỗi", không phải có lỗi thì đẩy đi, có lỗi thì không biết, đây gọi là học Phật gì? Tông chỉ làm người đều không hiểu. Câu này là nói bao quát người xuất gia và tại gia. Tại sao lại như thế? Tôi biết, các bạn nói "Sư phụ cái gì cũng biết, chúng ta không nói họ cũng không quái chúng ta".

Pháp Ðại Tốt Nghiệp Ðiển Lễ

Giảng Tại Ðại học pháp giới VPT ngày 20/8/88

Hoan nghênh các vị giáo sư, quan chức chính phủ, các vị cư sĩ, hôm nay là ngày tốt nghiệp điển lễ đại học Phật giáo pháp giới lần thứ hai, bao quát tốt nghiệp điển lễ huấn luyện ban Tăng già và huấn luyện ban cư sĩ. Ðại học pháp giới có một đặc sắc, là bất cứ thầy giáo, học sinh đều không hút thuốc, không uống rượu, không nhảy đầm, không bài bạc, không hút sách, phải đi trên con đường chánh, không đi đường tà. Chúng ta gốc là tính thiện, đều có thể thành Thánh Hiền, thành Phật, làm Bồ Tát, nhưng vì không dụng tâm thiện, thân thiện ; cho nên tạo ra rất nhiều vấn đề không tốt. Vì sao? Vì không tạo được một cơ sở tốt vững chắc ; giống như một căn nhà được xây không bao lâu thì xiêu vẹo. Tại sao? Vì kiến trúc không kiên cố mới bị như thế. Nếu cơ sở không tốt thì trí huệ vốn có, không phát quật được để giúp cho chính bản thân mình, giúp cho gia đình, giúp cho quốc gia, cho đến giúp cho toàn thế giới. Vốn muốn làm người tối thông minh toàn thế giới, kết quả làm những việc tối ngu si, dẫn đến người với người trên thế giới đấu tranh, nhà với nhà đấu tranh, nước này với nước kia đấu tranh, khiến cho xã hội không được bình an, đây là vì không kiến lập cơ sở cho tốt.

Ðại học Phật giáo pháp giới không có đạo lý cao thâm gì để giáo hóa người, chỉ là khiến cho người đừng tranh, không cần tranh đệ nhất với bất cứ ai, không tham lợi ích của kẻ khác, không truy cầu lợi lộc bên ngoài, thấy kẻ khác được lợi ích như chính mình được lợi không khác, không tự lợi, không phải chỉ biết lợi ích cho chính mình, suốt ngày đến tối cầu danh cầu lợi, mà không biết tạo phước cho nhân gian, không biết vì người mưu hạnh phúc, mưu lợi ích. Chúng ta sống ở đời phải có công với đời, có đức với dân, có lợi ích cho nhân loại, đây là bổn phận làm người. Phải nghĩ đến trách nhiệm bổn phận làm người, thì trước hết phải đừng tranh, đừng tham, đừng cầu, đừng ích kỷ, đừng tư lợi, đừng nói dối. Song, trước phải kiến lập nhân cách của bạn, khiến cho cơ sở của bạn còn kiên cố hơn so với sắt đá. Không làm thương hại bất cứ ai, chuyên làm lợi ích cho người đó là bổn phận làm người. Nếu hại người thì chẳng phải là bổn phận làm người, cũng có thể nói là không biết làm người như thế nào. Ðại học Phật giáo pháp giới là khiến người người phát quật trí huệ vốn có, đạo đức vốn có, linh tính học vốn có. Phát quật trí tuệ vốn có của bạn thì không thể làm những việc điên đảo ngu si nguy hại thế giới. Ðây là tông chỉ của đại học Phật giáo pháp giới. Trước hết, các trẻ con phải tận hiếu, học sinh trung học phải tận trung vì nước. sinh viên đại học phải trung hiếu nhân nghiã. Ðây là đạo lý gốc làm người. Hy vọng tương lai các em tốt nghiệp rồi, làm một người quang minh sáng lạng của thế gian, đừng làm người hắc ám. Làm một người ích lợi cho thế gian, đừng làm người có hại cho thế gian. Nói đơn giản, phải kiến lập cơ sở của các em, để tương lai giúp ích cho xã hội, cho thế giới. Hôm nay, nhân cơ hội điển lễ tốt nghiệp, cầu chúc nguyên thủ Trung Quốc, nguyên thủ Mỹ Quốc và các nguyên thủ của thế giới thân thể kiện khang, tinh thần vui vẻ, vì mưu hạnh phúc của toàn thể nhân loại trên thế giới, tạo đại đồng.

