A TỲ ÐÀM TRONG TRUYỀN THỐNG HỮU BỘ
JINTARO TAKAKUSU
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt
---o0o---
[03]
CÁC TÁC PHẨM A TỲ ÐÀM QUAN TRỌNG KHÁC CỦA HỮU BỘ
Bảy tập A Tỳ Ðàm của Hữu Bộ không phải là đại diện cho một thời kỳ triết học Phật Giáo nào cả, mà bản thân chúng xem ra cũng không ghi nhận nhau như những bổ sung qua lại. Các tập luận này tiếp nối nhau ra đời qua suốt mấy thế kỷ trước khi được xếp chung vào một dòng luận thư chung nhất. Kể ra chúng ta cũng có phần táo bạo khi chỉ dựa vào nguồn tài liệu hiện có rồi xác định niên đại của 7 luận thư A Tỳ Ðàm Hữu Bộ. Bởi ngay cả việc sắp xếp thứ tự trước sau cho từng luận cũng là một chuyện khó. Chỉ có một điều chắc chắn là ở các nguồn tài liệu Hán văn, Tạng văn và cả Sanskrit, trật tự của bảy tập A Tỳ Ðàm không dựa trên cơ sở niên đại. Theo tôi (Takakushu), 3 tập Tập Dị Môn, Pháp Uẩn và Phát Trí Luận có lẽ ra đời trước 4 tập luận còn lại. Các luận thư của Vasumitra ra đời muộn nhất nhưng Vasumitra này không phải là Vasumitra đã chủ trì 500 tác giả biên soạn Tỳ Bà Sa-Tibeto-Chinese Catalogue nói rằng Tỳ Bà Sa được biên soạn sau Phật lịch khoảng 400 năm và cho rằng tác giả của Dhatukaya với Prakaranapada thì sống trước đó một trăm năm (tức 300 năm sau Phật lịch).
Ngôi thứ của 7 tập A Tỳ Ðàm (1 Thân Luận và 6 Túc Luận) có lẽ được phân định sớm nhất là từ sau lúc Tỳ Bà Sa được hoàn tất. Chúng ta nói vậy cũng chỉ vì dựa vào câu nói của Dhammapiya (379 Tây Lịch) đã than mình không có cơ hội đọc tụng chỉ hai trong 6 Túc Luận (xem ở chú thích của phần nội dung Phát Trí Luận).
Có thể nói gần như toàn bộ cái đặc sắc của bảy tập A Tỳ Ðàm Hữu Bộ, những điểm kỳ thú về Siêu hình học và hầu hết những vấn đề phong phú của Phật Giáo đều được thu gọn trong đại sớ Tỳ Bà Sa Kế Tân (Kashmiramahavibhasa). Chuyện được bắt đầu từ đời vua Kaniska (125 Tây Lịch). Nguyên lai, các nhà Hữu Bộ tự hình thành hai nhóm là phái Kế-Tân (Kashmir) và phái Kiền Ðà La (Gandhara), trong Tỳ Bà Sa vẫn dùng 2 tên gọi này. Nhưng sau khi Tỳ Bà Sa được biên soạn xong, không rõ là 2 phái đã thống nhất lại chưa, mà từ đó người ta cứ gọi chung một tên "phái Tỳ Sà Kế Tân" hoặc "Tỳ Bà Sư - Vaibhasika" để chỉ cho cả 2 phái. Học thuyết nguyên thủy của Hữu Bộ là nhìn nhận Mọi Thứ đều Có Thật - Nhất Thiết Thực Hữu (Sarvastivada) hay quan điểm "Vạn Hữu Tồn Tại Từ Trực Nghiệm - Quan niệm trực tiếp vào ngoại vật để từ đó cái gì cũng có thật. Chữ Sanskrit gọi quan điểm này là Vahyarthapratyaksatvavada) -- Trực Quan Cảm Hữu.
Học thuyết Tỳ Bà Sa đã hưng thịnh ít nhất 3 thế kỷ tại Kashmir và được bảo trì nghiêm cẩn qua các thế hệ kế thừa của Hữu Bộ như một hệ thống bí truyền. Chân Ðế kể lại rằng về sau có một nhân vật tên Vasubhadra sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng Tỳ Bà Sa ở Kashmir đã giả điên rồi trốn đến Trung Ấn để truyền bá ở đó.
Thế rồi hậu bán thế kỷ thứ năm Tây Lịch đã giới thiệu với chúng ta một giai đoạn hết sức đặc biệt. Ðó là thời điểm ra đời của một tân phái Tỳ Bà Sa, của hệ thống triết học Du-Già-Sư (Yogacarya) và của Số Luận, một hình thức phục hưng của Bà La Môn giáo. Vasubandhu vốn người Hữu Bộ nhưng lại là một nhân vật có suy tư độc lập và đã cố gắng luận giải một dòng triết thuyết riêng tư. Vasubandhu không tuân phục Tỳ Bà Sa Luận và lại còn tận dụng triệt để tinh hoa của các bộ phái khác, chẳng hạn Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), một trường phái đối lập Tỳ Bà Sa với chủ trương rằng ngoại cảnh chỉ đơn giản là những phóng ảnh của ý thức và chúng chỉ được tri nhận một cách gián tiếp qua một hay nhiều trung gian.
Một nhân vật cự phách của Hữu Bộ là ngài Sanghabhadra đã biên soạn 2 tác phẩm như một cách lên tiếng. Cuốn trước biện giải Tỳ Bà Sa và cuốn sau phê bình các bộ phái đối lập mà chủ yếu là nhằm đả phá Vasubandhu, một người trước sau không chính thức ly khai Hữu Bộ và tác phẩm Câu Xá Luận của ngài vẫn được xem là một luận thư của Hữu Bộ.
Tương truyền rằng Sanghabhadra đã chết trước Vasubandhu và thời kỳ tồn tại của tân phái Tỳ Bà Sa cũng chấm dứt khi Vasubandhu bỏ Hữu Bộ để đi theo Ðại Thừa.
Yasomitra, tác giả của Abhidharmakosavakhya được coi là người của bộ phái Kinh Lượng (Sautrantika). Nghĩa Tịnh, vốn đã tu theo Hữu Bộ, đã thỉnh về Trung Hoa mười chín bộ Luật mà có vẻ như chẳng màng gì tới một tác phẩm tư tưởng nào của Hữu Bộ dù trường phái này vẫn được trân trọng ở Nalanda và nhiều nơi khác.
