Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. 29/11/92 - 05/12/92 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

23/04/201319:54(Xem: 3116)
02. 29/11/92 - 05/12/92 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

02.

29/11/92 – 05/12/92 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

Hỏi: “Dâm tánh” tức niệm dâm từ tự tánh sanh khởi, đúng không?

Đáp: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Dâm tánh là nhân của tịnh tánh”, Kinh Lăng Nghiêm có ba tiệm thứ: Một là trừ trợ nhân, tức không ăn ngũ tân, vì ăn sẽ kích thích tánh dâm dục. Thứ hai là nạo sạch chánh tánh. Nhiều người không biết chánh tánh là gì? Ấy là tánh dâm dục.

Sao gọi là chánh tánh? Vì tất cả sinh mạng đều do tánh dâm sanh khởi. Nay đã tạo nghiệp nhân khiến có sinh mạng, cũng đã có sinh mạng mới có thể tu giải thoát, đạt đến tự do tự tại, nên phải đoạn đứt dâm dục, để không còn luân hồi, trôi lăn trong dòng sanh tử.

Do đó người kiến tánh gọi là “cắt đứt mạng căn”: Tu chánh pháp đến cuối cùng kiến tánh thành Phật, chấm dứt nguồn gốc sinh mạng, không còn sanh tử, luân hồi. Chẳng phải có sinh mạng mới có sự tồn tại, vì sự tồn tại của sinh mạng không chân thật. Tồn tại chơn thật chỉ có tự tánh của mình, khắp không gian thời gian.

Hỏi: Tại sao ăn chay có thể dùng trứng gà?

Đáp: Sở dĩ ăn chay là vì muốn tránh sự sát sanh, dùng loại trứng gà không trống là không sát sanh. Con gà khi có trứng bắt buộc phải đẻ ra, mà trong trứng không có trống thì chẳng thể ấp ra gà con, hễ không ai ăn, trứng cũng sẽ hư. Người ăn chay nếu dùng sữa bò tươi hoặc mật ong thì không bằng dùng trứng gà không trống. Tại sao? Vì sữa bò là lương thực của bò con, mật ong là lương thực của ong con, chúng ta dùng những thứ đó tức giành đi khẩu phần của chúng, còn ăn trứng gà thì không bị dính mắc vào nhân quả.

Hỏi: Những người hành nghề sát sanh như bán hàng thịt, cá có tư cách tham Thiền không? Khi họ đã tham Thiền, trong lòng ray rứt về nghề nghiệp thì làm sao có thể an tâm tham Thiền?

Đáp: Phật pháp nói về nhân quả, tạo nhân gì phải trả quả nấy, giết một mạng trả một mạng. Ví như giết một trăm con gà và ăn thịt một năm con gà đó, sau này phải đầu thai con gà một trăm kiếp, cho người khác giết và ăn thịt lại.

Còn nói về tư cách tham thiền, bất kể tư cách gì đều tham được. Nếu sau khi tham thiền rồi vẫn không bỏ được nghề sát sanh, ấy là lỗi tại mình, chứ đâu phải tại pháp môn tham Thiền! Hễ tin nhân quả thì phải bỏ ngay; Do có ngã chấp, chấp cái ta là thật, nên có sở sợ, sợ vợ con chết đói. Nếu không, khi thay đổi nghề nghiệp, dù ban đầu gặp khó khăn, nhưng cũng sẽ vượt qua. Mà điều kiện đầu tiên tham Tổ Sư Thiền là vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ.

Hỏi: Tại sao chư Tổ nói “Kiến tánh triệt để rồi các tội chướng đều tiêu?”