Nguyên Nhân Thế Giới Hư Hoại

Giảng Tại Vạn Phật Thành ngày 21/8/88

Có người nói thế giới này hư hoại, thật ra thế giới không có hư hoại. Vậy thì cái gì hư hoại? Tâm con người hư hoại. Vì tâm con người hư hoại cho nên hết thảy đều không an vui, điểm này chúng ta phải nhận rõ. Vì sao tâm con người hư hoại? Vì tâm con người xu hướng tham lam, tâm tranh, tâm truy cầu, ích kỷ, tự lợi, vọng ngữ. Vì hành vi không giữ quy cụ, cho nên tạo thành thế giới đại loạn. Không những đại loạn mà có thể hủy diệt. Muốn cứu vãn thế giới hũy diệt rất đơn giản. Là gì? Tức là nhân viên chính phủ, các nhà tông giáo, các bậc cha mẹ, trước hết phải lấy thân làm khuôn phép, làm mô phạm. Làm quan thì không tham tiền tài, không háo sắc, lại có thể ăn chay, khắc khổ tự nương nhờ, làm khuôn phép cho tất cả, làm lãnh tụ mô phạm, chân chánh vì dân mưu hạnh phúc, không vì cá nhân mình, không tham ô, không hối lộ, không nhận lễ vật của người, đừng có cửa trước đi không thông thì đi cửa sau. Nếu những vấn đề trên mà cải thiện thì thế giới sẽ tốt. Nhân sĩ tông giáo, bất cứ tôn giáo nào, phải mở rộng cửa, kẻ đến không chống cự, kẻ đi không truy cứu. Không dùng bất cứ thủ đoạn gì, lôi kéo người đến tin tôn giáo của mình, mà phải để tự do cho họ tín ngưỡng. Như thế thì ai ai cũng đều có tự do và quyền lợi tuyển chọn, không dùng bất cứ thủ đoạn gì thì tôn giáo không có chiến tranh. Tại sao trong tôn giáo có chiến tranh? Vì hỗ tương lôi kéo tín đồ. Bạn muốn cướp đoạt tín đồ của tôi đi, tôi muốn cướp đoạt tín đồ của bạn lại. Cho đến cùng một tôn giáo mà có rất nhiều tông phái, hỗ tương tranh tín đồ. Nhân sĩ tôn giáo tranh tín đồ như thế, chưa mất đi bản chất tôn giáo mà tôn giáo nầy bản thân đã có vấn đề nầy.

Ngoài ra, giáo sư cũng hỗ tương bài xích, phiêu kì lập dị, lôi kéo học sinh xu hướng theo mình, kết bè kết đảng, đều có phái riêng, hỗ tương công kích, không thể chân chánh nhìn rõ tinh thần đạo nghĩa, hỗ tưong tranh quyền đoạt lợi. Ðây là nguyên nhân thế giới hư hoại, làm những việc không hợp, về nhà làm ảnh hưởng đến con cái, khiến chúng đi sai đường, đây cũng quan hệ đến sự hư hoại của thế giới. Tôi nói những lời này không phải là vì một quốc gia mà là vì thế giới mà nói. Chúng ta phải có biện pháp cứu vãn nguy cơ nầy, bất cứ người tây phương, người đông phương không thể có quá nhiều sự ly dị, kết hôn rồi lại ly dị, ly dị rồi lại kết hôn. Trong một đời không biết kết hôn bao nhiêu lần, ly dị bao nhiêu lần, mình có bao nhiêu đứa con cũng không biết, nuôi con không dạy. Nếu không ly dị nhiều như thế, thì tin chắc thế giới vấn đề nhi đồng không có nhiều. Việc nầy nói ra thì quá dài dòng, nói không hết được.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]