Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền duyệt

22/04/201319:45(Xem: 5804)
Thiền duyệt

thiendinh_buddha1

Thiền duyệt


Sharon Salzberg - Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch


Thiền duyệt có nghĩa là sự an vui trong thiền tập. Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi tưởng muốn an tâm và phát triển định lực ta cần phải có một sự cố gắng vất vả ghê gớm lắm. Tôi còn nhớ trong khóa tu thiền đầu tiên, tâm tôi cứ suy nghĩ lung tung và chu du đi khắp mọi nơi. Đến một lúc bực mình quá, tôi tự nhủ là nếu nó xảy ra lần nữa thì tôi sẽ đập đầu vào tường cho biết! Nhưng thật may cho tôi, lúc ấy tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa cũng vừa được thỉnh lên. Trong khi sắp hàng chờ lấy đồ ăn, tôi nghe trộm hai người đứng phía sau nói chuyện với nhau. Một người hỏi thăm người kia về thời ngồi thiền vào buổi sáng này. Anh ta trả lời với một giọng thật vui tươi, “Sáng này tôi ngồi chẳng được yên gì mấy, nhưng chiều nay chắc chắn là sẽ tốt hơn”.

Tôi quay lại nhìn anh ta với một ánh mắt kinh dị và khó tin. “Tại sao anh lại không hề bị bực mình như tôi?”. Tôi tự hỏi. “Anh ta có coi chuyện hành thiền là quan trọng hay không chứ?”. Và đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, anh ta là Joseph Goldstein. Năm năm rưỡi sau, hai chúng tôi cùng với Jack Kornfield và một số bạn có tâm đạo, đã cùng nhau đứng ra thành lập Trung tâm thiền tập Insight Meditation Society. Đến lúc ấy thì tôi cũng đã hiểu được ý của Joseph khi anh nói lên câu đầy hy vọng ấy.

Khi sự tu tập tiến triển hơn, tôi mới hiểu những điều kiện cần thiết cho sự phát triển định lực không phải là cái thái độ tranh đấu, gian khổ mà tôi đã có. Theo tâm lý học Phật giáo thì bất cứ một tâm hành thiện nào cũng đều có một nhân duyên gần của nó. Đó là một điều kiện cơ bản làm phát khởi lên đức tánh ấy. Ví dụ, nhân duyên gần của tâm từ, metta, là thấy được sự tốt lành trong người khác. Vì vậy, tâm metta dễ phát khởi nhất khi ta nhìn thấy những cái hay, cái đẹp của người chung quanh mình. Tôi thì cứ tưởng nguyên nhân để làm phát sinh tâm định phải là một sự căng thẳng, tranh đấu mãnh liệt. Nhưng hoàn toàn ngược lại, tôi vô cùng ngạc nhiên vì nhân duyên gần để làm phát khởi định lực chính lại là sự an lạc.

Sau này tôi mới hiểu, cố gắng trói buộc tâm mình vào trong một đối tượng sẽ không tạo điều kiện cho định lực phát sinh. Và trái lại, khi tâm ta buông thả, tĩnh lặng và hạnh phúc, ta sẽ có thể định tâm rất dễ dàng và tự nhiên. Hạnh phúc tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là một cảm giác vui thú thoáng qua, mà tự nó chứa đựng một sự lo âu vì ta sợ sẽ mất đi. Hạnh phúc làm điều kiện cho định lực mà tôi muốn nói là một trạng thái tĩnh lặng, khi tâm ta yên ổn, cởi mở và tự tin. Đây là một khu vườn phì nhiêu cho cây Định đâm hoa, kết trái. Nhưng làm sao ta có thể có được trạng thái an lạc ấy đây?

Theo tôi nghĩ, muốn có một sự an lạc, trước hết ta cần phải có một cái nhìn cho đúng. Một cái nhìn mà Joseph đã biểu lộ trong giờ ăn hôm ấy nhiều năm trước đây. Trong hành trình tu tập, bao giờ ta cũng sẽ có những kinh nghiệm mà ta cho là sự thăng trầm. Thiền tập là một tiến trình tuần hoàn, một vòng tròn, nó thách thức hết mọi sự phân tách nhưng đòi hỏi một sự chấp nhận. Và càng tu tập, tôi lại càng khám phá rằng khả năng chấp nhận và cho phép những kinh nghiệm thay đổi, nó có liên hệ đến mức độ tự trọng của mình.