Đáp: Ngài Nguyệt Khê trong cuốn Đại Thừa Tuyệt Đối Luậnnói: “Nay cuộc sống hằng ngày đều nằm trong nhất niệm vô minh, khi kiến tánh triệt để là bước vào quốc độ tuyệt đối, tất cả tương đối trước kia đều biến thành tuyệt đối”. Tại sao? Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô lão tử, diệc vô lão tử tận”, nhưng hiện nay chúng ta đều phải đối mặt với sự già chết, trước mắt chúng ta thấy có sanh tử, già chết, đều do tâm hoạt động mới thành có, cũng như tôi thường thí dụ thân xoay mới thấy căn nhà xoay; do có chiêm bao mới có sanh tử, không có chiêm bao thì làm sao thấy hữu lậu và vô lậu?

Hữu với Vô là tương đối, là nguồn gốc của tất cả kiến chấp. Thật ra, tự tánh của mình vốn chẳng dính dáng với Hữu và Vô, tôi thường thí dụ về ánh sáng đèn: Tự tánh chẳng hình tướng số lượng, chẳng thể dùng lời nói diễn tả, ví như đốt lên mấy mươi cây đèn trong một phòng, ánh sáng đèn nào cũng cùng khắp không gian. Nếu đã khắp không gian thì sự tương đối tiêu diệt. Tại sao? Dù cho mấy mươi cây đèn, mấy trăm cây đèn ... cũng chỉ là một ánh sáng, thì làm sao có tương đối!

Hỏi: Con vốn là gốc ngoại đạo, trải qua hai mươi năm tìm đạo, gặp nhiều gian khổ: mười năm trong ngoại đạo, bốn năm niệm Phật trì chú! hai năm tu theo phương pháp: “Không sợ vọng khởi, chỉ e giác chậm ...” Đến đây, được quí sư chỉ bảo xem cuốn Đại Thừa Tuyệt Đối Luận, ngài Nguyệt Khê quét ngay bệnh của con, từ đó mới bắt đầu lần mò tham Tổ Sư Thiền.

Ngài Lai Quả nói: “Chúng sanh suốt ngày sống trong vọng tưởng của vọng tưởng, tham Thiền dù cũng là vọng tưởng, nhưng là tâm đi trước, còn vọng tưởng của vọng tưởng là nghiệp đi trước ...” Chư Tổ đều nói như thế, nên con quyết tử tham câu thoại đầu.

Nay con gặp phải một tình trạng như sau: Tháng Tư vừa rồi con nhập Hạ tại chùa Pháp Thành, khi về đến nhà, bỗng câu thoại đầu sở tham tuôn ra từng tiếng trong cơ thể, như có máy ghi âm bên cạnh, bất cứ đang làm việc gì đều rõ ràng như thế. Lúc đó do tánh hiếu kỳ, con quên tham tiếp câu thoại, chỉ muốn dò tìm đó từ lâu ra? Vậy xin Sư phụ khai thị.

Đáp: Đó là vì ông chỉ niệm câu thoại, không có nghi tình. Vì nghi tình không hiểu không biết, nay biết rõ câu thoại, lại nghe rõ như máy thu băng thì chẳng phải nghi tình. Bây giờ phải nhìn ngay chỗ không biết, chỗ một niệm chưa sanh khởi, gọi là “khán thoại đầu”, vừa nhìn vừa hỏi câu thoại, mới giữ được nghi tình.

Nói “nhìn chỗ đen tối” cũng là vọng tưởng, nhưng vọng tưởng này khác hơn “vọng tưởng của vọng tưởng”, vì vọng tưởng của vọng tưởng dẫn chúng ta đi vào sanh tử, còn vọng tưởng này dẫn chúng ta ra khỏi sanh tử. Nay chẳng cần biết đến xanh vàng đó trắng, cứ giữ cái không biết, không cho bộ não tìm hiểu, ghi nhớ, suy lường ... hễ giữ được cái “không biết” là tham thiền, nếu để mặc cho suy nghĩ, biết cái này cái kia thì chẳng phải tham Thiền.

Hỏi: Người tu hành trước kia đã tạo ác, nay đi tu có hết tội không?