Mãi đến thế kỷ 14, truyền thống Vaibhasika vẫn còn được duy trì như Madhvacarya đã nhắc đến trong tác phẩm Sarvadarsanasangaha: Te ca bauddhas caturvidhaya bhavanaya paramapurusartham kathayanti te ca madhyanikayogacarya sautrantikavaibha-sikasajnabhi prasiddha bauddha yathakramam sarvasunyatva-vahyasunyatvavahyarthammeyatva vahyarthapratyaksatvavadan atisthanti (Phật gia đã nhìn vào bản chất hữu tình từ 4 lập trường Nhất Thiết giai không của phái Trung Quán, Ngoại cảnh giai ảo của phái Du Già Sư, Ngoại Cảnh Do Lượng của phái Kinh Lượng và Trực Quan Nhi Hữu của Tỳ Bà Sa phái).
Trong 4 trường phái Phật giáo trên đây, phái Trung Quán, theo Sankacarya, chính là Nhất Thiết Không Bộ (Sarvasunyatvavadin), phái Du Già Sư (Yogacarya) chính là Duy Thức Bộ (Vijnanastitvamatravadin hay Vijnanamatrastitvavadin) và Tỳ Bà Sa phái (Vaibhasika) chính là Hữu Bộ. Phái Kinh Lượng không thừa nhận lý thuyết Trực quan đối với Ngoại vật để từ đó chúng được coi là tồn tại. Kinh Lượng Bộ chỉ xem ngoại cảnh là những phóng ảnh của ý thức và chúng được tri nhận một cách gián tiếp. Như vậy rõ ràng Kinh Lượng Bộ đã đứng ngay giữa Tỳ Bà Sư với Du Già Sư. Tỳ Bà Sư chủ trương Trực Quan Nhi Hữu còn Du Già Sư lại cho rằng Ngoại cảnh giai không.
Nghĩa gốc của Tỳ Bà Sa (Vibhasa) là "sự chọn lựa". Bộ luận thư có nhan đề như vậy là nhằm vạch rõ rằng nội dung Tỳ Bà Sa là những điểm tinh hoa của các bộ phái đã được 500 tác giả tổng hợp, đối chiếu rồi thu nhiếp lại như một hệ thống giáo lý căn bản của bộ phái. Hán văn dịch chữ Tỳ Bà Sa là Quảng Giải, Chủng Chủng Thuyết. Nội dung của Vaibhasika sau này chỉ nói lên được quan điểm các luận sư hậu thời và nó cũng là giai đoạn cuối cùng của truyền thống luận giải A Tỳ Ðàm cổ điển. Chống lại Vaibhasika quyết liệt nhất có lẽ là Kinh Lượng bộ, trường phái chủ trương phủ nhận 7 tập A Tỳ Ðàm không phải Phật Ngôn thật sự và đặc biệt đề cao tính nguyên thủy của Kinh Tạng. Từ đó quan điểm tư tưởng của Kinh Lượng Bộ có chút gì đó là những đối chiếu với Vaibhasika.
Và hình như chính điều này đã cuốn hút Vasubandhu, một người tình cờ có cảm tình và hứng thú với Kinh Lượng Bộ. Việc Vasubandhu trở thành nhà Duy Thức không có gì kỳ lạ cả bởi suy cho cùng thì chính giáo lý Kinh Lượng Bộ đã dẫn ông tới đó và như vậy ông đã không hề chịu ảnh hưởng sư huynh của mình là ngài Vô Trước mà cải tín. Tất cả là do ông tự mình chọn lấy hướng đi. Ông đã một mình dung nạp ba dòng triết học Phật Giáo (Hữu Bộ, Kinh Lượng và Duy Thức) nên thật hợp lý khi ông được Phật Giáo Nhật Bản suy tôn là tổ sư của mọi trường phái Phật Giáo. Trên thực tế, 2 tác phẩm Câu Xá và Duy Thức của Vasubandhu cũng luôn được các giới học Phật chuyên tâm nghiên cứu và có đến 2 trường phái Phật Giáo đã hình thành trên cơ sở 2 tác phẩm đó, là Câu Xá Tông và Duy Thức Tông. Thậm chí 2 tác phẩm chú giải Câu Xá do hai đệ tử lớn của ngài Huyền Tráng viết cũng được trân trọng ở Nhật Bản. Tất cả đều là những tài liệu quan trọng để nghiên cứu về Vaibhasika. Sau đây là biểu đồ về những điểm cốt yếu đã nói ở trên:
HỮU BỘ | ||
Gandhara- Abhidharmika | Kasmir- Abhidharmika | |
7 tập A Tỳ Ðàm | ||
Tỳ Bà Sa | ||
Tân phái Tỳ Bà Sa (Vaibhasika mới) | ||
Vasubandhu (Kinh Lượng) | Sanghabhadra | |
(2 tập Câu Xá) | (Nyayanusara và Samayapradipika) |
TỲ BÀ SA và ÐẠI TỲ BÀ SA
(Chú thích Phát Trí Luận của Ca Chiên Diên Tử)
Vấn đề niên đại của Tỳ Bà Sa tuy có thú vị nhưng tôi đành phải cẩn trọng gát qua trong bài biên khảo này vì càng tra cứu thì tôi càng đối đầu với quá nhiều thách đố hóc búa. Trước hết, có lẽ chúng ta phải phủ nhận giả thuyết cho rằng Tỳ Bà Sa được biên soạn vào kỳ kiết tập Tam Tạng dưới thời vua Kaniska. Rất có thể đã có một số luận thư mang nhan đề Tỳ Bà Sa được ra đời trước đại luận Tỳ Bà Sa bởi danh xưng Vaibhasika xem ra không hẳn chỉ xuất phát từ Mahavibhasasastra. Watters đã đưa ra một số chứng minh rằng Ðại Tỳ Bà Sa không phải được biên soạn vào kỳ kiết tập trên là vì chính bộ luận này đã nhắc tới vua Kaniska như một ông vua quá khứ, Vasumitra được Tỳ Bà Sa xếp vào hàng ngũ bốn nhà tạo luận chủ chốt và chính Tỳ Bà Sa cũng trích dẫn Vasumitra, Parsva. Theo Paramartha, chính Ca Chiên Diên Tử cũng đã biên soạn một bộ Tỳ Bà Sa với sự cộng tác của Asvaghosa người xứ Saketa mà phần góp sức này về sau được coi là một tác phẩm văn học.