Khi đức tự trọng của tôi vững mạnh, tôi có thể trải qua những giai đoạn khó khăn mà không hề nản lòng. Vấn đề khó khăn không phản ảnh sự yếu kém của tôi. Và khi gặp những lúc an vui, dễ chịu, tôi cũng không bị lệ thuộc vào chúng, vì sợ chúng sẽ đổi thay hoặc mất đi. Đối với tôi, đức tự trọng là một yếu tố chủ yếu trong việc duy trì sự an lạc và từ đó dẫn đến định lực. Tôi cũng hiểu, mức độ tự trọng của tôi còn được cắm rễ trong những việc làm hằng ngày của tôi nữa, chứ không phải chỉ giới hạn trong lúc ngồi yên trên tọa cụ sự thực tập và nó cũng đã được ghi chép trong kinh điển.

Kinh điển Phật có trình bày cho ta thấy một trạng thái tâm thức sẽ giúp tạo nên điều kiện cho sự phát sinh của tâm thức kế tiếp như thế nào, theo một thứ tự ngẫu nhiên. Trong quyển Thanh tịnh đạo, Visuddhi-magga, một tác phẩm nổi tiếng trong bộ Luận tạng của Phật giáo Nam tông, thì sự an lạc là một phần tự nhiên của tiến trình đi từ giới luật cho đến sự giải thoát tối thượng.

Mở đầu, bộ luận ấy nói rằng giới luật là nền tảng của sự phát triển định lực. Trong đạo Phật, giới luật không phải được xem như là những điều lệ bắt buộc, cố định. Giới luật có nghĩa là sống với chủ ý phản ảnh tình thương và tâm từ của ta ra đối với chính mình và người chung quanh. Như triết gia George Santayana nói, “Giới luật là ước muốn làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời”. Khi chúng ta sống hòa hợp với chân lý muôn đời mà mọi vật trên thế giới này đều có liên hệ với nhau, ta sẽ không bao giờ muốn làm hại bất cứ một cái gì. Và, giới luật sẽ làm phát khởi lên điều kiện tâm thức kế tiếp là sự câu thúc.

Câu thúc tức là ngăn ngừa, kềm chế, là nền tảng của sự phát triển một tâm không hối hận. Khi ta biết dừng lại một sự thúc đẩy nhất thời, xúi giục ta hành động gây hại, ta có thể thấy được cái tính chất vô thường và vô ngã của ý muốn vừa khởi lên ấy. Tránh được những hành động gây hại, ta sẽ tránh được mặc cảm tội lỗi, sợ bị người khác biết, và nỗi bối rối, hối hận khi ta khám phá rằng bất cứ hành động nào cũng đều đem lại hậu quả.

Một điều kiện tích cực phát sinh từ sự câu thúc là trạng thái hỷ, tức vui mừng. Vì không hối hận chính là nền tảng của sự phát triển tâm hỷ. Hỷ là một trạng thái nhẹ nhàng và dễ chịu mà ta có trong cuộc sống, khi ta bắt đầu biết lo cho chính mình và người chung quanh nhiều hơn. Khi chúng ta thật sự cảm thấy một sự liên hệ với người chung quanh, ta sẽ buông bỏ những hành động nào có tính cách gây hại, và bớt làm những việc gì khiến ta cách biệt với người khác. Từ đó, cái cảm giác cô đơn, xa cách của ta cũng sẽ tan biến mất. Tâm hỷ lại là nền tảng cho sự phát triển an lạc.

Và ta có được sự an lạc qua phương cách đó - một sự an lạc của vững chãi và thảnh thơi. Sự an lạc ấy sẽ không bao giờ bị lay chuyển, cho dù vật đổi sao dời, con người có làm cho ta thất vọng, hoặc ta không đạt được những gì mình muốn. Hạnh phúc ấy dựa trên ý thức rằng mọi sự sống đều có liên hệ với nhau, và hành động của ta bắt nguồn từ một trạng thái nguyên lành và trọn vẹn nhất. Nó bắt nguồn từ một tâm thư thái. Ta gọi đó là đức tự trọng.