Đáp: thiện với ác là tương đối, tham Thiền đến kiến tánh rồi là đi vào quốc độ tuyệt đối, tất cả tương đối không còn nữa. Mà tương đối cũng là do tâm tạo, nhắm mắt chiêm bao hay mở mắt chiêm bao cũng là chiêm bao, khi thức tỉnh rồi ra ngoài chiêm bao, lúc đó tìm tội chướng ở đâu. Cho nên, chỉ cần thức tỉnh, thỉ tất cả việc làm trong chiêm bao đều tìm không ra.

Hỏi: Sư phụ giới thiệu sơ lược về sự tu của Hòa Thượng Thích Hoằng Tu, Bổn sư của Sư phụ:

Đáp: Kính thưa Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và quý Phật tử?

Sáng nay, Hòa thượng Trụ trì, cũng là Bổn sư của tôi, muốn đích thăn lên dạy cách tuần hương của Thiền đường và đem lên hai cây hương bảng, nhưng vì bị bận việc nên để tôi một mình khai thị. Và tôi xin giới thiệu sơ lược về Hòa thượng Bổn sư của tôi:

Hòa thượng năm nay đã tám mươi tuổi, lúc hai mươi mấy tuổi, Hòa thượng ở tòng lâm Chùa Dũng Tuyền! Cổ sơn, huyên Phúc, huyện Phúc Châu, tỉnh Phước kiến, Trung Quốc.

Hòa thượng tham Tổ Sư Thiền nơi Thiền đường được hai năm, ở Cổ Sơn chia làm ba lối tu: một là ở Thiền đường, có hai trăm Tỳ kheo chuyên tu; hai là ở Niệm Phật Đường, có hai mươi mấy vị chuyên niệm Phật, ba là có mười mấy vị chuyên ở trên lầu lễ Sám Đai Bi.

Lúc đầu tất cả tu si hàng ngày đều dự hai thời khóa tụng và ăn quá đường, nhưng sau một thời gian, những vị tham thiền đã quyết tử chuyên tu rồi, ra hẳn một Thiền đường nhỏ, khỏi dự khóa sớm chiều và ăn quá đường, suốt ngày chỉ đi hương tọa hương, đến giờ ăn thì có ngươi dọn sẵn. Qua một thời gian nữa, những người thật quyết tử, được cho ở cốc một mình, cách chùa hơi xa, cứ nửa tháng về chùa lãnh một túi cơm

cháy về tự nấu, có người chi ngâm cơm cháy với nước lạnh rồi ăn. Ngày qua ngày một năm qua một năm, đến nổi chỉ ăn cơm cháy chứ không thèm ngâm nữa.

Nói chung, sự tu chia làm ba giai đoạn: lúc đầu ở chùa, sau ở riêng Thiền đường nhỏ, và sau cùng ra ở cốc một mình, chuyên tu khổ hạnh đến kiến tánh.

Cho nên, đối với qui củ Thiền đường, Hòa Thượng nắm rất rõ. Đây là cây hương bảng, sao gọi hương bảng? Khi xưa không có đồng hồ, thời gian đi hương tọa hương, chỉ đốt lên một cây nhang: cứ đốt một cây nhang ngồi gọi là tọa hương; rồi đốt một cây nhang để đi gọi là đi hương, bắt đầu tọa hương đi hương gọi là khởi hương, lúc xả thiền gọi là phóng hương ...

Cây hương bảng là dùng để cảnh sách chúng, ai vi phạm qui củ thì đánh bằng cây hương bảng. Tôi thấy ở trên cây hương bảng của Chùa Cao Mân có ghi hai chữ “Cảnh sách”. Người tuần hương cầm cây hương bảng đứng hoặc đi, chứ không được ngồi. Lúc tọa hương, hễ hành giả nào ngó qua ngó lại hoặc ngủ gục, người tuần hương đánh nhẹ trên vai, nói chuyện thì đánh mạnh hơn.