Trong kinh điển Hán văn cũng có hai bộ Tỳ Bà Sa được gán cho Ca Chiên Diên Tử dù xét ra có phần khiên cưỡng. Ngài Huyền Tráng cho biết rằng trong kỳ kiết tập dưới thời vua Kaniska việc biên soạn Sớ giải ba Tạng được đặt ra ưu tiên. Ðó là bộ Upadesa để chú giải Kinh Tạng và Vibhasa để chú giải Luật Tạng cùng A Tỳ Ðàm Tạng. Mặc dù chúng ta hôm nay không có một sử liệu nào, kể cả Hán văn, để chứng minh rằng từng có một bộ Upadesa ra đời trước thời ngài Asanga (Vô Trước) nhưng riêng Tỳ Bà Sa thì đã được nhắc đến từ lâu. Trong Tỳ Bà Sa, Trung Hoa được gọi là Trí Na, Chấn Thủ (.......)vốn xuất phát từ chữ Tần của thời Tần Thỉ Hoàng (221-203 trước Tây Lịch).
Về trữ lượng nội dung của Tỳ Bà Sa theo các tài liệu đều khác nhau. Huyền Tráng và Ðạo Diên nói Tỳ Bà Sa có được 100,000 thính tiết, riêng Paramartha thì kể là một triệu. Về niên đại ra đời của Tỳ Bà Sa thì Huyền Tráng đưa ra thời điểm "400 năm sau Phật lịch", Paramartha thì 500 năm và Ðạo Diên thì hơn 600 năm sau Phật lịch.
Nhân vật Vasumitra, được gắn liền với kỳ kiết tập Kashmir và cuộc biên soạn Tỳ Bà Sa, đến nay vẫn cứ là nhân vật nhiều huyền thoại và có vẻ khá mơ hồ đối với chúng ta. Watters cho rằng có ít nhất bảy người mang tên Vasumitra với nhiều tầm vóc khác nhau nhưng tạm thời ở đây chúng ta chỉ có thể xác định được hai vị mang tên Vasumitra, một người là tác giả của Túc Luận Prakaranapada và một người là thành viên biên soạn Tỳ Bà Sa.
Những trưng dẫn của tôi trên đây rõ ràng chỉ đưa ra một mớ bòng bong nghịch lý và lộn xộn nhưng dù gì thì qua đó chúng ta cũng được cung cấp đôi điều đặc biệt quan trọng về một giai đoạn thú vị của Phật Giáo.
Cho đến nay thì hầu như trọn vẹn công tích của các nhà Tỳ Bà Sư (Vaibhasika) chỉ còn được bảo trì trong các bản dịch Hán văn xưa nhất (383 sau Tây Lịch). Trong khi đó, để nghiên cứu về các bộ Tỳ Bà Sa (Vibhasa) thì ta có thể sử dụng các bản dịch muộn hơn (434, 557 sau Tây Lịch). Trước hết chúng ta phải phân biệt hai loại Tỳ Bà Sa là Tiểu Tỳ Bà Sa và Ðại Tỳ Bà Sa theo nội dung của chúng mà đừng thắc mắc gì tới tên gọi. Chúng ta sẽ tạm thời gọi chúng là Tỳ Bà Sa nhỏ và Tỳ Bà Sa lớn.
Trữ lượng: 3 chương, 42 phẩm, 14 mục, 400 trang
Tác giả: Ca Chiên Diên Tử
Dịch giả: Tăng Già Bạt Trừng (Sanghavartin) 1
"Nội dung giải thích A Tỳ Ðàm Bát Kiền Ðộ (Abhidharma-atthagantho) gồm các đề tài: Linh tinh, các Triền, các Trí, các Nghiệp, 4 Ðại, các Quyền, các Thiền và các Kiến".
1. Giới thiệu (Tự A Tỳ Ðàm)
2. Tiểu chương:
Bàn về 3 triền và 98 tiềm miên (từ 1-15)
3. Giải Thập Môn Ðại chương(từ phẩm 16-42):
Bàn về Danh Sắc, cảnh giới của ý thức, 22 Quyền, 18 Giới, 12 Xứ, 5 Uẩn, 6 Giới, 4 Thánh đế, 4 Thiền, 4 Vô lượng tâm, 4 Vô sắc định, 4 Giải thoát, 8 Thiền, 3 Ðịnh, Tứ sanh,...
Trong luận thường nhắc tới Vasumitra nhưng không có nghĩa là trích dẫn ngài và điều này còn cho phép ta suy diễn là ngay từ lúc biên soạn luận này, giữa các ngài Vasumitra, Parsva hoặc các trưởng lão khác đã có những bất đồng tư tưởng và ý kiến của từng vị đã được nhắc đến ở đây kể cả danh tánh của họ.
Ở chương 32, phần giải về Tứ Thánh Ðế có ghi rằng đức Phật đã từng thuyết pháp bằng tiếng Tamil: "Trong ngôn ngữ Ðàm Di La, Nhân-Nịnh là Khổ Ðế, Di-Nịnh là Tập Ðế, Ðà-Phá là Diệt Ðế, Ðà-La-Phá là Ðạo Ðế. Ðấng Phật Ðà đã nói về cứu cánh diệt khổ như vậy". Chưa hết, Phật còn dùng cả tiếng Miệt Lệ Sa (Mleccha) mọi rợ để trình bày Tứ Ðế: "Trong ngôn ngữ Miệt Lệ Sa, 4 Ðế được gọi là Ma Xá, Ðâu Xá, Tăng Xá Ma, Tát Bà Ða Cách Ty Lê la (hoặc La Tỳ Bỉ Lật). Ngài đã nói về cứu cánh diệt khổ như vậy".
-ooOoo-
Trữ lượng: Lúc đầu có 8 Kiền Ðộ, 44 phẩm, 100 mục nhưng vào cuộc binh biến giữa hai nhà Lương-Ngụy thì bị thất lạc. Lúc đó là năm 439 Tây Lịch. Sau tìm lại được chỉ có 3 Kiền Ðộ, 16 phẩm, được chia lại 82 mục và tổng cộng 400 trang.
Tác giả: Ca Chiên Diên Tử.
Dịch giả: Phù Ðồ Bạt Ma (Buddhavarma) và Ðạo Thái (từ 437-439 hoặc 425-427 Tây Lịch mới dịch xong).