Tiếp theo đó, như trong Thanh tịnh đạo ghi chép, an lạc lại là nền tảng cho sự phát triển một tâm tĩnh lặng. Thay vì là những sôi động, xôn xao mà ta thường kinh nghiệm khi mình lo nghĩ và hối hận, tâm ta trở nên yên lặng hơn. Vì không phải lo đối phó và tháo gỡ những rối rắm trong tâm hồn, ta có thể an trú trong phút giây hiện tại này hơn. Tĩnh lặng, phát khởi từ sự an lạc, là nền tảng của sự phát triển định lực. Sự tĩnh lặng này chính là cái mà tôi đã thiếu trong khóa tu ngày xưa, nhiều năm trước đây.

Định là sự vững vàng của tâm, một cảm giác mà ta có khi sự chú tâm của ta nhất điểm và mãnh liệt. Khi ta có định lực, cánh cửa của tuệ giác sẽ mở rộng. Chừng ấy, ta có thể nhìn thấy được sự việc như chúng thật sự là, và không để bị méo mó qua những lăng kính của sự ưa thích và ghét bỏ của ta. Chính nhờ bỏ đi những lăng kính này mà ta bắt đầu biết tin tưởng vào khả năng cảm nhận sự thật của mình. Một cái nhìn và hiểu biết đúng đắn, khi đã thật sự trở thành một phần trong đời sống của ta, sẽ là nền tảng cho sự phát triển một tâm bình thản.

Tâm bình thản không phải là một thái độ lãnh đạm và dửng dưng, mà là một tâm thức bao la, trong đó ta cảm thấy trọn vẹn và đầy đủ, cho dù hoàn cảnh cuộc đời có thăng trầm đến đâu. Nó là một sự trầm tĩnh trước những biến động của cuộc đời mà ta phải liên tục đối diện. Cho dù ta có đạt được những gì mình muốn hay không, chúng ta vẫn thấy được vấn đề trong đúng phối cảnh của nó. Ta vẫn có thể làm những gì cần làm, để làm vơi bớt khổ đau của mình và của kẻ khác, nhưng hành động ấy sẽ phát xuất từ một hạnh phúc nội tại. Đó chính là Joseph trong giờ ăn trưa hôm ấy, mặc dù lúc đó tôi cho rằng anh ta quá tầm thường, vì anh đã không tự hành hạ mình giống như tôi.

Sự bình thản là nền tảng cho sự phát triển một tâm bớt tham lam và giận dữ. Một khi chúng ta đối diện với cuộc đời bằng một tâm quân bình và hạnh phúc, ta sẽ không còn bị phản ứng máy móc theo thói quen và tập quán của mình nữa, như là lúc nào cũng chạy theo lạc thú và trốn tránh đớn đau. Những tập quán lâu đời ấy sẽ thôi không còn cắm rễ vào tâm ta như xưa. Và nếu chúng có khởi lên cũng sẽ rất là mềm yếu, ta không cần phải sợ hãi vì biết mình có một sự chọn lựa và không để chúng sai sử như trước.

Sự phai mờ của tâm tham lam và sân hận là nền tảng của giải thoát. Giải thoát chính là một sự hiểu biết chân lý mãnh liệt đến nỗi ta không còn có thể quay trở lại được nữa. Khi ta tiếp xúc với những kinh nghiệm của mình không bằng thành kiến, không cố gắng dùng chúng để khỏa lấp một sự trống vắng nào trong ta, ta sẽ thấy được rõ ràng những gì đang có mặt. Chúng ta có thể cởi mở ra với sự sống và học hỏi nó, vì chân lý của cuộc đời bao giờ cũng có mặt trong mỗi kinh nghiệm của mình. Khi ta có chánh niệm, ý thức rõ ràng và không phê phán, ta sẽ khám phá được nguyên nhân của khổ đau cũng như sự chấm dứt của khổ đau.

Sự tiếp nối này, như đã được diễn tả trong Thanh tịnh đạo - giới luật, ngăn giữ, hỷ, lạc, tĩnh lặng, định, bình thản, sự phai mờ của tham lam và sân hận, và giải thoát - chúng tiếp theo nhau thật tự nhiên như sự chuyển động của một làn gió. Và an lạc, khi được nhìn dưới ánh sáng của tiến trình này, sẽ trở thành một phần của con đường tu tập. Ta sống với tình thương, lòng từ bi, tâm bất hại, và chúng sẽ dẫn ta đến một khung trời giải thoát.