Trong Thiền đường Trung Quốc, chẳng phải như hiện nay ở đây, muốn đi tiêu tiểu lúc nào cũng được. Quí vị có xem cuốn Thiền Thất Khai Thị Lụcthì biết: Vào trong Thiền đường rồi là đóng cửa lại, đến giờ cho đi vệ sinh mới mở cửa. Ngày thường, nếu chưa đến giờ mà muốn ra ngoài, xin phép vị Duy Na, phải chịu sáu hương bảng mới cho ra. Còn ngày đả thất thì không được xin ra, như ngài Lai Quả nói: “chẳng thà ị trong quần thì được, chứ xin ra thì không”. Nếu người bị bệnh nặng chết rồi, đem để được quảng đơn, khi giải thất rồi mới đem chôn một lượt. Qui củ Thiền đường nghiêm khắc như thế.

Lại nữa, nhà vệ sinh của Thiền đường Trung Quốc thường cách hơi xa, đến giờ đi vệ sinh, Duy Na thường sai người tuần hương cầm hương bảng đi theo, hễ ai nói chuyện sẽ bị đánh.

Hỏi: Trong cuốn Bá Trượng Ngữ Lục và Quảng Lục có câu: “Từ Sắc giới trở lên bố thí là bệnh, bỏn xẻn tham lam là thuốc, từ Sắc giới trở xuống, bỏn xẻn tham lam là bệnh, bố thí là thuốc”, nghĩa như thế nào?

Đáp: Cuộc sống hằng ngày của chúng ta đều nằm trong phạm vi tương đối, gọi là nhất niệm vô minh. Nguồn gốc của nhất niệm vô minh là CÓ và KHÔNG. Thiện và ác là tương đối, người thường hay bỏ ác làm thiện, làm thiện được phước báo/ làm ác bị khổ báo là việc trong luân hồi.

Mục đích của Phật pháp là ra khỏi luân hồi, nên phải quét sạch tương đối: Chẳng phải không làm thiện, nhưng làm thiện không trụ nơi thiện, cho đến chứng quả A La Hán không được trụ quả vị A La Hán, chứng quả Bồ tát không trụ nơi quả vị Bồ tát, chứng quả Phật không trụ nơi quả vị Phật v.v ... Nếu có sở trụ tức còn ngã chấp vi tế, ví như chứng đến Niết Bàn mà trụ quả Niết bàn, tức còn Niết bàn ngã, là phá được ngũ uẩn ngã lại kẹt nơi Niết bàn ngã, Thiền tông gọi là “mạng căn chưa dứt”. Phải chứng đến cuối cùng mà chẳng biết có ta năng chứng, kể cả cảnh giới chứng cũng tan rã, gọi là “ngộ rồi đồng như chưa ngộ”. Tại sao? Vì có mê mới có ngộ, nay ngộ rồi tức hết mê, hết mê thì cũng hết ngộ.

Lời nói của chư Phật chư Tổ chỉ là phương tiện tạm thời, chấp đến đâu phá đến đó. Nên ngài Lâm Tế có câu “Gặp ma chém ma, gặp Phật chém Phật”, chẳng phải là chém Phật, chỉ là chém tâm chấp Phật của chúng ta mà thôi.

Hỏi: Trong Kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ tát lễ lạy mọi người kể cả Ưu bà tắc, Ưu bà di, vậy mọi người được lễ lạy có tổn phước không?

Đáp: Không, tại sao? Vì Thường Bất Khinh Bồ tát rất từ bi, dạy người phá chấp. Phàm là chánh pháp phải phá ngã chấp, phá hết ngã chấp rồi một được ra khỏi sanh tử luân hồi. Phật nói “Phật tánh của tất cả chúng sanh đều bình đẳng”, dù nay chưa thành Phật, nhưng Phật tánh của chúng ta với Phật Thích Ca vốn chẳng kém chút nào, chúng sanh dù chưa thể phát huy sự dụng như chư Phật nhưng cũng đã sẵn sàng, khắp không gian thời gian không hề gián đoạn. Nay chúng ta dùng được chút đỉnh, gọi là ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết.