1. Tự Phẩm
2. Tạp Kiền Ðộ
a. Thế Ðệ Nhất Pháp Phẩm (Lokottaradharmavarga). Chúng ta thấy nhắc tới ở đây danh tánh các nhà tạo luận như Vasumitra, Buddhadeva, Ghosa, Parsva, Aniruddha,...
b. Phẩm Trí (Jnana)
c. Phẩm Nhân (Pudgala)
d. Phẩm Ái Kính (Premagaurava)
e. Phẩm Vô Tàm Quý
f. Phẩm Sắc (Rupa)
g. Phẩm Vô Nghĩa
h. Phẩm Tư Nghì. Có nhắc tới các ngài Vakkula, Buddhadeva,...
3. Sử Kiền Ðộ
a. Phẩm Bất Thiện
b. Phẩm Nhất Hành (Nhất Lai)
c. Phẩm Nhân (Pudgala)
d. Phẩm Thập Môn. Có nhắc tới các ngài Parsva, Mahakausthila,...
2. Trí Kiền Ðộ
a. Phẩm Bát Ðạo
b. Phẩm Tha Tâm Trí
c. Phẩm Tu Trí
d. Phẩm Tương Ưng
Trong một lời giới thiệu, Ðạo Diên đã viết rằng:
"Sau khi Phật diệt độ hơn 600 năm, ở Bắc Ấn có 500 vị La Hán... những người đã biên soạn bộ Luận Tỳ Bà Sa để khắc chế các dị thuyết. Sư Ðạo Thái đã đi đến phía Tây của rặng Onion thỉnh được nguyên tác bộ luận Tỳ Bà Sa bằng Phạn ngữ dày 100,00 thính tiết. Một Sa Môn người Ấn là ngài Phù Ðồ Bạt Ma (Buddhavarma) đã sang đất Lương và được lệnh vua phiên dịch bộ kinh trên vào giữa tháng tư âm lịch năm Ất Sửu (nhằm năm 425 Tây Lịch) với sự cộng tác của hơn 300 người, trong đó có Trí Tung, Ðạo Lang,...
"Bản dịch gồm đến 100 mục và hoàn tất vào tháng bảy năm 427. Lúc nhà Lương bị mất, bản dịch cũng mất theo. Ðến khi khôi phục được chỉ còn lại 60 mục".
"Ngay sau lúc Phật diệt độ có một tỳ kheo tên là Pháp Thắng (Dharmottara) đã biên soạn một luận thư dày bốn quyển nhan đề A Tỳ Ðàm Tâm Luận. Sau lại, Ca Chiên Diên Tử trước tác một công trình A Tỳ Ðàm nhiếp thu trong 8 Kiền Ðộ, 44 phẩm tất cả. Kế đó có 500 vị La Hán viết bộ Tỳ Bà Sa để chú giải 8 Kiền Ðộ A Tỳ Ðàm của Ca Chiên Diên Tử. Khi đem dịch ra chữ Hán, xem nó lớn hơn bản gốc, chứa được 100 mục. Thế rồi nhà Ngụy phá hủy kinh đô Tư Cừ của nhà Lương và bản dịch bị mất. Sau này có 60 mục (trong số 100 mục của nguyên tác) được sưu tập lại và được chia lại thành 110 mục. Ðó chỉ là 3 Kiền Ðộ, còn 5 Kiền Ðộ kia coi như tuyệt tích". Sau đây là 3 Kiền Ðộ sót lại và đã được san định.
-ooOoo-
Trữ lượng: 8 uẩn; 43 phẩm (phẩm kệ ngôn sau cùng của Phát Trí Luận đã không được nhắc tới trong chú giải); 200 chương: Một triệu bốn trăm ba mươi tám ngàn bốn trăm bốn mươi chín chữ Hán, ba ngàn sáu trăm ba mươi trang.
Tác giả: 500 vị La Hán
Dịch giả: Huyền Tráng (dịch từ 656-659 Tây Lịch).
Theo Tibeto-Chinese Catalogue thì Tỳ Bà Sa được biên soạn sau Phật diệt độ khoảng 400 năm.
1. Tạp Uẩn: Gồm 8 chương (xem bản tóm lược Phát Trí Luận)
2. Kiết Uẩn:gồm 4 chương
3. Trí Uẩn: gồm 5 chương
4. Nghiệp Uẩn:gồm 5 chương
5. Ðại Chủng Uẩn:gồm 5 chương
6. Căn Uẩn:gồm 7 chương
7. Ðịnh Uẩn:gồm 5 chương
8. Kiến Uẩn:gồm 5 chương
Phẩm thứ 44, toàn kệ ngôn, nội dung không có gì cần giải thích và cũng không được giải thích trong tác phẩm. Ở sau cuối mỗi mục (trong số 200 mục) đều có ghi chú tác phẩm là chú giải của Phát Trí Luận và thuộc về Hữu Bộ. Vì là chú giải nên nội dung của Tỳ Bà Sa này hoàn toàn rập khuôn chánh luận Phát Trí và các chi tiết không cần thiết cũng không được nhắc tới ở đây.
Với tư cách một người chuyên khảo Tỳ Bà Sa, Watters đã viết: "những nhận định của Huyền Tráng về các nhà tạo luận chắc chắn có phần cường điệu nhưng rõ ràng các tập Tỳ Bà Sa là những công trình nghiên cứu lớn. Qua đó chúng ta có thể bắt gặp những kiến giải phi thường của Phật giáo về nhiều lãnh vực đa dạng, từ các đề tài về Bà La Môn giáo đến cả chuyện văn tự và triết học Veda..."
Luận Tỳ Bà Sa đúng là một bộ Bách Khoa Thư của triết học Phật giáo. Phần lớn những quan điểm tư tưởng của các trường phái triết học cổ đại và đương đại đều được nhắc tới, được bàn soạn một cách cẩn thận. Cho dù chúng ta có tán thành Asvaghosa hay không, thì Tỳ Bà Sa vẫn cứ là một kiệt tác với giá trị của riêng nó. Từ lúc Tỳ Bà Sa được khởi soạn, người ta mặc nhiên gọi tên một số nhà tư tưởng là Luận Sư A Tỳ Ðàm (Abhidharmamahasastrin). Có tất cả hai loại luận sư, dựa theo tư tưởng của từng nhóm và sự phân loại này cũng được nhắc tới trong Tỳ Bà Sa. Ðó là Luận sư trường phái Kế Tân (Kashmirasastrin) và Luận sư trường phái Kiền Ðà La (Gandharasastrin). Dựa trên nguyên tắc liệt kê của Kiền Ðộ Thế Ðệ Nhất Pháp, tôi cũng muốn nêu ra đây một số tên bộ phái và tên người theo từng chủ trương giáo lý như Vibhajyavadin (phân biệt luận giả), kinh Bộ Sư (Sautrantika), Pháp Mật Bộ (Dharmagupta), Ðôïc Tử Bộ (Vatsiputriya), Hóa Ðịa Bộ (Mahisasaka), là những trường phái chủ trương tách rời Tư với Tâm. Phần tên người cũng được kể theo nhóm chủ trương như Pháp Cứu (Dharmatrata, Dharmatara), Giác Thiên (Buddhadeva-Phật Ðà Ðề Bà), Diệu Âm (Ghosa), Hiếp Tôn giả (Parsva), Thế Hữu (Vasumitra), Ca Ða Diễn Ni Tử (Katyayaniputra-Ca Chiên Diên Tử),...