Mặc dù an lạc tự nó là mục đích, là quả trái của thiền tập, nhưng nó cũng là một phương tiện, một trạng thái tâm thức mà ta có thể có ngay bây giờ và ở đây, chỉ cần ta biết tự trọng và sống với tình thương. Và niềm an lạc ấy là một nguyên tố chủ yếu giúp ta giải thoát khỏi mọi khổ đau trong cuộc đời này.


---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 01-7-2006

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/11/2010(Xem: 5726)
Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy hướng dẫn kỹ năng thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là thở: Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn… Tóm lại, đó là luôn bắt đầu bằng sự quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở.
31/10/2010(Xem: 8249)
Lịch sử Thiền tông Trung Hoa sơ kỳ xuất hiện với hai tên tuổi tiêu biểu. Một vị đương nhiên là Bồ-đề Đạt-ma, người khai sáng Thiền tông Trung Hoa, và vị thứ hai là Lục Tổ Huệ Năng, người định hướng dòng mạch Thiền tông bắt nguồn từ Tổ Đạt-ma. Nếu không có Tổ Huệ Năng và môn đệ trong tông môn của Ngài thì Thiền tông không thể nào phát huy và hưng thịnh vào đầu đời Đường Trung Hoa. Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ chiếm một vị thế tối quan trọng trong nhà Thiền, và những thăng trầm thuộc về duyên nghiệp mà bộ kinh đã khứng chịu có nhiều điều rất lý thú.
27/10/2010(Xem: 11470)
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
19/10/2010(Xem: 4581)
Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lĩnh vực quán niệm; bốn lĩnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được phát triển và thực tập liên tục sẽ đưa tới trí tuệ và giải thoát
18/10/2010(Xem: 6193)
Thiền là phương pháp tu hành chủ yếu của nhà Phật. Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, các đệ tử của Ngài đều lấy việc hành thiền làm cơ bản. Các phương pháp hành thiền này đều nương theo các kinh, luật và luận đã thuyết; như thiền Quán niệm hơi thở, thiền Tứ niệm xứ, Thiền na Ba la mật v.v...Tu các pháp thiền này được chứng nhập tuần tự theo thứ bậc, tùy theo trình độ và thời gian hành trì của hành giả. Loại thiền này được gọi là Như Lai Thiền. Còn Tổ Sư Thiền thì ngược lại không có thứ bậc, là pháp trực tiếp chỉ thẳng vào bản thể chân tâm Phật tánh.
16/10/2010(Xem: 5245)
Sự chia rẽ giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào? Sao bên nào cũng tự nhận là đi đúng đường và cao siêu hơn? Và tại sao Phật từng nói trong Kinh Pháp Hoa, Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là hàng thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Phật đã xếp hạng giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa vẫn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy
12/10/2010(Xem: 5035)
Niêm hoa vi tiếu: nói đầy đủ là: "Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu." Nghĩa là: Đức Phật Thích Ca cầm cái hoa đưa lên, ông Ma Ha Ca Diếp mỉm cười.
12/10/2010(Xem: 7418)
Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen Kigen, 1200-1253) là khai tổ tông Tào Động Nhật Bản. Năm 1224 sư sang Trung Hoa học đạo với thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh (1163-1228) là tổ tông Tào Động đời thứ 15. Sau khi được thầy ấn chứng, sư trở về Nhật Bản vào năm 1228.
12/10/2010(Xem: 8825)
Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) đã miêu tả hai Chân lý: Chân lý Tuyệt đối (Paramatha Sathya) và Chân lý có tính Quy ước (Sammuti Sathya). Luận sư Long Thọ của Truyền thống Phật giáo Đại thừa (Mahayana) cũng đã đồng nhất hai Chân lý ấy, nhưng luận thuyết của Ngài khác với luận thuyết của Truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada).
12/10/2010(Xem: 7627)
Quyển sách này rất có giá trị đối với người tham thiền, nhưng rất tiếc vì có ý kiến của người biên soạn (Người biên soạn đây chỉ là người sưu tập để xuất bản) xen vào nên làm giảm giá trị quyển sách.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]