Tại sao Thường Bất Khinh Bồ tát gặp ai cúng lễ lạy và nói: “Ông sẽ thành Phật? Vì muốn để cho mọi người có đủ lòng tin tin tự tâm, tăng cường lòng tin tin tự tâm. Cho nên, ngài lạy Ưu bà tắc, Ưu bà di, chẳng những không làm tổn phước, lại giúp cho tăng trưởng lòng tin, sau này được phước báo càng lớn.

Hỏi: Một vị Phật tử trình kiến giải: Từ trước đến giờ con vẫn đi tìm cầu giải thoát mà chưa từng được nghe và đọc sách Tham thoại đầu, nay có duyên lành gặp được, pháp này, con thấy pháp môn Tham Thoại đầu đưa hành giả đến chỗ bặt suy lường, bặt ngôn ngữ, từ chỗ đó diệt được cái ngã, tu mà chẳng thấy mình đang tu, vì không thấypháp môn, khác với một số các nơi khác, người ta cứ cho là mỗi ngày tụng được bao nhiêu thời kinh, niệm được bao nhiêu xâu chuỗi, giảng được bao nhiêu quyển kinh, viết được bao nhiêu kinh sách ... và từ chỗ đó, họ thấy được công đức tu của họ bèn chấp vào chỗ đó.

Còn ở đây, như sự hướng dẫn trong cuốn Đường Lối Thực Hành Tham Tổ sư Thiền, vô sở đắc, vô sở ngã. Tuy nhiên, nếu chúng ta khởi lên một ý niệm, cho pháp môncủa ta là do chính Tổ sư nói lại, là tối thượng thừa và chúng ta là người có thượng căn mới được nhân lành để tu tập pháp môn này … thì con nghĩ đó cũng là chấp ngã,chấp pháp.

Theo con nghĩ, tất cả giáo pháp của nhà Phật đều bình đẳng. Tại sao? vì tất cả đều hướng về Không, về kiến tánh Như Lai. Tánh Như Lai thể tánh vốn không, an nhiên tịch tịnh chẳng thể dùng ngôn ngữ tỏ bày, mà chỉ có thể cảm nhận được thôi. Xét lại tất cả pháp môn con từng dự, ở đâu cũng cho là pháp môn của mình cao, chẳng thấy được tất cả pháp môn đều chỉ đưa tâm mình trở về không, trở về bình đẳng. Ví dụ: Pháp môn tịnh độ nếu hàng ngày niệm Phật mà tâm không cầu vãng sanh, thì lục tự Di Đà cũng như câu thoại đầu mình tham; bên thiền Bát Nhã cho thế giới, thân tâm, tất cả pháp đều huyễn, tức trở về không, cũng là bình đẳng. Chúng ta tham thiền để bặt niệm, bặt suy lường, cũng là trở về không; Thiền tông tọa thiền để định, cho vọng niệm chẳng khởi lên, cũng là trở về không …

Đáp: Ông nói tất cả đều trở về không, cái nghĩa KHÔNG, mà ông nói đó là nghĩa gì?

Hỏi: Dạ, đó là cái không của Diệu hữu, để tiến về tánh không của vạn pháp chứ chẳng phải cái không có.

Đáp: Chơn không Diệu hữu là danh từ, chẳng phải việc cụ thể. Phật giảng kinh thuyết pháp đều lấy việc cụ thể trước mắt để dẫn chứng, giải thích cho người nghe được hiểu. Còn Chơn không Diệu hữu, Diệu hữu Chơn không là danh từ, người nghe có đoán mò cũng không ra, chẳng biết thế nào là Chơn không, thế nào là Diệu hữu.