Ở đây tôi lại muốn thêm vào một tác phẩm A Tỳ Ðàm khác cũng được gọi là Tỳ Bà Sa luận và được gán cho ngài Pháp Cứu (Dharmatrata) vừa nhắc trên đây.
-ooOoo-
Trữ lượng: 3 chương, 2 phẩm, 36 trang
Tác giả: Từ tập Ngũ Sự Luận (Pancavastu) của Thế Hữu, Pháp Cứu viết một Tỳ Bà Sa để chú giải. Tương truyền ngài là cậu ruột của ngài Thế Hữu.
Dịch giả: Huyền Tráng (dịch năm 663 Tây Lịch).
1. Sắc Phân Biệt
2. Tâm Phân Biệt
3. Tâm Pháp Phân Biệt
Ngũ sự là: Chủ Thể, Ðối Tượng, Phan duyên, sự Tác Ðộng và kết quả Bị Thu Hút.
-ooOoo-
A TỲ ÐÀM CÂU XÁ LUẬN & (A TỲ ÐÀM) CÂU XÁ BẢN TỤNG (KARIKA)
Tầm vóc quan trọng của Câu Xá Luận đã được nhà chuyên môn đề cập tới (như Burnouf, Kern,... ) thông qua các biên khảo về Abhidharmakosavakhyasphutartha của Yasomitra. Riêng đối với chúng ta lúc này thì vấn đề chính là 2 tài liệu bằng chữ Hán. Một tài liệu bao gồm 602 bài tụng văn vần và tài liệu kia là một tác phẩm văn xuôi có nội dung giải thích tài liệu trước. Paramartha cho biết phần văn xuôi này được biên soạn theo thỉnh nguyện của các Tỳ Bà Sư đương thời. Và lẽ dĩ nhiên là phần văn kệ được đặt gọn trong phần văn xuôi. Sau đây là những đối chiếu cho chúng ta kê cứu:
Trữ lượng: 9 phẩm, 22 chương, 613 trang.
Tác giả: Bà-Tẩu-Bàn-Ðậu (Vasubandhu), 420-500 Tây Lịch.
Dịch giả: Chân Ðế (Paramartha), 563-567 Tây Lịch.
Trữ lượng: 9 phẩm, 30 chương, 559 trang.
Tác giả: Thế Thân Tôn giả (Vasubandhu).
Dịch giả: Huyền Tráng, 651-654 Tây Lịch.
(Tibeto-Chinese catalogue còn chú thêm một tên gọi khác nữa là A Tỳ Ðạt-La-Ma-Ca-Sa-Sa-Tất-Ðặc-La).
Trữ lượng: 602 câu kệ, 8 phẩm, 2 chương, 53 trang.
Tác giả: Thế Thân (Vasubandhu)
Dịch giả: Huyền Tráng, dịch năm 651 Tây Lịch.
Luận này còn được Tibeto-Chinese Catalogue gọi là A Tỳ Ðạt La Ma Ca Sa Gia Lý Gia.
1. Phẩm Phân Biệt Giới: 44 câu kệ
2. Phẩm Phân Biệt Căn: 74 câu kệ
3. Phẩm Phân Biệt Thế: 99 câu kệ
4. Phẩm Phân Biệt Nghiệp: 130 câu kệ
5. Phẩm Phân Biệt Tuỳ Miên: 69 câu kệ
6. Phẩm Phân Biệt Thánh Hiền: 83 câu kệ
7. Phẩm Phân Biệt Trí: 61 câu kệ
8. Phẩm Phân Biệt Ðịnh: 39 câu kệ
9. Phẩm Phá Ngã Chấp: (không thấy ghi số câu kệ!).
Tập Abhidharmakosavakhyasphutartha của Yasomitra lại đưa ra một mục lục như sau:
1. Dhatunirdeso nama prathamam kosasthanam
2. Indriyanirdeso nama dvitiyam kosasthanam
3. Trtiyam kosasthanam
4. Caturtham kosasthanam
5. Anusayanirdeso nama pancamam kosasthanam
6. Sastham kosasthanam
7. Saptamam kosasthanam
8. Astamam kosasthanam
9. Deest!
Ở các phẩm 3, 4, 6, 7, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung Lokanirdeso, Karmanirdeso, Aryapudgalanirdeso và Jnananirdeso nama. Nhưng ở hai phẩm 8, 9 thì gay đấy. Theo Paramartha thì chương 8 có thể là chữ gì đó tương tự như Samapatti. Ông Wogihara đề nghị chữ Samadhi bởi Samapatti không ổn về ngữ âm cho câu kệ. Về phẩm thứ chín thì Yasomitra không đả động gì tới, nhưng để tạo một đối xứng giữa hai bản Hán-Phạn thì chúng ta phải có hướng giải quyết, nghĩa là không thể làm ngơ như Yasomitra. Theo Ông Wogihara thì đó là chữ Atmavadapratisedhanirdeso, một dụng ngữ đã được dùng rộng rãi.
Ở cuối mỗi chương đều luôn ghi rõ rằng Câu Xá Luận là của riêng Hữu Bộ.
Trong Câu Xá Luận, các Tỳ Bà Sư Kế Tân được nhắc tới nhiều lần với những danh xưng khác nhau như 7 lần được gọi là Tỳ Bà Sư Kế Tân (Kasmiravaibhasika), 2 lần Luận Sư Kế Tân (Kasmirasastrin), và 10 lần Tỳ Bà Sư (Vaibhasika). Những trích dẫn phong phú của Câu Xá Luận tôi không thể nhớ hết được, chỉ có thể kể đại khái như Túc Luận Prajnaptipada được nhắc tới một lần (ở chương 6), Du Già Sư và Ðộc Tử Bộ được nhắc tới cũng một lần (ở chương 23, 30). Còn lại biết bao luận thư và bộ phái khác nhưng tiếc là tôi chỉ có thể đọc lướt qua mà thôi.
-ooOoo-
A TỲ ÐÀM THUẬN CHÁNH LÝ LUẬN (Abhidharmanyayanusara)
& A TỲ ÐÀM HIỂN CHÂN LUẬN (Abhidharmasamayapradipika) của Sanghabhadra
Paramartha đã cho chúng ta biết rằng Sanghabhadra là một người đối lập ra mặt với Thế Thân. Ông đã biên soạn tại Ayodhya hai luận thư. Một quyển nhan đề Quang-Tam-Ma-Da-Luận bao gồm 10,000 thính tiết, nội dung biện giải Tỳ Bà Sa, còn quyển kia là Tuỳ Thực Luận có 120,000 thính tiết gồm một nội dung phê bình Câu Xá Luận theo phong vị của Tỳ Bà Sa. Tương truyền rằng Sanghabhadra từng thách đố Thế Thân tranh luận trực tiếp nhưng bị Thế Thân từ chối.
Huyền Tráng đã từ giai thoại trên đây kể thêm rằng Thuận Chánh Lý Luận buổi đầu có nhan đề là Câu Xá Bạc Luận (nôm na là Mảnh Vụn của Câu Xá) nhưng sau khi Sanghabhadra qua đời, Thế Thân vì muốn tỏ lòng tôn trọng đối thủ nên đã sửa lại thành Abhidharma- Nyayanusara (Thuận Chánh Lý A Tỳ Ðàm). Ðương nhiên, Sanghabhadra không phải là sư phụ của Thế Thân như Taranatha đã nói. Mà ngược lại, y cứ theo những gì Paramartha và Huyền Tráng cung cấp, Sanghabhadra và Thế Thân xem ra còn không quen biết nhau nữa cũng nên.
Về quyển Hiển Chân Luận, chính tác giả đã ghi rằng đó là cuốn tóm lược nội dung nhiêu khê khó hiểu của cuốn Thuận Chánh Lý Luận vốn khó dung nạp đối với người học. Giữa hai cuốn chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là Hiển Chân Luận chỉ bàn về Tỳ Bà Sa, còn Thuận Chánh Lý Luận thì bàn rộng sang các trường phái khác. Ngay chính Câu Xá Bản Tụng của Thế Thân vốn là tác phẩm tổng hợp giáo lý của các luận Tỳ Bà Sa và cũng cứ được các nhà Tỳ Bà Sư chấp nhận. Chỉ riêng phần văn xuôi của Câu Xá Luận là bị công kích vì người ta đã phát hiện ở đó những quan điểm giáo lý của Kinh Lượng Bộ. Ðây chính là lý do tại sao Sanghabhadra đã ngang nhiên trích dẫn các bài tụng của Thế Thân rồi tự tiện giải thích chúng theo quan điểm truyền thống của Hữu Bộ. Một nghiên cứu về hai dòng triết Phật giữa Thế Thân và Sanghabhadra, một giai đoạn của tân phái Tỳ Bà Sư, chắc chắn rất thú vị nhưng trong khuôn khổ có hạn của bài biên khảo này chúng ta không thể đi xa hơn.
A. A TỲ ÐẠT MA THUẬN CHÁNH LÝ LUẬN
Tổng lượng: 8 phẩm, 80 chương, 1751 trang
Tác giả: Tôn giả Chúng Hiền (Sanghabhadra)
Dịch giả: Huyền Tráng (653-654)
Tibeto-Chinese catalogue chỉ phiên âm tên Phạn của tập luận là Di-Nha-Yểm-A-Nậu-Tát La-Sa-Tất-Ðặc-La. Paramartha phiên âm tên tác giả là Tăng Già Bạt Ðà La.
1. Phẩm Biện Bổn Sự
2. Phẩm Biện Sai Biệt
3. Phẩm Biện Duyên Khởi
4. Phẩm Biện Nghiệp
5. Phẩm Biện Tuỳ Miên
6. Phẩm Biện Thánh Hiền
7. Phẩm Biện Trí
8. Phẩm Biện Ðịnh
Chỉ trừ chương 9, cuối mỗi chương đều có ghi là của riêng Hữu Bộ. Các túc luận Sangitiparyaya, Dharmaskandha và Prajnaptipada được nhắc tới ở chương I như những Mẫu Ðề (Matrika). Các nhà Thượng Toạ Bộ được nhắc tới và bị phê phán ít nhất là 9 lần. Hai phái Tỳ Bà Sư Kế Tân và Tỳ Bà Sư chính thống được nhắc tới hai hoặc ba lần. Bên cạnh đó có nhiều luận thư và trường phái cũng được trích dẫn như Prakaranapada (thường xuyên), Vijnanakayapada, Jnanaprasthana, Prajnaptipada, Sautrantika, Vibhajyavada, Yoyacarya,...
Tổng lượng: 9 phẩm, 40 chương, 749 trang
Tác giả: Chúng Hiền
Dịch giả: Huyền Tráng (651-652 Tây Lịch)
Ngoài nhan đề Abhidharmasamayapradipika, luận này còn được gọi là Abhidharma- prakaranasasanasastra (theo Tibeto-Chinese Catalogue).
1. Tự Phẩm (phẩm giới thiệu)
Mở đầu tác phẩm, Sanghabhadra viết: "Tôi đã biên soạn một luận thư mang nhan đề Thuận Chánh Lý. Những ai ưa chuộng suy tư triết học rất nên nghiên cứu tác phẩm đó. Có điều là ngôn ngữ trong đó quá khúc chiết, người muốn học hiểu phải tốn nhiều công sức. Nhằm mục đích giản lược cho dễ hiểu tôi lại soạn tiếp bộ Hiển Tông Luận. Tôi luôn tôn trọng các Tụng Kệ trong Câu Xá của Thế Thân và xem đó như một nguồn tài liệu tham khảo. Ðồng thời tôi cắt bớt chỗ dông dài của Thuận Chánh Lý Luận để thay vào đó những luận giải chính nhằm điều chỉnh cái sai của Thế Thân và vạch rõ đâu mới là chân lý thật sự".
2. Phẩm Biện Bổn Sự
3. Phẩm Biện Sai Biệt
4. Phẩm Biện Duyên Khởi
5. Phẩm Biện Nghiệp
6. Phẩm Biện Tuỳ Miên
7. Phẩm Biện Hiền Thánh
8. Phẩm Biện Trí
9. Phẩm Biện Ðịnh
Cuối tác phẩm có một câu kệ mang nội dung là "người học Phật không những phải dốc sức nắm bắt nhanh chóng giáo lý mà còn phải lưu tâm tới cái gì là chân lý thật sự. Nghĩa là ngoài các luận thư ta không thể lãng quên khuôn thước căn bản ở A-hàm tạng".