Thật ra, nói đến chữ KHÔNG, chẳng phải Chơn không, cũng chẳng phải Diệu hữu, chỉ là hiển bày sự dụng của Tự tánh: Cũng như cái tách, cái bình này, nếu chẳng có cái Không, chỉ là tách chết, không xài được. Cái bàn, căn nhà này cũng vậy. Cái Không rộng chừng nào thì sự dụng lớn chừng nấy. Người đời thường cho chữ KHÔNG là tiêu cực, nói rằng tu sĩ vào cửa không bởi chán đời rồi mới đi tu, chẳng biết vào cửa Không là tích cực, là muốn hiển bày được sự dụng sẵn có của tự tánh.

Hỏi: Chơn không Diệu hữu là cái Có của sự huyền diệu ?

Đáp: Thế nào gọi là huyền diệu? Những gì không thể hiểu mới gọi là huyền diệu, (Sư phụ giảng về móng tay 3 ngày dài một lần, lược qua) Về sự thật phải ngộ rồi mới biết rõ.

Hỏi: Vậy thưa Hòa Thượng các pháp chẳng bằng nhau sao? Các pháp có cao thấp sao?

Đáp: Tự tánh bất nhị, đâu có cao thấp! Nếu có cao thấp tức là nhị pháp. Phật tánh của chúng sanh với Phật Thích Ca vốn bằng nhau, sự dụng cũng bằng nhau, chẳng kém hơn chút nào.

Hỏi: Thế còn các phát môn có cao thấp không?

Đáp: Làm sao có cao thấp? Ông có nghe tôi nói “Không có sanh tử” chăng? Nếu không có sanh tử thì làm sao có pháp cao thấp? Người đã chứng ngộ mới biết chẳng có pháp để chứng. Bây giờ chưa ngộ, do tâm suy lường phân biệt pháp này pháp kia, đủ thứ tương đối, ấy là bởi sống trong nhất niệm vô minh. Sở dĩ Phật giáo khác hơn tất cả tôn giáo, vì không kiến lập chân lý. Nên Phật nói “Vô pháp khả thuyết mới gọi là thuyết pháp”, “Ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, “Chẳng có pháp nhất định để Như Lai thuyết …”Vậy đâu có pháp để ông cho là cao hay thấp!

Hỏi: Con biết, nhưng vì chúng sanh còn chấp pháp, chấp pháp môn mình hành là cao nên chê báng lẫn nhau!

Đáp: ấy là lỗi tại người khen chê, đâu phải lỗi tại pháp! Vốn là chẳng có pháp để khen chê, mà những người tự làm tài khôn mới lập ra sự khen chê.

Hỏi: Bên Tịnh Độ, nếu có thân nhân lâm chung là thỉnh các thầy đến tụng kinh còn Thiền tông thì sao?

Đáp: Mục đích tham Thiền là đạt đến kiến tánh, được tự do tự tại, làm chủ lấy mình. Bát Nhã Tâm Kinh đã nói “không có sanh tử”, thì làm sao có vấn đề lâm chung? Vô minh còn không có mà! Đó là lời Phật nói trong kinh! sao còn không tin? Nếu tin nổi thì vấn đề lâm chung cũng không, làm thế nào cũng được, chỉ là tùy duyên thôi, không cần nhất thiết phải thế này thế kia, là người tham Thiền cứ tham thiền, người niệm Phật cứ niệm Phật, tụng kinh cứ tụng kinh.

Hỏi: Thiền sư Bác Sơn trong Tham Thiền Cảnh Ngữ nói: “Người tham thiền hễ trong tâm còn để lại một chút tri giải, người đó không bao giờ kiến tánh được”. Còn ngài Trung Phong lại đưa ra ba điều kiện: “Mắt huệ sáng, lý tánh thông, chí kiên cố. Nếu người nào đầy đủ ba điều trên, dù chưa cất bước, ngài cũng biết người đó sẽ đi đến đích, liễu thoát sanh tử; Nếu người nào chỉ có mắt huệ sáng mà thiếu hai điều kia, chỉ có thể thành người vác bảng”.