Ở cuối các chương 11-20, 31-40 đều có ghi là quan điểm của riêng Hữu Bộ. Trong Hiển Tông Luận nhắc tới khá nhiều tài liệu như các tập Tỳ Bà Sa, Duy Thức, Câu Xá, Pháp Uẩn Túc Luận, Thi Thiết Túc Luận và cả Thuận Chánh Lý Luận,...
Ngoài 7 tập A Tỳ Ðàm cùng các luận thư trực tiếp liên quan, vẫn còn có một số tác phẩm A Tỳ Ðàm khác cũng được cho là của Hữu Bộ. Bỏ qua những điểm tồn nghi, tôi tạm thời kể ra đây vài tác phẩm Hữu Bộ đã được nói tới trong bài biên khảo này hoặc đã được các tài liệu khác quan tâm.
C. A TỲ ÐẠT MA CAM LỘ VỊ LUẬN (Abhidharma Amrtasastra)
Tổng lượng: 16 chương, 2 phẩm, 55 trang
Tác giả: Cù-Sa (Ghosa-Diệu Âm)
Dịch giả: Khuyết danh. Chỉ biết luận được dịch vào thời nhà Ngụy (220-265 Tây Lịch).
1. Phẩm Bố Thí - Trì Giới
2. Phẩm Giới Ðạo (sinh thú)
3. Phẩm Trụ Thực Sinh
4. Phẩm Nghiệp
5. Phẩm Âm Trì Nhập (Uẩn)
6. Phẩm Hành (Hữu vi)
7. Phẩm Nhân Duyên Chủng
8. Phẩm Tịnh Căn
9. Phẩm Kiết Sử (Triền và Tuỳ Miên)
10. Phẩm Vô Lậu Nhân
11. Phẩm Trí
12. Phẩm Thiền Ðịnh
13. Phẩm Tạp Ðịnh
14. Phẩm Tam Thập Thất
15. Phẩm Tứ Ðế
16. Phẩm Tạp.
Ðến nay thì luận này cứ được xem là của Hữu Bộ. Wassilief xếp Cam Lộ Vị Luận vào một chỗ trong Túc Luận Thi Thiết nhưng căn cứ trên nội dung của nó thì tôi vẫn xem nó là của Hữu Bộ.
D. A TỲ ÐÀM TÂM LUẬN (Abhidharmahrdaya)
Tổng lượng: 10 phẩm, 4 chương, 96 trang
Tác giả: Pháp Thắng (Dharmottara)
Dịch giả: Tăng Già Ðề Bà (Sanghadeva) và Huệ Viễn
E. PHÁP THẮNG A TỲ ÐÀM TÂM LUẬN
Tổng lượng: 10 phẩm,... chương, 139 trang
Tác giả: Ưu Bà Sẩn Ðà (Upasanta)
Dịch giả: Narendrayasa, năm 563 Tây Lịch
Tác phẩm này là chú giải của A Tỳ Ðàm Tâm Luận.
Tổng lượng: 11 phẩm, 16 chương, 362 trang
Tác giả: Pháp Cứu (Dharmatrata hoặc Dharmatara)
Dịch giả: Tăng Già Bạt Ma (Sanghavarma), năm 434. Cũng là cuốn chú giải của A Tỳ Ðàm Tâm Luận. Tôi ghi ra mục lục ở đây để thấy rằng nó giống hệt 2 Tâm Luận kia.
1. Tự Phẩm
2. Tâm Giới Phẩm
3. Hành Phẩm
4. Nghiệp Phẩm
5. Sử Phẩm (Tuỳ Miên Phẩm)
6. Thánh Hiền Phẩm
7. Trí Phẩm
8. Ðịnh Phẩm
9. Tu Ða La Phẩm (Kinh tạng)
10. Tạp Phẩm
Ở mười phẩm trên đây ở cả ba Tâm Luận đều giống in nhau, riêng phẩm thứ mười một thì có chỗ dị biệt. Ở A Tỳ Ðàm Tâm Luận (D) ghi là Trạch phẩm, Pháp Thắng A Tỳ Ðàm Tâm Luận (E) không có phẩm này và Tạp A Tỳ Ðàm Tâm Luận (F) ghi là Luận phẩm.
Trong Tạp Tâm Luận, A Tỳ Ðàm Tỳ Bà Sa được coi là tài liệu căn bản để biện giải các vấn đề nội dung. Tạp luận nàytương truyền là của Hữu Bộ. Ðó là theo ý Huệ Khải (thế kỷ thứ 6). Vào thế kỷ thứ 5, Ðạo Diên còn xếp Pháp Thắng Tâm Luận song song với Phát Trí Luận và cho rằng nó đã được biên soạn trước Phát Trí Luận.
G. LẬP THẾ A TỲ ÐÀM LUẬN (Lokaprajnaptiabhidharmasastra)
Tổng lượng: 25 phẩm, 10 chương, 200 trang
Tác giả: Khuyết danh
Dịch giả: Chân Ðế (557-568 Tây Lịch)
1. Phẩm Ðịa Ðộng
2. Phẩm Nam Diêm Phù Ðề
3. Phẩm Lục Ðại Quốc
4. Phẩm Dạ Xoa Thần
5. Phẩm Lậu Ðô Kỳ Lợi Tượng Vương (Rajagiri)
6. Phẩm Tứ Thiên Hạ (4 châu lục quanh Tu Di sơn)
7. Phẩm Số Lượng
8. Phẩm Thiên Trụ
9-17. Bàn về kinh đô Thiện Kiến (của cõi Ðao Lợi) cùng Tứ Ðại Thiên Vương, và các hoa viên cõi trời.
18.Phẩm Thiên Phi Thiên Ðấu (về trận đánh giữa chư thiên và A Tu La)
19. Phẩm Nhật Nguyệt Hành
20. Phẩm Vân Hà (phép chia ngày đêm)
21. Phẩm Thọ Sanh
22. Phẩm Thọ Lượng
23. Phẩm Ðịa Ngục
24. Phẩm Tiểu Tam Họa
25. Phẩm Ðại Tam Họa
Luận này cũng được coi là của Hữu Bộ. Theo chỗ tôi nhận xét thì Lập Thế Luận giải quyết vấn đề mà Thi Thiết Túc Luận đã bỏ sót, hoặc vì sơ thất hoặc do có mục đích, và bổ sung một cách xuất sắc những lỗ hổng để cung cấp cho chúng ta hôm nay một gợi ý về nguyên dạng của Thi Thiết Túc Luận. Và chúng ta cũng không bắt gặp chỗ nào trái khoáy khi chấp nhận nó là một tác phẩm của Hữu Bộ.
Còn vài ba tác phẩm nữa có thể là của Hữu Bộ mà tôi chỉ lược kê chứ không đi vào chi tiết ở đây.
Tổng lượng: 2 chương, 34 trang
Tác giả: Tắc Kiền Ðịa La (S. Julien và Watters khôi phục tên Phạn là Skandhila, Nanjio lại cho là Sugandhara)
Dịch giả: Huyền Tráng, năm 658.
Nội dung giải quyết 75 yếu pháp A Tỳ Ðàm thông qua 8 phạm trù căn bản (padartha) của bộ phái: 11 Sắc pháp, 1 Tâm Vương, 46 Tâm pháp (tâm sở), 14 pháp Bất Tương ưng Tâm và 3 Vô vi pháp.
Tổng lượng: 4 phần, 33 chương, 30 mục, 620 trang
Tác giả: Xá Lợi Phất
Dịch giả: Pháp Hộ (Dharmagupta) và Ðàm Ma Da Xá (Dharmayasa), dịch từ 414-415.
Không có điểm tương đồng với Sangitiparyaya (một trong 6 Túc Luận) nhưng vẫn được gán cho tác giả Xá Lợi Phất và đương nhiên nội dung vẫn là giáo lý A Tỳ Ðàm.
Luận có nội dung giải quyết các vấn đề Nhập, Giới, Uẩn, Ðế, Căn, Giác Chi, Nghiệp, Người, Trí, Nhân, Niệm xứ, Thần túc, Thiền, Ðạo, Phiền não,...
J. TÙY TƯỚNG LUẬN (Laksananusarasastra)
Tổng lượng: 2 chương, 41 trang
Tác giả: Gunamati (có thể là tác giả một bộ chú giải Câu Xá Luận và một học trò của Thế Thân cũng mang tên này)
Dịch giả: Chân Ðế, 557-569 Tây Lịch.
Nội dung bàn về 12 duyên khởi và 4 đế, có nhắc tới các nhà Tỳ Bà Sư và đích danh Thế Thân. Ngoài ra luận cũng đề cập đến Ðộc Tử Bộ, Kỳ Na Giáo, Chánh Lượng Bộ, Uluka và nhiều danh sư các trường phái.
-ooOoo-
Trọn phần thư tịch vừa trưng dẫn trong bài biên khảo chỉ đưa ra một đối chiếu về các tác phẩm Hữu Bộ qua bản Hán văn. Nhưng như tôi đã từng xác nhận là chúng ta hiện vẫn còn giữ lại nguyên vẹn Luật tạng của Hữu Bộ. Như vậy với lượng kinh điển này, Hữu Bộ xem ra cũng chẳng kém cạnh Thượng Tọa Bộ là mấy vì Thượng Tọa Bộ cho đến hôm nay vẫn còn bảo trì nghiêm cẩn hai bộ phận giáo điển đó. Một công trình nghiên cứu và đối chiếu về giáo điển hai bộ phái này chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta một hiểu biết lớn rộng về lịch sử phát triển của Phật giáo Ấn Ðộ.
Sự tồn tại tích cực của Hữu Bộ, như các tác phẩm của bộ phái này đã thể hiện, có sức ảnh hưởng sâu xa đối với đời sống tâm linh của Ấn Ðộ ít nhất cũng không dưới nghìn năm. Một điều có thể xác định được là trước khi chính thức trở thành một bộ phái độc lập, Hữu Bộ đã có mâu thuẫn với Phật giáo nguyên thủy do những quan điểm riêng tư, rồi tương truyền là từ đó đã bỏ vùng thung lũng sông Hằng để tìm về địa bàn mới là Kashmir.
Trong hoạt động để tồn tại, các nhà Hữu Bộ còn phải đối đầu với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo Ðại Thừa. Bởi dù sao họ cũng cứ bị xem là "Tiểu Thừa" với quan điểm Nhất Thiết Hữu (Sarvasstitva) 2, và đã tồn tại như một dấu gạch nối giữa Phật giáo nguyên thủy với hệ thống giáo lý mới mẻ mà bộ phái đã chủ trương 3. Khi được trình bày sáng sủa trong hình thức các luận thư như trong hiện tại, giáo lý Hữu Bộ qua một ngôn ngữ Tây Phương nào đó sẽ trở nên dễ hiểu hơn và tôi còn nghĩ rằng những lỗ hổng của nó sẽ được lấp đầy cũng như các điểm quan yếu của đạo Phật sẽ được khôi phục. Với một niềm tin như vậy về tương lai tôi xin kết thúc bài biên khảo này của mình dù tự biết nó thật ra vẫn còn nhiều thiếu sót. Công trình khảo cứu bé mọn này tuyệt không phải là đã chu tất và cũng không phải một phương pháp làm việc. Ðối với các tài liệu trên, tôi chỉ đọc lướt qua và vì vậy những lời dịch của tôi trong bài này cũng thường là thử điểm mà thôi. Và có thể tôi đã không thể viết xong bài biên khảo này nếu không có sự giúp đỡ quan trọng của Mr. Wogihara, một chuyên gia về các dòng văn học Phật Giáo. Các chú thích của ông đã nói lên một công phu nghiên cứu cẩn thận về các kinh điển quan trọng như Bồ Tát Ðịa, Câu Xá Luận,...
Tôi cũng không quên bày tỏ lòng tri ân chân thành đến giáo sư Rhys Davids, người đã dành nhiều khích lệ và lo lắng cho bài biên khảo được hoàn tất.
Dịch xong đêm trừ tịch 99-2000 Tây Lịch
Houston 01/01/00
Tỳ kheo Giác Nguyên.
1Còn được khôi phục thành Sanghabhuti nhưng có lẽ không đúng.
2Hai bộ phái đã tạo ra Ðại Thừa là Không-Tông (Trung Quán phái) và Duy Thức Tông, xem I Tsing’s Record.
3Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân,... đều từ Hữu Bộ qua tu bên Ðại Thừa.
---o0o---
---o0o---
Source : BuddhaSasana Home Page
---o0o---
Trình bày : Nhị Tường