Lời nới của chư Tổ, tại sao người thì dạy thế này, người thì dạy thế khác? Nếu theo lời dạy của ngài Bác Sơn, hành giả phải hạ thủ công phu, quyết tử tham thiền, một chút tự giải cũng không cho nhập tâm. Trái lại, ngài Trung Phong nói nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì chỉ thành người vác bảng?

Đáp: Tôi thường nói, lời của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện tạm thời để phá chấp của đương cơ, đâu có nhất định! Những phương tiện đó phải có trí huệ mới dùng được, nếu chỉ biết dùng phương tiện mà không có trí huệ, thì bị phương tiện ấy trói buộc.

Nếu chúng ta tin tự tâm thì nó đã sẵn có, làm sao thiếu được? Mắt huệ sáng, lý tánh thông đều sẵn có, bây giờ tại mình mê nên phải lập chí để thực hành. Vì có sự chấp, bị chướng ngại không thông, nên phải nói “lý tánh thông”, ví như tri kiến lập tri thành chướng ngại, phải phá sự lập tri đó rồi mới thông, gọi là lý tánh thông.

Thật ra, chẳng có một pháp gọi là lý tánh thông, vì đã thông sẵn vậy, chẳng cần lý đã có lý sẵn, nên Phật giáo khác hơn các tôn giáo khác là không kiến lập chân lý vì Tự tánh đã là chân lý sẵn có, chẳng có bắt đầu và cuối cùng, là nghĩa vô sanh, khỏi cần kiến lập. Do có chấp thật cái lý nên phải phá, ấy là phương tiện.

Hỏi: Sư phụ nói Phật tánh vốn chẳng sanh tử phiền não, nhưng thực tế chúng con không thể tránh khỏi những phiền não ấy. Vậy xin hỏi những thứ đó từ đâu rồi mà khiến chúng con trôi lăn trong dòng sanh tử?

Đáp: Do là do tâm chấp mà ra, nếu tâm chẳng chấp thật thì vốn không có những thứ đó. Do đã sanh ra chấp tâm, nên có đủ thứ phiền não. Phải tin tự tâm 100%, nay cảm thấy khó tin là vì khi tiếp xúc có thật chất. (Sư phụ giảng về nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao, lược qua). Cho nên chúng ta mới cần tu, Đức Phật mới dạy chúng ta tham Thiền. Nếu người tin nổi, chỉ một sát na là thành Phật, người tin không nổi nên phải trải qua nhiều kiếp. Do đó! trong Phật pháp hễ tâm chấp nặng chừng nào là kém chừng nấy, tâm chấp nhẹ thì cao, chứ chẳng phải thông minh lanh lợi là cao, ngu si dốt nát là thấp đâu!

Hỏi: Ngài Duy Ma Cật trong lúc giảng kinh cho tứ chúng là cách gián tiếp hay trực tiếp?

Đáp: Ngài vốn là một vì Cổ Phật nhưng trong Kinh Duy Ma Cật, ngài thị hiện là một vị cư sĩ tại gia đế phá chấp của bậc Bồ tát, A la hán, và tất cả tập khí xuất thế gian. Ví như trong Phẩm thăm Bệnh, tất cả A la hán, Bồ tát đã bị Duy Ma Cật quở, vì còn tập khí xuất thế gian, cho nên Ngài thị hiện để phá chấp của các bậc Thánh đã chứng quả. Nhưng, lời phá chấp chẳng phải chơn lý, chỉ là phương tiện tạm thời, cũng như bảy chỗ tìm tâm trong Kinh Lăng Nghiêm, A Nan chấp tâm trong thân thì Phật phá chẳng phải trong thân, chấp ở ngoài thân thì Phật cũng phá chấp đó ... Nếu chấp theo lời Phật thì rốt cuộc tâm ở chỗ nào? Vì tâm vốn khắp không gian, nếu trong thân, ngoài thân không có, thì không cùng khắp ư? Cho nên, dù là lời của Phật, cũng chỉ là để phá chấp thôi, chứ chẳng phải chọn lý.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]